Ông Diệm và nền Đệ nhất Cộng hòa bị lật đổ là ‘món quà cho cộng sản’

03 Tháng Mười Một 20238:48 SA(Xem: 700)

VĂN HÓA ONLINE – SỰ KIỆN NĂM XƯA – THỨ SÁU 03 NOV 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Ông Diệm và nền Đệ nhất Cộng hòa bị lật đổ là ‘món quà cho cộng sản’


VOA 03/11/2023


image067Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người sáng lập nền Đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Ông bị ám sát vào ngày 2/11 năm 1963


Việc Tổng thống Ngô Đình Diệm bị đảo chính khiến nền Đệ nhất Cộng hòa sụp đổ có nguyên nhân từ nội tình Việt Nam Cộng hòa lúc đó và sai lầm của chính ông Diệm, một sử gia ở Mỹ nói với VOA và cho rằng sự kiện này ‘làm lợi cho’ cộng sản vì đã mất đi một chính quyền chống Cộng hiệu quả.

Tròn 60 năm trước, vào ngày 2/11 năm 1963, ông Ngô Đình Diệm, tổng thống đầu tiên và là người sáng lập ra nền Đệ nhất Cộng hòa, cùng với em trai là Cố vấn Ngô Đình Nhu đã bị các tướng lĩnh dưới quyền sát hại ở Sài Gòn trong một cuộc đảo chính làm thay đổi tiến trình lịch sử miền Nam Việt Nam.

Cuộc đảo chính và cái chết của anh em ông Diệm đã chấm dứt nền Đệ nhất Cộng hòa sau 9 năm xây dựng, mở đường cho các tướng lĩnh lên nắm quyền, tiến đến thành lập nền Đệ nhị Cộng hòa vào năm 1967 vốn tồn tại cho đến ngày miền Nam thất thủ trước quân cộng sản vào năm 1975.

Nhiều nguyên nhân đan xen

Nhìn lại sự kiện lịch sử này, Giáo sư Tường Vũ, nhà nghiên cứu về lịch sử Việt Nam Cộng hòa tại Đại học Oregon ở Eugene, bang Oregon, Hoa Kỳ, cho rằng đó là kết quả của nhiều nhân tố đan xen nhau xảy ra cùng một lúc.

Thứ nhất, hoàn cảnh của Việt Nam Cộng hòa lúc đó là một đất nước hậu thuộc địa và không tránh khỏi số phận bị đảo chính như các nước hậu thuộc địa khác trong khu vực như Hàn Quốc, Indonesisa, Philippines, Miến Điện…, Giáo sư Tường Vũ phân tích.

“Sau thời gian dài thuộc địa thì có những thế lực khác nhau muốn tranh giành quyền lực trong đất nước. Thành ra khó mà giữ được sự ổn định bền vững trong thời gian dài,” ông nói và cho rằng ông Diệm giữ được ổn định trong vòng 9 năm đã là ‘một điều tương đối khó khăn’.

Ông chỉ ra ở miền Nam lúc đó vẫn còn nhiều thành phần trung thành với cộng sản ‘gây khó khăn cho ông Diệm’ và ‘quân đội Việt Nam Cộng hòa do người Pháp thành lập nên không phải toàn bộ đều trung thành với ông Diệm’.

“Chế độ của ông Diệm không có đủ sự khéo léo để có thể kết nối tất cả các thành phần của dân tộc,” ông chỉ ra nguyên nhân thứ hai.

Ông Tường Vũ cho rằng biến cố Phật giáo trước đó vốn được xem là một trong những nhân tố dẫn đến sự bất mãn với chính quyền ông Diệm một phần là do ‘một số nhân vật trong chính quyền, chẳng hạn như Tổng giám mục Ngô Đình Thục, có hành động gây cảm giác là chính quyền thiên vị Thiên chúa giáo’ chứ bản thân ông Ngô Đình Diệm ‘không kỳ thị tôn giáo’.

Ngoài ra, chế độ gia đình trị của ông Diệm với các anh em ruột của ông như Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Cẩn.. có vai trò lớn trong chính quyền ‘cũng là một khiếm khuyết’, cũng theo lời sử gia này. Khi đó, nhiều thành phần đối lập đã yêu cầu loại ông Nhu ra khỏi chính quyền nhưng ông Diệm không nghe.

“Nếu ông Diệm là người nhìn xa hơn, hay cẩn thận hơn thì có lẽ ông ấy phải tìm cách để cho công chúng thấy ông đã giảm bớt vai trò của những người đó hoặc là tạo ra cơ sở hợp pháp để họ có thể đóng góp cho chính quyền mà không bị dân chúng dị nghị,” ông nói.

Chịu trách nhiệm ‘rất quan trọng’ trong cuộc đảo chính này còn có chính quyền Mỹ lúc đó của Tổng thống John F. Kennedy, vị giáo sư này nhận định. “Nếu không có Mỹ bật đèn xanh thì vẫn có thể xảy ra đảo chính như đã từng xảy ra trước đó (vào năm 1960) nhưng xác suất thành công sẽ rất thấp vì vào lúc đó ông Diệm kiểm soát khá chặt chẽ đất nước,” ông giải thích.

Tuy nhiên, một phần lỗi cũng do ông Diệm ‘thiếu sự khéo léo về ngoại giao trong quan hệ với Hoa Kỳ’, ông nói, dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa chính quyền Việt Nam Cộng hòa và Mỹ vào những năm 1962-1963.

“Chính phủ của ông Diệm là chính phủ có tinh thần dân tộc, tinh thần độc lập rất cao, thành ra họ không muốn lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Thành ra khi Hoa Kỳ gây sức ép buộc ông Diệm phải cải tổ chính trị thì ông Diệm nhất quyết không đồng ý,” ông chỉ ra và cho biết thêm rằng khi đó ông Diệm đã liên lạc với Cộng sản Bắc Việt để nói chuyện nhằm tìm cách hóa giải phần nào áp lực từ Mỹ và điều này càng khiến chính quyền Kennedy muốn lật đổ ông Diệm.

Chính quyền ông Diệm lúc đó cùng lúc đối diện với nhiều nguy cơ từ quân đội của ông, thái độ của người Mỹ, phong trào đấu tranh của Phật giáo, cộng sản Bắc Việt… trong khi ông không kịp thời nhận ra để điều chỉnh nên ‘việc bị lật đổ là tất yếu dù sớm hay muộn’.

Khi được hỏi tại sao hai ông Diệm-Nhu không nhận thấy nguy cơ, Giáo sư Tường Vũ trả lời rằng do khi đó họ ‘phải tập trung vào quốc sách ấp chiến lược để chống cộng sản’ nên ‘không thể suy nghĩ cách để giải quyết những vấn đề chính trị trong nước một cách thỏa đáng’.

“Ông Diệm vẫn có thể tránh được kết cục đảo chính nếu ông tỉnh táo hơn,” ông nói.

Tác động của đảo chính

Mặc dù có những thiếu sót, nhưng nền Đệ nhất Cộng hòa trong 9 năm xây dựng đã có một số thành tựu, vị giáo sư này cho biết và chỉ ra ông Diệm ‘đã xây dựng được chính quyền khá vững mạnh, tập trung được quyền lực khá tốt mặc dù nền tảng nông thôn còn yếu’.

Mặt khác, những chính sách về kinh tế, văn hóa, giáo dục của ông Diệm đã ‘đặt Việt Nam Cộng hòa trên nền tảng rất vững vàng để mở cửa với thế giới, đóng vai trò khai phóng cho dân trí’, cũng theo lời sử gia này, và điều này đã giúp cho nền văn hóa-giáo dục-nghệ thuật ở miền Nam Việt Nam dưới thời Đệ nhị Cộng hòa ‘nở rộ’.

“Cuộc đảo chính đã tạo nên một xã hội mở rộng hơn ở miền Nam Việt Nam sau đó cho các thành phần dân chúng khác trong xã hội, các phe nhóm Phật giáo, các phe nhóm Công giáo, các tôn giáo khác như Cao Đài, Phật giáo Hòa hỏa. Các đảng phái chính trị cũng nổi lên trở lại và hoạt động rất tích cực tạo nên một xã hội rất năng động ở miền Nam Việt Nam,” Giáo sư Tường Vũ nhận định với VOA về tác động của cuộc đảo chính năm 1963.

Theo lời ông thì trong nền Đệ nhị Cộng hòa được thành lập sau đó vào năm 1967, ‘ý muốn của người dân là mở rộng dân chủ’ cho nên nhiều thành phần như sinh viên, trí thức, công nhân đều xuống đường ‘tạo ra sự thay đổi lớn lao cho xã hội dân sự miền Nam vào lúc đó’ so với thời Đệ nhất Cộng hòa.

Tuy nhiên, nền Đệ nhị Cộng hòa vẫn không tránh khỏi kịch bản đảo chính như nền Đệ nhất Cộng hòa vì các tướng lĩnh trong quân đội có sẵn quân lính trong tay nên ‘khá dễ nếu họ muốn đảo chính một khi họ không còn trung thành với chế độ’.

‘Điều đáng tiếc’

Dưới thời Đệ nhị Cộng hòa, do nhu cầu cuộc chiến mà quy mô và vai trò quân đội cũng được mở rộng lên nhiều lần so với nền Đệ nhất Cộng hòa, Giáo sư Tường Vũ chỉ ra, và chính quyền Đệ nhị Cộng hòa phải đối phó với quân Cộng sản mạnh hơn nhiều so với dưới thời ông Diệm do họ có sự ủng hộ của Trung Quốc.

Cuộc đảo chính năm 1963 là ‘điều đáng tiếc’ nếu nhìn trên góc độ chống cộng sản, ông Tường Vũ nói và giải thích rằng nó ‘đã làm sụp đổ một chế độ khá vững mạnh, có quyền lực khá tập trung và mở con đường cho cộng sản có thể chiếm được miền Nam Việt Nam’.

“Cộng sản thấy rằng khi ông Diệm bị lật đổ họ mất đi một kẻ thù mạnh mẽ thì họ có thể tập trung sức mạnh để tấn công miền Nam,” ông lập luận và dẫn ra nhận định của ông Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam khi đó, rằng cuộc đảo chính ông Diệm là ‘món quà trời cho’ đối với phe cộng sản của ông.

“Chính quyền ông Diệm đã tỏ ra rất hiệu quả trong việc đối phó cộng sản qua các chiến dịch tố Cộng, diệt Cộng và quốc sách ấp chiến lược,” ông nói.

Sau 60 năm, với dữ kiện mới từ phía chính quyền cộng sản đã cho thấy rằng cuộc đảo chính ông Diệm và lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa là ‘sai lầm lớn về quân sự và chính trị’, Giáo sư Tường Vũ cho biết.

“Nếu mà ông Diệm và ông Nhu nhận ra được vấn đề của họ và tìm cách sửa chữa và họ thành công trong việc sửa chữa đó thì nó (tiến trình lịch sử miền Nam) sẽ hoàn toàn khác.”
26 Tháng Ba 2023(Xem: 1117)