Việt Nam bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông như nào?

09 Tháng Mười 202310:10 SA(Xem: 2932)

VĂN HÓA ONLINE – BIỂN ĐÔNG-BIỂN TÂY- HOA ĐÔNG – THỨ HAI 09 OCT 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Việt Nam bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông như nào?


image021Nhà giàn DKI ở Biển Đông. Ảnh Lý Kiến Trúc 2014


RFI 09/10/2023


Thu Hằng


Việt Nam khẳng định chủ quyền ở Biển Đông bằng cách nạo vét và nâng cấp một số tiền đồn mà Hà Nội kiểm soát. Đến cuối năm 2022, Việt Nam đã « mở rộng việc bồi đắp tại bốn thực thể và nạo vét mới tại năm thực thể khác… tạo ra khoảng 170 héc ta đất mới và nâng tổng diện tích mà Việt Nam đã khai hoang trong thập kỷ qua lên 220 héc ta », theo Tổ chức Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington. 


image025Ảnh minh họa: Một tầu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tầu tuần tra của Việt Nam ở Biển Đông, ngày 02/05/2019. REUTERS/Vietnam Marine Guard/Handout via Reuters


Tuy nhiên, theo AMTI, « quy mô của công việc bồi đắp, mặc dù vẫn còn thua xa so với hơn 3.200 héc ta đất do Trung Quốc tạo nên từ năm 2013 đến năm 2016, nhưng mức độ lớn hơn đáng kể so với những nỗ lực trước đây của Việt Nam và thể hiện một động thái lớn nhằm củng cố vị thế của mình ở Trường Sa ».


Trong khi Trung Quốc bị chỉ trích gay gắt vì gia cố các thực thể do nước này chiếm đóng ở Biển Đông thì hoạt động bồi đắp, củng cố của Việt Nam ít bị chú ý hơn vid có quy mô nhỏ hơn. Tuy nhiên, liệu hoạt động được cho là bảo vệ chủ quyền này có phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982)?


Việt Nam hiện kiểm soát những thực thể nào và làm thế nào để bảo vệ chủ quyền? 


Nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, Trường Sư phạm Lyon (École Normale supérieure de Lyon) tóm lược tình hình trong buổi phỏng vấn với RFI Tiếng Việt.


Publicité


RFI: Việt Nam tuyên bố chủ quyền với toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Trường Sa, Việt Nam có tranh chấp chủ quyền với các bên Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia. Xin ông cho biết là trên thực tế Việt Nam hiện quản lý những thực thể nào ở quần đảo Trường Sa?


Laurent Gédéon: Việt Nam duy trì sự hiện diện thực sự trên 29 đảo lớn, nhỏ ở Biển Đông, bao gồm 6 đảo, 15 đá ngầm, 6 bãi và 2 bãi cạn. Ngoài ra, Hà Nội cũng kiểm soát trên 16 đá ngầm nhưng không chiếm đóng thực và lâu dài. Như vậy, sự hiện diện của Việt Nam là lớn nhất về số lượng và chứng minh là Việt Nam có chủ quyền trong khu vực.


Để so sánh, Trung Quốc kiểm soát 7 đảo trong quần đảo Trường Sa, Đài Loan 2 đảo trong đó có đảo Ba Bình (Itu Aba) lớn nhất, Philippines kiểm soát 11, Malaysia 7 và Brunei 1. Việt Nam đòi hỏi chủ quyền nhiều nhất đối với quần đảo này bởi vì Hà Nội cho rằng hầu hết các đảo thuộc về chủ quyền của mình. Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với 6 trên 7 đảo do Malaysia kiểm soát, 7 đảo do Trung Quốc kiểm soát, 2 đảo do Đài Loan kiểm soát và 11 đảo do Philippines kiểm soát.


Ngược lại, trong số những đảo do Việt Nam kiểm soát (NGOÀI EEZ), Manila đòi chủ quyền đối với 20, đó là những đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982, Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với toàn bộ 29 đảo mà Việt Nam kiểm soát, Malaysia đòi hai. Còn Đài Loan, dù tuyên bố chủ quyền theo bằng chứng lịch sử giống như lập luận của Trung Quốc, nhưng trên thực tế, Đài Bắc tỏ ra kín đáo về chủ đề này.


Cuối cùng, phải nhắc đến một loạt bãi cạn tuy không bị chiếm nhưng thuộc ảnh hưởng trực tiếp với mức độ hiện diện khác nhau của Đài Loan, Malaysia, Việt Nam, Philippines, Trung Quốc. Chúng ta thấy là nhìn chung, Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Riêng ở Trường Sa, Việt Nam kiểm soát nhiều đảo nhất so với các nước khác.


RFI: Việt Nam cũng âm thầm bồi đắp, củng cố các đảo và đá do Việt Nam quản lý. Việt Nam có những công trình gì trên những thực thể này? Những công trình bồi đắp đó có phù hợp với luật biển quốc tế, cũng như phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye?


Laurent Gédéon: Những họa động cải tạo thường xuyên được tiến hành từ khoảng 10 năm nay đối với các điền đồn đảo của Việt Nam cho thấy quyết tâm của Hà Nội biến những căn cứ này trở nên vững chắc hơn trước một cuộc tấn công hoặc hoặc bị phong tỏa và tăng cường năng lực răn đe trước đe dọa tấn công từ các công trình của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột.


Việt Nam có khoảng 50 tiền đồn trải dài trên 29 đảo lớn, nhỏ. Những tiền đồn này lại được chia thành ba loại: các đảo nhỏ đồn trú, các công trình bằng bê tông trên mỏm các bãi cạn, các nhà giàn biệt lập (DK) dựng trên đá ngầm, còn được gọi là Dịch vụ-Khoa học kỹ thuật.


Nhìn chung, trên hầu hết các đảo do Việt Nam kiểm soát, người ta thấy các công trình hạ tầng sau : hệ thống phòng không, hệ thống bảo vệ bờ biển, boong-ke, sân bay trực thăng, hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung, trạm radar (radome) tiếp nhận và phân tích sóng điện tử, các tòa nhà hành chính, hệ thống đường hầm.


Những công trình này thường dẫn đến việc phải mở rộng diện tích của đảo hoặc đá ngầm bằng cách bồi đắp. Về điểm này, Việt Nam đi theo bước của Trung Quốc, nước cũng tiến hành bồi đắp các đảo nhỏ mà họ kiểm soát, cho dù Việt Nam tiến hành ở quy mô nhỏ hơn. Năm 2022, Việt Nam đã thúc đẩy và mở rộng các công trình bồi đắp và hiện có tổng diện tích khoảng 2,2 km² ở Trường Sa. Để so sánh, tổng diện tích bồi đắp của Trung Quốc hiện khoảng 13 km². Đài Loan và Phillipines cũng có các hoạt động tương tự nhưng ở quy mô nhỏ hơn.


Thông qua những hoạt động bồi đắp này, Bắc Kinh cũng như Hà Nội tìm cách tăng diện tích các đảo mà họ kiểm soát bởi ít nhất hai lý do sau. Một mặt là để tăng cường khả năng phòng thủ và tấn công của những vùng đất này. Mặt khác, tạo các đảo nhân tạo mà quy chế có thể sẽ được công nhận trong tương lai trong trường hợp luật quốc tế thay đổi.


Về mặt luật pháp quốc tế, chúng ta thấy là Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, trong phán quyết ngày 12/07/2016, nêu rõ : « Tòa án nhận thấy các hoạt động cải tạo đất ở quy mô lớn và xây dựng các đảo nhân không phù hợp với nghĩa vụ của một quốc gia thành viên trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể khắc phục được đối với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và tiêu hủy bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông vốn là một phần tranh chấp giữa các Bên ».


Phán quyết các thẩm phán để ngỏ khả năng Việt Nam cũng có thể bị chỉ trích giống như Trung Quốc vì đã tiến hành hoạt động bồi đắp gây hậu quả cho môi trường bởi vì những hoạt động đó thay đổi lâu dài hiện trạng ban đầu của các đảo. Để Việt Nam được hưởng lợi ngoài những lợi ích chiến lược từ những công trình đã thực hiện thì sẽ phải cần đến sự thay đổi của luật pháp quốc tế trong khi sự thay đổi đó hiện giờ chưa nằm trong chương trình nghị sự.


RFI: Trung Quốc bị chỉ trích mạnh mẽ vì bồi đắp và quân sự hóa các thực thể mà họ chiếm đóng ở Trường Sa. Tuy nhiên, các nước có tranh chấp ở trong vùng, trong đó có Việt Nam, cũng bồi đắp. Có lý do nào giải thích cho việc những nước này ít bị chỉ trích hơn, hoặc ít bị để ý hơn?


Laurent Gédéon: Theo tôi, có nhiều lý do có thể giải thích cho việc Việt Nam, cũng như là Philippines hoặc Đài Loan, ít bị chỉ trích hơn về các hoạt động quân sự hóa và bồi đắp các đảo so với Trung Quốc.


Trước tiên là việc Trung Quốc hiện giờ bị coi là bá chủ ở trong vùng. Bắc Kinh bị cáo buộc có những tham vọng bành trướng. Tâm lý này càng được củng cố bởi Trung Quốc thường xuyên tuyên bố những yêu sách lãnh thổ hoặc công bố các tài liệu chính thức không chút úp mở nào, ví dụ bản đồ biên giới mới nhất của Trung Quốc đã khiến nhiều nước láng giềng ở Biển Đông phản đối. Trong bối cảnh đó, mọi hoạt động của Trung Quốc trên thực địa đều bị đánh giá là nhằm mục tiêu tấn công.


Tiếp theo, Việt Nam vẫn luôn được coi là bên bị đe dọa, chứ không phải là mối đe dọa, bất chấp những tuyên bố hợp pháp hóa yêu sách chủ quyền của Việt Nam. Sự bất cân xứng chiến lược giữa Trung Quốc và Việt Nam khiến người ta tin rằng các công trình do Việt Nam thực hiện là nằm trong khuôn khổ tự vệ chính đáng và ngăn cản những tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Do đó, hành động của Việt nam được xem như có tính chính đáng về mặt đạo đức với báo chí cũng như với giới phân tích.


Thiện chí của dư luận đối với Việt Nam được củng cố bởi thực tế Việt Nam là đối tượng được Hoa Kỳ chú ý về mặt địa-chính trị, nhân tố gián tiếp nhưng đóng vai trò lớn trong cuộc xung đột này.


Đối với Washington, Hà Nội là quân bài quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà bằng chứng mới nhất là chuyến thăm của tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam. Bối cảnh này cũng tạo những kết quả tích cực cho hình ảnh chung của Việt Nam ở nước ngoài.


Dù những yếu tố này là không thể bàn cãi nhưng vẫn có hai lưu ý, theo tôi, là quan trọng. Thứ nhất, cần phải nhớ là những công trình này mang lại giá trị thực về mặt chiến lược cho các đảo và đá mà các nước kiểm soát. Vấn đề đặt ra là việc sử dụng chúng giả sử trong trường hợp sức mạnh Trung Quốc suy giảm, ví dụ sau một cuộc xung đột trong vùng mà Trung Quốc xử lý kém. Liệu những công trình đó có thể phục vụ cho Việt Nam để áp đặt sự chia sẻ vùng ảnh hưởng đối với Philippines hay Malaysia không? Câu hỏi này cần được đặt ra.


Lưu ý thứ hai là bằng cách thay đổi cấp độ phân tích và thoát khỏi cách tiếp cận thuần túy khu vực, chúng ta có thể hiểu các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông như một phần của cơ chế rộng hơn, đó là chống lại ảnh hưởng của Mỹ.


Cách lập luận này khiến chúng ta coi những hành động này (bồi đắp…) như là những yếu tố của một chiến lược rộng hơn để bảo vệ Biển Đông. Nhìn từ quan điểm của Trung Quốc, việc đó được coi là xây dựng một chuỗi phòng thủ. Lập luận này không chỉ làm thay đổi bản chất của việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở hạ tầng làm biến đổi nguyên trạng ở Biển Đông mà nếu một ngày nào đó, các quốc gia trong muốn tiến hành đàm phán với Trung Quốc thì cũng cần phải tính đến yếu tố này.


RFI: Trong trường hợp Việt Nam và Philippines đạt được một thỏa thuận song phương giải quyết tranh chấp để cùng đối phó với Trung Quốc, Bắc Kinh có để yên không bởi vì họ đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông ? Liệu Trung Quốc có khả năng cố tình tạo xô xát trên biển để răn đe hai nước?


Laurent Gédéon: Tôi nghĩ là rất có thể là dù không phản đối nhưng Trung Quốc sẽ từ chối tham gia vào một giải pháp chung mà Việt Nam và Philippines đề xuất. Chúng ta thấy là Bắc Kinh thường xuyên ưu tiên các cuộc gặp song phương thay vì các cuộc đàm phán đa phương như trường hợp bế tắc của các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) từ năm 2002. Mối quan hệ song phương cho phép Trung Quốc gia tăng thế bất cân xứng với đối tác và áp đặt lập trường của họ. Vì thế, có rất ít khả năng Bắc Kinh tham gia vòng đàm phán ba bên với Hà Nội và Manila.


Cũng có thể là Trung Quốc cảm thấy ở thế yếu trước bộ đôi Việt Nam - Philippines, hai nước này chắc chắn được Mỹ và Nhật Bản trực tiếp ủng hộ một mặt nhất định về ngoại giao.


Trong những điều kiện này, chúng ta có thể giả định mà không sợ nhầm lẫn lớn, là Bắc Kinh sẽ sử dụng chiến lược đe dọa, như cách họ nhiều lần thể hiện đối với Việt Nam hoặc Philippines. Để làm được điều này, Trung Quốc có một lực lượng tấn công đáng kể thông qua đội đánh cá hiện vẫn đóng vai trò bình phong cho các hoạt động chiến lược của nước này ở Biển Đông. Dĩ nhiên, tình hình sẽ khác hoàn toàn nếu Trung Quốc suy yếu, bất kể lý do là gì, nhưng hiện giờ đây vẫn chỉ đơn thuần là một giả thuyết.


RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon, Pháp.


+++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


https://www.nhatbaovanhoa.com/a11934/huyen-thoai-ve-mot-hon-dao-mang-ten-song-tu-tay-chuong-4


https://www.nhatbaovanhoa.com/a11835/song-tu-tay-hon-dao-xanh-moc-len-giua-dai-duong-chuong-3


https://www.nhatbaovanhoa.com/p178a11782/ly-kien-truc-va-10-ngay-dem-truong-sa-ruc-lua-chuong-1


https://www.nhatbaovanhoa.com/p178a11813/ly-kien-truc-va-10-ngay-dem-truong-sa-ruc-lua-chuong-2


https://www.nhatbaovanhoa.com/a11281/csis-vn-tiep-tuc-nang-cap-cac-dao-o-truong-sa


https://www.nhatbaovanhoa.com/a2919/canh-bac-quoc-te-bien-dong-lat-ngua


https://www.nhatbaovanhoa.com/a5065/ai-cam-vn-boi-dap-da-lat-thanh-dao-nhan-tao-


+++++++++++++++++++++++++++


Biển Đông: Ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam cố tăng cường phòng thủ tại Trường Sa


Trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục rầm rộ thị uy về mặt quân sự trong vùng Biển Đông, củng cố các tiền đồn mà họ đã xây dựng trên các đảo nhân tạo nắm trong tay, Việt Nam vẫn kín đáo cố gắng cải thiện và nâng cấp các cơ sở quân sự của mình trên một số đảo ở vùng quần đảo Trường Sa.


24/02/2021


image027Ảnh tài liệu: Đảo Đá Tây, quần đảo Trường Sa, Biển Đông, chụp năm 2019. REUTERS


Trọng Nghĩa


Trong bản báo cáo mới nhất công bố ngày 19/02/2021, tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington đã so sánh các hình ảnh vệ tinh chụp trong vòng hai năm gần đây để nêu bật nỗ lực của Việt Nam mà tổ chức này đánh giá là “khiêm tốn”.


Dựa trên các bức ảnh vệ tinh mới nhất của hãng Simularity, AMTI đã đối chiếu với các không ảnh chụp trước đó, để xem xét các thay đổi trong hệ thống vũ khí phòng thủ mà Việt Nam bố trí trên một số đảo trong quyền kiểm soát của mình.


Kết luận của AMTI là Hà Nội tiếp tục tập trung vào việc củng cố hệ thống phòng thủ nhằm chống lại các các cuộc tấn công hoặc phong tỏa, đồng thời tăng cường năng lực răn đe bằng cách trang bị những loại vũ khí đủ sức tấn công vào các cơ sở của Trung Quốc trong khu vực.


Nâng cấp rạn san hô Đá Tây (West Reef) và Đảo Sinh Tồn (Sin Cowe Island)


Quảng cáo


Ghi nhận trước tiên của Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải là trong số tất cả các tiền đồn của Việt Nam ở vùng quần đảo Trường Sa, hai thực thể Đá Tây và Đảo Sinh Tồn đã có những thay đổi mạnh mẽ nhất trong hai năm qua.


Phần lớn trong số 70 mẫu (hay 30 ha) tạo thành diện tích của bãi Đá Tây hiên nay là kết quả quá trình cải tạo, bồi đắp từ ​​năm 2013 đến năm 2016.


Trong hai năm qua, Đá Tây đã có công trình mới đáng kể, bao gồm một số công trình phòng thủ ven biển, các tòa nhà hành chính, các con đường và boongke bằng bê tông, và một cấu trúc lớn có hình tháp, mà theo AMTI, có lẽ dùng để liên lạc hoặc thu phát tín hiệu tình báo.


Tại khu vực mũi phía bắc và phía nam của hòn đảo, cũng có một mạng lưới đường hầm tương tự như các mạng lưới đường hầm khác của Việt Nam, cũng như một số điểm trồng cây xanh.


Đảo Sinh Tồn, theo AMTI, cũng được nâng cấp đáng kể trong hai năm qua, đáng chú ý nhất là việc xây dựng một loạt các công trình phòng thủ dọc theo bờ biển. Công việc này bắt đầu vào năm 2019 và tập trung trên khoảng 26 mẫu (10 ha) đất cải tạo từ năm 2013 đến năm 2016.


Khu vực đất mới ở phía bắc Đảo Sinh Tồn, có trong ảnh từ năm 2018, đã được dọn sạch để xây dựng các đường hầm mới và công sự ven biển. Một ảnh vệ tinh chụp vào tháng 11 năm 2020 cho thấy khu vực hiện đã bắt đầu được trồng trọt, cho thấy rằng phần quan trọng công việc lớn đã hoàn thành.


Việc nâng cấp ở Đá Tây và Đảo Sinh Tồn tuân theo các mô hình đã được thấy ở các tiền đồn khác của Việt Nam ở Trường Sa, với các công trình phòng thủ ven biển - các ụ bê tông được kết nối với các boongke - có mặt khắp nơi tại các tiền đồn lớn hơn của Việt Nam.


Nâng cao khả năng phòng không và phòng thủ bờ biển


Ghi nhận thứ hai của AMTI là liên quan đến ba loại cơ sở phòng thủ có đã được xây dựng trên hầu hết các căn cứ của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, với mục tiêu rõ ràng là nâng cáo khả năng phòng không và bảo vệ bờ biển.


Loại cơ sở thứ nhất là những cái ụ bao gồm một dải hình thuôn dài dường như dành cho các hệ thống phòng không, thường được sắp xếp theo hình tam giác với các boongke chuyên dụng. Các cơ sở này được thấy cả trên Đảo Trường Sa Lớn, lẫn trên một số tiền đồn thuộc loại nhỏ nhất, như Đảo Phan Vinh (Pearson Reef) nơi loại ụ này được gắn vào một bãi đáp trực thăng để tiết kiệm không gian.


Theo AMTI, thời điểm xuất hiện, kích thước và hướng của loại cơ sở này là dấu hiệu cho thấy công trình được thiết kế để sử dụng cho các hệ thống phòng không cũ có từ thời Liên Xô như S-125 Pechora-2TM (SA-3 Goa). Một số tấm bê tông hình thuôn dài này cũng nằm rải rác xung quanh mỗi hòn đảo, thường được kết nối với một boongke và hướng ra bờ biển như trên Đảo Sơn Ca (Sand Cay), Đảo Nam Yết (Namyit Island) hay Đảo Song Tử Tây (Southwest Cay).


Loại cơ sở thứ hai, được thấy ở Đảo Sơn Ca, Đảo Trường Sa Đông (Central Reef), và Đảo Trường Sa Lớn, là loại ụ có một bệ bê tông hình bán nguyệt rất có thể được dùng cho các hệ thống phòng thủ bờ biển. Các bệ này hầu như luôn hướng ra ngoài dọc theo bờ biển và thường được kết nối với các boongke.


Loại cơ sở thứ ba, hình tròn, được thấy ở Đảo Sơn Ca, Đảo Trường Sa Đông thì có miếng đêm trong nhỏ hơn, thường được hướng vào bên trong đất liền, kết nối với boongke nằm dọc theo bờ biển.


Hầu hết các tiền đồn lớn hơn của Việt Nam đã có những cơ sở đó từ nhiều năm qua. Theo AMTI các cơ sở này đã xuất hiện trên đảo Nam Yết ít nhất là từ năm 2006. Nhưng sau khi bồi đắp để mở rộng các thực thể lớn nhất, Việt Nam đã phải xây dựng thêm các ụ dọc theo các bờ biển mới được hình thành. Toàn bộ 10 thực thể có đá nổi trên mặt nước mà Việt Nam kiểm soát - đều có những ụ này.


Hệ thống vũ khí mới nhằm răn đe Trung Quốc


Việt Nam cũng được cho là có các hệ thống vũ khí mới hơn, tầm bắn xa hơn trên các tiền đồn của mình. Hãng tin Reuters đưa tin vào năm 2016 rằng Hà Nội đã triển khai hệ thống tên lửa pháo EXTRA mua của Israel tới 5 trong số các đảo Trường Sa.


Kích thước nhỏ gọn của các hệ thống này sẽ giúp việc triển khai và che giấu dễ dàng và nhanh chóng hơn. Các loại pháo phòng không này chỉ cần cơ sở hạ tầng hỗ trợ tối thiểu và có thể được bắn đi từ bắt kỳ loại bệ phóng nào được mô tả ở trên và cũng như từ bất kỳ bề mặt cứng, phẳng hợp lý nào khác.


Điều đó có nghĩa là loại vũ khí này có thể dễ dàng có mặt tại bất kỳ, hoặc tất cả, trong số mười đảo lớn nhất của Việt Nam ở Trường Sa.


Ngoài ra, như một chuyên gia từng nêu bật, với tầm bắn 150 km (80 hải lý), các hệ thống EXTRA của Việt Nam đã có khả năng tấn công tất cả các căn cứ ở Trường Sa của Trung Quốc. Và đó là khả năng răn đe đáng kể của Hà Nội.


Bên cạnh Đá Tây và Đảo Sinh Tồn, một số thực thể của Việt Nam  đã được nâng cấp khiêm tốn hơn trong hai năm qua. Đảo Phan Vinh và Nam Yết đều nhận được một vòm ra đa bổ sung, chứa các hệ thống cảm biến hoặc liên lạc chưa được xác định, cũng như một số tòa nhà hành chính.


Tại đảo Trường Sa Lớn, Việt Nam đã hoàn thành công trình vòm radar nhỏ và xây dựng một số tòa nhà mới. Việt Nam cũng đã mở rộng hai trong số các cơ sở giống như một cái hộp trên rạn san hô Đá Đông gần như ngập dưới nước và Đá Tốc Tan (Alison Reef). Mỗi thực thể nhận được một cấu trúc thứ hai được kết nối với cấu trúc đầu tiên.


Kể từ năm 2013, Việt Nam đã nâng cấp 8 trong số 24 cở sở đặt trên bãi đá ngầm và 12 trong số 14 nhà giàn “DK1” trơ trọi ở vùng biển sâu hơn về phía tây nam.