Tạ Tỵ: Rồi Mai Đây
Lời dẫn: Trong một bài viết: Rồi Mai Đây / Một bài thơ của Tạ Tỵ đăng trên website Newvietart.com / France-ngày 15.12.2009) - không đủ , lại tưởng là đủ?! Đọc lại thi tập Mây bay / Tạ Tỵ xuất bản ở Huê Kỳ 1996, được biết trích đoạn " Rồi mai đây" chỉ để phổ nhạc (dactrung.net/nhac/noidung.aspx? - nên tôi đăng lại bài viết xưa kia + toàn bài thơ trên THANGPHAI GIO' S blog.
Thếphong.
Vậy là Tạ Tỵ đã ra đi được hơn 5 năm ( tính đến năm 2009). Anh qua đời, ở một căn nhà do tiền nhuận bút cuốn MƯỜI KHUÔN MẶT VĂN
NGHỆ HÔM NAY / Lá Bối xuất bản, Saigon 1972. Trước khi qua
đời, họa sĩ Phan Diên ở Mỹ về , cùng tôi đến bên giường bệnh thăm
anh nằm trên lầu hai. Chẳng biết mắc bệnh gì, anh chăm sóc nói với chúng tôi,
đại khái :"... bữa nay ông ấy nằm tô hô trên giường..." ( tô
hô: không mặc quần lót). Cũng nhờ nhà báo Quốc Thái ( chàng này nắm thông tin cực kỳ bén nhậy) báo cho hay Tạ Tỵ bệnh về Sagon
rồi - tôi đến bệnh viện gần khu vực Nhà Thờ Ngã 6 Chợ Lớn thăm.
Găp tôi, anh hỏi
ngay" ai báo tin?" , rồi mượn di động gọi ngay cựu
quản đốc Đài Quân đội Nguyễn Quang Tuyến (Văn Quang) - đại khái báo
tin đã về Sài gòn , đang nằm dưỡng bệnh. Rồi tiếp, còn cuốn
truyện" Nửa Đường Đi Xuống" và" Nhận diện vóc dáng Nguyễn
Đức Quỳnh" thì đưa ngay ra tiệm photo- copy cho anh mỗi thứ 1
bản, cứ trả trước, hoàn tiền sau.
Lại hỏi tiếp: Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái ở chỗ nào? Có gần nơi
anh đi học tập cải tạo không? Lấy ngay một cuốn " Mây bay" đã ký
tặng từ bao giờ đưa tôi - tôi đọc ở trang 3: " Bản của Thế
Phong và Nội tướng, với lòng nhớ thương vô hạn"- TẠ TỴ ( ký tên ).
"...trong tập thơ có in bài thơ" Núi Rừng" làm ở Yên Bái năm 1977, quê hương cậu. Đọc nghe luôn:
Núi rừng
Ở đây những núi cùng rừng
Trời nghiêng lũng thấp nửa rừng mây che
Núi cao ngăn bước nẻo về
Rằng mê khép kín cơn mê cuối đời
Xa vắng qúa bạn bè ơi
Màu xanh khóa lấp chân trời nhớ thương
Lỡ
tay đánh mất thiên đường
Xác chìm Địa Ngục còn vương dáng hồng
Xin đừng đợi cũng đứng mong
Hận thù khép kín môt vòng thời gian
Đầm đìa lệ, nến tuôn tràn
Đêm đêm hồn nhớ băng ngàn về xuôi ".
(Yên Bái 1977).
Những ngày cuối đời, Tạ Tỵ rất tỉnh táo, nét buồn của người biết
mình sẽ hẳng còn sống được bao lâu nữa - chẳng buồn cũng chẳng vui
nhiều. Kể chuyện những năm đi học tập cải tạo, với giọng nói bình
thản, lên đến Nghĩa Lộ rồi ( Yên Bái - anh biết nơi tôi sinh trưởng và
lớn lên tại đó tới năm 18 tuổi. - và điều này trước đó, chẳng bao giờ ngờ
tới, là anh sẽ tới quê hương tôi. Anh chẳng còn bực bội như lần đọc
văn của văn sĩ Duyên Anh :"... đói
quá Tạ Tỵ phải ăn vụng cám heo ở bếp trại cải tạo..." và Duyên
Anh riễu rất độc: "...Tạ Tỵ ư ? - thì tài của Tỵ chỉ vê được một cục tí tẹo
- rồi phóng đại thành một tạ - đó
là chân dung thực sự của TẠ TỴ - trong cuốn hồi ký
xuất bản ở Paris. Từ Huê Kỳ viết thư cho tôi, anh hậm hực:" .. thằng này
vào trại cải tạo rồi, làm ăng-ten, chửi cả nước, như khi nó còn viết ở
báo" Sống".
Thực ra oan cho Duyên Anh, câu nói sỏ lá ba que ".. tài bằng một tỵ..." không phải D.A. sáng tạo ra, mà chép lại( không ghi chú) câu nói của Huy Sơn, thư ký tòa soạn nguyệt san Quân đội dành riêng Sĩ quan : Phụng Sự - chẳng biết khi ấy tranh luận gì với trung úy Tạ Tỵ, chàng chuẩn úy đồng hóa kia phang câu nói trên. Trả lời anh Tạ Tỵ: ".... thằng Huy Sơn, nó nói câu này hay hơn cả sự nghiệp viết tiểu thuyết " Trước mồ trinh nữ" &" Trường ca" của nó! Anh chẳng cần phải bận tâm làm gì với 2 tên đó, nhất là Duyên Anh'' - thì anh càng không thể tranh luận, bút chiến, bút chiêc gì với nó được đâu, bởi nó sẽ dùng mọi lối văn để" hạ nốc-ao" địch thủ đấy!".
Và tôi giải thích: nơi anh đi
cải tạo không phài ở Làng Bữu đâu - ( tên trong sổ bộ là xã Thượng Bằng
La, Văn Chấn, Yên Bái, nơi có đèo Lũng Lô - địa
danh nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp. Phía đông sang Thu Cúc,
huyện Thanh Sơn, tình Phú Thọ; phía tây là quốc lộ 37A nối tỉnh Yên Bái
đến thị xả Nghĩa Lộ, phía nam đèo Lũng Lô đi sang huyện Phù Yên, tỉnh Sơn
La ). - đặc biệt có núi Tè cao khoảng 1300 mét, so mực
nước biển, như lá chắn hình cánh cung ( thuộc dãy Fan Si Pan / Hoàng Liên Sơn
hùng vĩ, chỉ cách nộng trại gia đình chúng tôi ở Làng Bữu chừng 4, 5 km).
Nơi này là một địa điểm quân sự rất lợi hại, nó án ngữ 2 con đường huyết mạch
về hướng tấy bắc và quốc lột 32 chạy qua phía đông, xuôi 160 km nữa là tới Hà
Nội.
Chẳng biết thi sĩ Tố
Hữu có đến nơi này lần nào chưa, trong thơ ông, có nói đến Dốc Pha
Đin* Tôi còn nhớ 4 câu thơ Tố Hữu:
Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ / Đèo Lũng Lô anh hò chị hát / Dù bom đạn
xương tan thịt nát / Không sờn lòng không tiếc tuổi xuân...
Tác giả này vốn hư cấu quá đà, khi ông ta chưa tới Điện Biên Phù, mà
cứ như đã tới, sáng tác thơ tả mặt trận Điện Biên, cứ như
đang cùng chiến sĩ đẩy pháo lên đồi, cũng như chưa hề biết mặt
ngang, mũi dọc thống soái Staline ra sao - làm"
vè" cứ như thân thích lắm, cháu nội tụng ông
nội vậy ! ( .. thương Người thương một, thương Ông thương mười ...!)
- và, chẳng hề gặp mặt anh Trỗi ( miền Nam phát âm TRỖI
thành TRỔI) - làm thơ phong trào ca tụng Nguyễn văn Trỗi, thì y
như Tố Hữu đã từng nằm úp cùi dìa cùng anh Trỗi trong
nhà tù "Mỹ Ngụy Sài Gòn?!!! ".
******
Bữa anh qua đời là ngày 24 /4/ 2004. Con cháu ở Mỹ về đưa tang-
ngày động quan tôi giữ ý dịnh không có mặt. Tính
đến hôm nay , 15 .12.2009 là hơn 5 năm 4 tháng. Có thể tôi, người
viêt chiêu niệm Tạ Tỵ chậm nhất. Cũng có thể không, sau tôi, sẽ còn nhiều người
nhớ Tạ Tỵ: " một bậc kỳ tài trong làng hội họa Việtnam " - lời
nhà văn nữ Trần Thị Bông Giấy xưng tụng. Vào <google / search / tạ
tỵ > hàng loạt trang nói về họa sĩ tài danh, kỳ tài
này.
Có một người nữ
việt sống ở Pháp từ nhỏ , lấy chồng ngoại, bà Loan de
Frontbrune, hiện sưu tập nhiều bức tranh Tạ Tỵ, và những tài danh khác :
Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Lương Xuân Nhị, Lê Phổ ..v.v...Như bà kể
lại, rất tình cờ chỉ phải trả 500 usd đã mua được một bức tranh
Lê Phổ - sau, một bảo tàng đòi mua lại bằng lòng,
tự trả gấp 100 lần. Bà không tiết lộ, có
bán bức tranh ấy hay không !
Nhớ lại trước ngày liệm, có một cô bé khóc nhiều nhất, con gái
Thượng Sỹ- mắt đỏ hoe, sau cô bé tới nhà tôi lấy thêm tư liệu tiểu sử tác
giả. Có bé ấy sinh năm 1957, thứ nữ , nay viết báo, cô bé sinh
ra đời được đặt tên qua bút hiệu Hàm Anh từ bố truyền lại.
Tạ văn Tỵ sinh năm
1921, khai sinh ghi 1922, tốt nghiệp khoá chót Trường Cao Đẳng
Mỹ Thuật Đông Dương. Vào Saigon từ 1952-53- anh bị
động viên vào Trường Sĩ quan Bộ binh Thủ Đức khóa 3, ra trường được
bổ nhiệm về Phòng Tổng tham mưu Quân đội Quốc gia Việtnam -
Pháp cho đặt tại một biệt thự trên đường Trần Hưng Đạo ở
Chợ Lớn. Từng giữ chức Biệt đoàn trưởng Biệt đoàn văn nghệ trung ương, chức vụ cuối cùng: Tham mưu trưởng Cục Tâm lý
chiến - cục trưởng : đại tá Hoàng Ngọc Tiêu - dưới trướng
có tới 6 phòng, quan trọng nhất Đài Tiếng nói Quân đội, trung tá
Nguyễn Quang Tuyến làm quản đốc.
Dưới đây, bài Rồi mai đây làm ở Trại Suối Máu ( Biên Hòa
) năm 1976 - cứ coi là tác giả làm trước khi nhắm mắt xuôi tay- trí
não minh mẫn, tin rằng: "nếu sau này qua đời thi chỉ còn" EM bên mộ gọi hồn ta" - đối với Tạ Tỵ- thì chỉ MỘT - còn thi sĩ
Đinh Hùng đa mang lụy tình bề bề, ao ước HƠN MỘT EM - mà đã chắc gì ' hơn một
em' ?: " Khi ta chết CÁC EM** về đây nhé! (thơ Đinh Hùng).
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
* đúng ra , phải gọi là PHẠ
ĐIN - tiếng Thái gọi Trời là PHẠ, đất là ĐIN -
vì ngọn núi rất cao, chân nằm mặt đất ( ĐIN) , ngọn vút
tận trời . ( PHẠ) .
** chữ viết HOA của Biên tập. (ThePhong chú thích)
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
Tạ Tỵ: Rồi Mai Đây
Rồi mai đây, khi buông tay nhắm mắt
Giã
biệt đời trở lại cuối trời quên
Không
tưởng tiếc những gì ta đã mất
Vì trần gian đã tràn ngập ưu phiền
Rồi mai đây, ta trả về hơi thở
Thân xác này nằm lạnh dưới mồ sâu
Đất ôm kín nỗi niềm riêng chẳng mở
Khép thời gian trong đáy huyệt nhiệm mầu.
Rồi mai đây, môi khô không cất tiếng
Nụ
cười nào quyến rũ trái tim đơn
Tình đã mất sau màn tang vải liệm
Còn
gì đâu mà thương xót tủi hờn ?...
Rồi mai đ6y, hồn lang thang khắp ngả
Bến bờ xa quạnh quẽ nẻo hư vô
Xuân chẳng đến với màu hoa sắc lá
Chỉ ánh trăng lạnh lẽo hắt trên mồ
Rồi mai đây, trầm tư cho thân phận
Với đêm dài bất tận cõi thiên thu
Thịt xương ấy vẫn đau và uất hận
Như còn vương khổ nhục kiếp lao tù
Rồi mai đây, chuông giáo đường không đổ
Đêm Giáng Sinh chẳng vọng tiếng kinh cầu
Xác khô héo nằm im trong lòng gỗ
Đợi
chờ chi, sao hồn bỗng buốt đau ?...
Rồi
mai đây, mái chùa xưa rêu phủ
Tiếng mõ khuya chìm lắng vũng trời xa
Sương buông nhẹ trên nẻo về lối cũ
Hồn bơ vơ như kẻ mất quê nhà
Rồi mai đây, bạn bè xa vắng hết
Lấy ai mà thương tiếc buổi chia ly
Đời tẻ ngắt, rã rời, bao mỏi mệt
Hồn chơi vơi theo tiếng hát sầu bi !...
Rồi mai đây nhân gian không còn nữa
Chỉ mình em chung thủy với tình ta
Mỗi buổi chiều đổ dáng vàng khuôn cửa
Em qùy bên mồ tối gọi hồn ta
Rồi mai đây, không còn gì nữa hết
Cõi sống này không còn thuộc về ta
Vì tất cả đều chìm theo cõi chết
Người, người ơi, dĩ vãng đã phai nhòa !... (Suối Máu 1976).