VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 2 – CHỦ NHẬT 03 SEP 2023
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com
Nâng cấp Việt-Mỹ lên “đối tác chiến lược” là điều đáng “hoan nghênh”
Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
02/9/2023
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ tại Phnom Penh vào ngày 12 tháng 11 năm 2022. AFP
Quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nếu được nâng lên tầm mức mới như ‘đối tác chiến lược’ hay ‘đối tác chiến lược toàn diện’ trong thời gian tới đây, nhất là ngay trong dịp chuyến thăm chính thức Việt Nam cấp nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự kiến vào ngày 10/9/2023, sẽ là một ‘tiến triển’ đáng hoan nghênh, một số ý kiến từ trong giới quan sát và phân tích chính trị, thời sự Việt Nam từ trong nước và hải ngoại nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 02/9 trong dịp Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam đang đánh dấu 78 năm ngày quốc khánh.
Liệu có dám đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi của Đảng?
Trước hết, từ Sài Gòn, ông Trần Tiến Đức, cựu Vụ trưởng một Ủy ban nhà nước thuộc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trước đây và nguyên thành viên nhóm tư vấn một số vấn đề chính sách cho Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam những nhiệm kỳ trước đây, nói với Đài Á Châu Tự Do, hôm thứ Bảy trên quan điểm riêng:
“Như mọi người dân Việt Nam, chúng tôi rất hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, và nếu chuyến thăm này mà đánh dấu bằng việc nâng cấp mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, hai cựu thù trước đây, thành mối quan hệ chiến lược toàn diện thì sẽ là một điều rất tốt đẹp cho Việt Nam. Hôm nay là ngày 02/9, tôi nhớ là trong Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 02/9/1945, cố Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ trong bài nói mở đầu cho bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam và thứ hai nữa là sau đó trong vòng hai năm, ông đã có rất nhiều nỗ lực, rất nhiều bức thư gửi đến Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là ông Harry S. Truman, người đã thay Tổng thống Franklin D. Roosevelt, và mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước…”
Nhìn lại lịch sử và hướng đến tương lai, đặc biệt cho đây là một ‘cơ hội’ mang tính lịch sử cho Việt Nam, ông Trần Tiến Đức đặt vấn đề liệu các nhà lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay có dám ‘đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi của đảng cầm quyền’ để làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác với Hoa Kỳ hay là không, vị cựu Vụ trưởng nêu quan điểm:
“Tôi nghĩ rằng đây là một câu hỏi lý thú và câu trả lời bây giờ chắc chắn thuộc về bên phía các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, họ vẫn luôn nói rằng họ là một đảng của dân và vì dân. Bây giờ thế nào là vì dân? Tôi nghĩ rằng Hồ Chí Minh từ lúc khai sáng ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã luôn nhấn mạnh hai từ là ‘độc lập’ và ‘tự do’. ‘Độc lập’ là độc lập dân tộc, ‘độc lập’ có nghĩa là người Việt Nam có quyền quyết định về tất cả những vấn đề liên quan việc nội trị và quan hệ đối ngoại của Việt Nam và ‘tự do’ nghĩa là không bị một thế lực nào ràng buộc. Tự do cho đất nước, một nước tự do có nghĩa là không một thế lực ngoại bang nào có thể chi phối mọi đường lối đối nội và đối ngoại của Việt Nam.”
Từ Hà Nội, cùng ngày 2/9, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS – một tổ chức think-tank nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập đã tự giải thể) nói với RFA Tiếng Việt:
“Tôi cũng hoan nghênh tiến triển ấy nếu một tuần nữa nó diễn ra như là dự kiến và tôi nghĩ rằng đấy là một điều tốt cho khu vực cũng như là cho cả thế giới. Nó tốt bởi vì nó tạo điều kiện cho Việt Nam, ở trong một mạng lưới những mối quan hệ này, củng cố mối quan hệ với một nước lớn hàng đầu thế giới như Mỹ, thì chắc chắn sẽ tốt cho vấn đề an ninh quốc gia, an ninh khu vực, phát triển kinh tế, phát triển khoa học, phát triển văn hóa. Đấy là những điểm đầu tiên, và trên cơ sở đó, tôi nghĩ rằng chắc chắn nó cũng sẽ tốt cho vấn đề dân chủ và nhân quyền. Mà vấn đề sau cùng này là vấn đề của người dân Việt Nam, nhưng nếu các điều kiện xung quanh mà thuận lợi, thì nó tốt cho cả chuyện đó nữa.”
‘Phải bước qua nhà nhau trước, rồi thúc đẩy quét nhà cho sạch’
Từ Berlin, CHLB Đức, nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo từ góc nhìn của mình, nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Tôi nghĩ rằng không phải những nước như Mỹ không hiểu những điều mà nhà cầm quyền Việt Nam đang làm, những sự hà khắc, sự vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền và sự gian dối mà những người đứng đầu Việt Nam đang làm, nhưng họ vẫn ký kết, họ vẫn cố gắng thúc đẩy càng nhiều càng tốt, bởi vì chúng ta có thể hình dung như thế này: một nhà hàng xóm, hoặc một nhà mà chúng ta có quan hệ thương mại hay quan hệ gì đó, mà mình cứ chê nhà họ bẩn, mà mình không bao giờ bước vào nhà họ cả, thì mối quan hệ ‘thù địch’ giữa hai bên càng ngày càng lớn. Bây giờ trước hết là phải có chuyện bước qua nhà của nhau, sau đó sẽ thúc đẩy việc quét nhà kia cho sạch, để mà xóa bỏ bớt bạo lực ở trong cái nhà mà chúng ta vốn thấy rằng đang có rất nhiều vấn đề.
Tôi còn muốn nói thế này nữa, gần đây có những sự đàn áp người bất đồng chính kiến ở trong nước rất là hà khắc, chẳng hạn có thông tin đã đưa, dù tôi không đủ khả năng để kiểm chứng, nhưng rõ ràng có thông tin đưa rằng tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức và một số người nữa đã bị đe dọa một cách trực tiếp ngay trong trại giam số 6, tại Thanh Chương, Nghệ An, thì tôi nghĩ rằng đó là một điều không thể chấp nhận được, rất là tàn nhẫn, và những người phụ trách trại giam cũng như những người đứng đầu Bộ Công an, hay Chính phủ, hay là đảng Cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm về việc đó; không thể để như thế, nó sẽ xảy ra rất nhiều những ảnh hưởng không tốt và nó vi phạm nhân quyền. Không thể có chuyện như thế và phải trả tự do ngay cho những tù nhân lương tâm ở Việt Nam đang bị giam giữ.”
Đưa ra thêm bình luận, TSKH Nguyễn Quang A cho rằng nếu hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ quyết định thiết lập quan hệ đối tác ở mức độ mới cao hơn mức độ hiện nay trong thời gian tới đây, điều này sẽ cho thấy hai bên đã có sự ‘hiểu biết’ khá rõ về nhau và cũng đã có những ‘mức độ tương đồng’ khá cao trong nhiều vấn đề và tư duy có tầm chiến lược cũng như ưu tiên về lợi ích quốc gia, ông nói thêm với RFA Tiếng Việt:
“Tôi nghĩ hai ba, điểm có thể là ưu tiên cao nhất và có thể trùng hợp với nhau, thứ nhất là vấn đề an ninh, vấn đề địa chính trị, thứ hai là vấn đề phát triển kinh tế, rồi đến thứ ba là những vấn đề về môi trường, khí hậu, khu vực. Thí dụ với ba điểm lớn như thế, mối quan tâm của cả hai bên ở mức độ nào đấy khá tương đồng.”
‘Bạn bè sẽ vui mừng ủng hộ Việt Nam, đặc biệt về Biển Đông’
Triển vọng đem lại từ việc nâng cấp quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Mỹ là gì sau chuyến thăm của TT Joe Biden, ông Trần Đức Tiến cho biết trên quan điểm cá nhân:
“Tôi nghĩ rằng mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ góp phần thúc đẩy những giá trị phổ quát của loài người và của con người trong mọi lĩnh vực, trong đó có nhà nước pháp quyền, trong đó có các quyền của con người và các quyền hợp pháp khác, những quyền đó về cơ bản đã được thể hiện trong Hiến pháp của Việt Nam, những giữa điều ghi trong Hiến pháp và thực thi còn có khoảng cách rất xa và cũng có thể điều đó do ảnh hưởng một phần của những tác động của những thế lực bên ngoài. Nhưng bây giờ khi những tác động đó, khi chúng ta đã có một vị trí thích đáng hơn trên trường quốc tế, và có những đối tác mạnh mẽ hơn ủng hộ chúng ta trong việc thúc đẩy những quyền con người và nhân quyền cũng như một nhà nước pháp quyền, thì tôi nghĩ rằng nó sẽ góp cho đất nước Việt Nam trở nên đáp ứng đầy đủ hơn nữa những chuẩn mực của một nhà nước văn minh của quốc tế.”
Theo ông Trần Tiến Đức, tất nhiên điều này là một quá trình lâu dài, mà ông cho rằng không phải là khi có được mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Hoa Kỳ thì mọi sự sẽ tự động xảy ra, mà sự tiến bộ trong lĩnh vực này đòi hỏi trước hết ở những nỗ lực của mọi người Việt Nam ở trong nước mà vẫn theo ông phải ‘không bằng lòng với thực tại hiện nay’ và phải đấu tranh bằng những biện pháp thích hợp để đảm bảo ‘những quyền tự do, dân chủ của mình và của mỗi người Việt Nam.’
Về khía cạnh an ninh, chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt ở trên Biển Đông, liên quan vị thế mới có thể được mang cho Việt Nam khi hai quốc gia Việt – Mỹ trở thành đối tác chiến lược hay chiến lược toàn diện của nhau, vị cựu Vụ trưởng nói:
“Trước đây, cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã là người đầu tiên thay đổi đường lối ngoại giao của Việt Nam, phân tích rằng thế giới nay là một thế giới đa cực. Cho nên, từ đó Việt Nam có chủ trương là càng nhiều bè bạn thì càng tốt. Và bây giờ, trong số những bè bạn của Việt Nam, có rất nhiều nước có quan hệ rất mật thiết về mặt kinh tế, chính trị, về mặt quân sự đối với Hoa Kỳ. Một khi Hoa Kỳ và Việt Nam, nếu thiết lập được mối quan hệ chiến lược toàn diện, thì chắc chắn rằng họ (các nước đó) cũng sẽ vui mừng và họ sẽ càng ủng hộ Việt Nam hơn nữa trong những vấn đề tranh chấp quốc tế, đặc biệt là vấn đề Biển Đông,” ông Trần Tiến Đức đưa ra nhận định với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng.