Kinh đào Panama: Mỹ thắng lớn gom về một mối

29 Tháng Ba 20258:18 SA(Xem: 414)

VĂN HÓA ONLINE - CHÂU Á – CHÂU ĐẠI DƯƠNG - THỨ BẨY 29 MAR 2025


Kinh đào Panama: Mỹ thắng lớn gom về một mối


VĂN HÓA ONLINE

29/3/2025


*


Người Pháp bắt tay xây dựng vào năm 1881 nhưng phải bỏ dở; Mỹ nhảy vào và hoàn thành kinh đào vào năm 1914.


Kinh đào Panama nối Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương dài 82 km.


2025: BlackRock (Mỹ) mua lại CK Hutchison (Hong Kong) quyền khai thác 2 hải cảng quan trọng nhất là Cristobal và Balboa trong số 5 hải cảng dọc theo Kinh đào Panama.


image003Vị trí hải cảng Balboa và Cristobal ở hai đầu kinh đào Panama


image005Màu xanh đậm: Vùng biển Caribbean Sea bên phía Dại Tây Dương.


image006image008Hải hải cảng Cristobal và Balboa bây giờ thuộc về Mỹ trấn giữ hai đầu Kinh đào Panama.


image009Vị trí kinh đào Panama và vị trí dự án kinh đào Nicaragua - Ảnh: Daily Mail / Đồ họa: Hồng Sơn


**


Kiểm soát kinh đào Panama: Trắc nghiệm đầu tiên của Trung Quốc trong cuộc đọ sức với Mỹ


RFI 25/03/2025


Trong cuộc đọ sức Mỹ -Trung ở Kinh đào Panama, bàn thắng tạm thời nghiêng về Washington: tập đoàn Hồng Kông CK Hutchison chuyển nhượng lại cho một quỹ đầu tư của Mỹ hai cảng Balboa và Cristobal ở hai đầu con kinh mà chính quyền Trump đòi « thâu tóm trở lại ».


Bắc Kinh trong thế lưỡng nan: Chận thương vụ giữa một công ty tư nhân của Hồng Kông với một đối tác quốc tế là một nước cờ mạo hiểm.


image011Một tàu tuần duyên của Mỹ neo đậu dọc trên kinh đào Panama, ngày 14/03/2025. AP - Matias Delacroix


Hôm 04/03/2025, vài giờ trước khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đọc diễn văn trước Quốc Hội lưỡng viện, quỹ đầu tư BlackRock thông báo đạt thỏa thuận với tập đoàn đa quốc gia của Hồng Kông, CK Hutchison, «mua lại quyền khai thác» 2 trong số 5 cảng dọc Kinh đào Panama: Balboa và Cristobal.


 Đây chỉ là 2 trong số hơn 40 hải cảng CK Hutchison đang khai thác tại 23 quốc gia trên thế giới. Trị giá hợp đồng 23 tỷ đô la.


Trump đẩy Trung Quốc ra khỏi Panama


Trên mạng xã hội Ủy Ban đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ phấn khởi khẳng định là « Trung Quốc bị đẩy ra khỏi Panama. Mỹ đang trên đà chiến thắng ». Dân biểu bang Florida, chủ tịch ủy ban này ông Brian Mast không bỏ lỡ cơ hội ca ngợi « công lao » và sự « sáng suốt » của tổng thống Donald Trump khi biết rằng, chủ nhân Tòa Bạch Ốc luôn khẳng định Kinh đào Panama « thuộc về nước Mỹ » và đã từng yêu cầu bộ Quốc Phòng xem xét các khả năng quân sự để bảo đảm quyền của Hoa Kỳ được sử dụng con kinh này vào lúc mà Trung Quốc « kiểm soát » 5 cảng dọc theo con kinh.


Thắng lợi của Washington còn lớn hơn nữa do hai cảng Balboa và Cristobal ở hai đầu con kênh, mở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.


Trả lời đài RFI Pháp ngữ giáo sư đại học giảng dậy môn Khoa Học Chính Trị, Kevin Parthenay trước hết giải thích vì sao việc một quỹ đầu tư của Hoa Kỳ giành lại quyền khai thác một số cơ sở ở Panama từ tay một tập đoàn Hồng Kông được coi là thắng lợi lớn của Mỹ :


« Kinh đào Panama đã từng và sẽ luôn là một điểm chiến lược đối với quyền lợi của Mỹ và cũng như là đối với phía Trung Quốc nhất là khi hai siêu cường trên thế giới này bắt đầu lao vào một cuộc đối đầu. Qua hai quyết định gần đây chúng ta thấy Panama đã loan báo không tiếp tục tham gia dự án Con Đường Tơ Lụa với Trung Quốc, mà sự hợp tác này đã chính thức được khởi động từ 2017. Bên cạnh đó, tư pháp Panama đòi xem xét lại các điều khoản đã nhượng quyền khai thác hai cảng Balboa và Cristobal ở hai cửa ra vào con kinh cho tập đoàn Hồng Kông CK Hutchison. Đó là những tín hiệu mạnh để xác định vai trò trung tâm và ảnh hưởng của Mỹ đối với Panama »


Dựa trên cơ sở nào Mỹ đòi « chiếm lại » kinh đào Panama?


Giáo sư Frédéric Lasserre Đại học Laval, Québec, Canada, chuyên nghiên cứu về khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương nhắc lại lập trường của tổng thống Trump đòi « lấy lại » con kinh mà Hoa Kỳ đã xây dựng cho Panama :


 « Donald Trump tố cáo các giới chức Panama bắt chẹt tàu thuyền của Mỹ, bắt họ trả phí đắt hơn so với tàu chở hàng của những quốc gia khác khi đi qua kênh đào Panama. Không một dữ liệu nào minh chứng cho điều đó và nếu quả thực tàu thuyền của Mỹ bị đối xử bất công, chắc chắn là các tập đoàn vận tải đường biển của Mỹ đã không để yên. Ngoài ra, cần chú ý là tập đoàn Hồng Kông, CK Hutchison khai thác : khai thác chứ không sở hữu, hai trong số năm cảng dọc theo con kinh Panama. Không có bất kỳ lý do nào để Hutchison phân biệt đối xử với tàu thuyền của Mỹ và nếu có đi chăng nữa thì liệu rằng tập đoàn này có được chỉ thị từ Bắc Kinh hay không ? Hiện không có bằng chứng nào cho phép xác định tàu bè của những quốc gia khác ngoài Trung Quốc bị đối xử tệ. Và tôi muốn nhấn mạnh rằng tập đoàn của Hồng Kông, CK Hutchison chỉ khai thác có 2 trong số 5 cảng trên con Kinh đào Panama ».


Tập đoàn Hồng Kông ngừng khai thác các hải cảng?  


Trên thực tế thỏa thuận giữa tập đoàn khai thác hải cảng và bảo đảm các dịch vụ của Hồng Kông với một « tổ hợp đầu tư do quỹ BlackRock đứng đầu » không chỉ thu hẹp ở phạm vi Panama.


Theo các báo tài chính của Mỹ và Á châu, tập đoàn trong tay nhà tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành chuyển nhượng tổng cộng 43 trong số hơn 50 hải cảng đang quản lý trên toàn thế giới. Trong số này có 10 hải cảng thuộc về Hồng Kông và Hoa Lục. Cristobal và Balboa chỉ là hai trong số 43 địa điểm liên quan. Nhưng con kinh này đang trở thành một tâm điểm trong cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai siêu cường trên thế giới, chuyên gia Virginie Saliou Học Viện Quân Sự Pháp IRSEM giải thích về tầm cỡ chiến lược của công trình:


« Mỹ là quốc gia sử dụng nhiều nhất Kinh đào Panama để vận chuyển hàng từ bờ đông sang châu Á, để đưa hàng từ bờ tây của nước Mỹ sang châu Âu, để bảo đảm các luồng cung ứng giữa hai bờ đông và tây của bản thân nước Mỹ. Cứ trên 100 chuyến tàu chở hàng của Mỹ thì có 40 chiếc phải đi qua Kinh Panama và trung bình có từ 60 đến 70 % giao thương hàng hải sử dụng con kinh này là những chuyến tàu khởi hành hoặc cập bến các hải cảng của Hoa Kỳ. Chỉ có 13 % tàu thuyền đi qua đây liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc. Không chỉ có các tàu chở hàng của Mỹ sử dụng kinh Panama. Con kinh này còn là nơi mà tàu chiến của Hoa Kỳ cũng phải đi qua. Theo các số liệu gần đây trung bình hàng năm 40 trong số 291 tàu quân sự của Mỹ phải đi qua ngả này».


Con Đường Tơ Lụa, cái gai giữa Panama và Mỹ


Cũng bà Saliou nhấn mậnh Kinh đào Panama thuộc quyền sở hữu của Panama, một quốc gia ở Trung Mỹ chưa đầy 5 triệu dân, không có quân đội và sử dụng đồng đô la Mỹ.


Công trình này do cơ quan ACP gồm 13 thành viên quản lý và Hiến Pháp Panama ghi rõ con kinh này « thuộc quyền sở hữu không thể tách rời » của Panama. Năm 1997 vào tập đoàn Hồng Kông CK Hutchison ký hợp đồng với cơ quan ACP của Panama để được quyền « khai thác », đầu tư và bảo đảm các dịch vụ tại 5 cảng dọc theo con kênh. Đúng 20 năm sau, Panama chính thức tham gia dự án Con Đường Tơ Lụa với Trung Quốc từ đó căng thẳnh giữa Hoa Kỳ và Panama gia tăng. Virginie Saliou:


« Từ khi Panama tham gia dự án Con Đường Tơ Lụa với Trung Quốc, đã có khoảng 30 dự án hợp tác và đầu tư ra đời nhưng chỉ một số ít được thực hiện đến nơi đến chốn, và kết quả không nhiều. Do vậy việc chính quyền Panama rầm rộ loan báo chia tay với dự án của Bắc Kinh trước hết là một tín hiệu nhắm gửi đến Tòa Bạch Ốc để làm vừa lòng tổng thống Trump. Một điểm đáng chú ý khác là năm 2001 tức là chỉ ít ít lâu sau khi tập tập đoàn của Hồng Kông được quyền khai thác Balboa và Cristobal thì chính phủ Mỹ đã ra một thông cáo xác nhận rằng sự hiện diện của Hutchison không là một mối đe dọa. 25 năm sau, tình hình đã có nhiều thay đổi vào lúc mà Washington và Bắc Kinh lao vào một cuộc đối đầu. Mỹ lo ngại Trung Quốc lợi dụng vị trí này để dọ thám Mỹ về mặt kinh tế và quân sự. Kinh đào Panama có thể là một địa điểm để quan sát các hoạt động của đối phương rất lợi hại ».      


Sự im lặng đáng ngờ của Bắc Kinh


Nhìn đến phản ứng của Trung Quốc, giới quan sát hơi ngạc nhiên trước sự im lặng của chính quyền trung ương. Kinh đào Panama là nơi mà 21 % các tàu bè qua lại là tàu chở hàng của Trung Quốc, là cửa ngõ của ngành xuất nhập khẩu nước này sang châu Mỹ. Kiểm soát « hai đầu con kinh » này mang tính chiến lược.  Vậy thì tại sao tập đoàn hàng hải Hồng Kông đã chuyển nhượng quyền khai thác lại cho một « tổ hợp đầu tư của Mỹ » mà không bị Bắc Kinh chống đối?


Tuần báo The Economist của Anh (20/03/2025) giải thích: trước hết về mặt chính thức Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để can thiệp hay ngăn chận CK Hutchison « bán lại » quyền khai thác hai cảng Balboa và Cristobal cho bất kỳ một tập đoàn nào khác.


Nhưng một cách không chính thức, chính quyền Bắc Kinh hoàn toàn có thể « can thiệp » dưới nhiều hình thức : hoặc là gây sức ép trực tiếp với gia đình của nhà tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành, vì CK Hutchison có nhiều cơ sở tại Hoa Lục. Chính quyền Trung Ương cũng hoàn toàn có thể sử dụng « luật an ninh quốc gia » để « chận » hoặc « hủy » thương vụ giữa tập đoàn Hồng Kông và quỹ đầu tư của Mỹ BlackRock. Một giải pháp khác, là trong giao kèo giữa CK Hutchison và BlackRock bao gồm nhiều hải cảng mà họ Lý đang kiểm soát từ ở Hồng Kông đến Pakistan, Sri Lanka … do vậy, Bắc Kinh có thể trực tiếp gây áp lực với các chính quyền liên quan.


Trung Quốc tránh một nước cờ mạo hiểm


Nhưng theo các chuyên gia tuần báo Anh trích dẫn, can thiệp lộ liễu như vậy là thất sách, bởi thứ nhất đây không là thời điểm thích hợp để Trung Quốc can thiệp trực tiếp vào hồ sơ Kênh đào Panama vào lúc Bắc Kinh và Washington đang thu xếp để lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ gặp nhau trong một tương lai không xa. Bắc Kinh cũng muốn tránh để các giới chức Mỹ « nhòm ngó » kỹ hơn đến các tập đoàn và doanh nghiệp Trung Quốc vào lúc mà hai trong số này là Hoa Vi và ByteDance đã trong tầm ngắm của các chính quyền liên tiếp ở Washington.


Vì quyền lợi của Trung Quốc ở các bến cảng Úc và châu Âu


Lý do thứ hai là chận một thương vụ giữa một « tập đoàn tư nhân » với một đối tác quốc tế cũng sẽ làm xấu đi hình ảnh và uy tín của các tập đoàn Trung Quốc đang vươn ra nước ngoài, từ ở Úc đến châu Âu. Tại châu Âu Trung Quốc đang đầu tư và quản lý 14 hải cảng lớn như như Hamburg (Đức) Fos và Le Havre (Pháp) Anvers (Bỉ) Pirée (Hy Lạp) hay Rotterdam (Hà Lan)…


Lý do thứ ba là xét cho cùng, hợp đồng chuyển nhượng lại quyền khai thác 2 bến cảng ở hai đầu con kênh Panama cho một « tổ hợp đầu tư » của Mỹ không đe dọa đến « quyền lợi cốt lõi về an ninh của Trung Quốc ». Theo thẩm định của chuyên gia Isaac Kardon, thuộc quỹ nghiên cứu Cargegie Endowment for International Peace, trụ sở tại Washington, hiện tại các tập đoàn Trung Quốc quản lý hơn 90 hải cảng ở khắp nơi trên thế giới. Năm 2023, các tàu của Hải Quân Trung Quốc đã dừng lại tại 27 trong số những hải cảng do các tập đoàn của Trung Quốc quản lý. Nhưng Hải Quân Trung Quốc không dại để lai vãng ở các khu vực như gần Panama nơi vốn được coi là sân sau của Hoa Kỳ.


Tổn thất về thương mại và hình ảnh chính trị của ông Tập?


Dù vậy việc nhường lại một phần sân chơi cho tổ hợp đầu tư của Mỹ do BlackRock dẫn đầu bất lợi cho ngành xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Vẫn theo Isaac Kardon phía Hoa Kỳ nhân đà này sẽ áp đặt mạnh hơn luật chơi với các đối tác -nhất là trong bối cảnh mà chính quyền Trump đang dùng lá bài « thuế hải quan » để tạo dựng một trật tự quốc tế mới về mậu dịch, về giao thương hàng hải…


Nếu như hợp đồng giữa tập đoàn của Hồng Kông và Mỹ này được thực hiện, thì dù muốn hay không « cổng đưa hàng Trung Quốc và châu Mỹ cũng bị khép chặt lại hơn một chút ».


Cuối cùng về phương diện chính trị, rõ ràng là Hoa Kỳ ghi được một bàn thắng trước đối thủ Trung Quốc và làm « sứt mẻ hình ảnh của một ông Tập Cận Bình đang muốn phô trương thanh thế của một nhà lãnh đạo đủ sức bảo vệ quyền lợi quốc gia trên trường quốc tế ». (Thanh Hà)


++++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Trung Quốc tung ra 40 tỉ USD “lật đổ” kinh đào Panama


14/06/2013 03:35 GMT+7

https://thanhnien.vn/40-ti-usd-lat-do-kenh-dao-panama-185396422.htm


image013Vị trí 2 kinh đào ở Panama và Nicaragua - Ảnh: Daily Mail / Đồ họa: Hồng Sơn


Quyết định của Nicaragua cho Trung Quốc xây kinh đào băng ngang nước này để nối 2 đại dương đang gây nhiều thắc mắc và nghi ngờ.


Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega vừa tuyên bố đồng ý cho một công ty Trung Quốc đầu tư xây dựng và vận hành một kênh đào qua lãnh thổ nước này, nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, nhằm cạnh tranh với kinh đào Panama ở cách đó hơn 1.200 km, theo AFP.


Tuy còn phải đợi quốc hội thông qua, nhưng giới quan sát cho rằng dự án nhiều tranh cãi này gần như chắc chắn sẽ được phê duyệt.  


Đầy tham vọng


Theo báo El Nuevo Diario của Nicaragua, nước này đã thỏa thuận để Công ty đầu tư phát triển kinh đào Nicaragua thuộc Tập đoàn HKDN, có trụ sở tại Hồng Kông, xây dựng kinh đào nói trên, cùng một đường ống dẫn dầu, một tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa, 2 cảng nước sâu, 2 sân bay và một loạt khu thương mại tự do. Dự án có chi phí 40 tỉ USD, dự kiến hoàn thành trong 11 năm. Những người ủng hộ dự án tuyên bố kinh đào mới sẽ chiếm 4,5% khối lượng giao thương hàng hải toàn cầu, tạo ra 40.000 việc làm trong thời gian thi công và tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người của Nicaragua, quốc gia hiện nằm trong nhóm nghèo nhất tại châu Mỹ La tinh.


AP đưa tin cho biết chính phủ Nicaragua dự kiến sẽ trao cho đối tác Trung Quốc quyền vận hành và khai thác kinh trong 50 năm và có thể gia hạn lên đến 100 năm. Trong 10 năm đầu, HKDN sẽ trả Nicaragua 10 triệu USD/năm, sau đó chia lợi nhuận cho nước này ở mức 1% và sẽ tăng dần về sau. Sau khi thời hạn khai thác kết thúc, toàn bộ cơ sở hạ tầng của kinh đào sẽ được bàn giao cho chính quyền Nicaragua.


Theo các nghiên cứu ban đầu, kinh đào sẽ dài 200 km, chạy dọc theo các con sông từ bờ đông Nicaragua đến hồ Nicaragua rồi thêm hơn 10 km nữa xuyên qua Dải đất Rivas để nối với Thái Bình Dương.


Mập mờ và tranh cãi


Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều mù mờ về dự án này khi có rất ít thông tin về Tập đoàn HKDN được công bố. Hiện có 6 tuyến lộ trình của con kênh được tính đến nhưng chưa rõ tuyến nào được chọn trong khi tác động về kinh tế, xã hội và môi trường cũng như các vấn đề hậu cần vẫn còn là những dấu hỏi lớn. Tờ International Business Times dẫn lời chính trị gia đối lập Javier Vallejos của Nicaragua nhận xét: “Điều này giống như cầm đèn chạy trước ô tô vậy”.


Theo kế hoạch, kinh đào Nicaragua sẽ dài gần gấp 3 lần so với kênh đào Pamana (77 km).


Đến nay, kinh đào Panama là một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới và nằm trong số những công trình lớn và gian khổ nhất từ trước đến nay với 27.500 công nhân chết trong suốt quá trình xây dựng, theo website chính thức của Cơ quan Quản lý kênh đào.


Người Pháp bắt tay xây dựng vào năm 1881 nhưng phải bỏ dở, rồi Mỹ nhảy vào và hoàn thành kênh đào vào năm 1914.


Theo báo Daily Mail, kênh đào này đã giúp giảm phân nửa thời gian đi lại giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, và đang chiếm 5% lưu lượng giao thương hàng hải toàn cầu.


Panama đang tiến hành dự án mở rộng kênh đào với chi phí 5,2 tỉ USD, dự kiến hoàn tất trong năm tới. Cơ quan quản lý thu phí dựa trên chiều dài tàu và theo tính toán mới nhất, tàu bè đi qua kênh Panama trả phí trung bình khoảng 54.000 USD/lượt.


Vì thế, đã có nhiều ý kiến lo ngại về hiệu quả của dự án ở Nicaragua. Tính cạnh tranh của kênh đào Nicaragua có thể bị ảnh hưởng bởi chính tham vọng của mình. “Sinh sau đẻ muộn” và hành trình lại dài hơn nên để cạnh tranh và thu hút nhiều tàu bè, kênh đào mới phải rộng hơn, sâu hơn nên phải ngốn chi phí bảo trì lớn hơn và từ đó sẽ đội mức phí thu lên, báo Christian Science Monitor dẫn lời chuyên gia tư vấn Eduardo Lugo nhận định. Ngoài ra, các chuyên gia đang tranh luận liệu Nam Mỹ có cần 2 kênh đào hay không. “Theo kinh nghiệm và những nghiên cứu của tôi về khối lượng thương mại thế giới thì không có đủ lượng tàu bè lưu thông cần thiết để dự án này có thể lấy lại vốn chứ đừng nói là có lời”, chuyên gia Lugo nói.


Đến nay, giới chức Panama vẫn tỏ ra tự tin và AFP dẫn lời ông Manual Benitez, Phó giám đốc Cơ quan Quản lý kênh đào, nói: “Hiện giờ chúng tôi không lo ngại mấy vì phải mất rất lâu nữa thì nguy cơ cạnh tranh mới thật sự xuất hiện”.


Động cơ địa chính trị ?


Nhận định trên trang tin Sizemore Investment Letter, một số chuyên gia cho rằng trong dự án này, Trung Quốc có động cơ địa chính trị nhiều hơn là kinh tế. Lâu nay, Mỹ vẫn xem Trung Mỹ là “sân sau” và kênh đào Panama là “cửa sau” của mình dù đã trao trả kênh đào cho nước sở tại từ năm 1999. Theo thỏa ước, Washington vẫn bảo lưu quyền can thiệp nếu cảm thấy “sự tự do lưu thông và tính trung lập của kênh đào bị đe dọa”, và vẫn xem đây là tài sản quan trọng về quốc phòng. Trung Quốc nhiều khả năng cũng có ý định tương tự với kênh đào ở Nicaragua, đồng thời giành giật ảnh hưởng với Mỹ tại khu vực.


Trùng Quang
08 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2539)
VIỆT-MIÊN-LÀO: LIÊN BANG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG Ở ASIA?