Người Việt bị thương vì tên lửa Đài Loan

05 Tháng Bảy 20169:39 CH(Xem: 5668)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  TƯ  06  JULY 2016

Người Việt bị thương vì tên lửa Đài Loan

image095
Image copyright AFP Image caption Thuyền trưởng của con tàu thiệt mạng sau sự cố tên lửa bắn nhầm

Một thuyền viên người Việt kể về vụ ông bị thương khi tàu cá bị tên lửa siêu thanh chống hạm của Quân đội Đài Loan bắn nhầm.

Một tàu của Hải quân Đài Loan diễn tập tuần tra ở Cao Hùng vào hôm 1/7 đã bắn tên lửa về hướng Trung Quốc Đại lục và rơi trúng một tàu cá ngoài đảo Bành Hồ.

Thuyền trưởng của con tàu là người Đài Loan đã thiệt mạng sau khi bị tên lửa bắn trúng.

Một người Philippines, một người Việt Nam và con trai thuyền trưởng người Đài Loan bị thương và được đưa vào bệnh viện.

Vụ phóng tên lửa xảy ra khi Trung Quốc kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chen Chung-chi, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đài Loan nói: "Đây không phải trường hợp có động cơ chính trị, hay nhằm tạo ra khủng hoảng."

image097

'Sập nát'

Nói với BBC Tiếng Việt từ Bệnh viện của Bộ Quốc phòng tại Đài Loan, ông Bùi Trọng Văn, thủy thủ người Việt trên tàu kể lại:

"Hôm ấy em với con ông thuyền trưởng và người Philippines đang ngủ. Đang ngủ tự dưng bùm một cái, khi bật dậy là chân của em máu chảy rồi. Con ông thuyền trưởng la lên là đi ra tìm cha. Vì cha của đứa con người thuyền trưởng lái ở buồng trên. Bọn em nằm ở hầm dưới."


image099

Image copyright AFP Image caption Các quan chức Đài Loan nói quả tên lửa đã không nổ

"Chân em không thể nhấc lên được. Nắp hầm trước mặt bị lật lên. Em vượt qua được mũi đó là nằm luôn."

"Tàu lúc đó bị toạng đằng sau, sập nát."

"Con ông thuyền trưởng bắn pháo hiệu lên trời, gọi điện thoại gần một tiếng có tàu bạn ông đi lại kéo. Xong là kéo được 15 phút là một chiếc máy bay bay trên trời. Sau đó là một chiếc ca-nô của công an trong đất liền ra. Sau đó có một tàu người bạn ông nữa dìu tàu của ông về. Chiếc ca-nô đưa em và người Philippines vô bệnh viện luôn," ông Văn kể lại hôm tên lửa bắn vào tàu mình.

Tại bệnh viện của Bộ Quốc phòng Đài Loan, hiện ông Văn đang được điều trị vết thương ở chân. Bác sĩ tại bệnh viện nói ông "không bị gãy xương" và "sẽ sớm lành".

Ông Văn nói: "Đêm ngủ em vẫn hoảng sợ, từ bé đến giờ chưa thấy quả nổ như vậy."


image101

Image caption Ông Bùi Trọng Văn (45 tuổi) là người ở Quỳ Hợp, Nghệ An đi làm thủy thủ ở Đài Loan

Làm thủy thủ ở Đài Loan

Ông Bùi Trọng Văn cho biết đã chi khoảng 2.800 đô la Mỹ cho môi giới từ Nghệ An để có được việc làm trên tàu cá đánh bắt gần bờ của Đài Loan. Số tiền 2.800 đô la Mỹ được vợ ông Văn mô tả là "đi vay mượn để anh đi làm nuôi con".

Ông Văn cho biết: "Em đánh bắt gần bờ, mỗi ngày chỉ cần đi tàu bốn tiếng là ra nơi đánh bắt. Thả lưới, thu lưới, phân chia cá mực xong thì được lên bờ."

Tại quê nhà ở xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp tỉnh Nghệ An, ông Văn nói kiếm được "ba triệu mỗi tháng", và khi đánh cá trên tàu Đài Loan ông có thể để dành "chín triệu gửi về nuôi con".

Nói với BBC Tiếng Việt từ Nghệ An, bà Phan Thị Liên, vợ ông Văn nói bà "chỉ vừa biết tin anh bị tên lửa bắn trưa nay [ngày 4/7], bủn rủn không làm được việc gì, chỉ mong điện thoại được cho anh."

image092

Image copyright AFP Image caption Tên lửa Hsiung Feng III đã bắn trúng tàu cá đang đánh bắt gần bờ

Nói với phóng viên Cindy Sui của BBC News tại Đài Loan, Văn phòng Lao Động thành phố Cao Hùng nói ông Văn sẽ được chăm sóc y tế tại bệnh viện cho đến khi vết thương lành và "văn phòng sẽ cung cấp thực phẩm, cũng như nơi ở và hỗ trợ ông đến bệnh viện khi cần tái khám".

Ông Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Đài Loan thuộc Văn phòng kinh tế-văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc nói với BBC:

"Ngày 2/7, chúng tôi đã đến thăm và tặng quà nạn nhân. Anh ấy bị xây xát ống chân bên trái, một ngón út hơi bị dập nhưng không phải phẫu thuật."

"Trước mắt thì người lao động đang điều trị. Chúng tôi có làm việc với Cục lao động địa phương, đặc biệt là các khoản tiền bồi thường như bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế. Tôi cũng đề nghị công ty môi giới Đài Loan tạo điều kiện nếu chủ tàu cũ có nhu cầu nhận lại, thì sau khi ra viện đưa lao động về lại với chủ cũ để làm. Còn nếu không có nhu cầu nhận lại, thì các bên liên quan phải làm thủ tục chuyển chủ lao động mới, chứ người lao động không phải về nước."

"Người lao động sẽ không mất đồng nào, vì lỗi đâu phải của người lao động," ông Tạo cho biết./

BBC 5 tháng 7 2016

21 Tháng Mười 2016(Xem: 5560)
27 Tháng Ba 2016(Xem: 7054)
08 Tháng Ba 2016(Xem: 12534)
14 Tháng Giêng 2016(Xem: 5813)
04 Tháng Giêng 2016(Xem: 6455)