Mekong tranh chấp, Cửu Long sạt lở

15 Tháng Giêng 20197:55 CH(Xem: 7038)

VĂN HÓA ONLINE - TỪ CALIFORNIA - THỨ TƯ 16 JAN 2019


Mekong tranh chấp, Cửu Long sạt lở


image009


Vì sao bờ sông Cửu Long sạt lở, nuốt nhà?


BBC 15/1/2019


Việc xây đập thủy điện ở thượng nguồn và tình trạng khai thác cát quá mức ở đáy sông Mekong đang khiến đất ở dọc hệ thống sông, nơi gần cửa biển, bị chìm xuống với tốc độ 2 cm mỗi năm, các chuyên gia và giới chức nói.


Sông Mekong, dài 4.350km, chảy từ bình nguyên Tây Tạng của Trung Quốc dọc xuống biên giới các nước Myanmar, Lào, Thái Lan, qua Campuchia rồi đổ vào Việt Nam, nơi sông được gọi là Cửu Long.


Sông là nguồn sống, đem lại phù sa màu mỡ và nguồn cá cho các cộng đồng dân cư dọc sông từ hàng ngàn năm nay.


Tại Việt Nam, giới chức địa phương vùng đang chật vật đối phó với tốc độ xói mòn, sạt lở nhanh chóng, vốn đang đe dọa tới nhà cửa, sinh mạng của người dân.


Các chuyên gia nói việc chặn dòng xây đập ở thượng nguồn khiến phần trầm tích quan trọng bị đọng lại ở các hồ chứa. Đây vốn là phần vô cùng cần thiết, tác động tới dòng chảy của sông Mekong.


Thêm vào đó, tình trạng khai thác cát bừa bãi để phục vụ ngành xây dựng vốn phát triển rất nhanh chóng tại Việt Nam, càng làm dòng chảy bị tác động.


Tuy nhiên, để tạo được thay đổi hay để kiểm soát được hai vấn đề trên, là điều khó khăn.


Ông Đào Trọng Tứ, Giám đốc Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam nói rằng việc các nước khác xây đập thủy điện ở thượng nguồn là điều Việt Nam khó ngăn cản, chỉ có thể tìm các hợp tác để hạn chế tác động tiêu cực mà thôi.


Vấn đề bắt đầu từ việc Trung Quốc xây các nhà máy thủy điện đầu tiên ở thượng nguồn sông Mekong, một số chuyên gia nói.


Việc này khiến Lào, Campuchia và Thái Lan trở thành nguồn cung cấp phù sa chính khi sông chảy tới Việt Nam


Nhưng việc khai thác cát tại Campuchia đã bùng nổ từ hơn 10 năm qua, một phần do nhu cầu lớn từ Singapore, mua cát để bồi đắp đất, lấn biển.


Tình trạng này nghiêm trọng tới mức trong năm 2017, Phnom Penh đã quyết định cấm vĩnh viễn việc xuất khẩu cát của Campuchia.


Mekong, dòng sông của 60 triệu người


Christine McNab BBC Travel


6/1/ 2017


Sông Mekong chảy qua sáu nước, nhiều vùng khí hậu khác nhau, nhưng được cho rằng nơi cội nguồn về mặt địa lý cũng như linh hồn sông đều nằm ở vùng thượng nguồn, cao nguyên Tây Tạng.


Linh hồn dòng sông


Sông Mekong, một trong những dòng sông dài nhất thế giới, đem lại thực phẩm, nước dùng và sự sống cho khoảng 60 triệu người dân ở sáu quốc gia khác nhau. Trong hầu hết chiều dài sông, dòng nước chảy qua các vùng khí hậu nhiệt đới, qua những nơi như Việt Nam hay Thái Lan.


Sông Mekong bắt nguồn chính xác là từ đâu, đây vẫn là điều gây tranh cãi từ bấy lâu nay. Người Tây Tạng rằng linh hồn sông nằm ở nơi mà họ gọi là "Dza Chu" (dòng sông của những tảng đá), chảy ra từ các hồ Zaxiqiwa thần bí ở cao nguyên Tây Tạng rất cao và rất khô, nằm ở một vùng hẻo lánh của tỉnh Thanh Hải thuộc Trung Quốc.


Cuộc tìm kiếm


Bản quyền hình ảnh Christine McNab


Người Tây Tạng biết rằng nơi bắt nguồn 'thật sự' về mặt địa lý của sông Mekong nằm xa hơn nữa, trên các băng sơn ở những ngọn núi nhô lên trên cao nguyên. Trong nhiều năm, các nhà thám hiểm đã tìm cách xác định chính xác cội nguồn dòng sông. Hồi đầu Thế kỷ 19, các nhà thám hiểm người Pháp tuyên bố đã tìm ra. Một người Pháp khác, Michael Peissel, nói đã phát hiện ra một điểm khác vào khoảng giữa thập niên 1990, cũng là lúc các nhóm người Nhật nỗ lực đi tìm. Năm 1999, các nhóm Trung Quốc xác được nguồn gốc con sông ở nơi còn cao hơn nữa, ở Núi Cát Phủ (Jifu Mountain). Kết quả mới nhất được các nhà thám hiểm Pieter Neele và Luciano Lepre đưa ra là vào năm 2014. Họ mô tả về một nơi bắt nguồn mới: một dòng suối chảy ra từ một băng sơn ở độ cao 5.374 mét, trên một ngọn núi vô danh ngay bên cạnh Núi Cát Phủ.


Thế nhưng với người Tây Tạng thì cội nguồn linh hồn dòng sông mới là điều đáng kể.


Ánh sáng trên thảo nguyên


Hành trình 270km tới nơi thượng nguồn dòng sông, tính từ sân bay gần nhất, sân bay Ngọc Thụ (Yushu) ở tỉnh Thanh Hải, chúng tôi chạy trên độ cao hiếm khi xuống dưới 4.000 mét, và có những lúc lên tới 4.900 mét. Dọc đường đi, quang cảnh xung quanh trông như một bảng màu rực rỡ, với những ngọn núi cao nhất và những khung trời xanh nhất. Những áng mây trên cao, những bóng râm đổ xuống, và ánh mặt trời toả sáng nơi nơi. Những đàn bò lông Tây Tạng hiền lành ngó nhìn, và những ngôi nhà của dân du mục rải rác đó đây, một số căn lều, và một số những căn nhà chỉ được trát bùn đơn giản, hiện lên từng cụm cách nhau chừng vài km trên đường chúng tôi đi.


Đoạn cuối con đường


Ta chỉ có thể đi được trên tuyến đường này bằng chiếc xe tối thiểu phải là xe hai cầu loại khoẻ. Tất nhiên là bạn có thể đi bằng ngựa, nhưng sẽ mất nhiều ngày mới tới nơi. Sau vài giờ lái xe, con đường rải nhựa kết thúc, và chúng tôi bắt đầu dấn bước vào một hành trình chậm chạp trên con đường gập ghềnh, gồ ghề đầy bụi đất.


Nguồn nước có ý nghĩa sống còn


Sau vài giờ trên đường, ở một thị trấn có tên gọi là Zachey thuộc huyện Zadoi, chúng tôi đi ngang của một nữ sư Tây Tạng đang rảo bước ngay gần dòng Mekong (mà ở Trung Quốc người ta gọi là sông Lan Thương). Sonanwangmo, 46 tuổi, lớn lên trong một gia đình du mục có sáu con, chuyên nuôi bò lông Tây Tạng, và đi tu từ lúc mới 13 tuổi.


"Tôi yêu nơi này," bà nói với tôi. "Chúng tôi uống nước dòng sông, và tất nhiên là cả đàn bò. Dòng sông rất quan trọng bởi nó chảy quanh một nửa thế giới."


Nơi trong lành nhất


"Bò lông Tây Tạng đem đến cho chúng tôi mọi thứ. Chúng tôi sống được là nhờ chúng. Và chúng cần dòng sông này, một dòng sông vô cùng sạch sẽ. Nếu không có nước sông, chúng tôi không thể sống được," Yinzo, 68 tuổi, người lớn lên ở các rặng núi gần Dza Chu, nói.


Nơi con sông bắt nguồn


Sau hai ngày di chuyển, chúng tôi tới các khu hồ Zaxiqiwa. Những hồ nước xanh ngắt hiện lên từ khu đầm lầy, bao quanh là những triền đất ẩm ướt, những trảng cỏ và thảm hoa dại trải dài. Ở độ cao này, bầu không khí rất mỏng còn thế giới xung quanh thì tịch mịch. Ta có thể nghe thấy tiếng đại bàng vỗ cánh trên đầu. Xa xa thấp thoáng bóng những căn lều có treo cờ phướn nơi chân trời. Để tới đó, ta phải đi bộ bởi nền đất quá mềm lún, không thể chạy xe.


Đất lành


Vị Đạt Lai Lạt Ma thứ năm được cho là đã đặt tên cho những cái hồ này là "cội nguồn của các dòng sông" khi Ngài tới đây trong chuyến đi kéo dài chín tháng bắt đầu từ Lhasa, để gặp Hoàng đế Trung Hoa tại Bắc Kinh. Người Tây Tạng sùng kính "Người Vĩ đại thứ năm", bởi Ngài được coi là vị lãnh đạo cả về tinh thần lẫn thế tục đầy quyền uy, người đã thống nhất được Tây Tạng trong thời Ngài trị vì, hồi Thế kỷ thứ 17, sau khi nơi này rơi vào cuộc xung đột kéo dài nhiều năm. Việc Ngài đi qua đây và để thời gian ngồi thiền tại những hồ nước này khiến nơi đây trở nên đặc biệt thiêng liêng, là miền đất lành.


Mẹ sông


Hồ nước này là một địa điểm hành hương. Người Tây Tạng và cả những người khác tới đây tỏ lòng thành kính. Họ tin rằng nước nơi đây có thể chữa lành mọi bệnh tật. Người dân địa phương nói ngay cả trong những ngày đông khắc nghiệt nhất, khi mặt đất đông cứng phủ đầy tuyết trắng thì nước hồ cũng không đóng băng. Một người du mục Tây Tạng gọi nơi đây là "mẹ của sông Mekong" và nói với tôi rằng "chúng tôi có nghĩa vụ bảo vệ mẹ và những đứa con của mẹ ở cuối dòng sông".


Huyền bí


Khi hoàng hôn buông xuống, mặt đất ánh lên sắc vàng. Chúng tôi hoàn toàn cô đơn nơi đây. Những đám mây bay trên những đỉnh núi phía chân trời, đổ bóng xuống những trảng cỏ. Khi nhắm mặt lại, tôi không hề nghe thấy bất kỳ âm thanh gì ngoài những tiếng chim kêu lác đác, hay tiếng sóng nước vỗ bờ. Thế giới thực tại dường như đã trôi đi rất xa. Nếu như có khoảnh khắc nào có thể coi là khi thời gian ngưng đọng, thì đó chính là lúc này, nơi chúng tôi đang có mặt.


Trung Quốc muốn gì ở tiểu vùng sông Mekong?


Nguyễn Hoàng BBC Vietnamese, Hà Nội


22/5/2018

image008

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Hợp tác giữa các quốc gia ở khu vực Mekong - Lan Thương được các quốc gia hữu quan trong khu vực ngày một quan tâm


Một hội thảo tại Hà Nội mới đây cho thấy Bắc Kinh rất chủ động triển khai cái gọi là ‘Hợp tác Mekong – Lan Thương’ vì mục đích kinh tế và chính trị.


Hợp tác Mekong-Lan Thương bao gồm sáu quốc gia ven sông Mekong - Lan Thương, tính từ thượng nguồn là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.


Lan Thương là cách Trung Quốc gọi tên cho phần sông Mekong chảy trong lãnh thổ của mình.


Bước đi 'bài bản'


Mặc dù đã có tới khoảng hơn 10 cơ chế hợp tác giữa các nước tiểu vùng sông Mekong với nhau và với các đối tác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, ADB, World Bank, các cơ chế hợp tác này được xem là khá "rời rạc".


image010

Image caption Bản đồ sông Mekong. Các dự án xây đập thủy điện từ Trung Quốc xuống Lào, Campuchia gây lo ngại cho giới vận động môi trường


Thực trạng cam kết chưa rõ ràng và thiếu điểm nhấn từ Hoa Kỳ và Nhật Bản là một trong các nguyên nhân khiến Trung Quốc dường như tìm được kẽ hở ở "sân sau" và đang thành công trong nỗ lực đẩy mạnh cơ chế hợp tác.


Trung Quốc từ trước tới nay chỉ tham gia ở mức cấp tỉnh trong cơ chế hợp tác tại sông Mekong.


Tuy nhiên chỉ sau hai năm thành lập, về cơ bản Bắc Kinh đã hoàn thiện giai đoạn định hình hợp tác cấp chính phủ và đang bắt đầu cho giai đoạn triển khai cụ thể các dự án cho Bắc Kinh cấp vốn.


Hơn phân nửa các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc đã được bơm vào năm nước lưu vực sông Mekong với các dự án các cơ sở hạ tầng và công nghiệp.


Ông Nguyễn Quốc Trường, từ Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư của Việt Nam, cho rằng Hợp tác Mekong-Lan Thương (sau đây gọi tắt là 'MLC') được triển khai mạnh như một phần của 'Sáng kiến Vành đai - Con đường' của Bắc Kinh.


'Các đề xuất MLC trùng hợp với đề xuất kết nối Vành đai - Con đường của Trung Quốc', ông Trường nói. 'Việt Nam cũng có lợi trong việc gia tăng kết nối với các nước về hạ tầng, tuy không có lợi lắm so với Lào và Myanmar bởi Trung Quốc hiện chỉ đẩy mạnh trục Bắc - Nam'.


image011

Image caption Ông Nguyễn Quốc Trường, từ Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư


Sáng kiến Vành đai - Con đường được xem là chiến lược định hình chính sách đối ngoại mới và tạo lập phạm vi ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh.


Điểm đáng chú ý là các tất cả các dự án lớn thuộc Sáng kiến Vành đai - Con đường đều không có tên Việt Nam trong đó.


Bắc Kinh thành công trong việc đưa hợp tác MLC ở mức cấp bộ trưởng và cao hơn là họp thượng đỉnh với sự tham gia của người đứng đầu chính phủ các nước, giống như các cơ chế hợp tác của Asean, Apec…


Điều này nảy sinh quan ngại rằng Bắc Kinh đã và đang thể chế hóa cơ chế hợp tác chính thức với 5 năm nước thuộc Asean và không loại trừ khả năng bào mòn cơ chế hợp tác của Asean vốn mang nặng tính hình thức và thiếu thực chất, theo giới quan sát.


"Ý nghĩa quan trọng của MLC không chỉ là về đầu tư bởi vẫn còn nhỏ theo qui mô của Trung Quốc. MLC là cơ chế hợp tác tại Đông Nam Á đầu tiên được Trung Quốc gây dựng. Một siêu cường đang lên cần đóng vai trò áp đảo tại các cơ chế hợp tác hiện tại hoặc tự tạo ra cơ chế của mình," Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu chính trị tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) viết trong bài 'Trung Quốc đang kết bạn ở Mekong' đăng trên eastasiaforum.


Trong khi đó ông Mark Stanitzkim từ Viện Friedrich Naumann vì Tự do nói với BBC rằng các nước tham gia MLC đều là láng giềng của Trung Quốc và cách tốt nhất là hợp tác trên cơ sở cùng có lợi.


Tranh chấp Mekong có thể như Biển Đông?


image012


Image caption Hội thảo nằm trong chuỗi seminar nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc


Một diễn giả trong hội thảo mô tả điều được coi là Việt Nam đang vừa hợp tác vừa đấu tranh trên 'cả nước mặn và nước ngọt', khi nói tới tới tranh chấp trên Biển Đông và quan ngại về an ninh nguồn nước với các con đập thủy điện trên dòng Mekong.


Trung Quốc đã xây ít nhất 6 đập thủy điện ở thượng nguồn, tạo ra một số quan ngại về an ninh nguồn nước.


Trong khi đó Lào, nơi chiếm 35% nguồn nước sông Mekong, đã và đang xây dựng nhiều đập thủy điện, điển hình là đập Xayaburi gây nhiều tranh cãi.


Trong khi giới quan sát đổ lỗi cho các đập thủy điện của Trung Quốc gây ra hạn hán lớn, điển hình là trường hợp ở Việt Nam hồi năm 2016, thì một số nhà nghiên cứu Việt Nam nói tại chính lãnh thổ Việt Nam đã xây nhiều đập thủy điện.


Được biết một tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam còn đầu tư sang Lào cho một dự án đập thủy điện, khiến dẫn đến việc "khó nói" khi Việt Nam muốn đấu tranh với Lào trong việc muốn Lào ngưng triển khai các dự án đập thủy điện.


Một diễn giả muốn ẩn danh nói chính phủ Việt Nam nên có cách quản lý tốt việc đầu tư ra nước ngoài để tránh điều mà ông gọi là 'chân phải giẫm vào chân trái', khi dẫn chiếu về tập đoàn kinh tế này.


Một diễn giả khác tại hội thảo mô tả các con đập thủy điện là vấn đề nhức nhối nhất và ví tranh chấp tiềm năng ở vùng Mekong với tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông