VĂN HÓA ONLINE - NHÂN VẬT & SỰ KIỆN - THỨ SÁU 20 APRIL 2018
Vị sư trẻ nước Việt tại Đại học Yale
Fr: Gs.LuongTran <tranvanluong75@att.net>
Nhà Sư Thích Tâm Tiến sanh vào năm 1991 , tu tập tại Chùa Hoằng Pháp- Huyện Hóc Môn là chùa lớn nhất Tp HCM (chùa Hoằng Pháp mỗi ngày có bố thí trên 3000 người ăn chay, ngày 3 buổi cơm free.Liên tiếp trên chục năm ròng rã).
Chùa Hoằng Pháp sân trước chứa trên 5000 phật tử tu học.
Nhập Đề :
Sư thầy trẻ nhận học bổng toàn phần Harvard trả lời câu hỏi: Du học thì tu vào lúc nào?
Chọn con đường tu hành song song với du học, những chiêm nghiệm cuộc sống của thầy Thích Tâm Tiến cũng vì thế mà sâu sắc và gần gũi hơn với giới trẻ. Cả đời thầy luôn khát khao giúp người trẻ thấy được con đường mà họ sẽ đi, xác định được bản thân muốn gì và sẽ làm như thế nào để đạt được nó.
Thông tin được chia sẻ khắp mạng xã hội. Trước khi nhận học bổng lớn, sư thầy trẻ tuổi này từng gây ấn tượng với nhiều bạn trẻ qua những bài giảng Phật pháp thấm nhuần đạo lý làm người.
Với gương mặt sáng rực, đôi mắt linh hoạt, miệng cười hiền hậu, sư Tâm Tiến (quê gốc Quảng Trị 27 tuổi. Phật pháp đến với Tâm Tiến như một mối duyên lành. 15 tuổi, khi bạn đồng đồng trang lứa vẫn sống trong vòng tay bao bọc của gia đình sớm chiều 2 buổi đến trường, Tâm Tiến quyết định vào chùa, cạo đầu, đi tu. Cậu trở thành nhà sư "học trò" ở chùa Hoằng Pháp, Hóc Môn, Sài Gòn từ đó đến nay.
Vào chùa không có nghĩa là lánh đời, trái lại, sư Tâm Tiến còn tập trung vào việc học nhiều hơn nữa. Sư từng học sơ cấp và trung cấp Phật học ở Việt Nam, sau đó học cử nhân ở Thái Lan. Hiện tại, sư Tâm Tiến đang theo học bậc Thạc sĩ ngành Triết học tôn giáo ở ĐH Naropa (Mỹ).
Học bổng 50% của ĐH Yale hay mức hỗ trợ học phí 100% trong năm học đầu tiên (sẽ được tiếp tục xem xét trong những năm sau đó) mà Harvard gửi đến Tâm Tiến, là sự ghi nhận, một phần thưởng xứng đáng dành cho một "du học sinh" đặc biệt.
Chân dung nhà sư Thích Tâm Tiến.
Đi tu không có nghĩa là ngừng học, vào chùa không phải để lánh đời
Thầy Tâm Tiến từng tham gia sinh hoạt Gia Đình Phật Tử từ nhỏ và cũng nhờ đó mà được học Phật pháp. Gia đình thầy có truyền thống là mỗi tháng 2 lần vào ngày Rằm và Mùng một đều tập trung lại tụng kinh tại nhà nên điều đó cũng giúp thầy biết đến lời Phật dạy.
Lúc mới đi tu, những ngày đầu tập làm quen với cuộc sống của một nhà tu, lần đầu được khoác áo tu sĩ là những cảm xúc mà Tâm Tiến không bao giờ quên được.
Thầy chia sẻ: "Đi tu là con đường giúp mình "trở ngược" lại cuộc đời để giúp đỡ mọi người chứ đó không phải là việc trốn tránh. Nhiều người nghĩ vào chùa để được "an thân", không lo chuyện đời, sống cuộc đời không trách nhiệm với xã hội. Mình nghĩ suy nghĩ này quá sai lệch với những gì những người xuất gia đã và đang làm. Người xuất gia giúp đỡ được nhiều người hơn vì họ không bị vướng bận về chuyện gia đình, con cái.
Và cũng ít có người mang đến cho ta niềm vui bằng chính sự tự tại trong tâm hồn. Ta chỉ có một kiếp sống để mỉm cười và cống hiến cho đời, hà cớ gì ta lại bận lòng chuyện được mất của thế gian! Sống với tất cả những gì ta có thì nụ cười ấy mãi luôn làm rạng ngời những ngày đen tối nhất."
Thầy Tiến từng học cử nhân tại International Buddhist College (tại Thái Lan). Điểm đến tiếp theo trên chặng đường tri thức của sư thầy trẻ tuổi là hệ Thạc sĩ ở trường Đại học Naropa, Colorado, Mỹ. Tháng 5 này, Tâm Tiến sẽ tốt nghiệp. Thầy đã quyết định sẽ vào Harvard, 3 tháng sau đó.
Với thầy, du học là một thử thách và là sự khám phá, đi được nhiều nơi thì sẽ học được nhiều điều mới mẻ. Thầy luôn quan niệm rằng: "Tu không học là tu mù - mình không muốn bị mù" đâu".
Đi hiều, biết rộng, Tâm Tiến trăn trở người trẻ giàu năng lượng như vậy tại sao không sử dụng năng lượng và sức trẻ ấy để học được càng nhiều càng tốt? Bởi như vậy, sau này ra đời sẽ phụng sự xã hội sẽ dễ dàng hơn. Tuổi trẻ chỉ đến một lần thôi, mỗi người nên tận dụng thời gian đó để khi về già mình không phải sống trong tiếc nuối.
Tâm Tiến mỉm cười, Thầy tâm sự ngày nào mình cũng dành thời gian ngồi thiền. Những lúc này, Tâm Tiến thấy tâm mình thực sự hướng về quê hương, về đất Phật. Ngồi thiền không phải là một hình thức tôn giáo, đó là cách thầy an tĩnh tâm mình lại sau một ngày học căng thẳng, ngồi thiền cũng có thể giúp chúng ta xả stress rất hiệu quả.
"Chữ "tu" với mình đơn giản là sửa chữa và hoàn thiện. Ai trên đời này cũng cần tu cả. Ai cũng cần sửa đổi bản thân để trở thành người tốt hơn. Mình không dám nói mình hơn ai nhưng mình tự nhận thấy mỗi ngày đi qua con người mình được tốt hơn, thanh thản hơn là mình thấy an lành rồi.
Việc sửa đổi bản thân cũng giúp cho mình nhìn sâu vào những yếu tố chưa tốt trong mình, mình ngồi tĩnh tâm để thấy được rằng những hành động, lời nói của mình có thể mang lại hạnh phúc nhưng cũng có thể mang lại khổ đau cho người khác. Vì vậy hãy luôn biết quay lại với tự tâm của mình để khi mình đối xử với người, mình luôn mang lại an vui cho họ", thầy Tâm Tiến chia sẻ bí quyết để sống an vui.
Là một nhà tu hành, đi du học, nhiều người đặt ra câu hỏi thầy làm thế nào để tránh những thú vui ở đời. Thực ra, thú vui thì tầng lớp nào cũng có, chủ yếu là tâm của mình có bị chi phối hay chạy theo những thú vui đó hay không mà thôi. Một tu sĩ như thầy, không hút thuốc, không uống rượu, không đi chơi,... thì tâm sẽ không bị vướng vào bất cứ thú vui nào cả.
Ở trong chùa, ngày ngày làm bạn với kinh kệ nhưng không có suy nghĩ nào của người trẻ mà thầy Tâm Tiến không biết. Bản thân thầy cũng còn rất trẻ, mặt khác, thầy Tiến thường tham gia các buổi nói chuyện - giảng giải Phật pháp cho mọi người vì thế ở sư thầy, có một sự thấu cảm rất đặc biệt.
Điều mà thầy quan tâm nhất đó là làm sao các bạn trẻ định hướng được tương lai của bản thân. Sống có ước mơ, ước mơ lớn và có đủ sự dũng cảm để theo đuổi ước mơ đó.
Tiếp xúc và tư vấn cho nhiều bạn trẻ, thầy Tâm Tiến thấy các bạn thường bị "chênh vênh" trong cuộc sống và trong học tập. Cả đời thầy chỉ khát khao muốn giúp các bạn ấy thấy được con đường mà các bạn sẽ đi, không cần phải thấy thật rõ, chỉ cần xác định được bản thân muốn gì và sẽ làm như thế nào để đạt được nó, bất cứ khó khăn nào mình gặp phải đều là những bậc thang để mình bước lên một đỉnh cao mới.
Trong các bài giảng của mình, thầy luôn nói với các học sinh rằng, tất cả chúng ta ai đến chùa cũng tìm về nơi an lành, thanh bình và tĩnh tại của tâm hồn. Lâu lâu trong cuộc sống của mỗi chúng ta cũng đều có nhiều nỗi khổ đau. Tìm đến chùa để được lắng dịu lại thâm tâm của mình và có thể nghe giảng từ các Thầy để mình tìm được hướng giải quyết cho những bế tắc trong cuộc sống. Đừng nghĩ những người giàu có, địa vị xã hội là không khổ. Họ khổ mà không dám nói ra thôi. Nói ra họ sợ bị tổn thương bản ngã của họ.
Hãy xem những điều chưa tốt trong bản thân như là bùn, và dùng bùn đó để nuôi dưỡng hoa sen là những điều tốt trong mình
Suy cho cùng, sẽ đến lúc con người ta ai cũng muốn tránh khỏi thị phi, tránh khỏi tham sân si ở đời để tâm hồn được thanh tịnh nhất. Thầy Tâm Tiến cho rằng: "Muốn tránh được tham sân si ở đời phải cười nhiều! Khi gặp khó khăn chúng ta lại càng nên cười. Mình thường nói đùa là "mình cười vào mặt nó", cười để mình biết được rằng bản chất của khó khăn đó cũng rất vô thường. Nó tới rồi nó cũng qua thôi. Cười để mình thấy rằng mình may mắn còn có được những thử thách để thử sức bản thân, mình còn sống để "chiến đấu" với sự lười biếng trong con người mình, và hơn hết, cười làm mình đẹp hơn! "
Bài giảng của thầy được nhiều bạn trẻ chia sẻ nhất chính là "trên đời không có soái ca đâu con". Làm sao tìm được người hoàn hảo trên cuộc đời này? "Mình biết bản thân có những điểm yếu nào và cố gắng rèn luyện, học hỏi để những điểm yếu đó được mạnh hơn là tốt rồi. Nếu bạn biết mình chưa tốt thì chính bạn cũng đã tốt lên một phần nào đó rồi. Hãy xem những điều chưa tốt trong bản thân như là bùn, và dùng bùn đó để nuôi dưỡng hoa sen là những điều tốt trong mình".
Con người ta ít khi đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu nhau hơn. Thầy bày tỏ rằng mình nên tử tế với đam mê của mình và nên tử tế với đam mê của người khác. Ai cũng có một cuộc đời riêng. Họ theo đuổi điều gì, muốn trở thành người như thế nào đều là sự lựa chọn của họ, miễn là họ vẫn giữ được nhưng quy tắc đạo đức căn bản. Mình biết tôn trọng người chính là tôn trọng bản thân. Đừng sợ, đừng đánh giá và đừng thờ ơ với đam mê của bản thân. Có đi mới có đến, đích đến không quan trọng bằng con đường mình đi.
"Mình thích nhất câu nói của Thiền sư Nhất Hạnh đó là "Không có con đường đi đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường." Trên mỗi con đường mình đi, nếu mình tìm được niềm vui và hạnh phúc thì có đạt được ước mơ hay không cũng không còn quan trọng. Bởi lẽ, chính hạnh phúc đã là một con đường." - thầy Tâm Tiến nói.