'Từ nay tôi là người tự do'

08 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 21656)

BBC - thứ năm, 5 tháng 12, 2013

Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, đã xác nhận với BBC rằng ông đã quyết định từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lý do ông có quyết định này là vì ‘Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân’.

Ông Đằng cho biết việc Quốc hội vừa mới thông qua Hiến pháp sửa đổi ‘là giọt nước làm tràn ly’ khiến ông đi đến quyết định thoái Đảng.

“Tôi thấy không thể nào chần chừ được nữa (trong việc bỏ Đảng),” ông nói, “Đó là kết quả logic của bài viết trên giường bệnh.”

“Tôi phải rút ra thôi, bởi vì nếu mình còn là thành viên của Đảng Cộng sản thì dù sao mình cũng phải có trách nhiệm.”

Ông Đằng cho biết kể từ nay ông trở thành ‘công dân tự do’ để ‘đấu tranh cho chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, cho dân chủ và nhất là đấu tranh bảo vệ lợi ích người dân’.

Ông nói khi đi đến quyết định này, ông cũng tiếc cho hơn 40 năm ông đóng góp cho Đảng và ‘cũng buồn’ nhưng ‘không thể làm khác được’.

'VN sẽ thay đổi nhưng chưa phải lúc này'

Quốc Phương

BBC Việt ngữ

Chủ nhật, 1 tháng 12, 2013
 image001
Với đa số gần 98%, Quốc hội VN đã thông qua Hiến pháp sửa đổi 2013

Việt Nam có thể sẽ thay đổi về luật pháp đối với hệ thống, cấu trúc chính trị nhưng chưa phải vào thời điểm hiện nay theo một chuyên gia cố vấn của Đảng Cộng sản.

Giáo sư Đỗ Quang Hưng là thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cơ quan tư vấn về đường lối, sách lược chính trị cho Ban chấp hành Trung ương và Bộ chính trị Đảng Cộng sản.

Theo ông, về lâu dài Việt Nam có thể cứu xét việc điều chỉnh, sửa đổi, soạn thảo một số luật pháp, thể chế như luật về đảng phái, cũng như hội đoàn và điều chỉnh quan hệ giữa hệ thống chính trị của nhà nước với các thực thể mà ông gọi là xã hội nhân dân, cộng đồng v.v... nhằm thừa nhận nhiều quyền và quyền lực của các thể chế này.

Về tương lai soạn thảo luật về đảng phái, mà nếu có, sẽ quy định, điều chỉnh hành vi, hoạt động, trách nhiệm của các đảng chính trị như Đảng cộng sản Việt Nam, Giáo sư Đỗ Quang Hưng, người đang là Chủ nhiệm Bộ môn Chính trị Quốc tế, Khoa Khoa học Chính trị, thuộc Đại học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, hôm cuối tuần nói với BBC:

"Về lô-gic chính trị, có tính của thời đại nữa, tôi nghĩ rằng sẽ đến một lúc nào đó, tôi chưa biết là lúc nào, thì chắc chắn phải nghĩ đến điều đó, cũng như luật về hội..."

"Chưa cho báo tư nhân chẳng hạn, tôi nghĩ cũng có cái hợp lý của nó. Đến một lúc nào đó người ta không phản ứng cái lô-gíc đó thì đến lúc nào đó nó sẽ có."

GS Đỗ Quang Hưng, Hội đồng Lý luận Trung ương

"...Như chưa cho báo tư nhân chẳng hạn, tôi nghĩ cũng có cái hợp lý của nó. Đến một lúc nào đó người ta không phản ứng cái lô-gíc đó thì đến lúc nào đó nó sẽ có, nhưng câu chuyện có thể là của sắp tới chẳng hạn, tương tự như vậy với các vấn đề khác."

Về quy định quân đội và các lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng cộng sản cầm quyền trong Hiến pháp, Giáo sư Hưng nói:

"Ở Việt Nam không dùng chữ thể chế chính trị, mà quen gọi là hệ thống chính trị. Với cấu trúc quyền lực như thế này, người Việt Nam vẫn chấp nhận cấu trúc quyền lực như thế này, thì việc liên quan đến quân đội như thế cũng dễ hiểu."

Nhà lý luận nhấn mạnh việc quy định này là tuân theo đặc thù chế độ chính trị ở Việt Nam, tuy nhiên ông cũng đề cập tới mô hình khác biệt sẽ có thể tồn tại ở một không gian khác như một điều đương nhiên.

"Còn khi đặt vấn đề về quân đội trong vai trò tương quan đối với Đảng, thì có thể ở một thể chế chính trị khác, nó đương nhiên nó lại không phải như vậy," ông Hưng nói tiếp,
 image002
Giáo sư Hưng cho rằng VN có thể sẽ thay đổi về thể chế, chính trị, nhưng chưa phải hiện nay

"Nhưng mà trong cấu trúc quyền lực cũng như đặc tính của thể chế chính trị của Việt Nam, người ta đã chấp nhận cái đó, thì cái hệ luận của nó là vẫn là như thế thôi, vẫn phải chịu như thế, vẫn phải chịu một sự lãnh đạo."

'Sự hài hòa quyền lực?'

Nhà tư vấn tư tưởng cho Đảng cho rằng điều này thể hiện "một sự hài hòa" như một hệ quả của điều mà ông gọi là "quyền lực chính trị" và "hệ thống chính trị" hiện nay ở Việt Nam.

Quan chức nghiên cứu nhận xét Hiến pháp mới thông qua chứa đựng những bước tiến mà ông gọi là 'tiến bộ' trong nhiều vấn đề, từ thể hiện đáp ứng nhu cầu, trình độ phát triển của xã hội cho tới vận dụng sáng tạo trong tình hình cụ thể đặc thù của chế độ chính trị.

Tuy nhiên, trao đổi với BBC từ Hà Nội, một nhà nghiên cứu xã hội học từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Nhân văn VN cho rằng bản Hiến pháp sửa đổi vừa mới được Quốc hội thông qua thể hiện một sự hạn chế cố hữu trong nhận thức và tư duy của những người soạn thảo Hiến pháp và lãnh đạo nhà nước khi tiếp tục 'tự hạn chế mình' với hệ tư tưởng Mác - Lênin.

Tiến sỹ Đỗ Thiên Kính, Trưởng phòng Xã hội học Nông thôn, Viện Xã hội học bình luận với BBC hôm thứ Năm về kết quả và cách thức của Hiến pháp mới được thông qua và cho rằng 'số đông chưa hẳn đã là chân lý.'

"Chủ nghĩa Mác - Lênin nói số đông cũng không phải là chân lý, thì tôi nghĩ rằng cái số đông bỏ phiếu tán thành hiện nay cũng không phải là chân lý. Khi mà đã hiểu như thế rằng số đông không phải là chân lý, thì đó cũng là điều bình thường."

Trả lời câu hỏi làm thế nào giới lãnh đạo Đảng và Nhà nước có thể thay đổi một chủ thuyết mà lâu nay họ vẫn sử dụng để biện minh cho đường lối, chính sách, quyền lực và vị thế của mình, Tiến sỹ Kính nói:

"Do vậy mà chính bản thân các Đại biểu Quốc hội, chính bản thân những người cầm quyền phải thay đổi về nhận thức khoa học, anh phải có đầu óc suy nghĩ khoa học, một cách khách quan để anh đánh giá nó là anh cho nó là nền tảng tư tưởng là đúng hay không đúng...,

"Ngoài chủ nghĩa Mác - Lênin còn có cá loại chủ nghĩa khác cũng rất khoa học, anh không vượt, bỏ được cái nhận thức của anh, tự anh cầm tù trong lý luận, do vậy làm thế nào vượt, bỏ được nó là hơi khó"

Tiến sỹ Đỗ Thiên Kính, Viện Xã hội học

"Ngoài chủ nghĩa Mác - Lênin còn có các loại chủ nghĩa khác cũng rất khoa học, anh không vượt, bỏ được cái nhận thức của anh, tự anh cầm tù trong lý luận, do vậy làm thế nào vượt, bỏ được nó là hơi khó, cả một cuộc đấu tranh hay tranh luận khoa học, môi trường khoa học (phải) rất là rộng mở, rất là tự do, dân chủ, thì nó cũng phải dần dần như thế, mới thay đổi được."

'Mâu thuẫn ý thức hệ'

Hôm thứ Năm, một kinh tế gia, nguyên thành viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) nói với BBC rằng bản Hiến pháp mới sửa đổi hàm chứa những mâu thuẫn đáng quan ngại mà theo ông có xuất phát điểm, nguyên nhân từ việc Hiến pháp quá bị chi phối bởi 'ý thức hệ' của đảng cầm quyền.

Tiến sỹ Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các nhà Quản trị các Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ của Việt Nam lấy ví dụ từ việc Hiến pháp tiếp tục quy định kinh tế nhà nước 'đóng vai trò chủ đạo' trong nền kinh tế quốc dân để minh chứng điều này như một 'mâu thuẫn nổi bật' về tư duy của những nhà chủ trương Hiến pháp.

Ông nói: 'Các thành phần là bình đẳng, nhưng mà bình đẳng lại có một anh chủ đạo... Vì vậy cái khái niệm bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật mà lại đặt bên cạnh chữ 'chủ đạo' thì không thể nào mà không mâu thuẫn được."
Ông Tiến giải thích nguồn gốc của mâu thuẫn trong tư duy này: "Tôi nghĩ có nhiều lý do, có thể có một lý do mà từ trước đến nay vẫn được giải thích là ý thức hệ, cái nền 'kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa' là phải được gắn liền với khái niệm 'kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.'"
image003
Các lãnh đạo Việt Nam và đa số Đại biểu Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi hôm 28/11

Nhà kinh tế cho rằng yếu tố ý thức hệ này đã chi phối ngay cả những chương đầu, từ diễn ngôn mở đầu của Hiến pháp, trong đó ghi rõ Hiến pháp để "thể chế hóa cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội," được hiểu là "cương lĩnh của Đảng cộng sản."

Và điều này chi phối toàn bộ tinh thần, nội dung Hiến pháp, không chỉ hạn chế ở tái khẳng định vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước, hay việc không thừa nhận hình thức sở hữu tư nhân về đất đai.

Hôm thứ Sáu, Đại biểu Dương Trung Quốc nói với BBC ông thấy không khí bàn thảo về sửa đổi Hiến pháp diễn ra dân chủ, Hiến pháp mới cũng có "những điều sửa đổi" và "quyền con người được nhấn mạnh hơn" và có nhiều điểm khác được điều chỉnh.

Tuy thế, vị đại biểu đã xác nhận không bấm nút biểu quyết thông qua bản Hiến pháp sửa đổi mới, cho biết: "Cuộc thảo luậ̣n đã vượt qua phạm vi cương lĩnh của Đảng nên họ đã kéo lại."

'Bảo thủ đến cực đoan'

Hôm 29/11, nhà báo tự do, Tiến sỹ kinh tế Bấm Phạm Chí Dũng bình luận với BBC về bản Hiến pháp mới.

Ông nói từ Sài Gòn: "Nhiều người hiểu biết và băn khoăn với đất nước thì họ thực sự thất vọng vì đã không có một nội dung nào được thay đổi so với Hiến pháp 1992, và đặc biệt cũng không có một nội dung nào có thể thỏa mãn được nguyện vọng của đại đa số nhân dân và trí thức đã được Kiến nghị 72 hay một số kiến nghị khác mô tả."

Theo ông Dũng bản Hiến pháp lẽ ra ít nhất phải xem xét lại 'sự chủ đạo của kinh tế nhà nước' mà theo ông trái lại, phải 'thừa nhận vai trò chủ đạo của kinh tế tư nhân chứ không phải kinh tế nhà nước' và do đó 'phải giảm độc quyền của kinh tế nhà nước và 'giảm sự lỗ lã, hoạt động kém hiệu quả lan truyền của các doanh nghiệp nhà nước.'

Vẫn theo ông Dũng, Hiến pháp mới đã không hề đề cập và cũng không có thay đổi gì đối với quy định 'thu hồi đất nói chung và thu hồi đất nói riêng đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội' mà theo ông lâu nay là nguyên nhân của một vấn đề 'rất nóng' và gây ra 'nhiều cuộc biểu tình' của người dân.

"Hiến pháp lần này đã giữ nguyên và như vậy là quá bảo thủ, bảo thủ đến mức cực đoan. Theo quy luật biện chứng lịch sử thì bất kỳ một sự bảo thủ chuyền dẫn đến cực đoan nào cũng sẽ dẫn đến sự sụp đổ và sụp đổ nhanh chóng hơn"

Nhà báo tự do, TS Phạm Chí Dũng

"Hiến pháp lần này đã giữ nguyên và như vậy là quá bảo thủ, bảo thủ đến mức cực đoan. Theo quy luật biện chứng lịch sử thì bất kỳ một sự bảo thủ chuyền dẫn đến cực đoan nào cũng sẽ dẫn đến sự sụp đổ và sụp đổ nhanh chóng hơn," ông Dũng dẫn ý kiến của một số người về Hiến pháp mới và bình luận.

Tuy nhiên, trong diễn văn bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng đã đánh giá tích cực về kết quả thông qua bản Hiến pháp mới sửa đổi, coi đây là một thành tựu phản ánh được nguyện vọng của người dân, ý chí của Đảng.

Ông nói: "Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) lần này đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân; khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng ta, đồng thời thể hiện niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân với Đảng."

Về phần mình, Giáo sư Đỗ Quang Hưng, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho hay ông tán thành với Bản Hiến pháp và cho rằng tỷ lệ biểu quyết thông qua cao tới xấp xỉ 98% là 'khách quan'.

"Xưa nay những ý nguyện, những vấn đề lớn ở trong toàn dân như thế này, trong tình hình như thế này, thì sự đồng thuận với tỷ lệ cao như thế, cũng là phản ánh khách quan về cách suy nghĩ ở trong Quốc hội và của các Đại biểu Quốc hội," ông nói với BBC./