VĂN HÓA ONLINE – CHÂU Á THÁI B DƯƠNG - THỨ BẨY 06 AUG 2022
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com
Antony Blinken, Vương Nghị khẩu chiến; Mỹ đi ngoại giao VN và Philippines
06/08/2022 Thanh Niên Online
Trong khi ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo về "khủng hoảng lớn hơn" ở eo biển Đài Loan, ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Bắc Kinh "vô trách nhiệm" khi cắt đứt các kênh liên lạc.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. afp
Căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington và Đài Bắc đã leo thang lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 2.8 trở thành quan chức cấp cao nhất của Washington ghé thăm Đài Loan trong vòng 25 năm.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp tục cáo buộc Washington tạo ra căng thẳng, giữa lúc Bắc Kinh tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật trên quy mô chưa từng có nhằm vào Đài Loan để đáp trả chuyến thăm của bà Pelosi. Mỹ đã phản ứng bằng cách tăng cường triển khai quân sự tại khu vực.
"Chiến thuật thông thường của Mỹ là trước tiên họ tạo ra các vấn đề, sau đó sử dụng chúng để đạt được mục tiêu. Nhưng cách tiếp cận này sẽ không hiệu quả với Trung Quốc", ông Vương nói bên lề hội nghị ngoại trưởng của ASEAN tại Campuchia, theo South China Morning Post.
Ông nói: "Chúng ta phải nghiêm túc cảnh báo Mỹ không nên hành động hấp tấp hoặc tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói Trung Quốc "vô trách nhiệm" khi cắt đứt các kênh liên lạc với Washington, và hành động của Bắc Kinh cho thấy họ đang chuyển từ việc ưu tiên giải pháp hòa bình sang việc sử dụng vũ lực trong vấn đề Đài Loan. Trung Quốc vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẽ tái thống nhất bằng mọi giá, kể cả vũ lực.
Theo ông Blinken, việc Trung Quốc chặn đứng các tiến trình song phương trong tám lĩnh vực chính, bao gồm quốc phòng, ma tuý, tội phạm xuyên quốc gia và biến đổi khí hậu, là những động thái sẽ gây thiệt hại cho cả thế giới chứ không chỉ Mỹ.
"Những tiến trình đó bao gồm một số kênh liên lạc giữa quân đội hai nước, vốn đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng tránh hiểu lầm và ngăn ngừa khủng hoảng", ông nói trong một cuộc họp báo ở Philippines ngày 6.8, theo Reuters.
Ông Blinken cho biết ông đã nói với người đồng cấp Trung Quốc tại Campuchia rằng Mỹ quyết tâm duy trì các kênh liên lạc để ngăn chặn nguy cơ tính toán sai lầm.
"Mỹ không tin rằng việc leo thang tình hình là vì lợi ích của Đài Loan, khu vực hoặc an ninh quốc gia của chúng tôi", nhà ngoại giao hàng đầu Washington khẳng định.
+++++++++++++++++++++++++++++++
Ngoại trưởng Mỹ - Việt gặp nhau, Hoa Kỳ cam kết với đồng minh giữa căng thẳng Đài Loan
VOA 05/08/2022
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gặp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại Phnom Penh, Campuchia, vào ngày 5/8/2022.
Ngoại trường Hoa Kỳ Antony Blinken vừa có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn vào ngày 5/8, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với Đối tác từ ngày 2-6/8 tại Phnom Penh, Campuchia.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dẫn lời Ngoại trưởng Blinken nói ông “rất vui khi được gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn”, và “Thông qua Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam, chúng ta đang ngày càng hợp tác chặt chẽ để hướng tới sự thịnh vượng và an ninh chung. Mối quan hệ hữu nghị bền chặt và tầm nhìn chiến lược chung giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chắc chắn sẽ ngày càng phát triển”.
Thông qua sự hiện diện của Ngoại trưởng Blinken tại cuộc họp của ASEAN, chính quyền Biden được cho là đang nỗ lực khẳng định cam kết đồng hành với khu vực này trước mối đe dọa của Trung Quốc, đặc biệt giữa bối cảnh Bắc Kinh đang thực hiện cuộc tập trận lớn “chưa từng có tiền lệ” xung quanh Đài Loan nhằm đáp trả chuyến thăm hòn đảo của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Peloci.
“Chúng tôi sẽ gắn bó với các đồng minh và đối tác của mình, đồng thời cùng làm việc và thông qua các tổ chức khu vực để cho phép bạn bè trong khu vực đưa ra quyết định của riêng họ mà không bị ép buộc”, New York Times dẫn lời Ngoại trưởng Blinken nói tại một cuộc họp báo.
Tờ báo Mỹ nhận định những hoạt động quân sự đang diễn ra hiện nay của Bắc Kinh xung quanh Đài Loan vượt xa những hành động đe dọa trước đó, với tên lửa Trung Quốc lần đầu tiên bắn vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và tên lửa bắn qua vùng biển của Đài Loan. Các động thái này được xem như một thông điệp nhiều tầng mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn gửi đi, rằng: “Ngươi rất mong manh, và Trung Quốc sẽ không để cho Hoa Kỳ ngăn cản”.
Ngoại trưởng Antony Blinken đã tìm cách phản bác lại lập luận đó trong một bài phát biểu hôm 5/8 trước những người đồng cấp Đông Nam Á tại Campuchia.
New York Times dẫn lời một quan chức phương Tây tham dự cuộc họp cho biết ông Blinken, người phát biểu sau Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc, nói với ASEAN rằng Bắc Kinh tìm cách đe dọa không chỉ Đài Loan mà còn cả các nước láng giềng. Ông gọi phản ứng của chính phủ Trung Quốc đối với chuyến thăm ôn hòa của bà Pelosi là “khiêu khích rõ ràng”, đồng thời đặt câu hỏi liên quan đến việc tên lửa Trung Quốc rơi gần Nhật Bản rằng “Quý vị sẽ cảm thấy thế nào nếu điều này xảy ra với quý vị”.
Theo New York Times, trong số các thành viên ASEAN, Việt Nam "là một câu hỏi hóc búa dai dẳng đối với người Mỹ". Các quan chức Mỹ hiểu rõ mối thù lịch sử dai dẳng của Việt Nam đối với Trung Quốc, và mối thù này ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông tiếp diễn. Vì vậy, Việt Nam có thể là một đối tác tự nhiên của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ nói họ đang nhận thấy các lãnh đạo Việt Nam muốn vượt rào đối với cả hai siêu cường.
Về phía Hà Nội, hôm 3/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình eo biển Đài Loan hiện nay, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách ‘một Trung Quốc’ và mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”.
+++++++++++++++++++++++++++++
Ngoại trưởng Blinken ghé Manila, ca ngợi liên minh “mạnh mẽ” giữa Hoa Kỳ và Philippines
Đăng ngày: 06/08/2022
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (phải) tiếp ngoại trưởng Anthony Blinken tại phủ tổng thống Malacanang, thủ đô Manila, ngày 06/08/2022. AP - Andrew Harnik
Ngay sau hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Cam Bốt, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bay qua Manila, và đã có cuộc tiếp xúc hôm 06/08/2022 với tân tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. Theo AFP, mục tiêu chuyến thăm là nhằm nhấn mạnh liên minh được ông Blinken đánh giá là “mạnh mẽ” giữa Washington và Manila, trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là quan chức Mỹ cấp cao nhất đến thăm Philippines kể từ khi ông Marcos nhậm chức tổng thống hôm 30/06. Nhân cuộc hội đàm tại phủ tổng thống Philippines, ông Blinken đã nhấn mạnh rằng liên minh giữa hai nước rất “chặt chẽ”, và có thể phát triển “mạnh mẽ hơn nữa”.
Về phần mình, tổng thống Philippines Marcos cũng ca ngợi “mối quan hệ đặc biệt” giữa hai nước. Hoa Kỳ có một hiệp ước an ninh với Philippines và đã ủng hộ Manila trong các tranh chấp ngày càng nóng ở Biển Đông với Bắc Kinh.
Cuộc gặp của Blinken với Marcos diễn ra sau khi Trung Quốc phát động một loạt cuộc tập trận quân sự lớn xung quanh Đài Loan, nhằm trả đũa việc chủ tịch Hạ Viện Mỹ ghé thăm Đài Loan, những phản ứng bị Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây tố cáo là thái quá.
Đối với tổng thống Philippines, chuyến thăm của bà Pelosi chỉ thể hiện “cường độ” hiện có của cuộc tranh chấp, chứ không làm gia tăng căng thẳng. Giống như các thành viên khác của ASEAN, Philippines không chính thức công nhận Đài Loan và tỏ ra không muốn ủng hộ Đài Bắc chống lại Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao Philippines hôm thứ Năm cho biết họ "lo ngại về những căng thẳng đang gia tăng" ở khu vực nằm ở phía bắc nước này và kêu gọi "tất cả các bên kiềm chế". Đối với Manila: “Ngoại giao và đối thoại phải chiếm ưu thế”.
Theo AFP, Hoa Kỳ có mối quan hệ phức tạp với Philippines - và gia đình Marcos. Cha của đương kim tổng thống Philippines là cố tổng thống Ferdinand Marcos Senior, từng được Mỹ coi là đồng minh thời Chiến Tranh Lạnh và ủng hộ trong hai thập kỷ, nhưng sau đó đã phải bỏ nước chạy qua sống lưu vong ở Hawaii (Hoa Kỳ) trước làn sóng phản đối của dân chúng và sự thúc đẩy của Washington vào năm 1986.
Trong những năm gần dây, do căng thẳng khu vực gia tăng, Washington đã chủ trương duy trì quan hệ quốc phòng và an ninh chặt chẽ với Manila, bao gồm hiệp ước phòng thủ chung và thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ cất trữ thiết bị và vật tư quốc phòng tại một số căn cứ của Philippines, cũng như cho phép quân đội Mỹ tiếp cận một số căn cứ quân sự nhất định trong nước.