GsTs Đào Công Tiến: Góp ý sửa đổi Hiến Pháp 1992

05 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 24939)

1/ Chống tham nhũng: Bộ Chính trị đã bị Trung ương phủ quyết, mặc dù có đa số phiếu của bộ này chống đồng chí X, và đồng chí này đã nói huỵch toẹt tợớc Quốc Hội khi bị đại biểu Dương Trung Quốc hỏi:" Tôi không xin làm thủ tướng, chức này là do Đảng và Nhà Nước yêu cầu tôi làm thì tôi làm, và tôi chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà Nước"...thế là hết: Đảng lãnh đạo Quốc Hội, Đảng quyết định hết, Quốc Hội chỉ là bù nhìn.

2/ Chính sách ruộng đất: Vẫn là "sở hữu toàn dân ", nghĩa là sở hữu của các cấp Đảng lãnh đạo, và các vụ tranh chấp đất đai là do cán bộ Đảng chỉ huy đàn áp dân, xử dụng các lực lượng vũ trang của Nhà Nước, nhưng ruộng vườn, đầm cá mà người dân cần cù làm ra, bỗng chốc rơi vào tay mấy công ty tư nhân đứng sau là lãnh đạo của Đảng, vậy mà Đảng và Nhà Nước có chủ trương rất rõ là cán bộ phụ trách theo nhiệm kỳ, tuổi lãnh đạo không quá 60, 65, 70, tùy theo chức vụ cao ít hay nhiều, sau thời gian đó, tài sản ẵm được lẽ cố nhiên là không phải của toàn dân rồi, và hết thế hệ lãnh đạo này thay thế những người của thế hệ trước cứ việc mà thực hiện chính sách đó: Một người làm quan cả tập đoàn được nhờ.

3/ Thay đổi điều 4 của Hiến Pháp: Không bao giờ! Vì nếu Đảng mất độc quyền lãnh đạo thì đâu còn chế độ toàn trị?

4/ TQ là kẻ thù truyền kiếp của dân VN : Ai cũng biết, nhưng nếu chống TQ thì đâu còn người "đồng chí" để làm chỗ dựa cho chế độ toàn trị này? Quyền lợi của nhóm lợi ích, của cá nhân, to lớn hơn nhiều quyền lợi dân tộc, cho nên khinh dân là nguyên tắc không ai dám nói ra.

5/ Dân ta đã bị tước vũ khí từ lâu, chỉ hi vọng cựa được khi quá mù ra mưa, có sự đổ vỡ từ trong Đảng, và sự khinh thường tay sai hèn mạt VN đưa TQ tới thôn tính Trường Sa, và Tây Nguyên: Khi đó cả thầy Tầu lẫn dân VN chẳng còn coi lãnh đạo ra gì nữa, bàn cờ chính trị sẽ thay đổi ghê gớm, và máu sẽ đổ....

Gs. PH. G. KH

Góp ý trước thềm phán quyết - sửa đổi Hiến pháp 1992

Đào Công Tiến

Kính thưa Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng và quý vị Đại biểu Quốc hội khóa 13.

 

Chương trình nghị sự đối với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa 13 đã qua “vòng 1” – nghe giải trình và thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Việc còn lại của sự lựa chọn và phán quyết đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là công việc hết sức quan trọng, nhưng vô cùng khó khăn vì còn nhiều khoảng cách khác nhau cho sự lựa chọn đó, đòi hỏi Đại biểu Quốc hội tiếp tục suy tư, trăn trở để xác định lời giải cho mình về những vấn đề lớn của dân của nước đặt ra đối với sửa đổi Hiến pháp.

 

Trên tinh thần đó, tôi xin được tiếp tục chia sẻ với những ý kiến góp ý sau đây với Đại biểu Quốc hội.

 

  • Việt Nam là một đất nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời. Các dân tộc Việt Nam là một khối thống nhất, đều bình đẳng, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, đảng phái.

Vì thế, Hiến pháp phải khẳng định mạnh mẽ lập trường chủ quyền đối với một đất nước độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và lập trường dân tộc với khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam là chủ thể của chủ quyền đó.

Điểm quy chiếu xuyên suốt của lập trường dân tộc như đã đề cập ờ trên là thực thi quyền con người, quyền Dân sự và Chính trị của công dân.

Hơn 65 năm qua, với 4 Hiến pháp và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân có được đề cập như liệt kê những quyền cơ bản, nhưng những chuẩn mực cần có chưa được làm rõ, nhất là quyền trong sự gắn kết với nghĩa vụ bị nghĩa vụ lấn lướt làm mờ nhạt, thậm chí còn bị vô hiệu hóa.

Điều 33 (sửa đổi bổ sung điều 58 của Hiến pháp hiện hành) thừa nhận quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, nhưng thiếu chế tài đề bảo vệ nguồn thu nhập hợp pháp đó tránh khỏi sự bòn rút bởi những biến động của giá, lương, thuế, phí làm cho thu nhập trên thực tế trở thành thu nhập không đủ sống (ngay cả với mức sống tối thiểu)

Những Hiến định về quyền con người, quyền Dân sự và Chính trị của công dân cần thể hiện những quy định và chuẩn mực quốc tế, nhất là với Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, công bố ngày 10/12/1948 và công ước quốc tế về những quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký tham gia ngày 24/09/1982.

 

  • Chế độ chính trị mà Việt Nam chọn đưa vào Hiến pháp, xin đề nghị là Cộng hòa hoặc Cộng hòa Dân chủ, chứ không phải Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (như Hiến pháp 1992 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992) vì tinh thần của nền cộng hòa sáng rõ và đầy sức thuyết phục, còn XHCN có nhiều nội hàm không phù hợp, không đúng, gây ra nhiều bất ổn cho tiến trình phát triển và hoàn thiện xã hội. Với chế độ chính trị là Cộng hòa hoặc Cộng hòa Dân chủ đề nghị đổi tên nước từ “Cộng hòa XHCN Việt Nam” thành “Việt Nam Cộng hòa” hoặc “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (như Hiến pháp 1946).

Sứ mạng và tầm nhìn của chính thể Cộng hòa hoặc Cộng hòa Dân chủ là bảo vệ độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Sự lựa chọn và thay đổi này phù hợp với tinh thần cộng hòa theo tư duy Hồ Chí Minh, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố trước quốc dân, đồng bào, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè trên thế giới qua Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 và Hiến pháp năm 1946.

 

Sự thay đổi này cũng phù hợp với nhận thức mới về học thuyết Mác – Lê Nin và Chủ nghĩa Xã hội đã được cuộc sống kiểm định và phán xét về sự không phù hợp và không đúng của nó. Và trên thực tế nó đã không vượt qua được khủng hoảng và sụp đổ bởi nguyên nhân tự thân của nó.

 

  • Nhà nước của nước Việt Nam Cộng hòa hoặc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhà nước của dân, do dân, vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân với khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, chứ không phải của giai cấp công nhân hoặc giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức là nền tảng (như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992).

 

Nhà nước của nước Việt Nam Cộng hòa hoặc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhà nước pháp quyền tam quyền phân lập, chứ không phải nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (như Hiến pháp 1992 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992). Các nhánh quyền lực nhà nước – lập pháp, hành pháp, tư pháp phải được phân định rạch ròi theo chức năng, nhiệm vụ của nó. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm và quyền hạn tương thích với chức năng nhiệm vụ ở các nhánh phải hoạt động độc lập, không ỷ lại, dựa dẫm vào nhau và cũng không để cho tổ chức và cá nhân bất kỳ nào can thiệp, chi phối, nhất là đối với hệ thống tư pháp phải được xét xử độc lập trên cơ sở Hiến pháp và luật.

 

Sự phân định rạch ròi đó cũng tạo chuẩn mực để các nhánh quyền lực nói riêng và các tổ chức chính trị, xã hội khác nói chung ràng buộc, chế ước lẫn nhau nhưng không chi phối theo kiểu vượt thẩm quyền hoặc độc quyền quyền lực.

 

  • Ở điều 4 của Hiến pháp 1992 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nên bỏ những phần nói cụ thể về Đảng Cộng sản Việt Nam và “Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, và thay vào đó là những hiến định về đảng cầm quyền.

 

Đảng cầm quyền là Đảng tôn trọng chủ quyền quốc gia, dân tộc Việt Nam, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật, được nhân dân tín nhiệm, người của đảng được nhân dân bầu chọn, đưa vào bộ máy nhà nước của dân, do dân, vì dân qua các cuộc bầu cử thật sự tự do, dân chủ có sự sàng lọc của cạnh tranh chính trị trong môi trường đa nguyên, đa đảng.

 

  • Với tầm của Hiến pháp, cần có quyết sách đúng và rõ ràng về chủ quyền và quyền sở hữu đất đai.

 

Đất với tư cách là lãnh thổ, là tài nguyên và là cảnh quan môi trường tự nhiên, thuộc chủ quyền quốc gia và quyền của chủ quyền đó là của toàn dân và Nhà nước được trao quyền đại diện chủ quyền.

 

Đất được đưa vào khai thác, sử dụng còn là sản phẩm của lao động (cả lao động cha truyền con nối) là tài sản hoặc bộ phận cấu thành tài sản (trong bất động sản), là tư liệu sản xuất (trong sản xuất nông nghiệp) của người dân và các chủ thể sản xuất kinh doanh nhất định, lẽ ra phải được cư xử như những tài sản, những tư liệu sản xuất như đã đề cập ở điều 33 của dự thảo. Ở đó quyền sở hữu tư nhân được thừa nhận và bảo hộ bên cạnh sở hữu nhà nước và tập thể.

 

Hiến pháp 1980 và 1992 không thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai, đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế và bất ổn xã hội. Thiết nghĩ, đã đến lúc phải sửa đổi. Bên cạnh sự khẳng định tài nguyên đất thuộc chủ quyền quốc gia, toàn dân tộc, Hiến pháp phải thừa nhận và bảo hộ sở hữu tư nhân về đất đai bên cạnh sở hữu nhà nước và tập thể.


Đất đai là tài sản có chủ thể sở hữu rõ ràng, trong kinh tế thị trường việc dịch chuyển quyền sở hữu được thực hiện dưới hình thức mua bán là tất yếu. Nhà nước khi có nhu cầu vì quốc kế dân sinh thường phải trưng mua theo cơ chế và giá cả thị trường. Trong những trường hợp đặc biệt vì an ninh, quốc phòng có thể trưng thu đất nhưng phải có đền bù không để thiệt đối với người dân.

 

  • Mô hình kinh tế tổng quát, đã và đang được thể hiện trong Hiến pháp 1992 và bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, bị chi phối bởi chế độ kinh tế nặng về công hữu là nền tảng, kinh tế nhà nước là chủ đạo, đã không còn phù hợp phải thay đổi trong tu chỉnh Hiến pháp kỳ này.

 

Để tạo điều kiện và khuyến khích huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân để chấn hưng kinh tế và an sinh xã hội, thì không thể không bình đẳng trong hiến định về cách ứng xử đối với các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp.

 

Vẫn tiếp tục xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo như trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là không phù hợp với tinh thần bình đẳng và lẽ công bằng mà Hiến pháp cần có.

 

Tác giả của bản dự thảo còn cho rằng “Quy định (Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo) như vậy để thể hiện hạ tầng kinh tế của chế độ XHCN ở nước ta”. Vậy trong mối quan hệ giữa hạ tầng kinh tế và thượng tầng kiến trúc chế độ XHCN cái nào quyết định cái nào? Sẽ không có sự biện minh nào cho việc đi ngược lại quy luật của tác giả bản dự thảo.

 

Chế độ XHCN ở Việt Nam là cái gì, mà bắt hạ tầng kinh tế phải theo để thể hiện? Thiết nghĩ, ngoài những ý tưởng nhân văn vốn là khát vọng của loài người tiến bộ, đã được các nhà sáng lập ra lý thuyết XHCN kế thừa và coi là sứ mệnh của CNXH, thì không còn cái gì đúng và phù hợp với cuộc sống đương đại. Mô thức tổ chức xã hội XHCN với những nội hàm: (1) Về tổ chức xã hội theo thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp, thực thi chuyên chính vô sản, lấy nhà nước vô sản chuyên chính thay cho nhà nước pháp quyền và quyền dân sự và chính trị của công dân; (2) Công hữu hóa tư liệu sản xuất và tạo lập vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước được coi là giải pháp cách mạng XHCN đánh vào chế độ tư hữu, làm suy yếu khu vự dân doanh – cái gốc của nền kinh tế; (3) Không còn độc đoán chuyên quyền của giới chủ nô lệ, của vua quan và chúa đất, nhưng thâu tóm quyền lực của thể chế độc đảng lãnh đạo đã gây nhiều bất ổn xã hội. Trên thực tế quyền lãnh đạo của đảng đã trở thành siêu quyền đặt lên trên dân quyền và pháp quyền. Chế độ XHCN đó đã đi vào khủng hoảng và sụp đổ, nên không thể bất chấp quy luật mà bắt hạ tầng kinh tế phái tiếp tục tùng phục thượng tầng - chế độ XHCN.

 

Từ những điều đã trình bày ở trên, xin có mấy đề nghị sửa đổi liên quan đến mô hình kinh tế tổng quát cần được thể hiện trong Hiến pháp như sau:

 

Thay kinh tế thị trường định hướng XHCN bằng “Kinh tế thị trường hiện đại” – đỉnh cao của sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước vốn đã được chọn ngay từ đầu đổi mới.

 

Bỏ quy định “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

 

Mô hình kinh tế tổng quát cần được thể hiện trong Hiến pháp sửa đổi với những đặc trưng khái quát là: (1) Kinh tế thị trường hiện đại; (2) Đa dạng hóa sở hữu, thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp; (3) Không coi công hữu là nền tảng, kinh tế nhà nước là chủ đạo, mà chỉ cần xác định đúng mức vai trò quản lý của nhà nước pháp quyền đối với nền kinh tế thị trường Việt Nam; (4) Thực thi dân chủ trong kinh tế, mà vấn đề cốt lõi là quyền của người dân và thực quyền kinh doanh của doanh nghiệp; (5) Liên kết và hợp tác quốc tế.

 

Những góp ý trên đây là ý kiến từ tấm lòng và ít nhiều của sự hiểu biết của một công dân có trách nhiệm với chuyện dân, chuyện nước. Rất mong được chia sẻ cùng quý Đại biểu Quốc hội.

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/10/2013

Kính chào

 

PGS. Đào Công Tiến

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam

Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ

Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM

+++++++++++++++++


Những đám đông Việt Nam đứng dậy

image062

Phạm Chí Dũng

VOA 28.10.2013

Đám đông tự phát

Chiếc xe tải xám xịt của cảnh sát âm thầm luồn lách qua các ngả đường đông đúc. Trên xe là thi hài hai mẹ con sản phụ - cái chết thường thấy ở Việt Nam do tắc trách của giới bác sĩ.

Không khí bất chợt nhốn nháo. Người nhà nạn nhân và những người dân bên đường đã phát hiện ra chiếc xe. Họ hò hét và xô đẩy nhau leo lên thùng xe. Viên cảnh sát lái xe bị ép phải đi với tốc độ chậm và theo những tuyến đường do người dân chỉ định. Giao thông tắc nghẽn. Người đi đường kinh ngạc. Một số chạy theo xe cảnh sát. Chẳng mấy chốc, đám đông lên tới hàng ngàn người. Cuộc diễu hành quan tài bắt đầu…

Câu chuyện trên mới xảy ra ở Thanh Hóa vào tháng 10/2013. Trong một cơn thịnh nộ có nguyên do và cả không rõ nguyên cớ, đám đông hộ tống xe cảnh sát đến trước nhà người bác sĩ liên quan trực tiếp đến cái chết của hai mẹ con sản phụ. Tại đây, những người phẫn nộ nhất đã la hét và đập phá, trong khi bác sĩ và vợ con phải trốn về quê…

Nhiều đám đông ở Việt Nam đang hình thành theo cái cách như thế. Vô số chuyện bất công trong xã hội lại là đầu đề cho những cuộc tụ tập đông người mà các cơ quan pháp luật rất dè chừng. Tụ tập đông người lại sinh ra manh mối để dẫn đến những cuộc biểu tình mà chính quyền luôn lo sợ.

Thỉnh thoảng lại xảy ra một phản ứng đông người nhắm vào ngành y tế - nơi mặt bằng y đức đang trở nên thê thảm. Cách đây không lâu, cái chết của một cô gái ở Cà Mau đã khiến hàng trăm người bao vây bệnh viện và nhà bác sĩ. Cuộc bao vây nhanh chóng biến thành đợt tấn công tài sản và đòi tự mình trừng phạt lối hành xử vô trách nhiệm của giới “lương y như từ mẫu”. Khi lực lượng cảnh sát có phiên hiệu là 113 đến can thiệp, những người bức xúc nhất trong đám đông dân chúng còn tấn công luôn cả các nhân viên thi hành công vụ.

Những vấn nạn ngày càng dồn dập trong xã hội đã đóng góp vai trò hết sức tích cực trong cơ chế xóa nhòa tình yêu thương giữa con người với con người. Thay vì sự chia sẻ và đồng điệu như tâm cảm của tôn giáo, xã hội Việt Nam đã phân tầng một cách sâu sắc, đặc biệt giữa giới cầm quyền cai trị, những nhóm lợi ích tham lam với giới bị trị và người nghèo.

Một trong những dấu ấn không thể chìm lắng trong mối quan hệ không bằng lặng giữa hai giới trên là cuộc biểu tình quan tài ở Vĩnh Yên vào giữa năm 2013. Cái chết đột ngột của một thanh niên, bị người dân nghi ngờ gây ra bởi người nhà của một quan chức có tầm cỡ của địa phương này, đã làm bùng nổ không khí phẫn nộ chưa từng thấy nơi thị xã yên tĩnh. Có đến hàng ngàn người hoặc hơn thế khiêng quan tài kẻ xấu số dọc theo trên các tuyến đường, bất chấp hàng rào ngăn cản của lực lượng cảnh sát cơ động và chống bạo loạn.

Trong khi pháp y chỉ kết luận là nạn nhân chết đuối, đám đông biểu tình đòi phải làm rõ nguyên nhân cái chết và trừng trị kẻ thủ ác. Chỉ đến khi đó, một cuộc điều tra nội bộ mới được khởi sự. Kết quả của cuộc điều tra này đã cho thấy mối nghi ngờ của người nhà nạn nhân và dư luận là không hề sai.

Đám đông định hướng

Đám đông không chỉ sinh ra từ những cái chết y tế hoặc do mâu thuẫn xã hội. Giải tỏa đất đai và an sinh hậu giải tỏa mới là tiêu điểm tập trung đông người dân nhất.

Ban đầu, đó là những người dân thuần túy kéo đi khiếu nại và tố cáo về chính sách đền bù đất không thỏa đáng, về những hành vi ăn chặn tiền đền bù của cán bộ địa phương và những thứ vô cảm khác. Nhưng khi đã chính thức trở thành dân oan, những người khiếu kiện đã tạo nên một trong những tiền lệ cho luật biểu tình vẫn nằm trong vòng oan ức ở Việt Nam.

Không hẹn mà gặp, các dân oan đất đai rất thường tập trung tại những trụ sở công quyền ở Hà Nội và Sài Gòn. Thậm chí, đám đông được tổ chức ngày càng bài bản còn nghĩ ra một phương cách tranh đấu sáng tạo hơn: trận chiến binh chủng hợp thành được biến thái bằng sức mạnh được biểu thị tại tòa đại sứ và lãnh sự quán Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên, lớp dân oan khiếu kiện đất đai đã tạo cảm hứng và không ít kinh nghiệm trận mạc cho những người bất đồng chính kiến.

Sau cao trào khiếu tố đất đai bùng nổ vào những năm 2007-2008, đến năm 2011, một đám đông khác mang màu sắc chính trị đối ngoại đã bùng lên ở Hà Nội và một phần ở Sài Gòn. Trong hai tháng giữa năm đó, có đến 11 cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra với chủ đề chống sự can thiệp của Bắc Kinh vào khu vực biển Đông. Tuy con số ban đầu chỉ chưa đến một trăm người, song sau đó đã được nâng lên đến nửa ngàn người, bao gồm các độ tuổi khác biệt và cả thành phần khác nhau.

Sự biến đổi sắc thái chính trị mới là điều làm cho nhà cầm quyền lo sợ nhất. Một đám đông tụ tập thông thường về những chuyện bức xúc xã hội có thể được xử lý nhanh chóng bằng vào “công tác nghiệp vụ”. Song phản ứng và cao hơn nữa là phản kháng về chính trị thì không dễ gì dập xóa được. Đó cũng chính là lý do sau khi lắng đọng vào cuối năm 2011, đến đầu năm 2012 đám đông chính trị lại một lần nữa bùng lên cùng với sự kiện Đoàn Văn Vươn chống cưỡng chế thu hồi đất ở Hải Phòng.

Đến lúc lúc này, đám đông đã mang một sắc thái mới: kết hợp giữa nạn nhân chịu bất công, những người hoạt động xã hội với những người muốn giương cao ngọn cờ về tư tưởng chính trị. Ngay cả báo chí trong nước cũng hết sức nhiệt tình tham gia và trở thành một đám đông rất đặc biệt: 2.000 bài viết về vụ Đoàn Văn Vươn đã ghi dấu như một kỷ lục về sự bất mãn đối với thái độ vô cảm và đặc lợi của chính quyền địa phương nói riêng và sâu xa hơn là với chính quyền trung ương.

Cũng trong năm 2012, giới quan sát ghi nhận sự kết nối vừa tự nhiên vừa khá bài bản, như một sự đồng cảm giữa các dân oan đi đòi đất với những người hoạt động chính trị và cả với các tín đồ tôn giáo. Đám đông ở Việt Nam cũng vì thế đã được nhân lên khá nhiều lần. Những cuộc tụ tập đông người không chỉ là vài chục như trước đây, mà có thể lên đến vài trăm người.

Đó cũng là lúc mà xã hội dân sự - điều bị giới tuyên giáo đảng xem là “thủ đoạn của diễn biến hòa bình” - đã manh nha bộc phát.

Nếu cuộc biểu tình đòi trả tự do cho nữ sinh viên Phương Uyên tại tòa án Long An vào tháng 8/2013 quy tụ đến hàng trăm người thuộc các thành phần chính trị mà nhà nước không hề ưa thích, thì vụ xét xử luật sư công giáo Lê Quốc Quân ở Hà Nội vào đầu tháng 10/2013 đã tập hợp đến hàng ngàn giáo dân, biểu thị sức mạnh đòi trả tự do cho giáo hữu của họ.

Vượt qua sợ hãi

Hãy trở lại với những đám đông lên đến hàng ngàn người ở Vĩnh Yên và Thanh Hóa. Trong đám đông đó, người nhà nạn nhân tất nhiên chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Số đông còn lại, tất nhiên là những kẻ tỏ mò, a dua hoặc quá khích dưới con mắt luôn thiếu thiện cảm của chính quyền.

Song những đoạn video lại cho thấy phần lớn người dân diễu hành một cách ôn hòa trên các đường phố không đơn thuần vì lý do ham vui. Một cuộc phỏng vấn bỏ túi do nhóm “phóng viên vỉa hè” thực hiện đã cho thấy nhiều người dân tự nguyện tham gia vào đám đông bởi họ mang tâm tư liên đới với những vấn nạn và bất công xã hội nhan nhản hàng ngày và ở khắp mọi nơi. Cũng trong nhận thức nhiều người dân, tụ tập dù chỉ trong im lặng vẫn thể hiện cho tinh thần đồng cảm giữa những người chung cảnh ngộ để cùng hướng đến một lối thoát nào đó.

Tâm lý sợ sệt đã dần được thay thế bởi lòng can đảm, dù chỉ là sự can đảm nhất thời và đôi khi vô thức. Trong cách nhìn của nhiều người dân, cảnh sát chỉ có thể ngăn chặn được một ít người tụ tập, còn với đám đông lớn hơn hẳn thì lại là một vấn đề khác hẳn.

Đơn giản là những người đi đường đã chuyển từ thái độ tò mò quan sát sang hành động hòa vào đám đông, đi theo đám đông, đồng cảm với không khí của đám đông về những uẩn ức tích tụ trong lòng quá lâu mà không thể phát ra. 

Đó chính là cách mà người dân biểu thị thái độ bức xúc và bất mãn, biểu thị tinh thần phản đối và phản kháng đối với chính quyền.

Hiệu ứng đám đông được tạo ra từ đó. Nếu các cuộc bàn thảo bất tận của giới trí thức vẫn chủ yếu xoay quanh bàn trà, bàn rượu mà ít khi bước chân ra đường phố, thì với những người dân ít học thức hơn, câu chuyện lại giản dị hơn nhiều. Hiện thời ở nhiều đô thị miền Bắc, chỉ cần xảy ra một vụ việc nào đó với mâu thuẫn giữa quan chức nhà nước và nhân dân, lập tức đám đông dễ dàng xuất hiện. Những va chạm giữa cảnh sát giao thông với người đi đường là minh họa rất điển hình cho sự xuất hiện đột biến ấy.

Hình ảnh tụ tập và mang tính kết nối giữa một số người đầu tiên đã khích lệ nhiều người đến sau tham dự vào đám đông mà không còn sợ bị sách nhiễu hoặc bắt bớ. Ở Bắc Giang, khi hai người dân bị cảnh sát bắt vì nghi đã đánh đến chết những kẻ trộm chó, có đến 800 người dân trong xã đồng ký đơn “nhận tội”. Thật rõ ràng, người ta đã nhìn thấy một mối kết đoàn nào đó giữa đồng loại và không còn quá sợ sự trả thù của chính quyền.

Đám đông vĩ đại

Tháng 10/2013. Một đám đông khác của dân chúng, lên đến hàng chục ngàn ở Hà Nội và hàng trăm ngàn người ở các địa phương, đã làm nên sự vĩ đại bên sự ra đi vĩnh hằng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cho tới nay, nhiều ý kiến trong giới quan sát và bình luận vẫn ngạc nhiên tự hỏi là tại sao lại có cả một rừng người thành kính đến như thế đối với người được xem là có uy tín xã hội chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh? Họ thành kính thật sự hay còn vì nguyên do nào khác?
Xã hội Việt Nam đang xảy ra một hiện tượng tâm lý chưa từng có: trong quá nhiều thất vọng về đảng và nhà nước, người dân tự tìm đến với nhau để nương tựa vào một niềm tin còn sót lại, dù rằng niềm tin ấy đã chết.

Có lẽ đó cũng là một lý do vì sao tang lễ của tướng Giáp lại có nhiều người viếng đến thế. Đó không chỉ là tình cảm của dân chúng đối với người được xem là biểu tượng hiếm hoi bởi sự trung trinh về chữ Tâm và chữ Hiếu đối với nhân dân và dân tộc, mà còn là sự đồng quyện tự nhiên trong tâm khảm những người đến viếng. Ở đó, trước linh cữu người đã khuất, rừng người còn sống tìm thấy một không khí đồng cảm và sợi dây vô hình gắn bó họ với nhau, khác hẳn với tình trạng băng hoại đạo đức xã hội chỉ cách nhà tang lễ vài trăm thước.

Và cũng ở đó, rừng người đến viếng còn muốn biểu thị thái độ coi thường và khinh bỉ đối với lớp quan chức hậu bối - những kẻ mang thân tội ghê gớm khi đã đẩy đất nước vào thảm cảnh tê liệt đạo đức và kinh tế như ngày hôm nay.

Rất nhiều người dân muốn bày tỏ cái tôi trung trinh của họ: Chỉ khóc cho người vì dân vì nước; còn với cái chết của những kẻ vô tích sự và “ăn của dân không chừa thứ gì” - như cụm từ tán thán của bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đó lại là tiếng reo mừng đến nghẹt thở. 

Lòng khinh bỉ lại có thể biến thành nỗi phẫn uất không thể kềm chế. Nếu cứ nhìn vào cái cách mà hàng chục ngàn tín đồ công giáo ở Nghệ An và hàng triệu giáo hữu ở nhiều vùng trên cả nước biểu thị tinh thần phản kháng đối với chính quyền trong và sau vụ Mỹ Yên vào tháng 9/2013, có thể thấy ngay là phẫn uất có thể biến thành hành động phản kháng vào một thời điểm nào đó không xa, đặc biệt trong hoàn cảnh sự ứng phó của chính quyền và lực lượng cảnh sát không đủ “kềm chế”. Khi đó, đám đông hoàn toàn có thể biến thành một lực lượng tự phát và có thể tạo ra những phản ứng không lường trước đối với các chính quyền địa phương.

Ở Tunisia vào năm 2010,
sau vụ tự thiêu do quá phẫn uất của một người bán hoa quả, điều đáng ngạc nhiên là đám đông đã chỉ được hình thành bởi sự lan truyền thông tin của các em bé. Trẻ con lại dẫn đến mối quan tâm của người lớn. Vào cuối ngày đầu tiên, thay vì về nhà theo thói quen, nhiều người lớn đã chuyển sang một thói quen mới: tập hợp với nhau, giữa những người không quen biết, để đòi tổng thống phải từ chức.

Khi đám đông đã lên đến hàng triệu người, toàn bộ lực lượng cảnh sát trở nên bất động. Còn quân đội thường giữ thái độ trung lập. 

Như một quy luật, xã hội càng nhiễu nhương và hỗn loạn, giới quan chức đảng và chính quyền càng ra sức trục lợi và cưỡng bức người dân, đám đông dân chúng càng có lý do để bạo dạn hơn và liều lĩnh hơn. Tâm lý sợ hãi cũng vì thế được chuyển hóa từ thận trọng sang giễu cợt, cho đến khi bùng vượt qua ranh giới kìm nén.

Kịch bản xã hội - chính trị như thế có rất nhiều triển vọng sẽ diễn ra, vào những năm tới.
Ở Việt Nam. Ngay tại Hà Nội.


Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 

02 Tháng Ba 2014(Xem: 18825)
Các Blogger tập trung tại cà phê Starbucks gần khách sạn New World, TPHCM để bàn luận các biện pháp nhằm bảo vệ quyền tự do đi lại của công dân đã quy định trong hiến pháp vào sáng ngày 1/3/2014.
27 Tháng Hai 2014(Xem: 17756)
Trong bài viết mới đây của Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng “Công hàm 1958 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký gửi Trung Quốc chỉ ủng hộ và thừa nhận phạm vi lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố, không có chữ nào nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh yêu sách chủ quyền với tên gọi Tây Sa, Nam Sa.”
23 Tháng Hai 2014(Xem: 19005)
Hơn một tuần qua, đợt bạo lực “tồi tệ nhất châu Âu kể từ cuộc chiến Balkans” đang diễn ra ở Kiev chiếm trọn nhiều mặt báo quốc tế.
20 Tháng Hai 2014(Xem: 18528)
Khi tiếp một vị lãnh đạo cấp cao Việt Nam, ông Chủ tịch Hạ viện Bỉ có nói: « Nước Bỉ chúng tôi cũng có một lịch sử phức tạp. Chúng tôi chống đối nhau gay gắt. Chúng tôi tốn rất nhiều giấy, mực, nhưng chúng tôi không tốn máu ».
16 Tháng Hai 2014(Xem: 20877)
Một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979 có thể xuất phát từ tưởng tượng của Bắc Kinh về nguy cơ bị bao vây bởi “vòng cung chữ C” trong lúc đường biển ra thế giới chưa được Mỹ dỡ bỏ.
13 Tháng Hai 2014(Xem: 19433)
Hôm 21/12 năm 2013, tôi có dự buổi nói chuyện về Chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa do Tiến sỹ Nguyễn Nhã chủ tọa mà sau đó được nhắc đến trên diễn đàn BBC trong bài “Bấm Nhớ về ngày Hoàng Sa 19/1”.
10 Tháng Hai 2014(Xem: 19988)
Công hàm của ông Phạm Văn Đồng 'không có chữ nào nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa'
05 Tháng Hai 2014(Xem: 18573)
Việt Nam vẫn ưa 'ổn định' hơn là 'đột biến' trong con đường biến đổi xã hội, thể chế của mình, theo nhà văn hóa học, Giáo sư Trần Ngọc Thêm, từ Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
26 Tháng Giêng 2014(Xem: 19698)
Nhiều thế hệ - đặc biệt ở các quốc gia cộng sản cầm quyền - lâu nay học chủ thuyết Marx và Lenin nhưng chưa hiểu nó là gì? Nghe người ta bảo nó là triết học thì cũng ừ, gật đầu, nó là triết học. Đó là sai lầm của nhiều thế hệ ở các nước cộng sản.
24 Tháng Giêng 2014(Xem: 21719)
Hà Nội đã chủ động đẩy tiến hành cuộc chiến tới cùng
21 Tháng Giêng 2014(Xem: 19460)
Ngày 6/1/2014, báo Thanh Niên Online khởi đăng loạt bài “Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại“ của tác giả Châu Minh Linh. Phần lớn những sự kiện về cuộc chiến đấu chống xâm lăng hào hùng này đã được nhiều người biết đến, song việc một tờ báo trực thuộc bộ máy nhà nước đương quyền chính thức công nhận sự hy sinh đầy ý nghĩa lịch sử này, với ngôn ngữ khách quan, thân thiện bên cạnh việc phổ biến nguyên văn nội dung Tuyên cáo của Bộ Ngoại giao VNCH ngày 19.1.1974 và Tuyên cáo ngày 14.2.1974 của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, là một điều đáng để chú ý và ghi nhận.
16 Tháng Giêng 2014(Xem: 17987)
Hoàng Sa là sự kiện khởi đầu cho một chuỗi những hành động quân sự của Trung Quốc đối với các đảo, đá ngoài khơi trên vùng biển Đông. Tiếp sau sự kiện Hoàng Sa năm 1974 đó là sự kiện Trường Sa năm 1988, sự kiện bãi Vành Khăn năm 1995.
12 Tháng Giêng 2014(Xem: 20381)
Năm nay là 40 năm chẵn kỷ niệm trận Hoàng Sa. Tháng 1, 1974, một lực lượng của hải quân thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa đã dũng cảm chiến đấu chống lại một lực lượng của Hải Quân Trung Quốc xâm phạm khu vực Hoàng Sa thuộc vùng biển nước ta, đâm thẳng vào tàu địch, xua đuổi chúng, dù chúng đông, hỏa lực mạnh hơn. Đây là một chiến công oanh liệt mang truyền thống dân tộc.
09 Tháng Giêng 2014(Xem: 19449)
Muốn ra trận để chiến đấu với quân địch, cần phải chuẩn bị nhiều thứ, chứ không phải là bắt đầu xung trận ngay. Điều cần thiết trước tiên là phải có nhân sự, hay có quân trước đã. Mà quân đó phải được huấn luyện kỹ càng để chiến đấu. Và điều quan trọng thứ hai là phải có vũ khí. Nếu không đủ những điều kiện nền tảng đó mà cứ xông ra trận thì chỉ là hy sinh nhân mạng một cách uổng phí, đừng nói gì đến chiến thắng.
02 Tháng Giêng 2014(Xem: 20906)
Năm 2013 đã khép lại với nhiều diễn biến. Sống trong thời đại lớn mạnh của mạng xã hội, nhân loại đã đón nhận quá nhiều biến cố xảy ra, chưa kịp thẩm thấu thì nhiều sự kiện khác lại dồn dập ập đến. Do đó làm công việc điểm lại tình hình đã xảy ra trong năm 2013 không phải là công việc đơn giản trước hàng ngàn sự kiện đã đi vào ký ức của nhân loại.
26 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 25483)
Ai đã từng đọc Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân - một tác giả đời nhà Minh của Trung Hoa viết về thời thịnh trị của Phật học - cũng đều nắm được chi tiết ở đoạn kết, khi Đường Tăng Tam Tạng đến được Tây Trúc để thỉnh kinh. Ở đây ông gặp được Phật Tổ Như Lai, và các đệ tử xin thỉnh kinh đem về hành đạo. Được Phật Tổ đồng ý, và giao cho 2 đệ tử là Bồ Tát Anan và Ca Diếp tặng kinh cho Tam Tạng.
24 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 22972)
Chủ Nhật 22 tháng 12, 2013, tổ chức Phục Hưng Việt Nam đã có một buổi tiếp tân đánh dấu 35 năm hoạt động tại khách sạn Sheraton, Garden Grove với hơn 200 quan khách trong đó bao gồm các tàhnh viên và lãnh đạo của các tổ chức đấu tranh, các hội ái hữu đoàn thể tại nam Cali, ban tù ca Xuân Điềm và đông đảo giới truyền thông báo chí Việt ngữ như nhật báo Việt Báo, nhật báo Người Việt, nhật báo Viễn Đông, đài VNA TV, đài Freevn.net, đài Hồn Việt TV, …
16 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 22328)
Tiếp theo sau luật gia Lê Hiếu Đằng và nhà báo Phạm Chí Dũng, đến lượt bác sĩ Nguyễn Đắc Diên, cũng tại Sài Gòn, vừa công khai tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong một thông báo đề ngày 06/12/2013, gởi cho trang mạng Bauxite Việt Nam, bác sĩ Nha khoa ở Sài Gòn, xuất thân từ một gia đình từng là cơ sở Cách mạng ở nội thành, tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.
11 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 21288)
Ở Việt nam hiện nay, đảng CSVN là đảng duy nhất hoạt động giữ vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội. Các tổ chức chính trị khác ở trong hay ngoài nước đều bị coi là bất hợp pháp. Điều đó dễ gây ra tâm lý cho rằng đảng CSVN hiện nay không có đối thủ.
08 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 21039)
Ngày 28/11/2013, Quốc hội nhà nước Cộng sản Việt Nam (CSVN) biểu quyết thông qua Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992. Nội dung Hiến pháp "mới" chỉ khẳng định thêm tham vọng độc tài quyền lực cố hữu của đảng cầm quyền.