Thứ năm 23 Tháng Năm 2013
38 năm sau 1975, người Việt Nam lại vượt biển
Thuyền nhân Việt Nam (Ảnh lưu trữ - DR)
460 thuyền nhân Việt Nam kể cả phụ nữ và trẻ em đã đến Úc trong 4 tháng đầu 2013. Gần 40 năm sau ngày Việt Nam thống nhất trong chế độ "xã hội chủ nghĩa", hiện tượng người vượt biển lại tăng cao, bằng tổng số thuyền nhân đến Úc trong 5 năm trước.
Tuy nhiên, chính sách tỵ nạn của Canberra đã khác, không rộng lượng như thời thập niên 80,90 khi hàng triệu người bỏ nước. Người vượt biển bị tạm giam trong các trại cách ly với tương lai mờ mịt.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, trong gần hai thập niên sau ngày 30/04/1975, hơn 1,3 triệu người Việt Nam vượt biên, vượt biển đi tỵ nạn. Trong số này , Liên Hiệp Quốc thẩm định từ 200.000 đến 400.000 người không đến được bến bờ hoặc chết vì tàu bị đắm, bị hải tặc Thái Lan sát hại. Trong khoảng thời gian này, Hoa Kỳ đón nhận 823.000 thuyền nhân , Pháp 96.000, Úc cũng như Canada nhận 137.000 người, Anh quốc 19.000.
Nhưng vào năm 2013, nguyên nhân nào lại thúc đẩy hàng trăm người Việt Nam vượt biển ? Theo luật sư Úc Keye Bernard, trong số thuyền nhân mới đến có một số tín đồ Công giáo từng tham gia tranh đấu bảo vệ giáo xứ Thái Hà. Một số khác bị truy bức trong các vụ tranh tụng đất đai bị nhà nước trưng thu.
Tuy nhiên, chính sách tỵ nạn của Úc, quốc gia tây phương duy nhất gần Việt Nam và cũng là điểm đến của những con người muốn có cơ hội xây dựng đời sống mới, đã trở nên gắt gao hơn. Số phận thuyền nhân ra sao ? Phải trở về Việt Nam hay có hy vọng được định cư ? Trong số 101 thuyền nhân đến Úc trong năm 2011, có sáu người bị đưa về Việt Nam.
Hôm qua 22/05/2013, một phái đoàn của Cộng đồng Việt Nam Tự Do tại Úc đã gặp thủ tướng Julia Gillard vận động chính phủ Úc về vấn đề thuyền nhân. Sau khi nhận được tin nhắn cầu cứu của hai thuyền nhân từ đảo Manus gửi cho RFI, ban biên tập chúng tôi đặt câu hỏi với nhà báo Lưu Tường Quang từ Sydney.
Nhà báo Lưu Tường Quang : « Trong những ngày qua, báo chí quốc tế và Úc đều loan tin có sự gia tăng rất đáng kể của thuyền nhân Việt Nam từ Việt Nam hoặc qua trung gian tại Indonesia đến Úc trong 4 tháng đầu năm 2013 : 460 người xin tầm trú tại Úc. Đây là con số đáng kể nhiều hơn của 5 năm về trước . Có người cho rằng đây là vì lý do kinh tế nhưng cũng có người cho rằng đây là hậu quả của chính sách đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội đối với nhân quyền, tự do ngôn luận và chính kiến tại Việt Nam.
Có thể, tất cả những lý do đó đều đúng ….nhưng cần phải xem kỷ những thuyền nhân này có lý do chính đáng khi họ liều lĩnh vượt biển tìm tự do tại Úc và những hậu quả khi họ đến lãnh thổ, lãnh hải của Úc thì họ phải đối diện với những khó khăn gì để những ai bị giam cầm trong các trại tỵ nạn tại Úc hiểu rõ tiến trình họ phải đi qua và những ai bị đối xử tàn tệ vì lý do nhân quyền vì lý do chính kiến thì họ sẽ có thể làm gì, suy nghĩ gì cho tương lai của họ…
Nguyên nhân cốt lõi của hiện tượng thuyền nhân gia tăng : « Nhà cầm quyền Việt Nam đương nhiên phải nói là người đi tầm trú là vì lý do kinh tế vì nếu nhìn nhận những thuyền nhân ra đi vì lý do chính trị thì điều đó là một phản ảnh tiêu cực về chế độ của họ…. Nếu chúng ta nhìn lại cái tiến trình cho đến năm 2006 khi Hà Nội tổ chức (thượng đỉnh) Apec thì Hà Nội đã phần nào nới tay đến mức độ mà tổng thống Mỹ George W. Bush đã lấy tên CHXH Chủ nghĩa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần ưu tư (về tự do tôn giáo)….Trước khi gia nhập WTO ( Tổ chức Thương mại Thế giới) thì họ cũng có những biện pháp gọi là tạm thời cởi mở cho đến 2007.
Tuy nhiên, sau hội nghị Apec năm 2006 và được vào WTO đầu năm 2007 thì CHXHCN Việt Nam sử dụng những điều luật 79, 88 tuyên truyền chống phá nhà nước và âm mưu lật đổ chế độ là những điều khoản đi ngược lại với những điều khoản bảo vệ tự do ngôn luận, tự do phát biểu ý kiến có ghi trong Hiến pháp 1992 của Việt Nam cũng như hoàn toàn đi ngược lại với công ước quốc tế về quyền chính trị mà Việt Nam là thành viên kết ước… nhà cầm quyền Hà Nội mỗi ngày mỗi siết chặt và gia tăng đàn áp những người yêu nước, những thanh niên sinh viên tranh đấu cho tự do dân chủ.
Ngay giờ phút này, 8 thanh niên Công giáo ở Nghệ An đang bị xét xử phúc thẩm và mới đây vài ngày sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha bày tỏ lòng yêu nước, họ nói vì tổ quốc chống ngoại xâm, vì tiền đồ dân tộc chống tham nhũng là những điều được gọi là chính sách của nhà nước thế nhưng họ bị kết ánt ù rất nhiều năm tại tòa án tỉnh Long An.
Rõ ràng là chính sách đàn áp nhân quyền đã đưa đến tình trạng nhiều người bỏ nước ra đi. Nếu căn cứ vào định nghĩa của « người tỵ nạn » thì những ai có bằng chứng đang lo sợ bị hành hạ, bị bắt bớ bị tù đày vì lý do chính kiến, hoặc vì lý do chủng tộc hay tôn giáo thì họ thỏa mãn định nghĩa về « người tỵ nạn » theo điều khoản thứ nhất trong Công ước quốc tế về người tỵ nạn 1951-1967.
Trên căn bản đó, nếu họ có ao ước, những hoài bão để cải thiện đời sống kinh tế thì cái hoài bão đó không loại trừ cái khả năng họ được chứng nhận là người tỵ nạn vì căn nguyên cốt lõi vẫn là cái nỗi lo sợ bị trừng phạt, bị tù đày, bạc đãi vì lý do chính kiến hay vì lý do tôn giáo.
Chính sách của Úc đối với thuyền nhân Việt Nam : Từ năm 2012, Úc áp dụng « giải pháp Thái Bình dương , tạm giam thuyền nhân trong các trại di trú trên đảo Nauru và Manus. Đặc điểm của « giải pháp » này là những thuyền nhân tới Úc phải chờ đợi một khoảng thời gian bằng với thời gian đáng lẽ họ phải chờ ở Indonesia để được cứu xét.
Thuyền nhân bị giam trên đất liền hay trên các đảo Christmas, Manus, hãy bình tĩnh chờ đợi … Cộng đồng Việt Nam tại Úc là cộng đồng tỵ nạn và không bao giờ quên đồng hương của mình đang ở trong tình trạng khó khăn. Ngày hôm qua, một phái đoàn của Cộng đồng Người Việt Tự Do, có cả tôi, đã đến gặp thủ tướng Úc Julia Gillard để tranh đấu cho thuyền nhân Việt Nam đang bị giam giữ. Chúng tôi nói hầu hết thuyền nhân Việt Nam không phải là tỵ nạn kinh tế mà vì lý do chính trị.
Tuy nhiên đây là vấn đề hồ sơ, một vấn đề bằng chứng. Cho nên thuyền nhân muốn xin tư cách tỵ nạn thì cần phải chuẩn bị bằng chứng cụ thể , những lý do có cơ sở vững chắc vì lời khai đầu tiên nó có ảnh hưởng đến vấn đề cứu xét…tôi đương cử hai trường hợp cụ thể. Trường hợp thứ nhất là tàu Hào Kiệt với 53 thuyền nhân đến miền tây Úc năm 2003….. tất cả đều được định cư… ».