Thứ hai 11 Tháng Tám 2014
Phạm Xuân Nguyên: "Việt Nam thiếu tác phẩm lớn vì thiếu tư duy lớn"
Bìa sách " Nổi Buồn Chiến Tranh" của Bảo Ninh, một trong những tác phẩm gây tiếng vang lớn ở Việt Nam đầu thập niên 1990.
Thanh Phương RFI
Vì sao văn học Việt Nam vẫn không có những tác phẩm lớn? Đó là câu hỏi đã nhiều lần được đưa ra thảo luận trong những năm gần đây. Chưa nói đến những tác phẩm có tác động mạnh đến thế giới hoặc được thế giới biết đến nhiều, trong những năm gần đây nền văn học Việt Nam có phần nào im ắng, không còn xuất hiện nhiều những hiện tượng như Nguyễn Ngọc Tư với “Cánh đồng bất tận” hay trước đó là Nguyễn Huy Thiệp với “Tướng về hưu” hay Bảo Ninh với “Nổi buồn chiến tranh”, trong khi sách dịch các tác phẩm của thế giới thì tràn ngập thị trường Việt Nam.
Như vậy, có thể lý giải như thế nào cho tình trạng này? Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ qua điện thoại từ Hà Nội, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, tác giả cuốn tiểu luận phê bình “ Nhà văn như Thị Nở”, được xuất bản cách đây vài tháng, cho rằng cái chính đó là thế hệ nhà văn hiện nay còn thiếu tính chuyên nghiệp và quan trọng hơn là thiếu những tư duy lớn, lý do về hạn chế tự do sáng tác ở Việt Nam chỉ là một phần nguyên nhân thôi. Sau đây mới quý vị nghe phần phỏng vấn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.
RFI : Thưa nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, cách đây vài tháng ông có cho ra mắt độc giả cuốn tiểu luận phê bình đầu tiên của ông, tựa đề « Nhà văn như Thị Nở », điểm lại các tác phẩm văn học từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay. Trước khi nói về tình trạng của văn học Việt Nam hiện nay, ông có đánh giá như thế nào về những chuyển biến của văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến nay ?
Phạm Xuân Nguyên : Trong thế kỷ 20, nền văn học Việt Nam chuyển từ quỹ đạo của nền văn học Trung đại sang văn học Hiện đại. Chúng ta biết rằng chữ quốc ngữ được dùng để viết văn chương theo kiểu Tây là từ cuối thế kỷ 19 cho đến 30 năm đầu thế kỷ 20. Đó là giai đoạn giao thời, giai đoạn chuyển tiếp, khi nền văn học Việt Nam đi từ giai đoạn Trung đại của hệ thống văn học phương Đông, đến khi phương Tây vào, chủ yếu là Pháp, đem theo những hệ thống, thể loại, quan điểm văn học mới. Từ đó mới tạo ra ví dụ như thơ mới, mà các nhà phê bình gọi là cuộc « cách mạng trong thơ ca ».
Rồi đến nhóm « Tự lực Văn đoàn », với những tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam,v.v.... Rồi một loạt những bùng nổ văn học mà chúng ta vẫn quen gọi là giai đoạn văn học 1932-1945. Có thể nói đó là sự hình thành nền văn học Việt Nam theo trào lưu của thế giới, theo các quan niệm, loại hình, thể loại văn học của thế giới. Từ đó cho đến hiện nay, văn học Việt Nam cũng vận động theo sự vận động của văn học thế giới, mặc dù do những hoàn cảnh lịch sử, như cách mạng, chiến tranh, thường bị gián đoạn, bị lệch pha so với thế giới.
Cho đến bây giờ, thời kỳ của thế giới phẳng, trong nước mở cửa ra nước ngoài và thời đại của tin học, tuy có vẻ cập nhật hơn, nhưng thật ra bao giờ văn học Việt Nam cũng đi sau văn học thế giới. Tuy vậy, nó cũng phát triển đồng hành với thế giới. Về mặt trào lưu, lý thuyết, văn học Việt Nam thế kỷ 20 bước sang thế kỷ 21 cũng là nằm trong quỹ đạo đấy, mà trong nước, giới phê bình vẫn gọi là quá trình « hiện đại hóa văn học dân tộc ». Hiện đại hóa ở đây có nghĩa là đưa văn học dân tộc, văn học trong nước đi ra với văn học thế giới và bắt kịp văn học thế giới.
RFI : Thưa ông Phạm Xuân Nguyên, đầu thế kỷ 20, với nhóm Tự lực Văn đoàn, chúng ta có những tên tuổi lớn như là Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, hay Nguyễn Công Hoan. Gầy đây chúng ta có những nhà văn có những tác phẩm lớn như Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn. Gần hơn nữa, chúng ta có những nhà văn trẻ như là Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng trong những năm gần đây, người ta có cảm tưởng là không còn có những tác phẩm gây tiếng vang lớn, những tác phẩm chất lượng cao như những năm trước. Theo ông, lý do vì sao ?
Phạm Xuân Nguyên : Câu hỏi đặt ra là vì sao chúng ta chưa có những tác phẩm lớn, chưa có những tác phẩm đạt tầm nhân loại, đi ra thế giới được ? Hay như vừa rồi, người ta cũng đã đặt câu hỏi là Việt Nam đã có những đóng góp gì mang tầm cở thế giới, ví dụ như những phát minh khoa học, tư tưởng triết học, tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm văn học lớn, để trở thành giá trị của nhân loại ?
Nhìn lại thì ta thấy là sự đóng góp của Việt Nam cho thế giới còn rất ít. Nói riêng về văn học, câu hỏi lớn vẫn là : hình như chúng ta không có tác giả lớn, hình như chúng ta không có tác phẩm lớn ? Dường như vẫn có sự bất cân xứng giữa cái mà văn học thế giới đưa vào Việt Nam với cái mà văn học Việt Nam đưa ra thế giới.
Có thể nói là chúng ta dịch được rất nhiều, nhất là hiện nay. Các tác phẩm lớn, các tác giả lớn của thế giới vào Việt Nam rất dễ dàng và nhanh chóng. Đọc xong rồi thì mọi người giật mình tự hỏi rằng thế thì văn học Việt Nam được thế giới biết đến như thế nào ?
Về những tác giả Việt Nam được biết đến nhiều nhất hiện giờ thì có lẽ phải kể đến Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh. Các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được dịch ra hầu hết các thứ tiếng chính của thế giới. Rồi nhà văn Bảo Ninh với cuốn tiểu thuyết cho đến bây giờ vẫn là duy nhất của ông, « Nổi buồn chiến tranh », cũng được dịch ra rất nhiều thứ tiếng và cũng được đánh giá rất cao.
Thế thì câu hỏi đặt ra : Vì sao Việt Nam chưa có tác phẩm lớn ? Những câu trả lời đã được đưa ra. Ví dụ như hình như chúng ta vẫn cứ quẩn quanh ở những vấn đề của Việt Nam, mà chúng ta chưa chạm tới cái phần nhân loại trong Việt Nam, của Việt Nam, bởi vì suy cho cùng, văn học rất mang tính dân tộc, rất mang tính địa phương, nhưng dù là người Nga, hay Pháp, hay Mỹ thì cũng là con người trên hành tinh này, với những vui buồn, sướng khổ, những đau đớn, những hạnh phúc, những suy tư và cảm nhận đều là của con người.
Thế thì tại sao những tác phẩm lớn của thế giới có thể lay động được người đọc, dù là ở nơi nào trên hành tinh này, kể cả ở Việt Nam ? Còn tại sao ở Việt Nam, văn học có vẻ vẫn còn mang tính cục bộ, địa phương, ít mang tính nhân loại ? Có phải do nhà văn Việt Nam kém tài không ? Hay là do hoàn cảnh phát triển của văn học Việt Nam không được tự do, cởi mở ?
Có một thời thì đúng là có những hạn chế tự do sáng tạo. Bây giờ có cởi mở hơn, nhưng vẫn có những hạn chế. Còn về phía chủ thể của người cầm bút, phải chăng là do họ thiếu tính chuyên nghiệp, tức là thiếu suy nghĩ về những chủ đề đề tài lớn, quan trọng, và đầu tư lao động nghệ thuật để thể hiện những chủ đề, đề tài đó ? Hiện nay rất ít nhà văn suy tư trên những chủ đề lớn, vấn đề lớn, những đề tài mà dù câu chuyện trong tác phẩm rất nhỏ, nhưng khi viết ra vẫn lay động được người đọc.
Câu hỏi khác nữa : Phải chăng các nhà văn hiện nay xa rời đời sống của dân tộc, của nhân dân ? Có phải là họ chỉ quẩn quanh trong những vấn đề của cá nhân, vụn vặt, mà không dám phản ánh, suy tư về những vấn đề lớn ? Cũng có một phần lý do là đấy. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, một gương mặt cũng nổi bật của thế hệ sau 75, bây giờ là phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng nói là hình như các nhà văn Việt Nam hiện nay không sống với đời sống bây giờ.
RFI : Có thể là họ tránh đụng chạm đến những chủ đề bị coi là nhạy cảm ?
Phạm Xuân Nguyên : Vâng. Nếu có cái sự tránh né đó thì đấy
cũng là bản lĩnh của nhà văn và cũng là khuyết điểm của nhà văn. Anh tránh né
có thể là vì anh sợ đụng chạm, sợ liên lụy, sợ rầy rà. Nhưng mặt khác cũng là
do anh không đủ sức, không đủ tầm để xử lý đề tài đó.
Ví dụ rất ít những tác phẩm đặt ra những vấn đề lớn của dân tộc Việt Nam, tất
nhiên không phải đặt ra một cách trừu tượng, mà thông qua một thế hệ, một gia
đình...Nhà văn trong nước hay hải ngoại cũng thế thôi. Có lần trao đổi với nhà
văn hải ngoại ở Cali nhân dịp đi sang Mỹ tháng 5 vừa qua, tôi có nói rằng : Nếu
nói là trong nước ít tự do sáng tạo hơn, còn bị những rào cản, kiểm duyệt, thế
thì các nhà văn hải ngoại, sống ở các xứ sở tự do, không bị những cái đó, thực
tế cũng không có những tác phẩm lớn.
Phải chăng người Việt mình không tư duy lớn được ? Vấn đề này phải được đặt rộng hơn nữa : Chúng ta không có một truyền thống triết học, truyền thống tư tưởng, truyền thống văn học đạt đến những tầm kích nhân loại, nói những vấn đề của dân tộc, buộc người trong nước đọc nó mà phải sởn da gà lên, phải rùng mình để cùng nghĩ về dân tộc, về đồng loại, và từ đó đi ra thế giới.
RFI : Thưa ông, trước khi nói đến những tác phẩm có tác động lớn đến thế giới, thì chúng ta phải có những tác phẩm có tác động lớn đối với dư luận trong nước. Vấn đề là trong thời gian gần đây rất khó tìm ra những « hiện tượng văn học » như những năm trước. Vì sao ? Phải chăng là do nhà văn bây giờ lo kiếm cơm hơn là sáng tác về đề tài có thể gây phản ứng, gây tranh luận ?
Phạm Xuân Nguyên : Chúng ta vẫn có một đời sống văn học. Sách vẫn in ra nhiều. Các nhà văn vẫn viết. Nhưng khó tìm một tác phẩm, tác giả gây được những tác động lớn đến dư luận xã hội. Ví dụ như Nguyễn Huy Thiệp, khi xuất hiện với những truyện ngắn của anh như “Tướng về hưu”, “Không có vua”, “Muối của rừng”, rồi những chuyện về lịch sử như “ Kiếm sắt”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết”, ông đã gây ra một biến động xã hội rất lớn. Ai cũng đọc, ai cũng bình luận, đưa đến thay đổi về cách đọc, cách đánh giá.
Năm 1988, cách đây hơn 25 năm, tập truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp “Tướng Về Hưu” đã gây tiếng vang lớn, vì nhà văn đó hình như không phải là làm văn chương nữa, mà đã trở thành như một diễn đàn của xã hội, như là tiếng nói của xã hội, phản ánh một thực tại, lý giải một thực tại và cách phản ánh, lý giải ấy khác với văn chương trước đó, khiến người ta phải giật mình, phải đi ra khỏi thói quen, lối mòn, phải nhìn lại thực tại sau khi đọc tác phẩm của nhà văn bằng một con mắt khác.
Hồi đó chưa ai biết Nguyễn Huy Thiệp là ai cả, thế mà một nhà văn tầm cở như Nguyễn Khải, sau khi đọc “Tướng về hưu” còn hoảng sợ nói rằng: “ Tôi cầm bút cả đời, nhưng may ra tôi viết được một phần ba truyện như vậy”. Nguyễn Huy Thiệp chưa biết là ai, nhưng đã động tay vào cái lâu đài văn học của chúng ta, tức là đưa đến một cách nhìn khác.
Bảo Ninh cũng vậy. Người ta vẫn viết về chiến tranh, nhưng hình như tất cả vẫn viết theo một lối viết chung. Những tác phẩm khác đều miêu tả chiến tranh khốc liệt, gian nan, kinh khủng, nhưng rồi cũng ngợi ca chiến thắng. Còn ở đây tác giả đã đặt ngay cái tên “Nổi buồn chiến tranh”. Sau khi đã vòng vo đổi tên thành “Thân phận tình yêu”, cuối cùng tác phẩm này cũng trở về với cái tên cúng cơm là “ Nổi buồn chiến tranh”. Một nhà văn lúc đó chưa có tên tuổi gì, nhưng đã viết về cuộc chiến từ nổi buồn, hoàn toàn khác trước.
Chúng ta nói đến hai tác giả ấy để nói rằng một tác giả lớn, một tác phẩm lớn là khi tác phẩm của họ có khi còn vượt ra khỏi văn chương. Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh bằng các tác phẩm của họ đã lay động được tâm thức của xã hội, lay động được cảm xúc của xã hội.
Sau những cách viết như thế thì người ta sẽ không viết như củ được nữa. Sau “Nổi buồn chiến tranh”, người ta không thể viết về chiến tranh như cũ được nữa và sau khi có Nguyễn Huy Thiệp rồi thì người ta đã viết khác. Các nhà văn này đi vào văn học bằng một cái nhìn mới, viết đúng với cảm nhận của họ.
Cũng như Nguyễn Ngọc Tư là một ca rất lạ. Cô không sống ở những trung tâm văn hóa, không sống ở thủ đô, mà ở một miền tận cùng đất nước. Truyện của cô cũng hoàn toàn là những câu chuyện lấy cảnh, vật và người của miền quê đồng bằng sông nước Cửu Long ra tận Cà Mau, nhưng tài năng của cô và cách viết của cô khiến người ta đọc vào mà không thấy đó là chuyện của vùng miền Nam bộ, mà là chuyện của thân phận, của con người, đặc biệt là chuyện “Cánh đồng bất tận”. Nhà văn nào cũng muốn tác phẩm mình viết ra đều là tác phẩm hay, nổi bật, một mặt đó là tài năng, nhưng một mặt nữa hình như là nền văn hóa, nền tư tưởng của cộng đồng để làm bệ đở cho nhà văn còn thấp.
RFI: Như vậy phải chăng một phần lỗi là do nền giáo dục Việt Nam không phải là một nền giáo dục cởi mở, giảng dạy cho học sinh những trào lưu tư tưởng, những triết lý khác nhau của thế giới, để thế hệ bây giờ có những suy nghĩ sâu xa hơn?
Phạm Xuân Nguyên: Cũng có một phần lỗi của giáo dục, nhưng nhìn rộng ra thì đúng là dân tộc ta không quen tư duy, hiểu theo nghĩa tư duy theo lý thuyết, tư duy theo hệ thống, tư duy bằng những phạm trù trừu tượng. Tư duy về những vấn đề bản thể luận, nhận thức luận cũng rất ít.
Và cũng do đó, các nhà văn của chúng ta viết được một tác phẩm đầu nhờ năng khiếu, nhờ khả năng ban đầu, rồi sau đó thì cạn vốn, không viết được nữa và cùn mòn rất nhanh. Đặc biệt là các nhà văn của chúng ta cũng lười, ít đọc lý thuyết, học hỏi kinh nghiệm viết của nước ngoài. Nhìn về mặt bút pháp, nghệ thuật, văn chương Việt Nam cũng còn nghèo nàn lắm, đơn điệu lắm. Rất ít những người tìm tòi, thử nghiệm. Đấy là nguyên nhân.
Còn nói về lỗi vủa giáo dục thì cũng đúng. Cái cách dạy văn trong nhà trường, cũng như cách phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường cũng không tạo ra được một lớp độc giả to lớn trong văn học, bởi vì không chỉ nhà văn tạo ra độc giả, mà độc giả cũng tạo ra nhà văn, vì nó có một sự quan hệ qua lại nào đó. Điều này có thể lý giải phần nào vì sao chúng ta chưa có những tác phẩm lớn, tác phẩm hay, tức là những tác phẩm đánh động được tâm thức của cộng đồng, đọc xong có thể thay đổi tâm thức, nhận thức và buộc người đọc khi đọc xong phải nhìn lại thực tại, cuộc sống bằng một con mắt khác.
RFI: Chúng ta không còn gặp lại những hiện tượng như “Cánh đồng bất tận”, phải chăng bởi vì Nguyễn Ngọc Tư và những tác giả trước đó như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh đã gặp nhiều rắc rối khi cho ra những tác phẩm gây tiếng vang như vậy?
Phạm Xuân Nguyên: Thật ra điều này không phải là nguyên nhân chính. Nói các nhà văn sợ rắc rối, sợ liên lụy, sợ vượt rào nên không viết ra là làm sang cho họ. Thật ra thì các nhà văn của chúng ta lười lắm. Chưa thấy ai tập trung, đi sâu vào một đề tài nào đó và tìm tòi cách thể hiện nó. Các nhà văn của chúng ta vẫn cứ sản xuất đều đều và bằng lòng với những tác phẩm chỉ kể ra một câu chuyện và kết thúc trong khuôn khổ cái câu chuyện ấy mà thôi. Nếu anh suy nghĩ mãi về một đề tài, thì anh sẽ tìm được ví dụ như một thứ thơ, một cốt truyện và từ đó đi sâu, tìm cách thể hiện cốt truyện đó như thế nào cho nó thật là ám ảnh, thật ra day dứt.
Đọc lại Nguyễn Huy Thiệp ta sẽ thấy là mỗi truyện ngắn của ông ấy đều có một tư tưởng. Có thể nói là các nhà văn của chúng ta hiện nay không có một tư tưởng. Nếu nhà văn có tư tưởng thì đọc vào sẽ thấy khác ngay. Có thể đề tài đó được người ta khai thác chán rồi, nhưng nhà văn vẫn có thể có một cách nhìn khác, có cách thể hiện khác và đọc xong thì người ta phải giật mình.
Hoàn cảnh xã hội, môi trường sáng tác chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là chủ thể của nhà văn, bởi vì nhà văn luôn luôn tự do đối với chính mình, không một gông cùm nào, một rào cản, một chế độ kiểm duyệt nào có thể bẻ gẫy được nhà văn, nếu nhà văn không tư bẻ gẫy mình. Cái chính là ở nhà văn, ở cái lao động sáng tạo, lao động văn học của nhà văn là phải nghiêm túc, chuyên nghiệp, chứ không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh được.
Những nhà văn lớn trên thế giới cũng là bài học đấy thôi. Nếu lấy một ví dụ rất gần Việt Nam, ta có thể chọn nhà văn đoạt giải Nobel Văn học 2012 là Mạc Ngôn. Mạc Ngôn cũng viết trong hoàn cảnh như các nhà văn Việt Nam, thậm chí ông còn bị kỷ luật. Thế nhưng ông đã tạo ra một vùng quê Cao Mật của ông trong tiểu thuyết. Rồi ông viết toàn bộ tác phẩm của ông, xoáy sâu vào đời sống của nông dân Trung Quốc và từ đó xâu chuỗi lại, tạo dựng lại để buộc người ta phải nhìn lại cái hiện thực xã hội Trung Quốc qua những biến thiên cách mạng, biến động xã hội.
Còn các nhà văn của chúng ta, có người viết được ít cuốn rồi thôi, buông lơi. Ít có nhà văn nào tập trung đi xuyên suốt một chủ đề nào đó. Tính chuyên nghiệp của nhà văn là ở chỗ đó. Viết thường xuyên, viết đều đặn, những phải là có hệ thống, xuyên suốt một chủ đề. Không thể hôm nay viết về nông thôn, ngày mai thích thì lại nhảy sang thành thị, đang viết chiến tranh thì lại viết sang những thứ khác, mà không có một sợi dây liên tục, không tập trung vào một chủ đề, đề tài xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp của mình, rồi bằng khả năng văn học, đóng góp cho xã hội một cách nhìn, cách nhận thức. Cho nên vấn đề chính vẫn là từ chủ thể nhà văn.
RFI: Xin cám ơn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên./