50 năm Bắc Kinh ngoặm Hoàng Sa liệu có nhả ra?

19 Tháng Giêng 20246:55 SA(Xem: 3000)

VĂN HÓA ONLINE – BIỂN ĐÔNG – CHỦ NHẬT 21 JAN 2024


50 năm Bắc Kinh ngoặm Hoàng Sa liệu có nhả ra?


Từ hải chiến Hoàng Sa 1974 tới trận “Cắm cờ” trên đá Gạc Ma 1988.


Bắc Kinh “nhận vơ” quần đảo Hoàng Sa từ bản Công hàm 1958 là hoàn toàn láo khoét.


Thông cáo chung Việt-Hoa 2023.


Ai đủ tư cách pháp lý pháp nhân đòi lại Hoàng Sa?


image005Ảnh trên: Chiếc khinh tốc hạm Kronstad-271 (được coi là soái hạm chỉ huy) chặn ngay đầu một chiến hạm của hải quân VNCH trong trận hải chiến ngày 19/1/1974, (ảnh tài liệu); ảnh dưới, bản đồ minh họa quần đảo Hoàng Sa từ trên không nhìm xuống như cánh chim đại bàng khổng lồ.

image009

Lý Kiến Trúc

VĂN HÓA ONLINE

21/1/2024

(sửa chữa và nhuận sắc)


Vết thương chiến tranh Việt Nam dường như vẫn còn rỉ máu trong tim hàng triệu người con nước Việt trong nước và hải ngoại.


Cứ đến ngày 19 tháng Giêng, vết thương đó lại mưng lên con sóng đỏ ở vùng biển lòng chảo Hoàng Sa mà 50 năm trước đã thấm máu những người con hải quân anh hùng Việt Nam Cộng Hòa.


Trong dòng lịch sử ngàn năm chống bọn tầu phù phương bắc, chúng luôn luôn ôm mộng xâm lược, thôn tính mảnh đất địa linh nhân kiệt phương Nam, không chỉ hàng trăm ngàn người Lính bỏ thây nơi các chiến địa đẫm máu từ Bắc-Trung-Nam-Cam Bốt-Hạ Lào, 74 (hay 77?) chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã vĩnh viễn nằm dưới đáy biển Hoàng Sa trong trận hải chiến “bất phân thắng bại” diễn ra ngay dưới vĩ tuyến 17 năm 1974. (1)  


Chưa hết, đừng quên trận Gạc Ma ngày 14 tháng Ba 1988 ở quần đảo Trường Sa, các “đồng chí” tay không đang “cỡi lên ngọn sóng” leo lên ghềnh đá cắm cờ chủ quyền trên đá Gạc Ma thì “đồng chí” tầu phù nổ súng trước, bắn chết ngay “đồng chí Thiếu úy” Phương phơi xác dưới cờ, các “đồng chí” Bắc Kinh tiếp tục xả súng tàn sát 63 người lính đang loi ngoi trên mặt biển ở tọa độ 90 42’54’’ N 114017’15’’ E.


Vietnam War - danh từ người Mỹ, báo chí Mỹ thường gọi. Mặc, đó là chuyện của nước Mỹ, chỉ biết cuộc chiến chữ S đã giết 8 triệu người người Việt, vô số nhân tài mất dạng.


Nhưng vì sao hôm nay chúng ta phải nhắc hoài đến hai chữ Hoàng Sa?


“Tân xuân Giáp Dần Hoàng Sa chiến


Nam ngư hải ngoại huyết lưu hồng”


image010Bản đồ vị trí quần đảo Hoàng Sa (Paracel Island) nằm dưới vĩ tuyến 17. Bản đồ tài liệu.


Năm 1947, Thống chế Tưởng Giới Thạch (Quốc Dân Đảng), Tổng tư lệnh các Lộ quân ngày đêm đánh nhau với đoàn quân cộng sản Mao Trạch Đông trong đại lục nhưng ông vẫn nhìn ra biển khơi xa, gần nhất là quần đảo Hoàng Sa.


Ước tính quần đảo này rộng khoảng 36.000 km2. Biển ở Hoàng Sa Tây khá cạn, khoảng trên dưới 100 mét, từ tháng 10 trở đi tới tháng 2, thường có sóng to gió lớn do tâm bão từ Trường Sa đổ về, rồi từ đó vượt qua Vịnh Bắc Việt đổ bộ vào đất liền.


“Quần đảo Hoàng Sa trải dài từ 15°43′10" đến 17°06′53" Bắc và từ 111°11′12" đến 112°53′20" Đông, có bốn điểm cực bắc-nam-tây-đông lần lượt tại đá Bắc, bãi Ốc Tai Voi, đảo Tri Tôn và bãi Gò Nổi. Độ dài đường bờ biển khỏng 518 km” – theo wikipedia).


Hai hòn đảo trong tâm trí Thống chế Tưởng là Formosa tức Taiwan (Đài Loan) và đảo Wood Island tức Phú Lâm.


Năm 1949, quân Tưởng thua to quân Mao, Tưởng dẫn đoàn quân vượt biển chạy về đảo lớn Đài Loan cắm cờ chủ quyền xây dựng thành quốc gia Trung Hoa Dân Quốc, một toán quân nhỏ được phái ra nhóm Hoàng Sa Đông (tức nhóm An Vĩnh) chiếm hòn đảo lớn nhất là Phú Lâm;


Năm 1950, dường như không đủ thực lực, Tưởng bỏ ngỏ Hoàng Sa Đông. Mao đưa một toán quân ra đóng chốt.


Năm 1951, Hội nghị San Francisco gồm 49 nước phân định các lãnh thổ mà Nhật Bản chiếm giữ trong Thế chiến II trong đó có biển South China Sea (Biển Đông) gồm 2 quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa. Hội nghị không đưa ra nghị quyết nào về Biển Đông là chủ quyền của quốc gia nào; Biển Đông “lửng lơ” vô chủ không có ai cai quản các quần đảo.


Năm 1954, Hội nghị Geneve chia đôi đất nước Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, giao đảo Bạch Long Vỹ cho Bắc Việt/Hà Nội; giao quần đảo Hoàng Sa cho VNCH/Sài Gòn vì nó nằm dưới vĩ tuyến 17.


Năm 1956, chiến dịch “Mạnh ai nấy chiếm, hồn ai nấy giữ”, Việt Nam Cộng Hòa (chế độ TT Ngô Đình Diệm) đưa quân ra chiếm đóng một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa Tây (nhóm Nguyệt Thiềm), còn Hoàng Sa Đông quá xa nên không chiếm tiếp, một phần do lực lượng hải quân còn quá yếu; Trung cộng đưa quân ra chiếm toàn bộ nhóm Hoàng Sa Đông (nhóm An Vĩnh). Đài Loan đưa Thủy quân Lục chiến ra chiếm đảo Thái Bình (Ba Bình), đảo lớn nhất quần đảo Trường Sa và có vị trí trung tâm quần đảo.


Vì sao Mao Trạch Đông phải cho quân chiếm ngay nhóm đảo Hoàng Sa Đông có đảo Phú Lâm?


Thứ nhất, các nhóm đảo này quần tụ với nhau là phòng tuyến thiên nhiên dày đặc bảo vệ mạn Đông-Bắc, có bãi đá Bắc (North Reef) gần đảo Hải Nam. (Khoảng cách từ đảo Hoàng Sa tới đất liền lục địa Trung Quốc khoảng 235 hải lý, nếu Trung Quốc lấy đá Bắc (North Reef) làm chuẩn để đo đến bờ đảo Hải Nam tại Lăng Thủy giác thì khoảng cách là 111,9 hải lý (207,2 km” - theo wikipedia); Thứ hai, đảo Phú Lâm khá lớn, trù phú nghe rằng có nước ngọt (Wood Island) là con mắt quan sát Formosa; Thứ ba, nhóm Hoàng Sa Tây gần đất An Nam trước vốn là thuộc địa của Pháp, trên đảo đã có cơ sở khí tượng của Pháp, nên tránh đụng chạm tới bọn Tây dương và chính quyền hợp pháp VNCH/Sài Gòn đang được Mỹ bảo trợ; Thứ tư, nhóm đảo phía Tây chủ yếu toàn phân chim, hiếm nước ngọt; Thứ năm, chờ thời cơ thuận lợi sẽ tính tới.


Từ trên không, thử vẽ một đường từ Phú Lâm (Wood Island) chạy ngược lên hướng bắc, rồi vẽ một đường cũng từ Phú Lâm chạy xuôi xuống hướng nam, Phú Lâm ví như mắt của con chim đại bàng khổng lồ duỗi ra hai cánh, cánh trái là đá Bắc (North Reef), cánh phải là đảo Tri Tôn (Triton Island), và cái đuôi là đảo Hoàng Sa (Island) phượng hoàng xèo ra rực rỡ.


Năm 1959, tại vùng biển Hoàng Sa, Cam Tuyền đã diễn ra một trận đụng độ giữa Thủy quân Lục chiến VNCH và quân Trung cộng (xem chi tiết phần dưới).


image012Từ trên không nhìn xuống, cánh chim đại bàng khổng lồ có con mắt Phú Lâm (Wood Island), cánh trái đá Bắc, cánh phải Tri Tôn và cái đuôi Hoàng Sa phượng hoàng. Bản đồ vẽ minh họa.


Ngày 27 tháng Giêng năm 1973, Hiệp định đình chiến 4 bên: Hoa Kỳ - Hà Nội, Sài Gòn - Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ký kết tại Paris; Mỹ thở phào phủi tay byby chiến trường hắc ám, sau khi đã hy sinh hơn 58 ngàn thanh niên và đốt hàng tỷ đôla. (Ở mức quân viện như tài khóa 1972-73 là hai tỷ đôla một năm thì tới 1974-75, sau cú sốc dầu lửa, cũng chỉ còn mãi lực khoảng một tỷ hai. Theo Gs Nguyễn Tiến Hưng/sách Khi Đồng Minh Tháo Chạy, tr. 211)


Sau hiệp định, Mỹ vẫn gởi những tín hiệu dò la về người mất tích, tù nhân chiến tranh (POW/MIA) bị dấu diếm bí mật ở Cam Bốt, Lào và nội địa Bắc Việt. Ngoài khơi, pháo hạm yểm trợ thời Vietnam War của Đệ thất Hạm đội coi như “giải nghệ.” Biển Đông một lần nữa hoàn toàn thả nổi.


Tròn một năm sau, từ ngày 17-18/1/1974, tình báo Sài Gòn cho biết tàu Trung cộng đã lởn vởn ở khu vực đảo Hoàng Sa. Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai điều các chiến hạm xâm nhập sâu vào khu vực lãnh hải quần đảo Hoàng Sa Tây (nhóm Nguyệt Thiềm hay nhóm Lưỡi Liềm) – khiêu chiến, thách thức Hải quân VNCH.


Hải quân VNCH được lệnh di chuyển vào trận địa.


Theo tường trình của Hải quân Đại tá Hà Văn Ngạc thuộc Bộ tư lệnh Hải quân VNCH, trước ngày nổ ra trận đánh, vào khoảng xế trưa ngày 18/1/1974, cả 4 chiến hạm (Ghi chú của Trần Đỗ Cẩm: HQ-4, HQ-5, HQ-10 và HQ-16) đều tập trung trong vùng lòng chảo của quần đảo Hoàng Sa và Hải đoàn đặc nhiệm được thành hình.


Tư lệnh Hải quân VNCH lúc bấy giờ là Đề đốc (tướng 2 sao) Trần Văn Chơn, cử Hải quân Đại tá Hà Văn Ngạc, (Hải-đội 3) làm sĩ quan tác chiến trực tiếp chỉ huy ngoài mặt trận, dưới quyền chỉ huy tổng quát của Phó Đề đốc (tướng 1 sao) Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải ở trong bộ chỉ huy Đà Nẵng.


Lập tức 4 chiến hạm của Hải Quân VNCH di chuyển vào trận địa gồm:


-Tuần dương hạm HQ-16 Lý Thường Kiệt có mặt tại Hoàng Sa từ ngày 15/1.1974, Hải quân Trung tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng;


- Khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư, đến Hoàng Sa vào ngày 17/1/1974, Hải quân Trung tá Vũ Hữu San làm hạm trưởng;


- Tuần dương hạm HQ-5 Trần Bình Trọng đến Hoàng Sa vào trưa 18/1/1974, Hải quân Trung tá Phạm Trọng Quỳnh làm hạm trưởng;


- Hộ tống hạm HQ-10 Nhựt Tảo, đến nơi vào ngày 19/1/1974, Hải quân Thiếu tá Ngụy Văn Thà hạm trưởng;


Đại tá Hà Văn Ngạc với chức vụ Chỉ huy trưởng Hải đội đặc nhiệm Hoàng Sa là sĩ quan cấp cao nhất của hải quân VNCH tại thực địa. Ông có mặt trên Tuần dương hạm HQ-5, tựa như soái hạm.


Sự thật, mặt trận Hoàng Sa, dựa theo tin tình báo, phản ứng nhịp độ xâm nhập cùa tàu Trung cộng, hải quân VNCH đã hành quân bày binh bố trận trước đó vì “Hành động chận đường tiến của chiến hạm ta đã từng được họ xử dụng trong mấy ngày trước đây khi các chiến hạm ta đổ quân lên các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc và Duy Mộng để xua quân của Trung cộng rời đảo – tường trình của Đại tá Hà Văn Ngạc)


image014Hải quân Đại tá Hà Văn Ngạc. Ảnh tài liệu.


Trận hải chiến diễn ra trong vòng 30 phút ở vũng biển lòng chảo nổi tiếng là nguy hiểm có nhiều bãi ngầm lởm chởm, được bao quanh bởi các hòn đảo Hoàng Sa, Cam Tuyền (Hữu Nhật), Vĩnh Lạc, Duy Mộng, Quang Hòa.


Hải chiến nổ ra trưa ngày 19/1/1974, Hộ tống hạm HQ-10, chiếc có hỏa lực yếu nhất và nhỏ nhất của VNCH đã bị chìm ngay vào ngày 19/1. Hạm trưởng HQ-10 Ngụy Văn Thà tử trận ở tuổi 30, mất xác cùng con tàu do ông chỉ huy. Cùng với ông, 73 quân nhân khác cũng hy sinh theo con tàu.


Danh sách 74 chiến sĩ hải quân VNCH tử trận cho tới nay vẫn còn được các nhà nghiên cứu truy tìm thêm. Báo Văn Hóa Online đã đăng một tài liệu với câu hỏi 74 hay 77 chiến sĩ hy sinh ở trận hải chiến Hoàng Sa.


Diễn tiến trận đánh: Bên nào nổ súng trước?


Bên nào nổ súng trước ở trận hải chiến Hoàng Sa là câu hỏi quân sự và chính trị.


Theo tường trình của các vị chỉ huy chiến hạm và quan trọng nhất: dựa theo thủ bút viết tay của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tình thế mặt trận đã buộc chiến hạm VNCH phải nổ súng trước. 


Trong cuộc phỏng vấn của ký giả Trần Nhật Phong với Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại gởi cho BBC ngày 20/1/2014, khi được hỏi về quyết định khai hỏa, Phó đề đốc Thoại mô rả rằng quyết định này là do từ quyết định của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu.


Ông Thoại là người thừa lệnh tổng thống đã ra lệnh cho Đại tá Hà Văn Ngạc khai hỏa vào các chiến hạm hải quân Trung cộng. tuy nhiên, “Trước hết là phải dùng các biện pháp ôn hòa như đèn hiệu, cờ hiệu, loa để mời họ ra khỏi lãnh hải và lãnh thổ VNCH;


“Tuy nhiên, nếu tất cả các biện pháp ôn hòa không thành công thì ông (tổng thống) cho phép tôi dùng vũ lực để chứng minh chủ quyền của VNCH trên những đảo đó. Các chiến hạm đã làm tất cả các biện pháp đó rồi nhưng không được nên phải nổ súng;


Nguyên Tư lệnh cũng cung cấp các chi tiết về việc vì sao, sau nhiều nỗ lực, cuối cùng một lực lượng dự phòng, trực chiến gồm cả hải quân lẫn không quân của Việt Nam Cộng Hòa đã không được lệnh xuất phát ra Hoàng Sa để 'tái chiếm' quần đảo.


Trước câu hỏi về có thông tin không quân VNCH lúc đó ở thế sẵn sàng để tái chiếm đảo Hoàng Sa nhưng đã không xảy ra việc này, Phó Đề đốc Thoại nói rằng ông “thực sự không nhớ có kế hoạch gì để đưa không quân VNCH ra tái chiếm”.


“Riêng tôi thì tôi không được biết. Những gì trao đổi ở Sài Gòn, nếu có xảy ra, thì không được thông báo. Ông Tư lệnh Sư đoàn 1 Không quân cũng như Tư lệnh Quân khu 1 là Trung tướng Ngô Quang Trưởng với tôi là ba người chỉ huy và chịu trách nhiệm những gì xảy ra ở Quân khu 1 thì tôi không được nghe biết và tôi cũng không nhớ rằng tôi có nghe những kế hoạch nào từ trong Sài Gòn dùng không quân để tái chiếm lại Hoàng Sa; quyết định đó có thể có và cũng có thể không;


Nhưng có một điều tôi biết là Sư đoàn 1 Không quân, phi đoàn khu trục phản lực F5 lúc nào cũng sẵn sàng ở phi trường để cất cánh khi có lệnh để bảo vệ các chiến hạm của Hải quân VNCH;


Trước câu hỏi về có thông tin không quân VNCH lúc đó ở thế sẵn sàng để tái chiếm đảo Hoàng Sa nhưng đã không xảy ra việc này, Phó đề đốc Thoại nói rằng ông “thực sự không nhớ có kế hoạch gì để đưa không quân VNCH ra tái chiếm”. (2)


Dưới đây là tường trình của Đại tá Hà Văn Ngạc về diễn tiến trận đánh ngày 19/1/1974 trích đoạn:


image016Phóng đồ kế hoặch điều quân. Tài liệu của Đại tá Hà Văn Ngạc


Vào khoảng gần 10:00 giờ sáng, biệt đội hải kích được hoàn tất thu hồi về Tuần dương hạm HQ5 với HQ trung úy Lê Văn Đơn tử thương. Trong khi đó thì tôi chỉ thị cho các chiến hạm chuẩn bị tấn công, mỗi chiến hạm tấn công một chiến hạm địch, và bám sát địch trong tầm hải pháo 40 ly (khoảng 3 cây-số), vì loại hải pháo này có nhịp tác xạ cao, dễ điều chỉnh và xoay hướng nhanh hơn. Tôi không tin tưởng nhiều vào hải pháo 127 ly và khả năng điều khiển chính xác của nhân viên vì hải pháo chỉ có thể tác xạ từng phát một, nạp đạn nặng nề và chậm xoay hướng nên tốt hơn là trực xạ.


Tất cả các chiến hạm phải cùng khai hỏa một lúc theo lệnh khai hỏa của tôi để tạo sự bất ngờ và sẽ gây thiệt hại trước cho các chiến hạm Trung cộng. Vì tầm quan sát còn rất hạn chế, nên từ Tuần dương hạm HQ5 không quan sát được Tuần dương hạm HQ16 và Hộ tống hạm HQ10 cũng như hai chiến hạm khác và hai ngư thuyền ngụy trang của Trung cộng nên tôi không rõ các chiến hạm này bám sát các chiến hạm Trung cộng được bao nhiêu, nhưng tôi đã tin rằng Phân đoàn II không có bận tâm về việc đổ bộ nên có nhiều thì giờ hơn để thi hành kế hoạch tấn công và sẽ dễ dàng chế ngự được hai chiến hạm phụ của địch cùng hai ngư thuyền. Riêng Tuần dương hạm HQ5 và Khu trục hạm HQ4 đã nghiêm chỉnh thi hành lệnh.


Trước khi ban hành lệnh khai hỏa tôi hỏi các chiến hạm đã sẵn sàng chưa và nhấn mạnh một lần nữa là phải khai hỏa đồng loạt để đạt yếu tố bất ngờ. Các hạm trưởng đích thân trên máy VRC46 lần lượt báo cáo sẵn sàng. Tôi rất phấn khởi vì giờ tấn công hoàn toàn do tôi tự do quyết định, không phải lệ thuộc vào lệnh của thượng cấp và vào ý-đồ chiến thuật của địch. Địch lúc này đã tỏ ra không có một ý định gì cản trở hay tấn công chiến hạm ta.


Hải quân đại tá Đỗ Kiểm, Tham mưu phó hành quân tại BTL HQ còn đặc biệt cho tôi hay là có chiến hạm bạn ở gần, nhưng với sự hiểu biết của tôi, tôi không có một chút tin tưởng gì vào đồng minh này vì kể từ tháng 2 năm 1972 khi Hoa Kỳ và Trung cộng đã chấm dứt sự thù nghịch nên Hải quân của họ sẽ không một lý do gì lại tham dự vào việc hỗ trợ HQVN trong vụ tranh chấp về lãnh thổ. Họa chăng họ có thể cứu vớt những người sống sót nếu các chiến hạm HQVN lâm nạn. Nhưng thực tế cho thấy trong suốt cuộc tìm kiếm những nhân viên từ Hộ tống hạm HQ10 và các toán đã đổ bộ lên trấn giữ các đảo đã đào thoát để trở về đất liền, chúng ta không nhận thấy một hành động nhân đạo nào từ phía đồng minh kể cả của phi cơ không tuần.


Khoảng 10:24 sáng thì lệnh khai hỏa tấn công được ban hành và tôi vào trung tâm chiến báo trực tiếp báo cáo bằng máy siêu tần số SSB, tôi đã cố ý giữ ống nói sau khi tôi chấm dứt báo-cáo để tiếng nổ của hải pháo cũng được truyền đi trên hệ thống này.


Cuộc khai hỏa tấn công đã đạt được yếu tố bất ngờ cho các chiến hạm địch vì tôi cho rằng họ vẫn tin là các hành động của chiến hạm cũng tương tự như trong những vài ngày trước, khi HQVN đổ quân trên các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc và Duy Mộng và nhất là cuộc phô diễn lực lượng của hải đoàn đặc nhiệm ngày hôm trước HQVN đã không có một hành động khiêu khích nào, mà còn chấp thuận giữ liên lạc bằng quang hiệu.


Chiếc Kronstad 271 nằm về hướng tây gần đảo Quang Hòa, hướng mũi về phía tây là mục tiêu của Tuần dương hạm HQ5 đang hướng mũi vào bờ tức là phía đông, đặt mục tiêu về phía tả hạm (tức là phía bắc). Chiếc này bị trúng đạn ngay từ phút đầu, vận chuyển rất chậm chạp nên đã là mục tiêu rất tốt cho Tuần dương hạm HQ5. Hỏa lực của chiếc Kronstad 271 này không gây nhiều thiệt hại cho Tuần dương hạm HQ5, nhưng có thể đã gây thiệt hại nặng cho Hộ tống hạm HQ10 nằm về phía bắc. Khu trục hạm HQ4 nằm về phía tây nam của Tuần dương hạm HQ5 đặt mục tiêu là chiếc Kronstad 274 nằm về phía bắc tức là tả hạm của chiến hạm. Nhưng chẳng may, HQ4 báo cáo bị trở ngại tác xạ ngay từ phút đầu tiên và phải chờ sửa chữa.


Việc này đã làm đảo lộn các dự tính của tôi và làm tôi bối rối. Sau vài phút thì chiến hạm này xin bắn thử và kết quả là vẫn bị trở ngại và cần tiếp tục sửa chữa thêm, nhưng tôi vẫn còn chút hy vọng. Khu trục hạm HQ-4 vài phút sau lại xin tác xạ thử lần thứ ba nhưng vẫn không có kết quả, tuy nhiên chiến hạm này vẫn phải tiếp tục bám sát mục tiêu của mình trong tầm các loại đại liên nên đã bị thiệt hại nhiều bởi hỏa lực của chiếc Kronstad 274, và đại liên đã không áp đảo được hỏa lực của địch.


Trên Tuần dương hạm HQ-5, tôi xử dụng chiếc máy PRC25 trước ghế hạm trưởng bên hữu hạm của đài chỉ huy để liên lạc với các chiến hạm, tôi vừa rời ghế để ra ngoài quan sát hai phía thì một trái đạn loại nổ mạnh gây một lỗ lủng khoảng nửa thước đường kính và làm nát máy PRC25, nên từ phút này trở đi tôi phải vào tận trung tâm chiến báo để dùng máy VRC46. Hạm trưởng Tuần dương hạm HQ5 đứng cạnh đài chỉ huy bên tả hạm với sĩ quan hải pháo để dễ quan sát mục tiêu được chỉ định, nên tôi thường nói trực tiếp với hạm trưởng tại nơi này. Trung tâm chiến báo của chiến hạm này chỉ quen thuộc dùng radar vào việc hải hành, vả lại trời mù, mây thấp, radar có nhiều nhiễu xạ nên tôi không được rõ về vị trí của Phân-đoàn II và các chiến hạm của địch còn nằm trong khu lòng chảo Hoàng Sa.


Sau chừng 15 phút thì Tuần dương hạm HQ-16 báo cáo là bị trúng đạn hầm máy, tầu bị nghiêng nên khả năng vận chuyển giảm sút, buộc phải lui ra ngoài vòng chiến để sửa chữa và cũng không còn liên lạc được với Hộ tống hạm HQ-10, không biết rõ tình trạng và chỉ thấy nhân viên đang đào thoát. Tôi nhận thấy một tuần dương-hạm đã vận chuyển nặng nề mà chỉ còn một máy và bị nghiêng, nếu tiếp tục chiến đấu thì sẽ là một mục tiêu tốt cho địch, nên tôi đã không ra phản lệnh.


Ngoài ra, Hạm trưởng Tuần dương hạm HQ-16 là một vị sĩ quan ít tích cực hơn, nên tôi không mấy tin tưởng là vị này có thể vượt qua được các khó khăn kỹ thuật để cố gắng tiếp tục tấn công. Khu trục hạm HQ-4 đã bị thiệt hại nhiều sau khi phải bám sát chiến hạm địch trong tầm đại liên, nên tôi ra lệnh cho Khu trục hạm HQ-4 phải rút ra khỏi vòng chiến ngay và chỉ thị cho Tuần dương hạm HQ-5 yểm trợ cho chiếc này khi tiến ra xa, vì tất nhiên Hải đội đặc nhiệm không thể để bị thiệt hại một khu trục hạm mà Hải quân VNCH chỉ có tổng cộng 2 chiếc mà thôi.


Khi khu trục hạm HQ-4 ra khỏi vùng chiến, lại không bị chiếc Kronstad 274 truy kích hoặc tác xạ đuổi theo, ngược lại chiếc này của địch có phần rảnh tay hơn để tấn công Tuần dương hạm HQ-5 vào phía hữu hạm hầu giảm bớt hỏa lực của chiến hạm ta như để cứu vãn chiếc 271 đang bị tê-liệt.


Vào giờ này thì tin tức từ BTL Hải quân tại Sài Gòn do chính Tham mưu phó hành quân cho hay là một phi đội khu trục cơ F5 đã cất cánh để yểm trợ cho Hải đoàn đặc nhiệm.


Do sự liên lạc từ trước với BTL sư đoàn I Không quân tại Đà Nẵng, tôi hiểu là phi cơ F5 chỉ có thể yểm trợ trong vòng 5 tới 15 phút mà thôi vì khoảng cách từ Đà Nẵng tới Hoàng Sa quá xa so với nhiên liệu dự trữ. Tôi vẫn tin rằng loan tin việc phi cơ cất cánh, BTL Hải quân đã cho rằng tin này có thể làm cho tôi vững tâm chiến đấu.


Một điều nữa là từ trước tới giờ phút đó tôi chưa được thấy có cuộc thao dượt hỗn hợp nào giữa Không quân và Hải quân nên tôi rất lo âu về sự nhận dạng của phi công để phân biệt giữa chiến hạm của HQVN và chiến hạm Trung cộng, nhất là lúc có mây mù thấp, nên phi cơ có thể gây tác xạ nhầm mục tiêu.


Máy VRC 46 trong trung tâm chiến báo phải chuyển sang tần số không hải và đích thân tôi dùng danh hiệu để bắt liên lạc với phi cơ. Một viên đạn xuyên nổ trúng ngay trung tâm chiến báo từ hữu hạm, sát gần ngay nơi tôi đứng, làm trung tâm bị phát hỏa. Các nhân viên trong trung tâm còn mãi núp sau bàn hải đồ thì tôi nhanh tay với một bình cứu hỏa gần chỗ tôi đứng dập tắt ngay ngọn lửa. Tôi bị té ngã vì vấp chân vào bàn hải đồ, bàn chân trái bị đau mất vài ngày.


Tôi vẫn vẫn tiếp tục liên lạc với phi cơ nhưng sau chừng 5 tới 10 phút vẫn không thấy đáp ứng nên tôi phải ngưng và chuyển tần số về liên lạc với các chiến hạm khác vì cuộc giao tranh đã đến độ khốc liệt hơn.


Sau phút này thì Tuần dương hạm HQ-5 bị trúng nhiều đạn làm sĩ quan trưởng khẩu 127 ly tử thương và hải pháo bị bất khiển-dụng vì phần điện điều khiển pháo tháp tê liệt, và máy siêu tần số SSB không còn liên lạc được vì giây trời bị sập rớt xuống sàn tầu, hiệu kỳ hải đội bị rách nát phần đuôi. Tôi ra ngoài quan sát phía tả hạm và được nghe báo cáo là hầm đạm phát hỏa. Tôi nói ngay với hạm trưởng là cần phải làm ngập hầm đạn. Khẩu hải pháo 40 ly đơn tả hạm bị bất khiển dụng vì bị trúng đạn vào khối nạp đạn và khẩu 40 ly hữu hạm bị hư hại nhẹ. Tôi yêu cầu hạm trưởng là chỉ nên cho tác xạ từng viên mà thôi, vì nhu cầu phòng không rất có thể xẩy ra trong một thời gian ngắn.


Bất thần về phía đông vào khoảng 11:25 sáng cách xa chừng 8 đến 10 hải lý, xuất hiện một chiến hạm của Trung cộng loại có trang bị mỗi bên một dàn phóng kép hỏa tiễn loại hải hải (Ghi chú của Trần Đỗ Cẩm: đây là loại khinh tốc đĩnh Komar) đang tiến vào vùng giao tranh với một tốc độ cao, quan sát được bằng mắt viễn kính và không một chiến hạm nào báo-cáo khám phá được bằng radar từ xa.


Tôi dự đoán loại chiến hạm này ít khi được điều động từng chiếc một, và tin là có thể thêm ít nhất một chiếc theo sau.


Với tình trạng của Hải đội đăc nhiệm: một hộ tống hạm bị loại khỏi vòng chiến; một tuần dương hạm bị thương nơi hầm máy; một khu trục hạm và một tuần dương hạm chỉ còn hỏa lực rất hạn chế; cộng với nguycơ bị tấn công bằng cả hỏa tiễn hải hải cũng như bằng phi cơ rất có thể xẩy ra, nên tôi triệt thoái phần còn lại của lực lượng là Khu trục hạm HQ-4 và Tuần dương hạm HQ-5 ra khỏi vùng Hoàng Sa tiến hướng đông nam về phía Subic Bay (Hải quân công xưởng của Hoa-Kỳ tại Phi Luật Tân).


Tôi cũng cầu nguyện Đức Thánh Trần, Thánh Tổ của HQVNCH ban cho tôi một trận mưa để giảm tầm quan sát và khả năng tấn công của phi cơ địch. Sau khi hai chiến hạm còn lại rút ra khỏi vùng giao tranh chừng 10 phút thì một trận mưa nhẹ đã đổ xuống toàn vùng quần đảo Hoàng Sa.


Các chiến hạm ta đã không bị truy kích và phi cơ địch cũng chưa xuất hiện. Mục đích tôi hướng về phía đông nam là để tránh bị phục kích của tiềm thủy đĩnh Trung cộng tại hải trình Hoàng Sa Đà Nẵng, và khi ra ngoài xa lãnh hải thì nếu còn bị tấn công bằng phi cơ hoặc tiềm thủy đĩnh thì may ra đồng minh Hải quân Hoa Kỳ có thể cấp cứu chúng tôi dễ dàng hơn theo tinh thần cấp cứu hàng hải quốc tế. Nếu chúng tôi không còn bị tấn công thì việc đến Subic Bay Phi Luật Tân để xin sửa chữa trước khi hồi hương là một điều khả dĩ được thượng cấp chấp thuận.


Tuần dương hạm HQ-5 phải mất gần một giờ mới kéo lên được giây trời khẩn cấp để tái lập sự liên lạc bằng máy siêu tần số SSB. Hầm đạn phía mũi của chiến hạm đã bị làm ngập, mũi bị chúc xuống nên tốc độ có bị thuyên giảm. Chính trong thời gian mất liên lạc, BTL tại Sài Gòn cũng như tại Đà Nẵng rất bối rối cho sự an toàn của hai chiến hạm và bản thân tôi. Chính Tư lệnh Hạm đội tại Sài Gòn cũng đã đưa tin mất liên lạc đến với gia đình tôi.


Vào khoảng 01:00 trưa, hai chiến hạm HQ-4 và HQ-5 đã cách Hoàng Sa chừng 10 hải lý, trời nắng và quang đãng.


Tư lệnh Hải quân đích thân ra lệnh cho cả hai chiến hạm phải trở lại Hoàng Sa và đánh chìm nếu cần, tôi nhận được giọng nói của Đô đốc. Lệnh đã được thi hành nghiêm chỉnh ngay tức khắc.


Sau khi liên lạc vô tuyến siêu tần số được điều hòa trở lại thì mọi báo cáo chi tiết về tổn thất và tình trạng lúc bấy giờ của các hai chiến hạm được chuyển đầy đủ. Trên Tuần dương hạm HQ-5 tôi cũng được thông báo về Tuần dương hạm HQ-16 sẽ được Tuần dương hạm HQ-6 tới hộ tống về Căn cứ Hải quân Đà Nẵng.


Đến khoảng 02:30 chiều, khi cả hai chiến hạm đang trở về Hoàng Sa, quá ngang hòn Tri Tôn, nghĩa là còn cách đảo Hoàng Sa chừng 1 giờ rưỡi hải hành nữa, thì hai chiến hạm được phản lệnh trở về Đà Nẵng.


Chi tiết “phản lệnh trở về Đà Nẵng” trở thành một nghi vấn rất quan trọng vào thời điểm chính trị lúc đó ở Sài Gòn; trận hải chiến đang bất phân thắng bại vì lý do gì mà có lệnh quay về Đà Nẵng?


Kết quả trận đánh:


Theo Đại tá Hà Văn Ngạc, “Một cách tổng quát thì sự thiệt hại của hai đối thủ được kể như tương đương trong trận hải chiến.”


Mỗi bên bị tổn thất một chiến hạm, như đài BBC loan tin vào sáng sớm ngày 20 tháng giêng, phía VNCH là Hộ tống hạm HQ-10, phía Trung cộng là chiếc Kronstad-271 (được coi là soái hạm chỉ huy) còn một số khác thì chịu một sự hư hại trung bình hoặc trên trung bình.


Hai chiếc nhỏ hơn 389 và 396 cùng hai ngư thuyền ngụy trang theo tôi ước lượng chỉ hư hỏng hơi nặng mà thôi vì tầm hỏa lực của ta trội hơn. Riêng chiếc Kronstad-271 có thể bị tổn thất nhiều nhân viên hơn vì trúng nhiều hải pháo của Tuần dương hạm HQ-5 vào thương tầng kiến trúc, trong khi đó chiếc 274 thì tổn thất được coi là nhẹ hơn cả vì chỉ bị tấn công nhiều bằng đại liên và ít hải pháo về sau này.


Tuy nhiên trong các trận hải chiến thì người ta thường kể về số chiến hạm bị loại khỏi vòng chiến hơn là số thương vong về nhân mạng. Riêng trên Hộ tống hạm HQ-10, theo các nhân viên đã đào thoát về được đất liền, thì vị Hạm trưởng (Thiếu tá Ngụy Văn Thà) và Hạm phó (Đại úy Nguyễn Thành Trí) đều bị thương nặng, nhưng Hạm trưởng đã từ chối di tản và quyết ở lại tuẫn tiết cùng chiến hạm của mình theo truyền thống của một sĩ quan Hải quân và một nhà hàng hải. Hạm phó được nhân viên dìu đào thoát được nhưng đã phải bỏ mình trên mặt biển vì vết thương quá nặng.


Một điều lạ là Trung cộng có đủ khả năng tuy khiêm nhượng, vào lúc cuối trận chiến, vì có thêm tăng viện đến kịp thời, nhưng đã bỏ rơi cơ-hội truy kích khi lực lượng ta triệt thoái, hay xử dụng hỏa tiễn hải hải vì lực lượng ta vẫn còn nằm trong tầm hữu hiệu của loại vũ khí này.


Tôi cho rằng có thể họ đã bận tâm vào việc cứu vãn chiếc Kronstad-271 và quân bộ trên đảo Quang Hòa, hoặc họ đã không nhận được lệnh tấn công, và chỉ đương nhiên chống trả tự vệ mà thôi. Tôi nhận rằng ước tính của tôi về phản ứng của địch đã cao hơn như thực tế đã xẩy ra.


Việc HQVN khai hỏa tấn công sau khi thất bại đổ bộ đã tạo cho Trung cộng có nguyên cớ vì bị tấn công mà phải hành động, nên đã dùng cường lực cưỡng chiếm các đảo vào ngày sau.


Theo các quân nhân trú phòng trên đảo Hoàng Sa thì sáng sớm ngày hôm sau tức là ngày 20 tháng 1, Trung cộng đã huy động một lưc-lượng hùng-hậu kết hợp Hải-Lục-Không-quân đổ bộ tấn chiếm đảo Hoàng Sa và các đảo kế cận mà các chiến binh Hải quân đang chiếm giữ.


Riêng ông Kosh là nhân viên của cơ quan DAO Hoa Kỳ tại Đà Nẵng thì được trao trả cho Hoa Kỳ sớm nhất tại Hồng Kông.”


“Nhưng cuối cùng thì công cuộc tái chiếm Hoàng Sa được hủy bỏ”. (Hà Văn Ngạc/ Dallas, Texas, mùa Xuân Kỷ-Mão) (3)


Dưới đây là tài liệu phóng đồ mặt trận hải chiến


Phay Van/ FB Đinh Ngọc Thu


17-1-2014


Tài liệu quý hiếm về Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, chụp lại từ tập san HOÀNG SA – LÃNH THỔ VIỆT NAM CỘNG HÒA do Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa xuất bản tháng 3/1974, do tác giả Đinh Thanh Nguyện đăng trên mạng 2 năm trước. Hiện bài đăng ở trên trang Phay Van đã mất, Văn Hóa Online chụp và đăng lại.


image018image020image022image024image026Vòng tròn đỏ trên tờ tài liệu ghi 18 người tử thương và 59 người trên hộ tống hạm HQ-10, tổng cộng là 77 người hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa. Tài liệu của VHO


Xác định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa


Trước hết, để xác định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, ta định hình lại vị trí biển của các nước yêu sách chủ quyền (bản đồ Google ghi là South China Sea – từ đây, chúng tôi tạm gọi là Biển Đông Nam Á), theo kim đồng hồ tính từ Việt Nam, gồm các vùng biển: biển Đông Việt Nam (rộng khoảng 1 triệu km2 dựa trên UNCLOS 1982) (4) ; biển South China Sea (chưa xác định bao nhiêu km2); biển Tây Philippines (chưa xác định bao nhiêu km2); biển Nam Brunei (chưa xác định bao nhiêu km2); biển Nam Malaysia (chưa xác định bao nhiêu km2); biển Nam Indonesia (chưa xác định bao nhiêu km2); và vùng lãnh hải 12 hải lý của đảo Ba Bình Taiwan không được kể là biển Taiwan.


Vì chưa xác định được chu vi các vùng biển thuộc chủ quyền của các nước ven biển, cho nên, Biển Đông Nam Á trở thành bãi “chiến trường biển” tranh cãi trên bàn hội nghị và so gân rình rập lẫn nhau của hai đại cường Mỹ-Hoa.


Tuy nhiên, dựa trên yếu tố lịch sử và phán lệnh của Hiệp ước San Francisco ngày 8 tháng 9 năm 1951 gồm 49 quốc gia quyết định về vùng biển này, quần đảo Hoàng Sa nằm trong Biển Đông thuộc về Việt Nam mà không nước nào phản đối.


image028Vị trí quần đảo Hoàng Sa gần như nằm ngang với Tp. Đà Nẵng. Hải đồ VHO.


Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) nằm ở tọa độ 16030’N 112000’E, cách đảo Lý Sơn Quảng Ngãi khoảng 180 hải lý; nhìn từ ngoài khơi vào bờ lục địa bán đảo Đông Dương, gần như nó nằm ngang với thành phố Đà Nẵng và cách khoảng trên dưới 200 hải lý.


Riêng đảo Tri Tôn (Triton Island) nằm ở phía cực tây của nhóm Nguyệt Thiềm (còn gọi là Lưỡi Liềm), Văn Hóa Online gọi là Hoàng Sa Tây, có diện tích lớn đứng thứ ba trong số các đảo của Hoàng Sa và là đảo gần bờ nhất. Tọa độ độc lập của đảo Tri Tôn vô tình rơi vào vị trí yếu huyệt về mặt chiến thuật nếu nó được xây dựng thành một căn cứ quân sự.


Gần đây, các chiến hạm Hoa Kỳ đã đến “thăm” đảo Tri Tôn nhiều lần.


image030Ngày 30/1/2016, Khu trục hạm USS Curtis Wilber Hải quân Hoa Kỳ “hành quân thăm dò” áp sát 12 hải lý đảo Tri Tôn phía Nam quần đảo Hoàng Sa Tây.


image032image034Ngày 02/07/2017, Chiến hạm USS Stethem “hành quân thăm dò” áp sát 12 hải lý đảo Tri Tôn (cách Lý Sơn Quảng Ngãi 123 hải lý) thuộc Quần đảo Hoàng Sa Tây). Hoàng Sa Tây. Nhóm đảo Hoàng Sa Đông trong đó có đảo Phú Lâm là lớn nhất TQ đã chiếm từ năm 1949. (VĂN HÓA)


https://www.nhatbaovanhoa.com/a3543/uss-curtis-wilbur-ap-sat-12-hai-ly-dao-tri-ton-cach-ly-son-123-hai-ly


image036Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Milius thuộc Hạm đội 7 “hành quân tuần tra” áp sát quần đảo Hoàng Sa nhưng không biết là đảo nào. Đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất Hoàng Sa có thành phố Tam Á do Trung cộng dựng lên và nghe rằng bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam cũng đặt ở đây.


Quần đảo Hoàng Sa gồm khoảng hơn 30 đảo lớn nhỏ, chia làm hai nhóm Đông và Tây nếu tính từ kinh tuyến 1120 E chạy dọc xuống nam.


image038Quần đảo Hoàng Sa chia làm hai nhóm Đông Tây tính từ kinh tuyến 1120 E chạy dọc xuống nam. Bản đồ minh họa của Văn Hóa Online.


Giới nghiên cứu cho rằng quần đảo Hoàng Sa Tây nằm “chồng lấn” hoặc “lửng lơ” trong phạm vi lãnh hải 200 hải lý theo Công ước UNCLOS 1982; Tuy nhiên, đây là vấn đề còn gây ra nhiều tranh luận và tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc; nhưng trên hết và trước hết, theo Hiệp định Geneve 1954, lãnh thổ quần đảo Hoàng Sa Tây nằm dưới vỹ tuyến 17 trực thuộc quyền quản lý trực tiếp của chính phủ Sài Gòn xác định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.  


Sau trận Hoàng Sa, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH Vương Văn Bắc đã công bố sách Bạch Thư trước quốc tế xác định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.


image040https://www.nhatbaovanhoa.com/a10792/bach-thu-saigon-1975-va-mot-so-van-de-o-bien-dao-truong-sa


image042Bia chủ quyền VN ở Hoàng Sa được dựng vào những năm 1930 (ảnh chụp tại phòng lữu trữ tư liệu Hoàng Sa, Đà Nẵng) - Ảnh: V. Hùng chụp lại


https://tuoitre.vn/nguoi-dung-bia-chu-quyen-o-hoang-sa-236694.htm


image044Bia đá chủ quyền ờ quần đảo Trường Sa: Nhà báo Lý Kiến Trúc đứng giơ tay đo chiều cao của bia đá do hải quân VNCH xây dựng từ năm 1956 trong dịp ông đi quan sát Biển Đông năm 2014. Bia đá khắc hàng chữ xác định chủ quyền đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh tài liệu


https://www.nhatbaovanhoa.com/a11934/huyen-thoai-ve-mot-hon-dao-mang-ten-song-tu-tay-chuong-4


Khi miền Bắc “thống nhất” sơn hà gom miền Nam về một nước thì đương nhiên, không những quần đảo Hoàng Sa mà tất cả các thực thể ở Biển Đông là của Việt Nam. Chứng cớ lịch sử Việt Nam từ thế kỷ 17 rành rành.


Từ năm 1954 đến năm 1975, một trung đội địa phương quân ở Tiểu khu Quảng Nam - Đà Nẵng thuộc Quân Đoàn I VNCH, thay phiên nhau, được chiến hạm chở ra cắm cờ VNCH trên đảo Hoàng Sa chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh.


Ít ai để ý vào tháng 1/1959, đã có một trận đánh giữa Thủy Quân Lục Chiến VNCH và quân Trung Cộng ở Hoàng Sa. Trung úy Thủy quân Lục chiến Cổ Tấn Tinh Châu (hiện đang sống tại Quận Cam, nam California) đã cùng với lính đổ bộ lên đảo Ducan (Duy Mộng) xua đổi các ngư dân Trung Hoa bén mảng đến cắm cờ bất hợp pháp trên đảo. (5)


image046Trung úy Thủy quân Lục chiến Cổ Tấn Tinh Châu dẫn lính đổ bộ lên đảo Ducan năm 1959. Ảnh tài liệu.


Ẩn số chính trị Công hàm 1958


Vì sao vào năm 1958, hai miền Nam Bắc Việt Nam đã yên bề với hai chính phủ với hai thủ đô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Thủ tướng) nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt) Phạm Văn Đồng ở thủ đô Hà Nội lại ký một Công hàm gởi cho Thủ tướng Quốc vụ Viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai vào ngày 14 tháng 9 năm 1958, VHO trích đoạn nguyên văn đoạn đầu:


“ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc”. (6)


Xem xét kỹ câu trên, Phạm Văn Đồng viết: ghi nhận và tán thành bản tuyên bố của Trung quốc quyết định về hải phận của Trung Hoa ký ngày 4 tháng 9 năm 1958 – không có chữ nào nói đến lãnh hải 12 hải lý quần đảo Hoàng Sa là đảo của Trung quốc;


Đoạn thứ hai, Phạm Văn Đồng còn chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung quốc; vẫn không có chữ nào đề cập đến hải phận 12 hải lý quần đảo Hoàng Sa.


Thật ra, Phạm Văn Đồng đã cố tránh viết 4 chữ “quần đảo Hoàng Sa” trong Công hàm.


Như vậy, Công hàm Phạm Văn Đồng chỉ là công hàm tán trợ bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chu Ân Lai đưa ra. Điều này cũng không có gì lạ, bởi miền Bắc VN lúc bấy giờ nằm trong quỹ đạo cộng sản phe xã hội chủ nghĩa. (Hồ-Mao-Mác)


Về thời điểm chính trị, Công hàm Phạm Văn Đồng ký ngày 14/9/1958công hàm thứ hai (sau 10 ngày), nhằm mục đích tăng cường thêm cho phạm vi chủ quyền trong bản tuyên bố của Chu Ân Lai ký ngày 04/9/1958 xác định lãnh thổ lãnh hải 12 hải lý của Trung cộng.


Thời điểm ký Văn kiện Chính trị và Lãnh thổ này vào năm 1958 cho nên về sau này gọi là Công hàm Phạm Văn Đồng 1958, dù Hà Nội cố sửa chữ gọi trệch đi là Công thư Phạm Văn Đồng cũng vậy.


Một điểm lưu ý là sau khi Phạm Văn Đồng ký Công hàm năm 1958 ở thủ đô Hà Nội, Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Chính trị Ngô Đình Nhu “không thèm” để ý hay coi thường bản Công hàm, vì trên thực tế quần đảo Hoàng Sa Tây (nhóm Nguyệt Thiềm) hoàn toàn thuộc chủ quyền của miền Nam (chính phủ Sài Gòn) tuân thủ theo Hiệp định Geneve 1954, chẳng ăn nhập gì đến chủ quyền lãnh thổ lãnh hải miền Bắc;


Ngược lại, ở thủ đô Bắc Kinh, Chu Ân Lai vớ được bản Công hàm tán trợ như vớ được mảnh đất đảo vàng biển ngọc về chủ quyền lãnh thổ và … giữ kín cho đến 16 năm sau, ngày 19 tháng Giêng năm 1974, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai mở chiến dịch “Hải quân chiếm đoạt Hoàng Sa Tây”.


Các học giả, các nhà ngoại giao Bắc Kinh thường dùng Công hàm Phạm Văn Đồng để gán cho Việt Nam là đã chấp nhận giao quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh hải 12 hải lý của Trung quốc – điều này hoàn toàn láo khoét; xin nhắc lại, vào thời điểm lúc đó, quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của chính phủ hợp pháp VNCH nằm dưới vĩ tuyến 17. 


Vào thời đó, theo luật hàng hải quốc tế, chủ quyền 12 hải lý tính từ nội thủy bờ biển ra ngoài khơi áp dụng đối với tất cả các quốc gia ven biển. Nếu tính từ đảo Hải Nam của Trung Quốc ra khơi, họ cũng chỉ được hưởng 12 hải lý mà thôi;


Tuy nhiên, Công ước UNCLOS 1982 quy định lại lãnh hải, tăng thêm 200 hải lý cho các nước ven biển đã gây ra nhiều rắc rối về chủ quyền và quyền chủ quyền; xin nhắc lại, Hoa Kỳ không ký vào Công ước UNCLOS 1982. (6)


image048Các vùng biển theo luật biển quốc tế, nội thủy là vùng trong cùng, bản đồ không thể hiện các sông, suối chảy ra biển. Nguồn wikipedia.


Khoảng cách từ bãi đá Bắc (North Reef - điểm cực bắc) của quần đảo Hoàng Sa Tây tới căn cứ Du Lâm (điểm cực nam đảo Hải Nam) khoảng 112 hải lý.


image050Đá Bắc (North Reef) điểm đá cực bắc của quần đảo Hoàng Sa cách căn cứ Du Lâm-Hải Nam khoảng 300 km. Giữa vỹ tuyến 16 - 18 là quần đảo Hoàng Sa (Parcel Island). Bản đồ minh họa/Reuters.


Tạm kết:


Hiện nay, các nước ven biển muốn xem xét lại văn kiện DOC mà 10 nước Đông Nam Á đã ký với Trung Quốc ở Phnôm Pênh năm 2002; Hai nhân tố quan trọng hàng đầu ở Biển Đông Nam Á là Trung Quốc - Việt Nam hiện đang thúc đẩy các nước ven biển họp với nhau để tiến tới hội nghị về COC thực chất và hiệu quả.


Tuy nhiên, tình hình và bối cảnh thực tế ở biển Đông Nam Á đã khoác diện mạo hoàn toàn khác so với 50, 30, 20 năm trước đây; đặc biệt là từ năm 2013, (tính từ năm 1974 tới 2013 là 39 năm), Tập Cận Bình lên nắm quyền Chủ tịch đảng, Tbt đảng Cs TQ, ông đã cho bồi đắp xây dựng 7 hòn đảo nổi nhân tạo ở trung tâm biển Trường Sa, và tiếp tục kiện toàn quân sự hóa hỏa lực hải không quân trên 7 đảo rộng lớn, đồng thời tuyên bố 80% biển Đông Nam Á là chủ quyền lịch sử của Bắc Kinh.


Quốc tế và nhất là Mỹ đều tuyên bố đó là đó là điều phi lý không thể chấp nhận được; từ thời TT Obama, Mỹ đã tung ra chiến thuật FONOPs – Quyền Tự do hàng không hàng hải – trở thành đòn phép “khắc tinh” của lưỡi bò; Philippines, đồng minh của Mỹ đã khởi kiện Trung Quốc lên tòa án thường trực La Haye năm 2016, Phán quyết PCA coi đường lưỡi bò là vô giá trị; thế nhưng, điểm yếu của phán quyết PCA không mang tính ràng buộc về pháp lý. Tập Cận Bình tuyên bố: La Haye không ảnh hưởng gì tới Trung Quốc.


Đối với Hoa Kỳ, quốc gia đã hiện diện ở Biển Đông hơn 70 năm và có quyền lợi kinh tế rất lớn ở con đường thông thủy qua lại huyết mạch Biển Đông; vào tháng 11 năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố tại Hội nghị quốc tế APEC 2017 ở Tp biển Đà Nẵng “Chiến lược Indo-Pacific”.


Chiến lược này bao trùm diện tích biển Đông Nam Á (South China Sea), là “khắc tinh” của đường lưỡi bò 9 đoạn mà chúng tôi gọi vùng biển này là “Cái mắt xích Biển Đông”.


Ai sẽ phá vỡ được cái mặt xích chằng chịt này khi thế lực của Trung Quốc mở chiến dịch vùng xám gần như bao trùm Biển Đông?


Ngày 04/11/2002, tại thủ đô Phnom Pênh, một hội nghị Quốc tế vè Biển Đông gồm tất cả 10 nước Đông Nam Á được tổ chức dưới sự chủ trì của Trung Quốc mang chủ đề “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” gọi tắt là COC (Declaration on the South China Sea) ra Tuyên bố 10 khoản. (7)


Ngày 23/9/2008, Nhà báo Lý Kiến Trúc trong cuộc phỏng vấn Đại sứ Lê Công Phụng tại Hoa Thịnh Đốn, ông Phụng nói (trích đoạn): “Tôi nghĩ rằng là tất cả những người Việt Nam dù trong nước hay hải ngoại thì thấu hiểu rất rõ là Hoàng Sa, Trường Sa là việc trong nước chứ không phải ngoài nước, thế cho nên chúng tôi cũng rất mong muốn là nhân dân trong nước cũng như đồng bào ngoài nước, hợp tác với nhau cho chặt chẽ, hỏi, khẳng định đây là chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, xâm phạm hoặc đòi hỏi chúng ta phải phản bác, để cho mọi người hiểu là không chỉ bà con ở hải ngoại, lãnh đạo ở trong nước lại càng giác ngộ cái chuyện này, làm sao để có một cái đường đi, cái bước đi, biện pháp của hiện nay phù hợp với cái thế của mình bên cạnh cái anh và với các nước láng giềng chung quanh.” (8)


Ngày 28/5/2013, Đài RFI có cuộc phỏng vấn Gs Ngô Vĩnh Long Đại học Maine (Hoa Kỳ), mới đi quan sát tỉnh Quảng Ngãi và đảo Lý Sơn về, Gs Long cho biết: Để chống Trung Quốc, Việt Nam phải nhấn mạnh đến vị trí 'yết hầu' của Hoàng Sa”, “Cho nên phải nhắc vấn đề này, cho thế giới biết rằng đây là sự nguy hiểm rất lớn, và vấn đề Hoàng Sa không phải là vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà là vấn đề của toàn thế giới.” (9)


Ngày 11/1/2014, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Giáo sư khoa lịch sử của Đại học Maine, một trong các diễn giả thuyết trình tại cuộc hội thảo ở tại Đại học Harvard đánh dấu tròn 40 năm trận hải chiến đẫm máu nói: “Trung Quốc lấy nốt Hoàng Sa rồi để từ đó mới nói rằng Trung Quốc có lãnh hải mấy trăm dặm, thành ra, gây tranh chấp khắp khu vực. Trung Quốc gây sự, chiếm chỗ này, chiếm chỗ kia để mà người ta phải tới để điều đình với Trung Quốc.”


Ngày 27/8/2014, Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc phái viên của Tbt Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh gặp ông Lưu Vân Sơn và gặp Tbt Tập Cận Bình, Việt Nam xác nhận ba nguyên tắc "chỉ đạo phát triển" quan hệ Việt - Trung.


Trong ngày 27/8/2014, truyền thông Trung Quốc nói Việt Nam và Trung Quốc “đạt được nhận thức chung nguyên tắc ba điểm” trong chuyến thăm của ông Lê Hồng Anh.


Tân Hoa Xã nói hai bên đã đạt được “nhận thức chung nguyên tắc ba điểm về tiếp tục phát triển quan hệ Trung-Việt”:


- Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo trực tiếp phát triển quan hệ song phương, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt trước sau như một phát triển lành mạnh, ổn định.


- Hai bên cần phải tiếp tục sâu sắc giao lưu giữa hai Đảng, nhìn về lâu dài khôi phục và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, kinh tế-thương mại, an ninh hành pháp, nhân văn, v.v.


- Hai bên đồng ý tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo hai Đảng và hai nước, nghiêm túc thực hiện "Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước Trung-Việt", vận dụng tốt cơ chế đàm phán Chính phủ về biên giới Trung-Việt, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu và thương lượng về vấn đề cùng khai thác, không áp dụng hành động làm phức tạp và mở rộng tranh chấp, giữ gìn đại cục của quan hệ Trung-Việt cũng như hoà bình và ổn định của Nam Hải. (10)


Ngày 30/7/2016, Trong một bài viết của Gs Ngô Vĩnh Long trên trang https://www.facebook.com/ngovinh.long/posts/1142892055771456, Ts Long viết: “VN không nên tiếp tục đòi chủ quyền”; “những thực thể nào quá nhỏ ở Trường Sa, VN không nên tiếp tục đòi chủ quyền”. (11)


Ngày 24/5/2017, một bài viết của Ts Trần Công Trục đăng trên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam với tựa đề “Từ DOC tới COC tới Philippines, Việt Nam trước cạm bẫy TQ”, Văn Hóa Online chia làm 3 phần, thêm tựa nhỏ:


“Trước hết, đó là do DOC không mang tính ràng buộc pháp lý nên dẫn đến việc các bên tham gia thiếu quyết tâm chính trị, chưa thống nhất trong vận dụng các điều khoản; 


DOC cũng chưa xác định được phạm vi áp dụng về mặt địa lý; chưa xây dựng được cơ chế giám sát, xử lý đối với các trường hợp vi phạm;


“Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC được ASEAN và Trung Quốc thông qua năm 2002 tuy là bước tiến đáng ghi nhận, nhưng cũng chưa phải là cam kết pháp lý hữu hiệu để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.” (12)


Ngày 36/12/2019, Ban Việt ngữ RFI đã đặt câu hỏi cho Giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc Đại Học Maine (Hoa Kỳ); Văn Hóa Online trích đoạn: (13)


Mỹ hoàn toàn có lý khi đả kích Trung Quốc về vụ Tam Sa


RFI: Liên quan cụ thể tới vùng Hoàng Sa, vừa rồi, Bộ Ngoại giao Mỹ ra một bản tuyên bố về Biển Đông, đả kích chuyện Trung Quốc cử một đơn vị quân đội đồn trú ngay trên khu vực Hoàng Sa. Có dư luận cho là Mỹ nói quá. Giáo sư nhận định như thế nào?


Ngô Vĩnh Long: Tôi nghĩ Mỹ nói vấn đề này không quá. Bởi vì đây là vấn đề Trung Quốc thách thức cả thế giới. Trước hết đây là đảo vẫn còn tranh chấp, mà Trung Quốc đã cướp của người ta bằng võ lực, rồi bây giờ lại nói đây là chuyện đã rồi, bây giờ lại quân sự hóa các đảo đó;


“Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ có ý định đưa hơn 2000 thủy quân lục chiến đến Úc. Chỗ mà Mỹ sẽ đưa thủy quân lục chiến đến cách xa Biển Đông cả mấy nghìn cây số, trong lúc Trung Quốc lại đưa quân đội đến Hoàng Sa mà chỉ cách Biển Đông vài chục, vài trăm cây số, và ngay trên đường thông thương của thế giới đi ngang đó. Tôi cho đây là một sự thách thức ghê gớm. Thành ra Mỹ lên tiếng là đúng;


“Vấn đề, theo như nhận định của tôi từ lâu rồi, từ 4, 5 năm nay - không muốn nói là từ cuối thập kỷ 80 - là Trung Quốc càng ngày càng muốn lấn Mỹ ở Biển Đông, mà lấn Mỹ được, thì họ có thể uy hiếp các nước khác được;


Trung Quốc chờ thời cơ cho đến cuối năm 2008, mới đòi Mỹ chia đôi Thái Bình Dương. Sau khi Mỹ không chịu, thì càng ngày Trung Quốc càng có những thái độ dẫn đến vấn đề quân sự hóa Hoàng Sa hay là uy hiếp các nước trong khu vực bằng đường lối quân sự trong mấy năm qua.”


Ngày 12/12/2023; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam, tại Hà Nội, hai Tổng bí thư đảng Cs TQ và đảng Cs VN “nhất trí”: “Hai bên nhất trí cho rằng phát triển quan hệ giữa các nước cần tuân theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình,” (14)


Đồng thời hai bên đã ra Tuyên bố chung gồm 6 phương hướng: 1/ Tin cậy chính trị cao hơn; 2/ Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; 3/ Hợp tác thực chất sâu sắc hơn; 4/ Nền tảng xã hội vững chắc hơn; 5/ Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; 6/ Bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.


Qua bản Tuyên bố chung, giới quan sát cho rằng vấn đề Biển Đông, đặc biệt câu: “Hai nước cần tuân theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế …”, phải chăng có ý nhắn gởi Hoa Kỳ và hàm ý rằng Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia đã làm chủ tình hình hiện nay ở Biển Đông trong đó có quần đảo Hoàng Sa.


Theo dòng thời sự trên các bàn hội nghị bàn về Biển Đông, vì sao một số nước trong Asean không thực thi DOC và lưỡng lự theo đuổi kế hoạch COC thực chất và hiệu quả?


Ngày 18/1/2024, một đoàn khách cựu chiến sĩ hải quân VNCH từng tham dự trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 đã về Việt Nam - Tp biển Đà Nẵng để thăm Nhà trưng bày di tích Hoàng Sa. Trong số các cựu chiến binh có 5 người đã trực tiếp tham gia trận hải chiến.


Không biết cuộc thăm viếng “đặc biệt chính trị” này có được hai bên tiếp xúc trước hay không, nhưng chỉ dấu này cho thấy mối “hòa hảo” giữa chính quyền trong nước và tập thể cộng đồng hải ngoại ngày càng gần gũi.


(thêm: “Trong lúc đi dạo quanh chiếc HQ-571 nặng 2000 tấn của HQ VN; chúng tôi gặp bà quả phụ cố Hải quân Trung tá Ngụy Văn Thà, nguyên Hạm trưởng HQ-10 đã anh dũng chiến đấu với hải quân Trung cộng ở nhóm Nguyệt Thiềm quần đảo Hoàng Sa. Cái chết của ông đã đi vào lịch sử Hải quân VNCH. Bà Thà ngồi riêng rẽ một mình trên “boong”, mặt trầm ngâm, đôi mắt xa xăm nhìn ra trời cao biển rộng, mênh mông xa vắng. – Hỏi: Lý do nào mà bà được ông thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn mời? - Bà Ngụy Văn Thà: Anh Sơn nói là mời đi ra Trường Sa, Hoàng Sa để làm lễ cầu siêu cho 74 tử sĩ anh hùng Việt Nam Cộng Hòa. Điều đó làm tôi thấy rất vui mừng và cảm động lắm nên tôi đi) (15)


Ngày 20/1/2024, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao VN Phạm Thu Hằng khẳng định: “mọi hành động sử dụng vũ lực không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền, cũng như không thể làm thay đổi sự thật chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.” (TNO)


Tuy nhiên, bước tiếp theo vụ Hoàng Sa đang được giới truyền thông hải ngoại tập chú, giới quan sát đưa ra vấn đề: “Ai đủ tư cách pháp lý pháp nhân đòi lại Hoàng Sa?”


Chúng tôi trở lại câu hỏi: “50 năm Bắc Kinh ngoặm Hoàng Sa liệu có nhả ra?”


Lý Kiến Trúc


California 21/1/2024


THAM KHẢO:


(1) 74 hay 77 Chiến sĩ VNCH tử trận Hoàng Sa 1/1974?


https://www.nhatbaovanhoa.com/a3498/74-hay-77-chien-si-vnch-tu-tran-hoang-sa-1-1974-


(2) https://www.nhatbaovanhoa.com/a833/hai-chien-hoang-sa-nong-tren-dien-dan-o-dai-hoc-harvard-cho-thoi-de-thu-hoi-truc-tiep-hoang-sa-phong-van-pho-de-doc-ho-van-ky-th


(3) https://www.nhatbaovanhoa.com/a6886/tuong-trinh-cua-hai-quan-dai-ta-ha-van-ngac-ve-tran-hai-chien-hoang-sa-19-1-1974


(4) UNCLOS 1982 - Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển


https://www.nhatbaovanhoa.com/a9728/unclos-1982-cong-uoc-lien-hiep-quoc-ve-luat-bien


(5) Trung Úy Thủy quân Lục chiến Cổ Tấn Tinh Châu


https://www.nhatbaovanhoa.com/a830/co-tan-tinh-chau-tqlc-vnch-tung-bat-song-quan-tau-o-o-hoang-sa-nam-1959-thuong-si-le-van-bay-hq4-hoang-sa-dang-ra-khong-mat


(6) Công hàm Phạm Văn Đồng 1958

                                                                   

(7) DOC Phnom Penh 2002: Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông


https://www.nhatbaovanhoa.com/a6022/phnompenh-tuyen-bo-ve-cach-ung-xu-cua-cac-ben-o-bien-dong-doc-


(8) W.DC 23/9/2008: Nhà báo Lý Kiến Trúc phỏng vấn Đại sứ Lê Công Phụng


https://www.nhatbaovanhoa.com/a9656/w-dc-23-9-2008-nha-bao-ly-kien-truc-phong-van-dai-su-le-cong-phung


(9) Đài RFI cuộc phỏng vấn Gs Ngô Vĩnh Long


(10) Lê Hồng Anh-Lưu Vân Sơn, 3 điểm dứt điểm hồ sơ Biển Đông


https://www.nhatbaovanhoa.com/a1404/3-diem-dut-diem-ho-so-bien-dong


(11) Ts. Ngô Vĩnh Long


https://www.facebook.com/ngovinh.long/posts/1142892055771456,


https://www.nhatbaovanhoa.com/a4372/ts-ngo-vinh-long-vn-khong-nen-tiep-tuc-doi-chu-quyen-


(12) Trần Công Trục: Từ DOC tới COC tới Philippines, Việt Nam trước cạm bẫy TQ


https://www.nhatbaovanhoa.com/a5769/tu-doc-toi-coc-toi-philippines-viet-nam-truoc-cam-bay-tq


(13) RFI phỏng vấn Ts Ngô Vĩnh Long từ Quảng Ngãi về


https://www.nhatbaovanhoa.com/a387/rfi-phong-van-gs-ngo-vinh-long-tu-quang-ngai-ve


(14) Tuyên bố chung Việt-Trung 2023


https://vnexpress.net/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-4688334.html


(15) Phỏng vấn bà Ngụy Văn Thà


https://www.nhatbaovanhoa.com/a1129/phong-van-ba-nguy-van-tha


(16) Vì sao Asean không thực thi DOC và thực hiện COC ở bàn cờ biển Đông?


https://www.nhatbaovanhoa.com/a2160/vi-sao-asean-khong-thuc-thi-doc-va-thuc-hien-coc-o-ban-co-bien-dong
14 Tháng Năm 2024(Xem: 2256)
TỪ ĐỘNG TÁC CỦA BẮC KINH Ở SANDY CAY và SABINA SHOAL
12 Tháng Tư 2024(Xem: 2418)
INDO-PACIFIC KHỞI ĐỘNG MẠNH TỪ SOUTH CHINA SEA ĐẾN EAST SEA