Quận Cam: Kiều Mỹ Duyên Phỏng vấn Ht Thích Như Điển

27 Tháng Ba 20248:56 SA(Xem: 192)

VĂN HÓA ONLINE – VĂN HÓA - THỨ TƯ 27 MAR 2024


Quận Cam: Kiều Mỹ Duyên Phỏng vấn Ht Thích Như Điển


image067Hòa Thượng Thích Như Điển tặng Kiều Mỹ Duyên quyển"Environment Restoration For Harmonious Co- exixtence"- kỳ họp thứ 11 ở New Zealand, nhân chuyến hoằng pháp của Ngài đến Orange County tháng 3/2024.


Trong chuyến hoằng pháp Âu Mỹ của Hòa Thượng Thích Như Điển từ ngày 12/3/2024 đến 17/3/2024 đến Orange County, chúng tôi - Kiều Mỹ Duyên và Thu Anh - có cơ duyên được phỏng vấn Hòa Thượng tại đài Saigon Radio Hải Ngoại, thành phố Westminster, Orange County, miền Nam California, vào ngày 13/3/2024.


image070Hòa Thượng Thích Như Điển, Thu Anh và Kiều Mỹ Duyên tại đài Saigon Radio Hải Ngoại ngày 13/3/2024


Hòa Thượng Thích Như Điển: Cho đến 1975, thật sự các giáo hội chưa thành lập được một cơ sở nào ở ngoại quốc hết. Mặc dù thời đó các sinh viên du học ngoại quốc cũng nhiều nhưng đa phần đều trở về quê hương của mình để làm việc.


 Sau 1975, như tất cả chúng ta đều biết ngày 30/4, năm này cũng đã là 49 năm rồi, người Việt ra đi với nhiều hình thức khác nhau: đi bằng máy bay cũng có, đi đường bộ cũng có, đường biển cũng có, và chết chóc rất nhiều.


Người Việt mình định cư ở Hoa Kỳ nhiều nhất, khi đã an cư lạc nghiệp rồi, nhiều quý thầy và Phật tử nghĩ đến vấn đề tâm linh. Ở Hoa Kỳ này đầu tiên là thầy Thích Thiên Ân ở là giáo sư đại học Vạn Hạnh từ 1964 đến 1966. Chùa Việt Nam ở vùng Los Angeles là chùa đầu tiên được thành lập ở Hoa Kỳ. Hiện tại ở Hoa Kỳ cũng có hơn 200 ngôi chùa Việt Nam, lớn nhất ở vùng này như chùa Bảo Quang, chùa Bát Nhã, chùa Điều Ngự, v.v.


Miền Trung nước Mỹ, có chùa Việt Nam của Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh và ở Texas cũng có nhiều chùa, đó là nơi nuôi dưỡng tinh thần của người Phật tử Việt Nam mình. Trong những lễ quan hôn, tang tế và bước theo sự phát triển của Phật giáo Việt Nam ở Hoa Kỳ, còn có sự phát triển ở Âu Châu, Úc Châu, ở Canada, ngay bây giờ ở Phi Châu cũng đã có những cơ sở của Phật giáo Việt Nam, và của các gia đình Phật tử. Nhìn chung sinh hoạt gia đình Phật tử trẻ phát triển mạnh, tiếp nối tinh thần gia đình Phật tử Việt Nam trong nước, đào tạo các thanh thiếu đoàn sinh của gia đình Phật tử, họ học tiếng Việt, tiếng Anh hoặc tiếng Đức, hay tiếng Pháp đi kèm với ngôn ngữ mẹ đẻ của mình về phía phương diện giáo dục.


Chỉ có vấn đề đào tạo những thanh niên trẻ ở ngoại quốc đang gặp khó khăn, bởi vì người xuất gia trong hiện tại ở ngoại quốc rất khó. Con cái quý vị sinh ra, lớn lên và đi học, học xong trung học, lên đại học, đại học xong ra đi tìm việc làm, rồi lập gia đình chứ ít ai nghĩ đến việc tu học.


Chỉ có những vị về hưu, 50- 60 tuổi về sau thích sống đời sống tâm linh, cho nên xin vào để xuất gia. Những trường hợp này cũng đào tạo 5- 10 năm xong rồi cũng về với Phật, cho nên vấn đề nan giải của Phật giáo Việt Nam ở ngoại quốc là vấn đề con người. Người xuất gia, nếu có người trẻ là tăng, ni tu tập, điều đó rất là quý. Giáo hội đang gặp khó khăn đó.


Vấn đề cơ sở vật chất ở khắp nơi trên thế giới bây giờ cũng trên 500 ngôi chùa Phật giáo Việt Nam, chung cho các châu đó. Chư tăng ni khoảng 3000 vị. Số lượng như vậy tương đối rất ít so với số tín đồ để phục vụ các việc như đám tang, đám cưới, nhà mới, v.v. nhiều phương diện khác mà cần cố vấn lãnh đạo tinh thần, quý thầy. Khó khăn ở người xuất gia lớn tuổi là ngôn ngữ không rành, nên vấn đề hội nhập vào xã hội ở Mỹ, vì mình không phải làm cho người Việt Nam mình không mà còn có người Đức, người Pháp, người Nhật, người Phi Châu, thì quý thầy phải giỏi những ngôn ngữ đó. Chúng tôi đang có chương trình thành lập các học viện, tương đương với viện đại học sẽ dạy những ngôn ngữ, dạy giáo lý Phật pháp ở nơi đó, để tiếp tục phát triển đạo Phật.


Kiều Mỹ Duyên: Thu Anh, một người trẻ rất quan tâm đến vấn đề phát triển Phật giáo. Mời Thu Anh đặt câu hỏi với thầy.


Thu Anh: Kính thưa Hòa Thượng, trong những chuyến đi của Hòa Thượng ở nước ngoài có những gì đặc biệt không?


Hòa Thượng Thích Như Điển: Tôi được đi du học ở Nhật năm 1972, giống như chị Kiều Mỹ Duyên đã du học ở Úc thời gian trước năm 1975.


Năm 1974, tôi có về Việt Nam 1 tháng theo chương trình của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho những sinh viên ở ngoại quốc đi về thăm quê hương, đất nước. Từ năm 1974 đến bây giờ, tôi chưa về lại Việt Nam lần nào.


Tuy nhiên, trong khó khăn cũng gặp những chuyện rất hay. Nhờ tị nạn, năm 1977, sau khi tôi học xong đại học ở Nhật, tôi qua bên Đức, nhờ vậy có quốc tịch Đức, cho nên tôi đi khắp nơi trên thế giới. Tôi đã đi qua 83 nước, Châu Phi, Châu Á, Châu Âu, Châu Úc, Châu Mỹ. Đến Mỹ lần này là lần thứ 55 rồi, từ năm 1978 đến bây giờ. Không ngờ kỳ này đi vô Mỹ sao mà dễ quá, họ không hỏi gì hết, đi đâu, làm gì, không cần khai báo giống như những lần trước. Tôi nghĩ đó là sự tiến bộ của nước Mỹ về vấn đề Visa cho khách ngoại quốc nhập cảnh vào. Đây là một điều làm cho khách du lịch không ái ngại nữa. Khó khăn ban đầu, ở Mỹ chùa chiền không có, nhiều lúc phải mượn nhà thờ để làm lễ, đến nhà Phật tử ở nhờ, vấn đề chay tịnh lúc trước ai cũng nấu chay được hết, nhưng bây giờ người ta thuận thành nhiều rồi, nên vấn đề cơm nước cũng rất là dễ.


 Ở Hoa Kỳ, vấn đề di chuyển rất thuận tiện, đi máy bay đa phần từ tiểu bang này sang tiểu bang khác. Tôi đến Mỹ nhiều lần, tôi rất cảm ơn nước Mỹ, cho các Phật tử nói riêng, đồng bào Việt Nam mình nói chung, nhiều cơ hội phát triển, trong đó có Phật giáo.


Bởi vì, năm 1968, quý hòa thượng Việt Nam muốn thành lập 3 ngôi chùa ở ngoại quốc nhưng cũng không làm được cho đến năm 1975. Sau 1975 đến bây giờ, đã có 5-7 trăm ngôi chùa như vậy, là nơi nuôi dưỡng tinh thần, đó là một điều rất là tốt, không phải cho người già, mà cả người trẻ có nơi trở về với đời sống tâm linh của họ.


Ví dụ như họ đi học ở đại học, hỏi anh/cô/ chị theo đạo gì, thì nói đạo Phật. Đạo Phật là gì? Họ sẽ chỉ một ngôi chùa, không chỉ một nhà hàng, là một nơi văn hóa về ẩm thực thôi, còn ngôi chùa là văn hóa về tâm linh giống như bài thơ "Nhớ Chùa" của tác giả Nguyễn Thông- Hòa Thượng Thích Mãn Giác, đa phần không ai biết hai câu sau cùng: "Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của tổ tông". Bài thơ của thầy dài 36 câu, bây giờ thầy đã viên tịch. Chúng tôi thấy sự tiến triển về tâm linh ở ngoại quốc, nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung thì rất là tốt.


image072Hòa Thượng Thích Như Điển và Kiều Mỹ Duyên trong phòng thu âm, đài Saigon Radio Hải Ngoại.


Kiều Mỹ Duyên: Kính thưa Hòa Thượng, Hòa Thượng đã viết rất nhiều sách, hiện nay trong các thư viện ở Hoa Kỳ, thư viện Quốc Hội cũng như các thư viện các trường đại học, thư viện của thành phố cũng cần sách lắm. Hòa Thượng có nghĩ sách của Hòa Thượng cũng như là sách của thầy Tuệ Sỹ, thầy Trí Siêu hay các thầy có kiến thức uyên thâm, sẽ được cho vào các thư viện của tất cả các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc Châu, Châu Âu không thưa thầy? Thầy rất chú trọng đến vấn đề sách vở, riêng cá nhân của thầy đã in mấy chục cuốn sách. Mỗi lần thầy hoằng pháp ở Hoa Kỳ, mấy năm về trước, phái đoàn đi với thầy khoảng 10 đến 12 người, đa số là có bằng tiến sĩ, có tiến sĩ đại học Offord bên Anh, tiến sĩ ở Hoa Kỳ, tiến sĩ ở Úc Châu, chẳng hạn như thầy Hạnh Tuấn- Tiến Sĩ ở Berley, đã qua đời rồi. Chứng tỏ thầy chú trọng sách vở bậc nhất phải không, thưa Hòa Thượng?


Hòa Thượng Thích Như Điển: Giáo dục là nền móng cơ bản của đời sống con người. Tôi đã tốt nghiệp về giáo dục ở Nhật, nên tôi rất coi trọng vấn đề này. Năm 1974, tôi học năm thứ ba đại học Teikyo ở Nhật, tôi dịch tác phẩm "Truyện cổ Việt Nam" của ông Nguyễn Đổng Chi, một nhà văn ở miền Bắc, viết về những câu chuyện như là: Sự tích cây huyết dụ, Đầm Dã Trạch, Đồ tể buông dao thành Phật, v.v. Tôi dịch từ tiếng Việt sang tiếng Nhật. Mấy giáo sư Nhật ngữ nói tôi nên dịch hết quyển sách này đi, mấy ông sẽ chấm điểm của tôi điểm về văn học Nhật Bản nhưng qua ngôn ngữ Việt Nam dịch sang tiếng Nhật. Chúng tôi thấy điều đó rất hay. Nhờ đó, tôi bắt đầu tìm tòi sách vở đối chiếu, dịch ra từ tiếng Việt sang tiếng Nhật. Quyển đầu tiên chúng tôi xuất bản là Truyện Cổ Việt Nam tập 1, sau đó là tập 2, xuất bản ở Nhật năm 1974- 1975. Năm 1979, khi chúng tôi qua Âu Châu, xuất bản quyển tiếng Việt đầu tiên là "Giọt mưa đầu hạ", hồi đó Hòa Thượng Minh Tâm viết lời giới thiệu.


Đến nay, năm 2024, tôi có tất cả là 72 tác phẩm. Trong đó có tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hán và tiếng Việt, tức là 5 ngôn ngữ. Chưa kể tiếng Pháp, sắp tới tôi cũng sẽ dịch sách ra tiếng Pháp. Ban đầu sách vở của chúng tôi khi dịch ra và ấn tống, gửi đến quý Phật tử xa gần, mỗi lần in khoảng 1000 đến 2000 cuốn, có những quyển đã xuất bản nhiều lần. Sau này quý vị cũng biết là rất khó tiêu thụ sách vì mọi người có đầy đủ phương tiện nghe nhìn như earphone, Internet, điện thoại, v.v. Cho nên chúng tôi đưa lên trên mạng Amazon. Amazon tiện lợi một cái là khắp nơi trên thế giới ai muốn mua cũng có thể đặt hàng được hết. Sách của Hòa Thượng Tuệ Sỹ, thầy Trí Siêu- Lê Mạnh Thát, cũng như một số quý vị cũng đưa lên Amazon. Trong tương lai, chúng tôi cũng sẽ tìm cách giống như Hòa Thượng Nhất Hạnh- tác giả "Phật trong tôi và Chúa trong tôi", đã xuất bản 2 triệu rưỡi bản. Hai triệu rưỡi bản, nếu tiền huê hồng mỗi quyển chừng 50 xu thôi, thì Hòa Thượng có thể nuôi các tăng chúng rất là tốt. Ban đầu tôi cũng không nghĩ là mình tìm mối lợi trong việc xuất bản sách, vì chúng tôi nghĩ rằng văn chương, chữ nghĩa thì nên giữ lại cho đời.


Tôi xa quê hương đến bây giờ cũng đã 53 năm, tiếng mẹ để bao giờ cũng là ngôn ngữ chính hết. Cho nên một số quý thầy, quý cô đi du học ở ngoại quốc, tôi có cơ duyên được Giáo Hội đưa đi du học năm 1972, trợ giúp cho 187 quý thầy cô, trong đó có thầy Hạnh Tuấn mà chị Kiều Mỹ Duyên vừa đề cập đến, đã viên tịch cách đây 7- 8 năm rồi. Thầy Hạnh Tuấn học Berkley rồi đại học Harvard. Hiện ở Mỹ có rất nhiều thầy cô đã tốt nghiệp Tiến Sĩ. Chùa Viên Giác, Hannover, Đức quốc, chúng tôi bảo trợ gần 200 tăng ni du học ở Ấn Độ, Trung Hoa, Đài Loan, v.v. Ra trường được gần 132 Tiến Sĩ. Hai đệ tử của tôi là tiến sĩ là thầy Hạnh Giới, tốt nghiệp Tiến Sĩ đại học ở Đức và thầy Hạnh Giã, tu 10 năm, sau đó thầy dạy ở đại học Jena, miền Đông Đức. Đa phần các thầy đều rành 4- 5 ngôn ngữ, ở Châu Âu thì nói tiếng Anh, Pháp, Đức, thêm tiếng Nga nữa rất là tốt. Thầy cô nào học ở Á Châu thì nói tiếng Hoa, Việt, Đại Hàn và tiếng Nhật.


Con đường giáo dục là con đường nhân bản, nên chúng tôi rất chú trọng. Chúng tôi phát học bổng cho các học sinh miền Trung, miền Nam, đến một số trường, tặng các em học giỏi mỗi em một chiếc xe đạp, hay sách vở cho các em học. Giúp đỡ cho người nghèo, người tàn tật, thương phế binh, nồi cháo tình thương cho các bệnh nhân ở các bệnh viện, ..., là những công việc mà chúng tôi đã làm và đương làm.


Thu Anh: Cảm ơn Hòa Thượng đã cho biết những thông tin rất hay. Con thấy con cần học và đọc nhiều hơn. Xin thầy có lời nhắn nhủ gì cho chúng con, những người thuộc thế hệ trẻ sau không ạ.


Hòa Thượng Thích Như Điển: Tôi thường hỏi các em sinh ra ở đây: tiếng mẹ đẻ của các em là gì? Các em nhìn ba mẹ, không biết trả lời như thế nào. Tôi hỏi tiếp: mẹ con người gì? Em trả lời: Mẹ con người Việt. Tôi nói: tiếng mẹ đẻ rất quan trọng, vì đó là ngôn ngữ của mẹ sinh ra, mình không nói được thì cái lỗi đó tại ai? Trong trường hợp này, tôi nghĩ giáo dục của gia đình quan trọng nhất. Người Nhật họ đi đâu họ cũng dạy con họ tiếng Nhật, người Hoa đi đâu họ cũng dạy con họ tiếng Hoa, tuy rằng tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hàn rất là quan trọng trong học đường nhưng sau này ai thờ cúng cha mẹ mình, ai lo bảo vệ vấn đề tín ngưỡng.


Cách đây 2 năm, chúng tôi được lãnh giải thưởng của Tổng Thống Đức, Frank-Walter Steinmeier, ở ba lãnh vực: thứ nhất là lãnh vực về tôn giáo, thứ hai là vấn đề văn hóa, và thứ ba lãnh vực về vấn đề giáo dục. Tôi nói: Thiên Chúa Giáo giống như một bông hoa hồng rất đẹp, Tin Lành giống như một bông hoa cẩm chướng. Lâu nay trong vườn hoa tâm linh của quý vị chỉ có bông hồng và bông cẩm chướng rất là đẹp nhưng hôm nay chúng tôi muốn mang đến một loài hoa khác, đó là hoa sen từ Á Châu đến. Kể từ đây, trong vườn hoa tâm linh của Châu Âu, Châu Á, Châu Úc, Châu Mỹ sẽ có thêm mùi hương sen nữa, mặc dầu hoa này mọc ở nơi bùn nhơ, nước đọng nhưng nó tỏa ra hương thơm ngát, nhẹ nhàng.


Đó là tư tưởng về tôn giáo của tôi, một phần như Đức Đạt Lai Lạt Ma và Thiền Sư Nhất Hạnh cũng chủ trương như vậy.


Về vấn đề giáo dục, cũng như về vấn đề văn hóa, "hội nhập" không có nghĩa là đồng hóa trong xã hội. Hội nhập là mình học những cái hay, cái đẹp của văn hóa cũng như là giáo dục của nước đó. Cho nên con cái của mình mà quên đi cội nguồn của dân tộc là một điều rất uổng. Tôi mong rằng gia đình nên là nền tảng vững chắc, nếu lập gia đình với người ngoại quốc, người Anh, người Đức thì cũng rất là tốt, nhưng nên cho con mình học tiếng Việt. Sau này nếu về Việt Nam gặp ông nội, ông ngoại, không lẽ cần thông dịch viên. Bây giờ thời thế đã đổi thay, mấy em cũng có thể về Việt Nam học 3 tháng tiếng Việt cũng rất giỏi. Thật sự tiếng Việt không phải là một ngôn ngữ khó, tiếng Nga là tiếng khó nhất, tiếng Anh tương đối dễ đối với người Việt mình. Tiếng Pháp khó gấp đôi tiếng Anh, tiếng Đức khó gấp đôi tiếng Pháp, tiếng Nga khó gấp đôi tiếng Đức. Người Việt Nam rất giỏi. Tôi mong người Việt định cư ở hải ngoại nên chú trọng vấn đề giáo dục con em mình.


Kiều Mỹ Duyên: Hòa Thượng có điều gì nhắn nhủ gửi đến quý đồng hương ở hải ngoại, nhất là ở Hoa Kỳ không?


Hòa Thượng Thích Như Điển: Chúng tôi rất hãnh diện vì người Việt Nam mình đi đâu cũng nhất thế giới hết: học rất giỏi, làm việc rất siêng năng, cần cù, nhà cửa rất tươm tất. Tôi nghĩ so với người Nhật thì mình chưa có bằng, so với người Đức, người Mỹ, thì mình chưa bằng, như vậy mình chưa bằng vì điều gì? Bởi vì giữa người Việt với người Việt chưa có sự tin tưởng nhau tuyệt đối, ai không giống mình thì sẽ chụp mũ họ là như thế này, như thế kia. Tôi mong là tinh thần này không nên. Vấn đề các Đảng phái, ở Đức, Đảng dân chủ xã hội, cũng có dân chủ xã hội thiên tả, dân chủ xã hội thiên hữu, mình phải chấp nhận quan điểm của người khác thì người khác mới chấp nhận quan điểm của mình. Người Việt Nam mình thì vấn đề này hơi ích kỷ một chút.


Nói chung, người Việt Nam mình rất tốt, chịu khó nhưng tôi mong tinh thần người Việt mình đừng cố chấp quá, đánh giặc chưa xong mà huynh đệ bên trong đã đánh nhau tơi tả, cuối cùng sẽ không dẫn đến thành quả tốt đẹp. Ví dụ như trường hợp ở Mỹ, người dân đề cao chế độ "team work" (làm việc đội, nhóm), còn Việt Nam mình, mỗi người là một ngọn núi, mỗi người là một chủ tể, không có tinh thần hòa đồng, chia sẻ kinh nghiệm thì mình sẽ thành công giống người Nhật.


            Tiếng Hán có câu "Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư", ba người cùng đi thì sẽ có một người là thầy mình. Tiếng Mỹ cũng có câu: nếu anh muốn đi nhanh thì anh đi một mình, còn nếu muốn đi xa thì phải đi chung. Tôi mong tinh thần người Việt Nam mình nên đi chung hơn thì sẽ đi được xa hơn.


image074Kiều Mỹ Duyên, Thượng Tọa Thích Hạnh Định- Trụ Trì Tổ Đình Viên Giác (Đức), Hòa Thượng Thích Thông Triết - Viện chủ Thiền Viện Chánh Pháp Oklahoma, Hòa Thượng Thích Như Điển và Hòa Trương. (Hình từ trái sang phải)


Kiều Mỹ Duyên


Orange County, 15/3/2024


TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH NHƯ ĐIỂN


- Đệ Nhị Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Âu Châu


- Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tăng Già Thế Giới.


- Phương Trượng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc


Hòa Thượng Thích Như Điển sinh ngày 28/6/1949, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Hòa Thượng có bằng Cao học giáo dục và Cao học Phật giáo tại Nhật Bản. Hòa Thượng Thích Như Điển đến Nhật năm 1972, do sự trợ cấp học bổng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Quảng Nam. Sau 9 tháng học 3 khóa Nhật ngữ, đã đậu vào Đại học Teikyo (Đế Kinh) tại Tokyo ngành Giáo dục học. Đến tháng 2 năm 1977, ra trường với luận án tốt nghiệp tối ưu và tiếp tục thi đỗ vào Cao Học Phật Giáo tại Đại học Risso (Lập Chánh) tại Tokyo, học ở đây một thời gian ngắn, sau đó sang Đức. Hòa Thượng Thích Như Điển đến Đức năm 1977 với Visa du lịch, nhưng sau đó xin tị nạn tại Đức và ở Đức từ đó cho đến nay. Ở tại Kiel một năm để học tiếng Đức tại Đại học Kiel, sau đó dời về Hannover để học tiếp ngành Giáo dục ở bậc hậu Đại Học.


Tháng 4 năm 1978, Hòa Thượng Thích Như Điển thành lập Niệm Phật Đường Viên Giác tại Hannover, từ đó đến nay Hòa Thượng đã quy y cho hơn 7.000 người Việt Nam trở thành Phật tử và không ít người Đức cũng đã tìm đến với Đạo Phật.


Năm 1988, Hòa Thượng Thích Như Điển được tấn phong lên hàng Giáo phẩm Thượng Tọa tại giới đàn Đại Nguyện, Chùa Pháp Hoa Marseille, Pháp quốc.


Suốt từ năm 1974 đến nay (2019) Hòa Thượng đã sáng tác 68 tác phẩm và dịch phẩm từ các tiếng Việt, Anh, Hán, Nhật  và Đức ngữ. Công tác biên soạn và dịch thuật chưa ngừng tại đây, vì đọc và viết là hai điều không thể thiếu trong cuộc sống của Hòa Thượng, chắc hẳn trong tương lai Hòa Thượng sẽ cho thêm nhiều tác phẩm nữa. 


Từ năm 2004 đến năm 2019, trong suốt 15 năm, Hòa Thượng đã hướng dẫn Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu, Mỹ, Úc đi khắp các châu lục để giảng pháp cho các Phật tử Việt Nam, Hoa Kỳ, Mễ, v.v ... tại các quốc gia ở Âu Châu cũng như Hoa Kỳ và Canada. Phái Đoàn thông thường độ 10 Vị và bao gồm chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni đến từ Úc, Việt Nam, Hoa Kỳ và Âu Châu.


Năm 2015 Hòa Thượng được GHPGVNTN Âu Châu cung thỉnh lên ngôi vị Đệ Nhị Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành của Giáo Hội trong nhiệm kỳ 2015-2020. Hòa Thượng Thích Như Điển là thành viên Ban Hoằng Pháp của Hội Đồng Tăng Già Thế giới của 36 quốc gia, trụ sở chính đặt tại Đài Loan.


Tháng 11 năm 2018 tại Penang Mã Lai, Hòa Thượng Thích Như Điển đã được Hội Phật Giáo Tăng Già Thế Giới, trụ sở tại Đài Loan, nhân Đại Hội Khoáng Đại Kỳ 10 đã cung thỉnh vào ngôi vị Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tăng Già Thế giới (The World Buddhist Sangha Council, WBSC).


Các tác phẩm của Hòa Thượng Thích Như Điển:



1. Truyện cổ Việt Nam 1 & 2.
 Nhật ngữ, 1974-1975


3. Giọt mưa đầu hạ. Việt ngữ, 1979


4. Ngỡ ngàng. Việt ngữ, 1980


5. Lịch sử Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại trước và sau năm 1975. Việt & Đức ngữ, 1982


6. Cuộc đời người Tăng Sĩ. Việt & Đức ngữ, 1983


7. Lễ nhạc Phật Giáo. Việt & Đức ngữ, 1984


8. Tình đời nghĩa đạo. Việt ngữ, 1985


9. Tìm hiểu giáo lý Phật Giáo. Việt & Đức ngữ, 1985


10. Đời sống tinh thần của Phật Tử Việt Nam tại ngoại quốc. Việt & Đức ngữ, 1986


11. Đường không biên giới. Việt & Đức ngữ, 1987


12. Hình ảnh 10 năm sinh hoạt Phật Giáo VN tại Tây Đức. Việt & Đức ngữ, 1988


13. Lòng từ Đức Phật. Việt ngữ, 1989


14. Nghiên cứu giáo đoàn Phật Giáo thời nguyên thủy I, II, III. Dịch từ Nhật ngữ ra Việt & Đức ngữ, 1990, 1991, 1992


17. Tường thuật về Đại Hội Tăng Già Phật Giáo thế giới kỳ 5 khóa I. Việt, Anh & Đức ngữ, 1993


18. Giữa chốn cung vàng. Việt ngữ, 1994


19. Chùa Viên Giác. Việt ngữ, 1994


20. Chùa Viên Giác. Đức ngữ, 1995


21. Vụ án một người tu. Việt ngữ, 1995


22. Chùa Quan Âm (Canada). Việt ngữ, 1996


23. Phật Giáo và Con Người. Việt & Đức ngữ, 1996


24. Khóa giáo lý Âu Châu kỳ 9. Việt & Đức ngữ, 1997


25. Theo dấu chân xưa. Việt ngữ, 1998 (Hành hương Trung Quốc I)


26. Sống và Chết theo quan niệm của Phật Giáo. Việt & Đức ngữ, 1998


27. Tiếp kiến với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Việt & Đức ngữ, 1999


28. Vọng cố nhân lầu. Việt ngữ, 1999 (Hành hương Trung Quốc II)


29. Có và Không. Việt & Đức ngữ, 2000


30. Kinh Đại Bi. Dịch từ Hán văn ra Việt & Đức ngữ, 2001


31. Phật thuyết Bồ Tát hành Phương Tiện Cảnh Giới Thần Thông Biến Hóa Kinh. Dịch từ Hán văn ra Việt ngữ, 2001


32. Bhutan có gì lạ? Việt ngữ, 2001


33. Kinh Đại Phương Quảng Tổng Trì. Dịch từ Hán văn ra Việt ngữ, 2002


34. Cảm tạ nước Đức. Việt & Đức ngữ, 2002


35.Thư tòa soạn Báo Viên Giác trong 25 năm. (1979-2004)


36. Bổn Sự Kinh. Dịch từ Hán Văn sang Việt Ngữ, 2003


37.Những đoản văn viết trong 25 năm qua. Việt & Đức ngữ, 2003


38. Phát Bồ Đề Tâm Kinh Luận. Dịch từ Hán Văn sang Việt Ngữ, 2004


39. Đại Đường Tây Vức Ký. Dịch từ Hán Văn sang Việt Ngữ, 2004


40. Làm thế nào để trở thành một người tốt. Việt ngữ, 2004


41. Dưới cội Bồ Đề. Việt ngữ, 2005


42. Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận. Dịch từ Hán Văn sang Việt Ngữ, 2005


43. Bồ Đề Tư Lương Luận. Dịch từ Hán Văn sang Việt Ngữ, 2005


44. Phật nói Luận A Tỳ Đàm về việc thành lập thế giới. Dịch từ Hán Văn sang Việt Ngữ, 2006


45. Giai nhân & Hòa Thượng. Việt Ngữ, 2006


46. Thiền Lâm Tế Nhật Bản. Dịch từ Nhật Ngữ sang Việt Ngữ, 2006


47. Luận về con đường giải thoát. Dịch từ Hán Văn sang Việt Ngữ, 2006


48. Luận về bốn chân lý. Dịch từ Hán Văn sang Việt Ngữ, 2007


49. Tịnh Độ Tông Nhật Bản. Dịch từ Nhật Ngữ sang Việt Ngữ, 2007


50. Tào Động Tông Nhật Bản. Dịch từ Nhật Ngữ sang Việt Ngữ, 2008


51. Phật Giáo và Khoa Học. Việt Ngữ, 2008


52. Pháp Ngữ. Việt Ngữ, 2008


53. Những mẫu chuyện linh ứng của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát. Dịch từ Nhật Ngữ sang Việt Ngữ, 2009


54. Nhật Liên Tông Nhật Bản. Dịch từ Nhật Ngữ sang Việt Ngữ, 2009


55. Nhật Liên Tông Nhật Bản. Dịch từ Nhật ngữ sang Việt ngữ, 2010


56. Chết an lạc tái sanh hoan hỷ. Dịch từ Anh ngữ sang Việt ngữ, dịch chung với TT Nguyên Tạng, 2011


57. Chuyện tình của Liên Hoa Hòa Thượng. Việt ngữ, 2011


58. Tư Tưởng Tịnh Độ Tông. Việt ngữ, 2012


59. Những bản văn căn bản của Tịnh Độ Tông Nhật Bản. Dịch từ Đức ngữ sang Việt ngữ, 2012


60. Dưới bóng đa chùa Viên Giác. Việt Ngữ, viết chung với Trần Trung Đạo, 2012


61. Hương lúa chùa quê. Việt ngữ, viết chung với H.T Bảo Lạc, 2013


62. Pháp Hoa Văn Cú. Dịch từ Hán văn sang Việt ngữ, 2013


63. Hiện tượng của tử sinh. Việt ngữ, 2014


64.  Nhật Bản trong lòng tôi. Việt ngữ, 2015


65.  Nước Úc trong tâm tôi. Việt ngữ, 2016


66. Nước Mỹ bao lần đi và bao lần đến. Việt ngữ, 2017


67. Thiền Sống và Chết - Cẩm nang hướng dẫn thực hành”. Dịch chung với TT Thích Nguyên Tạng, Việt Ngữ, 2017.


68. Mối tơ vương của Huyền Trân Công chúa. Việt ngữ, 2019
20 Tháng Giêng 2023(Xem: 1685)