VĂN HÓA ONLINE - CỘNG ĐỒNG - THỨ SÁU 15 NOV 2019
Bình Định: Nghèo kiết xác bày đặt làm phù điêu núi 86 tỷ
Nhiều câu hỏi cần được giải đáp thỏa đáng trước khi quyết định thi công
NDĐT - Những ngày gần đây, một vấn đề đang gây xôn xao dư luận là sự kiện cụm phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ sẽ được tạc vào vách núi Bà Hỏa - TP Quy Nhơn (Bình Định). Khá nhiều ý kiến của người dân về công trình rất cần lãnh đạo tỉnh Bình Định lắng nghe, tiếp thu, trước khi quyết định thi công.
Phối cảnh công trình cụm phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”.
Một cụm phù điêu “khủng”
Theo UBND tỉnh Bình Định, chủ đề của cụm phù điêu là “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”. Việc tạc phù điêu này vào vách núi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tỉnh ủy Bình Định có chủ trương và đồng thuận.
Theo đó, vị trí cụm phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ…” dự kiến tạc vào vách núi là đoạn giữa ngã 5 đường Trần Hưng Đạo giao với đường Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành dẫn vào trung tâm TP Quy Nhơn. Đơn vị thi công sẽ cắt vào sâu trong núi từ 20 đến 25 m tạo mặt phẳng đứng để tạc phù điêu trực tiếp vào vách núi, phần mặt phẳng nằm làm quảng trường nhỏ, sinh hoạt cộng đồng. Tổng chiều dài của phù điêu là 81,5 m, vị trí cao nhất là 35 m, hệ thống sân vườn, cảnh quan kiến trúc phụ trợ rộng 3.000 m2…
Cụ thể, cụm phù điêu sẽ được khắc họa theo ba lớp. Trong đó, lớp thứ nhất nằm chính giữa, chiếm ½ chiều cao của bức phù điêu là hình tượng cha Rồng - mẹ Tiên, cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ khoác áo choàng, đầu đội mũ lông chim. Sau lưng, dưới chân là những lớp mây gợi lại huyền sử lung linh về dòng dõi Rồng Tiên của cư dân Lạc Việt. Lớp thứ 2, thể hiện 18 nhân vật nam, tượng trưng cho 18 đời Hùng Vương với dáng đứng uy nghi, hai tay chắp ngang ngực, cung kính lắng nghe lời căn dặn của cha mẹ.
Lớp thứ 3, thể hiện các nhân vật, đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc khắc họa một người nam và một người nữ cùng với trang phục truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc, nắm chặt tay nhau thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Phía trước bức phù điêu là quảng trường được lát đá trồng hoa cây xanh, tạo nơi sinh hoạt cộng đồng và không gian để người dân có thể chiêm ngưỡng.
Cũng theo UBND tỉnh, công trình phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ” có tổng mức đầu tư hơn 86 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách do tỉnh quản lý là hơn 34 tỷ đồng và kêu gọi tài trợ xã hội hóa, các nguồn huy động hợp pháp khác là hơn 51 tỷ đồng.
Nhiều câu hỏi cần giải đáp
Theo UBND tỉnh Bình Định, mục đích của công trình phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ là nhằm góp phần tác động đến nhận thức, giáo dục truyền thống lịch sử, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, đồng thời làm tăng giá trị không gian văn hóa lịch sử, kiến trúc cảnh quan đô thị, quảng bá, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế…(!?) Quả là những mục đích, ý nghĩa to tát!? Tuy nhiên, những ngày qua dư luận đã có những phản ứng chung quanh dự án, trong đó có ý kiến của các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh Bình Định và ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Có khá nhiều câu hỏi đặt ra đối với dự án cần được làm rõ.
Trước hết, vì sao tỉnh Bình Định lại chọn chủ đề của cụm phù điêu là “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”? Sao đó không phải là chủ đề có tính riêng biệt, độc đáo của Bình Định, như: Quang Trung - Nguyễn Huệ; các văn thần, võ tướng Nhà Tây Sơn; Phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn; về nơi phôi thai chữ Quốc ngữ? về “cái nôi” của Phong trào Thơ Mới; về một miền “Đất Võ - Trời Văn”...? Mặt khác, chủ đề phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ” sao không thực hiện ở Phú Thọ hay Hà Nội, mà lại “mang” vào Bình Định?
Theo UBND tỉnh Bình Định, cụm phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ” sẽ là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc “được thể hiện bằng chất liệu đá tự nhiên vốn có với quy mô và hình thức nghệ thuật hoành tráng”. Đồng thời, cụm phù điêu này sẽ được tạc trực tiếp vào vách đá núi Bà Hỏa (!?).
Về chất liệu và giải pháp thi công, theo UBND tỉnh Bình Định, cụm phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ” sẽ được thực hiện bằng chất liệu đá tự nhiên, với giải pháp tạc trực tiếp vào vách đá núi Bà Hỏa (!?)
Đây là điều khiến nhiều người lo ngại. Bởi lẽ, qua quá trình khoan thăm dò, các chuyên gia xác định: Núi Bà Hỏa có nền địa chất gồm đá núi lửa rhyolite, đá cao oxit silic (Si02) tương đối bền với thời gian nhưng dễ nứt nẻ. Loại đá thứ hai là đá trầm tích (loại cát kết, cuội kết), độ ổn định kém. Đây sẽ là khó khăn, thách thức đối với những người thi công, nhất là khả năng xảy ra tình trạng sứt mẻ, vỡ bể khi đục, đẽo, tạc phù điêu. Thậm chí, về lâu dài, qua thời gian mưa, bão, xảy ra trường hợp có đới đứt gãy chạy qua, đá trầm tích rất dễ bị sạt lở và sẽ tác động không nhỏ đến tuổi thọ công trình. Nếu chỉ qua 10 đến 15 năm, hoặc vài ba năm mà công trình đã xuống cấp, sạt lở, hư hỏng thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Theo UBND tỉnh Bình Định, công trình cụm phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ” sẽ được thi công tại vách núi Bà Hỏa gần ngã 5 đường Trần Hưng Đạo - Võ Nguyên Giáp - Đống Đa - Nguyễn Tất Thành. Thật khó hiểu khi tỉnh Bình Định chọn vị trí này để xây dựng công trình cụm phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ”. Bởi lẽ, đây là nút giao nhau của năm tuyến phố có mật độ dân cư, du khách qua lại đông đúc với hàng nghìn lượt mỗi ngày. Vì vậy, không ít người lo ngại nếu thực hiện công trình cụm phù điêu tại đây sẽ là "cái bẫy” gây ra những vụ tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó là vấn đề tầm nhìn. Theo đó, với quy mô rộng 3.000 m3, dài 81,5 m, cao 35 m, muốn chiêm ngưỡng trọn vẹn công trình cần có một khoảng lùi nhất định và một vị trí tầm nhìn tối thiểu. Tiếc rằng, vị trí của cụm phù điêu quá rộng, trong khi tầm nhìn quá hạn hẹp, thậm chí bị che khuất tầm nhìn.
Vì vậy, theo chúng tôi, nếu thi công cụm phù điêu tại vị trí nói trên cần phải quy hoạch cơ sở hạ tầng, giao thông tại khu vực ngã 6. Theo đó, cần xây dựng ở đây một cây cầu vượt và vòng xuyến giao thông. Đoạn giao nhau giữa đường Trần Hưng Đạo - Đống Đa cần được phải mở rộng (ít nhất 40 m), nhằm mở rộng không gian, tầm nhìn… Đồng thời, khu quảng trường trước cụm phù điêu cần được mở rộng và không đặt sát đường vì rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Một điều được nhiều người quan tâm là vấn đề kinh phí của công trình cụm phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ”? Nguồn kinh phí công trình sẽ được thực hiện theo cơ chế nào? Tiếc rằng, trong khi vấn đề này chưa được làm rõ thì thông tin về dự án đã được công bố và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, báo chí (?).
Mãi đến gần giữa tháng 9-2019, UBND tỉnh Bình Định mới “tiết lộ” con số 86 tỷ đồng tổng mức đầu tư công trình, trong đó nguồn ngân sách do tỉnh quản lý là hơn 34 tỷ đồng và kêu gọi tài trợ xã hội hóa, các nguồn huy động hợp pháp khác là hơn 51 tỷ đồng (?). Điều đáng tiếc hơn, cho đến chiều 13-9, ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định vẫn khẳng định với báo chí rằng: UBND tỉnh chưa trình dự án cụ thể (chưa rõ về tổng vốn đầu tư, tiến độ, quy mô dự án) về bức phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ” cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy (?).
Không chỉ có vậy, điều làm người dân bức xúc chính là việc sử dụng một nguồn kinh phí lớn để xây dựng cụm phù điêu, trong khi Bình Định là tỉnh còn nhiều khó khăn (xếp thứ 12 trong số những tỉnh nghèo của cả nước).
Còn khá nhiều câu hỏi mà cán bộ, nhân dân đặt ra đối với lãnh đạo tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, vì khuôn khổ bài viết có hạn nên chúng tôi chỉ xin đề cập đến một số vấn đề cốt lõi. Thiết nghĩ, những câu hỏi trên rất cần được lãnh đạo tỉnh Bình Định tiếp thu và có lời giải đáp thỏa đáng. Đồng thời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần cân nhắc thận trọng, trước khi quyết định thi công công trình cụm phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ”.
Theo ông Đào Quý Tiêu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Bình Định: “Trước mắt, tỉnh nên ưu tiên tất cả các không gian, diện tích để giải quyết, chống ùn tắc giao thông trước đã. Đây không chỉ là nhiệm vụ trước mắt, mà còn lâu dài 10 năm, 20 năm. Bởi, vị trí đặt bức phù điêu nằm ngay nút “cổ chai” về giao thông ra vào TP Quy Nhơn. Thế nên, cần ưu tiên gỡ nút thắt giao thông để tránh sau này trở nên hỗn loạn, bế tắc, kìm hãm phát triển. Ngoài ra, tỉnh cũng nên xem xét xây dựng ở đây một công trình cô đọng hơn, tránh rườm rà chi tiết, rối mắt người tham gia giao thông.
Chúng tôi cũng đồng tình với ý kiến của đồng chí Vũ Hoàng Hà, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, rằng: “Công trình phù điêu tạc vào vách núi cần lấy ý kiến rộng rãi từ người dân chứ không làm theo kiểu tư duy nhiệm kỳ. Cần thiết triển lãm các phương án để người dân xem, khi đã được nhân dân đồng thuận thì thực hiện… Cần phải thẳng thắn đặt vấn đề, ý tưởng tạc phù điêu chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ” có nhiều ý kiến chưa đồng thuận. Vậy nên giữ ý tưởng này hay làm chủ đề khác? Trước khi thực hiện cần có sự thống nhất và lắng nghe ý kiến của các nhà sử học, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…”. (Thứ Tư, 25/09/2019)
VIẾT HIỀN - CÁT HÙNG