'Nụ cười Bayon' giữa khu đền Angkor và tháp Chàm của người Chăm

10 Tháng Năm 20218:11 SA(Xem: 5801)

VĂN HÓA ONLINE – BỘ ẢNH NHÂN VĂN - THỨ HAI 10 MAY 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Sức quyến rũ kỳ lạ của những thành phố đã mất trong huyền thoại


  • Jen Rose Smith
  • BBC Travel

4/5/2021


image030Nguồn hình ảnh, Getty Images. Chụp lại hình ảnh, 'Nụ cười Bayon', có từ thế ký 12, vẫn tỏa sáng từ ngay giữa khu đền Angkor của Campuchia


Mặt trời chiều muộn phủ bóng dài trên hàng trăm mặt đá được khắc vào Đền Bayon khi tôi cố gắng đi sâu hơn vào thánh tích thế kỷ 12 ở ngay giữa khu đền Angkor trải rộng của Campuchia.


Những hình ảnh đê mê nổi lên từ những chiếc tháp và các bức tường, mỗi hình tượng có đôi môi đầy đặn uốn cong thành nụ cười nhức nhối.


'Thành phố trong mơ'


Đó là ngày đầu tiên của tôi ở Angkor, và lúc đó tôi hầu như không biết gì về lịch sử của thành phố.


Nhưng bước lang thang từ đền này sau đền khác, tôi dễ dàng rơi vào cơn mơ màng giàu tưởng tượng.


Trong đầu tôi hình dung ra đông đảo tín đồ mang theo những lễ vật tươi sáng. Tiếng đục vang lên khi các nghệ nhân sáng tạo những kiệt tác tuyệt mỹ xung quanh tôi, trong khi các vị vua oai phong diễu hành qua những con đường rộng lớn trải dài với những bức tượng.


"Vì lý do tại sao một nơi nào đó không còn tồn tại, nó có thể được biến thành thành phố lý tưởng, thành phố trong mơ," Aude de Tocqueville viết trong cuốn sách của bà hồi năm 2014 'Atlas các thành phố đã mất: Hướng dẫn du lịch đến các địa điểm bị bỏ hoang'. "Do đó, thành phố đã mất là thơ ca, thế giới mơ ước và là bối cảnh cho đam mê và bước đi lang thang của chúng tôi."


Thật vậy, những nơi mất tích và bị bỏ hoang có sức hút mạnh mẽ đối với trí tưởng tượng. Chúng là chất gây nghiện cho những người đam mê xê dịch, khơi gợi một cảm giác phiêu lưu vốn nuôi dưỡng các cuộc thám hiểm vĩ đại và những câu chuyện to lớn.


Chúng ta thấy cuộc sống của mình phản ánh trên đá, hãy tưởng tượng những bộ phim ngôn tình mà chúng ta đã xem trong bối cảnh lãng mạn, đổ nát. Và nếu thảm họa treo lơ lửng trên nhiều thành phố mất tích, thậm chí thời gian trôi qua làm nó dịu đi.


"Trong có lẽ hàng ngàn năm, mọi người đã kể những câu chuyện phiêu lưu về những miền đất kịch tính ngoài biên giới chúng ta - những câu chuyện về nền văn minh cổ đại," Annalee Newitz, tác giả của 'Bốn thành phố đã mất: Lịch sử bí mật của Kỷ nguyên Đô thị', nói.


Cuốn sách nhảy qua các lục địa và các thiên niên kỷ, trình bày về bốn địa điểm cổ xưa như những bài học đối tượng trong cuộc sống đô thị: Angkor của Campuchia; thành phố Cahokia người Mỹ bản địa; thành phố Pompei của La Mã; và Çatalhöyük thời Đồ Đá Mới ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.


Biện minh cho chủ nghĩa thực dân


Trong khi các mạch truyện về thành phố đã mất làm nên những câu chuyện du lịch cuốn hút, Newitz lập luận rằng chúng thường che khuất những câu chuyện thật sự đằng sau những nơi tráng lệ nhất của nhân loại.


image031Nguồn hình ảnh, Getty Images. Chụp lại hình ảnh,


Những cách diễn giải thời hiện đại thường che khuất đi những câu chuyện thực sự đằng sau các địa điểm huy hoàng nhất mà con người từng xây dựng được từ thời xa xưa


Điều đó đã xảy ra ở Angkor, nơi tôi dành những buổi chiều đầy nắng ở giữa đống đổ nát.


Newitz giải thích rằng thành phố này thực sự có người sinh sống khi nhà thám hiểm người Pháp Henri Mouhot đặt chân đến vào năm 1860 - thực sự nó chưa bao giờ bị bỏ hoang phế hoàn toàn - nhưng du khách không thể tưởng tượng được tổ tiên của người Campuchia có khả năng tạo dựng công trình hùng vĩ như vậy.


"Ngay từ cái nhìn đầu tiên, người ta tràn đầy sự ngưỡng mộ sâu sắc, và không thể không hỏi điều gì đã tạo nên dân tộc hùng mạnh này, rất văn minh, rất khai sáng, tác giả của những công trình vĩ đại này?" Mouhot viết về khu thành quách trải rộng trong rừng này.


Ông suy đoán Angkor được người Hy Lạp hoặc Ai Cập cổ đại xây dựng. Tại Pháp, Newitz giải thích, chuyến thăm của ông được ca ngợi là 'khám phá'.


"Những câu chuyện thành phố mất tích đã trở nên hết sức phổ biến trong thời hiện đại - bắt đầu từ thế kỷ 19 hoặc thế kỷ 18 - bởi vì chúng thật sự là cách tốt để che giấu chủ nghĩa thực dân." Newitz nói. "Nó cho phép biện minh cho tất cả các cuộc xâm nhập thuộc địa. Họ sẽ nói rằng 'đây không phải là nền văn minh tự thân nó phát huy được. Và bằng chứng chúng ta thấy từ đây là dân tộc này đã xa lìa một quá khứ vĩ đại, bí ẩn nào đó mà nay đã biến mất."


image032Nguồn hình ảnh, Getty Images. Chụp lại hình ảnh. Sau khi núi lửa Mount Vesuvius phun trào, người dân Pompei đã tái thiết nơi ở mới tại địa điểm gần thành phố đã bị thiêu hủy


Tìm kiếm các thành phố và nền văn minh mất tích là nỗi ám ảnh đối với một số nhà thám hiểm và thực dân châu Âu.


Sự mê đắm của họ được thúc đẩy một phần bởi cuộc tìm kiếm thành phố đã mất nổi tiếng nhất trong lịch sử: quốc đảo Atlantis, lần đầu tiên xuất hiện trong ghi chép của Plato.


Atlantis hư cấu của ông đã có thời thịnh vượng trước khi sự suy đồi đạo đức khiến nó bị Thượng Đế trừng phạt.


Những người cùng thời của ông sẽ công nhận câu chuyện là một câu chuyện ngụ ngôn, nhà sử học cổ đại Greg Woolf, tác giả cuốn 'Cuộc sống và Cái chết của Các thành phố Cổ xưa: Lịch sử Tự nhiên', nói.


"Kề về một huyền thoại để minh họa sự thật to tát hơn là điều đã được hiểu rộng rãi," Woolf nói. "Tôi không nghĩ có ai đó nghiêm túc tin rằng Atlantis có thật, nhưng đó là một huyền thoại tiện nghi." Tuy nhiên, khi những trang viết của Plato về Atlantis được phát hành trong các bản dịch hiện đại, nó đã đến được với những độc giả cả tin hơn.


Phủ nhận sự thật


"Mọi người đã đọc điều này cùng lúc với việc thành lập các thuộc địa ở Tân Thế giới," nhà cổ điển học Edith Hall giải thích trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình History Extra Podcast của BBC.


Hiểu lầm tác phẩm của Plato, nhiều người đọc câu chuyện ngụ ngôn này theo nghĩa đen, Hall nói. "Nó đánh động tâm trí của họ. Mọi người đều nói Atlantis phải là ở Mỹ."


Khi những người định cư châu u đó gặp các nền văn minh bản địa, Newitz viết, họ cố gắng để kết nối nó với một quá khứ bí ẩn, và thường bỏ qua những người dân rất thật vào thời đó.


image033Nguồn hình ảnh, Getty Images. Chụp lại hình ảnh.Vào năm 1050 sau Công nguyên, người Mỹ bản địa đã xây dựng đô thị Cahokia, có diện tích lớn hơn Paris


Đó là những gì đã xảy ra ở Cahokia, một đô thị cổ nằm gần thành phố St Louis ngày nay của Mỹ.


Những gò đất cao ngất ở đó có thể sánh ngang với các kim tự tháp Ai Cập về chiều cao, và vào thời kỳ đỉnh cao của nó vào năm 1050 sau Công nguyên, thành phố Cahokia còn lớn hơn Paris. Những người mới đến từ châu u sẽ cảm thấy khó chấp nhận điều này.


"Du khách và nhà thám hiểm sẽ tự kể cho mình tất cả những câu chuyện điên rồ, giống như phải là những người Ai Cập cổ đại đã đến đây để xây dựng những thứ này," Newitz cho biết.


Đó là huyền thoại để biện minh cho việc đánh cắp các vùng đất bản địa vốn được mô tả rộng rãi là 'không có một bóng người', họ giải thích.


Trong khi đó, cũng giống như ở Angkor, hậu duệ của những người đã xây nên Cahokia đã bị phủ nhận rằng họ không có khả năng xây những công trình như vậy.


Khởi đầu mới


Những câu chuyện về các thành phố đã mất cũng có thể che đậy những sự thật khác, Newitz viết, chẳng hạn như cách người cổ đại hồi sinh trở lại khi họ bỏ lại một nơi ở phía sau.


Thảm họa và sự sụp đổ thường được cho là sự chấm hết, nhưng ở Pompeii và Çatalhöyük, Newitz tìm thấy tia sáng của khởi đầu mới giữa những biến động xã hội.


image034Nguồn hình ảnh, Getty Images. Chụp lại hình ảnh. Hơi nóng khủng khiếp từ núi lửa phụt ra đã biến Pompeii thành một khu nghĩa địa hồi năm 79 sau Công nguyên


Sau khi khí núi lửa quá nóng biến Pompeii thành nghĩa địa vào năm 79 sau Công nguyên, người Pompei đau thương ngay lập tức bắt đầu xây dựng lại cuộc sống mới ở Naples và Cumae gần đó.


Dẫn lại tác phẩm của nhà cổ điển học Steven Tuck, Newitz kể rằng nhiều người tị nạn mà các nhà sử học biết đến có tên gọi vốn đánh dấu họ là liberti, tức nô lệ được giải phóng.


Mặc các quy ước đặt tên La Mã thường bảo thủ, giữ một tên từ thế hệ này qua thế hệ khác, Tuck đã quan sát thấy một xu hướng thú vị trong các gia đình tị nạn Pompei. Bỏ đi tên cũ của họ, một số người đã chọn gọi tên con cái của họ theo những địa điểm mới mà họ đã đến, chẳng hạn như thị trấn cảng tấp nập Puteoli. Ở đó, một số gia đình mới đến đặt tên cho con trai của họ là Puteolanus.


Nó giống như chuyển đến London từ một trại tị nạn và gọi con bạn là 'Londoner' vậy, Tuck giải thích với tôi qua email. "Việc chuyển đi đã cho họ cơ hội này và họ đã nắm bắt."


Và trong chính các thành phố đang suy tàn này, Newitz cho thấy những con người có quyền tự chủ sống động, không phải là người xưa bị trói buộc vào sự tùy tiện của lịch sử.


Đó là điều họ nhìn thấy trong tàn tích của Çatalhöyük, khu định cư thời đồ đá mới vốn cực thịnh vào 9.000 năm trước trên đồng bằng Konya ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ.


image035Nguồn hình ảnh, Getty Images. Chụp lại hình ảnh. Çatalhöyük là khu định cư Thời Đồ Đá Mới, rất thịnh vượng hồi 9.000 năm trước


Những ngôi nhà ở đó nằm sát rạt với nhau như các ô trong tổ ong, họ viết trong sách, với những lối đi hướng lên mái nhà và lối vào qua trần nhà.


Vào những buổi tối ấm áp, cư dân tụ tập trên mái nhà, cùng nhau nấu nướng và làm đồ thủ công. Nhưng bất chấp mọi chất men sáng tạo của cuộc sống thành phố, đó là sự đánh đổi. Theo thời gian, ở lại Çatalhöyük trở nên khó khăn hơn: khí hậu trở nên bất lợi hơn và căng thẳng xã hội tăng lên.


Ký ức vẫn còn


Trong khi nhiều câu chuyện về thành phố mất tích nghe mơ hồ và huyền ảo, Newitz khắc họa việc từ bỏ những nơi như Çatalhöyük là kết quả của một quá trình có lý do chính đáng.


Theo thời gian, dân Çatalhöyük chỉ đơn giản là chọn quay trở lại những nơi thôn dã hơn, một quá trình quen thuộc với bất kỳ cư dân thành thị nào ngày nay, vốn kéo xuống một cách thèm thuồng danh sách rao bán nhà cửa gợi lên cuộc sống thôn dã.


"Chúng tôi sẽ đi tìm một nơi tốt hơn và thử lại, thử thí nghiệm mới, thử xây dựng khác đi, thử sống khác đi," Newitz nói, gợi lại những cuộc nói chuyện có thể đã diễn ra xung quanh lò sưởi thời đồ đá mới. Các nhà rời đi từng nhà một, đến khi cuối cùng Çatalhöyük không còn ai.


Nhưng khi cư dân rời đi, mỗi người lấy đi những gì quan trọng nhất đối với họ. Nghệ thuật, ý tưởng và văn hóa vật chất tỏa ra khắp vùng đồng bằng Konya khi các gia đình xây dựng cuộc sống mới cách xa những khu dân cư đông đúc.


Mặc dù Cahokia và nhiều thành phố khác có thể bị bỏ hoang, nhưng theo nghĩa quan trọng, đối với chúng ta, chúng hoàn toàn không bị mất đi.


"Chúng ta vẫn còn tất cả những ký ức văn hóa về nhưng nơi chúng ta đã sống," Newitz nói. "Đó là sự tiếp nối liên tục, xuyên suốt."


+++++++++++++++++++++++++++++++++++


Tháp Chàm của người Chăm


image036Qua cổng bước lên lăng tháp Chàm Pô Klông Garai Phan Rang. Ảnh LKT


“Cầm vàng đừng để vàng rơi”



Trần Bá Phùng

Khi tiến hành trùng tu tôn tạo, chống xuống cấp các tháp Chăm một số người đề nghị phục hồi “những yếu tố phi vật thể” gắn bó với tháp. Lý do đưa ra là “đa phần du khách đến các tháp Chăm Bình Định tham quan, họ chỉ đến một lần mà ít khi quay lại. Trong khi đó, hàng năm, số người đến tháp Bà Ponagar Nha Trang tham quan, tham gia lễ hội, tín ngưỡng có thể lên đến hàng vạn”. Phục hồi những yếu tố phi vật thể gắn bó với tháp Chăm là một vấn đề lớn và theo chúng tôi nên được mổ xẻ một cách thận trọng.


THÁP CHĂM BÌNH ĐỊNH: TỪ DI TÍCH ĐẾN DI SẢN


image037Tháp Dương Long. Ảnh: Đào Tiến Đạt


Đề nghị kể trên xuất phát từ việc các tháp Chăm ở Ninh Thuận còn gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào Chăm, hoặc tháp Bà Ponagar ở Nha Trang vẫn được nhiều người đến cúng kính, là một điểm đến thu hút nhiều du khách do biến thể về tín ngưỡng và có thêm đời sống khác so với nguyên gốc. Các tháp Chăm còn lại ở Bình Định chỉ còn “phần xác”, thu hút khách tham quan nhờ vẻ đẹp kiến trúc, và những giá trị nghệ thuật khác. Các tháp Chăm ở Bình Định có cần những yếu tố phi vật thể không? Người ta có thể dễ dàng sáng tạo ra một lễ hội hiện đại (Festival hoa Đà Lạt chẳng hạn) nhưng không thể phục hồi những “yếu tố phi vật thể” gắn bó với tháp một cách khiên cưỡng.

Tháp Chăm ở Bình Định được cư dân Chăm cổ dùng vào mục đích gì đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Nó là tháp để tưởng niệm, ghi nhớ một chiến công, một sự kiện lớn; nó là công trình để vinh danh một vị vua; nó là lăng mộ? Tùy quan điểm, cách tiếp cận của mình mỗi nhà khoa học lại có cách lí giải riêng. Và dường như, với mỗi giai đoạn phát triển, tháp Chăm ở Bình Định lại được xây dựng với mục đích khác nhau. Vì đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng nên thật khó phục hồi, phục dựng, dẫu chỉ là những tiết mục được sân khấu hóa với mục đích phục vụ cho những tour du lịch. Hơn nữa theo thiển ý của một người ngoại đạo như người viết, nếu hiểu những “yếu tố phi vật thể” như là những lễ hội, việc thờ tự (bởi hầu hết những người có ý kiến phục hồi đều lấy các tháp ở Ninh Thuận, Khánh Hòa làm hệ quy chiếu) thì việc phục hồi là rất khó.

Ngày nay ở Bình Định không còn những người Chăm có đời sống tinh thần, tâm linh gắn bó với những ngôi tháp còn lại. Những yếu tố đó mất đi trong lịch sử và đã là một phần của lịch sử, tái dựng đời sống cũ trên nền không gian hiện đại là một việc rất khó đạt đến mức hợp lý nếu không muốn nói là không thể. Trong trường hợp xấu còn có thể sẽ lâm vào tình thế “vẽ rắn thêm chân”. Mặt khác cũng cần thấy rằng cũng như ở Bình Định, quần thể đền tháp Chăm ở Mỹ Sơn (Quảng Nam) hoàn toàn chẳng có yếu tố phi vật thể nhưng vẫn thu hút đông người đến tham quan. Vả lại nếu đặt mục tiêu thu hút khách tham quan và phổ biến các giá trị của tháp thì còn có nhiều hoạt động khác có thể thực hiện được, giàu ý nghĩa thực tiễn và khả thi hơn.

Những năm qua, việc khảo sát, thiết kế và chỉ đạo chống xuống cấp, trùng tu, tôn tạo và nghiên cứu các kiến trúc và các điêu khắc Chăm tiêu biểu hầu hết đều do các nhà khoa học Việt Nam thực hiện.


Tính đến nay đã có nhiều tháp, cụm tháp được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp, điển hình là: tháp Đôi, tháp Bánh Ít, tháp Bình Nghi, Tháp Dương Long, tháp Cánh Tiên... Công cuộc trùng tu tháp Chăm ở Bình Định có nhiều nét khác biệt, độc đáo so với những ngôi tháp Chăm ở địa phương khác. Kết quả của việc trùng tu được đánh giá rất cao và hoàn toàn có thể giới thiệu với du khách những điều thi vị ấy. Mối liên hệ và sự ảnh hưởng qua lại giữa văn hóa Chăm lên đời sống của người Việt cũng là một chủ đề lớn có thể thu hút du khách. Đặc biệt với những phát hiện về trống đồng Đông Sơn trên khu vực sinh sống của cư dân Sa Huỳnh, Chămppa cổ; hoặc là những phát hiện về lò gốm, hiện vật gốm cổ Chămpa cũng có thể phục dựng và giới thiệu với côn chúng. Nếu làm được như vậy rõ ràng sức hút của các di tích Chăm sẽ hấp dẫn và mới lạ hơn.


image038Tháp Cánh Tiên.


image039Tháp cổ Chăm pa Bình Lâm hay Bình Nghi tại thôn Bình Lâm xã Phước Hòa huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định.


2. 

Tháng 11.2006 khi khai quật, nghiên cứu phục vụ trùng tu, tôn tạo cụm tháp Dương Long (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) các nhà khoa học đã phát hiện một số lượng lớn hiện vật điêu khắc đá. Đặc biệt, cuộc khai quật đã làm xuất lộ phần điêu khắc đá trang trí chân tháp bị chôn vùi trong lòng đất và tìm lại mặt bằng ban đầu cho tháp cổ.


image040Tháp Dương Long.


Trong số các di tích tháp Chăm hiện còn ở miền Trung, quần thể tháp Dương Long không hề giống bất cứ một ngôi tháp cổ Chămpa nào, và là một hiện tượng đặc biệt trong kiến trúc đền tháp Chămpa. Cả ba ngôi tháp ở Dương Long không chỉ có hình dáng như nhau, mà còn nằm trên một nền chung chạy dài theo trục Bắc-Nam. Sự khác biệt giữa các tháp với nhau chỉ biểu hiện trong những chi tiết trang trí. Những phát hiện mới ở Dương Long mới đây không chỉ giúp xác định lại chiều cao và làm cho tháp thêm đồ sộ hơn mà còn cung cấp thêm nhiều tham số giúp việc nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc đá của người Chăm thời kì dựng tháp được rõ ràng, chi tiết hơn.

Theo những thông tin mà báo Bình Định điện tử đã đăng tải thì cuộc khai quật khảo cổ học tại tháp Dương Long (11.2006) chỉ diễn ra trên khu vực 1.500m2. Với một vùng khai quật có diện tích hạn chế như thế mà kết quả thu được đã nhiều và có giá trị cao đến vậy, nếu được đầu tư mở rộng và khai quật với quy mô lớn hơn có lẽ kết quả sẽ còn nhiều bất ngờ thú vị hơn nữa. Thật đáng tiếc bởi lẽ diện tích qui hoạch hiện nay của khu tháp lên đến là 30.000m2.

Nếu được khai quật và nghiên cứu một cách chu đáo, chắc chắn sức hấp dẫn của quần thể tháp Dương Long sẽ lớn hơn so với hiện nay rất nhiều.

3.

Mới đây, trong quá trình khai thác đất, người dân đã phát hiện một cổ vật là một chóp tháp bằng đá ở vùng đất có phế tích tháp Xuân Mỹ (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước). Điều này cho thấy, các di chỉ Chăm ở tỉnh Bình Định cần được các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn.

Theo Tiến sĩ Đinh Bá Hòa (Bảo tàng tổng hợp Bình Định) thì bên cạnh các di tích tháp Chăm đã được phát hiện, trên địa bàn tỉnh Bình Định - nơi từng là vùng kinh đô của vương quốc Chămpa vẫn còn nhiều các phế tích nữa phân bố tại nhiều nơi trong tỉnh. Trong đó, nhiều nhất là ở 3 huyện: Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn. Trên cơ sở các tài liệu ghi chép từ thời Pháp, qua đối chiếu khảo sát thực địa, các nhà khoa học đã thống kê được hơn 20 phế tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh. Ước tính trong lòng đất vẫn còn nhiều phế tích kiến trúc Chămpa khác chưa được biết đến.

Khác với những gì đã hiển lộ trên mặt đất, những di chỉ còn tàng khuất trong lòng đất, trên núi cao, trong rừng thẳm… rất khó bảo vệ và nhiều khi do vô tình chúng ta đã hủy hoại nhiều báu vật mà không biết. Ở sự kiện vừa nêu, điều may mắn là những người khai thác đất đã báo cáo kịp thời cho cơ quan có chức năng liên quan và hiện vật văn hóa trên vùng phế tích đã được bảo vệ khá tốt. Tuy nhiên, cũng theo tiến sĩ Hòa, vấn đề bảo vệ di sản văn hóa vẫn chưa được các cấp chính quyền ở một số địa phương quan tâm lắm dù Luật Di sản Văn hóa và Nghị định 92 của Chính phủ đã có hiệu lực từ rất lâu, điều này khiến nhiều cổ vật đã bị thất thoát.

Trước đây, người ta đã tình cờ phát hiện chân móng và nền một ngôi tháp Chăm ở một đồi cát ven biển của tỉnh Quảng Ngãi. Trước đó người ta chưa phát hiện được công trình đền tháp Chăm nào ở khu vực địa lý tương tự. Kể ra như vậy để cùng nhắc nhở nhau rằng, chúng ta đang “cầm vàng” và xin đừng để “vàng rơi”.
23 Tháng Mười 2016(Xem: 10480)
10 ngày đêm chiêm ngưỡng Trường Sa
29 Tháng Chín 2016(Xem: 9344)
- Khởi hành từ Cát Lái - Sàigon 18/4/2014
18 Tháng Chín 2016(Xem: 11305)
- Kỳ 1: Con tàu HQ-571
15 Tháng Sáu 2016(Xem: 10976)
Tổng hợp ảnh từ các nguồn báo chí trong nước và quốc tế theo thứ tự thời gian và địa điểm. (Văn Hóa trân trọng cảm tạ quý cơ quan truyền thông và ảnh Fb cá nhân đã rộng lượng cho sử dụng).