Mở hồ sơ cái chết của sinh viên Nguyễn Thái Bình

11 Tháng Giêng 20187:15 CH(Xem: 8090)

VĂN HÓA ONLINE - NHÂN VẬT & SỰ KIỆN  - THỨ  SÁU  12 JAN  2018


Mở hồ sơ cái chết của sinh viên Nguyễn Thái Bình


Kỳ 1: Mở kho mật của Sài Gòn


08/01/2018


TTO - Giữa năm 1972, một sự kiện chấn động thế giới xảy ra khi sinh viên Nguyễn Thái Bình "cướp máy bay" Boeing 747 Mỹ để bay ra Hà Nội thay vì về Sài Gòn.


image046


Nguyễn Thái Bình nói chuyện phản đối chiến tranh Việt Nam ở Mỹ - Ảnh tư liệu gia đình


46 năm sau ngày anh mất, nhìn lại sự kiện này từ kho hồ sơ mật của Hội đồng An ninh hàng không và cảnh sát Sài Gòn.


Tân Sơn Nhất. Trưa 2-7-1972. Toàn bộ đơn vị an ninh của chính quyền Sài Gòn và Bộ tư lệnh Không quân số 7 Mỹ đóng ở phi trường này đột ngột báo động khẩn cấp. Tin từ Trung tâm Kiểm soát không lưu Manila cho biết chiếc Boeing 747, mang mã số chuyến bay 841 của Hãng hàng không Mỹ PAN AM đang bị một hành khách là Nguyễn Thái Bình uy hiếp. 


Chuyến bay này khởi hành điểm đầu San Francisco với 134 hành khách, trong đó có một trẻ em cùng 17 nhân viên phi hành đoàn. Cơ trưởng là Augene F. Vaughn và tiếp viên trưởng là William Wilcox.


Diễn tiến chính


Diễn tiến tiếp theo thế nào mà người Mỹ lại bắn năm phát đạn giết chết Nguyễn Thái Bình? Phúc trình mật sau đây của Hội đồng An ninh hàng không Tân Sơn Nhất do đại tá Phan Phụng Tiên, chủ tịch hội đồng, ký ngày 28-8-1972 đã phần nào giải mật sự kiện này:


12 giờ 00 phút, giờ Sài Gòn:


Chuyến bay 841 của chiếc B747 đã bay được 45 phút từ phi trường Manila. Nguyễn Thái Bình, ngồi ở số ghế 495 phía đuôi máy bay, bất ngờ yêu cầu hành khách ngồi xung quanh lên phía trước và không cho sử dụng phòng vệ sinh. Anh yêu cầu nữ tiếp viên phi hành đoàn May Yuen, 23 tuổi, người Hong Kong, phải ngồi gần làm con tin. Sau đó anh đưa cho một nữ tiếp viên khác ba tờ giấy đánh máy sẵn, đại ý:


- Tờ số 1: Buộc phi công phải chọn một trong hai điều kiện, hoặc đi Hà Nội hoặc phi cơ sẽ bị nổ trên không.


- Tờ số 2: Ra lệnh cho phi công bay đường nhanh nhất tới Hà Nội.


- Tờ số 3: Đe dọa giết nữ tiếp viên May Yuen nếu không tuân lệnh và cho biết có mang theo hơi ngạt.


12 giờ 03 phút:


Cơ trưởng Eugene F.Vaughn báo cáo cho Trung tâm Kiểm soát không lưu Manila, ông quyết định không bay đi Hà Nội và yêu cầu Manila báo cho Sài Gòn điều động cảnh sát túc trực tại phi trường Tân Sơn Nhất.


Hai phút sau, Trung tâm Kiểm soát không lưu Sài Gòn nhận được thông báo khẩn từ Manila truyền đến Đài kiểm soát Tân Sơn Nhất. Sau khi được cơ quan này thông báo, các giới chức trong Hội đồng An ninh hàng không có mặt sẵn tại các vị trí máy bay đậu để áp dụng những biện pháp dự trù theo quyết định số 3 an ninh hàng không.


Trong lúc đó trên máy bay đang bay, cơ trưởng dùng hệ thống liên thoại intercom nói chuyện với Nguyễn Thái Bình nhằm kéo dài thời giờ và làm cho anh ta bớt chú ý việc máy bay sắp đến Sài Gòn.


12 giờ 20 phút:


Chiếc máy bay B747 từ cao độ 31.000 bộ xuống dần tới 4.500 bộ (khoảng 1.371m) và xin Tân Sơn Nhất dọn đường băng để ưu tiên hạ cánh khẩn cấp.


Lúc này Trung tâm Kiểm soát không lưu Sài Gòn và Đài kiểm soát Tân Sơn Nhất đã áp dụng những biện pháp thích nghi, thỏa mãn hoàn toàn lời yêu cầu của cơ trưởng.


12 giờ 53 phút:


Chuyến bay 841 của chiếc B747 Jumbo Jet hạ cánh an toàn xuống đường băng phản lực 25L và được Đài kiểm soát Tân Sơn Nhất chỉ thị chuyển vận về bến đậu riêng do đại tá Phan Phụng Tiên, chủ tịch Hội đồng An ninh hàng không, chỉ định như dự liệu trong các phương thức của an ninh hàng không.


image047


Cơ trưởng Vaughn, người yêu cầu bắn chết Nguyễn Thái Bình - Ảnh gia đình


Ông Vaughn khóa cổ hành khách Việt Nam và cùng hai hành khách khác vật lộn với anh ấy. Rồi sau đó khi ông Vaughn hô "bắn nó", người hành khách thứ ba (Mills) đã bắn vào anh ta


Nhân chứng Frank P.Castro


Hạ sát


Sau khi chiếc B747 hạ cánh và đang di chuyển về bến đậu, cơ trưởng Vaughn giao cho phi công phụ W.M.Setterkb điều khiển máy bay. 


Ông ta gọi một hành khách tên W.H.Mills lên buồng lái để thông báo có một hành khách Việt Nam định cướp máy bay ra Hà Nội, rồi trả lại khẩu súng ngắn Smith and Wesson 357 Magnum cho Mills. Người này nguyên là viên chức cảnh sát tại California, Mỹ, sang Việt Nam để làm việc cho Hãng Federal Electric Corporation. 


Theo luật lệ hàng không, Mills phải thông báo với phi hành đoàn về vũ khí mình mang theo và giao cho họ cất giữ. Khẩu súng ngắn này được cơ trưởng cất ở buồng lái. Khi trả súng lại cho ông Mills, cơ trưởng Vaughn dặn được quyền sử dụng trên máy bay khi có yêu cầu.


12 giờ 55 phút:


Khi chiếc máy bay B747 đang vào bến đậu, cơ trưởng Vaughn từ phòng lái đi xuống phía cuối máy bay gặp người hành khách Việt Nam để thương lượng. Khi đó Nguyễn Thái Bình một tay cầm gói bọc nilông, một tay cầm dao nhỏ khó có thể gây nguy hại được trong điều kiện lúc bấy giờ.


Lợi dụng lúc Nguyễn Thái Bình sơ ý, cơ trưởng phóng tới chụp tay trái cầm gói bọc nilông của hành khách người Việt và khóa cổ anh. Hành khách liền dùng dao đâm Vaughn nhưng chỉ làm rách áo ngoài. Theo lời một nhân chứng tên Frank P.Castro: "Ông Vaughn khóa cổ hành khách Việt Nam và cùng hai hành khách khác vật lộn với anh ấy. Rồi sau đó khi ông Vaughn hô "bắn nó", người hành khách thứ ba (Mills) đã bắn vào anh ta".


12 giờ 58 phút:


Sáu cửa cấp cứu của chiếc B747 được mở cầu phao cấp cứu thả phồng xuống đất, một số hành khách thoát khỏi máy bay xuống đất bằng các phao này. Đồng thời từ phao sau phía trái, người hành khách Việt Nam (anh Nguyễn Thái Bình) lăn xuống và nằm bất động trên sân đậu, mặt úp xuống đất. Một hàng rào an ninh đã được thiết lập ngay quanh máy bay...


13 giờ 00:


Phi công từ máy bay gọi cho Đài kiểm soát Tân Sơn Nhất báo: "Người tấn công máy bay đã bị bắn chết". Các trưởng ban, phó ban thuộc Hội đồng An ninh hàng không phối hợp với Cơ quan OSI, Hoa Kỳ, điều tra nội vụ. Tất cả hành khách được xe của Hãng PAN AM di chuyển về Cam Alfa, khu nhà ga dành cho quân nhân Hoa Kỳ để lực lượng an ninh điều tra và khám xét hành lý.


20 giờ 57 phút:


Chiếc B747 cùng cơ trưởng Vaughn và phi hành đoàn chuyển vận ra đường băng, cất cánh đi Hong Kong sau khi đã hoàn tất các thủ tục điều tra, nhất là đối với ông Vaughn...


Chuyến bay định mệnh


image048


Phúc trình của Hội đồng An ninh hàng không VNCH về vụ giết hại Nguyễn Thái Bình - Tài liệu TTLTQG2


Nguyễn Thái Bình đáp chuyến bay 841 của Hãng PAN AM ngay phi trường đầu từ San - Francisco (Mỹ) về Tân Sơn Nhất. Tuyến bay có ghé lại Honolulu, Guam và Manila trước khi đến phi trường cuối ở Sài Gòn. Chuyến bay khởi hành ngày 1-7-1972 tại San Francisco.


Sau thời gian bay dài và đáp xuống ba phi trường ở Thái Bình Dương, 11 giờ 15 phút ngày 2-7, chuyến bay 841 lại cất cánh từ Manila băng qua Biển Đông để đến phi trường cuối ở Tân Sơn Nhất.


Kỳ tới: Cảnh sát Sài Gòn đã điều tra thế nào?


QUỐC MINH


Giải mã hồ sơ Nguyễn Thái Bình


Kỳ 2: Cảnh sát Sài Gòn đã điều tra thế nào?


09/01/2018 12:42 GMT+7


TTO - Chính các tài liệu mật của chính quyền Sài Gòn còn lưu trữ cũng khẳng định Nguyễn Thái Bình không thể (và cũng thật sự không có ý định) cho nổ tung chiếc máy bay khổng lồ B747 và 134 hành khách cùng 17 người trong phi hành đoàn.


image049


Báo chí Sài Gòn năm 1972 đăng tải nhiều bài viết xung quanh cái chết của sinh viên Nguyễn Thái Bình Ảnh tư liệu gia đình


Dưới ba tờ giấy mà Nguyễn Thái Bình buộc tiếp viên chuyển cho cơ trưởng chuyến bay 841 đều có ký tắt N.L.F. Đây là chữ viết tắt của Mặt trận Giải phóng miền Nam hay còn gọi là Việt Cộng


(Báo cáo của cảnh sát)


Sau phúc trình của Hội đồng An ninh hàng không, đến ngày 5-12-1972, tư lệnh cảnh sát quốc gia VNCH, chuẩn tướng Nguyễn Khắc Bình, tiếp tục ký báo cáo mật kết quả điều tra "về việc sinh viên Nguyễn Thái Bình mưu toan cưỡng đoạt máy bay PAN AM ngày 2-7-1972". 


Bản báo cáo đặc biệt này mang mã số 623.694/BTL/ CSQG/ TP + DP/M và được gửi đến Phủ thủ tướng Sài Gòn.


Bản lý lịch trích ngang


Phần đầu báo cáo trích tóm tắt lý lịch Nguyễn Thái Bình là sinh viên, sinh ngày 14-1-1948 tại Chợ Lớn, thuộc gia đình Công giáo, có chín anh em (theo gia đình, báo cáo này có những chi tiết sai như tôn giáo, nơi sinh mà chính xác là sinh tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).


Anh xuất ngoại du học ngày 23-6-1968 với học bổng của USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ) trong chương trình Leadership Scholarship. Thông hành đi Mỹ của anh do Việt Nam cấp ngày 14-3-1968 mang số 001590/68VN và chiếu khán khứ hồi số 03440. 


Đầu tiên, Nguyễn Thái Bình học tại Trường Fresno State College. Đến ngày 13-6-1969, anh tách rời các bạn, một mình đến học tại đại học đường Washington cho đến khi tốt nghiệp vào tháng 6-1972 khoa ngư nghiệp và kỹ nghệ thực phẩm.


Trong thời gian du học ở Mỹ, Nguyễn Thái Bình có trở về Việt Nam một lần vào ngày 21-6-1970, chiếu khán và tái xuất số 272/NV cấp tại San Francisco ngày 17-6-1970, trong thời hạn một tháng và tái xuất ngày 30-8-1970.


Trở lại Mỹ học và tham gia mạnh mẽ các phong trào phản chiến đến ngày 2-7-1972, Nguyễn Thái Bình trở về nước trên chuyến bay số 841 định mệnh mà không có chiếu khán của Tòa đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ cấp cho hồi hương.


image050


Báo cáo mật của tư lệnh cảnh sát quốc gia VNCH về vụ Nguyễn Thái Bình - Tài liệu TTLTQG2


Mâu thuẫn với phúc trình an ninh hàng không


Các diễn biến đặc biệt trên chuyến bay 841 được chuẩn tướng Nguyễn Khắc Bình báo cáo gần như tương tự bản phúc trình của Hội đồng An ninh hàng không, tuy nhiên nó lại khẳng định sinh viên Nguyễn Thái Bình không đe dọa giết nữ tiếp viên hàng không May Yuen và anh cũng không hề mang theo vũ khí nổ nguy hiểm nào.


Trong ba tờ giấy đánh máy bằng tiếng Anh mà Nguyễn Thái Bình đưa cho tiếp viên chuyển đến cơ trưởng để buộc chuyển hướng bay chiếc B747 ra Hà Nội, thì tờ 1 và tờ 2 có nội dung giống như bản phúc trình của Hội đồng An ninh hàng không (xem kỳ 1). 


Riêng tờ thứ ba thì nội dung báo cáo của tướng Bình khác hẳn bản phúc trình: "Tờ giấy thứ ba buộc nữ tiếp viên phải gửi giấy trên cho phi công chính và lấy trả lời của phi công trong vòng năm phút".


Như vậy, theo kết quả điều tra của cảnh sát, Nguyễn Thái Bình đã không hề đưa ra lời hăm dọa giết con tin May Yuen và đe dọa bằng hơi ngạt. 


Chắc chắn người ta phải tin điều tra của cơ quan cảnh sát chuyên trách hơn là của Hội đồng An ninh hàng không bao gồm các đơn vị dân sự như Nha Hàng không dân sự, Nha Căn cứ hàng không Tân Sơn Nhất. 


Đặc biệt, điều tra của cảnh sát được thực hiện kỹ lưỡng trong gần sáu tháng, trong khi bản phúc trình của Hội đồng An ninh hàng không được hoàn thành chỉ hơn một tháng.


Ngoài ra, bản báo cáo kết quả điều tra của tư lệnh cảnh sát quốc gia cũng ghi thêm một chi tiết đặc biệt: dưới ba tờ giấy Nguyễn Thái Bình buộc tiếp viên chuyển cho cơ trưởng chuyến bay 841 đều có ký tắt N.L.F. 


Đây là chữ viết tắt của National Liberation Front, được chính quyền Sài Gòn dịch ra "Mặt trận Giải phóng miền Nam hay còn gọi là Việt Cộng".


Mục 2.3 của phần II bản báo cáo của cảnh sát ghi rõ: "Khi phi cơ đến Sài Gòn và đáp trên phi đạo Tân Sơn Nhứt, ông Vaughn đến gặp Nguyễn Thái Bình để thuyết phục y. Trong khi đó, Nguyễn Thái Bình tay phải cầm một con dao, tay trái cầm một gói giấy tuyên bố trong đó có bom. 


Vì không thuyết phục được Bình nên ông Vaughn lợi dụng sơ hở khóa tay trái và siết cổ Bình. Bình đã dùng dao đâm vào ông Vaughn nhưng chỉ làm rách áo trước bên phải và sây sát nơi bụng. Ngay lúc đó, ông Mills bắn vào lưng Bình năm phát súng lục.


Khám xét trong mình Nguyễn Thái Bình, ngoài con dao, còn tìm thấy hai trái kim khí sau này được biết là lựu đạn giả, không có ngòi nổ và không có thuốc". 


Ngoài báo cáo này của viên tư lệnh cảnh sát Sài Gòn, bản phúc trình của Hội đồng An ninh hàng không cũng khẳng định anh hoàn toàn không trang bị vũ khí nổ: "Kết quả giảo nghiệm cho biết hai vật hình trứng gà tìm thấy trong túi áo nạn nhân không phải là chất nổ hay chứa hơi giết người".


image051


Lễ truy điệu Nguyễn Thái Bình ở California - Ảnh tư liệu gia đình


Đặc biệt, mật trình thứ ba tóm tắt nội dung sự kiện ngày 2-7-1972 của riêng Bộ Giao thông và bưu điện (cơ quan quản lý phi trường Tân Sơn Nhất) gửi cho Phủ thủ tướng cũng khẳng định sinh viên Nguyễn Thái Bình không có chất nổ hoặc vũ khí sát thương cao nào khác: "Khám xét trong mình Nguyễn Thái Bình, ngoài con dao, còn tìm thấy hai trái kim khí, sau này được biết là lựu đạn giả"...


Như vậy, cả ba bản báo cáo điều tra của ba cơ quan khác nhau đều cho thấy chuyến bay 841 của chiếc Boeing 747, Hãng hàng không Mỹ PAN AM đã thực hiện phi trình bình thường từ San Francisco ghé qua hai phi trường Honolulu, Guam để trả - đón hành khách. 


Sau khi ghé tiếp phi trường thứ ba ở thủ đô Manila, Philippines, lúc 11h15 ngày 2-7-1972, chuyến bay 841 lại cất cánh bay đến Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. 


Sau 45 phút bay, tức thời điểm chiếc B747 đang ở trên Biển Đông, sinh viên Nguyễn Thái Bình ngồi ở số ghế cuối khoang 495 mới bắt đầu yêu cầu cơ trưởng Eugene F. Vaughn bay chuyển hướng thẳng ra Hà Nội theo đường bay nhanh nhất.


Ngoài con dao nhỏ, người sinh viên Việt Nam này không có một thứ vũ khí hay vật liệu nổ nào có thể làm nổ máy bay. Kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát quốc gia VNCH cũng khẳng định anh không hề có lời lẽ đe dọa sẽ giết hại tiếp viên nếu không chịu thực hiện theo mệnh lệnh của mình.


Nhưng còn một câu hỏi quan trọng nữa về sự hi sinh của Nguyễn Thái Bình là tại sao người Mỹ phải bắn anh đến chết bằng năm phát đạn trong tình thế anh không thể chống cự?


Xuyên tạc


Chính các tài liệu mật của chính quyền Sài Gòn còn lưu trữ cũng khẳng định Nguyễn Thái Bình không thể (và cũng thật sự không có ý định) cho nổ tung chiếc máy bay khổng lồ B747 và 134 hành khách cùng 17 người trong phi hành đoàn.


Như vậy, các thông tin về hành động "không tặc định làm nổ máy bay, giết hại hành khách" là xuyên tạc, nhằm mục đích chính trị để bóp méo hành động cách mạng của người sinh viên Việt Nam.


QUỐC MINH


Giải mã hồ sơ Nguyễn Thái Bình


Kỳ 3: Sự thật 5 phát đạn


10/01/2018


TTO - Khoảng 12h55 trưa 2-7-1972, tức thời điểm người sinh viên Nguyễn Thái Bình bị bắn chết ở phía đuôi chiếc máy bay B747, có ít nhất bốn người đã tấn công anh.


image052


Sinh viên Nguyễn Thái Bình - Ảnh gia đình


Đó là cơ trưởng Augene F.Vaughn, viên cảnh sát Mỹ William H. Mills và hai người nước ngoài khác.


Cố tình giết chết Nguyễn Thái Bình


Báo cáo kết luận điều tra mật của Bộ tư lệnh Cảnh sát quốc gia miền Nam do chuẩn tướng tư lệnh Nguyễn Khắc Bình gửi Phủ thủ tướng Sài Gòn có những điểm khác với các báo cáo trước đó, nhưng lại đồng nhất chi tiết Nguyễn Thái Bình đã bị bắn như thế nào.


Thậm chí, các cơ quan của chính quyền miền Nam này còn đặt ra câu hỏi tại sao người Mỹ trên chuyến bay 841 PAN AM phải bắn đến chết một sinh viên Việt Nam trong một tình huống thật sự không cần thiết?


Ngược trở lại lúc 13h55, giờ Sài Gòn, ngày 2-7-1972, bản điều tra của cảnh sát ghi chiếc B747 đã hạ cánh xuống đường băng Tân Sơn Nhất. 


Cơ trưởng người Mỹ Vaughn giao cho phi công phụ quyền điều khiển máy bay vào bãi đậu, đồng thời ông ta trả lại cho hành khách William H. Mills (người khởi hành từ phi trường đầu tiên ở San Francisco cùng Nguyễn Thái Bình) khẩu súng lục Smith and Wesson loại 375 Magnum. 


Đây là khẩu súng mà hành khách này khi lên máy bay đã trao cho phi hành đoàn cất giữ theo luật.


Phần III, bản phúc trình của Hội đồng An ninh hàng không ghi rõ: "Mặc dầu Nguyễn Thái Bình đã bị cơ trưởng Vaughn khóa cổ và hành khách khác khóa chân bất động, không hiểu vì lẽ gì cơ trưởng Vaughn còn hô ông Mills bắn nạn nhân tới chết với một ngôn ngữ thô bạo và tục tằn.


Tham chiếu quy ước Tokyo về các biện pháp đối phó với hành động phi pháp nhằm vào ngành hàng không dân sự mà Chính phủ Hoa Kỳ đã ký kết và phê chuẩn, cơ trưởng của phi cơ lâm nạn được quyền yêu cầu sự trợ giúp của hành khách trên phi cơ. 


Tuy nhiên, trong vụ này cơ trưởng Vaughn đã lạm dụng quyền hạn trong việc triệu dụng sự trợ giúp không cần thiết của hành khách và nhất là hô ông Mills bắn năm phát đạn vào Nguyễn Thái Bình, sau khi Bình đã bị khóa chặt cổ và chân tay".


Đặc biệt, bản phúc trình này còn nhấn mạnh một nội dung: "Sau khi đã dùng sức khống chế rồi giết chết Nguyễn Thái Bình, cơ trưởng còn hất Bình lăn xuống đất. 


Hành động này có thể được coi như biểu lộ cho lòng hận thù, khinh miệt, đó là chưa kể cơ trưởng đã di chuyển tử thi trong một vụ án mạng khi chưa có sự hiện diện và đồng ý của thẩm quyền điều tra. Điều này đi ngược với mọi nguyên tắc pháp lý mà một cơ trưởng pháp lý đáng lẽ phải tường tận".


Một chi tiết pháp y rất quan trọng trong bản phúc trình này: "Nạn nhân đã bị bắn năm phát đạn từ sau lưng bằng súng Smith and Wesson 357 Magnum", chi tiết này chứng minh lời các nhân chứng mô tả Nguyễn Thái Bình đã bị gí súng ngay lưng để bắn đến chết khi anh đã bị khống chế nằm xấp xuống sàn phía đuôi máy bay.


Ngoài phúc trình của Hội đồng An ninh hàng không Tân Sơn Nhất và báo cáo điều tra của Bộ tư lệnh Cảnh sát, một mật trình khác được đánh số 177/ HKDS/ KT/KY/M của ông Nguyễn Đình Lân, giám đốc Nha Hàng không dân sự, gửi đến tổng trưởng Trần Văn Viễn, Bộ Giao thông và bưu điện, cũng cho rằng người Mỹ cố tình bắn chết sinh viên Nguyễn Thái Bình. 


Khi tổng trưởng Trần Văn Viễn gửi mật trình lên Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, ông vẫn tiếp tục nhấn mạnh chi tiết: mặc dù sinh viên Nguyễn Thái Bình đã bị khống chế nhưng cơ trưởng Vaughn vẫn ra lệnh bắn chết anh.


image053


Nha Hàng không Dân sự báo cáo người bắn chết Nguyễn Thái Bình - Tài liệu TTLTQG2


Yêu cầu điều tra bị xếp lại


Trong các mật trình gửi lên cấp trên, Hội đồng An ninh hàng không Tân Sơn Nhất, Nha Hàng không dân sự, Bộ Giao thông và bưu điện đều đề nghị cần điều tra tư pháp độc lập để làm rõ việc tại sao người Mỹ bắn chết sinh viên Nguyễn Thái Bình.


Đại tá Phan Phụng Tiên, chủ tịch Hội đồng An ninh hàng không, còn kiến nghị: "Trường hợp của cơ trưởng Vaughn cũng cần được giới chức có thẩm quyền xét lại vì: về phương diện pháp lý, đương sự (Vaughn) trực tiếp liên hệ đến một vụ án mạng xảy ra trên không phận và địa phận VNCH. 


Về phương diện nghề nghiệp, sự kiện xảy ra cho thấy đương sự đã có thái độ miệt thị, nóng nảy là những thái độ trái ngược lại với đức tính hòa nhã và nhất là trầm tĩnh rất cần thiết cho một cơ trưởng, trách nhiệm cao nhất trên chuyến bay dân sự quốc tế. 


Đó là chưa kể đương sự đã tỏ ra không am hiểu hoặc khinh miệt các nguyên tắc cảnh sát, khi vất thi hài Nguyễn Thái Bình từ phi cơ xuống mặt đất. 


Trường hợp ông Mills đã bắn chết Nguyễn Thái Bình bằng năm phát đạn có thật cần thiết hay không? Vấn đề này có lẽ chỉ được sáng tỏ sau khi tòa án thụ lý nội vụ và cho mở lại cuộc điều tra. 


Nếu quả thật đương sự (Mills) đã có hành động quá đáng, các biện pháp thích nghi cần phải được áp dụng, hầu các sự kiện xảy ra không thể biến thành tiền lệ và có thể tái diễn".


Giám đốc Nha Hàng không dân sự Nguyễn Đình Lân cũng đưa ra các yêu cầu tương tự trong bản mật trình gửi đến tổng trưởng Bộ Giao thông và bưu điện và yêu cầu mở cuộc điều tra tư pháp.


Ngày 11-10-1972, tổng trưởng Trần Văn Viễn gửi tờ trình số 369/GTBĐ/TTK/PC/M đến Phủ thủ tướng đề nghị: "Hành khách Mills đã bắn chết Nguyễn Thái Bình. Vấn đề này chỉ được sáng tỏ sau khi tòa án thụ lý nội vụ và cho mở cuộc điều tra tư pháp nên bộ tôi trân trọng kính trình thủ tướng để thẩm quyết"...


Tuy nhiên, sự kiện này đã bị cố tình đóng kín. Bút phê trên phiếu trình số 566/P.Th.T/STTL, ngày 9-12-1972, người đứng đầu Phủ thủ tướng VNCH Trần Thiện Khiêm chỉ ghi vài từ: "Theo ông tổng trưởng tư pháp cho biết thì Biện lý cuộc Sài Gòn đã cho xếp nội vụ".


Một chi tiết rất ít người biết là ngay sau khi giết hại Nguyễn Thái Bình, viên cảnh sát Mills trở về nước ngay mà không tiếp tục kế hoạch làm việc tại Sài Gòn. Cơ trưởng Vaughn cũng bị Hãng PAN AM cấm đảm nhiệm chuyến bay đến Sài Gòn. 


Tại sao phía Mỹ phải khẩn cấp rút nhân viên mình khỏi Việt Nam?


Quả bom duy nhất của tôi là trái tim tôi


image054


Nguyễn Thái Bình trong bộ đồ nông dân Việt Nam nói chuyện phản đối chiến tranh ở Mỹ - Ảnh tư liệu gia đình


"… Để bảo vệ VN chống lại sự xâm lược của Mỹ, chống lại cuồng vọng man rợ của những kẻ cầm đầu một nước mạnh nhất thế giới, cuộc đấu tranh của nhân dân VN sẽ đầy khó khăn gian khổ.


Hiện nay quả bom duy nhất của tôi là trái tim tôi.


Trái tim này có thể nổ vì tôi chấp nhận sự hi sinh vì đại nghĩa, để kêu gọi tình thương yêu, để khôi phục niềm tin con người vào công lý, để thức tỉnh lương tâm của kẻ thù.


Nếu tôi bị giết, hàng triệu người VN sẽ thay tôi chiến đấu cho đến khi chúng tôi chấm dứt được cuộc chiến tranh bất nhân và vô luân này.


Ký tên


NGUYỄN THÁI BÌNH


Một người Việt Nam


(Trích thư Nguyễn Thái Bình gửi tổng thống Nixon ngày 1-7-1972)


Kỳ 4: Lá thư "sanh ly, tử biệt"


QUỐC MINH
12 Tháng Hai 2019(Xem: 5697)
08 Tháng Giêng 2019(Xem: 6365)