Tôn giáo: Mỹ đưa VN vào 'Danh sách Theo dõi Đặc biệt'

04 Tháng Mười Hai 20226:09 SA(Xem: 2668)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 4 – CHỦ NHẬT DEC 04, 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com

image003

Dưới đây là bản tin của BBC ngày 04/12/2022


Mỹ đưa Việt Nam vào 'Danh sách Theo dõi Đặc biệt' vì 'vi phạm nghiêm trọng' tự do tôn giáo


image005Nguồn hình ảnh, Getty Images. Các tăng sĩ Phật giáo. Hình ảnh không chỉ rõ các tăng sĩ này thuộc giáo hội Phật giáo nào.


Thông cáo ngày 02/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa Việt Nam vào 'Danh sách Theo dõi Đặc biệt' về quyền tự do tôn giáo


Ngay phần đầu của thông cáo ngày 02/12, Hoa Kỳ khẳng định những vi phạm quyền tự do tôn giáo đang gieo rắc sự chia rẽ, xói mòn an ninh kinh tế và đe dọa đến sự ổn định chính trị và nền hòa bình toàn cầu.


Cụ thể, trong thông cáo ngày 02/12/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố đưa Việt Nam vào 'Danh sách Theo dõi Đặc biệt' (Special Watch List). 


"Hôm nay tôi đưa Algeria, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam vào 'Danh sách Theo dõi Đặc biệt' vì có tham gia hoặc chấp nhận những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo."


Với các vi phạm nghiêm trọng hơn thì các nước bị Mỹ đưa vào Danh sách Quan ngại Đặc biệt (Countries of Particular Concern) gồm Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Iran, Nicaragua, Bắc Hàn, Pakistan, Nga, Saudi Arabia, Tajikistan và Turkmenistan.


Hiện Việt Nam chưa đưa ra phản hồi chính thức về thông cáo này của chính phủ Mỹ. Trước đó, Việt Nam luôn khẳng định tự do tôn giáo là "sự thật không thể xuyên tạc".


Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có ba nội dung quan trọng liên quan đến quyền tự do tôn giáo:


  • Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
  • Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
  • Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.


Tuy nhiên, vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam hiện vẫn đáng lo ngại trong hồ sơ của các tổ chức nhân quyền quốc tế.


Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế Việt Nam 2021 của Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam sách nhiễu, hành hung, bắt người, truy tố, theo dõi, từ chối hoặc không trả lời yêu cầu đăng ký và các yêu cầu xin phép khác của các tổ chức tôn giáo độc lập.


Gần đây nhất, ông Phan Văn Thu, tù nhân tôn giáo, người sáng lập Ân Đàn Đại Đạo - một tổ chức Phật giáo độc lập được chính quyền miền Nam Cộng hòa công nhận trước năm 1975 - vừa qua đời trong trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, được cho là do một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.


Năm 2022 có thể thấy nổi bật nhất là việc giới chức Việt Nam bắt giữ và xét xử bốn người của Tịnh Thất Bồng Lai - một tổ chức tôn giáo độc lập ở Long An.


Kết quả, tòa đã y án đối với ông Lê Tùng Vân 5 năm tù và năm bị cáo còn lại, mỗi người từ 3 đến 5 năm tù.


Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã đưa ông Lê Tùng Vân và năm bị cáo khác vào Freedom of Religion or Belief Victims List (Danh sách Nạn nhân Tự do Tôn giáo và Niềm tin) toàn cầu.


Có tự do tôn giáo qua phiên phúc thẩm vụ Tịnh Thất Bồng Lai?


image007Nguồn hình ảnh, HOÀNG NGUYÊN. Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết sau phiên tòa phúc thẩm thì các thân chủ của ông đang cân nhắc khiếu nại, yêu cầu xét xử giám đốc thẩm vụ án


Ngay sau phiên xử phúc thẩm vụ Tịnh Thất Bồng Lai vào ngày 02 - 03/11 vừa qua ở Long An, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với BBC News Tiếng Việt:


"Trong phiên tòa ngày 02 và 03/11/2022, thì chiều ngày 02/11/2022, khi tự bào chữa, ông Lê Thanh Hoàn Nguyên có cho rằng quyền tự do tôn giáo của ông ấy không được tôn trọng."


"Tôi nghĩ, nguyên nhân từ việc ông ấy và các thành viên của Thiền Am vốn là những người tu hành tại gia theo cách mà họ cảm nhận về đức Phật, họ không theo đạo Phật và cũng không gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng lại bị bên bị hại là ông Trần Ngọc Thảo, pháp danh là Thích Nhật Từ tố cáo rằng họ giả tu, giả chùa, giả sư nên bức xúc phát ngôn như thế."


Về việc chủ tọa Hội đồng xét xử (HĐXX) liên tục ngắt lời và cắt cử công an đứng xung quanh các bị cáo khi nói lời sau cùng, Luật sư Mạnh cho rằng quyền của các bị cáo đã không được bảo đảm.


"Căn cứ theo quy định tố tụng hình sự, trong phần tranh luận, khi đối đáp thì các bị cáo được tham gia. Tuy nhiên, trong phiên tòa vào chiều ngày 03/11, vị chủ tọa tuyên bố cắt phần này, cho nên, cả năm luật sư đều đứng dậy đề nghị HĐXX tôn trọng quyền đối đáp của các bị cáo do luật pháp quy định.


"Theo đó, năm luật sư đều không có ý chống lại quyết định của chủ tọa mà chỉ đang bảo vệ quy định luật pháp và quyền của thân chủ mình mà thôi. Sau đó, đến phần nói lời sau cùng thì chủ tọa phiên tòa liên tục cắt lời của bị cáo và yêu cầu họ chỉ được nói theo gợi ý của chủ tọa. Điều này, rất tiếc, lần nữa, quyền của các bị cáo lại không được bảo đảm."


Trả lời BBC News Tiếng Việt, liệu phiên phúc thẩm vừa qua có phải là một ví dụ về phiên tòa bỏ túi ở Việt Nam hay không, Luật sư Mạnh nhận định:


"Tôi không rõ đây có phải là phiên tòa bỏ túi hay không. Nhưng cân nhắc về thời gian nghị án và thời gian tuyên bản án rất dài như vậy, dễ làm cho người theo dõi phiên tòa cho rằng đây là một phiên tòa bỏ túi."


Ông Mạnh cũng cho biết sau phiên phúc thẩm thì các thân chủ của ông đang cân nhắc khiếu nại, yêu cầu xét xử giám đốc thẩm vụ án.


"Đối với tội danh mà tòa án đã xét xử theo điều 331 Bộ luật Hình sự (BLHS), thì thân chủ chúng tôi đang cân nhắc về việc khiếu nại, yêu cầu xét xử giám đốc thẩm vụ án."


"Thậm chí, tái thẩm vì các chứng cứ mà luật sư nộp bổ sung trong phiên tòa phúc thẩm đã chưa được xem xét. Đồng thời, với tội danh theo điều 174 BLHS về 'Lừa đảo', thì chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị để tham gia vào quá trình điều tra vụ án."


'Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội'


image009Nguồn hình ảnh, THÔNG TIN CHÍNH PHỦ. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 9, nhiệm kỳ 2022 - 2027


Ngày 29/11, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định:


"Phật giáo có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc “Hộ Quốc, an Dân”; nhiều nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc mà tên tuổi, sự nghiệp gắn liền với đạo Phật. Trong những năm qua, với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.


Phát biểu tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 9 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bế mạc ngày 29/11, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói về tự do tôn giáo như sau:


“Bên cạnh đó, trong những năm qua, hoạt động đối ngoại của Phật giáo ngày càng được mở rộng, đa dạng từ tham gia các tổ chức quốc tế, tới phát triển các Hội Phật tử người Việt nam ở nước ngoài, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của bà con Việt kiều, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại tôn giáo và đấu tranh nhân quyền, khẳng định tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.


Ông Phúc cũng nhấn mạnh lại đường hướng hành đạo là "Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội" và vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.


"Với đường hướng hành đạo là 'Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội', Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiếp nối dòng chảy truyền thống, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa đạo pháp và dân tộc."


"Giáo hội luôn là tổ chức thành viên tin cậy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng, xứng đáng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực trên tất cả lĩnh vực kinh tế – xã hội, chung sức, đồng lòng cùng toàn dân xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân ngày càng có cuộc sống yên vui, hạnh phúc."


Trong một bài viết trên BBC News Tiếng Việt vào tháng Hai năm nay, Tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm nêu nhận định của ông về 'Mẫu số chung giữa số phận Cộng sản và số đông tín đồ Phật giáo' ở Việt Nam như sau:


"Về mặt quốc gia thì sự xuống cấp ở chất lượng con người, ít nhất là về bình diện đạo đức công dân, đang tạo ra khủng hoảng chính trị lớn cho Đảng cầm quyền. Như cuối thời nhà Lý và Trần gần ngàn năm trước, Phật Giáo Việt Nam đang đi vào khủng hoảng song song với sự suy thoái đạo đức chính trị của hệ thống cầm quyền.


Sự suy tàn của Phật giáo, theo đánh giá của tôi, đang đi song hành với sự suy đồi của đế chế Cộng sản của ngày hôm nay."


++++++++++++++++++++++++++++

image011

Religious Freedom Designations


Press Statement


Antony J. Blinken, Secretary of State


December 2, 2022


Around the world, governments and non-state actors harass, threaten, jail, and even kill individuals on account of their beliefs.  In some instances, they stifle individuals’ freedom of religion or belief to exploit opportunities for political gain.  These actions sow division, undermine economic security, and threaten political stability and peace.  The United States will not stand by in the face of these abuses.


Today, I am announcing designations against Burma, the People’s Republic of China, Cuba, Eritrea, Iran, Nicaragua, the DPRK, Pakistan, Russia, Saudi Arabia, Tajikistan, and Turkmenistan as Countries of Particular Concern under the International Religious Freedom Act of 1998 for having engaged in or tolerated particularly severe violations of religious freedom.  I am also placing Algeria, the Central African Republic, Comoros, and Vietnam on the Special Watch List for engaging in or tolerating severe violations of religious freedom.  Finally, I am designating al-Shabab, Boko Haram, Hayat Tahrir al-Sham, the Houthis, ISIS-Greater Sahara, ISIS-West Africa, Jama’at Nusrat al-Islam wal-Muslimin, the Taliban, and the Wagner Group based on its actions in the Central African Republic as Entities of Particular Concern.


Our announcement of these designations is in keeping with our values and interests to protect national security and to advance human rights around the globe.  Countries that effectively safeguard this and other human rights are more peaceful, stable, prosperous and more reliable partners of the United States than those that do not.


We will continue to carefully monitor the status of freedom of religion or belief in every country around the world and advocate for those facing religious persecution or discrimination.  We will also regularly engage countries about our concerns regarding limitations on freedom of religion or belief, regardless of whether those countries have been designated.  We welcome the opportunity to meet with all governments to address laws and practices that do not meet international standards and commitments, and to outline concrete steps in a pathway to removal from these lists.


+++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:

10 điểm ghi nhận & đề nghị qua việc Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đến chùa Từ Hiếu

14 Tháng Mười 20228:39 SA(Xem: 1004)

VĂN HÓA ONLINE – ĐIỂM NÓNG A – THỨ SÁU 14 OCT 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


10 điểm ghi nhận & đề nghị qua việc Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đến chùa Từ Hiếu


image012Phái đoàn Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Office of International Religious Freedom, U.S. Department of State) đến thăm chư tôn đức trong Hội Đồng Giáo Phẩm Trung ương GHPGVNTN tại chùa Từ Hiếu. Nguồn: chùa Từ Hiếu.

image014

Lý Kiến Trúc

VĂN HÓA ONLINE

14/10/2022


Ngày 29 tháng 9 năm 2022, vào lúc 10 giờ, phái đoàn Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Office of International Religious Freedom, U.S. Department of State) đã đến thăm chư Tôn Đức tại chùa Từ Hiếu ngụ tại số 59 Lô D, Dương Bá Trạc, P.1, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh.


Ngày 04 tháng 10 năm 2022, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), Viện Tăng Thống, Văn phòng Chánh Thư Ký ra một Thông cáo Báo chí được Hòa thượng Thích Nguyên Lý Trưởng phòng hành sự tường thuật.


*


Theo thiển ý của chúng tôi, Thông cáo Báo chí là một Văn kiện, được chia làm 3 phần:


PHẦN 1: Bản văn là Văn kiện chính thức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Viện Tăng Thống, Văn phòng Chánh Thư Ký, Phòng Hành Sự;


Bản văn được viết sau 4 ngày Phái đoàn Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đến thăm; bản văn được phổ biến qua một trang nhà Phật giáo xã hội (Thư viện Hoa Sen); bản văn không ghi nơi nhận là ai, cơ quan nào; bản văn vừa là Thông cáo Báo chí, vừa là tường thuật, vừa là phát biểu của thầy Tuệ Sỹ. (Riêng phần này 649 chữ).


PHẦN 2: Sáu điểm nêu ra hiện tình Phật giáo Việt Nam nói chung.


PHẦN 3: Tổng kết và nội dung lời ngỏ của thầy Tuệ Sỹ.


**


Thông cáo Báo chí được phổ biến dưới hình thức truyền thông xã hội (trang nhà Thư viện Hoa Sen), không có khoản ghi nơi nhận là Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hay Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội hay tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Tp Hồ Chí Minh hay Ban Tôn giáo Chính phủ nước CHXHCNVN.


Nhận thấy, Thông cáo Báo chí tuy là bản tường thuật, nhưng thực chất là Văn kiện đầu tiên của Viện Tăng Thống dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ; b3n văn nói về phái đoàn Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đến chùa Từ Hiếu gặp trực tiếp ba vị trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN): Ht. Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương; Ht. Thích Minh Tâm, thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương và Ht. Thích Nguyên Lý, thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương.


Với vai trò của một cơ quan truyền thông báo chí tư nhân tại hải ngoại, báo điện tử Văn Hóa Online-California http//www.nhatbaovanhoa.com và với tư cách là một Phật tử, nhân một sự kiện quan trọng vừa diễn ra liên quan đến Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chính phủ nước CHXHCNVN, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Cộng đồng Phật giáo Việt Nam, chúng tôi đề nghị 10 điểm ghi nhận và đề nghị dưới đây:


1- Phái đoàn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đến thăm chùa Từ Hiếu là một hành động cụ thể xác định tư cách pháp lý-pháp nhân chùa Từ Hiếu, nơi làm việc của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN, dưới sự lãnh đạo của Ht. Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống, điều hành giáo hội bước vào trang sử mới Phật giáo Việt Nam (1);


2- Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương đang điều hành công việc của giáo hội ở Tổ đường chùa Từ Hiếu, dù là chính thức hay tạm chính thức hay không chính thức, chính phủ Việt Nam cũng nên tôn trọng phẩm giá, an ninh, sự an toàn cho các vị lãnh đạo trong Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương. Việc phái đoàn Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đến chùa Từ Hiếu chứng tỏ sự tìm hiểu, lắng nghe, sự quan tâm sâu sắc của Hoa Kỳ đối với vấn đề Tự do Tôn giáo tại Việt Nam và an ninh nhân thân của các vị lãnh đạo trong Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPGVNTN;   


3- Phái đoàn Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đến chùa Từ Hiếu, một cơ sở Phật giáo, trên thực tế nhiều Phật tử không biết chùa Từ Hiếu là một cơ sở Phật giáo độc lập hay thống thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Nếu chùa Từ Hiếu là cơ sở thống thuộc GHPGVN thì vấn đề trở nên rất tế nhị và dự kiến sẽ có nhiều diễn biến mới. Câu hỏi đi đến kết luận: Chùa Từ Hiếu thuộc tổ chức nào?;


4- Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong quá khứ đã có nhiều hoạt động bảo vệ quyền Tự do Tôn giáo tại Việt Nam, đã gặp gỡ và trao đổi với cố Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN, nay giáo Hội đang bước vào giai đoạn mới do Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ lãnh đạo; Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nên có những bước cụ thể thích hợp với vai trò mới của GHPGVNTN, mà không gây tổn hại đến mối bang giao Việt – Mỹ;


5- Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thể có một “Ủy ban Liên lạc” với Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Ban tôn giáo Chính phủ, để các bên cùng đóng góp chung vào sự nghiệp hoằng dương Phật Pháp Tăng, phục vụ cho hàng chục triệu cộng đồng Phật tử qua nhiều lãnh vực, nhưng không xâm phạm đến phạm vi chính trị hay đảng phái chính trị;


6- “Bao Dung” là triết lý nhân bản, nhân ái, nhân tính, nhân đạo bao la cao nhất cho mọi tổ chức cộng đồng hay các tổ chức chính trị; đồng thời cũng thể hiện tinh thần “Đồng Bào” truyền thống nghìn năm lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong bản Thông cáo Báo chí về Đại Lễ Vesak Quốc tế Pl. 2564 của Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Michael R. Pompeo ký tại Washington DC. ngày 7 tháng 5 năm 2020 viết: “Hôm nay khi chúng ta suy ngẫm về hành trạng và giáo lý từ bi, trí tuệ, dân chủ, tự do, bình đẳng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chúng ta ghi nhớ và tìm cách đề cao các nguyên tắc vượt thời gian, phổ quát về từ bi tâm, hòa bình và khoan dung, là nền tảng cho sự thể hiện đức tin Phật giáo”;


7- Bản Thông cáo Báo chí của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương nhấn mạnh 6 điểm; 1. Vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam; 2. Quan hệ giữa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội Nhà Nước) và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất; 3. Trong thời gian qua, GHGPGVNTN có gặp khó khăn gì trong các sinh hoạt?; 4. Các thầy trong GHPGVNTN có bị xách nhiễu sau mỗi lần gặp các phái đoàn ngoại giao không?; 5. GHPGVNTN có dự định sẽ tổ chức Đại hội sau nhiều năm sinh hoạt bị gián đoạn?; 6. GHPGVNTN có bị bắt buộc báo cáo thường niên các sinh hoạt của mình cho chính quyền?


Sáu điểm trên được xem như một “lộ trình”, một “báo cáo” tổng quát về hiện trạng Phật giáo Việt Nam, hiện trạng thực tế của GHPGVNTN; đặc biệt Ht Tuệ Sỹ đã nhắc đến “lý tính phổ quát của các tôn giáo”, tính “bao dung tôn giáo”, và khẳng định “ở đâu không có bao dung tôn giáo, ở đó không thể có tự do tôn giáo”;


Sâu xa hơn, Ht Tuệ Sỹ viết: “Vấn đề tự do tôn giáo không đơn giản là các quyền tự do của con người, mà căn bản đó là quyền tôn trọng phẩm giá của con người, và mỗi cá nhân có các quyền tự do để thể hiện phẩm chất con người cao quý của mình trong các cộng đồng nhân bản. Vì vậy, tự bản chất, vấn đề tự do tôn giáo không phải là vấn đề nội bộ của một nước, mà là vấn đề chung của nhân loại, của các cộng đồng nhân bản, biết nâng cao phẩm giá con người; do đó, nơi nào mà phẩm giá con người không được tôn trọng do bởi quyền tự do tôn giáo, các quyền tự do căn bản khác không được tôn trọng.”


8- Chiến tranh đã chấm dứt nửa thế kỷ (nếu tính từ Hiệp định Paris 27/1/1973), Việt Nam đã thống nhất sơn hà ba miền Bắc Trung Nam, thời gian và không gian địa bàn hoạt động của GHPGVNTN nên được mở rộng trên toàn bộ lãnh thổ VN từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau;


9- Điểm số 5, Thông cáo Báo chí cho biết GHPGVNTN dự định tổ chức Đại hội “nhưng còn phải chờ hội đủ điều kiện thuận tiện”; và lên tiếng cảnh báo trước công luận “tổ chức Đại hội sẽ bị quy kết là tụ tập bất hợp pháp”; Vấn đề được đặt ra: Đại hội sẽ tổ chức tại đâu? Cơ sở nào? Có cần xin phép không?


Đây là trách nhiệm hàng đầu của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương và Viện Tăng Thống. Xin nhắc lại, Ngày 21 tháng 8 năm 2022, Phật lịch 2566, buổi lễ phát nguyện và suy tôn Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương, đồng thời suy cử Chánh Thư Ký Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống, được cử hành tại Chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (2). Với nhiệm vụ này, Ht. Tuệ Sỹ đứng trước một nan đề, Ngài sẽ khó lòng tổ chức thành công đại hội, trừ phi đạt được những điều kiện “ắt có và đủ” từ nhiều phía, chẳng hạn như giải tỏa những khác biệt về quan điểm chính trị, về lợi ích của các tổ chức, về cơ sở vật chất, về hành chánh, chấm dứt những tranh chấp vì hư danh và địa vị không tưởng… Chúng tôi nghĩ rằng, Ngài cần thời gian để thuyết phục, tùy duyên để kết nối nhân duyên… nhưng với tinh thần hùng tâm vô úy, ước nguyện Ngài sẽ vượt thắng quá khứ bi thương, mở rộng thênh thang con đường Đạo Pháp của Dân Tộc.


Điểm số 6 viết: (trích) – “GHPGVNTN về mặt pháp luật không được công nhận như một Tổ chức Tôn giáo; do đó, để hưởng được các quyền tự do tôn giáo, mọi sinh hoạt cần phải tuân theo Hiến chương và những quy định của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội Nhà Nước). Trong tư cách đó, GHPGVNTN không có gì để phải báo cáo sinh hoạt thường niên. Nếu có những đóng góp nào của GHPGVNTN cho các hoạt động văn hóa, giáo dục và cứu tế xã hội trong truyền thống dân tộc, cũng phải được xem như là những thành tựu của Giáo Hội (Nhà Nước) …


Điểm số 6 nói lên hai yếu tố và một ẩn dụ: 1- Xác định vị trí hiện nay của GHPGVNTN vẫn là một tổ chức tôn giáo chưa được nhà nước Việt Nam công nhận chính thức; 2- Những đóng góp của GHPGVNTN là đóng góp chung trong cộng đồng xã hội và cũng là thành tựu của Phật giáo Việt Nam nói chung; 3- Trong tương lai gần, quí tôn đức trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội Nhà Nước), Ban Tôn giáo Chính phủ có ngồi lại với nhau không để tạo nên “Giềng mối mới của Phật giáo Việt Nam”, trong đó, “Cái gì của César có được trả lại cho César không”, trong đó, việc thống nhất “Một” Phật giáo Việt-Nam phải là tiền đề thể hiện bản thể thanh tịnh hòa hiệp của Tăng-già.


10- Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, Viện Tăng Thống, Pháp Tòa Hoằng Pháp và Pháp Tòa Hoằng Giới là người bạn đồng hành, hòa hiệp với các cộng đồng tôn giáo khác trên thế giới; đặc biệt tại Hoa Kỳ, Little Saigon là thủ phủ tập trung chùa chiền tự viện người Việt (đa dạng môn phái) nhiều nhất trên thế giới, mặc dù trong quá khứ có nhiều xáo trộn ở hàng ngũ giáo phẩm (những nghiệp chướng này sẽ tàn lụi theo thời gian), nhưng đứng về mặt địa lý nhân văn-tôn giáo-chính trị, Little Saigon vẫn là điểm giao thoa quan trọng của Phật giáo, là nơi hội ngộ của tứ chúng ngoài và trong nước. Chư vị tôn đức lãnh đạo GHPGVNTN và GHPGVN được tự do đi lại, được sinh hoạt Phật sự, được hành Đạo và hoằng dương Chánh Pháp mà không bị cản trở hay xách nhiễu.


Làm tại Little Saigon, nam California ngày 14 tháng 10 năm 2022


Ký tên

Lý Kiến Trúc

Chủ nhiệm Văn Hóa Online-California

www.nhatbaovanhoa.com

Kính tường


(1) https://thuvienhoasen.org/a38373/thong-cao-bao-chi-phai-doan-phong-tu-do-ton-giao-bo-ngoai-giao-hoa-ky-tham-hdgptu-ghpgvntn


(2) https://thuvienhoasen.org/p122a38233/hoi-dong-giao-pham-trung-uong-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-thong-nhat-vien-tang-thong-tran-trong-cong-bo


PHỤ LỤC1:


Bốn điểm gởi Chính phủ Việt Nam và Tám điểm sách lược của Hòa thượng Thích Quảng Độ


Ngày 21/2/2001, Hòa thượng Thích Quảng Độ công bố Lời kêu gọi Dân chủ cho Việt Nam, trong đó Ngài yêu cầu Bốn điểm:


“Thứ nhất, CHXHCNVN phải phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất;


“Thứ hai, hoàn trả Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tất cả các cơ sở chùa viện, văn hóa, giáo dục, từ thiện mà Nhà nước chiếm dụng sau năm 1975. Bước đầu, hoàn trả ngay cho Giáo hội hai cơ sở chính yếu là Việt Nam Quốc tự và Trung tâm Văn hóa Quảng Đức để Giáo hội có cơ ngơi đặt trụ sở cho Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo;


“Thứ ba, đưa Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Đảng và Nhà nước thiết lập năm 1981 ra khỏi Mặt trận Tổ quốc; và


“Thứ tư, làm sáng tỏ cái chết của Cố Hòa thượng Thích Thiện Minh năm 1978”.


Tám điểm sách lược:


“1. Xây dựng một xã hội khoan dung, an lạc, đa nguyên, bình đẳng, không chủ chiến gây thù, điều hành bằng thể chế dân chủ đa đảng;


“2. Xóa bỏ mọi cơ chế phản dân chủ như lý lịch, hộ khẩu, công an khu vực. Bầu lại một Quốc hội thực sự đại diện quốc dân, dưới quyền giám sát của Liên Hiệp Quốc, với sự tự do bầu cử của toàn dân, và tham gia ứng cử của mọi cá nhân, đảng phái thuộc mọi khuynh hướng ngoài đảng Cộng sản. Thiết lập một Nhà nuớc tam quyền phân lập, một Nhà nước pháp quyền theo tinh thần bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị;


“3. Đóng cửa vĩnh viễn các Trại tập trung cải tạo. Trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và tù nhân vì lương thức, bị giam giữ tại miền Bắc sau Hiệp định Genève năm 1954, tại miền Nam sau năm 1975. Thỉnh mời các nhân tài, chuyên viên trong số tù nhân này tham gia kiến quốc. Đồng lúc thỉnh mời giới chuyên gia kỹ thuật, trí thức, học giả, mọi cá nhân, đoàn thể ở hải ngoại, vượt biển ra đi sau năm 1975, đem các kinh nghiệm và học thuật thu thái ở các nước tiên tiến về xây dựng quê hương. Hủy bỏ các đạo luật hay nghị định có tính khủng bố trên lĩnh vực tôn giáo và quản chế hành chính;


“4. Bảo đảm quyền tư hữu; bảo đảm quyền tự do kinh doanh; bảo đảm quyền tự do nghiệp đoàn. Ban hành chính sách khẩn trương giúp đỡ công nghiệp hóa canh tác và nâng cao đời sống nông dân, là tiềm lực của đại khối dân tộc. Chấm dứt nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Vì nền “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đã lỗi thời và bất lực hình thành một giải pháp cho nhân sinh sau 74 năm thí nghiệm của Nhà nước Liên bang Xô Viết, một nhà nước thù địch với quảng đại nhân dân nên đã bị xóa bỏ đầu thập niên 90. Xây dựng nền kinh tế thị trường phù hợp với xã hội Việt Nam và phát huy theo đường hướng của nền kinh tế tri thức và kinh tế sinh thái. Liên hệ với công cuộc toàn-cầu-hóa theo xu thế văn minh của nhân loại để phát triển kỹ thuật, bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới, chống lại các thách thức nghiêm trọng của khuynh hướng toàn-cầu-hóa nô lệ do giới tài phiệt liên lục địa chủ súy. Tận lực xóa bỏ hố ngăn cách giàu nghèo đang tha hóa con người và phân liệt xã hội nuớc ta;


“5. Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tách lìa chính trị khỏi quân đội và các cơ quan công an, mật vụ. Giải giới binh sĩ xuống mức quốc phòng bình thường theo tiêu chuẩn các quốc gia ở thời bình, để chia sớt ngân quỹ quốc phòng thái quá cho ngân quỹ giáo dục và ngân quỹ y tế quốc dân. Về giáo dục, cấp tốc đào tạo nhân tài và chuyên gia phục hưng xứ sở, đào luyện một thế hệ trẻ chuyển tiếp đang bị mai một, vì thế hệ lãnh đạo già thì miệt mài chủ chiến, gây thù theo chủ trương vọng ngọai đấu-tranh-giai-cấp làm phân hóa và tê liệt cộng đồng dân tộc, thế hệ đang lên thì bị cuốn hút theo chủ nghĩa kim tiền vì sinh kế bức bách. Về y tế, giải quyết ưu tiên nạn thiếu nhi suy dinh dưỡng và biện pháp phòng bệnh ở nông thôn;


“6. Bài trừ văn hóa ngoại lai đồi trụy hoặc các ý thức hệ phi dân tộc làm xáo trộn tình nghĩa và đạo lý Việt Nam. Phát huy nền văn hóa truyền thống Việt trong tinh thần khai phóng, sáng tạo và dung hóa với mọi nền văn minh nhân loại. Đề cao ba giá trị tinh thần Nhân, Trí, Dũng của tổ tiên. Thực hiện công bằng xã hội, nam nữ bình quyền, bình đẳng tôn giáo, tôn trọng quyền tự trị và đặc thù văn hóa của các dân tộc ít người cư ngụ trên lãnh thổ nước ta. Bảo vệ quyền lợi ngoại kiều sinh sống làm ăn ở Việt Nam theo luật định và tinh thần hỗ tương quốc tế. Bảo đảm quyền lợi và nhân phẩm của người Việt sống ở hải ngoại;


“7. Tôn trọng lãnh thổ các nước láng giềng. Chủ trương hòa thân, đối thoại và cộng tác bình đẳng với các nước lân bang trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, tôn giáo, xã hội. Chung sức bảo vệ hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại các quốc gia Đông Nam Á. Chung sức với các quốc gia trong vùng phát huy tính nhân văn Đông phương, như một Đạo tràng, hầu ngăn chận các Thị trường biến người lao động thành nô công, hàng hóa;


“8. Thể hiện tinh thần hòa hiếu truyền thống và sách lược tâm công trong chính sách ngoại giao với mọi quốc gia trên thế giới, để tạo thế đối thoại, cộng tác, tương trợ, đôi bên cùng có lợi nhưng không đánh mất quốc thể và chủ quyền quốc gia. Bằng phương lược này, tạo cơ hội và điều kiện đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp song song với thăng tiến xã hội, hầu kịp bước theo xu thế văn minh, tiên tiến, cường thịnh tại các quốc gia dân chủ, giàu mạnh trong thế giới vào đầu thế kỷ XXI”.


PHỤ LỤC2:


7 điểm đề nghị về chính sách của nhà nước Việt Nam đối với Phật giáo của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh


(Bảy điểm này đã được Hòa thượng Nhất Hạnh trực tiếp trao cho thủ tướng Phan Văn Khải ngày 25/03/2005)


1. Nhà nước xác nhận ý muốn thực hiện sự tách rời giáo quyền ra khỏi chính quyền. Giáo quyền và chính quyền là hai lãnh vực riêng biệt không có quyền can thiệp vào nhau. Nhưng cả giáo quyền và chính quyền đều phải có đạo đức, nếu cả hai đều không muốn phá sản. Vì vậy tôn giáo có thể giúp cho chính trị và chính trị có thể giúp cho tôn giáo, nhưng cả hai bên đều phải theo luật pháp quốc gia.


Bên tôn giáo có thể đóng góp tuệ giác và nhắc chừng về chiều hướng tâm linh đạo đức trong cả hai ngành lập pháp và hành pháp, bên chính trị có thể đóng góp ý kiến về sự suy thoái đạo đức trong tôn giáo và sự lạm dụng giáo quyền trong việc tìm cầu danh lợi và quyền bính, và yểm trợ cho tôn giáo trong những công tác giáo dục đạo đức và thực tập đưa tới lành mạnh hóa xã hội.


Ngày xưa vua Lý Thái Tổ đã yểm trợ đạo Phật xây dựng cơ sở giáo hội, và thiền sư Vạn Hạnh đã chỉ bày thêm cho vua về các đường lối kinh tế, văn hóa, đạo đức và chính trị. Nhưng vua không chen vào để kiểm soát Phật giáo và thiền sư cũng không nhận trách vụ gì trong guồng máy chính trị.


Nhà nước bảo đảm là từ nay các vị xuất gia sẽ không bị mời làm dân biểu quốc hội, trở nên thành viên hội đồng nhân dân các cấp và của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam hoặc trở nên đảng viên của bất cứ một đảng phái chính trị nào. Xen vào lãnh vực chính trị như thế các vị xuất gia sẽ phạm giới, làm mất uy tín của giáo đoàn Phật giáo và cũng làm cho chính quyền mang tiếng là sử dụng những vị ấy để kiểm soát tôn giáo. Từ nay các vị xuất gia sẽ không còn nhận huân chương của chính quyền. Vị cao tăng nào làm cố vấn giỏi, đề nghị được những biện pháp cụ thể lợi nước lợi dân thì chỉ có quyền nhận một chiếc y màu tím như các vị cao tăng quốc sư đời trước. 


2. Trong những năm qua đã có xảy ra nhiều điều đáng tiếc trong Phật giáo do những hiểu lầm, e sợ, nghi kỵ và vụng về gây ra. Những điều này đã gây khó khăn không ít cho nhà nước và cho cộng đồng Phật giáo. Nhà nước xin trân trọng chính thức kính mời tất cả các vị tôn túc trưởng lão trong cộng đồng Phật giáo làm cố vấn cho cả hai cơ quan lập pháp và hành pháp của nhà nước để giúp tháo gỡ những khó khăn đang có, hàn gắn những đổ nát, xây dựng lại tình huynh đệ trong cộng đồng Phật giáo và thiết lập truyền thông tốt với phía nhà nước.


Danh sách các vị được mời: Hòa thượng Trí Quang, Trí Tịnh, Nhật Liên, Huyền Quang, Quảng Độ, Phổ Tuệ v.v... (xin thêm cho đủ ba miền). Nhà nước muốn lắng nghe liệt vị tôn túc trưởng lão về những vấn đề lớn có liên hệ tới cộng đồng Phật giáo. Các vị tôn túc có thể gặp gỡ nhiều tuần hoặc nhiều tháng bất cứ tại một địa điểm nào trong nước, có thời gian và không gian thoải mái để nghiên cứu và đưa ra những đề nghị và những giải pháp cụ thể. Nhà nước cam kết là không tìm cách gián tiếp hay trực tiếp ảnh hưởng tới tư duy và quyết định của chư vị tôn túc. Nhà nước mong liệt vị sẽ soi sáng cho nhà nước về những điểm sau đây: 


Pháp Lệnh về tôn giáo có những điểm nào tích cực cần phát triển và những điểm nào không phù hợp với tinh thần Phật giáo cần phải chỉnh lý? Xin cho các cơ quan lập pháp và hành pháp biết để tu bổ, hoàn thiện và nếu cần, các cơ quan lập pháp và hành pháp sẽ tham vấn lại với liệt vị trước khi tu bổ và hoàn thiện. 


Làm thế nào để hợp nhất hai giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trong tình huynh đệ và đặt cộng đồng này ra ngoài ảnh hưởng của các vùng quyền lực chính trị trong nước và ngoài nước? Xin cho nhà nước biết, nhà nước có thể làm gì (và không nên làm gì) để yểm trợ cho sự phối hợp ấy. Sự có mặt của hai giáo hội sinh hoạt trong khuôn khổ luật pháp quốc gia không bị chi phối bởi chính trị là một sự kiện có thể chấp nhận và thực hiện được, nếu hai bên có điều kiện để ngồi xuống và nói hết cho nhau nghe về những khó khăn và những ước vọng của nhau. Nhà nước cần lắng nghe những khó khăn bên phía Phật giáo và bên phía Phật giáo cũng cần lắng nghe về những khó khăn mà nhà nước đang gặp phải. Không có gì mà ta không thể thực hiện được, nếu ta chịu ngồi xuống nói chuyện thành thật và thẳng thắn với nhau. 


3. Chính sách của nhà nước hiện thời để đối phó với các tệ nạn xã hội như tội phạm, mãi dâm, ma túy, trác táng và tham nhũng là xây dựng những tổ văn hóa, những thôn văn hóa, những khu phố văn hóa, v.v... Cố nhiên nhà nước đang kêu gọi mọi nỗ lực của nhân dân và tăng cường sự kiểm tra và trừng phạt, nhưng những phương tiện pháp trị ấy không đủ để đối trị được tận gốc những tệ nạn kia. Các giáo hội có chương trình đức trị gì cụ thể để giúp cha mẹ truyền thông được với con cái, vợ chồng truyền thông được với nhau, tái lập lại được hạnh phúc trong gia đình để tuổi trẻ khỏi phải đi tìm cầu quên lãng trong ma túy, rượu trà, trác táng, băng đảng, tội phạm? Ngôi chùa trong thôn xóm sẽ làm được gì để đóng góp và phục hồi nền tảng đạo đức và niềm tin xóm làng? 


4. Các giáo hội có thể làm được gì để giúp chấm dứt tình trạng lợi dụng trong nội bộ Phật giáo và nội bộ chính quyền ngoài sự kêu gọi hay phản đối? Nạn tham nhũng và tranh giành không phải chỉ có mặt trong đảng và trong chính trị mà cũng đang có mặt trong tôn giáo. Liệt vị tôn túc có những biện pháp cụ thể nào để giúp chấm dứt tình trạng hư hỏng của tăng ni sinh, của những vị xuất gia chỉ biết củng cố danh vọng và quyền hành, của những thành phần trong guồng máy hành chính các cấp? Chúng tôi cần tuệ giác của liệt vị, cũng như liệt vị có thể cần tới chúng tôi trong việc bảo hộ Phật pháp, ngăn chặn những thành phần thối nát không hành trì giới luật đang thao túng trong lãnh vực tôn giáo.


5. Nhà nước sẽ ra lệnh cho các ban ngành yểm trợ giới xuất gia bằng cách cấp phát hộ khẩu cho bất cứ vị xuất gia nào muốn gia nhập vào một tổ đình hay một tu học viện để tu học, không cần phải đi qua quá trình xin giấy tạm trú ba tháng, quá trình này trong quá khứ đã gây nên nạn tham nhũng trong cả hai giới giáo quyền và chính quyền. Nhà nước cam kết từ nay trở đi, thời hạn cấp phát hộ chiếu cho người xuất gia cũng là tối đa 21 ngày như những công dân Việt Nam khác, chứ không phải từ sáu tháng đến hai năm như trước. 


6. Chuyến về thăm và hành đạo của Thiền sư Nhất Hạnh và Phái đoàn Quốc tế Làng Mai tuy chưa chấm dứt nhưng đã đem lại rất nhiều hàn gắn, trị liệu, nuôi dưỡng và hạnh phúc cho Phật tử từ Nam, Trung, Bắc, hàn gắn được nhiều đổ vỡ, dựng lại được nhiều đổ nát và xây đắp được tình huynh đệ.


Việc chư tăng Thừa Thiên đã đến tụng giới chung với nhau lần đầu ngày 22 tháng 2 năm 2005, sau hơn 10 năm trời tụng giới riêng đã đem lại hạnh phúc lớn lao cho cả các giới xuất gia và tại gia tại Thừa Thiên, cả trong nước và ngoài nước. Các buổi giảng diễn của Thiền sư, trong đó có buổi giảng tại Học Viện Hành Chính Quốc Gia, TP HCM, các buổi giảng do Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh, Ủy Ban về Người Việt Nam ở Nước Ngoài tổ chức và các khóa tu trong đó có khóa tu cho 1.200 người xuất gia tại chùa Hoằng Pháp, quận Hóc Môn, TP HCM và khóa tu cho 900 người xuất gia tại chùa Từ Hiếu, Huế đã giúp tháo gỡ rất nhiều tri giác sai lầm, nghi ngờ và sợ hãi.


Nhà nước muốn được thấy các vị Hòa thượng Huyền Quang và Quảng Độ cũng được thoải mái làm các việc như thế, và bảo đảm quý vị có quyền di chuyển tự do, thuyết pháp và hành đạo trên mọi miền đất nước và sẽ tìm cách yểm trợ các vị. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là một thực tại.


Nếu quý hòa thượng muốn giáo hội này phục hoạt lại, điều này không phải là một việc khó. Việc khó là chúng ta phải ngồi lại với nhau để nói chuyện, để thiết lập lại truyền thông với nhau, để lắng nghe nhau, để thấy được những khó khăn của nhau và để cùng đi đến những quyết định chung có thể làm đẹp lòng cho cả hai phía. 


7. Bên phía nhà nước có Ban Tôn giáo của Chính phủ để yểm trợ cho tôn giáo, bên phía Phật giáo thì có Ban Tôn giáo liên hệ với thế quyền để yểm trợ cho bên nhà nước. Ban Tôn giáo của Chính phủ không có mục đích kiểm soát và điều khiển các tôn giáo mà chỉ để quán sát và đề nghị với các hàng giáo phẩm về những lạm dụng có thể xảy ra trong địa hạt tôn giáo và để biết được những gì nhà nước có thể làm để bảo vệ an toàn cho các cơ sở tôn giáo và yểm trợ cho giáo hội trong công tác xây dựng xã hội, lành mạnh hóa xã hội.


Ban Tôn giáo liên hệ với thế quyền không có mục đích tham dự, cầu cạnh hoặc thao túng chính quyền mà chỉ để quán sát và cố vấn cho chính quyền về những phương pháp bài trừ lạm dụng, bất công, tham nhũng, có hại cho nhà nước, cho quốc gia và cho Phật giáo.


PHỤ LỤC3:


Thông Cáo Báo Chí: Phái đoàn Phòng Tự do Tôn giáo Bộ ngoại giao Hoa kỳ thăm HĐGPTƯ GHPGVNTN


04/10/2022


Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
    Viện Tăng Thống



Văn phòng Chánh Thư Ký
Phòng Hành Sự


THÔNG CÁO BÁO CHÍ


Ngày 29 tháng 9 năm 2022


 TP. Hồ Chí Minh – Vào lúc 10 giờ, ngày 29 tháng 9 năm 2022, phái đoàn Phòng Tự do Tôn giáo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Office of International Religious Freedom, U.S. Department of State) đã đến thăm chư Tôn Đức tại chùa Từ Hiếu. Phái đoàn gồm có:


– Cô Tina Mufford, Trưởng phòng Đông Á Thái Bình Dương, Văn phòng Tự do tôn giáo, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ;
– Cô Serena Doan, phụ trách Việt Nam, thuộc Phòng Đông Á Thái Bình Dương;
– Ông Rustum Nyquist, Viên chức chính trị tại Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, TP. HCM;
– Cô Linh Nguyễn, Trợ lý chính trị, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, TP HCM.


Về phía Chư Tôn Đức, GHPGVNTN gồm có:


– HT. Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương;
– HT. Thích Minh Tâm, thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương;
– HT. Thích Nguyên Lý, thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương.


Những vấn đề chủ yếu đã được thảo luận như sau:


1. Vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam.


Đây là vấn đề rất tế nhị. Có hay không tự do tôn giáo cần phải quan sát từ thực chất và hiện tượng của vấn đề. Nguyên lý cơ bản của vấn đề cần được nắm vững để quan sát: ở đâu không có bao dung tôn giáo, ở đó không thể có tự do tôn giáo, tất yếu nó sẽ dẫn đến hiện tượng đàn áp tôn giáo, trách nhiệm thuộc về phía chính quyền hoặc do những mâu thuẫn tín lý hay xung đột quyền lợi giữa các cộng đồng tôn giáo.


Nhà Nước có thể gián tiếp gợi lên mối hiềm khích giữa các cộng đồng hay cá nhân tôn giáo, từ đó thi hành những biện pháp một cách thiên vị đối với tôn giáo như là một bộ phận chính trị ngoại vi của của Đảng chính trị đương quyền.


2. Quan hệ giữa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội Nhà Nước) và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.


Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội Nhà Nước) là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, một bộ phận chính trị ngoại vi của Đảng Cộng Sản Việt Nam, với tiêu chí: Dân Tộc – Đạo Pháp – Chủ Nghĩa Xã hội. Giáo pháp của Đức Phật cần được phát triển theo định hướng chủ nghĩa xã hội Mác-xit, theo quy luật biện chứng duy vật sử quan (historical dialectical materialism). Định hướng phát triển theo tiêu chí đó, và là một bộ phận dưới quyền chỉ đạo của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Tổ chức Phật giáo thực chất là một hiệp hội thế tục bên cạnh các hiệp hội như Hội Phụ Nữ, Hội Cựu Chiến Binh, Hội Sinh Viên… Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội Nhà Nước) do đó được thừa nhận chính thức là đại diện duy nhất cho Phật Giáo Việt Nam, được ủy nhiệm một số đặc quyền từ việc cư trú của tăng ni, cho đến việc lập tịnh thất, tự viện, mà sự giám sát và thi hành các quyền này mọi người đều biết thuộc về chức năng nào trong chính quyền các cấp.


Trong trường hợp cư trú hay lập tịnh thất để ẩn cư tu tập, chính quyền địa phương có thể viện cớ an ninh mà ngăn cản. Hoặc trong trường hợp tế nhị, để tránh bị quy kết chính sách đàn áp, Giáo hội địa phương có thể thay thế chính quyền mà thi hành biện pháp chế tài (tước quyền thừa kế tông môn mà luật Nhà Phật gọi là “sư tư tương thừa”, quyền xây chùa, lập tịnh thất vì không được thừa nhận là cơ sở tôn giáo do không đăng ký thuộc quyền Giáo hội (Nhà Nước), v.v…)


Mọi người đều biết rằng, theo Hiến Pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quyền sở hữu đất toàn quốc thuộc về nhân dân, quyền quản lý thuộc về Nhà Nước. Với những điều kiện nào, người dân được cấp quyền sử dụng đất, điều kiện nào bị khước từ, căn cứ theo pháp luật đã được ban hành. Người ta không thể hiểu Giáo hội thuộc cơ quan giám sát hay thi hành pháp luật nào của Nhà Nước mà có quyền cho phép hay không cho phép.


Phật tử Việt Nam cần có một Phật giáo thuần túy, chính thống; một cơ cấu cộng đồng được tổ chức và sinh hoạt theo giáo nghĩa mà Đức Phật đã thuyết giáo, được truyền thừa trong Tam tạng Thánh giáo.


3. Trong thời gian qua, GHGPGVNTN có gặp khó khăn gì trong các sinh hoạt?


Một số khó khăn, ngăn cản trực tiếp từ chính quyền, tùy theo giải thích của chính quyền địa phương về các điều khoản trong Pháp lệnh Tôn giáo, hay những điều khoản trong Luật Hình sự, liên hệ đến vấn đề trật tự an ninh. Người dân không có khả năng giải thích pháp luật như quan chức chính quyền vốn được quyền giải thích tùy tiện.


Một số trường hợp tế nhị, nhà chùa có thể bị một nhóm thanh niên quấy phá, được giải thích là có thể do quan hệ mâu thuẫn thế nào đó với nhóm thanh niên này. Do bởi nghiệp vụ của nhóm này quá thấp kém nên mọi người dễ dàng nhận ra chúng từ đâu đến. Dù sao, nhà chùa vẫn không có cơ sở pháp lý để khiếu nại chính quyền.


Một số trường hợp khó khăn trong các sinh hoạt được gây ra do Giáo hội (Nhà Nước) địa phương. Một người thọ giới pháp xuất gia, mặc các quy tắc truyền giới và thọ giới được thực hiện đúng theo quy định của Đức Phật, nếu không được thông qua Giáo hội (Nhà Nước), sẽ không được thừa nhận trên cơ sơ pháp lý là có đầy đủ phẩm chất của người xuất gia, và không được hưởng quyền lợi của người xuất gia.


4. Các thầy trong GHPGVNTN có bị sách nhiễu sau mỗi lần gặp các phái đoàn ngoại giao?


Vì là vấn đề tế nhị quan hệ ngoại giao giữa các chính phủ, do đó không thể nói bị chính quyền sách nhiễu. Nhưng thường xuyên bị sách nhiễu là những sự cố hiển nhiên. Cán bộ chính quyền giải thích đó là một nhóm người do mâu thuẫn gì đó với các thầy gây ra; chính quyền không có trách nhiệm gì.


5. GHPGVNTN có dự định sẽ tổ chức Đại hội sau nhiều năm sinh hoạt bị gián đoạn?


Tổ chức Đại hội để kiện toàn cơ cấu tổ chức của Giáo hội là mục tiêu hiện tại của chúng tôi, nhưng còn phải chờ hội đủ điều kiện thuận tiện. Trong hoàn cảnh hiện tại, vì không được công nhận là một tổ chức tôn giáo theo Pháp lệnh Tôn giáo, vì chỉ một tổ chức Phật giáo duy nhất được công nhận là đại diện hợp pháp cho Phật giáo Việt Nam, do đó tổ chức Đại hội sẽ bị quy kết là tụ tập bất hợp pháp. Nhưng Phật giáo Việt Nam cần một tổ chức không tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của bất cứ tổ chức thế tục nào, dù đó là một Đảng chính trị đương quyền hay không đương quyền.


6. GHPGVNTN có bị bắt buộc báo cáo thường niên các sinh hoạt của mình cho chính quyền?


Đó là phận sự của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội Nhà Nước), một bộ phận của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, được pháp luật Nhà Nước công nhận là đại diện duy nhất của Phật Giáo Việt Nam, do đó cần phải có báo cáo thường niên (để Nhà Nước có cơ sở cứu xét mà ban phát huân chương và nhiều đặc ân khác).


GHPGVNTN về mặt pháp luật không được công nhận như một Tổ chức Tôn giáo; do đó, để hưởng được các quyền tự do tôn giáo, mọi sinh hoạt cần phải tuân theo Hiến chương và những quy định của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (Giáo Hội Nhà Nước). Trong tư cách đó, GHPGVNTN không có gì để phải báo cáo sinh hoạt thường niên. Nếu có những đóng góp nào của GHPGVNTN cho các hoạt động văn hóa, giáo dục và cứu tế xã hội trong truyền thống dân tộc, cũng phải được xem như là những thành tựu của Giáo Hội (Nhà Nước).


Phật tử Việt Nam cần một tổ chức Phật giáo chính thống và chân truyền, phát triển trên cơ sở những giáo nghĩa mà Đức Phật đã thuyết, chứ không phải phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự chỉ đạo của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.


Trước ngày chấm dứt chiến tranh, GHPGVNTN đã có những đóng góp tích cực bằng những thành tựu văn hóa, giáo dục, xã hội; với hệ thống giáo dục từ cấp Tiểu học cho đến Cao đẳng, Đại học, với các cơ sở từ thiện, cứu tế xã hội từ địa phương đến trung ương; tất cả những thành tựu này đều bị loại ra khỏi lịch sử phát triển của dân tộc; các thế hệ trẻ được giáo dục để không biết đến những thành tựu này; rất nhiều tăng ni trẻ không biết đến GHGVNTN là tổ chức Phật giáo gì. Lịch sử Phật Giáo Việt Nam cần được viết lại một cách trung thực.


Tổng kết.


Cuối cùng, Cô Tina Mufford nhắc lại lần hội kiến với Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ năm 2015, được Ngài tiếp đón rất ân cần. Lần hội kiến này, phái đoàn do Cô dẫn đầu cũng được tiếp đón ân cần. Cô cảm ơn sự tiếp đón này.


HT. Thích Tuệ Sỹ cũng ngỏ lời thay mặt chư Tôn Đức Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương bày tỏ sự cảm ơn phái đoàn đã đến thăm viếng; và nhân đây cũng xin ngỏ lời cảm ơn Chính phủ và nhân dân Hoa kỳ đã có những hoạt động tích cực cho tự do tôn giáo tại Việt Nam nói riêng, cho các cộng đồng các tôn giáo khác trên thế giới, làm cơ sở cho tính bao dung tôn giáo trên đó xác lập tính phổ quát của phẩm giá con người.


Những điểm bất đồng có thể có giữa các tôn giáo, từ tín lý cho đến thực hành, rất dễ dẫn đến hiềm khích, và mâu thuẫn, tranh chấp, là duyên cớ để chính quyền, viện dẫn tình trạng an ninh, trật trự xã hội, và luật pháp can thiệp vào những vấn đề nội bộ của các tôn giáo, theo mục tiêu chính trị xã hội của một đảng chính trị nào đó. Trong các trường hợp này, các tôn giáo bị áp bức, bị hạn chế hoạt động, không có cơ sở pháp lý để khiếu nại lên bất cứ tổ chức nhân quyền và tôn giáo trong phạm vi một quốc gia, cho đến bình diện quốc tế. Vì vấn đề an ninh và trật tự xã hội cần được giải thích là vấn đề nội bộ của một nước. Cũng vậy, những vấn đề liên hệ pháp luật cũng là vấn đề nội bộ của một nước vì mỗi quốc gia có Hiến pháp luật pháp riêng để bảo đảm sự tồn tại của nó trong trường đấu tranh quyền lực của các quốc gia trên thế giới. Chính phủ các nước và các tổ chức bảo vệ nhân quyền, và quyền tự do tôn giáo trên thế giới rất khó khăn để can thiệp vào những vấn đề nội bộ của một nước. Hậu quả là, những tổ chức tôn giáo được biết là bị đàn áp dưới hình thức nào đó, mà trách nhiệm thuộc về chính quyền hay do hiềm khích, mâu thuẫn giữa các tôn giáo, rất khó khiếu nại trước cộng đồng quốc tế vì không có cơ sở pháp lý của nước sở tại, mặc dù các khiếu nại được bênh vực theo tinh thần Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Universal Declaration of Human Rights). Yêu cầu của chúng tôi ở đây không mong các chính phủ và các cộng đồng quốc tế can thiệp vào các vấn đề được biện minh là vấn đề nội bộ của một nước trên cơ sở Hiến pháp và Luật pháp của nước sở tại, chỉ mong lý tính phổ quát của các tôn giáo được thiết lập để từ trên đó xây dựng tinh thần bao dung tôn giáo. Vấn đề tự do tôn giáo không đơn giản là các quyền tự do của con người, mà căn bản đó là quyền tôn trọng phẩm giá của con người, và mỗi cá nhân có các quyền tự do để thể hiện phẩm chất con người cao quý của mình trong các cộng đồng nhân bản. Vì vậy, tự bản chất, vấn đề tự do tôn giáo không phải là vấn đề nội bộ của một nước, mà là vấn đề chung của nhân loại, của các cộng đồng nhân bản, biết nâng cao phẩm giá con người; do đó, nơi nào mà phẩm giá con người không được tôn trọng do bởi quyền tự do tôn giáo, các quyền tự do căn bản khác không được tôn trọng.


Cuối cùng, một lần nữa chúng tôi cảm tạ sự thăm viếng của phái đoàn, và nhân do có được buổi hội kiến có ý nghĩa hôm nay. Cầu chúc phái đoàn đạt nhiều kết quả tốt đẹp trong sứ mệnh của mình.


Xin kính chào tất cả.


Tường thuật:
Thích Nguyên Lý,
Trưởng phòng Hành sự


image016Phái đoàn Phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Office of International Religious Freedom, U.S. Department of State) đến thăm chư tôn đức trong Hội Đồng Giáo Phẩm Trung ương GHPGVNTN tại chùa Từ Hiếu. Nguồn: chùa Từ Hiếu.


PHỤ LỤC4:


Đỗ Trung Hiếu: Thống Nhất Phật Giáo


Mùa Phật đản 2538 (1994)


https://quangduc.com/a29977/ttt-thong-nhat-phat-giao-do-trung-hieu


++++++++++++++++++++++++++++++


Phật giáo VN 'họp đại hội tu chỉnh' nhiệm kỳ 2022-2027 bàn về vấn đề gì?


Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ 2022-2027 có mở rộng sự tham gia của Tăng già thuộc GHPGVNTN không?


Nhà nước hiện nay chỉ công nhận một Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không công nhận Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất, có tín đồ, tăng ni ở phía Nam và hải ngoại.


Tăng đoàn Làng Mai có trụ sở ở nước ngoài và uy tín quố́c tế hiện chưa hoàn toàn được chấp nhận trở lại tại Việt Nam có được mời tham gia Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ 2022-2027 không?


Bản tin dưới đây của BBC ngày 25 tháng 11 2022


image018Nguồn hình ảnh, Getty Images. Tín ngưỡng trong xã hội Việt Nam.


Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX sẽ diễn ra trong hai ngày 28-29/11/2022 năm nay ở Hà Nội và dự kiến sẽ bàn cả về tài sản của tăng ni.


Vấn đề gây bức xúc dư luận Việt Nam lâu nay hiện tượng “chùa khủng” và “tiền tỉ” ở các quỹ “công đức” ở một số chùa Việt Nam.


Theo các báo Việt Nam, giới chức của Giáo hội Phật giáo VN, sẽ “bàn nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề tài sản của tăng ni, chùa riêng, chùa tư”.


Tại cuộc họp báo hôm 23/11/2022 về việc tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ 2022-2027, vấn đề “tài sản của tăng ni, chùa riêng, chùa tư”.


Theo hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng thư ký Ban Trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại họp báo rằng “dự kiến, tại Đại hội, Hiến chương dự kiến sẽ quy định rất rõ về vấn đề này để tránh những tình trạng sử dụng tiền của tam bảo làm của riêng”.


Ông cũng khẳng định “tất cả các cơ sở của giáo hội chùa chiền hiện nay đều trực thuộc Giáo hội, không có chùa riêng, chùa tư”.


Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX được tổ chức với chủ đề “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển” và sẽ “tu chỉnh” một số vấn đề của Giáo hội.


Cảm nhận của xã hội và truyền thông về Giáo hội Phật giáo Việt Nam


Từ nhiều năm qua, việc Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam cho phép các đạo giáo phát triển các hoạt động của mình đã làm thay đổi bức tranh sinh hoạt tôn giáo, tâm linh ở nước này.


Các tài liệu chính thống ở Việt Nam xác nhận đây là “nhà nước đa tôn giáo”, với trên 20 triệu tín đồ các đạo giáo, gồm 10 triệu tín đồ Phật giáo


Như một di sản của lịch sử, Phật giáo nói riêng có nhiều hệ phái và các giáo hội khác nhau, dù nhà nước hiện nay chỉ công nhận một Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và không công nhận Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất, có tín đồ, tăng ni ở phía Nam và hải ngoại.


Một nhánh khác của Phật giáo gốc Việt là Tăng đoàn Làng Mai có trụ sở ở nước ngoài và uy tín quố́c tế nhất định thì hiện chưa hoàn toàn được chấp nhận trở lại tại Việt Nam.


Theo cơ quan tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì đường hướng của Giáo hội Phật giáo VN, tổ chức tham gia Mặt trận Tổ quốc, là “dân tộc - đạo pháp - chủ nghĩa xã hội”.


Nhưng không ít sư tăng của Giáo hội chính thống này đã được dư luận cho là dự vào sự bảo trợ của quan chức Nhà nước để phát triển cơ sở chùa chiền và quản lý nhưng “như của riêng”.


Mặt khác, chính quyền cũng muốn tỏ ra là đẫt nước rất tự do về tôn giáo và nhiều lãnh đạo cao cấp thường xuyên thăm các chùa, như cách thể hiện sự ủng hộ văn hóa truyền thống.


Bên cạnh các câu chuyện tích cực về Giáo hội, các báo Việt Nam thường xuyên đăng tải những bài về nhiều vụ bê bối hoặc chướng tai gai mắt liên quan đến sư sãi.


Các từ khóa liên quan dễ dàng tìm thấy trên internet ở Việt Nam là “chùa vi phạm pháp luật”, “thực hư kho vàng ở chùa”, “khối tài sản tiền tỷ”, “thầy chùa ăn thịt chó”, “tà dâm nơi cửa Phật”, “chùa khủng là kinh doanh” ...


Dù nhiều tin này sau đó được chứng minh là không hẳn như vậy, tiếng xấu về một bộ phận sư sãi đã lan ra trong dư luận và người ta tin rằng việc vào chùa làm sư “kiếm tiền rất là dễ”.


Chính quyền VN cũng liên tục ra công văn “chấn chỉnh” một số hoạt động bị cho là sai trái ở các chùa khác nhau.


Từ gần 10 năm trước, hồi 2013, một nhà nghiên cứu tôn giáo, GS Ngô Đức Thịnh từ Hà Nội đã nói với BBC rằng "một bộ phận mà ông cho là 'không nhỏ' các quan chức, trong đó có cả các nhà quản lý, cũng tham gia vào việc tiếp tay cho một số cá nhân, tổ chức buôn thần, bán thánh qua việc cầu lộc, cầu tài và lạm dụng kinh tài qua trao nhận cúng dường, công đức".


Càng gần đây thì những việc này càng lan ra ngoài xã hội rộng hơn.


Một trang báo VN hồi 2019 đăng tin ở tỉnh Lâm Đồng:


“...sau dịp Tết Nguyên đán, một số hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức tại các cơ sở Phật giáo như: dâng sao giải hạn, đốt vàng mã, bán vé tham quan chùa, hầu đồng, kinh doanh dịch vụ trong khuôn viên cơ sở thờ tự… có nhiều biến tướng, không phù hợp với truyền thống Phật giáo. Các hoạt động này đã làm suy giảm niềm tin trong tăng ni, phật tử và quần chúng nhân dân, tạo dư luận xã hội không tốt, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, vị trí, vai trò của Phật giáo Việt Nam, gây mất an ninh, trật tự, tác động xấu đến phát triển kinh tế, xã hội…”


Tháng 10 năm nay, sau các cáo buộc “vi phạm” với dịch vụ cầu vong thu tiền ở chùa Ba Vàng, Uông Bí, một vị sư nổi tiếng đã phải “thuyên chuyển công tác” vào Quảng Bình, theo báo VN.

image019

Ngay từ 2013, một chuyên gia về tôn giáo, GS Ngô Đức Thịnh nói với BBC rằng trong xã hội VN đang có "các hiện tượng vụ lợi gây xáo trộn, làm rối loạn đời sống, tín ngưỡng truyền thống của người dân Việt Nam"


Tình trạng chung?


Cùng lúc, như TS triết học Nguyễn Hữu Liêm viết trên trang web BBC News Tiếng Việt tháng 2 vừa qua thì hiện nay, ở các quốc gia Đông Nam Á gồm VN, “đạo Phật bị phân hóa làm hai ngã chính”.


“Một đằng là sự bình dân hóa cho khối quần chúng mang trình độ tự ý thức thấp kém, một đằng kia thì nó trở nên một thể dạng trí thức hóa giáo lý nhà Phật thành một hệ thống triết học cao cấp dành cho tầng lớp trí thức ưu việt.”


Ở dạng thức đầu tiên, nhu cầu cúng tiến, cầu tài lộc, thậm chí hoạt động mê tín dị đoan trục lợi đã xuất hiện ở một số chùa chiền Việt Nam hiện nay. Việc này một phần đáp ứng nhu cầu thờ cúng trong xã hội Việt Nam hiện vẫn khá cao.


Mặt khác, điều xảy ra không chỉ ở VN và không chỉ với Phật giáo là tham nhũng thần quyền đôi khi sánh đôi cùng tham nhũng thế quyền, với việc dùng công trình xây dựng “tâm linh” được quan chức chính quyền tiếp tay.


Nhưng TS Nguyễn Hữu Liêm nêu ra quan điểm rằng “như cuối thời nhà Lý và Trần gần ngàn năm trước, Phật Giáo Việt Nam đang đi vào khủng hoảng song song với sự suy thoái đạo đức chính trị của hệ thống cầm quyền”.


Nếu đánh giá trên là đúng thì cả hai cơ chế này đều đang gặp vấn đề chọn chỗ đứng trong kinh tế thị trường và quản lý đồng tiền cùng nhân sự nên việc Giáo hội Phật giáo VN “tu chỉnh” ở nhiệm kỳ Đại hội 2023-2023 thành công hay không thì còn phải chờ xem thực tế cho thấy.