Xuân Hồng với cựu Thủ tướng CSVN Võ Văn Kiệt

06 Tháng Ba 201610:43 CH(Xem: 9143)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  HAI 07 MAR  2016

Đọc lại cuộc phỏng vấn của nhà báo Xuân Hồng (BBC) với cựu Thủ tướng CSVN Võ Văn Kiệt

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Ông Nguyễn Tấn Dũng làm tốt hơn tôi cái đó”

03/04/2014

(Thời sự) - Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, vị thủ tướng của những năm đổi mới đầu tiên ở Việt nam đã có ý kiến chính thức với lãnh đạo đất nước là nên đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng, hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Phóng viên Xuân Hồng của BBC đã phỏng vấn Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 17.04.2007.

Trả lời phỏng vấn, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khiêm nhường nói rằng ông có trách nhiệm thi hành chính sách đổi mới, chú nhất mực không nhận là kiến trúc sư của đổi mới. Theo ông, kiến trúc sư đổi mới chính là Bộ Chính Trị Trung Uơng Đảng mà ông là một thành viên.

Ông cũng nói thêm Chính phủ không nên áp dụng “biện pháp hành chính đi đầu” với những người “phía bên kia”, trừ phi là “con người hoặc sự việc đó có nguy hại đối với đất nước”. Ông nhận xét rằng dân chủ tại Việt Nam đã có những bước phát triển tốt.

Tổ quốc không phải là của riêng ai

Cố Thủ tướng cũng khẳng định: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả, mà của tất cả mọi người Việt Nam”

image094

Cố Thủ tướng Võ văn Kiệt

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã chia sẻ về những mất mát trong chính gia đình ông:

”Tôi có ba cháu trai, mất đi hai cháu trai trong thời chiến. Ba cháu gái mất đi hai cháu, cũng trong thời chiến. ‘Và có thể tôi nhắc ông nhớ trong thảm sát ở sông Sài Gòn năm 1966, Mỹ bắn chìm một cuộc hành quân ở vùng Củ Chi đất thép, bắn chìm chiếc tàu Thuận Phong. Trên 100 người trong đó có vợ con tôi, tức là một đứa trai, một đứa gái và vợ tôi. Tới bây giờ tôi chưa tìm lại được hài cốt. Có thể một số người dân khác họ bị nạn cũng tương tự như thế.”

Cố Thủ tướng cũng nói chính trong gia đình ông cũng có những người đứng ở hai bên bờ chiến tuyến do hoàn cảnh bắt buộc như vậy.

Cố Thủ tướng nói đã tới lúc bỏ lại phía sau những chia rẽ mà ông nói rằng phần nhiều do nước ngoài can thiệp gây ra.

Hòa hợp dân tộc

Cố Thủ tướng chia sẻ: “Ở miền Nam, tôi thường biết và hiểu nhiều gia đình đều có hai bên. Chính trong thân tộc của tôi, các anh em tôi, các cháu ruột của tôi cũng có số bên này, số bên kia, cái đó có hoàn cảnh của nó. Có khi bị bắt, có khi bị ép có khi thế này thế khác. Ở vùng du kích, con cháu phải tham gia. Ở vùng bị chiếm đóng phải làm quân dịch. Người dân không có sức chống đối”.

image095

Phóng viên Xuân Hồng của BBC phỏng vấn Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Sài Gòn hôm 17.04

“Có những gia đình, một người mẹ có con đi chiến đấu chết ở phía bên này, và đứa con khác đi chiến đấu chết phía bên kia. Trên bàn thờ hai người con, thế người mẹ suy nghĩ gì? không lẽ chia ra? con nào cũng là một núm ruột cả. Điều đó ngay trong một gia đình nó gắn bó. Trong dòng họ, nhất là miền Nam thì mối quan hệ đó nó bình thường”.

“Cả dân tộc mình, chuyện bên này bên kia từ nguồn gốc là vì cái gì, từ đâu phát sinh? Chúng tôi đánh giá và khẳng định là từ bên ngoài xen vào. Bên ngoài ở đây là chủ nghĩa thực dân, như thực dân Pháp chiếm Việt Nam là từ bên ngoài, Mỹ cũng là từ bên ngoài xen vào. Chứ còn Việt Nam với Việt Nam hoàn toàn có khả năng hòa giải được. Nếu có chính kiến khác nhau mà không có bên ngoài xen vào thì hòa giải được”.

Trong một cuộc phỏng vấn dài với BBC, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói Việt Nam nay đã bắt tay với tất cả các kẻ thù trong quá khứ và không có lý do gì người Việt không thể cùng ngồi lại. Hơn 30 năm rồi, không có lý do gì giữa chúng ta với nhau không hòa giải được.

”Kẻ thù của Việt Nam là Pháp trước đây, kẻ thù Việt Nam là Mỹ sau này, kẻ thù Việt Nam là Trung Quốc đánh biên giới phía bắc, chúng ta cũng khép lại quá khứ được, thì tại sao chúng ta lại không khép lại quá khứ ấy mà lại cứ đố kỵ lẫn nhau.”

“Tôi cho hòa giải, hòa hợp dân tộc, hai chiến tuyến trước đây cho là một bên là “quốc gia” và một bên là “cộng sản”. Bây giờ tôi cho không có chuyện một bên là ‘quốc gia’ và một bên là ‘cộng sản’, cái đó là vô lý”.

“Một số anh em trước đây chiến đấu bên cạnh Mỹ nhân danh là “người quốc gia” và coi chúng tôi là những người “cộng sản” chứ không phải “quốc gia”. Không phải! Chúng tôi là “quốc gia” chứ, chúng tôi yêu nước, chúng tôi chiến đấu cho dân tộc này cho quốc gia này! Các ông hãy xem xuyên suốt chúng tôi có chiến đấu cho một quốc gia nào khác không nào?”

“Nếu nói đầy đủ hơn tôi là người quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản. Chứ anh coi như người cộng sản không có quốc gia không có dân tộc là hoàn toàn không đúng. Bây giờ phải nói với nhau là quốc gia là của mình, của chúng ta, dân tộc là của chúng ta. Ngoài ra, không còn cái gì khác biệt nữa.

Nhiều đường yêu nước

Vấn đề định nghĩa thế nào là một người Việt Nam yêu nước, trước hết ông bác bỏ quan điểm rằng người cộng sản không yêu nước. Ông khẳng định ông là một “người quốc gia yêu nước đi theo chủ nghĩa cộng sản”.

Ngược lại, ông Võ Văn Kiệt nói: “Tôi đã đặt vấn đề này và cũng viết trong một số bài rằng có một cách nhìn méo mó từ phía một số người cộng sản rằng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội là đúng, còn những người yêu nước khác mà không yêu chủ nghĩa xã hội thì không yêu nước đủ như mình”.

image096

"Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào". Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Cố Thủ tướng cho rằng: “Ông cha của mình là phong kiến, là vua chúa đánh ngoại xâm là cái gì? người ta hoàn toàn không phải cộng sản, ông cha của mình có phải là cộng sản đâu vẫn yêu nước chứ. Sau này như là Đề Thám, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu thì lấy cái gì để đo yêu nước của họ cao thấp so với người cộng sản? Cho nên chúng ta phải xác định, Tổ Quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, của mọi người, không của riêng ai cả”.

Ông nói “Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào”. Nếu chúng ta xác định như thế thì hoàn toàn chúng ta có thể gặp nhau, chúng ta biết tôn trọng nhau là hòa hợp được.

Trả lời về vụ nghĩa trang Biên Hòa được dân sự hóa, Cố thủ tướng chia sẻ: “Có những cái vô lý, người sống đố kỵ nhau nên nó khổ liên quan đến người chết, trước đây coi như không thừa nhận nghĩa trang đó nên quân sự hóa mấy chục năm. Bây giờ thấy nó vô lý. Có một quyết định tuy trễ nhưng dù sao cũng rất tốt. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm tốt cái đó, làm hơn tôi cái đó, lúc tôi làm thì chưa làm được cái này, quyết định giao lại cho dân sự. Tôi cho quyết định đó là đúng“.

Về hòa hợp hòa giải dân tộc, ông khen đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ‘làm tốt hơn tôi’ về vụ nghĩa trang Biên Hòa.

CTV Hòa Bình