Hà Văn Thùy: Lầm lẫn đáng tiếc về sử Việt của ông Phạm Trần Anh

01 Tháng Ba 20218:04 SA(Xem: 5622)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN THẢO LUẬN - THỨ HAI 01 MAR 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


LỜI TÒA SOẠN: Mục DIỄN ĐÀN mở ra trên báo điện tử Văn Hóa Online-California (www.nhatbaovanhoa.com) bẩy năm nay. Tòa soạn nhận được nhiều khích lệ trong việc đăng tải trước tác của các tác giả mang tính khách quan, độc lập, đa chiều, phản ảnh ý thức mới về văn hóa văn nghệ, chuyên sâu vào học thuật. Hôm nay, chúng tôi nhận được bài viết của nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy đưa ra các nhận xét của ông về tác phẩm của sử gia Phạm Trần Anh - đặc biệt viết về sử Việt.


Trên tinh thần cầu thị, học hỏi và phổ biến việc tiếp nhận các ý kiến phản biện, mục DIỄN ĐÀN xin gởi bài nhận xét của ông Hà Văn Thùy đến ông Phạm Trần Anh và quý bạn đọc tham khảo. Tòa soạn mong nhận được các bài viết khác về sử Việt cho rộng đường nghiên cứu, hầu đóng góp thêm vào dòng lịch sử uẩn khúc của nước Việt ta. Trân trọng. (lkt) 

image001

Sử gia Phạm Trần Anh. Ảnh: Lâm Hoài Thạch


Phạm Trần Anh: Nguồn gốc Việt tộc


https://www.youtube.com/watch?v=dXFd3ctg7TM


https://www.youtube.com/watch?v=cN5WNNx9_OM


Lầm lẫn đáng tiếc về sử Việt của ông Phạm Trần Anh

image002

Hà Văn Thùy


Nhiều năm nay, ở hải ngoại, ông Phạm Trần Anh bỏ công sức viết về sử Việt. Do tiếp thu thành tựu mới của thế kỷ XXI, ông đã trình bày một phiên bản lịch sử Việt Nam khác với quan niệm truyền thống. Không như sự hiểu lầm xưa nay là con người cũng như văn hóa Việt Nam đều bắt nguồn từ Trung Quốc, ông xác định, người Việt là một đại tộc, làm nên dân cư cùng văn hóa phương Đông. Những trang sử đầy nhiệt tâm của vị lão thành từng bị tù đày nhiều năm tháng vì nạn nước đã mở mang hiểu biết và truyền lòng tự hào dân tộc đến đồng bào. Do vậy nhiều vị học giả tên tuổi biểu tỏ sự khen ngợi chân thành.


Đáng tiếc là do những hạn chế chủ quan cũng như khách quan, sử của ông còn một số việc chưa chính xác. E rằng nhiều điều lộng giả thành chân ảnh hưởng tiêu cực đến đồng bào và nhất là thế hệ trẻ đang khát khao tìm hiểu sử Việt nên chúng tôi xin thưa lại đôi điều.


1.Ông Phạm Trần Anh viết: “Tôi gọi người Hòa Bình là Tiền Việt.” Xin hỏi, dựa trên tiêu chí nào mà nói như vậy? Nói vậy có nghĩa là người Hòa Bình chưa phải người Việt mà đang trong quá trình tiến hóa để trở thành người Việt? Hoàn toàn không phải như vậy. Sau khi khảo sát 35 cốt sọ Thời đồ đá và 35 cốt sọ Thời kim khí trên đất Việt Nam, Giáo sư Nhân học Nguyễn Đình Khoa nhận định: “Thời đồ đá, dân cư Việt Nam là người Việt cổ thuộc loại hình Australoid. Sang thời kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện và trở thành chủ thể đất này, không hiểu do nhập cư hay đồng hóa.” (1) Như vậy, Nhân học xác nhận, người Hòa Bình là người Việt cổ. Đưa ra thuật ngữ khoa học là công việc của nhà chuyên môn hẹp. Các sử gia chuyên nghiệp cũng ít ai mạo hiểm làm chuyện này!


2. Ông Phạm Trần Anh cho rằng, “Có ba lần đại hồng thủy 14.500 năm, 11.500 năm và 8.000 năm trước, nước dâng lên tới Việt Trì. Đai hồng thủy khiến người Hòa Bình bị dồn lên tới tận Hymalaya. 5000 năm trước khi nước rút, người Việt trở về, vừa đi vừa xây dựng văn hóa nông nghiệp.” Theo chúng tôi được biết, không hề có chuyện như vậy. Những lời trên có tới ba điều sai.


i. Đại hồng thủy 8.000 năm trước không hề dâng nước tới Việt Trì. Đó là ngấn nước do nước biển hàng triệu năm trước để lại mà không phải ở thời văn hóa Bắc Sơn.


ii. Người Việt cổ đi lên Hymalaya không phải do thúc đẩy của đại hồng thủy mà là di cư chiếm lĩnh Hoa lục từ 40.000 năm trước, khi mực nước biển thấp hơn hôm nay 130 mét, nghĩa là khi chưa có biển nên cũng chẳng làm gì có hồng thủy.


iii. Đại hồng thủy 8.000 năm trước chỉ tàn phá vùng bờ biển Đông mà không ảnh hưởng tới đất liền Việt Nam. Chứng cứ là các văn hóa khảo cổ trên đất Việt Nam phát triển liên tục, từ Hòa Bình tới Bắc Sơn. Ở phía bắc, tại Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây, cách Việt Nam khoảng 100 cây số, người Việt sinh sống liên tục từ 25.000 năm trước. 20.000 năm trước chế ra đồ gốm đầu tiên, 12.400 năm trước thuần hóa thành công lúa nước và duy trì văn hóa nông nghiệp mãi tới sau này, không hề bị đứt đoạn vì đại hồng thủy. Do vậy cũng không có chuyện người Hòa Bình bị dồn lên Hymalaya.


3. Ông Phạm Trần Anh cho rằng, người tiền sử rời châu Phi 800.000 năm trước. Ở đây có điều chưa rõ ràng do không rõ “người tiền sử” là ai? Nếu hiểu “người tiền sử” là người đứng thẳng Homo erectus thì không phải họ rời châu Phi 800.000 năm trước mà là hai triệu năm trước. Nếu hiểu “người tiền sử” theo quan niệm khoa học là loài Homo sapiens thời chưa có sử thì 800.000 năm trước chưa ra đời!


4. Ông Phạm Trần Anh cho rằng những nước Tề, Lỗ, Sở, Việt… thời Xuân Thu là Bách Việt, là trăm chi tộc Việt. Hoàn toàn không phải vậy. Danh xưng Bách Việt xuất hiện đầu tiên trong thiên Thị quân, sách Lã Thị Xuân Thu đời Tần: “Năm 333 TCN, nước Sở diệt nước Việt của Vô Cương. Con cháu Vô Cương chia nhau, người làm vua, người làm quân trưởng, đều thần phục Sở, gọi chung là Bách Việt.” Như vậy, Bách Việt chỉ là hơn chục tiểu quốc bị chia tách từ nước Việt ở Nam Dương Tử và chấm dứt năm 222 TCN nên không thể là cội nguồn của Lạc Việt và cũng không phải là trăm chi tộc Việt.


5. Ông Phạm Trần Anh nói: “Người ta tìm thấy chữ “Việt” 20.000 năm trước tại Sơn Đông.” Hoàn toàn không có chuyện này. 11 chữ được tìm thấy sớm nhất cho đến nay là ở văn hóa Giả Hồ Hà Nam 9000 năm trước mà không có chữ Việt. Ký tự sớm nhất có thể thấy ở Bãi đá Đồng Văn còn rất mơ hồ cũng chỉ có tuổi khoảng 10.000 năm. Không thể có chữ “Việt” 20.000 năm trước.


6. Một lầm lẫn khác không chỉ của ông Phạm Trần Anh mà còn của nhiều người khác là cho rằng người Hán là dân du mục. Không phải vậy. Sống ở đồng bằng miền Trung Hoàng Hà, người Hán là dân nông nghiệp thực thụ vì đất đồng bằng không thể du mục. Chỉ ở miền Tây Bắc, trên cao nguyên Thanh Hải, dân cư mới du mục. Bộ tộc Thương, Chu khi bị Hạ Vũ đánh đuổi thì dạt về phía Tây sống du mục. Sau khi giành được nước, họ trở về trồng kê trên cao nguyên Hoàng Thổ.


7. Ông Phạm Trần Anh cho rằng “Lạc Long Quân bảo Âu Cơ đưa 50 con về Thủy Phủ ở Hồ Nam.” Thực sự, nếu có thì địa danh “Thủy Phủ” chỉ xuất hiện từ thời Đường. Thời Lạc Long Quân gần 5000 năm trước trong tiếng Việt chưa thể có từ “Thủy Phủ.” Đó là do truyện lưu truyền trong dân gian nên người sau thêm thắt. Nên trả lại nguyên văn câu chuyện “Năm mươi con xuống biển và năm mươi con lên núi.”


8. Ông Phạm Trần Anh nói: “Hoàng Đế người Việt vì ở Sơn Đông có ngôi miếu thờ thành hoàng là Hoàng Đế.” Rõ ràng, ở chỗ này ông đã lầm lẫn giữa lịch sử và truyền thuyết. Hoàng Đế là nhân vật lịch sử có thật, năm 2698 TCN lãnh đạo bộ tộc du mục Hiên Viên tấn công vào Trác Lộc chiếm đất của người Việt. Sau thắng lợi, ông lên ngôi vua, lập vương triều Hoàng Đế. Có thể ở Sơn Đông có miếu thờ Hoàng Đế làm thành hoàng nhưng đó là chuyện thờ tự về sau theo tín ngưỡng dân gian.


9. Do không nắm được phả hệ ngũ đế nên ông Phạm Trần Anh lầm lẫn cho rằng nhà Thương người Tàu chiếm nước của Hạ Vũ người Việt. Sự thực là, khi vào Nam Hoàng Hà, Hoàng Đế và người của ông là tộc Mông Cổ. Con ông Chuyên Húc, rồi cháu ông Thiếu Hạo vẫn là Mông Cổ. Nhưng đời thứ tư, chắt ông là Đế Khốc do hòa huyết nhiều đời, đã thành người Việt với tước đế đứng trước tên riêng và nước da đen (đen như cốc à khốc) của người Việt. Từ phả hệ Hoàng Đế suy rộng ra, xã hội cũng biến hóa tương tự. Lớp con lai Mông-Việt được gọi là Hoa Hạ, một lớp người ưu tú dần thay cha ông Mông Cổ lãnh đạo đất nước, làm nên thời Hoàng kim trong lịch sử phương Đông. Nhưng theo thời gian, người Hoa Hạ bị đồng hóa về máu huyết và văn hóa trở thành người Việt. Các con của Đế Khốc là Nghiêu, Tiết, Tắc càng Việt hơn. Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, Thuấn truyền cho Vũ, cũng người Việt nhưng không thuộc hoàng tộc. Con cháu ông Tiết ông Tắc tranh ngôi với Vũ nên bị đánh đuổi về cao nguyên phía Tây, chuyển sang lối sống du mục. Khi nhà Hạ suy đồi, hậu duệ ông Tiết lấy danh nghĩa dòng họ Hoàng Đế, tập hợp dân chúng diệt nhà Hạ lập nhà Thương. Thành Thang được gọi là Đế Ất, có nước da đen như than của dân Việt (Thang là cách gọi trại của than). Như vậy, nhà Thương, cả vua và dân đều là người Việt. Nhà Chu cũng Việt. Chỉ có điều, sống trong quốc gia riêng, họ tự nhận là Hoa Hạ văn minh rồi kỳ thị đồng bào của mình.


10. Ông Phạm Trần Anh nói: “Nước của Kinh Dương Vương lập ra là Xích Quy do vùng đó đất bazal có màu đỏ. Xích Quỷ là do người Hán đặt ra để nói xấu người Việt.” Điều này không phù hợp thực tế vì đất vùng kinh đô Lương Chử là cửa sông Chiết Giang, đất phù sa ven biển. Xích Quỷ được đặt theo tên sao Quỷ là ngôi sao phương Nam trong Nhị thập bát tú. Thời đó “quỷ” không có nghĩa xấu vì ở Nam Hà Nam cũng có nước Quỷ Phương của người Việt đánh nhau dài dài với vua Thuấn.


 11.Lầm lẫn tai hại nhất của ông Phạm Trần Anh là cho rằng người Hán và người Việt thuộc hai chủng tộc khác nhau. Tuy nhiên, đây cũng là lầm lẫn của nhiều người khác. Năm 2019, viện di truyền Vinmec sau khi giải trình tự 305 bộ gen người Kinh cũng tuyên bố: “Gen người Việt khác người Hán” (!) Về mặt khoa học, muốn biết hai cộng đồng cùng một chủng hay khác chủng tộc thì trước hết phải xem khoa nhân học đặt tên họ ra sao? Học giả Trung Quốc Ho Ping-Ti (何平钛) viết: “Theo trường phái nhân học Xô Viết, người Hán bao gồm 93% dân cư Trung Quốc thuộc chủng Mongoloid phương Nam.” (2) Trong khi đó, di truyền và khảo cổ học xác nhận: “Từ 2000 năm TCN, dân cư Việt Nam thuộc chủng tộc Mongoloid phương Nam.” (1) Cùng Mongoloid phương Nam thì làm sao Hoa, Việt lại là hai chủng tộc khác nhau? Năm 1992, S.W. Ballinger et al. thuộc Hiệp hội Di truyền học Hoa Kỳ công bố: “Đại bộ phận dân cư châu Á cùng một chủng Mongoloid phương Nam. Trong đó người Việt Nam có đa dạng sinh học cao nhất, có nghĩa là người Việt Nam già nhất trong dân cư châu Á.” (3) Thực tế đó cho thấy, trong quan niệm từ xưa cho rằng “Hoa Việt đồng văn đồng chủng” là chính xác. Cha ông ta chỉ sai ở chỗ do chưa hiểu đúng sự thật lịch sử nên “nói ngược, ”coi con người và văn hóa Việt bắt nguồn từ Trung Quốc. Nay sự thật được xác định lại: Việt Nam là cội nguồn của dân cư và văn hóa phương Đông. Điều xót xa là tuy đồng văn đồng chủng nhưng vì mưu đồ riêng mà người Hoa cho người Việt là man di rồi phát động những cuộc chiến tranh xâm lăng tàn bạo gây hận thù dân tộc. Nay việc phải làm là nhìn nhận đúng sự thật lịch sử để nối lại tình máu huyết, đồng bào, hóa giải oán thù xưa, tạo dựng hòa bình hữu nghị giữa hai anh em cùng chủng tộc. Việc hiểu sai khoa học rồi khẳng định Việt Hoa là hai dân tộc khác nhau có thể gây sâu sắc thêm thù hận là điều đáng tiếc.


Việc bỏ tâm huyết viết sách trình bày những phát hiện mới về lịch sử dân tộc là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên, do những hạn chế trong nghiên cứu, sử của ông Phạm Trần Anh mắc những sai lầm đáng tiếc, gây hiểu lầm cho bạn đọc. Mong rằng, những góp ý này sẽ giúp tác giả chỉnh sửa lại cho lần xuất bản sau.


Sài Gòn, Lập Xuân Tân Sửu


H.V.T


Tài liệu tham khảo:


1.Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB DH&THCN. HN, 1983.


2. Ho Ping-Ti (何平钛). The Cradle of the East: An Inquiry into the Indigenous Origins of Techniques and Ideas of Neolithic and Early Historic China, 5000-3000 BC

https://www.amazon.com/Cradle-East-Indigenous-Techniques-Neolithic/dp/0226345246


3. S.W. Ballinger. Southeast Asian Mitochondrial DNA Analysis Reveals Genetic Continuity of Ancient Mongoloid Migration. https://www.genetics.org/content/genetics/130/1/139.full.pdf
15 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 6127)