Khi giao tình giữa Pháp và Mỹ nồng thắm trở lại

10 Tháng Năm 20187:14 CH(Xem: 11180)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ  - THỨ SÁU 11 MAY 2018


Khi giao tình giữa Pháp và Mỹ nồng thắm trở lại


Mai Loan


image019

Cú bắt tay nhiều ý nghĩa. AP


Kể ra chuyện Tổng Thống Emmanuel Macron của Pháp và Tổng Thống Donald Trump của Hoa Kỳ có những giao tình nồng thắm khá đặc biệt là một chuyện hi hữu và cũng hơi khó hiểu. Nhất là cuộc hội ngộ đầu tiên giữa hai người lại không mang mầu sắc của một “buổi ban đầu lưu luyến” như thường xảy ra trong những  tình bạn thân mật đậm đà. Ngược lại, nó có thể được coi là một cuộc đụng độ “so găng” khá căng thẳng và gay cấn, vốn thường không phải là dấu hiệu báo trước một sự đồng cảm thắm thiết sau này.


Đó là vào dịp Hội Nghị Thượng Đỉnh G-8 tại Âu Châu vào mùa hè năm ngoái, khi TT Trump có chuyến công du ra hải ngoại lần đầu kể từ ngày lên nhậm chức để viếng thăm nhiều quốc gia ở Trung Đông và Âu Châu kéo dài đến 9 ngày, với “cú bắt tay để đời” giữa ông và TT Macron của Pháp và đã được báo giới tường thuật rất đầy đủ chi tiết.


Thật ra trước đó, chuyện ông Trump đối xử không lấy gì làm thân thiện và tốt đẹp đối với các lãnh tụ của những nước khác là chuyện nhiều người cũng biết rõ. Ông nổi tiếng về chuyện đã không nén nổi sự bực tức khi nói chuyện qua điện thoại với nhiều vị nguyên thủ quốc gia các nước đồng minh (như Mễ Tây Cơ, Úc Đại Lợi) khiến ông không ngần ngại cúp ngang cuộc nói chuyện, một hành động hết sức khiếm nhã và hiếm thấy của một vị nguyên thủ quốc gia đệ nhất siêu cường trên thế giới, tô đậm thêm hình ảnh của một anh cao-bồi Mỹ lúc nào cũng thích hung hăng và hợm hĩnh.


Sự kiện ông Trump rất hục hặc với bà Thủ tướng Angela Merkel của Đức đã được nhiều nhà báo và phóng viên tường thuật khá kỹ lưỡng trong chuyến viếng thăm của bà này đến Toà Bạch Ốc vào tháng 3 năm 2017, chỉ 2 tháng sau khi ông Trump mới lên nhậm chức. Trong cuộc họp báo tại Phòng Bầu Dục, ông Trump đã không hề chìa tay ra để cùng bắt tay với người đối tác, khiến cho nhiều nhà báo và phóng viên có mặt đã cất tiếng yêu cầu cả hai hãy cùng bắt tay để họ được dịp chụp hình. Bà Merkel bèn quay sang ông Trump để hỏi rằng “vậy ông có muốn chúng ta cùng bắt tay hay không?” nhưng ông Trump tỏ vẻ như không nghe thấy, cúi đầu nhìn xuống dưới sàn khiến cho bà Merkel cũng bị hơi sượng chút ít, nhưng sau đó đã nhanh chóng lướt qua để tiếp tục cuộc họp báo. Giới truyền thông quốc tế đã tường thuật khá nhiều về chi tiết này khiến những người không ưa ông Trump càng đinh ninh hơn nữa về bản tính xem thường phụ nữ của vị tân tổng thống Mỹ.


Nhưng đến phiên ông tổng thống Emmanuel Macron thì sự căng thẳng giữa hai lãnh tụ của Pháp và Hoa Kỳ mới gay cấn hơn, xuyên qua cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai người, với những chi tiết ly kỳ gần như chưa bao giờ xảy ra từ trước tới nay.


Thật ra thì trong chuyến đi để tham dự các cuộc hội nghị thượng đỉnh lần đó, TT Trump đã để lại những hình ảnh chẳng lấy gì làm lịch sự và tốt đẹp về một vị tổng thống Mỹ, điển hình như khi muốn vượt lên trên hàng đầu để được mọi ống kính của các phóng viên truyền hình thu vào, ông Trump đã không ngần ngại xô lấn và đẩy một người khác đang vô tình đứng trước mặt ông, đó là Thủ tướng Dusto Markovic của tiểu quốc Montenegro. Nhiều người lúc ấy đã lắc đầu ngao ngán và chê bai thái độ có phần thiếu lịch sự và nhã nhặn của một vị nguyên thủ quốc gia, nếu không muốn nói là có phần hơi thô lỗ. 


Ở chặng đường đến thủ đô Brussels của nước Bỉ để gặp gỡ với các viên chức lãnh đạo của Liên Hiệp Âu Châu và Khối NATO (Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương), TT Trump đã đón tiếp TT Macron tại một bữa ăn trưa và bàn thảo tại tư dinh của Đại sứ Mỹ tại Bỉ quốc.


Sau khi hai vị lãnh tụ ngồi xuống và trao đổi vài câu thăm hỏi theo phép lịch sự, là đến phần cùng bắt tay với nhau để chào hỏi cho đúng với nghi thức ngoại giao trước ống kính của các phóng viên và đài truyền hình ghi nhận lại. Theo lời tường thuật của nhà báo Philip Rucker thuộc nhật báo Washington Post mô tả lại là: “Cả hai người bắt tay với nhau khá lâu (6 giây đồng hồ). Mỗi ông tổng thống nắm bàn tay của người kia và siết rất chặt, đến nỗi mấy cục u trên quả đấm trở nên trắng bệch và cái cằm của hai người gần như nghiến răng và khuôn mặt cũng căng lại.” Nếu nhìn hình ảnh ghi nhận lại giây phút “để đời” này, người ta sẽ thấy là cả hai ông đều cố gắng cười, nhưng rõ ràng là một cái cười không thoải mái, nếu không muốn nói là gần như ngầm biểu lộ điều gì đó rất căng thẳng nhưng không nói ra được, bốn mắt nhìn nhau mỉm cười nhưng cũng có thể ngụ ý muốn ăn tươi nuốt sống lẫn nhau.


image021

TT Trump và TT Macron đang bắt tay trong cuộc gặp gỡ tại thủ đô Brussels.


Ông Trump là người chìa tay ra trước tiên nhưng rồi sau cú bắt tay kéo dài khá lâu này, đã muốn nhả tay ra, không những một lần mà đến hai lần, nhưng đã bị ông Macron tiếp tục siết chặt cho đến khi nào muốn thả ra mới thôi. (Muốn thấy rõ điều này, người ta cần phải xem nhiều tấm hình được phân tích lại từng chi tiết trong suốt thời gian kéo dài 6 giây đồng hồ của đoạn phim ngắn này, nhờ công lao của nhiều chuyên viên chụp lại, như hình được đăng trên tờ Daily Mail bên Anh).


 image022
TT Trump đã 2 lần muốn buông tay ra nhưng vẫn bị TT Macron nắm chặt cho đến khi chịu thả ra.

Theo nhiều chuyên gia nhận định sau đó, ông Trump muốn tỏ ra mình là kẻ đàn anh đang đón tiếp một lãnh tụ mới nổi còn trẻ hơn mình đến 31 tuổi, nhưng ông Macron cũng bắn tiếng qua cú bắt tay “để đời” này rằng không phải chỉ có ông Trump mới là lãnh tụ mạnh mẽ và hống hách duy nhất mỗi khi gặp gỡ với bất cứ ai. (Nếu muốn biết về khả năng thể lý của đôi bên, nên nhớ là ông Macron thuộc loại văn võ song toàn, vừa có thành tích học vấn xuất chúng, vừa giỏi đàn piano và cũng là võ sĩ quyền Anh (boxing) trong khi ông già Trump đã trên 70 tuổi chỉ biết chơi đánh golf và không phải là người năng vận động thể dục như các vị tổng thống trẻ khác.)


Và điều đáng nói hơn nữa, và có thể cũng là điều khiến cho ông Trump sẽ càng “quê xệ” hơn khi ông Macron đã không ngần ngại che giấu điều này để cho ông Trump có thể giữ thể diện và phía những phụ tá hay nhà báo “gia nô” ở Mỹ có thể biện minh để tấn công giới truyền thông là đã thổi phồng lên theo kiểu “bới bèo ra bọ” để chỉ trích hoặc chê bai vị tổng thống Mỹ vì đã có sẵn thành kiến từ lâu, và có thể chê bai các thông tin này bằng cách chụp mũ rằng đây chỉ là loại “fake news”.


Bởi lẽ thay vì giữ im lặng và không bình luận gì thêm về chi tiết này, ông Macron sau đó đã không ngần ngại thuật lại với nhà báo của tờ Le Journal du Dimanche rằng việc ông ta siết chặt tay như vậy không phải là chuyện tình cờ, vô thưởng vô phạt, mà là một hành động có chủ ý rõ ràng. Theo lời thuật lại của TT Macron: “hành động đó không phải chỉ là việc khoe khoang về quyền lực chính trị, mà chỉ là một giây phút đối diện với sự thật”. Và ông giải thích thêm cho rõ: “Nó chứng tỏ là mình sẽ không có nhân nhượng gì hết, cả những điều nhân nhượng có tính biểu tượng.


Khách quan mà nói, không phải vị tổng thống Pháp nào cũng ưa thích các ông tổng thống Mỹ, và ngược lại cái tình cảm không lấy gì làm thân thiện từ phía các lãnh tụ của Mỹ đối với các vị nguyên thủ của Pháp cũng gần như tương tự. Một đằng (Pháp) thì cho rằng phía bên kia là những người hống hách, cao ngạo theo kiểu dân nhà giầu mới nổi nhưng thiếu chiều sâu văn hoá. Phía bên kia (Mỹ) thì cho rằng đằng này có lẽ còn mang mặc cảm là yếu kém vì đã qua rồi thời huy hoàng trước đây của một đế quốc cũ.


Ngay cả trong thời Đệ Nhị Thế Chiến là lúc mà các nước Hoa Kỳ, Anh và Pháp hợp tác đắc lực trong liên minh của khối Tự Do để đối đầu với Đức Quốc thuộc khối Trục Đức-Ý-Nhật, tướng Charles de Gaulle cũng không lấy gì làm mặn mòi với các lãnh tụ Winston Churchill của Anh hoặc Franklin Roosevelt của Hoa Kỳ.


Đến thời kỳ gần đây, ông cựu tổng thống Bush Con, cũng như nhiều chính trị gia và viên chức cao cấp khác của Hoa Kỳ, cũng không ưa gì ông cựu tổng thống Jacques Chirac của Pháp lúc hai người đang cầm quyền trong thời gian xảy ra cuộc chiến Hoa Kỳ tấn công Iraq lần thứ nhì vào năm 2003 dưới thời của nhà độc tài Saddam Hussein. Không phải chỉ có ông Chirac bị TT Bush bực tức, mà ngay cả Thủ tướng Gerhard Schroeder của Đức cũng bị ghét luôn do bởi cả hai vị này đều mạnh mẽ chống đối chính sách của chính quyền Bush lúc bấy giờ cứ khư khư đòi ra tay tấn công trước, thay vì chịu khó chờ đợi cuộc thanh tra của các chuyên viên Liên Hiệp Quốc về cái gọi là những kho vũ khí tàn sát quy mô ở Iraq. Chính vì thế mà trong một cuộc họp thượng đỉnh của Khối G-8 tại thành phố Evain-les-Bains ở Pháp vào năm 2003, ông Bush Con đã bỏ ra về trước khi hội nghị chính thức kết thúc. (Không phải chỉ có TT Mỹ bực tức, mà ngay cả các vị dân cử Mỹ cũng khó chịu nên bắt buộc nhà hàng ở Quốc Hội liên bang phải sửa đổi thực đơn từ chữ “French fries” thành “freedom fries”).


Lần này, lịch sử lại tái diễn với trường hợp của TT Trump của Hoa Kỳ cũng gặp sự chống đối của hầu hết các vị nguyên thủ quốc gia tại Âu Châu, xuyên qua những lời phát biểu của ông trước đó than phiền hoặc chỉ trích các nước này đã không đóng góp đầy đủ nhiệm vụ tài chính của mình cho khối NATO (Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương) và để cho Hoa Kỳ lãnh phần trách nhiệm chính, cũng như đe doạ rằng có thể ông sẽ không còn ủng hộ hết mình NATO như Hoa Kỳ đã cam kết trước đây.


TIỂU SỬ SIÊU VIỆT CỦA VỊ TỔNG THỐNG PHÁP


Ông Macron được nhiều người đánh giá như là một “Obama của Pháp”, biểu tượng của một chính trị gia trẻ, tài ba và thông minh, với tinh thần cấp tiến chủ trương việc mở rộng sự hợp tác với Âu Châu cũng như với thế giới bên ngoài nói chung, giữa lúc mà làn sóng kỳ thị di dân đang nổi lên tại nhiều nước trong Liên Hiệp Âu Châu dẫn đến việc một số chính trị gia bảo thủ cực hữu muốn đòi đóng cửa biên giới quốc gia mình.


Ông Macron cũng còn được nhiều người Pháp so sánh với một lãnh tụ trẻ nổi tiếng khác trong lịch sử của Pháp là Hoàng đế Napoléon Bonaparte. Điều này thì cũng không thể phủ nhận được khi xét về tiểu sử của ông tân tổng thống này, một vị lãnh tụ mới nổi sau kết quả thắng cử to lớn và vẻ vang hồi đầu tháng 5/2017. Tuy chỉ mới nhập cuộc tranh cử trước đó không lâu, ông Macron đã đánh bại cả hai lãnh tụ đại diện cho hai đảng hàng đầu cầm quyền lâu năm tại Pháp ngay ở vòng thứ nhất.


Bước vào vòng nhì cuộc bầu cử, ông Macron cũng đè bẹp đối thủ Marine Le Pen, lãnh tụ của đảng cực hữu Front National có chủ trương kỳ thị rõ ràng đòi đuổi tất cả di dân gốc Hồi-giáo ra khỏi nước Pháp. (Điều này cũng tương tự như chủ trương Brexit tại Anh và chính sách “America First” mà ông Trump thường hô hào để kích thích đám đông quần chúng Mỹ trắng có kiến thức nông cạn lại sẵn có đầu óc kỳ thị sắc tộc.) Dù rằng trước đó vài tháng, tên tuổi của ông Macron được rất ít người dân Pháp biết đến như là một lãnh tụ tương lai, nói chi đến người dân và giới truyền thông trên thế giới.


Tuy vậy, khi bắt đầu tìm hiểu sâu rộng hơn, có lẽ không ai phủ nhận rằng ông Macron đúng là một lãnh tụ sáng giá, cực kỳ thông minh xuất chúng và đa tài ngay từ thuở nhỏ theo đúng nghĩa “tuổi trẻ tài cao”, học rất xuất sắc từ trường trung học ở tỉnh lẻ Amiens, rồi sau đó thi đậu vào những trường danh giá nhất ở thủ đô Paris của hệ thống “grandes écoles” nổi tiếng của Pháp.


Cũng giống như những sinh viên tài giỏi và xuất sắc khác, Emmanuel Macron đã thi đậu vào các trường này, và lựa chọn trường Sciences Po (chuyên về Khoa học Chính Trị). Rồi sau đó, anh cũng học tiếp tại trường ENA (trường Quốc Gia Hành Chánh), được coi như là lò đào tạo những chuyên gia lãnh đạo trong các bộ máy công quyền cao cấp nhất của nước Pháp.


Đến khi ra trường, Emmanuel Macron cũng được tuyển vào Nha Thanh Tra Tài Chính (Inspection des Finances), cũng được coi như là nơi sáng giá nhất cho những ai ôm mộng tiến thật xa trên đường công danh. Sau đó, anh ta được tuyển dụng vào làm cho một ngân hàng đầu tư là Rosthchild và trở thành giầu có. Khi ông Hollande đắc cử tổng thống vào năm 2012, anh Macron được kêu gọi trở về tham chính trong một chức vụ phó thứ trưởng, để rồi leo dần đến chức vụ Tổng trưởng Bộ Kinh Tế.


Nhưng sau đó, vì không hài lòng với sếp lớn là Thủ tướng Manuel Valls vì không đồng ý chấp nhận những đề nghị cải tổ của mình, Emmanuel Macron từ chức vào năm 2016 và thành lập một phong trào cải cách lấy tên là “En Marche!”, có thể tạm dịch là “Đi Tới” hoặc “Lên Đường”. Dù là một đảng mới thành lập chưa đầy một năm, nhưng sau chiến thắng vinh quang để làm tổng thống, đảng này do ông Macron lãnh đạo đã thu hút rất đông đảo các chính trị gia và nhiều người trẻ tuổi tài ba nhập cuộc để giành được chiến thắng đa số tuyệt đối trong kỳ bầu cử quốc hội toàn quốc vài tháng sau đó.


Ông Macron đã chứng tỏ bản lãnh và đức tính kiên nhẫn, phấn đấu vượt qua biết bao thử thách và trở ngại nan giải để giành được thắng lợi sau cùng như mong muốn. Trong số những thách đố khó khăn đó, có cuộc tình ly kỳ của ông với cô giáo dạy văn chương của mình từ hồi còn ở trung học là bà Brigitte Trogneux, và hơn mình đến 25 tuổi. Cuộc tình của họ đã gặp biết bao chống đối từ trong gia đình ra đến xã hội, nhưng cả hai đã âm thầm chịu đựng, cùng nhau thệ nguyện và chờ đợi để rồi sau này kết hôn thành vợ chồng và sống hạnh phúc đến ngày nay, càng khiến cho nhiều người ái mộ và khâm phục, và hình ảnh của vị tân tổng thống Pháp trở thành một điểm son đáng hãnh diện cho đa số người dân Pháp nói riêng cũng như rất nhiều những người dân khác trên toàn cầu.


Cuộc sống của cặp vợ chồng Emmanuel Macron và Brigitte Trogneux quả tình không giống với hầu hết những người khác. Nhưng “không giống ai” không có nghĩa là quái dị, bất bình thường, và đáng bị lên án. Bằng chứng là họ đã thành công rất tuyệt vời, và đã được đa số người dân Pháp ủng hộ và tin tưởng đến mức họ sẵn sàng trao phó cho ông Macron trọng trách lãnh đạo đất nước siêu cường này trong 5 năm tới.


GIAO TÌNH THÂN MẬT VỚI TT TRUMP


Trở về với cuộc hội kiến lần đầu giữa hai ông tổng thống Pháp và Hoa Kỳ lần đó, điều bất ngờ hơn hết là chỉ hơn một tháng sau đó, chính ông Macron lại gửi lời mời chính thức đến TT Trump tham dự ngày lễ “14 Juillet” là ngày quốc khánh của Pháp được tổ chức hàng năm theo truyền thống đã có từ mấy trăm năm qua với đầy đủ những nghi thức trang trọng và cuộc diễn binh rầm rộ ngay trên đại lộ Champs-Elysées nổi tiếng ở thủ đô Paris. Với lời mời này, ông Macron đã gặp rất nhiều sự chống đối từ phía các người dân cũng như hầu hết các chính trị gia tại nước Pháp vào lúc đó, gần như đa số khó lòng ưa thích nổi cá nhân cũng như chính sách của vị tân tổng thống Mỹ.


Nhưng điều đáng nói hơn nữa là TT Trump đã đồng ý nhận lời mời này, dù rằng trước đó ông Trump đã chê bai nước Pháp chẳng có gì đáng coi hoặc viếng thăm. (Trong một cuộc xuất hiện tại diễn đàn của Hội CPAC của khối bảo thủ vào đầu tháng 2/2017, ông Trump kể lại chuyện một  người bạn tỷ phú của ông có tên là “Jim” kể lại rằng ông ta mỗi năm thường đi du lịch sang Paris, nhưng giờ đây không còn muốn đi nữa vì “Paris giờ đây không còn là Paris nữa”, với ngụ ý chê bai rằng giờ đây Paris cũng như nhiều thủ đô ở Âu Châu đã tràn ngập những di dân gốc Hồi-giáo.)


Và dĩ nhiên là TT Trump đã được đón tiếp long trọng, bởi vì những lãnh tụ cũng như người dân trên thế giới đều biết rõ tâm lý của ông Trump là người thích được khen ngợi và tâng bốc xu nịnh, vì thế nên họ không ngần ngại dùng những chiêu thức “cho uống nước đường” để ông khoái tỉ hầu thoả mãn nhu cầu “ái kỷ” (narcissist) rất đậm của ông.


Cuộc đón tiếp của TT Macron dường như đã để lại một dấu ấn rất tốt đẹp khiến cho TT Trump rất hài lòng, đến nỗi sau khi về lại Hoa Kỳ, ông Trump đã đưa ra lời đề nghị với các viên chức cao cấp trong Bộ Quốc Phòng là hãy nghiên cứu một kế hoạch để có thể tổ chức một ngày lễ quốc khánh “July 4” với các màn diễn binh rầm rộ không thua gì ở Pháp, một điều mà đa số các viên chức cao cấp tại Hoa Kỳ không lấy gì làm hào hứng vì từ trước tới nay Hoa Kỳ chưa hề có truyền thống này và cũng chẳng hăm hở gì về màn diễn binh, có chăng là các màn đốt pháo bông khắp nơi trên toàn quốc. Từ đó trở đi, ông Macron trở thành một trong số ít những lãnh tụ trên thế giới mà TT Trump gần như không bao giờ dùng những lời lẽ chê bai hay chỉ trích, nếu không muốn nói là còn giành cho ông ta nhiều thiện cảm và ca ngợi.

image023

TT Macron đang “thủ thỉ” với TT Trump trong ngày diễn binh lễ Quốc Khánh của Pháp năm 2017 tại Paris


Phải chăng chính vì thế mà nhà báo Yasmeen Serhan, trong một bài phân tích trên tạp chí The Atlantic mới đây cho rằng chuyến công du chính thức của ông TT Macron của Pháp thăm viếng Hoa Kỳ trong 3 ngày vào tuần qua càng tô đậm thêm hình ảnh ông Macron là một trong những đồng minh thân thiện và gần gũi nhất với TT Trump trong số các vị lãnh tụ trên thế giới. Vì thế nên cái biệt hiệu “French Obama” của ông giờ đây đã biến thành “Trump Whisperer”, tạm dịch là một người có thể thủ thỉ với ông Trump” (chữ “whisper” là thủ thỉ, kẻ tai nói nhỏ với ai đó). 


TỪ “FRENCH OBAMA” BỖNG THÀNH “TRUMP WHISPERER”


Thật vậy, ông Macron là vị nguyên thủ quốc gia ngoại quốc đầu tiên được TT Trump long trọng đón tiếp trong cương vị quốc khách của nước Mỹ với đầy đủ những lễ nghi quân cách như trải thảm đỏ đón tiếp, với 21 phát súng đại bác, một bữa tiệc quốc yến tại Toà Bạch Ốc và lời mời đến điện Capitol để đọc một bài diễn văn trước Lưỡng Viện Quốc Hội.


Đó là về mặt thủ tục ngoại giao chính thức, còn trong chốn riêng tư, vợ chồng ông bà Macron còn được thêm vinh dự đặc biệt để được mời dự một bữa ăn tối với riêng TT Trump và Đệ Nhất Phu Nhân Melania tại lâu đài Mount Vernon ở vùng Virginia, vốn là nơi cư ngụ của vị quốc phụ George Washington và cũng là tổng thống đầu tiên của nước Mỹ và sau này trở thành biểu tượng là tài sản cao quý của quốc gia.


Thật ra điều này có lẽ cũng dễ hiểu vì vào tháng 7 năm ngoái trong cuộc tiếp đón TT Trump sang dự lễ quốc khánh tại nước Pháp, vợ chồng ông bà Trump cũng được vợ chồng ông bà Macron hân hạnh mời dự một bữa ăn tối riêng tư chỉ có 4 người tại một nhà hàng nổi tiếng có tên là “Le Jules Verne” ngay trên tháp Eiffel, địa danh nổi tiếng và tiêu biểu nhất của nước Pháp trên toàn cầu, với cái nhìn toàn cảnh trên thủ đô Ba Lê.

image024

Vợ chồng hai tổng thống Pháp và Hoa Kỳ dự bữa ăn tối tại nhà hàng trên tháp Eiffel ở Paris năm 2017


Sự kiện ông Macron được lựa chọn để hưởng vinh dự đầu tiên là quốc khách của Hoa Kỳ dưới trào của TT Trump thật ra cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên đối với những chuyên gia am tường và theo rõi kỹ lưỡng cái gọi là giao tình gắn bó tuy kỳ lạ giữa hai lãnh tụ này. Mặc dù có những khác biệt sâu đậm về mặt chính trị xuyên qua Hiệp Ước với Ba Tư về vũ khí hạt nhân cũng như Thoả Ước Paris về Khí Hậu Thay Đổi, nhưng cả hai vị nguyên thủ quốc gia này dường như có sự nể trọng lẫn nhau, điển hình qua việc gần như ông Trump không bao giờ muốn lên tiếng công khai chỉ trích ông Macron.


Trong một cuộc phỏng vấn bởi ông Piers Morgan của đài truyền hình Anh quốc hồi tháng Giêng đầu năm nay, ông phóng viên này đã bình phẩm với TT Trump rằng “ông ta (Macron) đang tìm cách xoắn xít bên ông, để mong được trở thành người bạn mới tốt nhất của ông”. Rồi khi được hỏi rằng phải chăng sự kiện này cho thấy là ông Macron có thể trở thành mối lo ngại cho tham vọng của nước Anh để mong đạt được một thoả thuận mới về mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Anh Quốc, ông Trump đã không ngần ngại trả lời rằng: “Không, tôi rất thích ông ta; ông ta là một người bạn của tôi.” Sau đó, TT Trump còn nhấn mạnh lần nữa để đọc chậm rãi cái tên của vị tổng thống Pháp kèm theo nụ cười thân thiện: “Emmanuel. Anh ta là một người hết xẩy.”


(Tưởng cũng nên nhắc lại là Hoa Kỳ và Anh Quốc luôn có mối tương quan khắng khít nhất từ trước tới nay. Nhưng sau vụ Brexit xảy ra vào mùa hè năm 2016, Vương quốc Anh coi như sẽ bị thiệt hại nặng về mậu dịch khi rút ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, và do đó đang mong có được một thoả hiệp mậu dịch với Hoa Kỳ để trám chỗ trống lớn. Và TT Trump nổi tiếng là một người thích có những thoả hiệp trao đổi song phương để ông thoải mái hơn theo kiểu trao đổi làm ăn của một tay buôn mà ông đã quen thuộc, thay vì những thoả ước đa phương với nhiều nước khác nhau mà ông Trump cho là không có lợi cho mình.)


Dù rằng nổi tiếng là vị tổng thống Mỹ có những cuộc tiếp xúc căng thẳng và giận dữ với nhiều vị lãnh tụ của nhiều nước khác (ông đã không ngần ngại cúp ngang điện thoại khi gặp bực mình), nhưng ông Trump cũng có những giao tình chặt chẽ trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước với nhiều vị lãnh tụ khác trên thế giới. Một trong những lãnh tụ mà ông thường ca ngợi và bầy tỏ ý muốn sẵn sàng ngồi bàn thảo chung với nhau là TT Vladimir Putin của Nga, nhưng gần đây ông đã tìm cách lánh xa, xuyên qua những quyết định cấm vận và trừng phạt một số các viên chức của Nga và đóng cửa toà lãnh sự Nga tại Hoa Kỳ).


Chuyến công du chính thức của TT Pháp lần này rõ ràng là bằng chứng cho thấy là ông Macron được tiếng là một trong rất ít những lãnh tụ thân thiện và gần gũi nhất với TT Trump. Nhưng có lẽ ông Macron không phải là vị lãnh tụ duy nhất được vinh dự này. Nhiều chuyên gia tiên đoán rằng một số các vị lãnh tụ khác có thể cũng sắp được hưởng vinh dự mời làm quốc khách của nước Mỹ dưới trào của TT Trump. 


Đó là trường hợp của những lãnh tụ như Thủ Tướng Shinzo Abe, đã hai lần gặp gỡ với TT Trump tại câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Florida. Hoặc là trường hợp của Thái Tử Mohammed bin Salman ở Vương quốc Saudi Arabia, vừa có chuyến viếng thăm dài ngày tại Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác. Hai lãnh tụ khác cũng có thể được vinh dự này. Đó là Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi của Ai Cập, vì đây cũng là quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ tại vùng Trung Đông. Hoặc là Thủ Tướng Theresa May của Anh Quốc, dù rằng quan hệ giữa đồng minh lâu đời nhất của Hoa Kỳ đã không còn “đặc biệt” như trước đây dưới thời của TT Trump, do bởi ông Trump có thói quen lên tiếng chỉ trích các chính trị gia bên Anh, kể cả bà thủ tướng May, trên nhiều đề tài khác nhau. Tuy nhiên, ông Trump đã xác nhận vào đầu tháng Giêng năm nay rằng mối giao hảo giữa ông và bà May đang trên đường đi lên. Theo dự trù, TT Trump có lẽ sẽ có chuyến công du chính thức sang Vương Quốc Anh vào mùa hè năm nay, dù rằng những chi tiết và ngày giờ chưa được xác nhận chính thức.


ÔM ẤP TRUMP NHƯNG CHỐI BỎ CHỦ NGHĨA TRUMP


Nhưng điều đáng nói hơn hết trong chuyến công du lần này của TT Macron của Pháp, không phải chỉ vì ông có những thân tình bất thường hay thái quá với TT Trump mà có thể đa số người dân tại Pháp cũng như trên thế giới đều khó hiểu vì họ không ưa nổi vị tổng thống Mỹ, mà bởi vì vị tổng thống của Pháp dường như đã có một phương cách rất lịch sự và khéo léo để chỉ trích gần như toàn bộ cái nhìn chiến lược của TT Trump trong khi vẫn không làm ông Trump phật lòng hoặc có thể là giận dữ, trả đũa ngay lập tức xuyên qua những mẩu nhắn tin trên mạng Twitter chỉ trích không tiếc lời tất cả những ai làm ông phật lòng, kể cả những phụ tá thân cận hay đồng minh quan trọng với ông.


Vì thế nên trong một bài viết phân tích và tổng hợp trên tạp chí The Atlantic, nhà báo Rachel Donadio đã chạy hàng tựa là “Macron Embraces Trump, Rejects Trumpism”, có thể tạm dịch là “Macron ôm ấp ông Trump, nhưng lại từ chối chủ nghĩa đề cao Trump”.


Nhà báo này cũng thuật lại một vài chi tiết lỉnh kỉnh nhưng lý thú để cho thấy cái tình cảm rất ư là chí tình thắm thiết giữa hai người, như chuyện ông Macron đã ôm hôn lên đôi má của ông Trump theo kiểu Tây, khiến cho một bình luận gia trên đài Fox News, dường như muốn trấn an những cử tri bảo thủ ở Mỹ, đã vội giải thích rằng đó là chuyện bình thường khi bầy tỏ tình cảm giữa những người thân bên Pháp dù là đàn ông. Hoặc là hình ảnh ông Trump cũng thân tình phủi bụi khi thấy những vết gầu trên ve áo vét của ông Macron. Rồi đến hình ảnh cả hai vị lãnh tụ này, đi cùng với hai vị phu nhân, để cùng cuốc đây và trồng một cây xồi ở khu vườn Toà Bạch Ốc.


Thế nhưng, người ta không thể nào bỏ qua hình ảnh và sự kiện ông Macron đã đọc một bài diễn văn dài khoảng 50 phút tại Lưỡng Viện Quốc Hội, được ngưng lại nhiều lần vì tiếng vỗ tay vang dội của cử toạ là toàn thể những vị dân biểu và nghị sĩ theo cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ. Nhưng trong toàn văn bài nói chuyện này, ông tổng thống Pháp đã đưa ra một lời chỉ trích thẳng thừng và gần như toàn bộ cả cái chiến lược toàn cầu của vị tổng thống Mỹ mà chưa bao giờ vị lãnh tụ của một quốc gia đồng minh đã dám đưa ra từ trước tới nay. Ông nói rằng không hề có cái “Planet B” (Hành tinh B) nào hết, cho thấy cách chơi chữ khéo léo chứng tỏ ông Macron có kiến thức sâu rộng về xã hội và chính trường nước Mỹ.


Từ ngữ “Plan B” khá phổ thông ở Hoa Kỳ ngụ ý ám chỉ là chúng ta thường phải có sẵn một kế hoạch khác, tạm gọi là Kế hoạch B, để phòng hờ nhằm khi kế hoạch chính của mình, tức là Kế hoạch A, gặp phải trục trặc nào đó vào giờ chót. Đối với các tướng lãnh chỉ huy ở chiến trường, cũng như các nhà lãnh đạo điều hành đất nước, việc không có sẵn một “Plan B” có thể đồng nghĩa rằng họ chẳng biết lo tính sâu xa và kỹ lưỡng chút nào hết, nếu không muốn nói là rất cẩu thả và đáng chê trách.


Khi ông Macron phát biểu: “Hãy nhìn thẳng vấn đề, sẽ chẳng có một Hành Tinh B nào cả”, thì rõ ràng đó là một lời thách thức với chính sách của ông Trump khi rút lui khỏi Thoả Ước Paris về Chuyển Đổi Khí Hậu, cũng như là lời hăm doạ của TT Trump muốn rút lui khỏi Hiệp Ước về Giới Hạn Hạch Tâm mà Ba Tư (Iran) đã ký kết với Hoa Kỳ cùng với nhiều cường quốc khác và Liên Hiệp Âu Châu. Bài diễn văn của ông Macron cũng kêu gọi tinh thần đề cao dân chủ, tự do, trao đổi về văn hoá cũng như y khoa và khoa học, đồng thời cũng lên tiếng chống đối tinh thần gieo rắc sự sợ hãi (đối với thành phần di dân hoặc tị nạn từ các nước Hồi-giáo), tinh thần bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa đơn phương cô lập (kiểu như America First), và nạn gieo hoả mù về thông tin (với thói quen thích chụp mũ những thông tin bất lợi rằng đó là “fake news”).


Nguyên văn bài phát biểu có những câu như: “Tôi tin rằng để chống lại sự thiếu hiểu biết chúng ta có phương tiện giáo dục; để chống lại sự bất bình đẳng, chúng ta hãy dùng sự phát triển; để chống lại tinh thần nghi kỵ cực đoan, chúng ta hãy nghĩ tốt cho nhau và có lòng tín cẩn với người khác; để chống lại tinh thần cực đoan, chúng ta hãy dùng văn hoá; để chống lại các bệnh dịch, chúng ta có ngành y khoa; và để chống lại những mối hiểm nguy trên hành tinh này, chúng ta hãy dựa vào khoa học.” Một bình luận gia trên đài truyền hình ở Pháp đã nhận định rằng quả tình là ông Macron trong suốt 3 ngày của cuộc công du này đã cố gắng tối đa để lôi kéo vị lãnh tụ của đệ nhất siêu cường hiện nay trở về với thực tại của nền dân chủ phương Tây.


Cựu Đại tướng Michael Hayden, từng là Tổng Giám đốc của hai cơ quan tình báo hàng đầu tại Hoa Kỳ là CIA và NSA, cũng đã chia sẻ những cảm nghĩ của ông về chuyến công du này của TT Macron: “Tôi nghĩ rằng đây là một chuyến viếng thăm đặc biệt và vị tổng thống Pháp đã hành xử rất tốt hơn là những gì mà người dân Pháp trong nước đang biểu lộ qua các bảng thăm dò dân ý của họ. Ông ta đã rất khéo léo khi nói đến Hiệp Ước với phía Ba Tư khi cố gắng giải tỏa những lo ngại từ phía TT Trump nhưng cho rằng không vì thế mà mình xé bỏ hiệp ước khi đòi rút ra khỏi nó. Ông biết rõ rằng sau đó vài ngày, Thủ tướng Angela Merkel của Đức cũng sẽ viếng thăm Hoa Thịnh Đốn và cũng sẽ trình bầy quan điểm của Đức công nhận những giá trị mạnh mẽ của Hiệp ước với Ba Tư này. Sau hết, bài diễn văn của ông tại Lưỡng Viện Quốc Hội cũng rất đặc biệt, khi vị tổng thống Pháp nhắc lại cho mọi người biết là chúng ta có cùng cái gia tài của Tây phương, và chúng ta cần phải bảo vệ những giá trị mong manh mà nền dân chủ của chúng ta đang dựa vào nó.


Để kết luận, ông Hayden nhận định: “Nói tóm lại, cuộc viếng thăm này quả tình là một sự ôm hôn vồn vã với ông Trump và cũng là một sự chối bỏ về chủ nghĩa đề cao ông Trump.


MAI LOAN


Houston, Texas, ngày 30 tháng 04/2018


anhtuantaberd74@gmail.com


image025

Trồng cây sồi trong vường Bạch Ốc.


++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


Vài hình ảnh cũ


 


image026

Ngày 22-3-1954, Tướng Elly, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp sang Mỹ cầu cứu, nhưng Mỹ đã bỏ rơi Pháp ở Điện Biên Phủ (không sử dụng hỏa lực không quân tiêu diệt bộ đội CSBV) để Pháp cuốn cờ về mẫu quốc mất toàn bộ quyền lợi ở Đông Dương. Mỹ thay Pháp nhẩy vào Đông Dương sau hiệp định Geneve 1954 qua con bài Ngô Đình Diệm. Từ đó Pháp hận Mỹ.


On 22-3-1954, Gen. Elly, Chief of the French Army to the U.S. for help


image027

Phó Tổng thống Mỹ Nixon kiểm tra Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (1-1954)


U.S. Vice President Nixon on the test group of Dien Bien Phu (1-1954)


image028

(Wednesday, November 4, 1953; during the First Indochina War, part of the Indochina Wars and the Cold War) — U.S. Vice President Richard Nixon made a front-line tour south of the Red River Delta in northern Vietnam today, saying he was impressed by the high morale of all the French Union troops and “the fact this is a rugged, rough war.”