Mai Loan: Liệu sẽ xảy ra chiến tranh sau khi Trump rút khỏi Thoả ước hạch tâm?

24 Tháng Năm 20186:44 CH(Xem: 10180)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ  - THỨ SÁU 25 MAY 2018


Liệu sẽ xảy ra chiến tranh sau khi chính quyền Trump rút khỏi Thoả ước hạch tâm?


image014


Trong chuyến công du vừa qua của TT Pháp là Emmanuel Macron được TT Trump đặc biệt tiếp đón rất long trọng với đầy đủ lễ nghi quân cách giành cho một quốc khách cũng như những săn đón rất vinh hạnh trong chốn riêng tư mà hiếm khi thấy ông Trump giành cho những lãnh tụ khác, nhưng ông Macron cũng đã nêu rõ sự thất vọng của mình cũng như của hầu hết các lãnh tụ các nước Âu Châu khác trong nỗ lực thuyết phục và giải quyết những khác biệt trong chính sách ngoại giao giữa Hoa Kỳ và các đồng minh ở Liên Hiệp Âu Châu.


Đó là khi trả lời với các nhà báo của tạp chí Der Spiegel ở Đức, ông Macron đã tiên đoán rằng có lẽ rồi TT Trump sẽ quyết định rút ra khỏi Thoả Ước về Hạch Tâm với Ba Tư, và điều này có thể cũng sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh sắp tới. Tuy TT Macron nói rằng “Tôi không nghĩ là Donald Trump muốn thấy có chiến tranh nổ ra”, nhưng “việc ấy (rút khỏi Thoả ước) có nghĩa là mình đang khui một hũ mắm (open Pandora’s box). Nó có thể khiến cho chiến tranh sẽ nổ ra.”


[Từ ngữ “Pandora’s box” bắt nguồn từ chuyện thần thoại Hy Lạp để nói về một vị thần đã vô tình mở ra một cái hũ chứa đựng bên trong những điều tệ hại như sấm sét, thịnh nộ, chết chóc được lọt ra ngoài gây điêu đứng cho nhiều người, nên đến khi muốn đóng nắp lại thì đã không còn kịp nữa. Trong ngôn ngữ phổ thông sau này, nó cũng có nghĩa là khui ra một hũ toàn là đầy dòi bọ chạy bò lăn lóc khắp nơi, nên muốn bắt nhốt lại cũng không thể thực hiện được. Nó cũng được dùng để ám chỉ việc tự ý khui ra một đề tài nào đó với những hậu quả tai hại không ngờ sẽ xảy đến.]


Không ai biết là cái vế thứ nhì của lời tiên đoán này về chuyện sẽ xảy ra chiến tranh có thành sự thật hay không, nhưng cái vế đầu tiên trong lời tiên đoán của ông tổng thống Pháp đã xảy ra vào ngày thứ Ba sau đó, đúng 2 ngày trước cái thời hạn chót mà TT Trump đã đề ra là ngày 12 tháng 5. Thành ra cái chuyện được nhiều người tiên đoán từ trước cuối cùng cũng đã xảy đến.


Khách quan mà nói, khi tuyên bố rằng chính phủ Mỹ dự định sẽ rời khỏi Thoả Ước này, coi như TT Trump cũng đã thực hiện đúng một trong những lời hứa của ông khi ra tranh cử trước đây và đồng thời cũng bỏ ngoài tai những lời thỉnh cầu hay khuyên can, hoặc những nỗ lực của các quốc gia đồng minh chí cốt tại Âu Châu.


Ngoài TT Macron của Pháp, bà thủ tướng Angela Merkel của Đức cũng đã đến Toà Bạch Ốc để nói chuyện với TT Trump, và Ngoại Trưởng Boris Johnson của Anh cũng đã gặp gỡ với Ngoại Trưởng Mike Pompeo tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào tuần trước để thuyết phục phía Hoa Kỳ là đừng nên rút khỏi Thoả Ước này.


Trong bài diễn văn loan báo quyết định, ông Trump đã chê bai thoả ước này chỉ có “một chiều” và cáo buộc rằng Ba Tư (Iran) đang đeo đuổi những vũ khí hạch tâm, một điều mà các cơ quan an ninh và tình báo của Hoa Kỳ, cùng với các chính phủ các nước khác cũng như các chuyên gia thanh sát quốc tế của Liên Hiệp Quốc về hồ sơ này đều cho là những cáo giác không đúng sự thật.


Tuy nhiên, chỉ có một người duy nhất đã đưa ra lời cáo giác này về cái gọi là chương trình đeo đuổi vũ khí hạch tâm hiện nay của Ba Tư: đó là Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Do Thái. Vào ngày thứ Hai đầu tuần trước đó, ông Netanyahu đã có một bài diễn văn được truyền hình đi khắp nơi để mô tả những chi tiết mà ông gọi là nổ tung dữ dội về sự gian dối của phía Ba Tư. Nhưng tất cả các chuyên gia trong lãnh vực này đều cho rằng những kết luận cáo buộc của ông Netanyahu chẳng có gì mới mẻ, bởi vì đó là những hoạt động của phía Ba Tư trước khi họ đồng ý ký kết vào Thoả Ước này vào năm 2015.


Tuy vậy, TT Trump cũng dựa vào lời báo động la hoảng này của ông Netanyahu để bình luận thêm rằng “Chúng ta không thể nào ngăn chặn được một Ba Tư chế tạo được bom nguyên tử dưới cái cơ cấu thối nát và tự huỷ hoại của cái thoả ước hiện nay. Cái thoả ước với Ba Tư đã bị hư hỏng ngay từ cốt lõi. Nếu chúng ta không làm gì, chúng ta sẽ biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra. Chỉ trong một thời gian ngắn, quốc gia đứng đầu trên thế giới trong việc bảo trợ cho bọn khủng bố sẽ dễ dàng thủ đắc được những vũ khí nguy hiểm nhất trên thế giới. Vì thế nên tôi tuyên bố hôm nay rằng Hoa Kỳ sẽ rút khỏi thoả ước về hạch tâm với Ba Tư.


Liền sau đó đã có những phản ứng trái ngược trước quyết định của TT Trump. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc là bà Nikki Haley nói rằng “Tổng thống đã có một quyết định tuyệt đối đúng khi rút lui khỏi Thoả ước về hạch tâm với Ba Tư” và nhắc lại lập luận rằng thoả ước này “là một thoả thuận tệ hại chỉ giúp cho hành động xấu xa của Ba Tư trên trường quốc tế càng tệ hại hơn nữa.


Tuy nhiên một viên chức khác là Dân biểu Ro Khanna thuộc Uỷ Ban Quân Vụ tại Hạ Viện Hoa Kỳ lại cho rằng “việc rút lui khỏi Thoả Ước với Ba Tư chỉ đưa ra một thông điệp duy nhất là Hoa Kỳ đã không giữ được những lời cam kết của mình một khi có sự thay đổi giữa các chính quyền, và cách duy nhất để giải quyết những xung đột với chúng ta là phải xuyên qua những biện pháp răn đe về hạch tâm.” Ông Khanna cũng kết luận rằng: “Việc rút ra khỏi thoả ước này càng gia tăng thêm, thay vì giảm bớt xuống, khả năng Ba Tư sẽ thủ đắc vũ khí nguyên tử.”


Đó cũng là nhận định bi quan của một viên chức khác, bà Wendy Sherman, từng là Phó Thứ trưởng Ngoại Giao dưới thời TT Obama và góp phần trong những cuộc đàm phán trước đây để đi đến việc ký kết Thoả ước này vào năm 2015. Trong một cuộc thảo luận được thực hiện bởi một tổ chức có tên là National Security Action and Diplomacy Works liên quan đến các nỗ lực ngoại giao về các vấn đề an ninh quốc phòng, bà Sherman phát biểu: “Ba Tư giờ đây có thể bắt đầu trở lại con đường phát triển vũ khí hạch tâm. Quyết định rút lui này sẽ làm tăng thêm mức rủi ro về xung đột tại vùng Trung Đông” sau khi nhấn mạnh thêm rằng Ba Tư đã thực sự thi hành đúng những điều cam kết trong thoả ước này.


Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế (IAEA) là cơ quan của Liên Hiệp Quốc có nhiệm vụ theo rõi hồ sơ này để thanh tra và kiểm chứng rằng Ba Tư đã tôn trọng những điều được ghi trong thoả ước này trong ít nhất là 10 lần thanh tra từ trước tới nay. Hồi tháng 3 vừa qua, Tổng giám đốc Yukiya đã xác nhận rằng “Ba Tư đang thực hiện những cam kết về hạch tâm” theo đúng với những quy định đòi hỏi trong thoả ước về hạch tâm này. Ngay cả những cuộc duyệt xét lại (reviews) từ phía Bộ Ngoại Giao Mỹ dưới thời của Ngoại Trưởng Rex Tillerson trước khi ông bị cách chức hồi tháng 3 vừa qua, cũng đã xác nhận rằng Ba Tư coi như “đã cam kết về mặt kỹ thuật theo đúng bản thoả ước này.


[Tưởng cũng nên nhắc lại là bản thoả ước này không hoàn toàn đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi từ phía Hoa Kỳ và các đồng minh khác tại Âu Châu, chẳng hạn như nó không bàn đến việc giới hạn chương trình thử phi đạn đạn đạo của Ba Tư, hoặc đòi hỏi Ba Tư phải chấm dứt hay giới hạn các hoạt động yểm trợ cho các tổ chức hay phong trào Hồi-giáo quá khích tại các nước khác trong vùng. Và đây cũng là điều mà TT Trump, cũng như nhiều chính trị gia bảo thủ cực đoan trước đây đã từng chống đối và tiếp tục không ủng hộ thoả ước này. Tuy nhiên, chính quyền Obama và các đồng minh tại Liên Hiệp Âu Châu cho rằng thoả ước này vẫn được coi là giải pháp tốt nhất mà họ có thể đòi hỏi Ba Tư chịu chấp nhận để ký kết. Hơn nữa, Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu thực sự cũng không thể làm gì hơn được cho dù đã áp dụng đủ các biện pháp cấm vận từ nhiều năm trước đó.]


Trong bài diễn văn này, TT Trump đã chỉ đích danh lực lượng Islamic Revolutionary Guard (một thứ Vệ Binh Cộng Hoà Hồi-giáo là lực lượng rất có thế lực tại Ba Tư) đóng vai trò chủ động và bảo trợ các nhóm phiến quân du kích tại nhiều nước ở vùng Trung Đông, và ông đưa ra lời hứa là sẽ áp dụng lại một số các biện pháp cấm vận nghiêm ngặt mà Ba Tư đã được quyền đặc miễn trong thời gian qua theo tinh thần của thoả ước này.


Tuy nhiên, những người chỉ trích thì cho rằng với quyết định này, TT Trump coi như đã phá huỷ một thoả ước to lớn và quan trọng mà Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới đã bỏ rất nhiều công sức trong nhiều năm dài để đạt được và cũng đã rất hữu hiệu trong việc ngăn chặn tham vọng hạch tâm của Ba Tư. Vì thế nên quyết định của TT Trump khi rút bỏ khỏi thoả ước là có thể mở màn cho một tiến trình khiến cho Ba Tư có thể đẩy mạnh chương trình phát triển vũ khí nguyên tử.


Nhà báo Joby Warrick, trong một bài phân tích trên tờ Washington Post, viết rằng “Hầu hết các chuyên gia đều tin rằng việc dẹp bỏ thoả ước này sẽ dẫn đến việc đình chỉ các chương trình cho phép các thanh tra của Liên Hiệp Quốc được rộng quyền để thanh sát các cơ sở quân sự tại Ba Tư như đã xảy ra trong 3 năm qua. Vì thế nên khi tuyên bố rút khỏi thoả ước này với lý do để ngăn chặn Ba Tư có thể chế tạo được bom nguyên tử, coi như TT Trump sẽ khiến cho các giới chức của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc càng khó phát giác thêm những nỗ lực dấu diếm của Ba Tư để sản xuất vũ khí hạch tâm nếu như họ cố tình vi phạm.


Chính vì Ba Tư đã gian dối trong quá khứ để che giấu điều này nên việc có một thoả ước đó là điều rất cần thiết (để cho phép các thanh sát viên của Liên Hiệp Quốc được toàn quyền thanh tra tại Ba Tư). Cựu Đại tướng Michael Hayden từng là Tổng Giám Đốc cơ quan tình báo trung ương CIA của Hoa Kỳ đã nói với nhà báo Warrick rằng “Ba Tư đã nói dối. Họ đã ăn gian. Chính vì thế mà chúng ta cần có một biện pháp tốt đẹp nhất để kiểm tra, đó là thoả ước này.


Nhiều vị lãnh tụ các quốc gia đồng minh ở Âu Châu đã liên tục lập lại những lập luận kể trên với TT Trump trong những tháng vừa qua để thuyết phục ông hãy đừng rút khỏi Thoả ước JCPOA, là tên gọi viết tắt của nó. Họ cũng nói thêm rằng thoả ước này dĩ nhiên không phải là điều tối hảo, và họ đang tìm cách thảo luận chung để đối phó với nhiều khiếm khuyết của nó đã không được ghi vào ngay từ lúc ban đầu: đó là chương trình phát triển phi đạn đạn đạo của Ba Tư, và vai trò của Ba Tư trong việc gây quấy rối trong vùng Trung Đông khi tiếp tay hoặc xách động các vụ nổi loạn ở các quốc gia Hồi-giáo khác.


Thay vì hợp tác với các đồng minh ở Âu Châu để tạo thành một mặt trận liên kết và thống nhất chung, TT Trump giờ đây có thể lại tạo thêm một bức tường ngăn cách giữa Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh quan trọng và thân thiết phía bên kia bờ Đại Tây Dương. Trong một thông cáo được đưa ra sau lời tuyên bố của TT Trump, các lãnh tụ ở Âu Châu đều đồng thanh nói rằng họ sẽ cố gắng giữ vững cái thoả ước này cho dù quyết định của TT Trump ra sao đi chăng nữa. Và giới chức lãnh đạo ở thủ đô Tehran cũng nói rằng họ sẽ dấn thân hơn nữa trong những cuộc đàm phán với các quốc gia khác để giúp cho thoả ước này được tiếp tục duy trì.


Một bản thông cáo khác từ một mạng lưới có tên là quy tụ hơn 100 chính trị gia và nhà ngoại giao kỳ cựu tại Âu Châu cũng nói thêm rằng: “Chúng tôi tin rằng Âu Châu, Nga Sô và Trung Cộng sẽ tiếp tục thoả ước này với Ba Tư, và như thế thì Hoa Kỳ coi như sẽ càng tự cô lập và yếu thế hơn nữa để đối phó với những thử thách to lớn khác như trường hợp tại Bắc Hàn. Việc Hoa Kỳ tự ý rút ra khỏi Thoả Ước JCPOA chẳng khác gì tự bắn vào chân mình.


Trong một hành động phản đối hiếm thấy từ trước tới nay giữa các vị cựu tổng thống với chính sách của đương kim tổng thống, ông Obama cũng đưa ra một thông cáo báo chí có đoạn viết rằng: “Trong một quốc gia có nền dân chủ, bao giờ cũng có thể xảy ra tình trạng thay đổi về những chính sách và ưu tiên từ một chính quyền này sang một chính quyền khác. Tuy nhiên, việc liên tục xem thường những thoả thuận mà quốc gia chúng ta đã từng ký kết sẽ gây ra thêm những rủi ro làm xói mòn đi uy tín của Hoa Kỳ, và sẽ khiến chúng ta càng đối chọi với hầu hết các cường quốc khác trên thế giới.


Cựu TT Obama cũng nói rằng “Thực tế rất rõ ràng. Thoả ước JCPOA đang có hiệu quả, và điều này được nhìn nhận bởi các đồng minh ở Âu Châu cũng như với các chuyên gia độc lập và ngay cả đương kim Tổng trưởng Quốc Phòng là cựu Đại Tướng Jim Mattis. Nó có lợi cho Hoa Kỳ vì nó giảm thiểu lại rất lớn cái khả năng của Ba Tư để phát triển vũ khí hạch tâm.


Bản thông cáo báo chí của ông Obama nói rằng những cuộc tranh luận trong nước cần được dựa trên những thông tin xác đáng, nhất là những cuộc tranh luận dễ gây phân hoá. Vì thế nên ông nêu rõ từng điểm một để giải thích cho mọi người rõ hơn về bản thoả ước này, từ việc nó không phải chỉ là một cam kết giữa chính quyền Obama và Ba Tư mà còn có sự ủng hộ của cả cộng đồng thế giới, trong đó có 5 thành viên trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Ông cũng nói thêm rằng bản thoả ước không chỉ dựa trên những lời hứa suông của Ba Tư để Hoa Kỳ và các nước khác tin tưởng mà nó được đặt trên nền tảng của việc kiểm tra sâu rộng trên các cơ sở trong nội địa Ba Tư và những cuộc thanh sát đã được công nhận trong thời gian qua bởi tất cả các chuyên viên của cơ quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế cùng với các chính quyền Mỹ cũng như Liên Âu.


Sau cùng, ông Obama cũng nói thêm rằng bản thoả ước này tự nó không có tham vọng giải quyết tất cả những xung đột giữa Hoa Kỳ với Ba Tư. Hoa Kỳ đã biết rõ về những hành động trước đây của Ba Tư nhằm gây rối loạn trong vùng này, trong đó có việc hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố cũng như gây hiểm hoạ cho Do Thái và các nước khác trong vùng. Nhưng chính vì thế mà mọi người cần phải tìm đủ cách để ngăn cản không cho Ba Tư tiếp tục con đường phát triển vũ khí hạch tâm, vì nó sẽ khiến cho mối hiểm nguy này càng tăng cao hơn nữa. Và cái thoả ước JCPOA này sẽ càng giúp cho Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu tiếp tục trực diện với những hành động gây bất ổn của Ba Tư trong một tinh thần đoàn kết giữa Hoa Kỳ và các đồng minh khác. Và nếu không có nó thì cái thế đoàn kết để đối đầu với Ba Tư sẽ càng bị yếu đi nếu như không có cái thoả ước này.


Khi loan báo quyết định của mình, TT Trump dường như muốn nói rằng ông sẵn sàng bước sang một giai đoạn ngoại giao mới với Ba Tư. Nhưng người ta khó tin rằng làm sao ông có thể đạt được một thành quả tốt hơn là những gì mà chính phủ Obama đã đạt được, sau khi nhiều viên chức ngoại giao của 5 nước trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiện Quốc (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Cộng) cùng với Đức đã cật lực hợp tác trong nhiều năm trời để thuyết phục giới lãnh đạo Hồi-giáo tại Ba Tư chịu ký kết vào Thoả Ước.


Giờ đây, với quyết định rút khỏi thoả ước và coi như tự tạo ra một cuộc khủng hoảng mới, TT Trump hầu như sẽ khó tìm được sự hậu thuẫn rộng rãi từ nhiều phía, bạn cũng như thù. Các quốc gia đồng minh Âu Châu đã không đồng ý, còn các nước kẻ thù đáng ngại như Nga Sô và Trung Cộng thì dĩ nhiên càng mong cho Hoa Kỳ bị cô lập trên trường quốc tế khi phải đối diện với nhiều thử thách và những cơn khủng hoảng có thể nổ ra bất cứ lúc nào.


Trong hồ sơ này, coi như Hoa Kỳ chỉ nhận được sự ủng hộ của hai quốc gia trong vùng là Do Thái và Saudi Arabia. Chính quyền của Thủ tướng Netanyahu được xem như là một khuôn mặt diều hâu cực đoan lúc nào cũng coi Ba Tư như là một kẻ thù nguy hiểm nhất cần phải tấn công. Còn Vương quốc Saudi Arabia theo hệ phái Sunni thì cũng coi Ba Tư là một kẻ thù đáng ngại khác vì là quốc gia lớn nhất theo hệ phái Shiite của Hồi-giáo.


Do Thái thật ra chẳng mang lại lợi lộc cụ thể nào cho Hoa Kỳ, nếu không muốn nói là còn khiến cho Hoa Kỳ phải nai lung ra để viện trợ quân sự từ mấy chục năm qua, và phải tiếp tục hỗ trợ về mặt quân sự cho nước này. Còn Saudi Arabia cũng không phải là một mẫu mực quốc gia đáng đề làm đồng minh vì quốc gia này cũng đặt nền tảng trên một chính sách thần quyền rất bảo thủ của Hồi-giáo theo Wahhabism. Nhiều người vẫn không còn quên hình ảnh và sự kiện phần lớn các tay chủ chốt trong vụ tấn công kinh hoàng 9/11 năm xưa đều là người của Saudi Arabia.


Một chuyên gia trong ngành nghiên cứu về các nỗ lực chống phát triển hạch tâm là giáo sư Nicholas Miller của trường đại học Dartmouth nhận định rằng: “Phải mất đến 30 năm trong những nỗ lực ngoại giao và nhiều yếu tố thuận lợi sau cùng mới thuyết phục được Ba Tư chịu chấp nhận những giới hạn về tham vọng hạch tâm của họ để ký kết Thoả Ước JCPOA. Giờ đây, ước muốn của chính quyền Trump muốn đạt được một thoả thuận mới trong những điều kiện đầy bất lợi hiện nay quả là một điều đầy hoang tưởng.”


Trong lời tuyên bố lần này, TT Trump cũng muốn nói thẳng với người dân trong nước Ba Tư để nhắc đến những vụ xuống đường và biểu tình gần đây để phản đối về tình trạng kinh tế xuống cấp hiện nay. Điều này càng khiến cho TT Hassan Rouhani càng gặp khó khăn hơn nữa vì chính ông là người chủ xướng việc tham dự đàm phán vào thoả ước này, đi ngược lại với chủ trương cứng rắn của các lãnh tụ giáo điều tại Ba Tư thường không muốn hợp tác với Hoa Kỳ mà họ gọi là “Quỷ Satan”.


Nhà báo Thomas Erdbrink, trưởng phòng của báo New York Times tại Tehran, nhận định rằng “Việc đấu đá trong nước giữa các lãnh tụ ôn hoà (như ông Rouhani) và giới chức cực đoan đang trở nên gay cấn.” Giờ đây, phía ông Rouhani đang trở nên mất mặt trước quyết định rút lui của chính quyền Hoa Kỳ, và điều này càng khiến cho phe giáo điều Hồi-giáo càng dễ trở nên đắc thắng hơn: “Những kẻ giáo điều quá khích vốn đã mất sự ủng hộ của khối đông dân chúng trong nước nhưng họ vẫn giữ quyền lực, giờ đây coi thể tự coi như là đã chiến thắng, vì họ đã từ lâu lập luận rằng Hoa Kỳ là quốc gia mà chúng ta không thể nào tin tưởng để có thể ký kết bất cứ thoả thuận nào.


Một phân tích gia theo khuynh hướng bảo thủ là ông Hamidreza Taraghi đã trả lời với nhà báo Erdbrink rằng: “Người dân bình thường trong nước sẽ càng thù ghét Hoa Kỳ hơn nữa nếu như ông Trump rút khỏi Thoả ước. Họ sẽ càng gặp khó khăn hơn và nghèo đói hơn. Họ sẽ thù ghét ông Trump hơn. Và đó là điều tốt (cho chúng tôi, (phía quá khích).”


Điều này có thể đáp ứng mơ ước thầm kín của những nhân vật diều hâu trong chính quyền Trump hiện nay, như trường hợp của ông John Bolton là tân Cố Vấn An Ninh Quốc gia. Những người này tin rằng Hoa Kỳ cần tạo thêm áp lực để từ đó có thể khiến cho chính quyền tại Ba Tư sẽ phải sụp đổ, rồi từ đó sẽ dẫn đến một sự thay đổi tại Ba Tư diễn ra một cách êm thắm và tốt đẹp.


Tuy nhiên, theo lời của bà Wendy Sherman, một cựu viên chức cao cấp trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và là chuyên viên hàng đầu trong đội ngũ các nhà thương thuyết trước đây, khi trả lời với các nhà báo tại Hoa Kỳ, đã phát biểu rằng: “Điều này quả đúng là một sự hiểu biết quá đơn giản và ngây thơ về tình hình chính trị tại đây.


Cho đến nay, các nước như Pháp, Đức, Trung Cộng và Nga đều đã lên tiếng cam kết rằng họ vẫn tôn trọng thoả ước này. Liên Hiệp Âu Châu gồm 28 nước tại lục địa này cũng bầy tỏ sự ủng hộ với bản thoả ước. Tuy nhiên không ai rõ là điều này và những quyết định trong những ngày tháng tới có giúp cho thoả ước này được tồn tại hay không để có thể ngăn ngừa được những rạn nứt và những hậu quả bạo động và tai hại khác có thể nổ lớn sau quyết định của chính quyền Trump rút lui khỏi thoả ước này.


Ông Tony Blinken, cựu Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ từ năm 2015 đến 2017 và cũng là một viên chức chính quyền đóng góp phần quan trọng trong việc đàm phán để dẫn đến việc ký kết thoả ước này đã nhận định về quyết định mới nhất của TT Trump như sau: “Đây quả là một sai lầm kinh khủng. Nó sẽ dẫn đưa đến một cuộc đụng độ đối đầu của chúng ta đối với các đồng minh, với Ba Tư hoặc là đối với cả hai phía này.


MAI LOAN


Houston, Texas, ngày 18 tháng 5/2018


anhtuantaberd74@gmail.com


Iran: Trump sẽ 'hối hận lịch sử' / Israel: oanh kích 50 vị trí của Iran ở Syria
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 18329)
Vấn đề sửa đổi Hiến pháp Việt Nam không chỉ gây sôi nổi dư luận người Việt trong và ngoài nước, mà còn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và tổ chức nước ngoài. Trong tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của ông Jonathan London, giáo sư Đại học Hồng Kông và những khuyến cáo của tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Anh quốc, mang tên Điều 19.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 19252)
Các thể chế chính trị trên thế giới có thể được hình thành bằng những cách thức khác nhau và mang những tính chất khác nhau.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 17621)
Vào lúc 3 giờ 30 chiều ngày Thứ Năm, 13 tháng 6 năm 2013, phái đoàn đảng Việt Tân gồm ông Tổng Bí Thư Lý Thái Hùng, Bác sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Phong và ông Nguyễn Tấn Anh đã có một cuộc gặp gỡ và trao đổi về tình hình nhân quyền tại Việt Nam với ông Tổng Trưởng Ngoại Giao Úc, Thượng Nghị Sĩ Bob Carr tại văn phòng chính phủ tại thành phố Sydney.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 18839)
Hoạt động thường niên của giới vận động dân chủ người Việt mang tên Họp Mặt Dân Chủ vừa được tổ chức tại Hà Lan.
11 Tháng Sáu 2013(Xem: 22218)
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn Shangri-La vừa qua đánh dấu một chuyển biến trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam và vẫn đòi hỏi có thêm các đánh giá đúng mức sau nhiều bình luận khen chê trong và ngoài nước.
28 Tháng Năm 2013(Xem: 22738)
Những định nghĩa pháp lý cho các chính thể Việt trong cuộc chiến chấm dứt ngày 30/4/1975 có vai trò quan trọng cho lập luận của Việt Nam về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự quan trọng này không chỉ vì công hàm 1958 của Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng, mà còn vì Hà Nội đã không khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1954 đến 1975-1976.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 18720)
Trong số báo kỳ này, ban biên tập đưa ra đề tài: Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn Hải Ngoại có cần, không cần, hay nửa cần nửa không tham dự vào việc sửa lại Hiến Pháp của nước CHXHCNVN. Đề tài này hiện nay đang tạo nhiềy ý kiến sôi nổi ở trong nước, nhưng ở hải ngoại, ngoài một vài chỉ dấu hạn hẹp (thường là nhận thấy trên một số khẩu hiệu, băng rôn trong các buổi mít tinh) hầu như không thấy có cuộc hội thảo, bàn luận, hay một tổ chức chính trị nào chính thức đưa ra trong các hội luận, diễn đàn mang tính cách công cộng quần chúng.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 20835)
Vấn đề sửa đổi Hiến pháp Việt Nam không chỉ gây sôi nổi dư luận người Việt trong và ngoài nước, mà còn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và tổ chức nước ngoài. Trong tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của ông Jonathan London, giáo sư Đại học Hồng Kông và những khuyến cáo của tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Anh quốc, mang tên Điều 19.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 21974)
Sở dĩ có tên Kiến nghị 72 là vì có 72 người đứng tên trong danh sách đầu tiên ký vào Kiến nghị, bao gồm nhiều nhân sỹ trí thức được nhiều người biết đến như Nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Tương Lai, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, Tiến sỹ Nguyễn Quang A...
23 Tháng Năm 2013(Xem: 22171)
“Cái mà người ta mong đợi là có nói đến Điều 4 nhưng họ không đụng gì đến cái đó cả,” ông than phiền. Ông cũng giải thích rằng hiện thời ở Việt Nam chưa đủ ‘thời cơ’ để tiến tới tự do chính trị, đa đảng phái, dân chủ hoặc đối lập. Điều 4 của bản Hiến pháp, vốn là nền tảng cho quyền lực của Đảng Cộng sản ở Việt Nam, đã bị những người chỉ trích nhận xét là không dân chủ và yêu cầu bãi bỏ.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 19659)
Ông Nguyễn Đình Lộc xuất hiện trong chương trình Thời sự nói về lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc vừa gây tranh cãi khi phát biểu trên Truyền hình Việt Nam phủ nhận vai trò trong kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp của các trí thức, còn gọi là Kiến nghị 72. Hôm 4/2, ông Lộc đã dẫn đầu đoàn 15 nhân sỹ trí thức tới trao kiến nghị cho đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 20389)
Ngày 22/03/2013, đài truyền hình Việt Nam chiếu một đoạn phỏng vấn cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, nói về việc ông ký vào bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp do 72 nhân sĩ trí thức khởi xướng ngày 19/01/2013 và về việc ông làm trưởng đoàn đi trình bản kiến nghị này cho Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngày 04/02/2013.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 19539)
Việc đóng góp ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang dần dần trở thành một phong trào đòi dân chủ ở Việt Nam, mà đi đầu là giới trí thức. Đó là nhận định chung của giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, trong bài trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ.
23 Tháng Năm 2013(Xem: 24353)
Những người kiến nghị cho rằng dự thảo hiến pháp hiện đang được trưng cầu ý kiến "chưa thấu suốt bản chất của một hiến pháp dân chủ, chưa thể hiện sự tin cậy, tín nhiệm của nhân dân với chính quyền theo tinh thần thỏa thuận kiến tạo một môi trường có sự kiểm soát bên trong và bên ngoài đối với quyền lực".
23 Tháng Năm 2013(Xem: 23508)
Giữa tháng 04/2013, một loạt các đề xuất sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được Ban biên tập soạn thảo tiếp thu, trong đó có phương án đổi lại tên nước thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm qua 20/05, việc đổi tên nước đã đột ngột bị loại khỏi văn bản dự thảo.