"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ TƯ 23 MAR 2016
Thỏa thuận mới Mỹ-Philippes giúp Manila giữ biển
Ảnh vệ tinh ngày 12/03/2016 cho thấy tàu bè Trung Quốc hoạt động tấp nập tại bãi cạn Scarborough.REUTERS/Planet Labs
Hai ngày sau khi đạt thỏa thuận song phương cho phép quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ hải lục không quân để luân chuyển quân, chính phủ Philippines hôm nay 20/03/2016 tuyên bố hài lòng. Sự hiện diện của Hoa Kỳ sẽ giúp cho Philippines cải tiến khả năng phòng thủ và bảo vệ biển đảo bị Trung Quốc xâm lấn.
Trong ngày Chủ nhật 20/03/2016, từ Bộ Quốc phòng cho đến Bộ Ngoại giao Philippines đều ra thông cáo hoan nghênh thỏa thuận Mỹ-Phi vừa đạt được hôm 18/03, trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược thường niên. Theo hiệp định hợp tác mới này, Philippines mở 5 căn cứ quân sự đón tiếp máy bay, tàu chiến và Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trong đó có một căn cứ nhìn ra Biển Đông, nơi Trung Quốc tranh chấp bằng sức mạnh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose nhận định: "Năm căn cứ được lựa chọn tái xác định hai nước đồng minh Mỹ-Phi cùng chia sẻ trách nhiệm phòng thủ và bảo vệ an ninh chung một cách mạnh mẽ hơn".
Trong một bản thông cáo riêng, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Peter Galvez nhấn mạnh điều mà ông gọi là sự hiện diện của Mỹ sẽ giúp quân đội Philippines « phát huy khả năng bảo vệ an ninh trên biển và cứu trợ nạn nhân thiên tai ».
Thỏa thuận cho Hoa Kỳ sử dụng năm căn cứ quân sự nằm trong khuôn khổ Hiệp Định Hợp Tác Quốc Phòng Tăng Cường đạt được từ năm 2014, có hiệu lực kể từ tháng 01/2016.
Căn cứ không quân Antonio Bautista ở đảo Palawan trang bị ra-đa nhìn ra biển Đông chỉ cách đảo đá ngầm Mischief (Vành Khăn) có 300 km trong khi căn cứ thứ nhì là Basa ở phía bắc Manila nằm cách Scaborough 330 cây số, bị Trung Quốc chiếm đoạt năm 2012.
Các căn cứ còn lại là những trung tâm huấn luyện có phi đạo riêng. Theo nguồn tin ngoại giao từ Washington, nhân viên và trang thiết bị sẽ đến Philippines « trong nay mai »./
Tú Anh RFI 20-03-2016
++++++++++++++++++++++++++++++++++++
XEM THÊM:
Đài Loan đưa báo chí thăm đảo ở Biển Đông
Tổng thống Đài Loan sắp mãn nhiệm Mã Anh Cửu trong chuyến thăm đảo Ba Bình hồi tháng 2, 2016.
Chính phủ Đài Loan cho biết sẽ đưa giới báo chí quốc tế tham quan hòn đảo lớn nhất mà Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông. Động thái này là một phần trong nỗ lực của Đài Loan nhằm củng cố tuyên bố về lãnh thổ ở vùng biển có nhiều tranh chấp.
Thứ trưởng Ngoại giao Lệnh Hồ Vinh Đạt (Bruce Linghu) cho biết chuyến thăm hôm 23/3 đến đảo Thái Bình (Việt Nam gọi là Ba Bình) có mục đích phản bác lại vụ khiếu nại của Philippines ra Tòa án Trọng tài Thường trực cho rằng hòn đảo này chỉ đơn thuần là một đảo đá và không được hưởng lãnh hải và các quyền khác.
Ông Linghu nói chuyến thăm sẽ chứng minh rằng đảo Ba Bình có đủ điều kiện cho con người sinh sống và do đó phù hợp với định nghĩa về đảo theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển. Ông nói Ba Bình đáp ứng tiêu chí đó "cho dù xét theo góc độ lịch sử, địa lý hay luật pháp quốc tế".
Tại một cuộc họp báo hôm 22/3 ở thủ đô Đài Bắc, ông Linghu cho rằng Philippines "bóp méo sự thật và diễn giải sai pháp luật" trong lập luận của mình.
Dự kiến ít tháng nữa một tòa trọng tài quốc tế sẽ ra phán quyết về việc Philippines khiếu nại và nêu ra lập luận chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông dựa trên những cơ sở không rõ ràng. Đài Loan tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên vùng mà Trung Quốc đòi hỏi, nhưng Đài Loan lâu này vẫn chủ yếu tỏ ra thụ động trong các tranh chấp đang diễn ra.
Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và Đài Loan chồng lấn lên phần lớn vùng Việt Nam đòi chủ quyền. Việt Nam chưa có động thái gì về việc khiếu nại ra tòa quốc tế. Cũng chưa có tin tức về Việt Nam có phản ứng gì về kế hoạch của Đài Loan đưa báo chí thăm đảo Ba Bình.
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã từng có động thái tương tự để thúc đẩy cho quy chế của đảo Thái Bình khi ông thăm đảo hồi tháng 1. Việc này đã nhận sự chỉ trích hiếm hoi từ Mỹ.
Ba Bình là hòn đảo tự nhiên lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, nơi có tranh chấp ganh gắt giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và một số nước khác. Trong số đó, Trung Quốc đã tích cực xây đảo nhân tạo bằng cách bồi đắp cát trên các rạn san hô rồi xây thêm đường băng, cầu cảng và các cơ sở quân sự.
Đài Loan không được công nhận là một nước và không có quan hệ ngoại giao nên không đàm phán với 5 chính phủ khác về tuyên bố về chủ quyền ở Biển Đông. Tuy vậy, Đài Loan đã chi hơn 100 triệu đôla để nâng cấp đường băng trên đảo và xây dựng một cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tuần duyên có trọng lượng 3.000 tấn. Trên đảo có một phân đội tuần duyên đồn trú, ngoài ra còn có một bệnh viện 10 giường, một ngọn hải đăng và một trạm ứng cứu cho các tàu cá gặp nạn.
VOA 22.03.2016 Theo ABC News, AP