Vụ nhà báo Khashoggi

28 Tháng Mười 20188:51 CH(Xem: 10832)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ  - THỨ HAI 29 OCT 2018


Sau vụ Khashoggi, « MBS » lọt vào vòng kim cô của Donald Trump

image012

Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed Ben Salmane (MBS). Ảnh chụp ngày 11/04/2017.Reuters


Trách nhiệm của thái tử Ả Rập Xê Út Mohamed Ben Salman « MBS » càng lúc càng rõ trong vụ sát hại nhà báo đối lập Jamal Khashoggi hôm 02/10/2018 trong toà lãnh sự tại Istanbul. Trong ván cờ địa chính trị và nhiên liệu, Washington cần Riyad nhưng « MBS » bắt đầu trở thành một đối tác phiền toái. Tổng thống Donald Trump đối phó bằng cách nào ?


Tổng thống Donald Trump rất hài lòng khi thấy « MBS », biệt danh của thái tử Ả Rập Xê Út 33 tuổi củng cố quyền lực tại Riyad và cũng là bạn thân của Jared Kushner, con rễ kiêm cố vấn của chủ nhân Nhà Trắng. Đó là chuyện cũ. Chuyện mới là từ khi nghi án sát nhân, thủ tiêu nhà báo đối lập Jamal Khashoggi nổ ra, vị thái tử đầy quyền uy bị đặt vào ghế bị cáo. Hệ quả là hầu hết giới lãnh đạo quốc tế tẩy chay diễn đàn đầu tư « Viễn ảnh 2030 », khai mạc ngày 23/10, tại Riyad.


Bởi vì từ hơn hai tuần nay, thông tin từ cuộc điều tra của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ được báo chí địa phương và Mỹ tiết lộ hàng ngày đã đánh tan những lập luận chống đỡ tình huống của chế độ Riyad và giờ đây « MBS » bị xem là nghi can số một, người chủ mưu một chiến dịch trả thù cá nhân nhưng vụng về và thất bại thảm hại.


Hệ quả của vụ tai tiếng này ra sao ? Câu trả lời tùy thuộc vào quyết định của Washington, nếu không bỏ rơi MBS thì ít ra sẽ giữ khoảng cách lạnh nhạt để gây áp lực.


Theo phân tích của AFP, chính tổng thống Donald Trump, thoạt đầu còn tỏ ra bao dung nhưng sau đó phải tức giận vì cảm thấy bị phản bội. Biện pháp đầu tiên là cấm visa nhập cảnh những viên chức dính liếu với đoàn sát thủ. Trả lời phỏng vấn của Wall Street Journal, tổng thống Mỹ « để yên » cho quốc vương Salman 80 tuổi nhưng nhấn mạnh đến « trách nhiệm » quản lý đất nước của thái tử MBS, nếu « có một người can dự thì người đó không ai khác hơn là Mohamed Ben Salman ».


Về mặt chiến lược, Hoa Kỳ không muốn để cho chế độ Riyad suy yếu. Ả Rập Xê Út và Israel là hai đồng minh trụ cột của Mỹ tại Trung Đông. Ngoài nhu cầu chiến lược còn có lợi ích kinh tế. Dầu hỏa, đôla của Riyad đóng góp đáng kể cho sự phồn vinh của Mỹ. Gần đây, trong chuyến công du Hoa Kỳ của thái tử MBS, hai bên đã ký hơn 300 tỷ đôla hợp đồng trong đó có 110 tỷ mua vũ khí. Chưa hết, Donald Trump còn cần Ả Rập Xê Út trong vai trò « điều hòa » thị trường dầu khí trong khuôn khổ kế hoạch trừng phạt Iran và Nga. Riyad bị mất ổn định đồng nghĩa với 13% lượng dầu cung cấp cho thị trường bị hao hụt, giá dầu sẽ leo thang.


Trợ lực và áp lực Mỹ


Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vương quyền Ả Rập Xê Út cần Mỹ để tồn tại. Không có Washington, dòng họ Salman khó giữ ngôi lâu dài, theo nhận định của Martin Indyk, cố vấn địa chính trị thời tổng thống Bill Clinton. Trong chủ trương « lợi ích nước Mỹ trước tiên », tổng thống Donald Trump từ từ nhường gánh nặng khu vực cho đồng minh Israel và Ả Rập Xê Út. Thế nhưng « MBS » đánh mất tín nhiệm, gây nhiều phiền toái cho Mỹ, từ vụ Khashoggi cho đến chuyện gây xít mích với Qatar và can thiệp vào Yemen, gây ra thảm nạn nhân đạo tại sừng Phi châu, vô tình tạo lợi thế cho Iran. Các chuyên gia khác như Gary Grappo, nhà ngoại giao nhiều năm hoạt động tại Riyad cho rằng các nước Tây phương rất e dè MBS nhưng thái tử đã củng cố được quyền lực rất khó loại trừ.


Nhưng trong trường hợp « thoát nạn » và lên ngôi, MBS sẽ là một ông vua suy yếu. Chuyên gia Joseph Bahout, Viện nghiên cứu Carnegie ở Washington dự đoán như sau : Để tồn tại, MBS sẽ đàn áp tàn bạo đối lập trong nước. Nhưng về đối ngoại vua MBS sẽ tỏ ra là đồng minh trung thành với Mỹ và cực kỳ cứng rắn với Iran, theo chính sách của chủ nhân Nhà Trắng./( Tú Anh 26-10-2018 )


+++++++++++++++++++++++++++++++++


Khi nhà báo bị sát hại


MAI LOAN


Sự mất tích của nhà báo Jamal Khashoggi gốc Saudi Arabia đang là đề tài thời sự căng thẳng trên chính trường thế giới và làm điên đầu giới chức lãnh đạo của hai nước Hoa Kỳ và Vương quốc Ả Rập giầu có này.


Gọi là căng thẳng vì không phải ông ta chỉ bị mất tích sau khi bước vào toà lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng 10 nhưng sau đó không thấy trở ra, mà vì giới tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng họ đã có những bằng chứng thu hình và thu âm để kết luận rằng ông ta đã bị giết chết bên trong toà lãnh sự, và thi thể được chặt nhỏ ra để đem đi phi tang. (Vì toà lãnh sự được xem là có đặc quyền ngoại giao khiến cảnh sát nước Thổ không thể tự tiện xông vào, nhưng nó cũng không ngăn cản việc giới chức tình báo của Thổ có thể theo rõi những gì xảy ra quanh đó.)


Lý do là vị người vị-hôn-thê của ông, cô Hatice Cengiz, nói rằng cô đưa ông đến đó để làm một ít thủ tục giấy tờ sửa soạn cho việc làm giấy hôn thú với cô, nhưng không hề thấy ông trở ra sau đó. Điều đáng nói là vì ông Jamal Khashoggi, tuy là một người gốc Saudi Arabia và từng có quan hệ rất thân thiết với giới chức cao cấp tại Vương quốc này từ trước tới nay, nhưng gần đây lại trở thành một nhà báo đối kháng với chính quyền ở thủ đô Riyadh kể từ khi quốc vương Salman lên cầm quyền, nhất là sau khi con trai của ông là Mohammed bin Salman (với biệt danh MBS) làm một cuộc đảo chính trong nội bộ vào năm 2017 để lên nắm quyền Thái tử và được xem là người có thực quyền nhất hiện nay.


Đáng nói là vì chế độ vương quốc Saudi Arabia nổi tiếng là độc tài và tàn ác không khoan nhượng với bất cứ ai lên tiếng chống đối, cho dù đó là những hoàng thân quốc thích hoặc những nhà tỷ phú giầu có bậc nhất. Vào năm 2017, một nhà báo khác là Fayez bin Damakh, cũng bị biến mất và từ đó đến nay, không ai còn biết tung tích ở đâu.


Nhưng lần này, ông Jamal Khashoggi là một nhà báo cộng tác với tờ nhật báo hàng đầu ở thủ đô là tờ Washington Post, thường viết các bài bình luận có nội dung chỉ trích mạnh mẽ các chính sách độc tài của vương quốc này, dưới bàn tay lãnh đạo cứng rắn của lãnh tụ trẻ đầy tham vọng là Thái tử MBS.


Cũng giống như nhiều thành phần ưu tú và ngoại lệ của vương quốc này, ông Khashoggi cũng được gia đình đưa sang ăn học tại Hoa Kỳ. Ông có người chú ruột là Adnan Khashoggi, thường được gọi là ông hoàng Aga Khan, một tỷ phú nổi danh vì là tay môi giới chuyên mua bán vũ khí, và là người đã giúp cho Saudi Arabia có thể mua được vũ khí tối tân của Hoa Kỳ hồi thập niên 1960.


Ông hoàng này có người bố, và là ông nội của Jamal, là Mohammad Khashoggi, vị bác sĩ riêng của Vua Abdul Aziz Al Saud, người sáng lập ra vương quốc này với nhiều bà vợ và hàng chục người con trai đã thay nhau lên kế vị (chứ không phải theo kiểu cha truyền con nối) từ đó đến nay, với vị vua hiện nay là Salman được xem như là người con trai cuối cùng trước khi truyền sang đến đời cháu nội kế tiếp. 


Vì thế nên giòng họ Khashoggi cũng thường được xem như là những người rất thân cận với hoàng gia từ lâu đời, và chính cá nhân ông Jamal Khashoggi cũng từng được gửi đi tham dự các cuộc họp ngoại giao với tư cách là đại diện của chính quyền Saudi Arabia.


Tốt nghiệp tại trường Đại học Indiana State vào năm 1982, ông ta nhanh chóng lao vào lãnh vực báo chí. Sau đó leo dần lên các chức vụ cao trong ngành này để trở thành chủ bút của tạp chí Al Madina vào năm 1992, rồi sau đó là phụ tá chủ bút của tờ Arab News, tờ nhật báo tiếng Anh hàng đầu tại Saudi Arabia. Đến năm 2015, một vị hoàng thân nổi tiếng và giầu có khác là Talal Alwaleed bin Talal lập ra một đài truyền hình mới có tên là Al-Arab News và trao cho ông Jamal làm chủ biên.


Tuy nhiên, cũng chính từ lúc này mà những khó khăn bắt đầu đến cho ông Jamal Khashoggi. Ngay trong ngày đầu phát hình, đài truyền hình này đã phải bị đóng cửa, vì có tin đồn rằng chính quyền hoàng gia không đồng ý với việc đài này cho phép một chính trị gia của hoàng gia Bahrain đối lập với Saudi Arabia được lên tiếng. Ông Jamal bị cấm không được trả lời trên bất cứ diễn đàn truyền thông nào ở trong nước, và cũng không tìm được nơi nào khác để tiếp tục hành nghề truyền thông.


Ngay cả ông hoàng Talal Alwaleed cũng bị nhốt cùng với hàng chục ông hoàng và tổng trưởng cao cấp và nhiều tỷ phú khác trong một khách sạn sang trọng nhất là Ritz-Carton tại thủ đô Riyadh vào năm 2017 trong một chiến dịch thanh trừng nội bộ do Thái tử MBS chủ động với lý do là bài trừ tham nhũng. Lý do là vì ông hoàng trẻ đầy tham vọng MBS này coi những ông hoàng trẻ tuổi và tài ba khác như là những đối thủ đáng ngại khác có thể ngăn cản bước đường danh vọng và quyền lực của mình.


Vì thế nên ông Jamal Khashoggi tự lựa chọn cuộc sống lưu vong để trở lại Hoa Kỳ và hợp tác với tờ nhật báo Washington Post, bắt đầu viết các bài bình luận ủng hộ cho những chính sách cải tổ tại vương quốc này. Ông chỉ trích chính sách của Saudi Arabia dấn thân trong cuộc nội chiến tại lân bang Yemen, chê bai việc gây hấn với nước Qatar chẳng đem lại lợi ích gì, đồng thời cũng cáo buộc chính quyền hoàng gia đã lạm dụng tài sản của vương quốc và ra lệnh bắt giam những người khác chỉ vì những hậu ý và mưu đổ chính trị.


Tại Hoa Kỳ, ông Jamal Khashoggi sinh sống tại tiểu bang Virginia và có quy chế thường-trú-nhân (có thẻ xanh), trở thành một ngòi bút có uy tín nhưng lại là một cái gai khó chịu cho chính quyền Saudi Arabia, giữa lúc vương quốc này đang có những liên hệ nồng thắm với chính quyền TT Trump, và đặc biệt là với người con rể của tổng thống Trump là Jared Kushner.


Nhưng vận mệnh đưa đẩy khiến ông Jamal Khashoggi quyết định bước vào toà lãnh sự Saudi Arabia tại Istanbul vào ngày 2 tháng 10 vừa qua để hoàn tất một vài thủ tục và giấy tờ để có thể kết hôn với cô bạn gái là Hatice Cengiz, người nước Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đã được ông dặn trước là sau đó vài giờ nếu không thấy ông trở ra thì gọi báo cho các bạn bè biết. Và quả thực là vài giờ đồng hồ sau đó, cô này không hề thấy vị-hôn-phu của mình trở ra ngoài.


Thoạt đầu, các viên chức của Saudi Arabia đều chối là việc ông Khashoggi bị mất tích, và nói rằng ông ta đã rời khỏi toà lãnh sự liền sau đó, và họ không hề biết ông ta đi đâu, và coi như muốn chối bỏ chuyện ông ta bị mất tích sau khi bước vào toà lãnh sự.


Nhưng sau đó không lâu, những viên chức của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu lén bắn tin ra ngoài để nói rằng có lẽ ông Khashoggi đã bị giết chết bởi các tay sát thủ được chính quyền Saudi Arabia đưa đến để thi hành công tác bịt miệng này. Phía Saudi Arabia dĩ nhiên là cực lực phản đối lời cáo buộc này, nói rằng ông Khashoggi đã tự mình bước ra khỏi toà lãnh sự, nhưng lại không cung cấp được một bằng chứng nào để xác nhận điều này.


Những đồng nghiệp của ông Khashoggi tại tờ Washington Post đã điều tra để biết rằng chính Thái tử MBS là người đã ra lệnh mở chiến dịch dụ ông Khashoggi rời khỏi nước Mỹ để có thể bắt giữ ông ta tại một nước thứ ba là Thổ Nhĩ Kỳ, dựa theo những tin tức thu được từ giới tình báo của Hoa Kỳ. Hành động này cũng gần tương tự như việc nhà cầm quyền Việt Cộng đã ra lệnh đưa một nhóm công an trong nước sang nước Đức để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. 


Theo nhà báo Shane Harris, điều này cho thấy là có lẽ kế hoạch ban đầu về việc bắt giữ ông Khashoggi ở bên trong toà lãnh sự đã diễn ra không xuông xẻ hoặc gặp sự chống cự mãnh liệt và một vài tên công an côn đồ của Saudi Arabia có lẽ quá nóng giận hoặc vội vã nên đã lỡ xuống tay hạ sát. Từ đó mới dẫn đến việc phải tìm cách giấu nhẹm nội vụ cũng như tìm cách phi tang.


Bản tin này đã như một quả bom nổ lớn gây chấn động lớn trên chính trường nước Mỹ, vốn là nơi mà chính quyền Saudi Arabia trong thời gian gần đây đang tìm cách ve vãn với chính quyền Trump. Chỉ trong vòng có vài ngày mà cái tin về sự mất tích (và bị đồn đoán là đã bị giết chết) của ông Khashoggi đã khiến cho nhiều giới tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn chú ý đến nội tình của Saudi Arabia còn hơn cả vụ gây tai tiếng kéo dài từ lâu là chuyện Saudi Arabia xen lấn vào cuộc nội chiến ở Yemen từ nhiều năm trước.


Liền sau đó, các nhà báo của tờ Washington Post cũng loan báo việc các viên chức cao cấp của Thổ Nhĩ Kỳ đã nói với các viên chức đồng cấp của Hoa Kỳ rằng họ đã có những bằng chứng thu thanh cũng như thu hình để có thể xác nhận lời kết luận của họ rằng có lẽ ông Khashoggi đã bị giết chết bên trong toà lãnh sự Saudi Arabia.


Nghị sĩ Lindsey Graham thuộc phe Cộng Hoà đã không ngần ngại đưa ra lời cảnh cáo rằng “sẽ có một cái giá ghê gớm cần phải trả” cho hành động này nếu như những lời cáo giác về việc ra tay tàn bạo từ phía Saudi Arabia được xác nhận. Ông Graham nói rằng “Nếu như ông ta (Khashoggi) bị giết chết bên trong toà lãnh sự ở Istanbul thì điều này coi như đã vượt qua những lằn ranh được xem là bình thường trong cộng đồng quốc tế.


Nhiều chuyên gia đã than phiền chuyện Toà Bạch Ốc lần này dường như chẳng hề tỏ ra quan tâm trước một hành động ám sát như vậy. Một bình luận gia của tờ Washington Post là ông Robert Kagan phê bình rằng “Điều đó biểu tượng cho sự kiện Hoa Kỳ giờ đây đã rời bước để không còn trở thành là một thế lực ngăn cản những kẻ tội ác trên thế giới này.” Ông nói rằng Saudi Arabia là một quốc gia nhỏ bé không có khả năng tự vệ nếu như không có sự trợ giúp của Hoa Kỳ; và do đó không một lãnh tụ nào của vương quốc này dám có một hành động táo tợn như vậy nếu như họ không tự tin rằng phía Washington sẽ không làm gì hết trong vụ này, vì từ trước tới nay Hoa Kỳ là lãnh tụ của khối trật tự thế giới tự do.


Nhà báo Ishaan Tharoor nhận định rằng quả tình là TT Trump đã không hề có những cử chỉ hay lời nói nào để cho thấy là những bằng chứng về hành động táo tợn và ngang ngược của Saudi Arabia có thể khiến ông sẽ phải thay đổi lại những quan hệ với vương quốc này. Trong nhiều cuộc phỏng vấn hay những lần phát biểu kể từ sau khi nhà báo Khashoggi bị mất tích, ông Trump luôn nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng trong việc bảo vệ quyết định bán vũ khí cho Saudi Arabia với trị giá 110 tỷ Mỹ-kim.


Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Fox News, TT Trump đã phát biểu: “Tôi nghĩ điều đó (huỷ bỏ việc bán vũ khí cho Saudi Arabia) sẽ gây thiệt hại cho chúng ta. Chúng ta có công ăn việc làm. Chúng ta đang có nhiều công ăn việc làm hiện nay ở trong nước. . . Một phần của điều này là vì chúng ta đang có những hệ thống phòng thủ tối tân và mọi người khác đều mong muốn có nó. Và nói thẳng ra là tôi nghĩ rằng điều đó (ngưng bán vũ khí cho Saudi Arabia) quả tình là một viên thuốc đắng rất khó nuốt cho quốc gia của chúng ta.” (Dĩ nhiên, sẽ có nhiều người trong kỹ nghệ súng ống ở Mỹ cũng đồng tình với TT Trump khi cho rằng cái giá của một nhà báo tự do không thể nào so sánh với việc phải hy sinh 110 tỷ Mỹ-kim để bán vũ khí cho một chính quyền, dù đó là một chế độ độc tài dã man đáng lên án.)


Qua ngày hôm sau, ông Trump cũng lên tiếng để bỏ qua vụ này và so sánh nó như là một vụ rắc rối xảy ra bên trong nội bộ nước Thổ Nhĩ Kỳ và liên quan đến một công dân của Saudi Arabia, và do đó chẳng có gì liên can đến quyền lợi của Hoa Kỳ, dù rằng ông Khashoggi thật ra đã có quy chế thường-trú-nhân, tức là quy chế hợp pháp được chính quyền Hoa Kỳ bảo vệ không khác gì các công dân có quốc tịch theo luật pháp Mỹ, ngoài trừ quyền được đi bỏ phiếu. Và người bị sát hại lại là một nhà báo đang hành nghề cho một tờ báo hàng đầu tại Hoa Kỳ.


Thật ra thái độ dửng dưng của TT Trump trong vụ này cũng không phải là điều ngạc nhiên. Saudi Arabia là quốc gia đầu tiên mà ông Trump đã chọn làm nơi đầu tiên để ông mở chuyến công du trong cương vị tổng thống. Từ đó trở đi ông đã luôn miệng ngợi khen việc chính quyền Saudi Arabia đã không ngần ngại chi tiền rất rộng rãi để mua súng ống và tàu bay của Hoa Kỳ, cũng như đã gắn kết chặt chẽ trong liên minh với Hoa Kỳ để chống lại Ba Tư (Iran).


Ông Trump cũng quyết định sắp xếp lại bàn cờ tại Trung Đông bằng cách kết hợp với Saudi Arabia và Tiểu Vương Quốc Ả Rập, vốn là hai quốc gia chống đối mạnh mẽ các cuộc nổi dậy tranh đấu cho tự do dân chủ tại vùng Trung Đông vào năm 2011. Cả hai chính quyền ở Riyadh và Abu Dhabi đều đã hoan nghênh cuộc đảo chính ở Ai Cập vào năm 2013 để lật đổ chính quyền của TT Mohamed Morsi mặc dù ông này được đắc cử chính thức qua một cuộc phổ thông đầu phiếu. Lý do của vụ đảo chính này là những lời cáo buộc cho rằng ông Morsi thuộc thành phần của nhóm Muslim Brotherhood (Huynh Đệ Hồi-Giáo), và chính quyền hai vương quốc này đã chi thật nhiều tiền để ủng hộ cho phe đảo chính và lãnh tụ mới lên cầm quyền là tướng Abdel Fatah al-Sissi.


Nhà báo Khashoggi, khởi thuỷ là một người thân cận bên trong hoàng gia ở Saudi Arabia nhưng sau đó đã lựa chọn con đường lưu vong để có thể nói lên tiếng nói tự do và trung thực của mình, là một người chống đối mạnh mẽ những chính sách bảo thủ cứng rắn, không khoan nhượng với những tiếng nói đối lập ở trong nước, từ đó coi như đã giết chết những hy vọng có thể đem lại bầu không khí dân chủ tại các nước Ả Rập.


Trong một bài bình luận hồi tháng 8 vừa qua, ông Khashoggi đã viết: “Cuộc đảo chính tại Ai Cập đã dẫn đến một sự thiệt thòi vì mất đi cơ hội quý giá cho quốc gia này và cả cộng đồng Ả Rập. Nếu như tiến trình dân chủ được cơ hội tiếp tục, những chính sách điều hành của nhóm Muslim Brotherhood có thể được trưởng thành hơn và trở thành bao dung hơn, và cuộc chuyển nhượng quyền lực một cách ôn hoà có thể được hiện thực và trở thành một tiền lệ để cho nhiều nước khác bắt chước theo.


Dĩ nhiên, trước ông Trump, những vị tổng thống Mỹ tiền nhiệm như các ông Bush Con, Obama cũng chẳng phải là những vị lãnh tụ luôn tìm cách bảo vệ mạnh mẽ nền tự do dân chủ tại các nước Ả Rập này. Nhà báo Evan Hill, trong một bài viết trên tạp chí Slate, đã viết rằng: “Việc Hoa Kỳ coi như chấp nhận cái chết của phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ có tên là Mùa Xuân Ả Rập bắt nguồn từ việc các viên chức chính quyền Obama có cái nhìn thực tiễn nhưng bi quan về tình hình tại đây, cùng với áp lực mạnh mẽ từ phía Saudi Arabia và Tiểu Vương Quốc Ả Rập, vì cả hai vương quốc này đều coi những cuộc nổi dậy đó là những mối hiểm nguy sinh tử đối với chế độ cầm quyền độc đoán quân chủ của họ.


Tuy nhiên đến phiên ông Trump thì ông lại càng nói rõ cho mọi người biết là ông chẳng hề quan tâm đến cái gọi là những thử nghiệm về dân chủ tại các quốc gia này. Việc mất tích của nhà báo Jamal Khashoggi và sự dửng dưng của chính quyền Mỹ càng cho mọi người thấy rõ là ông Trump sẵn sàng bỏ qua tất cả để tiếp tục ủng hộ những lãnh tụ độc tài thân thiết với ông, nhất là khi việc đó giúp ông có thể tiếp tục làm giầu.


Saudi Arabia không những là một đồng minh chính trị của TT Trump, mà cũng còn là một khách hàng thân thuộc của ông. Trong một bài viết khác trên tờ Washington Post, hai nhà báo David Fahrenthold và Jonathan O’Connell đã đưa ra một số những sự kiện để mọi người thấy rõ: “Những giao dịch làm ăn của ông Trump với chính quyền Saudi, và những tay trọc phú ở vương quốc này, đã bắt đầu từ lâu, ít ra là từ thập niên 1990. Vào lúc ấy, việc làm ăn của ông Trump đang gặp khó khăn với những vụ khai phá sản, đã có một ông hoàng Saudi Arabia đã bỏ tiền ra để mua lại một chiếc du thuyền hạng sang và một khách sạn của ông Trump. Ngoài ra chính quyền Saudi Arabia cũng chi ra 4 triệu rưởi Mỹ-kim để mua lại một căn chúng cư của ông Trump gần toà nhà Liên Hiệp Quốc.


Ngay cả sau khi ông Trump lên làm tổng thống, những giao dịch giữa đôi bên vẫn tiếp tục diễn ra tốt đẹp. Các nhà vận động hành lang cho Saudi Arabia đã chi ra 270,000 Mỹ kim để thuê phòng tại khách sạn Trump ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Cũng trong năm này, các khách sạn của ông Trump tại hai thành phố New York và Chicago cũng thấy số lượng khách hàng của Saudi Arabia gia tăng lên.


Trong một cuộc vận động tranh cử vào năm 2015 tại tiểu bang Alabama, ứng cử viên Donald Trump đã không hề che đậy chuyện này, nếu không muốn nói là còn khoe khoang cho cả thiên hạ biết rõ: “Saudi Arabia hả? Tôi làm việc rất tốt với tất cả bọn họ. Họ mua nhiều căn chúng cư của tôi. Họ đã chi ra 40 triệu, 50 triệu Mỹ kim. Liệu như vậy thì tôi phải ghét họ sao? Không, tôi rất ưa thích họ.


Bài báo của hai nhà báo trên cũng kể lại một chi tiết khác khá lý thú. Vào năm 1991, khi ông Trump đang bị mắc nợ khoảng 900 triệu Mỹ-kim vì những dự án xây các sòng bài casino gặp thất bại, ông đã bán chiếc du thuyền hạng sang cho ông hoàng Alwaleed bin Talal với giá là 20 triệu Mỹ-kim. Đây là chiếc du thuyền với chủ nhân đầu tiên là ông hoàng Adnan Khashoggi, chính là người chú ruột của nhà báo Jamal Khashoggi sau này. Rồi sau đó không lâu, ông hoàng Alwaleed cũng lại mua thêm cổ phần của ông Trump trong khách sạn Plaza Hotel khi đồng ý thanh toán tất cả các món nợ còn lại của ông Trump tại đây. 


Trước những áp lực tăng dần từ phía nhiều nghị sĩ phe Cộng Hoà và các nhà lãnh đạo ở Âu Châu trước diễn biến chính quyền Saudi Arabia đã bị cáo buộc tội ra tay giết chết nhà báo Jamal Khashoggi, mới đây TT Trump đã cử Ngoại Trưởng Mike Pompeo đến vương quốc này để hỏi cho ra lẽ. Tuy nhiên, liền sau đó cũng lại chính TT Trump lại lên tiếng cho rằng có lẽ những thành phần côn đồ” (rogue killers) là thủ phạm giết chết nhà báo này.


Nếu đã có những lời lẽ gần như là bào chữa trước khi điều tra như vậy từ phía TT Trump, có lẽ những lãnh tụ tại vương quốc Saudi Arabia cũng không còn khó khăn hay ngần ngại gì khi đối mặt với Ngoại trưởng Pompeo, vì họ chỉ cần lập lại lời nhận định của người sếp lớn của ông ở tại Toà Bạch Ốc.


Nhưng riêng với kẻ viết bài, dù chỉ là một nhà báo quèn, chuyện ông Jamal Khashoggi bị sát hại bởi một chế độ độc tài vẫn là một chuyện cần phải gióng lên để mọi người cùng biết đến và cảm thông cho số phận của những người làm trong ngành truyền thông, cho dù là nó đang thường bị đánh phủ đầu bởi vị lãnh tụ của đệ nhất siêu cường hiện nay.


 MAI LOAN


Houston, Texas, ngày 20 tháng 10/2018


anhtuantaberd74@gmail.com


 TB: Mới đây, phía chính quyền Saudi Arabia đã phải thú nhận rằng ông Jamal Khashoggi đã bị giết chết bên trong toà lãnh sự của họ tại Istanbul, nhưng đổ lỗi là do một vài tay côn đồ mất bình tĩnh nên ra tay kẹp cổ khi ông Jamal chống cự. Lời tuyên bố này coi như đã xác nhận sự dối trá của họ trước đó khi nói rằng ông ta đã tự ý ra về khỏi toà lãnh sự.  


Nhưng lời xác nhận này cũng không khiến nhiều người hài lòng, nên vài ngày sau chính quyền Saudi Arabia lại nhìn nhận rằng có lẽ cái chết của ông Jamal Khashoggi đã được chủ mưu từ trước. Vấn đề chính là ai là người chủ mưu? Và liệu kẻ đó có phải trả cái giá nào không?