Từ việc Indonesia đổi tên biển nhìn lại chuyện sử dụng địa danh Biển Đông

27 Tháng Bảy 201712:59 SA(Xem: 10649)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ  - THỨ  NĂM  27 JULY  2017


Từ việc Indonesia đổi tên biển nhìn lại chuyện sử dụng địa danh Biển Đông


Tiến sĩ Trần Công Trục


14:27 17/07/17


LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về sự kiện Indonesia đổi tên một phần Biển Đông.


Tòa soạn xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này, ngõ hầu cung cấp thêm thông tin đa chiều và làm sáng rõ hơn khía cạnh khoa học của việc sử dụng địa danh trong pháp lý quốc tế.


Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Trần Công Trục.


Thứ Sáu 14/7/2017, Báo Thanh Niên đưa tin, Indonesia ngày 14/7 đặt tên lại vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở phía Bắc quần đảo Natuna, nằm ở rìa phía Nam Biển Đông, là Biển Bắc Natuna. [1]


Khi công bố bản đồ chính thức mới, Thứ trưởng Bộ Hàng hải phụ trách vấn đề chủ quyền trên biển của Indonesia, Arif Havas Oegroseno, nói rằng:


Vùng biển được đặt lại tên là nơi có các hoạt động dầu khí, được gọi là “Biển Bắc Natuna”, tiếng Anh viết là North Natuna Sea. 


Đây không phải là lần đầu tiên Indonesia nỗ lực đổi tên một phần vùng biển thuộc Biển Đông. 


Hồi tháng Tám 2016, Jakarta đã lên kế hoạch đổi tên vùng biển quanh quần đảo Natuna, khu vực ở phía tây bắc Borneo của Indonesia và vẫn nằm trong phạm vi 200 hải l‎í vùng đặc quyền kinh tế của Jakarta. 


Khi đó, báo South China Morning Post dẫn lời một quan chức chống đánh bắt cá lậu của Indonesia nói rằng:


Nước này sẽ nộp đề xuất lên Liên Hợp Quốc và nếu không ai phản đối... khu vực đó sẽ có tên chính thức là “Biển Bắc Natuna".


Lập tức cũng trong ngày 14/7, Trung Quốc liền có ngay tuyên bố phản đối rằng: việc đổi tên Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) là hành động vô nghĩa. 


Ông Cảnh Sảng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong cuộc họp báo thường lệ:


"Tôi thấy rằng một số quốc gia làm cái việc được gọi là 'đặt lại tên' là chuyện hoàn toàn vô nghĩa, không có ích cho các nỗ lực chuẩn hóa các địa danh...


Chúng tôi hy vọng các quốc gia có liên quan sẽ nhìn về cùng hướng với Trung Quốc và tiếp tục duy trì thích hợp tình thế thuận lợi hiện nay tại vùng biển Nam Trung Hoa, điều không dễ gì đạt được.".


Để lý giải về những tranh cãi nói trên, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về các tên gọi và giá trị pháp lý của chúng.


Đó là những tên gọi được các bên liên quan sử dụng để gọi vùng biển nằm về phía Tây Thái Bình Dương mà hiện nay đang tồn tại những tranh chấp rất phức tạp và nhạy cảm.


1. Biển Đông là một biển rìa lục địa, ở phía tây Thái Bình Dương, là vùng biển nửa kín trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan, bao phủ một diện tích khoảng 3,5 triệu km2. 


Đây là biển lớn thứ tư thế giới, sau biển Philippines, biển San Hô và biển Ả Rập, có vị trí quan trọng về địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - chiến lược… của khu vực và quốc tế. 


Vì thế, vùng biển này và các quần đảo trong đó là đối tượng tranh chấp và xung đột giữa nhiều quốc gia trong vùng, nhất là trong bối cảnh hiện nay.


Vùng biển này được gọi bằng nhiều tên khác nhau, xuất phát từ thói quen truyền thống hay xuất phát từ những mục đích, động cơ khác nhau:


- Người phương Tây gọi biển này là South China Sea (tiếng Anh), Mer de Chine méridionale (tiếng Pháp), Mar da China Meridional (tiếng Bồ Đào Nha). 


Những tên gọi này thường được ghi trên các hải đồ của những nhà hàng hải phương Tây, trong các tài liệu khoa học, pháp lý, chính tri, ngoại giao…


Vì vậy, cho đến nay, chúng đã trở thành địa danh được thừa nhân rộng rãi trên trường quốc tế. 


- Người Việt Nam gọi vùng biển này là Biển Đông. Đây là tên riêng do người Việt Nam dùng để gọi vùng biển này và tên gọi này đã đi vào tiềm thức, tâm khảm của người Việt Nam từ bao đời nay: 


Ca dao Việt Nam có câu: “Thuận vợ thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn. Thuận bè thuận bạn, tát cạn Biển Đông”.


Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, bản chữ Hán viết Biển Đông là 東海 (Đông Hải):


“Quyết Đông Hải chi thủy bất túc dĩ trạc kỳ ô.


Khánh Nam Sơn chi trúc bất túc dĩ thư kỳ ác”.


(Nước Biển Đông không rửa sạch mùi.


Trúc Nam sơn không ghi hết tội).


Vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX, tên Biển Đông đã được Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sử dụng chính thức trong Công hàm gửi đến Tổ chức Khí tượng Thế giới.


image003


Logo của Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông sử dụng tên dịch danh từ Biển Đông sang tiếng Anh là "East Sea", theo Tiến sĩ Trần Công Trục, có thể gây hiểu lầm và trúng bẫy "chuẩn hóa địa danh" của Trung Quốc. Ảnh do tác giả cung cấp.


Trong Công hàm này, Việt Nam đã xin đăng ký thông báo tình hình khí tượng của Biển Đông, viết bằng tiếng Anh là Bien Dong Sea hay tiếng Pháp là Mer de Bien Dong.


- Người Trung Quốc, trong các sử liệu thời Hán (206 trước Công nguyên - 220 sau Công nguyên) và thời Nam Bắc triều (420 - 559), biển này được ghi là 漲海 (Trướng Hải) hay 沸海 (Phí Hải).


Từ thời Đường (618 - 907) đổi gọi là 南海 (Nam Hải). Từ thời cận đại thì có thêm tên gọi là 南中国海 (Nam Trung Quốc Hải) và 中国南海 (Trung Quốc Nam Hải).


- Người Philippines gọi là Biển Luzon, gọi theo tên hòn đảo Luzon của Philippines. Thời gian gần đây thì Manila đổi tên gọi thành Biển Tây Philippines.


 2. Cũng cần khẳng định rằng, về mặt pháp lý, tên gọi không phải là yếu tố có giá trị để khẳng định chủ quyền của một quốc gia đã đặt tên cho một khu vực địa lý nào đó. 


Chẳng hạn: gọi là Ấn Độ Dương không có nghĩa đại dương này thuộc về Ấn Độ; vịnh Thái Lan không có nghĩa là vịnh này hoàn toàn thuộc về Thái Lan; vịnh Bắc Bộ, không có nghĩa vịnh này là hoàn toàn thuộc về Việt Nam…


Cho nên, dù Việt Nam gọi là Biển Đông thì người Việt Nam không bao giờ cho rằng toàn bộ vùng biển này là của Việt Nam. 


Tương tự, người Philippines mới đây gọi vùng biển này là Biển Tây Philippines.


Và mới đây Indonesia gọi một phần Biển Đông nằm ở phía Bắc Natuna là Biển Bắc Natuna, cũng không có nghĩa họ muốn đòi toàn bộ hay một phần vùng biển này thuộc về họ, của riệng họ.


Theo chúng tôi, sở dĩ Philippines, Indonesia mới đây muốn đổi cách gọi như vậy có lẽ là để đối phó với yêu sách của Trung Quốc muốn chiếm trọn Biển Đông.


Trung Quốc đặt hơn 80% diện tích Biển Đông trong “đường lưỡi bò” (hay “đường 9 đoạn”, “đường chữ U”), với lập luận rằng: 


Trung Quốc có “danh nghĩa lịch sử”, “chủ quyền lịch sử” và người Trung Quốc đã từng “phát hiện, sản xuất, sinh sống, đặt tên…”; vì vậy, “quốc tế đã công nhận và gọi vùng biển này là South China Sea (biển Nam Trung Hoa)”…


Như vây, việc thay đổi tên gọi đúng là một việc làm “vô nghĩa”, nếu xét về giá trị pháp lý. 


Tuy nhiên, nếu xét về động cơ chính trị, thì phải thấy rằng việc thay đổi tên gọi nói trên cũng là cách để chống lại yêu sách đường “lưỡi bò” bằng chiến thuật “chuẩn hóa các địa danh” mà chính Trung Quốc đang áp dụng.


Có lẽ cũng vì thế mà có không ít học giả quốc tế cho rằng để tránh hiểu nhầm và bị lợi dụng, nên chăng quốc tế thống nhất gọi vùng biển này là South East Asia Sea (Biển Đông Nam Á).


3. Để tránh bị mắc bẫy “chuẩn hóa địa danh” do Trung Quốc “cài đặt” nhằm hợp thức hóa yêu sách vô lý của họ, nhân sự kiện này, chúng tôi muốn một lần nữa xin lưu ý bạn đọc, các phóng viên báo chí, các học giả, chính khách, các cơ quan quản lý có liên quan của Việt Nam:


Một là, nên thống nhất sử dụng tên gọi “Biển Đông” (viết hoa cả hai từ), không viết là “biển Đông” như vẫn còn tồn tại trên một số văn bản, bài viết…


Hai là, trong các văn bản tiếng Anh thì phải viết là Bien Dong Sea, trong các văn bản tiếng Pháp là Mer de Bien Dong, mà không dịch là East Sea (tiếng Anh) hay Mer de l’Est (tiếng Pháp). 


Để cho người nước ngoài dễ tra cứu, có thể chua thêm tên quốc tế là South China Sea trong các tài liệu nghiên cứu khoa học…


Hiện nay, trong nhiều văn bản,tài liệu, logo, tiêu đề của các cuộc hội thảo, tọa đàm bằng tiếng Anh vẫn còn có sự nhầm lẫn đáng tiếc này.


Tài liệu tham khảo:


[1]http://thanhnien.vn/the-gioi/indonesia-doi-ten-mot-phan-bien-dong-855551.html


Tiến sĩ Trần Công Trục
03 Tháng Ba 2016(Xem: 15792)
XEM THÊM: - Nguồn gốc đình Làng VN
31 Tháng Giêng 2016(Xem: 13730)
"Tài sản của các nhà “tư bản đỏ” và các quan chức ở Trung Quốc thường bị che giấu hoặc phân tán cho nhiều thành viên trong gia đình. Chính tờ Economist trong bài báo đã dẫn cũng thừa nhận rằng Trung Quốc là “nơi mà các bài báo phanh phui gần đây cho thấy nhiều chính trị gia có thế lực đã ngụy trang tài sản của họ bằng cách thuyết phục các bạn bè và gia đình giữ tài sản nhân danh họ” và “các ghi chép tài sản không đáng tin cậy cũng giúp che giấu ai sở hữu cái gì”.
26 Tháng Giêng 2016(Xem: 14342)
"Những nhận thức bảo thủ có thể thay đổi trong một sớm một chiều. Nhưng một con người hủ bại do tham nhũng, do chuyên quyền... thì không thể thay đổi được. Nếu lãnh đạo sắp tới có quyết tâm diệt tham nhũng, Việt Nam đã hội đủ điều kiện ban đầu để phát triển. Nếu các đảng viên hiện đang tham dự Đại hội 12 đặt quyền lợi và tương lai đất nước lên trên thì sẽ phải biết mình bầu cho ai".
24 Tháng Giêng 2016(Xem: 14329)
- "Nhiều người đang trông chờ “Luật về hội”, một đạo luật mà “Quốc hội của Đảng” (chứ không phải của Dân) hứa sẽ ban hành và chưa biết ngày nào sẽ ban hành. Tuy nhiên, nếu cứ trông chờ vào một đạo luật để có thể hội họp và lập hội thì đó có thể chỉ là một giấc mơ hay một ảo tưởng ...". - Xem lại bài 1: Mai Thái Lĩnh, Nhóm lợi ích là gì? http://www.nhatbaovanhoa.com Mục TIN NÓNG.
21 Tháng Giêng 2016(Xem: 15728)
17 Tháng Giêng 2016(Xem: 14788)
"Có thể thấy rằng khi bà Tống Mỹ Linh khuyên Tưởng Giới Thạch chạy ra đảo Đài Loan là bà có ý định trở lại lục địa không phải với vị thế của kẻ trốn chạy. Nhưng khi chứng kiến Đặng Tiểu Bình đã chiến thắng Magaret Thatcher năm 1984 trong việc lấy lại Hồng Kông thì bà đã hiểu vị thế của Đài Loan không còn như dự định được nữa".
10 Tháng Giêng 2016(Xem: 15339)
- Vì sao TBT Nguyễn Phú Trọng chống cho bằng được TT Nguyễn Tấn Dũng? - TT Nguyễn Tấn Dũng bị chống đối trên hai vấn đề: - Thứ nhất là đổi mới thể chế cho phù hợp với nền kinh tế mà nhà nước VN luôn luôn công khai xin các nước phát triển công nhận đó là nền kinh tế thị trường đích thực; - Thứ hai là không đổi độc lập chủ quyền biển đảo lấy "hữu nghị viển vông" với Trung Quốc.
07 Tháng Giêng 2016(Xem: 14041)
"Phải chăng Thủ tướng Dũng đang quyết định việc “thay đổi thể chế cho bằng được”, từ mô hình Nhà nước lãnh đạo toàn diện dịch chuyển sang mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển? Liệu những đề xuất trên của Thủ tướng Dũng có khả năng phủ bóng trên Đại Hội XII của Đảng Cộng Sản Việt Nam?"
05 Tháng Giêng 2016(Xem: 15006)
"Trong sự bi phẫn có chen vào cảm hứng bi hùng từ tứ thơ tuyệt đẹp của người tráng sĩ thời tao loạn ở buổi mạt kỳ vương triều Trần thế kỷ XIV chuyển sang XV trong cuộc chiến không cân sức chống quân xâm lược nhà Minh. Đẹp với hình tượng trong câu thơ mà người đời gọi là “thi trung hữu hoạ”: Thù nước chưa trả mà mái tóc đã bạc sớm, Bao phen mang gươm báu mài dưới bóng trăng. “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch, Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma”.
04 Tháng Giêng 2016(Xem: 14302)
"... nhưng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình cổ vũ tình hữu nghị Việt-Trung thắm thiết đã được đón nhận bằng một sự im lặng nặng nề và với vài tiếng vỗ tay lác đác khi ông chấm dứt bài phát biểu. Trên gương mặt cử tọa hội trường Quốc Hội hôm ấy lộ rõ vẻ chán chường, thờ ơ, thậm chí thù nghịch. "The Washington Post trích lời một quan chức Việt Nam, xin được miễn nêu tên vì đây là vấn đề “nhạy cảm,” cho biết là bầu không khí hôm ấy “rất căng thẳng.”
29 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 14009)
" vai trò của Tổng thư ký ASEAN (ông Lê Lương Minh) và Singapore, nước được ASEAN giao trách nhiệm điều phối quan hệ với Trung Quốc, sẽ rất quan trọng trong việc duy trì hồ sơ Biển Đông trong chương trình nghị sự của ASEAN". "Đối với Giáo sư Thayer, quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Lào sẽ là một nhân tố tích cực giúp thúc đẩy hồ sơ Biển Đông trong thời gian Lào làm Chủ tịch ASEAN:"
25 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 14106)
"Chúng ta phải khẳng định là Việt Nam phải đi theo kinh tế thị trường", "thông tin trên mạng: chúng ta không ngăn, không cấm được đâu các đồng chí"."40 năm đất nước thống nhất nhưng một phần đất máu thịt của Tổ quốc Hoàng Sa vẫn nằm trong tay ngoại bang. Đó là nỗi đau mất mát lớn của dân tộc"…