Vệ tinh tiết lộ hàng rào nổi chặn lối vào bãi cạn Scarborough

26 Tháng Hai 20246:51 SA(Xem: 344)

VĂN HÓA ONLINE – THẾ GIỚI II - THỨ HAI 26 FEB 2024


Hình ảnh vệ tinh tiết lộ hàng rào nổi chặn lối vào bãi cạn Scarborough


image007Nguồn hình ảnh, Maxar Technologies/Reuters. Hình vệ tinh chụp Bãi cạn Scarborough


BBC/Reuters


https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ckvevn2v49vo


Hình ảnh vệ tinh chụp Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông cho thấy một hàng rào nổi mới được dựng lên chặn lối vào khu vực này, gần nơi các tàu của Philippines và tàu cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên có các cuộc va chạm, theo nguồn tin độc quyền của Reuters.


Một trong những hình ảnh do Maxar Technologies chụp hôm 22/2 và Reuters được độc quyền xem cho thấy hàng rào này chắn ngang lối vào bãi cạn, nơi cảnh sát biển Trung Quốc tuần trước khẳng định họ đã xua đuổi một tàu Philippines ‘xâm nhập trái phép’ vào vùng biển mà Bắc Kinh nói của mình.


Philippines tuần trước vừa triển khai một tàu của Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản tới tuần tra ở bãi cạn và tiếp nhiên liệu cho ngư dân Philippines đang hoạt động ở khu vực này. Philippines nói rằng tuyên bố của Trung Quốc là ‘không chính xác’ và các hoạt động của Manila là hợp pháp.


Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với Bãi cạn Scarborough, dù bãi này nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines. Một tòa án trọng tài quốc tế ở La Haye đã khẳng định rằng các tuyên bố của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý – một quyết định mà Bắc Kinh bác bỏ.


Hành động của Trung Quốc biến rạn san hô này thành một trong những thực thể trên biển gây tranh chấp nhất ở châu Á và trở thành điểm nóng ngoại giao về chủ quyền và quyền đánh bắt cá.

image005

Nguồn hình ảnh, Maxar Technologies/Reuters


Chụp lại hình ảnh,


Một hình ảnh khác của Bãi cạn Scarborough mà Maxar Technologies chụp được


Các hình ảnh vệ tinh củng cố một báo cáo và video do Lực lượng Tuần duyên Philippines công bố hôm Chủ nhật (25/2) cho thấy hai tàu bơm hơi của cảnh sát biển Trung Quốc đang triển khai các hàng rào nổi tại lối vào bãi cạn.


Lực lượng Tuần duyên Philippines nói rằng một tàu của cảnh sát biển Trung Quốc đã theo dõi tàu của Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản Philippines, “tiến hành các biện pháp ngăn chặn” cách bãi cạn khoảng 1,3 hải lý (2,4 km) và tiếp cận rất gần bãi này.


“Chúng tôi cho rằng (rào chắn) là dùng để nhắm vào các tàu của chính phủ Philippines vì họ lắp đặt nó mỗi khi họ giám sát sự hiện diện của chúng tôi trong khu vực lân cận đảo Bajo de Masinloc,” Jay Tarriela, người phát ngôn của Tuần duyên Philippines, nói.


Bajo de Masinloc là tên Philippines dùng để gọi Bãi cạn Scarborough.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói rằng "Hoàng Nham Đảo", tên mà Trung Quốc đặt cho bãi cạn này, là "lãnh thổ vốn có của Trung Quốc".


Bà này nói: “Gần đây, phía Philippines đã thực hiện một loạt hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển gần bãi cạn này. Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của mình.”


Một hình ảnh vệ tinh khác cho thấy hoạt động được mô tả là "có khả năng Trung Quốc đánh chặn tàu của Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản Philippines " tại Bãi cạn Scarborough.


Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, tuyến hàng hải có lượng hàng hóa lưu thông mỗi năm hơn 3.000 tỷ USD.


Yêu sách của nước này chồng chéo với yêu sách của Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.


Ian Storey, một thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, nhận định: “Những gì chúng ta đang thấy ở Bãi cạn Scarborough hiện nay có thể là sự khởi đầu cho việc Bắc Kinh đẩy lùi nỗ lực của Manila”.


Ông nói, kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nhậm chức vào tháng 6/2022, Philippines đã thách thức sự hiện diện của Trung Quốc tại Scarborough và những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn việc tiếp tế cho quân đội Philippines đóng tại Bãi cạn Second Thomas.


Ông Storey nói: “Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn ngư dân Philippines đánh cá ở Bãi cạn Scarborough là hoàn toàn bất hợp pháp. Phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 đã trao cho ngư dân của cả hai nước quyền đánh bắt cá ở đó. Manila chỉ đơn thuần ủng hộ các quyền hợp pháp của ngư dân Philippines."


Bãi cạn này được ưa chuộng nhờ nguồn cá dồi dào và màu nước ngọc lam tuyệt đẹp, cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho tàu thuyền khi có bão.


Bà Tarriela cho biết người Trung Quốc đã dỡ bỏ rào cản vài giờ sau khi tàu của Philippines rời đi. Các bức ảnh không cho thấy rõ rào chắn chắc chắn đến mức nào và liệu nó có gây trở ngại cho các tàu chiến lớn hơn hay không.


Trong một bài báo hôm Chủ nhật, tờ Global Times của Trung Quốc đăng bài viết trong đó nói rằng “Philippines đã lạm dụng và đơn phương phá hoại nền tảng thiện chí của Bắc Kinh đối với Manila” vốn cho phép ngư dân Philippines hoạt động gần đó, bằng cách xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc.


Bài báo dẫn lời các chuyên gia cho rằng: “Nếu những hành động khiêu khích như vậy vẫn tiếp diễn, Trung Quốc có thể buộc phải thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn để kiểm soát tình hình”.


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Cuộc chiến nơi bãi cạn Scarborough


BBC 097/2021


Cách đây 5 năm, cũng vào tháng 7, Philippines đã chiến thắng Trung Quốc trong một vụ kiện pháp l‎‎‎ý, liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.


Tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc vẫn tăng cường sự hiện diện của các tàu hải cảnh tại khu vực. Nơi vốn tấp nập tàu thuyền của các ngư dân từ Đài Loan, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam giờ trở nên vắng vẻ.


Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực ở The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết rằng "không có cơ sở pháp lý" cho việc Trung Quốc đòi hỏi "quyền lịch sử" trên những tài nguyên tại các vùng biển nằm trong bản đồ "đường 9 đoạn" ở Biển Đông.


Theo đó, Bắc Kinh đã vi phạm luật pháp khi chiếm giữ và phong tỏa các ngư trường đánh bắt truyền thống của Philippines, bao gồm bãi cạn Scarborough.


Nằm cách bờ biển của Philippines khoảng 225 km, bãi cạn Scarborough là một đảo san hô, có quy mô bằng đảo Manhattan, ở thành phố New York.


Kể từ năm 2012, lực lượng hải cảnh Trung Quốc liên tục hiện diện tại đây, một số ngư dân Philippines đã báo cáo một số vụ tấn công từ chính quyền Trung Quốc.


Trong những tháng tới, Hải quân Hoàng gia Anh cử đội tàu tấn công do hàng không mẫu hạm chỉ huy vào Biển Đông để thanh tra việc tôn trọng quyền tự do hàng hải.


Phóng viên BBC tại Philippines, Howard Johnson đã đi trên một chiếc thuyền vào bãi cạn này để có cái nhìn cận cảnh về những động thái của Trung Quốc 5 năm sau ngày phán quyết.


Hải cảnh Trung Quốc ‘vờn’ tàu tuần tra Philippines


image008Nguồn hình ảnh, Lisa Marie David/Bloomberg/Getty Images. Một tàu của Hải cảnh Trung Quốc (hình chụp từ tàu tuần duyên BRP Sindangan của Philippines vào ngày 10/11/2023)


BBC 12/2/2024


Tuần duyên Philippines tố cáo tàu Trung Quốc đã nhiều lần vờn tàu tuần tra Philippines tại vùng bãi cạn Scarborough, một điểm nóng ở Biển Đông.


Tuần duyên Philippines (PCG) đã cáo buộc tàu Trung Quốc thực hiện các hành động “nguy hiểm và chặn đầu” khi tàu của Philippines đang tuần tra gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông trong tháng này, theo Reuters.


Trong một thông cáo hôm Chủ nhật, Tuần duyên Philippines cho biết trong thời gian tàu BRP Teresa Magbanua đang thực hiện chuyến tuần tra chín ngày gần bãi cạn nói trên, bốn tàu của Hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện việc theo dõi hơn 40 lần.


Bốn tàu dân quân biển Trung Quốc cũng có mặt gần bãi cạn Scarborough, theo PCG.


Tàu BRP Teresa Magbanua là một tàu tuần tra có chiều dài 97 mét do Tập đoàn đóng tàu Mitsubishi của Nhật Bản đóng. Tàu được bàn giao cho Tuần duyên Philippines vào đầu năm 2022.


Nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, bãi cạn Scarborough cũng được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, khiến nơi đây trở thành một trong những thực thể trên biển có tranh chấp căng thẳng nhất ở châu Á và là một điểm nóng dễ xảy ra xung đột.


PCG cho biết tàu của họ đang ở khu vực này để giúp ngư dân “không bị quấy rối thêm” trên ngư trường truyền thống.


“Các tàu của Hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện các hành động nguy hiểm và chặn đầu trên biển đối với tàu BRP Teresa Magbanua bốn lần, trong đó các tàu Trung Quốc cắt ngang mũi tàu PCG hai lần,” Tuần duyên Philippine thông báo và cho biết thêm rằng các tàu Trung Quốc đã ngang ngược bất chấp các luật lệ quốc tế về ngăn chặn va chạm trên biển.


Trung Quốc có yêu sách đối với gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến hàng hải nhộn nhịp với lưu lượng hàng hóa lưu thông trị giá khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm. Yêu sách của Trung Quốc chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei.


Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm Chủ nhật tuyên bố rằng Scarborough thuộc chủ quyền của Bắc Kinh và các hoạt động của Hải cảnh Trung Quốc trong khu vực này là hợp pháp.


"Trung Quốc yêu cầu Philippines tôn trọng quyền chủ quyền, các quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc, đồng thời chấm dứt các hoạt động xâm phạm trên biển. Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền, các quyền và lợi ích trên biển theo đúng luật pháp,” Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu trong phản hồi trước yêu cầu bình luận từ Reuters.


image009Nguồn hình ảnh, NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images. Trong chuyến thăm Hà Nội mới đây của Tổng thống Marcos Jr, Philippines và Việt Nam đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước


Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye đã ra phán quyết rằng các yêu sách của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý; Bắc Kinh bác bỏ phán quyết trên.


Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã không ngừng đưa ra các yêu sách về chủ quyền cũng như thực hiện các hoạt động thực địa gây căng thẳng trên Biển Đông.


Việt Nam và Philippines là hai quốc gia chịu tác động lớn nhất từ các động thái của Trung Quốc.


Gần đây, trong chuyến thăm tới Hà Nội của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, Việt Nam và Philippines đã có một số thỏa thuận về hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển của hai nước. Bước đi này được Trung Quốc theo dõi chặt chẽ.
08 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 615)
VIỆT-MIÊN-LÀO: LIÊN BANG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG Ở ASIA?