"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA" THỨ TƯ 14 DEC 2016
Biển Đông: Ấn Độ và Indonesia kêu gọi tôn trọng UNCLOS
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (T) và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi ngày 12/12/2016.REUTERS/Adnan Abidi
Trong một thông điệp rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia ngày 12/12/2016 chính thức kêu gọi mọi bên tranh chấp ở Biển Đông triệt để tôn trọng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS, một văn kiện thiết lập trật tự pháp lý quốc tế trên các vùng biển và đại dương.
Lời kêu gọi này được ghi trong bản tuyên bố chung Ấn Độ-Indonesia được công bố sau cuộc họp thượng đỉnh tại New Delhi giữa thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, và tổng thống Indonesia, Joko Widodo. Bản tuyên bố chung nói rõ : « Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các phương cách hòa bình, theo các tiêu chí của luật quốc tế được thế giới công nhận, trong đó có UNCLOS ».
Tuyên bố chung cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan giải quyết tranh chấp ôn hòa, tránh đe dọa hay dùng võ lực và tự kềm chế trong hành động, không hành động đơn phương làm tăng căng thẳng. Một cách cụ thể, văn kiện chính thức Ấn-Indonesia ghi rõ : « Hai nhà lãnh đạo công nhận tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải và hàng không trên các vùng biển, quyền thương mại hợp pháp không bị cản trở ».
Theo báo chí Ấn Độ, lời kêu gọi của hai lãnh đạo Ấn Độ và Indonesia rất quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc khăng khăng bác bỏ phán quyết về Biển Đông của một tòa trọng tài quốc tế được hình thành theo Công Uớc UNCLOS, trong đó tòa đã phủ nhận các yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh trên 90% diện tích Biển Đông.
Cho tới nay, Ấn Độ luôn luôn tìm cách nêu bật vấn đề Biển Đông nhân các cuộc họp cấp cao với đối tác của mình, từ Mỹ, Nhật, cho đến Việt Nam. Nhật báo Ấn Độ Times of India từng tiết lộ rằng New Dehli cũng đã đề nghị Singapore cùng lên tiếng về Biển Đông trước cuộc gặp giữa Thủ tướng Modi và đồng nhiệm Lý Hiển Long tháng 10/2016, nhưng đã bị Singapore từ chối.
Indonesia không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng rất quan ngại về sự hiện diện đông đảo của tàu đánh cá Trung Quốc gần quần đảo Natuna, mà một phần vùng đặc quyền kinh tế bị đường lưỡi bò của Trung Quốc lân chiếm./ (theoTrọng Nghĩa 13-12-2016)