"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ TƯ 30 MAR 2016
Học giả TQ bình luận về 5 căn cứ quân sự Mỹ chọn tại Philippines
(GDVN) - Máy bay Mỹ từ Palawan có thể bay đến quần đảo Trường Sa trong khoảng nửa giờ đồng hồ, khả năng phản ứng nhanh với xung đột tiềm tàng tăng mạnh.
Ngày 18/3, tại Đối thoại chiến lược song phương thường niên giữa Mỹ-Philippines, hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc Philippines mở cửa 5 căn cứ quân sự cho Quân đội Mỹ sử dụng, trong đó có 4 căn cứ không quân và 1 căn cứ lục quân.
Đối thoại chiến lược Mỹ-Philippines ở Washington
Mỹ cho biết, quân đội nước này sẽ nhanh chóng triển khai binh sĩ và công tác hậu cần liên quan ở những căn cứ này. Đại sứ Mỹ tại Philippines cho hay, việc triển khai quân Mỹ đến các căn cứ mới này sẽ diễn ra “rất sớm”.
Mỹ đã chọn sử dụng 4 căn cứ không quân (căn cứ Antonio Bautista trên đảo Palawan ở phía tây, căn cứ Lumbia ở đảo Mindanao miền nam, căn cứ Mactan-Benito Ebuen ở miền trung và căn cứ Basa ở đảo Luzon, miền bắc) cùng 1 doanh trại lục quân – căn cứ Fort Magsaysay cũng ở trên đảo Luzon.
Nhìn vào bản đồ, những căn cứ này trải đều trên toàn bộ lãnh thổ của Philippines, phản ánh mức độ cực kỳ thân cận của quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Philippines.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Quân Xã cho rằng, Mỹ sở dĩ đặc biệt coi trọng các căn cứ không quân của Philippines là do chúng tạo thuận lợi hơn cho Quân đội Mỹ tiến hành “phản ứng nhanh” đối với các sự vụ ở Biển Đông.
Hơn nữa, hiện nay Quân đội Mỹ cũng đã có thể tự do sử dụng căn cứ hải quân vịnh Subic ở đảo Luzon của Philippines. Ngoài ra, Hải quân Mỹ còn có các căn cứ chính ở Nhật Bản và Guam cùng với căn cứ quy mô nhỏ Changi ở Singapore.
Cơ sở hạ tầng của căn cứ hải quân Subic hiện vẫn còn tương đối lạc hậu. Nếu Quân đội Mỹ sử dụng căn cứ này thì họ sẽ phải tiến hành cải tạo, trong khi người Mỹ không muốn đầu tư quá nhiều tài chính cho điều này.
5 căn cứ quân sự Philippines mà Mỹ lựa chọn có tác động rất lớn đến cục diện Biển Đông
Đa Chiều ngày 22/3 cho rằng, để tiến hành kiểm soát khu vực Biển Đông, trong tương lai, Mỹ sẽ thiên về sử dụng các máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon và các máy bay khác, duy trì giám sát thường xuyên và lâu dài ở khu vực Biển Đông. Vì vậy, Mỹ đã chọn sử dụng 4 căn cứ không quân của Philippines.
Đáng chú ý là lần này trong 4 căn cứ không quân Philippines mà Mỹ được phép sử dụng, căn cứ Antonio Bautista nằm trên đảo Palawan cách quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) rất gần và có đường băng dài khoảng 2,7 km, có vị trí mang tính chiến lược.
Từ căn cứ này, máy bay tuần tra Mỹ chỉ cần bỏ ra khoảng nửa giờ đồng hồ là có thể vươn tới bầu trời khu vực quần đảo Trường Sa, hỗ trợ rất lớn cho các hành động phản ứng nhanh của Quân đội Mỹ khi có tình huống xung đột xảy ra ở đây trong tương lai.
Chuyên gia Trung Quốc cũng lo ngại, ở căn cứ này, Mỹ có thể triển khai nhiều loại máy bay quân sự để chiếm quyền kiểm soát trên không ở Biển Đông như máy bay ném bom chiến lược, máy bay tuần tra săn ngầm, máy bay tiếp dầu và máy bay chiến đấu.
Như vậy, Quân đội Mỹ sẽ có thể nhanh chóng sử dụng 5 căn cứ quân sự của Philippines, tiến hành đồn trú lần đầu tiên ở một quốc gia Đông Nam Á sau 25 năm. Vào tháng tới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter sẽ đến Philippines để bàn về vấn đề thực hiện thỏa thuận này.
Có chuyên gia cho rằng, căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic của Philippines đều có vị trí chiến lược quan trọng, do đó, chúng có thể được đưa vào danh sách sử dụng lần sau.
Trương Quân Xã cho rằng, Quân đội Mỹ sắp triển khai ở Philippines chủ yếu nhằm phục vụ cho chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ ở khu vực này.
Quân đội Mỹ đồn trú ở những căn cứ này sẽ trực tiếp “tăng nhuệ khí” hỗ trợ cho Philippines đương đầu với (các hành động leo thang, bành trướng của) Trung Quốc. Đây là mục đích cuối cùng của họ.
Máy bay ném bom chiến lược B-1 Mỹ
Lần này, người Mỹ đã nói rất rõ ràng rằng, họ lựa chọn những căn cứ này để thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, muốn tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhấn mạnh, thỏa thuận với Philippines cho thấy, Mỹ thực sự nghiêm túc về vấn đề tái cân bằng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông John Kirby còn cho biết, việc Mỹ triển khai quân sự ở Philippines không nhằm khiêu khích Trung Quốc, mà nhằm thực hiện cam kết an ninh với đồng minh Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc coi đây là hành động “quân sự hóa” Biển Đông.
Đông Bình 28/03/16 11:31