VĂN HÓA ONLINE - CHÂU MỸ - THỨ SÁU 21 DEC 2018
TT Trump ngày càng lạnh nhạt với Bộ trưởng Quốc phòng Mattis
20/12/2018
Từng được ông Trump gọi là "vị tướng của tôi" nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đang ngày càng mất đi tầm ảnh hưởng với TT Mỹ, dấy lên câu hỏi về tương lai của ông ở vị trí này.
Quyết định bất ngờ của ông Trump khi rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Syria là tín hiệu cho thấy mối quan hệ không mấy tích cực giữa tổng thống Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, vị tướng cuối cùng trong nội các của ông Trump vào lúc này.
Bộ trưởng Mattis từng nhấn mạnh sứ mệnh chống khủng bố ở Syria chưa hoàn thành và Mỹ nên giữ hiện diện quân sự tối thiểu ở quốc gia này. Đây là thông tin được một quan chức trong chính quyền tiết lộ với Washington Post. Theo nguồn tin này, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng từng giải thích với Tổng thống Trump về khả năng sẽ có thêm hỗn loạn ở khu vực và những vấn đề trong tương lai với Mỹ nếu binh lính rút về nước.
Nhưng đến ngày 19/12 thì rõ ràng Tổng thống Trump đã không màng tới những lời khuyên của Bộ trưởng Quốc phòng.
Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis trong một sự kiện tại Nhà Trắng vào ngày 25/10. Quan hệ giữa hai người đang không được tốt trong thời gian gần đây và đã có những câu hỏi về tương lai của tướng Mattis trong nội các ông Trump. Ảnh: Reuters
Mối quan hệ dần lạnh nhạt
Với việc ông Trump bước vào Nhà Trắng mà không có kinh nghiệm về ngoại giao và quân sự, Bộ trưởng Mattis từng được coi là vị cố vấn có ảnh hưởng nhất đối với tổng thống Mỹ về chính sách đối ngoại. Tuy nhiên trong những tháng vừa qua, ông Mattis đã nhiều lần bị Tổng thống Trump đặt vào thế "việt vị" với những quyết định đi ngược lại quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Trump cũng được cho là đang tự theo đuổi chính sách an ninh quốc gia của riêng mình.
Vị tướng 4 sao nghỉ hưu vào năm 2013 và nhận được sự đặc cách của quốc hội để trở thành Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2016 (theo luật, người đứng đầu Lầu Năm Góc phải rời khỏi quân đội ít nhất 7 năm trước đó). Từ đó đến nay theo các quan chức chính phủ, mối quan hệ giữa ông Mattis và tổng thống dần đi xuống và đang ở điểm thấp nhất, dự báo khả năng ông Mattis rởi khỏi vị trí bộ trưởng trong tương lai gần.
Ông Mattis cũng được cho là không hài lòng với việc tổng thống không chấp nhận đề cử của mình với vị trí Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, chức vụ cao nhất trong quân đội Mỹ (nhưng không có quyền ra lệnh tác chiến). Người đang giữ vị trí này là Đại tướng Joseph Dunford sẽ về hưu vào mùa thu tới và ông Trump tuyên bố đã chọn ra người thay thế là tướng Mark A.Milley, người đang là Tham mưu trưởng Lục quân. Trong khi đó người được Bộ trưởng Mattis đề cử lại là Tham mưu trưởng Không quân, tướng David Goldfein.
Tổng thống Trump cũng bỏ qua những quan ngại của ông Mattis về việc triển khai quân đội đến tuyến biên giới với Mexico cách đây 2 tháng mà không có mục tiêu rõ ràng. Nguồn tin của Washington Post cho biết ông Mattis đã nói với các lãnh đạo Lầu Năm Góc rằng ông chỉ đang làm theo mệnh lệnh và họ cũng phải làm thế.
Trước đó, vị tướng 68 tuổi cũng bày tỏ quan điểm cứng rắn với Triều Tiên như ông Trump, nhưng đến tháng 3, tổng thống Mỹ đột ngột thay đổi quan điểm và quyết định đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Bộ trưởng Mattis được cho là người đã bày tỏ sự hoài nghi cao độ với cam kết phi hạt nhân hóa mà ông Trump nhận được từ ông Kim trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 6.
Khi mới nhậm chức, Tổng thống Trump thường nhắc tới sự xuất hiện của các tướng quân đội trong nội các như là minh chứng cho cách tiếp cận nghiêm túc và cứng rắn của chính phủ với các vấn đề an ninh quốc gia.
Nhưng hầu hết đã không còn làm việc ở Nhà Trắng nữa, trong đó có hai cố vấn an ninh quốc gia là Michael Flynn và H.R. McMaster, và Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly thì đang chuẩn bị rời đi. Bộ trưởng Mattis là người duy nhất còn lại trong nhóm này.
Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly sẽ chuẩn bị rời khỏi Nhà Trắng vào thời gian tới. Trong cuốn sách về ông Trump của nhà báo Bob Woodward ông Kelly được cho là đã thốt lên: "Đây là công việc tệ nhất mà tôi từng có!". Ảnh: Getty
Trong bài phát biểu vào ngày 20/1 năm ngoái, ngay sau khi nhậm chức tổng thống, ông Trump tuyên bố "những vị tướng này sẽ giữ an toàn cho chúng ta, họ sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề".
Ngày hôm đó ông Trump cũng nhắc đích danh ông Mattis bằng một câu nói: "Nếu tôi phải làm một bộ phim, tôi sẽ chọn ông, tướng Mattis!". Người ta có thể cảm nhận rằng ông Trump thích ông Mattis ngay từ đầu vì vị tướng này có hình ảnh giống với một tư lệnh quân đội trong phim.
Và trong thời gian đầu nhiệm kỳ, Bộ trưởng Mattis đã duy trì tầm ảnh hưởng tới một số quyết định của tổng thống, đôi khi còn tranh luận chống lại một số ý tưởng bộc phát của ông Trump, bình tĩnh giải thích bằng bản đồ và biểu đồ rằng những quyết định này có thể ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược của Mỹ, theo lời một quan chức đã chứng kiến sự việc.
Ông Mattis cũng kết hợp các tranh luận về thương mại quốc tế và viện trợ nước ngoài của Mỹ vì ông biết Tổng thống Trump sẽ hứng thú với những vấn đề này.
Tương lai bất định của tướng Mattis
Mối quan hệ giữa hai người đã có dấu hiệu rạn nứt trong những tháng gần đây, ông Trump được cho là đang quyết định xem liệu có tiếp tục giữ tướng Mattis ở vị trí Bộ trưởng Quốc phòng hay không. Tổng thống cũng từng chia sẻ với các cố vấn trong phòng bầu dục rằng ông không đồng ý với Bộ trưởng Mattis trong nhiều vấn đề.
Những cuộc gặp gỡ giữa hai người cũng đã ít dần và tổng thống không còn trò chuyện với ông Mattis nhiều như đã từng làm trong hồi đầu nhiệm kỳ.
Trong khi đó theo Washing Post, ông Mattis đã chia sẻ với các đồng nghiệp rằng ông muốn ở lại.
Cựu phát ngôn viên Lầu Năm Góc David Lapan, người từng là phụ tá của tướng John Kelly khi ông này làm Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa, cho biết Tổng thống Trump đã nhiều lần khiến ông Mattis và Lầu Năm Góc bất ngờ với các quyết định của mình. Trong số này có lệnh cấm với binh sĩ chuyển giới, lễ diễu binh đã bị hủy bỏ và kế hoạch điều quân tới biên giới.
Nhưng theo ông Lapan, quyết định rút quân khỏi Syria là sự bất ngờ "ở cấp độ hoàn toàn khác" vì điều này liên quan đến quá trình điều chuyển quân đội Mỹ ở vùng chiến sự.
Ông Lapan cũng cho rằng Bộ trưởng Mattis sẽ khéo léo tìm cách thay đổi một chút quyết định này của tổng thống thay vì phản đối thẳng thừng.
"Đây là mệnh lệnh không có gì sai trái, và có lẽ đây là trường hợp mà dù bạn không đồng ý với quyết định này, bạn chỉ có hai cách là tuân theo hoặc từ chức", ông Lapan nhận định.
Binh sĩ Mỹ trong một lần thực hiện nhiệm vụ ở phía bắc Syria vào tháng 2. Ảnh: New York Times
Nhà phân tích này cho rằng tướng Mattis sẽ tiếp cận vấn đề bằng câu hỏi: "Liệu có khả năng quyết định này được thay đổi theo một hướng nào đó?".
Theo lời các phụ tá Nhà Trắng, Tổng thống Trump nhìn nhận vấn đề Syria như một lời hứa khi tranh cử và thường phàn nàn rằng nếu cứ nghe lời các cố vấn quân sự, ông sẽ chẳng thể mang binh sĩ từ bất cứ đâu về nhà.
Chánh văn phòng John Kelly, tướng 4 sao từng đứng đầu Bộ tư lệnh châu Mỹ Latin, cũng khuyến cáo tổng thống nên giữ khoảng hơn 2.000 lính Mỹ ở Syria. Ông Kelly cùng Bộ trưởng Mattis và các lãnh đạo phe Cộng hòa ở quốc hội cho rằng điều này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chống khủng bố cũng như ngăn chặn sự ảnh hưởng của Iran và Nga trong khu vực.
Tổng thống không nghe lời ai
Vào ngày 19/12, Tổng thống Trump quyết định không nghe theo lời khuyên của những người này. Ông Trump đăng dòng tweet: "Chúng ta đã đánh bại ISIS ở Syria, lý do duy nhất mà chúng ta ở đó trong nhiệm kỳ của tôi". Muộn hơn cùng ngày, tổng thống Mỹ đăng tải thêm: "Sau những chiến thắng lịch sử trước ISIS, đã đến lúc để đưa những người trẻ tuổi tuyệt vời của chúng ta về nhà!".
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết nhiệm vụ của Mỹ ở Syria đã hoàn thành vì lãnh địa của nhà nước Hồi giáo tự xưng đã bị phá hủy. Các quan chức Mỹ nhận định mặc dù ISIS đã mất hết lãnh thổ ở Syria, các tay súng của nhóm này vẫn còn sót lại.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White cho rằng "hoạt động của liên minh quân sự đã giải phóng lãnh thổ bị ISIS chiếm giữ, nhưng chiến dịch chống lại ISIS chưa kết thúc".
Bà White cũng cho biết: "Chúng tôi đã bắt đầu quá trình đưa quân đội Mỹ trở về từ Syria và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của chiến dịch. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh để đánh bại ISIS ở bất cứ nơi nào chúng hoạt động".
Ngoài ông Kelly, có rất nhiều người khác đồng ý với quan điểm giữ quân đội ở lại Syria của Bộ trưởng Mattis, trong số này có cả đặc phái viên của chính phủ về vấn đề đánh bại nhà nước Hồi giáo là ông Brett McGurk. Ông McGurk trao đổi với các phóng viên vào tuần trước và cho rằng quân đội Mỹ nên ở lại để đảm bảo giữ được các thắng lợi quân sự.
"Thật là liều lĩnh nếu chúng ta nghĩ rằng: 'Nhà nước Hồi giáo đã bị đánh bại, chúng ta có thể trở về nhà ngay bây giờ', ông McGurk cho biết vào ngày 11/12, nói thêm rằng rằng bất cứ ai hiểu biết về cuộc chiến cũng sẽ đồng ý với quan điểm này của ông.
Quyết định bất ngờ rút quân đội khỏi Syria của Tổng thống Trump được cho là đi ngược lại với các tuyên bố trước đó của các quan chức Nhà Trắng về kế hoạch của Mỹ ở quốc gia này. Ảnh: Washington Post.
Bộ trưởng Mattis đã phát biểu hồi tháng 9, cho biết sứ mệnh quân sự ở Syria tập trung vào mục tiêu đánh bại nhà nước Hồi giáo, nhưng cũng nhắc đến việc ngăn chặn ảnh hưởng của Nga và Iran như một lý do khiến quân đội Mỹ sẽ không rút đi nhanh chóng.
Tổng tham mưu trưởng Dunford cũng nói vào hồi đầu tháng này rằng Lầu Năm Góc "vẫn còn một quãng đường dài phía trước" để đào tạo lực lượng chống khủng bố địa phương ở Syria.
Cả Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đều cho rằng mục tiêu ở Syria không chỉ đơn thuần là việc chống lại nhà nước Hồi giáo.
Quyết định của ông Trump được đưa ra từ ngày 18/12 và hiện chưa rõ liệu Ngoại trưởng Pompeo và Bộ trưởng Mattis có biết về điều này trước khi ông Trump đăng dòng tweet vào ngày 19/12 hay không. Nhưng rõ ràng là các quan chức chính phủ, trong đó có cả các thành viên hàng đầu của đảng Cộng hòa đều không được báo trước.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham (bang South Carolina) tỏ rõ sự bất ngờ trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi không biết điều này là gì. Tôi chưa được thông báo. Tôi hoàn toàn bị che mắt, và tôi nghĩ sẽ có sự quan ngại rất lớn từ cả hai đảng về vấn đề này".
Sơn Trần (Theo Washington Post)