Chuyện lạ bên lề Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang 2018

12 Tháng Hai 201812:37 SA(Xem: 7581)

VĂN HÓA ONLINE - THỜI SỰ  - THỨ  HAI 12  FEB  2018


Chuyện lạ bên lề Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang 2018


Thanh Hà 08-02-2018


 image085


Olympic Pyeonchang 2018 Hàn Quốc phá cách trên nhiều điểmReuters


Người Pháp mê phim và nhạc Hàn Quốc nhưng có cái nhìn như thế nào về 50 triệu dân xứ Hàn ? Vì sao không cử vận động viên đến Pyeongchang, nhưng Tòa Thánh Vatican lại gửi một phái đoàn chính thức đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 ? Chưa khai mạc, ban tổ chức quả quyết Pyeongchang 2018 phá nhiều kỷ lục.


Ngôi làng Olympic của Pyeongchang từ nhiều ngày qua bắt đầu đón 2.900 vận động viên bảo vệ màu cờ của 92 quốc gia trên thế giới. Theo ban tổ chức, đây là cuộc tranh tài dành cho các trò chơi thể thao mùa đông có nhiều vận động viên tham gia nhất từ trước tới nay, có đông các quốc gia đến dự nhất mọi thời đại. Kỷ lục này tới nay do Sotchi 2014 nắm giữ : khi đó 2.800 lực sĩ đại diện cho 88 quốc gia bay đến thành phố ven bờ Hắc Hải của nước Nga.


Pyeoyhang 2018, cuộc chơi quy mô nhất mọi thời đại ?


Lần này ở Pyeongchang, nhiều quốc gia không mấy nổi tiếng trong các bộ môn thi đấu mùa đông như Đông Timor hay Ấn Độ đều hẹn nhau ở Hàn Quốc. Hai nước lớn luôn áp đảo tại các Thế Vận Hội Mùa Đông là Mỹ và Canada, như thông lệ, gửi hai phái đoàn rất hùng hậu đến Pyeongchang. 242 vận động viên mang màu cờ của Mỹ và thứ nhì là phái đoàn của Canada với không dưới 230 người.


Ngoài ra, về số các huy chương vàng, thì cũng chưa bao giờ ban tổ chức đề ra ngưỡng trao tặng 102 danh hiệu vô địch như trong mùa thi đấu năm nay.


Sự hiện diện của phái đoàn Vatican


Dù không một vận động viên nào thi đấu cho màu cờ của Vatican trên các đường băng ở Jeongseon, hay các sân trượt băng nghệ thuật tại cung Olympic Gangneung, nhưng đức cha Sanchez de Toca, nhân vật số 2 của bộ Văn Hóa đại diện cho Tòa Thánh Vatican sẽ có mặt tại Pyeongchang trong buổi lễ khai mạc.


Đáp lại lời mời của Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế, Vatican đến Pyeongchang với tư cách "quan sát viên". Tòa Thánh không điều sứ giả đến dự Thế Vận Hội để quan sát cách tổ chức hay học hỏi kinh nghiệm với hy vọng được kết nạp vào đại gia đình Olympic trong nay mai.


Đức cha Sanchez de Toca đến Pyeongchang để quan sát "hòa bình". Trả lời tờ báo Osservatore Romano, đại diện của đức giáo hoàng tuyên bố : "Thế Vận Hội Pyeongchang được mở ra gần đường biên giới giữa hai nước Triều Tiên, đây là đường biên giới được quân sự hóa nhất trên thế giới, và sự kiện này mang biểu tượng cao qua sự hiện diện của các vận động viên Bắc Triều Tiên".


Theo ngài, "tình trạng hòa bình dù chỉ là tạm thời trong mùa Thế Vận Hội cho phép hy vọng mở ra một thế giới không có chiến tranh dù rằng nhiều xung đột đang diễn ra hiện nay".


Sau cùng, tuy không có tham vọng gửi các vận động viên tranh tài tại các kỳ thi đấu Olympic, điều đó không cấm cản Tòa Thánh Vatican mở rộng quan hệ với Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế qua một số sự án như là hợp tác với CIO nhân mùa Olympic dành cho giới trẻ, thuộc lứa tuổi từ 14 đến 18. Sự kiện tới đây sẽ mở ra vào tháng 10/2018 tại Buenos Aires - Achentina, quê hương của giáo hoàng Phanxicô.


Pyeongchang 2018 : Biểu tượng hòa bình của Thế Vận Hội


Như thông lệ, mỗi mùa Thế Vận Hội đều có rất nhiều các biểu tượng đi kèm. Tại Pyeongchang lần này, ngoài sự hiện diện của phái đoàn Bắc Triều Tiên, công trình được chú ý đến nhiều nhất là Bức Tường Hòa Bình được dựng lên ở Ngôi Làng Thế Vận.


Bức Tường Hòa Bình Pyeongchang thực ra là một cây cầu. Tác giả là họa sĩ, kiến kiến trúc sư Yi Je Seok. Ông lấy nguồn cảm hứng từ một lời kêu gọi của đức giáo hoàng Phanxicô gửi tới muôn dân hãy bắc những nhịp cầu để con người xích lại gần nhau chứ đừng dựng nên những bức tường ngăn cách.


Trong buổi lễ cắt băng khánh thành công trình đầy ý nghĩa này, tác giả tuyên bố, ông « chân thành hy vọng Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang sẽ mở ra một con đường mà ở đó, hai nước Triều Tiên có thể tồn tại trong hòa bình. Những cuộc trao đổi cởi mở sẽ xóa đi những căng thẳng quân sự » giữa hai quốc gia cùng nằm trên một bán đảo.


Từ 2006, tại Thế Vận Hội Turino,- Ý, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đưa ra sáng kiến dựng lên những bức tường mà trên đó các lực sĩ tranh tài đều lưu lại một dấu ấn nhỏ để thể hiện quyết tâm hòa bình qua các bộ môn thể thao.


Lần này Pyeongchang phá lệ, thay Bức Tường Hòa Bình đó bằng một Chiếc Cầu Hòa Bình. Khi Olympic và Paralympic bế mạc, công trình có chữ ký lưu niệm của 2.900 vận động viên đại diện cho 92 quốc gia này sẽ được giữ lại ở thành phố Pyeongchang để đánh dấu lần đầu tiên Thế Vận Hội Mùa Đông diễn ra trên Xứ Hàn.


Một khó khăn bất ngờ vào giờ chót :1.200 nhân viên bảo vệ an ninh bị tiêu chảy


Ba ngày trước lễ khai mạc Thế Vận Hội, ban tổ chức phải vượt qua một khó khăn không nhỏ và đã phải cầu viện 900 quân nhân đến thay thế 1.200 nhân viên bảo vệ bị dịch tiêu chảy hành hạ.


Lập tức số này được đưa về một địa điểm cách rất xa ngôi làng Olympic dành cho các vận động viên quốc tế. Họ cũng phải lánh xa 13 địa điểm thi đấu và các trọng tài ở Pyeongchang để tránh mọi rủi ro lây nhiễm. Theo tin mới nhất hầu hết các bệnh nhân nói trên bị viêm ruột và đang trên đà bình phục vài giờ trước lễ khai mạc.


Hình ảnh Hàn Quốc trong mắt dân Pháp


Theo một cuộc thăm dò dư luận gầy đây, trong mắt các công dân Pháp, người Hàn Quốc rất chăm chỉ và cần mẫn. Điều đó có lẽ không sai. Theo nghiên cứu của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE – trụ sở tại Paris, năm 2014 chẳng hạn, trung bình, một người lao động Hàn Quốc làm việc 2.124 giờ một năm, đứng hạng thứ nhì trong số các nước thành viên của OCDE, chỉ thua có người Mêhicô. Để so sánh người Pháp làm việc 1.473 giờ một năm, tức chỉ bằng 70% so với thời lượng lao động của người dân xứ Hàn. Mức trung bình của OCDE là 1.770 giờ làm việc một năm.


Nét đặc thù thứ nhì mà người Pháp gán cho nước chủ nhà Thế Vận Hội Pyeongchang là dân xứ này thích sửa sắc đẹp và không ngại giải phẫu thẩm mỹ. Dù chỉ có 50 triệu dân, Hàn Quốc là thị trường giải phẫu thẩm mỹ lớn thứ ba trên thế giới. Trung bình mỗi năm, có khoảng 1,3 triệu ca mổ để có được sắc đẹp vừa ý hơn. Hàn Quốc được mệnh danh là thiên đường của các bác sĩ thẩm mỹ và các thẩm mỹ viện. Quảng cáo tràn ngập đường phố, từ các trạm xe điện ngầm cho đến các nhà vệ sinh công cộng. Một đặc trưng khác là không chỉ có phụ nữ thích sửa sắc đẹp. Nam giới thường năng động hơn các bà, các cô.


Tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất thế giới


Không hiểu có phải do quá lao tâm về sắc đẹp và hình dạng bề ngoài hay không, mà người Hàn Quốc có tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất thế giới. Theo báo cáo gần đây nhất của OCDE, một phụ nữ Hàn Quốc chỉ sinh có 1,17 con, trong lúc tỷ lệ trung bình trên thế giới là 2,4. Tệ hơn nữa, OCDE dự báo trong năm 2017 lần đầu tiên số trẻ chào đời tại Hàn Quốc rơi xuống dưới ngưỡng 400.000. Vẫn theo báo cáo này, dân số Hàn Quốc bắt đầu giảm đi kể từ năm 2050. Kinh tế Hàn Quốc sẽ bị đe dọa. Các nhà dân số học giải thích : giá nhà quá cao và học phí cho con em quá tốn kém là hai nguyên nhân chính, khiến nhiều người chọn sống độc thân.


Nếu như người Pháp thích xem phim và nghe K-Pop, thì ngược lại tập quán ăn thịt chó của dân Hàn Quốc khiến không ít du khách đặt chân đến quốc gia Đông Bắc Á này ái ngại. Seoul thẩm định là mỗi năm, khoảng một triệu con chó bị làm thịt. Dù vậy hiện nay, 70 % dân cư tại đây không ăn thịt cầy ; 40 % đòi chính phủ ban hành một đạo luật cấm các hàng quán bán món "thịt cầy". Riêng những thành phần đã nghiện món ăn "quốc hồn quốc túy" này thì yêu cầu chính phủ can thiệp để chó được hưởng những điều khoản ưu đãi như heo, bò, gà hay vịt, có nghĩa là phải được đưa vào các lò sát sinh và được hóa kiếp một cách nhân đạo !
12 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 7674)
19 Tháng Mười Một 2017(Xem: 8248)
15 Tháng Mười 2017(Xem: 8065)