Hà Văn Thùy: Văn hóa Hòa Bình, cội nguồn Văn minh nhân loại

01 Tháng Hai 20246:10 SA(Xem: 2456)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 4 - THỨ NĂM 01 FEB 2024


Hà Văn Thùy: Văn hóa Hòa Bình, cội nguồn Văn minh nhân loại

image003

Hà Văn Thùy


I. MỘT TRĂM NĂM VĂN HÓA HÒA BÌNH


Ba năm nữa thôi, vào năm 2027, là trọn 100 năm Văn hóa Hòa Bình. Vào ngày ấy, chắc thế nào cũng có lễ lạt với âm thanh của chiêng trống và dù dầy dù mỏng, cũng có vài mâm cỗ đặt lên bàn thờ cúng cụ… Thử nhìn lại xem, một thế kỷ chúng ta đã làm được gì cho Văn hóa Hòa Bình? Có thể khẳng định, đó là công trình tâm huyết do người đàn bà nước Pháp xây nền đắp móng. Không chỉ hai mươi năm mà đó là sự hy sinh cao cả với toàn bộ tâm, trí và sức lực, toàn bộ cuộc đời của một trí thức bậc thầy. Trong đêm đen của nền khoa học nhân văn Việt Nam, Madelain Colani là ngôi sao mai bừng sáng. Tôi sẽ là kẻ hèn, là bất công, là kỳ thị nếu hôm nay không dám nói rằng, Bà chính là mẹ đẻ của khoa học nhân văn Việt Nam hiện đại. Vâng, bà - “kẻ cướp mộ”- chứ không phải những viện sỹ mũ cao áo chùng làu thông Hán ngữ đã dẫn khoa học Việt lạc đường!


Hai mươi năm lao động của Bà đặt nền móng khai phá văn hóa khảo cổ lớn nhất của Việt Nam. Trên cái nền mà Bà tạo lập, 60 năm qua các nhà khoa học Việt Nam và thế giới đã bổ sung, làm nên diện mạo của văn hóa Hòa Bình như ta biết hôm nay: Đã phát hiện 145 địa điểm văn hóa Hòa Bình, được tạo ra bởi một nhóm dân cư cụ thể, có thể có cùng một tộc người. Văn hóa Hòa Bình có niên đại từ 20.000 đến 7.000 BP, với 3 giai đoạn phát triển: Tiền Hòa Bình (20.000 - 11.000 BP), Hòa Bình điển hình (11.000 - 9.000 BP) và Hòa Bình phát triển (9.000 - 7.000 BP). Đây cũng là lúc khái niệm văn hóa Hòa Bình được mở rộng về không gian (chung cho cả Đông Nam Á), về thời gian (từ Pleistocene sang Holocene, từ 50.000 đến 5.000 BP) và cả thuật ngữ mới được đưa ra (một văn hóa Hòa Bình, các văn hóa Hòa Bình, truyền thống Hòa Bình hoặc phức hợp kỹ thuật Hòa Bình (Hoabinhian - Technocomplex) (Solheim 1970: 145 - 162; Solheim 1972: 34 - 41; Gorman 1971).(1)


Tuy nhiên, sau một thế kỷ phát hiện và nghiên cứu thì một kết quả như trên là quá chừng khiêm tốn, khiêm tốn đến ngỡ ngàng. Những nhà nghiên cứu văn hóa Hòa Bình còn nợ khoa học những câu hỏi lớn.


1.Về thời gian: phải chăng Văn hóa Hòa Bình chỉ có niên đại từ 20.000 đến 7.000 BP?


2. Về chủ nhân của nền văn hóa. Ai cũng biết, trong một công trình khảo cổ, việc xác định chủ nhân của nó là quan trọng nhất, quyết định ý nghĩa của cả một nền văn hóa. Trong gia tài mà “kẻ cướp mộ” M. Colani mang về có rất nhiều sọ cổ. Vậy vì sao mà gần một thế kỷ nghiên cứu, bao nhiêu nhà khoa bảng bằng cấp cùng mình mà chỉ cho ra câu trả lời vô nghĩa “có thể có cùng một tộc người?”


3. Về tên gọi.


Điều đáng nản là sau 100 năm nghiên cứu, ngay tên gọi của di chỉ cũng chưa thành lập. Vẫn là những cái tên giả định: một văn hóa Hòa Bình; các văn hóa Hòa Bình; truyền thống Hòa Bình hoặc phức hợp kỹ thuật Hòa Bình (Hoabinhian – Technocomplex). Người xưa nói: danh có chính, ngôn mới thuận. Khi một nền văn hóa mà sau 100 năm, ngay cái tên đặt cũng chưa xong, thử hỏi người ta có thể hy vọng gì ở những điều sâu xa hơn?


4. Về ý nghĩa của Văn hóa Hòa Bình.


Một câu hỏi đã được nêu ra: sau một trăm năm nghiên cứu, quý vị nói được gì về ý nghĩa của Hòa Bình trong lịch sử văn hóa Việt cũng như thế giới? Gần như một con số không bởi chưa hề có tuyên bố nào rõ ràng, có thể chấp nhận được!


Thưa quý vị học giả từng quan tâm hoặc nghiên cứu văn hóa Hòa Bình. Xin quý vị trả lời cho người Việt Nam và thế giới biết: một kết quả như vậy có thể gọi là “thắng lợi”? Nếu có cái tâm thiện lương, người ta buộc phải thừa nhận rằng, việc nghiên cứu văn hóa Hòa Bình từ sau Bà Côlani đã thất bại!


Vì sao thất bại? Một câu hỏi được đặt ra. Chúng tôi cho rằng, đó là thất bại của phương pháp luận. Phương pháp luận nghiên cứu Văn hóa Hòa Bình áp dụng 100 năm qua dựa trên khảo cổ học. Một nghiên cứu khảo cổ chỉ thành công khi tìm thấy hiện vật khảo cổ trong di chỉ khảo cổ. Ta biết, hóa thạch xương cốt xưa nhất của người Việt Nam chỉ dừng lại tại thời điểm 32.000 năm trước ở văn hóa Sơn Vi. Xin hỏi: phải chăng tại Việt Nam trước thời Sơn Vi không có người sinh sống? Không phải vậy bởi vì khảo cổ đã tìm được xương cốt người đàn bà Mongoloid tại Liễu Giang Quảng Tây 68.000 năm trước. Muộn hơn một chút là ba hộp sọ người Australoid tại Hang Tam Pà Ling Bắc Lào 63.000 năm! Việc này chứng tỏ, trong điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu Đông Nam Á, giới hạn tồn tại thông thường của xương cốt con người là 30.000 năm. Những bộ xương Liễu Giang, Tam Pà Ling là di vật may mắn được bảo quản tốt hơn, đã nói lên một sự thật bất ngờ: “Người hiện đại Homo sapiens có mặt tại Đông Nam Á muộn nhất từ 68.000 năm trước!” Sự thật khốc liệt khác từ đó bộc lộ: con người sống ở Việt Nam trước văn hóa Sơn Vi đã không để lại dấu vết! Điều này nói lên sự hạn chế, sự bất lực của khảo cổ học khi khảo sát đời sống con người trong quá khứ. Và nó đưa ra phán quyết lạnh lùng: không thể dùng khảo cổ học để khám phá mọi vấn đề của quá khứ nhân loại trong đó có văn hóa Hòa Bình! Để khảo sát văn hóa Hòa Bình mà chỉ dùng khảo cổ học không khác gì leo cây tìm cá!


Một câu hỏi: có cách nào khác để nghiên cứu văn hóa Hòa Bình? Có đó! Nhưng câu trả lời chỉ xuất hiện sau thế kỷ XX. Ngày 29 tháng 9 năm 1998 Giáo sư Y. Chu cùng 13 cộng sự tại Đại học Texas công bố bài viết gây chấn động Washinton DC: Genetic Relationship of Population in China (2) … Lần đầu tiên, bằng phương cách khảo sát DNA người đang sống, di truyền học khám phá: người hiện đại đang sống khắp thế giới là từ châu Phi đi ra. Không chỉ vậy, tài liệu còn nói rằng: “70.000 năm trước, người hiện đại từ châu Phi theo vòng cung Ấn Độ Dương tới Việt Nam. Nghỉ lại ở đây trong vòng 10.000, người từ Việt Nam di cư ra Đông Nam Á và thế giới!”


Hai mươi năm trước, năm 2004, nhận được thông tin từ bài báo của Y. Chu, chúng tôi đã tập trung toàn tâm lực đi tìm cội nguồn dân tộc Việt, bắt đầu từ văn hóa Hòa Bình.


II. NGHIÊN CỨU VĂN HÓA HÒA BÌNH DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA


Từ năm 2004 bỏ chuyện văn chương để tập trung Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt*, tôi luôn trở đi trở lại với Văn hóa Hòa Bình để học ý tưởng của người đi trước. Nhưng với tất cả những gì đọc được, tôi mơ hồ nhận ra, chúng ta đã không hiểu Hòa Bình. Những gì được bày ra trước bàn dân thiên hạ chưa phải là Hòa Bình, chí ít cũng không phải là hồn cốt của Văn hóa Hòa Bình. Và tôi hiểu, vấn đề là phương pháp luận. Thước đo của nhà khảo cổ quá ngắn so với chiều sâu cái giếng không đáy mà ông ta thăm dò! Khảo cổ mở đầu nhưng để hiểu Hòa Bình phải cần đến toàn bộ tri thức nhân loại: cổ nhân học, di truyền học, văn hóa học, sử học và cả … huyền học! Tôi tìm hiểu Văn hóa Hòa Bình theo phương cách đó.


A. Người Hòa Bình đi ra thế giới


Sau bài viết của Y. Chu, công trình của Stephen Oppenheimer (3) cho thấy, 70.000 năm trước, đoàn di cư châu Phi tới phía Tây đảo Borneo. Tại đây người di cư chia tay nhau. Một dòng đi về Nam Thái Bình Dương và châu Úc. Một dòng đi lên chiếm lĩnh đất Việt Nam. Thông tin từ Oppenheimer rất quý nhưng tiếc là chưa cho biết người di cư thuộc chủng tộc nào? Rất khó để đi tiếp! May là trong cuốn Nhân chủng học Đông Nam Á, Giáo sư Nguyễn Đình Khoa bằng việc khảo sát 35 sọ thời đá mới và 35 sọ thời kim khí tìm được ở Việt Nam, đã cho biết: “ a- Vào thời Đá mới, cư dân Đông Nam Á thuộc hai đại chủng Australoid và Mongoloid cùng với các loại hình hỗn chủng giữa chúng cộng cư với nhau, trong đó Indonesien và Melanésien là hai thành phần chủ yếu. b- Sang thời Đồng-sắt, trên toàn Đông Nam Á diễn ra việc chuyển hóa mạnh từ loại hình Indonesien sang loại hình Nam Á (Mongoloid phương Nam). Thành phần Australoid thu hẹp đến tối đa trong khu vực.”(4)


(Thưa bạn đọc, tới đây nảy sinh vấn đề mà tôi phải thưa trước để tránh hiểu lầm đáng tiếc. Rất có thể ai đó sẽ quy kết “đem mê tín vào khoa học”! Chúng tôi biết rằng, mọi hoạt động của con người trên Trái đất đều giải phóng năng lượng kèm theo thông tin, được tồn trữ tại nơi nào đó trong vũ trụ. Ai có duyên, thu được năng lượng từ vũ trụ sẽ nhận được thông tin quý. Nhiều năm trước, chúng tôi đã thử dùng con lắc cảm xạ dò tìm được vị trí kinh đô của nhà nước Thần Nông tại Lương Chử vùng Thái Hồ và kinh đô Thành Đầu Sơn của nhà nước Văn Lang của các vua Hùng bên Hồ Động Đình. Nay chúng tôi thử dùng con lắc cảm xạ để tìm số lượng người châu Phi di cư tới Việt Nam cũng như người từ Việt Nam đi ra thế giới và thu được kết quả đáng chú ý. Không thể kiểm chứng, gần như là xem bói. Xin các bạn đừng vội tin. Hãy nghi ngờ và phản biện cho tới khi ai đó đưa ra con số chính xác, tôi sẽ vô cùng cảm ơn và cúc cung học theo.)


- 70.000 năm trước, trên đường sang phương Đông, đoàn người di cư tới phía Tây đảo Borneo rồi tại đây họ chia tay nhau. Khoảng 3000 người đi về Nam Thái Bình Dương, trong đó có 500 người tới nước Úc. Cộng đồng này làm nên dân cư đầu tiên của Nam Thái Bình Dương và châu Úc. Nhưng do điều kiện riêng, số lượng người tăng lên không đáng kể. Sau này họ sáp nhập với người của đợt ra khỏi Việt Nam 50.000 năm trước, làm nên dân cư của vùng Nam Thái Bình Dương và châu Úc.


- 6000 người châu Phi từ phía Tây đảo Borneo đi tới Việt Nam. Trong đó đại chủng Australoid có 5000 người và đại chủng Mongoloid có 1000 người. Tại Việt Nam, người Australoid và Mongoloid hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ là Indonesian, Melanesian, Mongoloid và Negritos. Người Mongoloid giảm dần số lượng do quá trình hòa huyết một số người đã chuyển hóa thành người Indonesian và Melanesian. Có lẽ do không chịu để mất giống nên khoảng 300 người Mongoloid rủ nhau đi lên sống biệt lập ở vùng lạnh giá Tây Bắc. Điều này dẫn tới hiện tượng là, trong thời đồ đá ở phương Đông không có di cốt người Mongoloid (ngoài bộ xương hóa thạch củangười đàn bà Liễu Giang).


- 50.000 năm trước, có 100.000 người Việt cổ Indonesian, Melanesian, Negritos ra khỏi Việt Nam, tới chiếm lĩnh lục địa Sundaland (vùng hải đảo Đông Nam Á hiện tại), vùng Nam Thái Bình Dương và châu Úc. Một dòng rẽ sang phía Tây, chiếm lĩnh Tiểu lục địa Ấn Độ lúc này vô chủ. Người Negritos chiếm lĩnh hai quần đảo Nicoba và Andaman làm nên cộng đồng da đen của Ấn Độ.


- 40.000 năm trước, khi khí hậu phía Bắc ấm lên, khoảng 40.000 người Việt cổ từ Việt Nam đi lên chiếm lĩnh Hoa lục, từ lưu vực Dương Tử tới lưu vực Hoàng Hà. Năm 2001, khảo cổ học tìm được tại hang Điền Nguyên những mảnh xương chân người hiện đại. Di truyền học xác nhận: “Người từ Hòa Bình Việt Nam tới Hang Điền Nguyên huyện Chu Khẩu Điếm, trở thành tổ tiên người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và thủy tổ người bản địa châu Mỹ.” (5) Cũng thời gian này, cộng đồng người Mông Cổ với khoảng 10.000 người từ Tây Bắc Việt Nam theo hành lang Ba Thục đi lên Mông Cổ, trở thành chủng Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid). Một dòng người từ Hoa lục đi lên Đông Bắc châu Á và 30.000 năm trước có 5000 người qua eo Bering sang chiếm lĩnh châu Mỹ.


- Từ phía Tây Hoa lục, khoảng 10.000 người Việt cổ đi vào Trung Á rồi tới châu Âu. Tại đây họ gặp người Europid từ Trung Đông qua eo Bosphorus rới. Hai dòng người hòa huyết sinh ra người European tổ tiên người châu Âu.


Như vậy là, trong vòng 30.000 năm, (70.000 tới 40.000 năm trước), từ 6000 người châu Phi di cư tới Việt Nam đã cho 165.000 người ra khỏi Việt Nam, làm nên dân cư thế giới ngoài châu Phi. Điều này cho thấy, người Việt cổ có tốc độ sinh sản nhanh, khiến cho người Việt Nam trở thành tổ tiên nhân loại ngoài châu Phi.


Cổ nhân dạy, thiên cơ bất khả lậu. Nhân dịp “lộ thiên cơ” này tôi dừng trang viết ở đây, hỏi thêm: “Sau cuộc di cư 50.000 năm trước, dân số trên đất Việt Nam còn bao nhiêu?” Con lắc trả lời “một triệu người.” Vậy sau cuộc di cư lên Đông Á, dân số Việt Nam là bao nhiêu? Con lắc nói “ 1, 2 triệu người!” Tất cả những con số này đều không thể kiểm chứng. Tôi ghi lại một cách trung thực. Mong rồi sẽ nhận được chỉ dạy của bạn đọc.


B. Người Hòa Bình sáng tạo văn hóa phương Đông.


Một điều cần khẳng định, người Việt Nam ngày nay là dân bản địa, hậu duệ của dân cư Hòa Bình từ châu Phi di cư tới. Có ý kiến cho rằng, “Dân di cư châu Phi theo con đường phương Nam làm nên người bản địa Việt Nam và Đông Nam Á mã di truyền Australoid. Khoảng 4000 năm trước, một lượng lớn nông dân Trung Quốc tràn xuống, thay thế người bản địa Australoid, làm nên dân cư Việt Nam hôm nay.” Nhiều lần chúng tôi đã phản bác ý tưởng sai lầm này của học giả phương Tây và Trung Quốc. (6) Chúng tôi chứng minh rằng, đúng là có việc người Mongoloid phương Nam từ Hoa lục đi xuống Việt Nam, giúp chuyển hóa di truyền người bản địa Việt Nam từ chủng Australoid sang chủng South Mongoloid. Nhưng có hai điều cần nhận rõ:


 i. Người nông dân Trung Quốc là con cháu người Việt cổ đi lên Hoa lục từ 40.000 năm cho tới 7000 năm trước mà không phải  “người từ châu Phi di cư theo con đường phương Bắc tới” như nhiều học giả hiểu lầm. Những người này do hời hợt chủ quan nên không để ý rằng, người nông dân Trung Quốc mang mã di truyền North Mongoloid được sinh ra tại Nam Hoàng Hà như sau. Khoảng 7000 năm trước, tại văn hóa Ngưỡng Thiều Nam Hoàng Hà, người Việt cổ Australoid gặp gỡ hòa huyết với người North Mongoloid trồng kê trên bờ Bắc, nên chuyển hóa di truyền sang chủng Mongoloid phương Nam. Từ đây họ tăng số lượng, trở thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà. Khoảng 4000 BP họ di cư trở về Việt Nam, chuyển hóa người Việt Nam và Đông Nam Á từ chủng Australoid sang chủng North Mongoloid. Trong khi đó, nếu là người di cư châu Phi theo con đường phương Bắc tới, họ sẽ mang haplogroup N, được gọi là đại chủng Mongoloid


ii. Lưu vực Hoàng Hà là vùng được thoát khỏi băng giá sau cùng nên phát triển muộn, dân cư thưa thớt. Di chỉ phát hiện sớm nhất là Giả Hồ có tuổi 9000 năm trước nhưng nông nghiệp và văn hóa đã rất phát triển. Điều này chứng tỏ, sau khi Kỷ Băng Hà cuối cùng kết thúc, người Việt cổ từ Nam Dương Tử đi lên khai phá đất mới, đã mang theo gia sản của mình lên. Khoảng 4000 năm trước có cuộc di dân từ lưu vực Hoàng Hà về phía Nam. Số lượng người trở về rất nhỏ nên chỉ chuyển hóa di truyềnkhông thay thế dân cư Việt Nam. Chứng cứ như sau, theo di truyền học, nếu nông dân Trung Quốc “thay thế người bản địa Australoid làm nên dân cư Việt Nam hiện đại” thì người Việt Nam phải là con cháu người Trung Quốc. Như vậy, người Việt Nam phải có đa dạng sinh học nhỏ hơn người Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi khảo sát DNA dân cư Việt Nam đều cho thấy, người Việt Nam có đa dạng sinh học cao nhất trong dân cư châu Á. (7) Điều này chứng tỏ người Việt Nam là tổ tiên dân cư châu Á.


(Xin mở ngoặc. Ở đây có sự tế vi của di truyền học, quá sâu về chuyên môn nhưng tôi thấy cũng cần nói rõ để tránh hiểu lầm. Số là 70.000 năm trước, khi tới Việt Nam thì người Australoid có 5000, còn người Mongoloid có 1000. Do vậy, khi lai giống thì những lứa con ban đầu vừa có người Australoid vừa có người Mongoloid. Nhưng sau đó, do người Australoid áp đảo nên người Mongoloid sinh ra mỗi ngày một giảm. Phải chăng vì tiên lượng sẽ dẫn tới họa mất giống? Hay do sự nhiệm màu nào của tạo hóa, có 300 người Mongoloid da vàng “nghỉ chơi” với bọn da đen quá đông “ăn hiếp”, rủ nhau chịu khó chịu khổ “trốn” lên vùng giá lạnh Tây Bắc, sống biệt lập. Nỗi lo của họ đã đúng vì sau đó, người Mongoloid biến mất. Suốt thời đồ đá, trên đất Việt Nam và Đông Nam Á không có người Mongoloid. Trong cuốn sách của mình, Giáo sư Nguyễn Đình Khoa cũng không hiểu họ từ đâu ra vào thời kim khí. Học giả Trung Quốc cũng không hiểu nên đoán là họ từ phía Nam lên. Chỉ mãi sau này, truy gen những người từ Việt Nam lên Hoa lục, chúng tôi mới biết là họ từ vùng Ba Thục lên Nội Mông 40.000 năm trước, hình thành chủng North Mongoloid. Họ săn bắt hái lượm trên đồng cỏ tới 7000 năm trước thì có mặt ở văn hóa Ngưỡng Thiều, kết hợp với người Việt cổ mã gen Australoid , sinh ra người Mongoloid phương Nam, được gọi là người Việt hiện đại (Nguyễn Đình Khoa, 4). Từ Ngưỡng Thiều họ lan tỏa ra khắp lưu vực Hoàng Hà và chuyển hóa di truyền người Việt cổ sang người Việt hiện đại. Từ đó người Việt hiện đại trở thành chủ thể dân cư lưu vực Hoàng Hà. Do nguyên nhân nào mà chúng tôi chưa rõ, khoảng 4000 BP, có một đợt di cư của người North Mongoloid từ Nam Hoàng Hà xuống Việt Nam và đông Nam Á. Người di cư hòa huyết với dân Australoid tại chỗ, bổ sung máu Mongoloid cho coi lai, chuyển hóa họ sang chủng Mongoloid phương Nam. Như trò chơi domino, dân bản địa Việt Nam và Đông Nam Á nhanh chóng chuyển thành người Việt hiện đại, chủng Mongoloid phương Nam. Xin đóng ngoặc) 


Một vấn đề cần được làm rõ: vì sao người Việt Nam đạt được sinh suất cao như vậy? Trước hết phải nhờ vào lợi thế của khí hậu, đất đai vùng nhiệt đới giúp cây cối, muông thú phát triển nhanh cung cấp nguồn thực phẩm nuôi sống con người cũng như tạo thuận lợi cho con người phát triển. Bên cạnh đó là nhờ người Việt sớm biết trồng cấy rau củ quả. Từ nhiều nguồn tư liệu, ta biết rằng, ngay trên đường từ châu Phi ra thế giới, người di cư đã bắt đầu trồng rau mà cây trồng đầu tiên được ghi nhận là bầu bí. Trái xanh để ăn, trái già làm bình đựng nước rất tiện lợi. Khi sống trên đất Việt, trong điều kiện đất đai và khí hậu thuận lợi, các loại rau đậu, củ quả được trồng nhiều hơn, cung cấp thức ăn nuôi sống con người. Chính điều đó giúp cho người Việt sớm làm kinh tế nông nghiệp, trở thành dân cư thành thạo nghề nông đầu tiên trên thế giới như hai học giả Carl Sauer và Wilhem Solheim II  mô tả. Từ đó người nông dân Việt Nam đã chọn lọc và thuần hóa hệ cây trồng và vật nuôi phong phú.


Nhờ nghề nông, người Việt sáng tạo được kho tàng tiếng nói phong phú bậc nhất thế giới. Học giả người Pháp Henri Frey, tác giả của ba cuốn sách viết về ngôn ngữ phương Đông và Việt Nam khẳng định ‘Tiếng Việt là mẹ các ngữ” (L'annamite mère des langues). (8)


Nhờ nghề nông người Việt nắm chắc mối quan hệ hữu cơ giữa cây trồng và môi trường, học được lối sống đề cao người phụ nữ và tôn trọng như nhau các yếu tố khác nhau của môi trường. Từ đó học được cách tư duy tổng hợp. Âm và Dương là hai mặt đối lập của vũ trụ nhưng không triệt tiêu nhau mà cùng tồn tại trong mọi sự vật và hiện tượng: trong Âm có Dương, trong Dương có âm. Thế giới có năm Hành Kim, Mộc, Thủy, Thổ, Hỏa tương sinh tương khắc vận hành theo Dịch lý. Từ đó người Việt sáng tạo văn hóa Việt Nho làm nên văn minh phương Đông.


Học giả phương Tây cho rằng, văn minh thế giới nảy sinh từ Lưỡng Hà rồi lan tỏa ra châu Âu và thế giới. Nên văn minh phương Tây dẫn dắt văn minh nhân loại. Đó là sự hiểu lầm suốt hai thế kỷ XIX và XX. Trong khi đó thực tế cho thấy văn minh phương Đông phát triển từ 70.000. 40.000 năm trước, người phương Đông di cư sang phương Tây làm nên con người và văn minh phương Tây. Di chỉ khảo cổ xưa nhất ở phương Tây tại Mesotamia chỉ có tuổi 7000 năm. Trong khi đó, văn hóa Hòa Bình có tuổi 70.000 năm trước. Phương Đông nhận ra thế giới có hai trung tâm văn minh Đông và Tây. Mỗi văn minh có đặc trưng khác nhau và quy luật phát triển khác nhau. Không có chuyện văn minh phương Tây phát triển trước, dẫn dắt nhân loại. Ngược lại, văn minh nhân chủ nhân bản phương Đông sẽ cứu thế giới đang trong tình trạng suy thoái hiện nay.


IV. Kết luận


Từ hiểu biết mới về văn hóa Hòa Bình, cần khẳng định những tư tưởng sau:


i- Về thời gian: Văn hóa Hòa Bình là nền văn hóa bản địa, do người di cư châu Phi tới Việt Nam tạo dựng lên, có thời gian từ 70.000 năm trước tới cuối thời đá mới 4000 năm trước.


ii. Chủ nhân văn hóa Hòa Bình là người Việt do người di cư châu Phi tới Việt Nam 70.000 năm trước sinh ra. Ban đầu gồm bốn chủng người Indonesian, Melanesian, Mongoloid và Negritos. Nhưng sau đó chủng Mongoloid ẩn cư tại vùng giá lạnh Tây Bắc và chủng Negritos ra khỏi Việt Nam nên chỉ còn lại hai chủng Indonesian và Melanesian. Đến thời kim khí, do được bổ sung gen Mongoloid nên trên đất Việt chỉ còn một chủng người duy nhất Mongoloid phương Nam. Trong đó, người (nguyên) Indonesian được gọi là chủng Mongoloid phương Nam điển hình, phân bố chủ yếu ở phía Bắc. Trong khi người (nguyên) Melanesian được gọi là dạng Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam phân bố chủ yếu ở miền Trung và Tây Nguyên (Nguyễn Đình Khoa 4). Một điều cần khẳng định, dân cư trên đất Việt Nam đều là người bản địa. Cho rằng người Chăm là dân Malayo-polynesia nhập cư là do ngộ nhận của học giả Viễn Đông Bác Cổ. Người Bắc Sơn cũng là dân cư Hòa Bình mà không phải dân cư từ ngoài du nhập như bà Melani đề nghị.


iii. Về tên gọi: xin xóa bỏ những tên gọi không thỏa đáng trước đây như truyền thống Hòa Bình hoặc phức hợp kỹ thuật Hòa Bình (Hoabinhian – Technocomplex) để thống nhất dùng tên gọi là Văn hóa Hòa Bình. Đồng thời khẳng định đó là văn hóa đá mới sớm nhất của thế giới, xuất hiện khoảng 23000 năm trước. Di truyền học đã chứng minh, con người ngoài châu Phi đều từ Hòa Bình đi ra nên có chung nguồn gốc. Vì vậy tên gọi văn hóa Hòa Bình là chính xác.


iv. Về ý nghĩa của Văn hóa Hòa Bình: Văn hóa Hòa Bình là cội nguồn của văn minh nhân loại.


Con người và văn hóa phương Tây xuất hiện muộn hơn phương Đông 30.000 năm. Nhưng do sự trớ trêu của lịch sử, phương Tây nắm quyền lãnh đạo khoa học, đã áp đặt phương Đông phải theo tiêu chuẩn phương Tây. Nay tới lúc cần thay đổi quan niệm để đem lại sự chính xác cho học thuật.


Khám phá ra văn hóa Hòa Bình là công lao của khảo cổ học. Nhưng do hạn chế thuộc về bản nguyên của nó nên khảo cổ học không thể giải quyết mọi vấn đề của Văn hóa Hòa Bình. Sau một thế kỷ nghiên cứu, ta nhận ra, Hòa Bình là văn hóa lớn, cần vận dụng toàn bộ trí tuệ nhân loại để làm sáng tỏ giá trị của nó. Theo chúng tôi, có thể nhận định về Văn hóa Hòa bình như sau:


- Văn hóa Hòa Bình được bắt đầu từ 70.000 năm trước, khi người di cư châu Phi theo vòng cung Ấn Độ Dương tới Việt Nam. Hai haplogroup M và haplogroup N trong dòng người di cư hòa huyết sinh ra người Việt cổ. 50.000 năm trước, người Việt cổ từ Việt Nam di cư ra Sundaland, đi xuống Nam Thái Bình Dương và châu Úc. Một dòng đi về phía Tây chiếm lĩnh tiểu lục địa Ấn Độ. 40.000 năm trước, người từ Hòa Bình Việt Nam đi lên Hoa lục, làm nên dân cư Đông Á, Bắc Á, dân cư châu Mỹ và châu Âu.


-Trong điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi, người Hòa Bình sớm nuôi trồng thực vật, động vật, phát triển kinh tế nông nghiệp. Một mặt góp phần tăng nhanh nhân khẩu đồng thời hình thành nền văn hóa nông nghiệp dân chủ nhân bản.


- Văn hóa Hòa Bình là nền văn hóa nông nghiệp phát triển sớm, theo nếp tư duy nhân chủ nhân bản nên trở thành trung tâm của văn hóa nhân loại. Trong tương lai, văn hóa Việt nho phương Đông sẽ là nguồn tư tưởng, tâm linh chủ đạo dẫn dắt nhân loại.


- Về việc kỷ niệm và vinh danh văn hóa Hòa Bình. Hòa Bình là nền văn hóa vĩ đại, nơi đó sinh ra toàn bộ nhân loại ngoài châu Phi nên là nơi khởi nguồn của văn minh nhân loại. Cần tuyên truyền cho thế giới biết ý nghĩa này. Hòa bình là ngôi nhà chung của nhân loại khi còn thơ ấu vì vậy cần dựng tại nơi thích hợp ngôi nhà chung, như đình làng để nhân loại từ khắp nơi hành hương về gặp gỡ vì mục tiêu hòa bình và tình thân hữu.


Sài Gòn, 24.1. 2024


* Hà Văn Thùy - Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt. NXB Văn học. H, 2006


Tài liệu tham khảo:


1. Nguyễn Khắc Sử. Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam sau gần một thế kỷ phát hiện và nghiên cứu.


https://baotanglichsu.vn/DataFiles/2021/10/News/Ti%E1%BA%BFng%20Vi%E1%BB%87t/12.10.2021/Thong%20bao%20khoa%20hoc/Van%20hoa%20Hoa%20Binh%20sau...%20Nguyen%20Khac%20Su.pdf)


2. J.Y. Chu at al. Genetic relationship of populations in China.

https://www.pnas.org/doi/10.1073/pnas.95.20.11763


3. Stephen Oppenheimer. Out of Eden - The Peopling of the World - Bradshaw Foundation https://www.bradshawfoundation.com/books/out_of_eden.php


4. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. DH&THCN. H, 198 


5. Sergio Prostak. DNA Analysis Reveals Common Origin of Tianyuan Humans and Native Americans, Asians.  http://www.sci-news.com/othersciences/anthropology/article00842.html


6. S. Pischedda. Phylogeographic and genome-wide investigations of Vietnam ethnic groups reveal signatures of complex historical demographic movements.


https://www.nature.com/articles/s41598-017-12813-6


7. S. w. Ballinger. Southeast Asian Mitochondrial DNA Analysis Reveals Genetic Continuity of Ancient Mongoloid Migrations


https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/1346259/


 8. Henri Frey. L'annamite, mère des langues: communauté d'origine des races celtiques ...


https://books.google.com › books