Vài nét về đêm "Một thoáng hương xưa" ở Viện Việt Học

14 Tháng Tám 20186:54 CH(Xem: 11887)

VĂN HÓA ONLINE - CỘNG ĐỒNG XÃ HỘI - THỨ TƯ 15 AUG 2018


Vài nét về đêm "Một thoáng hương xưa" ở Viện Việt Học

image001

Lý Kiến Trúc


VĂN HÓA

15/8/2018


I. Vài nét


Nhân dịp ca nhạc sĩ Hồng Tước mời người viết đến thưởng thức hai buổi văn nghệ ở Viện Việt Học (hiện do cô Kim Ngân làm Giám đốc điều hành), buổi trình diễn lần đầu mang chủ đề "Đêm nhạc Thanh Trang", lần hai mang chủ đề "Một thoáng hương xưa". Đối với tác giả bài này, có lẽ "Một thoáng hương xưa" là buổi văn nghệ gây ấn tượng âm nhạc mang nhiều vẻ đẹp khác nhau.


Về tiết mục, 20 ca khúc được chọn lọc từ các nhạc sĩ sáng tác tên tuổi đã đi vào lịch sử âm nhạc miền Nam Việt Nam.


Về các ca sĩ trình diễn, ngoài ban Hương Xưa với các cựu nữ sinh trường Trung học Trưng Vương Sàigon, còn có đóng góp của nhiều tiếng hát được ưa chuộng và quen thuộc trong cộng đồng.


Về thiết kế dàn dựng sân khấu, các nhạc sĩ piano, guitar, keyboard, violon phối hợp rất bài bản. Đặc biệt tiết mục song tấu của hai nhạc sĩ trường phái cổ điển Violin với Đặng Kính, Piano với Cúc Phương, trình diễn một nhạc phẩm của nhạc sĩ lừng danh người Ý Niccolô Paganini (1782-1840) - được Cúc Phương viết lại, đã tạo nên bầu không khí nghệ thuật hiếm thấy trong không gian sinh hoạt văn nghệ ở Quận Cam. Có lẽ đây là sự xuất hiện lần đầu của Cúc Phương và Đặng Kính.


Về phong cách trình diễn của các ca nhạc sĩ, mỗi người một vẻ, có mục lắng sâu, có mục duyên dáng lôi cuốn.


Hồng Tước được mọi người xem là người điều hợp chương trình. Cô là người có tâm hồn nghệ sĩ gắn bó với âm nhạc Việt Nam khá dài. Cô còn là một nhạc sĩ sáng tác, một tiếng hát truyền cảm. Trong "Một thoáng hương xưa", Hồng Tước đã hát  một ca khúc phổ nhạc từ thơ của Nguyễn Tùng. Nhưng Hồng Tước không lấy sân khấu làm kế sinh nhai mà lấy văn nghệ làm niềm vui cho cuộc đời, cho cộng đồng xã hội. Một bông hồng "vị nghệ thuật" cho Hồng Tước.


"Nhạc Vàng" với những tiếng hát cung đàn năm xưa khi "di tản" ra hải ngoại, năm nay, hải ngoại thương ca không chỉ còn là dư âm vấn vương, mà được những tâm hồn yêu thương văn nghệ phục sinh để trở thành hơi thở của người Việt, gia tài của nước Việt. Âm nhạc không phải là "đồ chơi của bọn tục" mua vui, cũng không phải của bọn giai cấp đặc quyền ban phát.


Có thể như vậy, vì "Nhạc Vàng" là niềm vui, niềm an ủi, niềm mơ ước của tập thể cộng đồng người Việt tị nạn lưu vong nới xứ lạ quê người. Có quá lắm không khi nói rằng âm nhạc mang lại lẽ sống, niềm hy vọng, và nhất là hàng ngàn ca khúc "Nhạc vàng" của hàng trăm nhạc sĩ miền Nam Việt Nam trước năm 1975, mang về cho Việt Nam một kho tàng âm nhạc vô giá.


Dẫn chương trình "Một thoáng hương xưa", có hai MC khả ái: Thiên Hương và Vũ Mai Khanh cựu nữ sinh Trưng Vương. Thông thường, trong bất kỳ một chương trình văn nghệ nào, người dẫn trở nên "nhân vật" quan trọng. Người này có thể làm hỏng việc hay nâng chương trình lên cao, bay bổng. Phần lớn sự thành công của buổi văn nghệ, sự chinh phục khán thính giả lệ thuộc vào MC. Hai MC Thiên Hương và Vũ Mai Khanh biết nói những điều cần nói. Không thừa không thiếu. 


Riêng Thiên Hương không phải là MC chuyên nghiệp, nghề chính của cô là Bác sĩ Nhãn khoa, lý tưởng của cô là "Cánh chim đầu đàn" phong trào Du ca nam California. Trong đêm "Một thoáng hương xưa", Thiên Hương nhận lời làm MC là một tao ngộ lý thú giữa khán giả và tình ca.


Ai cũng nghĩ Thiên Hương chỉ là tiếng hát du ca, do cô nhiều lần tổ chức Du ca ở Quận Cam và mới đây ở San Diego. Nhưng với hai ca khúc "Tóc mây" sáng tác của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (*), và "Bên bờ đại dương" lời Hồ Đình Phương nhạc Hoàng Trọng, Thiên Hương thể hiện tình ca khá bất ngờ. Tình ca ẩn náu trong du ca.


Tạm thay lời kết: Tác giả bài viết ước mong Hồng Tước, Thiên Hương, Vũ Mai Khanh và các ca nhạc sĩ trình diễn, hãy đến với tâm hồn âm nhạc cộng đồng phong phú hơn nữa./


Lý Kiến Trúc


(*) Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ nổi tiếng trong nền ca nhạc miền Nam Việt Nam trước năm 1975 với nhiều tác phẩm tình ca ca ngợi con người và quê hương, ví dụ như ,"Hoa vẫn nở trên đường quê hương", "Tóc mây", "Bông hồng cài áo" lấy ý từ thơ Thiền sư Thích Nhất Hạnh.


II. Chương trình "Một thoáng hương xưa" và hình ảnh các ca nhạc sĩ


image003image005

Ban Hương Xưa, từ trái: Hồng Tước, Vũ Khiêm, Mai Phương, Vương Lan.


image007

Ca nhạc sĩ Hồng Tước.


image009

MC Vũ Mai Khanh


image011

MC Thiên Hương.


image013

Trần Ngọc, Mai Phương, Vũ Khiêm, Thiên Hương, Phương Thảo.


image015

Trần Ngọc với ca khúc Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy, Guitar: Phương Thảo, Keyboard: Tô Minh Hùng.


image017

Minh Ngân.


image019

Nhóm ca Trưng Vương: Vũ Khiêm, Mai Phương, Hồng Tước và Vũ Mai Khanh.


image021

Kiều Loan.


image023

Cúc Phương và Vương Lan


image025

Nhóm Hương Xưa và Nhạc sĩ Piano Cúc Phương cầm hoa.


image027

Thiên Nga và Phương Thảo.


image029

Nhóm Hương Xưa và ca khúc Thu Vàng của Cung Tiến. Piano: Cúc Phương.


image031

Thu Vân, Hồng Tước, Kim Thanh, Diễm Khanh.


image033

Song tấu Piano: Cúc phương, Violin: Đặng Kính.


image036

Pianist Cúc phương và Violist Đặng Kính


image037

Ca sĩ Diệu Trang, một thành viên trong Viện Việt Học.


image039

Kim Ngân, Giám đốc điều hành Viện Việt Học.


III. Vài hàng về tiếng dương cầm


Nguyễn Ánh 9, Pianist tuyệt diệu của "Nhạc Vàng"


Nói đến Dương cầm không thể không nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Người nhạc sĩ tài hoa này dù đã thực hiện các album độc tấu piano những bản tình ca bất hủ của các nhạc sĩ miền Nam Việt Nam trước năm 1975, nhưng con người và nghệ thuật sáng tạo bay trên phím đàn của ông có mãnh lực thu hút những bàn tay piano khác, nhất là các Pianist Việt Nam.


Nguyễn Ánh 9 còn là một nhạc sĩ sáng tác ca khúc. Một trong những ca khúc của ông mà người viết bài này rung động là bài "Lặng lẽ tiếng Dương cầm" viết sau năm 1975.


Tiếng Dương cầm của Nguyễn Ánh 9 góp công rất lớn trong nghệ thuật hòa âm phối khí giữa piano và ca khúc vốn chỉ sáng tác cho các ca sĩ trình diễn trong các ban nhạc phần lớn là violon, guitar, kèn ,sáo, trống, keyboard.


Nói một cách đơn giản, dưới bàn tay tài hoa và hòa âm điêu luyện của Nguyễn Ánh 9, ông đã phong phú hóa những giai điệu giản đơn của ca khúc trở thành các nhạc khúc phức hợp đa chiều, ngập tràn âm sắc quyến rũ. Nó nâng tiếng hát của ca sĩ bay cao, bay xa. 


Đặc biệt, mỗi khi Nguyễn Ánh 9 đệm dương cầm cho bất kỳ ca sĩ nào hát "Nhạc vàng", ca khúc đó trở nên một khúc ca (chansons), một nhạc khúc (prelude) riêng. Với tiết tấu hòa âm lạ lùng bay bướm của Nguyễn Ánh 9, người ca sĩ không còn nghĩ mình đang đứng ở sân khấu "phòng trà" hay "phong trào văn nghệ quần chúng", mà họ đang miên man chảy trong dàn nhạc "Orchestra". Ca khúc giản đơn biến thành một "Concerto piano".


Các nhạc sĩ tác giả sáng tác ca khúc đôi khi cũng khó tưởng tượng ca khúc của mình được Pianist nâng lên tuyệt diệu và bao la như vậy. Ví dụ như những ca khúc tiền chiến của Phạm Duy sáng tác từ cây lục huyền cầm, ví dụ như ca khúc da vàng, tình ca Trịnh Công Sơn sáng tác từ cây tây ban cầm mộc mạc, v,v... nhưng khi những ca khúc giản đơn đó dưới bàn tay ma thuật của Pianist, nó sẽ khác, khác rất nhiều.


Nói nhiều về "Nhạc vàng", tất nhiên không loại trừ các tình khúc lãng mạn mượt mà của các nhạc sĩ sáng tác miền Bắc hiện nay, (trong không gian âm nhạc cấm tuyệt việc kỳ thị). Ví dụ như ca khúc"Em ơi Hà nội Phố" thơ Phan Vũ, nhạc Phú Quang, ví dụ như Giấc mơ có thật (Album Lệ Quyên, một ca sĩ sinh năm 1981), v,v ..., với tiếng dương cầm hòa âm phối khí mang hơi hướng phong cách cổ điển , bán cổ điển tây phương, ca khúc Việt trở nên đẹp lạ lùng.


Trước đây, Nhạc viện Hà Nội và các nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn gốc miền Bắc, đa số đều tốt nghiệp ở các nhạc viện cổ điển bên Nga, Tiệp Khắc hay Ba Lan, v.v... cho nên không lấy làm ngạc nhiên khi các nghệ sĩ miền Băc rất giỏi về nhạc cổ điển Âu châu. Sở trường của họ thường là piano và violon.


Phong trào ca - nhạc Bolero là thể loại "nhạc vàng sên sến" của các nhạc sĩ miền Nam Việt Nam trước năm 1975 bỗng trở nên "thần tượng Bolero".  Bolero là hiện tượng dồn dập từ đầu phố đến cuối ngõ, có người ví nó tràn lan như bệnh dịch. Tuy nhiên, qua Bolero cho thấy hàng ngàn ca khúc Bolero phát xuất từ tâm tư hàng chục triệu con người bình dân (dù nó có sên sến đi nữa), Bolero bao giờ cũng "thắng" trước các đối thủ kinh diển, hàn lâm hay sang trọng.


Gần đây ở hải ngoại, trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt thường diễn ra các chương trình văn nghệ ca ngợi "Nhạc Vàng" sáng tác trước năm 1975. Ngoài ban nhạc gồm Guitar, Keyboard, Saxo, Violon, Drum, thỉnh thoảng có thêm bóng dáng của tiếng Dương cầm.


Riêng ở Quận Cam, khán giả được nghe và chiêm ngưỡng bàn tay bay lượn của các Pianist tiêu biểu như Bằng Lăng, Mỹ Lệ, Phương Lan, Cúc Phương, Vương Hương, v,v... tiếng đàn piano của các nhạc sĩ này làm khán giả say sưa mê hoặc.


Nhạc sĩ dương cầm Việt ở hải ngoại tương đối hiếm. Piano vốn là của quý (khá đắt tiền, học cũng khó) dành cho "giai cấp" trung lưu thượng lưu hoặc gia đình có truyền thống âm nhạc, nhưng nay với tình cảm lưu vong viễn xứ canh cánh bên lòng, con tim người nghệ sĩ piano kinh điển, cổ điển, tìm lối về nguồn, nguồn âm nhạc Việt Nam. Âm nhạc là "Con đường xưa em đi" ngắn nhất, đẹp nhất, lại phi chính trị nhất.


Người nhạc sĩ piano đến với ca khúc Việt trong trạng thái tâm lý đầy ắp hồn nhạc cổ điển Tây phương. Có thể là khó khăn trong việc viết hòa âm piano cho ca khúc Việt. Pianist cổ điển có cảm nhận được ca khúc Việt không? Tôi biết có vị Pianist cổ điển lừng danh "chê" sáng tác Việt nghèo nàn về ca từ lẫn tiết tấu. 


Nhưng nếu bớt đi cái tâm hồn phương Tây để trở lại với con tim phương Đông thì đó chính là cái vốn liếng giầu có không ai dễ gì có, làm giầu cho của cải âm nhạc phương đông. Của cải ca khúc của miền Nam Việt Nam gọi là "Nhạc vàng" đã bị "chôn vùi lấp liếm" một cách đau khổ sau năm 1975 (1). Bây giờ thì khác và khá hơn nhiều. Tất nhiên, trong ban tạp lục Tùng lâm có không ít có các ca khúc vàng vọt ủy mị, trình độ ca từ lẫn giai điệu nghèo nàn cần phải loại bỏ.  


Những bản tình ca xưa cũ của miền Nam Vịệt Nam đẹp từ ca từ đến giai điệu trữ tình, tuy giản đơn mộc mạc, nhưng là tiếng sét âm thanh húc vào tiếng lòng "cổ điển" của các nhạc sĩ piano Việt, khiến họ đặt bút viết hòa âm cho các ca khúc mộc mạc này, (tuy đã có một số ca khúc Việt viết theo thể loại cổ điển, nhưng so với các dạ khúc, dạo khúc ngắn của phương Tây ví dụ như những Sonata, Serenade hay Serenata (2), như Eve Maria, hay như những Chansons piano, các ca khúc cổ điển Việt cố gắng tìm cách vượt qua nhưng chưa chiếm được ngôi vị quốc tế).


Với nghệ thuật sáng tạo hòa âm giữa piano và ca khúc Việt hiện nay của các nhạc sĩ piano trong nước lẫn hải ngoại, tiếng dương cầm đã tạo nên làn hơi thở âm nhạc mang dáng vẻ mới, rất hấp dẫn đối với khán thính giả càng ngày càng đòi hỏi tính thẩm mỹ âm nhạc cao.


 Người viết bài này ước mong các nhạc sĩ Việt chơi piano cổ điển, có tay nghề vững chãi dòng nhạc cổ điển, bán cổ điển, hãy góp một bàn tay tài hoa viết ra các tuyển tập "Piano hòa âm ca khúc Việt". Được như vậy, người nghệ sĩ piano đã khai phóng và đóng góp vào kho tàng âm nhạc vô giá của ca khúc Việt. Nó không dừng lại ở cấp số bình dân mà sẽ vươn lên hàng nghệ thuật hàn lâm nền âm nhạc Việt Nam./ (lý kiến trúc)


(1) Nếu quí vị chú ý, xuất hiện trên YOUTUBE ca nhạc, các ca khúc xưa cũ sáng tác trước năm 1975 của các các nhạc sĩ miền Nam, đại đa số đều không đề tên tác giả sáng tác, chỉ có tên ca sĩ, đôi khi lời ca khúc còn bị sáng chế sai nguyên bản. Không hiểu tại sao???


(2) Đây là tuyển tập bài hát được sưu tầm sau khi tác giả Schubert qua đời, trong danh sách tác phẩm của nhà soạn nhạc nó có số thứ tự D 957. Franz Liszt là người sau này đã chuyển thể các tác phẩm trong tập Schwanengesang cho độc tấu piano. wikipedia.   


NGHE THÊM:


https://www.nhaccuatui.com/playlist/nhac-tinh-muon-thuo-nguyen-anh-9.KKODazKWLXLN.html

- https://www.youtube.com/watch?v=AzWDs26YL9Y

17 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8061)
30 Tháng Mười Một 2019(Xem: 10007)
23 Tháng Mười Một 2019(Xem: 8572)