Ls Nguyễn Xuân Phước: "Thân Thanh Triều nên mất nước"

14 Tháng Sáu 201511:18 CH(Xem: 19993)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ HAI 15 JUNE 2015

Ý kiến: 'Thân Thanh Triều nên mất nước'

Luật sư Nguyễn Xuân Phước Hiện sống tại Texas, Hoa Kỳ
blank
 Ấn Vàng của Vua Gia Long:một triều đại bắt đầu bằng nhiều trợ giúp từ Phương Tây

Luật sư Nguyễn Xuân Phước từ Texas viết về bài học Triều Nguyễn và xu hướng thân Trung Hoa đưa tới chỗ mất nước và so sánh với tình trạng lệ thuộc tư tưởng ngày nay:

Năm 1802 Nguyễn Ánh diệt được nhà Tây Sơn, lên ngôi lấy hiệu là Gia Long và chọn Phú Xuân làm kinh đô. Đến đời Minh Mạng cố đô Thăng Long đổi thành Hà Nội. Nhưng quá trình thống nhất và sự sai lầm trong việc chọn lựa con đuờng phát triển đất nước ở các triều đại nhà Nguyễn đã đánh mất cơ hội phục hưng tổ quốc, làm tiêu tán nội lực dân tộc, dẫn đưa đất nước đến giai đoạn đánh mất nền độc lập.

Khi Nguyễn Ánh phát động chiến tranh chống lại nhà Tây Sơn, ngài đã dựa vào hai thế lực ở nước ngoài. Đó là lực lượng của người Tây phương và lực lượng người Trung Hoa.

Đứng đầu lực lượng Tây phương phò Nguyễn Ánh là đức giám mục Bá Đa Lộc. Nguyễn Ánh gặp giám mục Bá Đa Lộc khi ngài bôn tẩu ở Vọng Các, kinh đô của Xiêm La, tức Thái Lan. Từ đó, mối quan hệ của hai nguời trở nên mật thiết. Để vận động sự trợ giúp của Pháp quốc, Nguyễn Ánh đã giao hoàng tử Cảnh lúc mới lên bốn cho giám mục Bá Đa Lộc. Đồng thời giám mục có toàn quyền ký hiệp định với hoàng đế Pháp để giúp cho Nguyễn Ánh đánh nhà Tây Sơn. Sau đó ông trở về Pháp để vận động viện trợ cho Nguyễn Ánh. Ngài đã thay mặt Nguyễn Ánh ký hiệp ước 1787 dùng các đảo Côn Sơn và các đảo ngoài khơi Đà Nẵng (là Hoàng Sa) để đổi lấy viện trợ quân sự. Nhưng việc thi hành hiệp ước 1787 với Pháp thất bại.

Sau đó giám mục Bá Đa Lộc đã bỏ tiền túi cũng như vận động tài chánh riêng để mua khí giới và đưa sĩ quan Pháp về huấn luyện cho quân Nguyễn Ánh. Những người Pháp giúp cho Nguyễn Ánh như Sạc Ne (Charner) và Sai Nhô (Chaigneau) đều được tham dự triều chính của vua Gia Long khi ngài lên ngôi.

Chúng ta có thể khẳng định rằng vua Gia Long là vị vua Á Châu đầu tiên biết xử dụng nhân tài Tây Phương để phục vụ cho đất nước.

Hai phe đấu đá

blank
Hai phái Nho học và thân Phương Tây giằng xé chính trị nhà Nguyễn


Người đầu tiên chịu ảnh hưởng Tây phương trong triều đình Gia Long là hoàng tử Cảnh. Hoàng tử Cảnh được vua cha Gia Long cho theo đức giám mục Bá Đa Lộc từ lúc ông mới 4 tuổi. Ở tuổi thơ ấu này, hoàng tử Cảnh rất dễ tiếp thu văn hoá và ngôn ngữ Tây phương. Có lẽ hoàng tử Cảnh là vị hoàng tử Á Châu đầu tiên được theo Tây học ở cuối thế kỷ thứ 18. Tuy lịch sử không nói nhiều đến cuộc đời của hoàng tử Cảnh, ngày nay chúng ta có thể suy luận được rằng hoàng tử Cảnh là người tiếp cận văn hoá tây phương rất sớm, thông thạo Pháp ngữ, Latin và có quan hệ rất tốt với Tây phương.

Ngoài ra, cánh quân sự trong triều đình Gia Long là thành phần chịu ảnh hưởng của Tây phương. Họ là những người trực tiếp xử dụng vũ khí của Tây phương. Đứng đầu cánh thân Tây phương này là tả quân Lê Văn Duyệt cùng các tướng lãnh như tiền quân Nguyễn Thành.

Phe thân Trung Hoa là những người Minh Hương đã gia nhập lực lượng của Nguyẽn Ánh để chống Tây Sơn. Người Minh Hương là những người Trung Hoa phục vụ cho nhà Minh xin tỵ nạn chính trị tại Đại Việt khi nhà Thanh diệt nhà Minh. Những người Minh Hương thoạt đầu là những người của tổ chức Thiên Địa Hội có ý chí phản Thanh phục Minh.

Tuy nhiên từ thời Khang Hy trở đi, nhà Thanh đã bắt đầu bị đồng hoá vào Trung Hoa và Khang Hy bắt đầu những chính sách kinh tế, chính trị làm cho Trung Hoa càng ngày càng phồn thịnh và phát huy văn hoá Trung Hoa lên cao độ. Do đó, ý chí phục Minh của những người Minh Hương không còn nữa. Sau hơn 100 năm sống ở Đại Việt, những người Hoa kiều nầy trở thành một bộ phận của dân tộc nhưng họ vẫn có những mối quan hệ chặt chẽ với mẫu quốc Trung Hoa. Tại Việt Nam lúc bấy giờ người Minh Hương trở thành một lực lượng có xu huớng thân Trung Hoa trong triều Gia Long.

Đứng đầu lực lượng nầy là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh. Ba ngưòi nầy là học trò xuất sắc của một nhà thâm nho gốc Minh Hương là Võ Trường Toản và cả ba được người đương thời gọi là Gia Định Tam Hùng. Cả ba đều tham gia hoạt động phò Nguyễn Ánh từ năm 1788.

Khi Gia Long lên ngôi, Trịnh Hoài Đức được bổ nhiệm làm thượng thư bộ lại kiêm bộ hình và phó tổng tài Quốc Sử Quán. Lê Quang Định được làm Binh Bộ thượng thư, tương đương với bộ trưởng quốc phòng ngày nay. Ngô Nhơn Tịnh sau được thăng Công Bộ thượng thư. Cả ba ông đều dóng những vai trò quan trọng trong mối quan hệ ngoại giao với Trung Hoa.

Nhưng vai trò quan trọng nhất của Trịnh Hoài Đức là được vua Gia Long ủy thác để dạy dỗ cho hoàng tử Đảm. Hoàng tử Đảm sau lên ngôi lấy hiệu là Minh Mạng.
blank
Người Hoa ở Đông Nam Á: nhóm gốc Hoa ở Việt Nam đã tác động đến triều đình Nguyễn

Hai xu hướng thân Tây phương và thân Trung Hoa trong triều Gia Long xung đột gay gắt về vấn đề kế vị hoàng tử Cảnh sau khi hoàng tử qua đời. Khi Trịnh Hoài Đức thuyết phục được Gia Long phế dòng trưởng lập dòng thứ, vua Gia Long đã chọn Minh Mạng làm người kế vị. Khi Minh Mạng lên ngôi, dưới ảnh hưởng của Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh, Việt Nam đã nghiêng hẳn theo mô hình Nho giáo của Thanh triều (Thanh Nho) để phát triển đất nước.

Sau khi phe thân Trung Hoa tạo được ưu thế trong triều đình thì thanh trừng bắt đầu xuất hiện. Tiền quân Nguyễn Thành, tổng trấn Bắc Thành, đã bị gièm pha đến phải uống thuốc độc tự vẫn thời Gia Long. Sau khi lên ngôi, Minh Mạng (1820-1840) triệt hạ dòng dõi của hoàng tử Cảnh bằng cách xử tử vợ và người con trưởng của hoàng tử Cảnh, giáng ngưòi con thứ làm thường dân.

Đối với Lê Văn Duyệt, Minh Mạng chưa dám làm gì và vẫn cho làm tổng trấn Gia Định Thành. Khi Minh Mạng ban hành lệnh cấm đạo thì Lê Văn Duyệt tại Gia Định vẫn chủ trương thân Tây phương và không thực hiện lệnh cấm đạo. Khi Lê Văn Duyệt qua đời, con nuôi là Lê Văn Khôi nổi dậy chống triều đình với sự giúp đỡ của một số người Tây phương trong đó có một linh mục Công giáo. Khi cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi bị dẹp tan thì Minh Mạng mới kết án Lê Văn Duyệt, tước hết các chức vụ và cho xiềng lăng của ông bằng xích sắt.

Về phương diện ngoại giao, Minh Mạng cho giảm dần quan hệ với Tây phương. Những ngườì Pháp làm việc với Gia Long chán nản bỏ về nước. Với những người Minh Hương thân Trung Hoa cầm nắm vận mạng của triều đình, Minh Mạng đã thi hành một loạt các chính sách ngoại giao đi ngược với đưòng lối của Gia Long. Từ một nền chính trị ngoại giao khai phóng của Gia Long với những quan hệ rộng rãi với các quốc gia trên thế giới, Minh Mạng và các vua kế vị Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883) cùng triều đình thân Trung Hoa đã bắt đầu một nền chính trị cục bộ, thiển cận với chính sách bế môn toả cảng, đoạn tuyệt với Tây phương, ban hành lệnh cấm đạo.

Mê văn chương xao nhãng quân sự
blank
Sức mạnh quân sự yếu đi vì triều đình trọng từ chương, thơ phú

Do ảnh hưởng của Thanh Nho, triều đình nhà Nguyễn từ Minh Mạng trở đi chỉ chú trọng đến văn chương thi phú biền ngẫu, đi theo con đường trọng văn và xao lãng vấn đề quân sự và quốc phòng.

Đây là lý do, sau khi Gia Long băng hà, sức mạnh quân sự của triều Nguyễn suy giảm hẳn. Khi các tướng lãnh thuộc thế hệ Gia Long qua đời, các tướng lãnh thế hệ kế thừa không đủ tài thao lược để thực hiện chính sách quốc phòng hữu hiệu.

Lực lượng quân sự của Trương Minh Giảng không đủ khả năng duy trì guồng máy cai trị ở Nam Vang. Và Trương Minh Giảng đã bị người Miên đánh đuổi về nước dưới triều Thiệu Trị.

Đến thời kỳ Tự Đức, xu hướng thân Trung Hoa hoàn toàn nắm trọn quyền trong triều đình. Sự kiện này được xác định khi triều đình họp nhau bác bỏ bản điều trần canh tân đất nước của Nguyẽn Trường Tộ. Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) là một nho sĩ theo đạo Thiên Chúa. Ông nổi tiếng thông minh và hay chữ, được người đời gọi là Trạng Tộ. Ông cũng thông thạo nhiều ngôn ngữ Tây phương.

Ông làm thông ngôn cho các giáo sĩ Thiên Chuá trong việc truyền đạo tại Việt Nam. Sau một thời gian đi chu du thế giới, đặc biệt là Pháp và Ý, ông trở về Việt Nam dành mấy năm trời đem tâm huyết của một người yêu nước viết nhiều bản điều trần cải cách và canh tân đất nước dâng lên Tự Đức. Nhưng triều đình Tự Đức với đầu óc cổ hủ của Thanh Nho không đủ tầm nhìn để hiểu được những thế lớn đang bùng ra trong thiên hạ thời bấy giờ. Sau hoàng tử Cảnh năm mươi năm, Việt Nam đã mất đi cơ hội phát triển một lần nữa khi triều đình nhà Nguyễn quay mặt trưóc những yêu cầu canh tân của Nguyễn Trường Tộ.
blank
Sự sùng bái quá khứ du nhập từ Trung Hoa khiến Việt Nam suy yếu

Điều bất hạnh hơn cho dân tộc là lúc ấy giáo điều Thanh Nho đã bắt đầu rã mục. Triều đình nhà Thanh đang trên đà phá sản. Năm 1839 chiến tranh Nha Phiến bùng nổ, nhà Thanh phải ký các hiệp ước biên giới nhượng đất cho Anh và Pháp. Với hiệp ước Nam Kinh, Anh chính thức chiếm đóng Hương Cảng năm 1842.

Với hiệp ước Hoàng Phố 1844, Pháp chính thức đặt chân lên lãnh địa Trung Hoa. Ở mạn bắc, năm 1850 quân đội của Nga Hoàng tràn xuống Hắc Long Giang chiếm đóng Mãn Châu, quê hương của nhà Thanh. Từ 1854 đến 1860, Hồng Tú Toàn và phong trào Thái Bình Thiên Quốc đã chiếm gần một nửa Trung Hoa. Cuối cùng, cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 của phong trào cách mạng Quốc Dân Đảng dưới sự lãnh đạo của Tôn Văn đã lật đổ triều đình phong kiến Mãn Thanh để xây dựng chế độ Cộng Hoà.

Trong khi đó, triều đình nhà Nguyễn vẫn còn như mơ ngủ. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ năm 1860, tức là 20 năm sau khi nhà Thanh bị liệt cường xâu xé và đang dãy chết, triều đình Tự Đức vẫn còn cho người sang Trung Hoa cầu viện. Những tiếng nói đòi cải cách của các sĩ phu yêu nước như Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Nguyễn Lộ Trạch trở thành nổi trăn trở kéo dài hàng thế kỷ của nhiều thế hệ.

Ý hệ Thanh Nho làm triều đình nhà Nguyễn u mê đến nổi không thấy được một thế giới mới đang ra đời với cuộc cách mạng kỹ nghệ đang đẩy xã hội Tây phương lên đỉnh cao của sự phát triển. Và cuộc cách mạng kỹ nghệ đó làm thay đổi cục diện thế giới, cùng lúc làm thay đổi lịch sử nước Việt.

Khi Pháp tấn công Nam Kỳ thì triều đình hoàn toàn không có đủ năng lực quân sự và chiến lược quốc phòng để đối phó. Những võ tướng uy tín trong triều như Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản (cũng gốc người Minh Hương) dù thừa khí phách của nho gia nhưng không đủ tài thao lược quân sự để lãnh đạo cuộc chiến tranh chống xâm lược. Khi Pháp chiếm Sài Gòn thì súng ống và đạn dược của quan quân Triều đình có rất nhiều nhưng quân đội ô hợp không có khả năng chống trả quân xâm lăng. Hậu quả tất nhiên là đất nước đã mất vào tay thực dân.
blank
Nhà Nguyễn cáo chung cùng sự tan rã của mô hình Khổng giáo

Với Hoà Ước Nhâm Tuất 1862 và hoà ước Patenôtre 1884, công cuộc thống nhất đất nước của Gia Long được coi như cáo chung. Việt Nam bước qua trang sử mới, đó là trang sử nô lệ. Và sau 1000 năm giành được độc lập từ Trung Hoa thời Ngô Quyền, nước Đại Việt lại một lần nữa mất quyền tự chủ.

Cái nhục mất nước, tụt hậu của dân tộc Đại Việt ở thế kỷ 19 phát xuất từ nhiều yếu tố lịch sử khác nhau.

Thế nhưng sự chọn lựa mô hình phát triển đất nước, sự ỷ dốc vào Thanh triều trên mặt trận ngoại giao và văn hoá thời kỳ hậu Gia Long, chính sách giao thương phụ thuộc kinh tế Trung Hoa và sự tin tưởng mù quáng vào giáo điều Thanh Nho bất chấp các bản điều trần yêu cầu canh tân của các sĩ phu tiến bộ, là những yếu tố quyết định đưa đất nước vào giai đoạn nô lệ.

Ngày nay, nếu thay giao điều Thanh Nho bằng giáo điều Cộng sản, thì tình trạng Việt Nam gần như tương tự.

BBC 12/6/15 giờ trước

Bài thể hiện quan điểm riêng của Luật sư Nguyễn Xuân Phước và đã được đăng trên Tuần san Trẻ Dallas, Texas, Hoa Kỳ. Tác giả qua thân hữu gửi đến Diễn đàn BBC Tiếng Việt. Quý vị có ý kiến phản biện hoặc đồng ý với tác giả, xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk.

Đọc thêm: 'Việt Nam đang thiếu thảo luận quân sự'
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 18330)
Vấn đề sửa đổi Hiến pháp Việt Nam không chỉ gây sôi nổi dư luận người Việt trong và ngoài nước, mà còn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và tổ chức nước ngoài. Trong tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của ông Jonathan London, giáo sư Đại học Hồng Kông và những khuyến cáo của tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Anh quốc, mang tên Điều 19.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 19253)
Các thể chế chính trị trên thế giới có thể được hình thành bằng những cách thức khác nhau và mang những tính chất khác nhau.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 17623)
Vào lúc 3 giờ 30 chiều ngày Thứ Năm, 13 tháng 6 năm 2013, phái đoàn đảng Việt Tân gồm ông Tổng Bí Thư Lý Thái Hùng, Bác sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Phong và ông Nguyễn Tấn Anh đã có một cuộc gặp gỡ và trao đổi về tình hình nhân quyền tại Việt Nam với ông Tổng Trưởng Ngoại Giao Úc, Thượng Nghị Sĩ Bob Carr tại văn phòng chính phủ tại thành phố Sydney.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 18840)
Hoạt động thường niên của giới vận động dân chủ người Việt mang tên Họp Mặt Dân Chủ vừa được tổ chức tại Hà Lan.
11 Tháng Sáu 2013(Xem: 22219)
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn Shangri-La vừa qua đánh dấu một chuyển biến trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam và vẫn đòi hỏi có thêm các đánh giá đúng mức sau nhiều bình luận khen chê trong và ngoài nước.
28 Tháng Năm 2013(Xem: 22740)
Những định nghĩa pháp lý cho các chính thể Việt trong cuộc chiến chấm dứt ngày 30/4/1975 có vai trò quan trọng cho lập luận của Việt Nam về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự quan trọng này không chỉ vì công hàm 1958 của Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng, mà còn vì Hà Nội đã không khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1954 đến 1975-1976.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 18723)
Trong số báo kỳ này, ban biên tập đưa ra đề tài: Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn Hải Ngoại có cần, không cần, hay nửa cần nửa không tham dự vào việc sửa lại Hiến Pháp của nước CHXHCNVN. Đề tài này hiện nay đang tạo nhiềy ý kiến sôi nổi ở trong nước, nhưng ở hải ngoại, ngoài một vài chỉ dấu hạn hẹp (thường là nhận thấy trên một số khẩu hiệu, băng rôn trong các buổi mít tinh) hầu như không thấy có cuộc hội thảo, bàn luận, hay một tổ chức chính trị nào chính thức đưa ra trong các hội luận, diễn đàn mang tính cách công cộng quần chúng.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 20836)
Vấn đề sửa đổi Hiến pháp Việt Nam không chỉ gây sôi nổi dư luận người Việt trong và ngoài nước, mà còn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và tổ chức nước ngoài. Trong tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của ông Jonathan London, giáo sư Đại học Hồng Kông và những khuyến cáo của tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Anh quốc, mang tên Điều 19.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 21974)
Sở dĩ có tên Kiến nghị 72 là vì có 72 người đứng tên trong danh sách đầu tiên ký vào Kiến nghị, bao gồm nhiều nhân sỹ trí thức được nhiều người biết đến như Nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Tương Lai, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, Tiến sỹ Nguyễn Quang A...
23 Tháng Năm 2013(Xem: 22175)
“Cái mà người ta mong đợi là có nói đến Điều 4 nhưng họ không đụng gì đến cái đó cả,” ông than phiền. Ông cũng giải thích rằng hiện thời ở Việt Nam chưa đủ ‘thời cơ’ để tiến tới tự do chính trị, đa đảng phái, dân chủ hoặc đối lập. Điều 4 của bản Hiến pháp, vốn là nền tảng cho quyền lực của Đảng Cộng sản ở Việt Nam, đã bị những người chỉ trích nhận xét là không dân chủ và yêu cầu bãi bỏ.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 19663)
Ông Nguyễn Đình Lộc xuất hiện trong chương trình Thời sự nói về lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc vừa gây tranh cãi khi phát biểu trên Truyền hình Việt Nam phủ nhận vai trò trong kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp của các trí thức, còn gọi là Kiến nghị 72. Hôm 4/2, ông Lộc đã dẫn đầu đoàn 15 nhân sỹ trí thức tới trao kiến nghị cho đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 20390)
Ngày 22/03/2013, đài truyền hình Việt Nam chiếu một đoạn phỏng vấn cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, nói về việc ông ký vào bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp do 72 nhân sĩ trí thức khởi xướng ngày 19/01/2013 và về việc ông làm trưởng đoàn đi trình bản kiến nghị này cho Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngày 04/02/2013.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 19540)
Việc đóng góp ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang dần dần trở thành một phong trào đòi dân chủ ở Việt Nam, mà đi đầu là giới trí thức. Đó là nhận định chung của giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, trong bài trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 24354)
Những người kiến nghị cho rằng dự thảo hiến pháp hiện đang được trưng cầu ý kiến "chưa thấu suốt bản chất của một hiến pháp dân chủ, chưa thể hiện sự tin cậy, tín nhiệm của nhân dân với chính quyền theo tinh thần thỏa thuận kiến tạo một môi trường có sự kiểm soát bên trong và bên ngoài đối với quyền lực".
23 Tháng Năm 2013(Xem: 23510)
Giữa tháng 04/2013, một loạt các đề xuất sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được Ban biên tập soạn thảo tiếp thu, trong đó có phương án đổi lại tên nước thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm qua 20/05, việc đổi tên nước đã đột ngột bị loại khỏi văn bản dự thảo.