Tại sao Châu Á không ủng hộ Israel trong cuộc chiến chống Hamas?

25 Tháng Mười 20237:26 SA(Xem: 1966)

VĂN HÓA ONLINE – THẾ GIỚI HÔM NAY – THỨ TƯ 25 OCT 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


image001Dải Gaza có diện tích 140 dặm vuông so với lãnh thổ Israel khoảng 20.770 km2 (8.019 mi2)


Tại sao Châu Á không ủng hộ Israel trong cuộc chiến chống Hamas?


Thủ tướng Malaysia, ông Anwar Ibrahim: «Cộng đồng quốc tế duy trì quan điểm không công bằng đối với mọi hình thức tàn ác và áp bức người dân Palestine. Những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái không ngừng theo đuổi việc tịch thu đất đai và tài sản của người dân Palestine.».


Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo: «gốc rễ xung đột, tức là việc Israel chiếm đóng lãnh thổ Palestin, phải được giải quyết ngay lập tức theo những điều khoản mà các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đã xác định».


Các nước châu Á-Thái Bình Dương đã gánh chịu nhiều thiệt hại nhân mạng trong cuộc tấn công của tổ chức Hamas Palestine vào Israel, với số người chết, mất tích hoặc bị bắt làm con tin nhiều hơn so với số nạn nhân là người châu Âu hoặc Mỹ.


RFI 25/10/2023


image004Ảnh chụp từ thành phố Sderot, Israel, ngày 23/10/2023, cho thấy khói bụi bốc lên từ miền bắc Dải Gaza sau một cuộc oanh kích của Israel. © AFP - JACK GUEZ


Thùy Dương


Tổng cộng, theo thống kê của RFI ngày 18/10/2023, có 50 người chết và 25 người mất tích là người châu Á-Thái Bình Dương. Hai nước châu Á chịu nhiều tổn nhất là Thái Lan (30 người chết, 17 người mất tích) và Nepal (10 người chết, 4 người bị thương và có thể 1 người bị bắt làm con tin). Nạn nhân chủ yếu là người lao động sang Israel làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Trung Quốc, Philippines, Cam Bốt, Sri Lanka … cũng ghi nhận một vài nạn nhân.


Tuy nhiên, chuyên gia về châu Á và các thách thức kinh tế quốc tế, Hubert Testard, nhận định những tuyên bố ủng hộ Israel tại các nước châu Á vẫn ít và khá kín đáo, trong khi dư luận châu Á ngày càng công khai chống lại cuộc tấn công của Israel nhắm vào dải Gaza.


Trong bài viết «Tại sao châu Á không ủng hộ Israel trong cuộc chiến chống Hamas?» trên trang mạng nghiên cứu về châu Á, Asialyst, ngày 21/10/2023, chuyên gia về châu Á Hubert Testard nêu lên 4 lý do chính : đối với một số nước, đó là tình liên đới tôn giáo với người Hồi giáo Palestine, ngoài ra là tình cảm chống thực dân đã ăn sâu bám rễ tại một số quốc gia, tầm mức quan hệ kinh tế, thương mại với các nước Hồi giáo mà giao thương với Israel không đủ để bù đắp. Và cuối cùng là những tính toán chiến lược của một số nước, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan.


Đó là những lý do khiến cuộc tấn công tàn bạo vô nhân tính của tổ chức Hamas vào thường dân Israel và gây nhiều thiệt hại nhân mạng cho một số nước cũng không đủ làm dâng cao tình liên đới với Israel tại châu Á. Không những vậy, cuộc phản công của Israel vào Gaza và thảm họa nhân đạo ở dải đất này đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dân chúng và từ chính phủ nhiều nước châu Á.


Tình liên đới của các nước Hồi Giáo với người Palestine


Sau vụ Hamas tấn công Israel, Thủ tướng Malaysia, Anwar Ibrahim, được xem là người có những tuyên bố thẳng thắn nhất ủng hộ tổ chức Hamas. Ông tuyên bố trước Quốc Hội ngày 16/10 rằng « Đại diện các nước phương Tây đã nhiều lần yêu cầu tôi lên án vụ tấn công vào Israel. Tôi nói với họ rằng chúng tôi có mối quan hệ lâu năm với Hamas và điều này sẽ còn tiếp tục ». Trên mạng Twitter, thủ tướng Malaysia nói thêm: «Cộng đồng quốc tế duy trì quan điểm không công bằng đối với mọi hình thức tàn ác và áp bức người dân Palestine. Những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái không ngừng theo đuổi việc tịch thu đất đai và tài sản của người dân Palestine.». Tuy nhiên, quan điểm này vẫn bị một số lãnh đạo phe đối lập trong Quốc Hội Malaysia coi là « mềm yếu ».


Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo hôm 10/10 không lên án cuộc tấn công của Hamas nhưng kêu gọi « chấm dứt ngay lập tức chiến tranh và bạo lực để tránh có thêm thiệt hại nhân mạng và sự tàn phá ». Ông Joko Widodo khẳng định là «gốc rễ xung đột, tức là việc Israel chiếm đóng lãnh thổ Palestin, phải được giải quyết ngay lập tức theo những điều khoản mà các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đã xác định».


Pakistan thì thận trọng khi đưa ra những phản ứng, do trong quá khứ từng có mâu thuẫn với Israel. Thủ tướng Pakinstan chỉ bày tỏ nỗi đau trước cảnh bạo lực bùng nổ, yêu cầu cả Israel và Hamas bảo vệ thường dân. Lãnh đạo đảng Hồi giáo chính ở Pakistan (Jamiat Ulema-e-Islam) còn đi xa hơn, đề nghị người Palestine tôn trọng nhân quyền của người Israel. Pakistan cũng tránh làm mếch lòng các đồng minh phương Tây của Israel bởi đang trong khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Thực ra, theo Hubert Testard, Pakistan từng có mục tiêu dài hạn là thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel dù không có sự ủng hộ của toàn thể giới tinh hoa, trong bối cảnh mới, mục tiêu này không biết đến khi nào mới đạt được.


Dù có những phản ứng ở mức độ khác nhau, nhưng cả ba nước trên đều đã lên giọng cứng rắn hơn sau cuộc phản công của Israel và thảm họa nhân đạo tại Gaza. Vụ bệnh viện Gaza bị oanh kích ngay lập tức được cho là do quân đội Israel thực hiện.


Israel bị xem là một cường quốc thực dân


Theo chuyên gia Hubert Testard, tinh thần chống thực dân trong dân chúng và chính phủ nhiều nước châu Á là một yếu tố khác giải thích thái độ thù hằn gay gắt nhắm vào Israel, nhất là tại Indonesia, Malaysia và Brunei. Bên cạnh tư tưởng chống thực dân là mối lo ngại hiện nay về nguy cơ xảy ra một « nakba » mới (thảm họa người dân Palestine bị cưỡng chế di dời khỏi dải Gaza).


Ở Philippines, một bộ phận dân cư cũng có quan điểm tương tự. Họ tham gia tích cực vào hàng loạt cuộc biểu tình chống Israel ở Manila và cả ở Hoa Kỳ. Nghị viện đảo Mindanao, nơi đa số dân là người Hồi giáo, với khẩu hiệu « Chúng tôi là Palestine. Palestine là chúng tôi », còn thông qua dự thảo kêu gọi ngưng « trừng phạt tập thể » người dân Palestine.


Mối quan tâm về kinh tế và thương mại


Do sự lệ thuộc mang tính hệ thống của châu Á vào nhập khẩu dầu lửa từ Trung Đông, nên dĩ nhiên châu Á không muốn xảy ra xung đột với các nước Ả Rập chính, trong khi mối quan hệ với Israel khiến một số nước đang phải chơi trò giữ thế cân bằng mong manh.


Chẳng hạn, theo chuyên gia Hubert Testard, tham vọng ngoại giao của Nhật Bản ở Trung Đông giải thích cho sự kiềm chế của thủ tướng Fumio Kishida. Thái Lan thì tuyên bố « trung lập » trong cuộc xung đột Israel - Hamas. Thái Lan là điểm đến đầu tiên của du khách Israel ở Đông Nam Á và có hợp tác, đặc biệt là về nông nghiệp, với Israel từ lâu nay và rất tích cực. Thế nhưng, việc xích lại gần Ả Rập Xê Út trong thời gian gần đây cũng tạo thành một trục quan trọng trong chính sách ngoại giao của Thái Lan.


Liên quan đến Trung Quốc, mối quan hệ về công nghệ cao giữa Trung Quốc và Israel làm phức tạp thêm bài toán ngoại giao của Bắc Kinh. Sau thành công ngoạn mục làm cầu nối giúp Iran và Ả Rập Xê Út xích lại gần nhau hồi đầu năm nay, Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông.


Cũng như láng giềng Trung Quốc, Hàn Quốc đang hướng đến các nước Vùng Vịnh, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Seoul đang muốn khẳng định vị thế của Hàn Quốc trong dự án siêu đô thị thông minh công nghệ cao NEOM tại Ả Rập Xê Út. Theo thông tín viên RFI tại Seoul,Celio Fioretti, hôm 21/10 thì hai bên đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự hồi mùa hè.Trong những ngày qua, lần đầu tiên một nguyên thủ Nhà nước Hàn Quốc đến Ả Rập Xê Út, tháp tùng ông là đại diện của những công ty lớn nhất Hàn Quốc.


Hãng tin Hàn Quốc Yonhap hôm 23/10 dẫn thông báo của phủ tổng thống cho biết, nhân chuyến thăm của tổng thống Yoon Suk Yeol, Hàn Quốc và Ả Rập Xê Út ký kết 51 thỏa thuận và bản ghi nhớ với tổng trị giá lên tới 15,6 tỉ đô la, liên quan đến nhiều lĩnh vực như dầu thô, năng lượng hydrogen … 


Tổng thống Yoon phát biểu : « Nguồn cung dầu lửa ổn định của Ả Rập Xê Út, nước sản xuất dầu lớn nhất, đã trở thành hòn đá tảng cho sự phát triển của Hàn Quốc, để Hàn Quốc trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất (…) Hàn Quốc sở hữu các công nghệ mũi nhọn và kinh nghiệm phát triển thành công công nghiệp, liên minh với Ả Rập Xê Út, có nguồn vốn dồi dào và tiềm năng tăng trưởng, thì có thể sẽ tạo thành một sức mạnh tổng hợp mạnh mẽ hơn bất kỳ quốc gia nào khác ». Hàn Quốc cũng muốn thắt chặt quan hệ kinh tế với Qatar. Sau chuyến công du Ả Rập Xê Út, tổng thống Hàn Quốc đã sang Qatar.


Khi các tính toán chiến lược phải thay đổi


Cuộc chiến giữa Israel và Hamas đặt ra câu hỏi về chính sách của Trung Quốc về trục chiến lược với Iran và Ả Rập Xê Út. Hợp tác kinh tế năng động giữa Teheran với Bắc Kinh, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư đáng kể của Trung Quốc vào Iran (năm 2021, Trung Quốc hứa đầu tư 400 tỷ đô la trong vòng 25 năm để phát triển ngành dầu lửa của Iran), đặt ra nhiều vấn đề bởi vì Iran là nước hỗ trợ chính về tài chính và quân sự cho tổ chức Hamas. Hơn nữa, việc xích lại gần nhau giữa Teheran và Riyad dưới sự bảo trợ của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng chừng nào nguy cơ xung đột trong khu vực vẫn còn đó.


Thế nhưng, việc Trung Quốc muốn đóng vai trò là nhà môi giới trung thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi tìm ra giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Israel-Palestine không phù hợp nếu Bắc Kinh thể hiện thái độ « trung lập ủng hộ Palestine », theo diễn đạt của nhà nghiên cứu Tuvia Gering, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Tel Aviv, được hãng tin Mỹ AP trích dẫn. Đây là thái độ « trung lập » gần giống như lập trường của Trung Quốc về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina.


Theo Hubert Testard, sau vụ tấn công hôm 07/10 của Hamas, Trung Quốc không hề đề cập đến Hamas hay nói về khủng bố, chỉ kêu gọi các bên « giữ bình tĩnh, kiềm chế và ngay lập tức chấm dứt hành vi thù địch và bảo vệ dân thường », nhưng sau này đã lên giọng cứng rắn hơn với Israel. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi điện đàm với đồng nhiệm Ả Rập Xê Út hôm 15/10 đã xem hành động của Israel là « vượt quá quyền tự vệ ».


Liên quan đến Ấn Độ, Narendra Modi là người ủng hộ việc xích lại gần mang tính chiến lược với Israel. Và nước này đã trở thành một trong những đối tác quốc phòng chính của Ấn Độ. Narendra Modi là thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ đến thăm Israel hồi năm 2017. Đảng BJP của thủ tướng Modi, với tư tưởng bài Hồi giáo, khôi phục chủ quyền của Hindu giáo trước các đế chế thực dân cũ, trong đó có đế chế Mughal Hồi giáo cai trị Ấn Độ trong suốt hơn hai thế kỷ. Chính vì thế, theo chuyên gia Testard, đảng BJP cầm quyền ở Ấn Độ cảm thấy gần gũi với đảng Likud của Israel. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng có quan hệ chặt chẽ với các nước Trung Đông và ngày càng lệ thuộc vào dầu lửa của các nước này.


Cuộc chiến giữa Israel và Hamas có thể kìm hãm chiến lược thân Israel của chính phủ Ấn Độ. Ấn Độ dù lên án Hamas về « vụ tấn công khủng bố », nhưng cũng nhắc lại lập trường lâu nay về việc ủng hộ một Nhà nước Palestine độc ​​lập. Ban đầu bày tỏ tình đoàn kết với Israel, nhưng sau này New Delhi đã có những nhận xét trung lập và mang tính ngoại giao hơn. Thủ tướng Narendra Modi lấy làm tiếc về vụ đánh bom bệnh viện Gaza nhưng không quy trách nhiệm cho bên nào, chỉ tuyên bố rằng thủ phạm gây thiệt hại cho dân thường trong cuộc xung đột này sẽ phải trả giá.


Theo AFP hôm 20/10, công ty may Maryan Apparel của Ấn Độ, một trong những nhà gia công chính đồng phục cho cảnh sát Israel, đã thông báo ngừng hợp đồng vì phải tuân theo « mệnh lệnh của đạo đức ». Từ năm 2015, Maryan Apparel cung cấp 100 nghìn bộ quân phục cho cảnh sát Israel mỗi năm. Ban lãnh đạo hãng may của Ấn Độ tuyên bố chỉ nối lại hợp đồng với Israel khi hoà bình được thiết lập trở lại. 


Trở lại với chuyên gia Hubert Testard, ông kết luận sự ủng hộ ban đầu mà Israel nhận được sau vụ tấn công của Hamas vốn đã ít, nay đang dần dần phải nhường chỗ cho sự lo ngại của chính phủ nhiều nước và nỗi giận dữ trong công luận ủng hộ người Palestine. Cuộc chiến càng kéo dài, thiệt hại nhân mạng ở dải Gaza càng lớn thì Israel sẽ càng bị cô lập về ngoại giao ở châu Á.