VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 1 - THỨ BA 13 FEB 2024
Việt Nam tự sản xuất vũ khí, kể cả vũ khí chiến lược
VOa 13/02/2024
Bộ Trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang. (Source: VNA)
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam nói nước này đã chủ động tự sản xuất vũ khí để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài, bao gồm cả “vũ khí chiến lược mang thương hiệu quốc gia”. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc xung đột trên thế giới dường như đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp vũ khí cho đất nước vốn phụ thuộc nhiều vào Nga.
“Đã từng bước chủ động, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào nghiên cứu, sửa chữa, cải tiến, sản xuất được nhiều chủng loại vũ khí mới trang bị cho Quân đội, trong đó có cả những vũ khí chiến lược”, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên Cổng thông tin Chính phủ hôm 12/2, khi ông trả lời về công tác xây dựng quân đội và thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng trong năm 2023.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết thêm rằng công tác hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, khoa học quân sự “đã đạt được những tiến bộ mới rất đáng mừng”, với việc “chủ động nghiên cứu, sản xuất thành công một số loại nhiên liệu đặc chủng và vật tư kỹ thuật, giảm phụ thuộc vào đối tác nước ngoài”.
Trong năm tới, công tác hậu cần, kỹ thuật của quốc phòng Việt Nam đặt mục tiêu “phát triển công nghiệp quốc phòng, đủ năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí chiến lược mang thương hiệu Việt Nam”, vẫn lời Đại tướng Giang.
Ông Giang không đưa ra chi tiết về các vũ khí chiến lược mà bộ quốc phòng Việt Nam đang sản xuất hay nhắm tới.
Quân đội Việt Nam dường như chưa công khai định nghĩa về vũ khí chiến lược. Theo Từ điển Cambridge, “vũ khí chiến lược” là loại vũ khí được thiết kế để đánh kẻ thù từ một khoảng cách xa, trong khi Từ điển Britanica viết rằng “hệ thống vũ khí chiến lược” là hệ thống vũ khí để đánh thẳng vào nguồn sức mạnh quân sự, kinh tế, hoặc chính trị của kẻ thù, đó có thể là tên lửa đạn đạo tầm xa hoặc các loại vũ khí hạt nhân.
Cách đây gần một tháng, hôm 16/1, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Chính uỷ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, cho báo giới Việt Nam biết rằng biết cơ quan này sẽ tập trung “đầu tư sản xuất thành công các chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại và chiến lược”, trong đó hướng tới “làm chủ được thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi, tăng tỷ lệ nội địa hóa”.
Cũng vào tháng trước, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho hay sẽ tổ chức triển lãm quốc phòng quốc tế vào tháng 12 năm nay nhằm “thúc đẩy hợp tác quốc phòng, chia sẻ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ” cũng như “mở rộng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng với các nước, các đối tác quốc tế”.
Dự kiến trong triển lãm 2024 này, Binh chủng Hóa học của Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ ra mắt 25 sản phẩm đặc chủng mà binh chủng này nói do họ “tự nghiên cứu, sản xuất”.
Việt Nam là một trong 20 nước mua vũ khí lớn nhất trên thế giới trong bối cảnh căng thẳng thường xuyên với Trung Quốc và đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga, vốn là nhà cung cấp thiết bị quốc phòng chính của Việt Nam, theo Reuters.
Việt Nam nằm trong nhóm các nước mua vũ khí nhiều nhất của Israel trong giai đoạn từ 2018 đến 2022. Nhưng với việc Israel có xung đột với nhóm Hamas ở Gaza từ tháng 10/2023, giới chuyên gia cho rằng tình hình này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cho Việt Nam. Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), Việt Nam đứng thứ 5 – sau Ấn Độ, Azerbaijan, Philippines và Mỹ – về lượng vũ khí nhập từ Israel với tổng trị giá 180 triệu USD trong giai đoạn kể trên.
Ngoài ra, cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine được cho là đã đẩy nhanh quyết tâm thoát khỏi sự lệ thuộc vào vũ khí Nga của Việt Nam, theo các nhà quan sát. Từ trước đến nay, Nga vẫn là quốc gia cung cấp nhiều vũ khí nhất cho Việt Nam, chiếm từ 70%-80% nguồn cung cho Việt Nam, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Cơ quan này cho biết từ năm 1995 đến năm 2022, tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam đạt 9,1 tỷ USD, trong đó từ Nga chiếm 7,4 tỷ USD (khoảng 81,5%).
Việt Nam đứng thứ 15 trong danh sách các nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới từ năm 2010 đến năm 2022. Cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản, Việt Nam nằm trong top 6 nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương giai đoạn 2010-2022, theo thông tin của Cơ quan Thương mại Quốc tế của Mỹ (ITA).
Reuters vào tháng trước tường thuật rằng Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu các vũ khí sản xuất trong nước, chủ yếu các vũ khí được chế tạo cùng với các đối tác nước ngoài.
Hãng tin Anh cho biết quốc gia này đang sản xuất vũ khí loại nhỏ, đạn dược, máy bay không người lái và xe bọc thép cùng với các loại vũ khí khác.