Phan Nhật Bắc: Những dòng sông đều chảy

22 Tháng Bảy 20227:57 SA(Xem: 3297)

VĂN HÓA ONLINE - ĐỊA LÝ NHÂN VĂN - THỨ BA 26 JULY 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Phan Nhật Bắc: Những dòng sông đều chảy

image003

LTS: Phan Nhật Bắc là cây viết quen thuộc trên Youtube qua giọng đọc của Tám Tình Tang. Tuy nhiên, văn đọc khác với văn viết; đây là lần đầu ông gởi một truyện vừa đến với Văn Hóa Online. Xin chào mừng cây bút từ Úc Đại Lợi.


Thật ra, Phan Nhật Bắc đã xuất hiện khoảng 40 truyện trên trang “Phố Núi và Bạn Bè”. Thoáng qua, những câu truyện của ông đượm hơi hướng tự sự của một người Lính trong chiến tranh ở miền Nam Việt Nam cách đây nửa thế kỷ; người Lính mang cấp bậc Trung Úy Bác sĩ Quân y phục vụ ở ngoài mặt trận ngập ngàn máu lửa cùng với những đồng đội dọc ngang – gần với cái chết hàng ngày, người Lính quân y khoác lên người cái lẽ sống hết mình – có thể, như một thứ chủ nghĩa khắc kỷ “nhân chi sơ tính bổn thiện” và con tim cháy bỏng.


Đọc văn của ông, bạn đọc dễ nhận ra phong cách của người miền Nam Việt Nam – dù là lính. Nhớ đến một chút Hemingway đâu đó vi vút trên biển cả, nhớ lại một khoảnh thổ ngơi-địa lý-nhân văn – bát ngát tình yêu dân dã thủy chung – nhớ quá những miền quê của Dương Hà, của Hồ Biểu Chánh, của Sơn Nam … với U Minh Tràm, sông nước Hậu Giang, ruộng vườn lục tỉnh, rôm rả đối thoại giọng người Nam Bộ.


Nhưng, đã hơn 40 năm, bước chân rong ruổi của Phan Nhật Bắc một lần năm xưa “hoảng hồn giã từ chùm khế ngọt”, nay, lại lê gót trên con đường thiên lý Châu Úc mênh mông – hắn thà làm bạn với thổ dân thiên nhiên hoang dã còn hơn làm bạn với quỷ sống và định mệnh tàn nhẫn. 


Thư cho Văn Hóa Online, ông viết như thế này: “Vài hàng về tác giả, Phan Nhật Bắc tên thật là Phan Nhật Bách sinh năm 1953 tại Phan Thiết. Trước năm 1975 là Lính Quân Y làm việc tại một Bệnh Viện Dã Chiến Kon Tum thuc Vùng 2. Viết để tiêu khiển lúc về hưu không có tham vọng trở thành Nhà Văn.


Tòa soạn xin giới thiệu cùng quý bạn đọc và cám ơn truyện vừa của Phan Nhật Bắc một cây bút có cái chất rất cần cho một nhà văn chánh cống. (lkt)


* Ct: Bản sửa và thêm hình ảnh 26/7/2022.

image005

Hình Tác giả năm 1986 tại Melbourne Australia.


Chuyện phiêu lưu trên những vùng đất Thổ dân Úc và một cuộc Tình nhiều nước mắt.


Nhìn con ngựa xích thố Toyota Runner máy dầu 2.2 Nam vừa mua từ bãi xe phế thải vài trăm bạc, body còn rất tốt, phần đầu đã bị đụng lún sâu vào khung sườn, cần phải kéo ra cân bằng lại, máy thì mới chạy 130 ngàn km, nhưng Nam lôi ra thay bạc và dên, xoáy xuýt bắp và cân béc dầu, làm một chuyến viễn du đi xa, khắp nước Úc. Lúc còn thanh niên khi ở VN hắn cũng mơ ước đi hết mọi miền đất nước nhưng chiến tranh loạn lạc phải vào quân đội, không đi được, giờ nơi quê hương thứ hai, hắn muốn làm một cuộc hành trình, đi cho biết đó biết đây ở nhà với vợ biết ngày nào khôn, mà hắn đang độc thân không đi cũng uổng.


Con ngựa xích thố, được sơn lại màu đỏ rượu chát, ráp máy vào, đề nổ, tiếng máy dòn tan. Công việc làm giấy tờ RW hơi nhiêu khê vì xe đã bị write off, đăng bộ lại tụi Vicroad kiểm soát gắt gao, nhưng rồi cũng xong. Với tay nghề giỏi, hắn làm lại khung sườn không ai tìm ra mối hàn. Cái khó nó bó cái khôn, ngày xưa hắn có bao giờ vọc đến cái xe, mọi việc có ban quân xa lo, nhưng từ khi tới Úc, hắn một tay ngang trong nghề nhảy qua bắt bệnh xe một cách ngon lành, mà xe thì không nói được, bắt bệnh ăn tiền không phải dễ, nhiều khi mất ngủ vì một chứng bệnh nào đó của xe, hắn lò mò cả đêm cho đến khi sửa được mới về. Giờ tuổi còn lái xe dong ruổi được thì phải đi. Không vợ không con không quê hương không người tình, làm một chuyến viễn du rồi về kiếm vợ. Mới 31 tuổi còn trẻ chán, 10.000 dollars trong sổ  Bank dư sức qua cầu, kẹt lắm vào các farm nho hái nho cũng dư sức sống.


Ông già Terry hắn gọi là Texas, khoái hắn. Ông là chủ một cái Garage chuyên sửa xe Volvo độc nhất vô nhị tên là Flington. Nam hay đến ông chơi và chuyên trị các hộp số tự động mà ông bó tay không sửa được, Một hôm, hắn thấy ông lui cui với một mớ máy phế thải nhập từ Âu châu về, lôi ra mấy cây Tiểu liên UZi của Do thái từ đít máy xe Volvo cốt máy bị cắt nhét súng vào, hắn ngạc nhiên hỏi


-Trời! Bố, súng Tiểu liên Do Thái ghê vậy?


-Bán giá 3000 ngàn một cây mày chơi không?                                                               


-Mỗi cây tao lời 1500 dollars nhập về mười cái máy Volvo bằng đường biển


-Thôi bố cho con xin phạm pháp con không dám. Ông lớn tuổi có đứa con bằng tuổi hắn, nhưng rất chịu chơi, già mà du côn, ông từng bị ông chồng bà Brenho làm ở Council Footscray rượt bắn, leo cửa sổ chạy với cái quần lót, làm bao nhiêu tiền ông đổ vào rượu, ông uống toàn rượu hảo hạng của Pháp và kết đàn bà Việt.


-Ê Nam, hôm nào mày giới thiệu tao một bà Việt Nam nhé


-Thôi con tìm đỏ mắt cho con mà không ra, làm gì có cho bố


-Mẹ! Tao đi chợ trời thấy tụi nó nhiều lắm, sao mày không cua


-Bộ dễ như gái Úc sao bố, mà nè, mấy bà Úc xồn xồn nhiều lắm sao bố không dê?


-Tao muốn nếm mùi Á Châu xem sao?


-Tuyệt cú mèo, bố nếm xong mê ngay, vừa nhỏ vừa xinh, nó nấu ăn chìu bố hết nhưng bố phải để nó giữ cái túi tiền nó mới chịu


-Trời như vậy đâu có được, tao muốn tiền ai nấy xài như đàn bà Úc


-Mẹ! Bộ của chùa sao bố, phải có điều kiện chứ


-À Nam, mày sửa máy cày được không?


-Trực thăng con cũng sửa được chứ máy cày là chuyện nhỏ


- Cuối tuần tao mày đi


-Xa không bố?


-Dưới Lorne, nhà có con nhỏ xinh lắm mày nhào vô đi, nhà giàu


-Thôi, con muốn ăn đồ Á Châu thích mái tóc đen, và mùi da thịt tẩm nước mắm quê hương con ngán Hamburger rồi


-Mày là thằng có nụ cười dê tận mạng, mày quậy hết cỡ tao nghe mày kể với thằng con tao; -Mẹ! Tao không ngờ thằng Chine như mày mà lưu lạc nhiều nơi, mày cũng bán trời không văn tự.


Nam theo ông Terry đi xuống Lorne bằng con ngựa xích thố màu đỏ của hắn, chất thùng đồ nghề lên xe, chạy khoảng hơn tiếng đồng hồ con đường đi Lorne nó như đèo An Khê, nguy hiểm nhỏ hẹp hai chiều loạng quạng là chết, một thành phố du lịch gần biển nhiều tôm hùm.  Nam đã đi bắt mấy năm trước, cùng ông bạn đi chung ghe, thành phố chỉ vài ngàn cư dân cuộc sống rất êm đềm, không bon chen ganh đua như đám Mít tị nạn.


-Hi Nam, mày thích cuộc sống nơi này không? Ông già lựu đạn Terry hỏi


-Thích, nếu có một người đàn bà đẹp về đây sống tựa đầu ngắm trăng thì tốt hả bố?


-Mày cứ mơ mộng, đàn bà Úc nó sống thực tế không như mày đâu; Mẹ! mấy thằng Mít tụi bây thằng nào cũng đi trên mây, mày quẹo vào con đường phía trước tên Hemingway là đúng.


Chạy xe vào con đường có tên ông Văn sĩ người Mỹ, khoảng 5 cây số thì thấy Farm của ông bạn ông Terry hiện ra, gần một con lạch nhỏ mùa này nước chảy cuồn cuộn vì đêm qua có mưa, những cơn mưa ở Úc nó ầm ầm như thác đổ, mang theo từng viên nước đá trắng rơi lăn tăn như tuyết khắp cánh đồng, có khi như một trận động đất.


-Hi guy, bạn ông già lựu đạn Terry đi ra cười toe toét miệng rộng đến mang tai, vui tính,


bắt tay Nam và ông già Terry xong kéo vào nhà.


-Ăn uống no nê rồi bắt tay không vội lắm đâu.


 Thịt Cừu nướng là thổ sản nơi này, mấy ông Úc chẳng ướp hành tỏi gì ráo cứ để nguyên si quăng lên tấm vỉ nướng. Nam không ăn được mùi Cừu tanh và chưa chín, hết nhai một miếng hắn muốn nôn ra nhưng ráng nuốt, tìm mấy cái hot dog ăn với bánh mì cho chặt bụng, một đàn cừu cả trăm con nhởn nhơ trên đồng cỏ, ông chủ farm lấy chai sữa kêu lamb lamb, mấy con cừu con chạy lại dành nhau bú.


-Chiếc máy gặt lúa to đùng lột dên vì bơm nhớt hư. Xem qua một chút, Nam hỏi


-Ông order parts chưa?


-Có hết luôn cốt máy, và bơm nhớt mới, tụi bây ở đây hai ngày có trở ngại không?


-Không tụi tao rảnh vì Lễ Phục Sinh thoải mái. Đi Tom, tối đi bắt tôm hùm, thằng Chine này nó khoái đồ biển mày cho nó ăn cừu nó không thích lắm


-Ok tối nay bắt tôm hùm mày ăn ngán luôn


-Ba người phụ mở đít cái máy gặt lúa xong, phụ rã từng đoạn rửa sạch sẽ, lôi cái cốt máy mới ra, rà dên xong, ráp vào đến chiều thì gần xong, mai thì gắn vào, nội cái Sump (đít máy) 3 người khiêng cóng róng.


Trời vừa tối thì đứa con gái ông Tom, mời cả bọn ăn tối, nó cứ nhìn Nam cười mũm mĩm, ông Terry thúc cùi chỏ liên tục làm hắn bực mình nói


 -Từ từ bố làm gì vội thế


-Mẹ! đánh nhanh rút lẹ, mày chỉ có 2 ngày là phải thanh toán mục tiêu tao đề nghị nghe chưa?


Nước vừa rút ra khá xa bờ biển toàn đá, rọi đèn thì thấy tôm hùm ra kiếm ăn, nhiều con cả bắp tay, chịu ánh đèn chúng bu đến bắt vài con đủ ăn, cả bọn về 10 giờ đêm khi trăng vừa lên, bên ngoài không gian tĩnh mịch, bỏ tôm vào bếp lửa đang cháy bùng mỗi người một con cả ký lô, tranh tối tranh sáng thì con bé lò mò đến gần Nam, hắn nghe một mùi hương tóc dìu dịu, ông Terry cười, tu chai rượu vang cùng chủ farm để thằng Chine thả dê, bà vợ ông chủ farm cũng cụng ly với thịt tôm hùm cười nói rôm rả, chẳng để ý gì đến con gái mình nhích càng gần thằng ôn dịch Mít tị nạn tên Nam. Cá cắn câu tôm hùm cắn mồi tới luôn.


-Why not mày? Ông già lựu đạn Terry nói nhỏ bên tai hắn.


Bàn tay hắn bắt đầu ngứa ngáy, táy máy, thì tiếng tằng hắng của bà vợ ông chủ farm, Nam rụt tay về, hơ trên bếp lửa


-Ê thằng Chinese, mày sửa máy cày thì được nhưng mò mẩn, thì chưa được nghe chưa?


-He he thì nó ngứa tay mà em làm gì mà cảnh giác dữ vậy?


Ông già Terry lên tiếng xong nhìn bà vợ ông chủ farm với ánh mắt nồng nàn, hai người này đã từng yêu nhau theo như ông kể với hắn, vì ông nhậu quá nên bà sợ đành chia tay, lấy ông chủ farm.


Đến khuya Nam thức giấc bên đống than còn ấm, ông già lựu đạn Terry biến mất, ông chủ farm còn ngủ trên chiếc ghế đôi, ai đó đắp cho miếng da Cừu.


Chẳng biết ông già lựu đạn đi đâu, hắn không dám nghĩ đến chuyện khác rồi ngủ tiếp.Vừa mới sáng con bé ông chủ nhà cứ lạng qua lạng lại như máy bay thám thính, điện nước đầy đủ. Ngực tấn công mông phòng thủ.


Nam chép nước bọt thở dài, hắn muốn chay tịnh mà mỡ cứ bêu trước miệng mèo kiểu này chịu đời không thấu.


Chuyện tình vừa tan như bọt nước, ông Nam ôm một mối tình sầu thiên thu chưa nguôi ngoai, ông không dám phiêu lưu thêm một chuyến, nhiều người đến rồi đi như những dòng sông chảy dài theo năm tháng.


Ánh nắng bừng lên, nơi đồng ruộng mênh mông. Ăn sáng với bánh mì và trứng gà, xứ Úc này muốn ăn đồ Á Châu phải về Richmond hay Footscray mới có, ông già lựu đạn Terry khoái ăn Phở, ông không bỏ một thứ gì, ăn hết từng cọng rau Quế và húp cạn hết nước đáy tô không còn một giọt, dù rằng Nam đã kêu một tô xe Lửa nhưng ông vẫn còn thèm.


-Hi Nam, ráng cho xong hôm nay tối bắt thêm tôm hùm, mai về sớm OK.


Đến giữa trưa thì xong, đề máy nổ cho nổ rô đa hai tiếng đồng hồ xong thay nhớt khác, mọi việc điều tốt.


Cả ba người lên xe xuống Lorne, con nhỏ con ông chủ đòi theo.


-Ê con gái ở nhà đi, đi bắt tôm nguy hiểm lắm, hay mày muốn hơi trai, thấy thằng Chine này thì mắt chớp chớp tao rành quá,


-He he thì cho nó đi đi, mày sao khó khăn quá, không sao đâu, thằng Chine này nó hiền lắm. Nhưng nó cũng có vài con bồ Úc dắt vai lúc mới đến cái xứ này,


-Thôi bố quảng cáo vừa thôi.


Nam nói xong nhìn con gái ông chủ farm với ánh mắt như con Trâu lừ đừ như mời gọi, rốt cuộc thì đôi tay ông tị nạn tên Nam làm việc mệt nghỉ khi con bé ngồi phía sau ông già Terry lái và ông chủ farm ngồi bên cạnh, mọi việc không tiến xa hơn khi ánh mắt như viên đạn của ông bố cô bé nhìn dường như muốn bể cái kiếng chiếu hậu, thôi nhịn về tắm ao ta tốt hơn.


Về lại Melbourne với chục con tôm hùm, ông chủ Farm trả tiền công. Nam và ông già lựu đạn Terry không lấy hắn, nói 10 con tôm này đủ rồi bố tiền bạc gì.


Lên xe cô bé Susan vẫn đứng trước cửa vẫy tay, hẹn gặp.


-Nam hay mày dụ nó làm một cuộc viễn du với mày trên chiếc xe này,


-Ô đó là một ý kiến hay, nhưng mà nó chưa đến 18 bố muốn con vào nhà đá sao bố


-À tao quên, chừng nào mày đi?


-Cuối tháng hết hợp đồng cái Garage con sẽ khởi hành đi South Australia trước, ghé Great Ocean port Campbell thăm 12 Tông đồ của Chúa con nghe nói nhưng chưa đến


-Có gì đâu, 12 cây đá nhô lên trên biển người ta thêu dệt ra cho thành huyền thoại kéo du khách, thấy rồi nản lắm.


-Đi cho biết, từ khi qua Úc giờ con chỉ biết lần quần cái tiểu bang này, và Sydney chán lắm


-OK tao không làm mày nản lòng - cứ đi.


Nhìn căn phòng đã ở gần mấy năm cũng lấn cấn chút tình cảm. Nam thu dọn gọn gàng đem chìa khoá trả cho Realsestate Agency, lên con ngựa Xích Thố trực chỉ Geelong, phòng hờ 80 lít xăng và 100 lít nước, đồ nghề và phụ tùng cho con ngựa, 3 thùng mì gói. Túi ngủ, máy bộ đàm bản đồ vài trăm Dollars trong túi không dám mang nhiều sợ bọn Tây đoi cướp cạn.


Rong ruổi trên con đường vạn dặm, một thân một mình, giữa đường gặp nhiều người quá giang nhưng hắn không dừng, kẻ quá giang thành kẻ cướp xảy ra ra hàng ngày; đến port Campbell nghỉ xả hơi.


Một cụm núi đá vôi nhô lên từ biển hắn đếm chỉ có 9 cao khoảng 40 chục mét, nghe đã gãy hết một Tông đồ, như ông Terry nói nó chỉ là những phiến đá, nhô lên trên mặt biển như một thắng cảnh thiên nhiên. Người Công Giáo thi vị hoá, nhưng cũng lôi cuốn khách du lịch hơn hai triệu người mỗi năm, nó chỉ đẹp khi hoàng hôn tắt nắng, ngồi trên biển vắng, và bên mình phải có một người bạn đường.


Lang thang xuống một cái club, Nam tìm chỗ khuất nhất ngồi nơi khung cửa có tầm nhìn ra biển vắng, từng đợt sóng nhấp nhô tấp vào chân ngọn đá vôi, người ta tranh thủ đi thăm 12 ông Tông đồ của Chúa sợ một ngày nào đó sóng biển làm sụp mất, và hắn cũng tranh thủ đến đây đêm nay, từ một phương trời xa lạ.


Một ông Tây sồn sồn cầm ly bia đến bàn Nam nói


-Tao ngồi được không?


-Welcome Sir


-Nơi này ít có đầu đen đến, chỉ có những tua du lịch từ Nhật và Korea, họ ồn ào náo nhiệt không như mày.


-Tôi khác họ khác thưa ông. Tôi là người tị nạn đến từ Việt Nam


-Tao có đọc rất nhiều bài báo nói về Chiến Tranh Việt Nam và người Mỹ cùng Úc đã tham chiến nơi đó, đúng sai tao không biết, nhưng cảnh chết chóc sao thương tâm quá. Năm 1968 tụi tao Công dân Úc quyên tiền khá nhiều để giúp nạn nhân chiến tranh tại đó


-Thưa ông đây là lần đầu tiên tôi nghe chuyện này, và người dân chúng tôi không được cắc bạc nào thưa ông.


Ông Úc ngồi trầm ngâm trước ly bia, hắn nói thôi quên đi. Tôi mời ông một ly nhé,


-Mày đi đâu mà đến đây một mình


-Tôi làm một chuyến viễn du cho biết nước Úc và có thể vào giữa sa mạc sống với Thổ dân xem sao?


-Nhà tao gần đây nếu thích mày có thể ghé


-Cám ơn ông tôi phải đi ngay.


Cầm địa chỉ ông Úc trung niên bỗng dưng khoái hắn. Nam chưa muốn làm bạn vội, hy vọng có dịp. Con Xích Thố rú lên, chạy ra con lộ, đường vắng thênh thang dễ buồn ngủ. Mở nhạc giật gân hết cỡ, chạy về Adelaide, ghé thăm một ông bạn gốc Tàu có một cây xăng lớn nơi thành phố này, nhưng cây xăng đã đổi tên, người đàn bà vợ ông bạn Tàu thường vác củi đánh ông chồng giờ đang cặp với tên Tây; nhìn hắn hỏi


-Trời lâu quá rồng mới đến nhà tôm


-Hắn làm thinh không nói, mua vội một ít đồ khô, rồi nói


-Tôi không ngờ bà cũng hay đáo để, buông thằng này chộp thằng khác, ghê thiệt, tội nghiệp bạn tôi


-Ông muốn biết thì nên ở đây vài hôm rồi biết, nhà tôi dư phòng ông ở thoải mái.


Nhìn cặp mắt lá răm sắc lẹm, dâm sẵn sàng mời gọi. Nam không nói thêm tiếng nào lên xe đi - bỏ thành phố Adelaide.


Hắn đến thăm ULURU Rock National Park. Theo truyền thuyết thì hòn đá này có khoảng 550 triệu năm về trước, một núi thiêng của Thổ dân Úc nằm trên đường đi Alice Springs. Thật ra hắn muốn đi cho biết, năm 1975 có mấy ông Tàu Hongkong đến đây làm phim võ thuật, chiều cao của nó 348 km dài 3km, khi đến thăm mọi người được khuyên là không nên lượm sỏi đá nơi về làm kỷ vật vì rất xui xẻo cho người lấy.


image006Núi đá ULURU


Thổ dân Anangu thừa hưởng quyền làm chủ và cho Công viên Quốc gia thuê lại 99 năm nếu lấy niên đại của khối đá ULURU 550 triệu năm đem ra so sánh với kinh Sáng Thế của một Tôn Giáo thì chuyện Sáng Thế trong vòng 7 ngày không đứng vững. Hắn nghĩ thế khi nhìn khối đá khổng lồ đổi màu trong ánh nắng, chụp vài tấm hình loay hoay chẳng có gì hứng thú nếu cứ ngắm mãi viên đá, hắn lên xe xuyên sa mạc vào Alice Spring, con đường highway A87, thẳng tắp dọc đường nhiều xác xe chết máy bỏ lại làm hắn lo ngại, nhưng con Xích  Thố Toyota Runner ngon lành, chạy bon bon đồng hồ nước và nhớt báo tình trạng hoàn hảo, tìm địa chỉ một ông bạn cùng quê tên Hiền già đang làm thợ máy sửa xe tải, những chiếc xe chở quặng mỏ khổng lồ, thay một cái vỏ xe bở mồ hôi.


image008Alice Spring


Gặp Hiền già nơi một căn nhà đào sâu dưới lớp đất, như địa đạo Củ Chi, nhưng mát mẻ. Hiền Già ngồi nheo mắt môi thâm tím vì hút cần không bỏ được, lương bao nhiêu đổ vào bông Cần và gái gú, ông Huấn luyện viên dạy động cơ nổ Trường Quân Vận ở Hóc Môn bây giờ ông ở nơi cái hốc núi này không vợ không con tóc đã đóm bạc.


-Sao mày lang thang đến đây?


-Tao buồn quá làm một cuộc rong chơi, rồi tính


-Ở đây đi vào làm với tao, lấy mẹ nó Úc đen làm vợ cho biết mùi, nghe nói mày về Phục Quốc con mẹ gì đó sao lộn ngược trở lại xứ này?


-Tối nay đi nhảy đầm, có một con nhỏ Việt Nam đẹp lưu lạc đến đây với thằng chồng Tây đang làm chủ cái club tại đây, mày muốn thử không? nó thèm nước mắm ăn Hamburger nó ngán rồi.


-Thôi mày muốn ăn đạn thì đi, cho tao xin


Cái club nhỏ ồn ào nằm sâu trong lòng đất, nhộn nhịp về đêm. Nam và Hiền già đến sớm mục đích là gặp người đàn bà con cháu Âu Cơ đang ở đây.


-Hi guy, người đàn bà nhỏ tuổi hơn hai ông Mít đang ngồi đon đã ra chào nhưng khựng lại khi nghe hai ông Mít nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ


-Trời hai anh là người Việt, em gặp ông này mấy lần nàng chỉ vào Hiền già em tưởng người Miên


-He he bộ tôi giống Miên lắm sao?


-Không anh; giọng nàng hơi khựng lại rồi nói - anh đừng buồn giống hải tặc Thái.


Ông Hiền già nhảy dựng không vui, thật ra người đàn bà vô tình nói nhưng ngẫm ra tên Hiền già này tóc thì quăn râu ria như Từ Hải đen, mặt đầy mụn to con không giống hải tặc thì giống ai?


 -Bộ cô gặp hải tặc Thái sao cô biết?


-Thời gian như cô đọng; người đàn bà không trả lời, chỉ hỏi


 -Hai anh làm gì ở đây?


Câu chuyện Đồng Hương gặp nhau dưới cái club giống địa đạo Củ Chi trở nên xôm tụ thì ông chồng từ trên quầy đi xuống nhìn hai ông Mít tị nạn, sau khi người đàn bà giới thiệu, ông ta vui ra mặt, rượu thấm ôm nhau ra nhảy. Ông Nam được chiếu cố tận tình.


-Anh hát cho em nghe một bài tiếng Việt được không?


-OK - Tôi hát bài Hạ Trắng, em nói tụi nó đệm cho đúng


-Gọi nắng trên vai em gầy, đường xưa áo bay. Tiếng hát vút lên ngân dài làm cả cái Club im bặt tiếng Dương cầm thanh thoát, người đàn bà chợt khóc.


Ông Nam hát như chưa bao giờ được hát, cả cái Club vỗ tay dù họ chẳng hiểu được lời ca của người Tị nạn lưu lạc nơi này.


Người đàn bà chủ quán lên nói đôi lời về buổi hạnh ngộ đồng hương của bà.


-Ông Hiền già ngồi chết lặng thả hồn rồi đem Cần ra hút, tụi Tây hưởng ứng nồng nhiệt.


Tan giờ người đàn bà nói


-Hai anh đã mang đến cho em một khoảnh khắc thời gian của quá khứ trở về, xin cám ơn


-Anh Nam mình có thể gặp nhau ngày mai được không? mời hai anh đến nhà dùng cơm VN


-Hiền già thấy sao?


-Mai tao đi làm không nghỉ được mày cứ đi


-OK, tôi cũng không bận


-Mẹ, con nhỏ đó nó đá lông nheo mày, coi chừng thằng chồng nó thiến mày con ạ, Hiền già lên tiếng


-Mẹ! tao bất cần đã đến đây thì tình một đêm có sao đâu?


-Tùy mày, tình đồng hương rồi lên giường chẳng hay chút nào


-Thôi cha nội, mới hồi nãy mày xúi, bây giờ cản mũi để tao tính.


 Căn nhà ở đường Gap Road gần một nhà hàng của Korea. Hiền già đi làm, Nam đến vào khoảng 11Am thì Monica đã đón.


-Còn anh Hiền đâu? Anh Nam


-Hắn đi làm rồi cô 


-Đừng khách sáo gọi em đi


-Nhà không ai?


-Chồng em đi có việc về ngay, anh ngồi nghe nhạc Việt nhé.


 Monica bỏ hai cuộn băng Reel to Reel vào cái máy Pioneer RT 707 tiếng hát Khánh Ly vang lên.


-Sao em mua được cái máy này quá hay


-Em mua từ Mỹ gửi qua, luôn cả các cuộn băng em mê nó hơn chồng, đời ly hương niềm vui của em đây.


Bữa ăn trưa dọn lên với cánh gà chiên nước mắm và canh chua cá Chẽm. Câu chuyện về cuộc đời được kể lại ông chồng tế nhị biến mất để hai người ly hương tâm sự.


Người con gái vượt biên bị hải tặc trên biển Đông, trôi dạt vào Nam Dương ở chung một trại tị nạn Tanjungpinang nhưng khác thời điểm với Nam, được kể ra trong nước mắt người con gái lúc vượt biên. Cha mẹ, anh chị chết hết trên biển khi bị tàu hải tặc ủi chìm, mình thì nhờ vào một cái phao cột chắc vào để nước cuốn trôi, được ngư dân Indonesia vớt đem vào trại tị nạn.


Người đàn bà kể lại câu chuyện thương tâm của chính mình,


-Năm 1979, sau Tết Âm lịch cả nhà xuống một chiếc thuyền đã được mua bãi và Công an hộ tống ra biển, mỗi đầu người 5 cây vàng không thiếu một chỉ, do Mười Vân tổ chức. Gia đình em chung đủ 20 cây vàng lá Kim Thành với 4 người ba mẹ và em cùng đứa em trai.


Đến gần hải phận Quốc Tế thì Công an biến dạng, chiếc tàu gần 200 mạng người, thiếu nước uống và lương thực, tụi tổ chức bất cần miễn chúng gom vàng đưa đám người ra đi đa số là người Tàu, một ít người Việt đăng ký với tên Tàu, ngày thứ hai thì bắt đầu loạn. Một nhóm các ông cựu lính, gom thu lương thực phân phát không đồng đều, đánh và giết nhau ngay trên thuyền, hỗn loạn xảy ra đêm từng đêm có những vụ thanh toán quăng người xuống biển tiếng kêu cứu thống thiết của những nạn nhân giữa biển khơi, gia đình em co ro trong gần hầm máy, em bị ói mửa liên tiếp vì mùi dầu không ăn được cầm hơi bằng những miếng bánh mì khô đem theo.


-Tối lén ngậm không dám nhai, đến ngày thứ 3 sau một cơn mưa tầm tã thuyền sắp chìm,


-Tát nước tát nước. Thanh niên khỏe mạnh giúp tát nước,


Tiếng ông Tài công la lên, chỉ có vài người phụ còn lại đói quá chẳng có ai lết nổi để mà phụ tát nước, đám người gom lương thực chỉ biết ăn nhưng không muốn làm, thì gặp hải tặc vây.


Tụi hải tặc Thái mình trần đen đen thui nhào qua con thuyền cướp bóc rồi hãm hiếp ngay trước mặt mọi người chỉ với vài con dao, chẳng ai dám hó hé.


Nhưng có một vài cựu lính tìm cách chống cự, bọn cướp giết chết mổ bụng quăng xuống biển, chúng lùng sục lấy hết vàng bắt thêm con gái qua tàu, lúc đó em cũng bị bắt chờ bị hiếp; em dường như bất động, nỗi sợ hãi quá mức, em trở thành vô cảm khi mẹ em bị hiếp ngay trước mặt ba mình, ông không chịu nổi nhào vào thì một nhát dao đâm vào ngay ngực ông lảo đảo kêu lên


-Em ơi, con ơi! Anh giết em và con. Tên cướp tống thêm một đạp ông rơi xuống biển, em trở thành người điên em chụp một cái cần quay máy phụ nhào vào đập ngay đầu tên giết ba em. Hắn ngỡ ngàng quay lại nhìn em rồi rú lên man rợ, vung con sao chém em tới tấp. Hụt, may thằng em của em ném cho nó một cái chai trúng giữa mặt thì rầm một cái chiếc ghe cướp Thái Lan mất kiểm soát đâm vào giữa con Thuyền vượt biên, nước tràn vào tên cướp cũng rơi xuống nước, 200 người chới với. Em vớ được một cái phao thì sóng ập tới.


-Chị Hai, Chị Hai cứu em, tiếng kêu tuyệt vọng của đứa em, giữa đám người loi ngoi trong cơn sóng dữ dội rồi tất cả im lặng. Tụi cướp biển rút lui sau khi vớt tên cướp bị em đánh bằng cái tay quay vỡ đầu, em bám vào cái phao trôi dần không biết về đâu, khi sắp cạn lực thì một chiếc tàu đánh cá nhỏ vớt lên, lúc đó em sắp chết, không biết mình trôi trên biển bao lâu.


Được cho cháo ăn, em lại sợ rơi vào tay hải tặc nhưng họ ra dấu đừng sợ và nói Indonesia. Em quỳ lạy họ cứu mạng, em ra dấu mất cha mẹ và em rồi khóc rống lên, 20 tiếng đồng hồ sau em được cho vào hòn đảo nhỏ tên Sedanao, nơi này đã có hơn 20 chục người tị nạn Việt Nam đi từ Bình Tuy.


-Quên nãy giờ để anh khát nước


-Không sao. Anh nghe em kể sao mà thảm thương quá, Nam nói


-Lúc em lên đảo Tanjungpinang thì anh đã ở bên này một năm rồi


-Trời! em nghe tiếng nhóm 51 đánh ông Thông dịch viên người Tàu thất khiếu chảy máu, sao họ du côn quá.


Hung Thần ngồi trước mặt là Nam đã đánh ông Thông dịch vì tội tráo hồ sơ người Tàu đến sau lại đi trước.


-Em ở đó hơn 4 tháng rồi qua Singapore đi Úc giữa tháng 6, đến năm 22, em lấy chồng ở Sydney mấy năm rồi về đây.


-Em thích nơi này?


-Không thích lắm nhưng dễ kiếm tiền, khi nào đủ tụi em sẽ về lại Sydney, mua nhà và du lịch.


-Không nghĩ đến chuyện con cái sao?


-Chồng em hắn tịt không con anh ơi; nói xong nàng nhìn hắn với đôi mắt long lanh như con mèo và tiếng thở dài của một sự dồn nén trong tâm tư.


-Cho đến bây giờ chuyện vượt biên trên biển nó ám ảnh em 10 năm trời, hễ ngủ là thấy nhiều đêm em la hoảng khiến chồng em khó chịu bỏ sang phòng khác ngủ, thật ra lấy chồng Tây nó không đơn giản như em nghĩ vì em sợ mấy ông bợm nhậu Việt Nam mình, trước khi lấy chồng em có một ông bồ người Việt, cuối tuần là vùi đầu vào đít chai bia, em nản quá bỏ luôn.


Gần 5 năm lấy chồng Tây đôi khi em nhớ vòng tay người tình Việt Nam, em có những nỗi khổ riêng của chính mình.


Nam ngồi nghe để cho người đàn bà độc thoại.


-Sao anh không nói gì hết vậy?


-Nghe là đủ rồi em câu chuyện của anh ra đi vượt biên không có gì hấp dẫn người nghe, dễ dàng và an lành trên biển vì quê anh vùng biển.


-Phan Thiết?


-Sao em biết?


-Nghe anh nói em đoán vậy thôi vì giọng nói của anh không giống thằng bồ Phan Thiết của em


-À thì ra dân Phan Thiết mấy ông bợm nhậu


-Anh có nhậu không?


-Lai rai, không hủ chìm nhưng gái thì anh hư lắm


-Tự khai à nghen.


Bữa ăn trưa vừa xong hắn đứng lên từ giã.


-Cám ơn một bữa cơm thật ngon lần đầu mà anh ăn được trên đất Úc, bắt tay những ngón tay mềm mại đan vào tay hắn, một hơi nóng như làn điện truyền sang khiến hắn thở mạnh.


Đôi tay cô gái không muốn rời, nàng nói trong hơi thở


 -Ở đây với em đêm nay được không?


-Chồng em kìa


-Vài giờ thôi anh! em thèm được nghe tiếng Việt, một hơi hám đàn ông Việt! 


-Em tìm anh đêm nay.


Người con gái Việt Nam da vàng trên sa mạc Alice Spring như một đóa hoa nở muộn đã cho hắn tình một đêm, trên lưng ngựa Xích Thố.


Nàng rên rỉ. Em thèm nước Mắm anh ơi; Yêu em đi yêu nữa đi hay anh ở lại với em đi.


-Không; anh phải đi mình cho nhau như vầy đủ rồi em, chút kỷ niệm này nhớ suốt đời nhé.


Chia tay Monica bịn rịn muốn thêm một lần nữa, nhưng Nam thấy đã đủ nên hôn nàng rồi chia tay, hẹn sẽ gặp lại.


Tiếng máy xe nổ vội rời Alice spring khi mặt trời vẫn ngủ yên, đi vào giao lộ 66 thẳng lên Cairns, hắn dự tính ở lâu để gặp một nhân vật kỳ lạ tên Sáu Cua mà Hiền già cho địa chỉ.


Sáu Cua sống nơi một rừng mắm chuyên bắt cua gởi về các shop Tàu ở Sydney và Melbourne. Dọc đường không một chiếc xe vì gần cuối tuần tụi xe Truck về bến nghỉ ngơi. Mình hắn với con ngựa Xích Thố gần 10 tuổi đời vẫn tung vó, mệt thì tấp vào các trạm xăng ngủ, những cơn mộng mị đầy ma nơi đất khách không làm Nam chùn bước.


Có một đoạn đường vừa mờ tối vừa khuất khỏi cánh rừng Red Gum thì một người đàn bà mái tóc trắng ra đưa tay quá giang. Nam hoảng hồn thắng lại thì trước mặt một con Kangaroo chết nằm giữa đường bị xe Truck đụng. Không thấy người đàn bà tóc Bạch kim, nếu không thì hắn đụng con Kangaroo này thì xe cũng lật nhào lao xuống hố sâu thẳm, hoảng quá hắn quay xe trỡ đầu về khu nghỉ ngơi cho đám tài xế xe Truck. Hắn không dám đi đêm.


Vào phòng nghỉ tạm có nước tắm, giữa rừng được chứa trong một cái bồn rất lớn, có củi đun bếp để nấu nước cho ấm, đang lui cui đốt lửa thì một bóng người cũng có mái tóc trắng xõa dấu hết khuôn mặt làm hắn rợn người đứng dậy dụi mắt, hồi nhỏ ba hắn kể chuyện nếu bị Ma nhát thì lấy nước đái rửa mặt thì sẽ hết, hắn đái vội vào cái khăn lau lên đôi mắt, thì ánh lửa bừng sáng, một ông Úc già ngồi một đống trước mặt, hắn á khẩu không mở mồm thì ông Úc già lên tiếng


-Xe tao bị hư giữa rừng tao lội bộ gần chục cây số đến đây, còn mày đi đâu giờ này?


-Tôi đi Cairns mà xe ông bị khúc nào tôi không thấy?


-Xe tao bị hư ngay khúc cua gần bìa rừng cách đây mười năm hahaha, cười xong ông ta biến mất.


Nam chết điếng, bỏ đống lửa chạy ra xe, lái đi tiếp mở đèn Pha sáng cả một khúc đường.


Cỡ nào cũng phải đi. Hắn nhủ thầm, mùi nước đái khai ngấy giúp hắn tỉnh ngủ, ráng đến một Thị trấn nhỏ thì trời cũng gần sáng, nhìn vào đồng hồ KM, hắn đã vượt một đoạn đường kỷ lục là gần 500 cây số về đêm.


Thị trấn giữa đường vài ba trạm tiếp nhiên liệu đồ ăn do một nhóm Thổ dân điều hành, thấy một ông Thổ dân giống như hắn gặp đêm qua lúc nhóm lửa. Hắn lạnh người không lẽ ông già này.


Ông Thổ dân cũng nhìn hắn đăm đăm hỏi


-Ê thằng Chine đi đâu lạc vào đây? Coi chừng tụi tao ăn thịt mày nói xong ông cười hô hố cái mồm đỏ chót thật ghê.


-Thịt tôi không ngon bằng tụi da trắng đâu ông - hắn đùa,


-À tao đùa thôi, mày nên tắm một phát, ăn ngủ cho đã mày đi Cairns phải không?


-Trời sao ông biết?


-Thì tao đoán vậy thôi trúng trật gì cũng OK ha ha ha.


Tiếng cười giống ông Thổ dân đêm hôm qua làm hắn nổi da gà.


Khỏe khoắn, hắn xem lại dầu nhớt, nước đầy đủ con ngựa Xích Thố mới đi gần phân nửa đoạn đường từ Alice springs đến Cairns 2335 cây số, còn gần 1900 cây số nữa, chắc đi hơn hai ngày nữa, kệ chơi luôn bây giờ có đổi ý cũng muộn phóng lao phải theo lao.


Mới tới Tenan creek, tấp vào một làng Thổ dân, hắn ở lại chơi vài ngày với vốn liếng tiếng Thổ dân vừa đủ để nói chuyện, người Thổ dân khoái khi nghe một ông Mít nói tiếng của mình. Theo mấy thằng nhóc đi câu cá hay săn các con thú với cái Boomerang một loại vũ khí bằng gỗ khoảng 300 đến 500 gr được ném ra theo sự tính toán của người ném nếu hụt con mồi nó sẽ bay ngược trở lại theo lực nâng bằng phương pháp khí động học khi cánh của boomerang lướt trong gió tạo ra lực nâng và xoay nên bay rất xa. Không biết mấy ông Thổ dân Úc này nghĩ ra loại vũ khí này rất thông minh, nếu không ném đúng cách nó chẳng bay và đôi khi không bay trở lại.


Mấy ông Úc Thổ dân có học thường hay lân la kiếm Nam nói chuyện tầm phào,


-Nam mày muốn đánh bốc với Kangaroo không?


Hắn ngứa tay nên gật đầu.


Một buổi tối đẹp trời, trăng sáng, ông già Leader Úc dụ một con Kangaroo trẻ phong độ đem về cho uống một thứ nước như cần sa và rượu thảo mộc, cả làng xúm lại xem thằng Chine đánh võ đài với con Kangaroo, móng tay và chân Kangaroo, Nam đề nghị cắt bớt.


Tiếng tù và tiếng gõ vào khúc cây rỗng ruột thùng thùng cắc cắc vang lên tiếng thổi thùm thùm và một đống lửa đốt lên.


Nam mình trần quần đùi vừa đi ra thì ông Leader thả con Kangaroo đang say thuốc lá và rượu. Bị đánh vào mông một cái đét con Kangaroo phi thân vào đá hắn một cú như trời giáng té nhủi, cả đám người cười ồ lên con Kangaroo nhảy choi choi như một võ sĩ nhà nghề.


Nam choàng dậy tung một cú đá, trúng ngay mõm, nó nổi quạu nhảy vào đấm liên hồi và cào cấu, hắn tránh né và dùng cùi chỏ đánh vào gáy con Kangaroo chúi nhủi vào đống lửa nóng quá nó nhảy ra đá Nam như một con người, thì ông Thổ dân dơ tay hết hiệp một, con Kangaroo bị kèm lại nó say máu đánh luôn ông già Leader chạy lòng vòng nơi đống lửa.


Nam nhảy vào đánh giải vây, đá hai cú đá con Kangaroo lăn kềnh rồi vùng dậy nhảy mất vào cánh rừng mất dạng.


Mấy thằng nhóc Thổ dân và đám con gái tuổi choai choai khoái hắn, họ sống gần thiên nhiên dầu gội đầu và kem đánh răng chẳng dùng nên da thịt khét mùi nắng, tắm trần truồng dưới dòng sông vú móm săn chắc, như tượng đồng làm Nam chợt nhớ đến người Thượng Edé ở KonTum.


Những buổi ban mai khi sương mù còn đọng cùng ông Thổ dân già đi bắt cá trên đầu nguồn con Sông Yummy, những con cá Chẽm hơn chục ký lô nó mà táp một cái nguyên bàn tay đi đứt, đem về nướng trộn với lá có mùi như lá húng quế không gia vị, và đi đào nhộng Witchetty đem về xâu vô cành cây nhọn rồi nướng trên đống than hồng ăn rất ngon béo ngậy, như con đuông dừa ở Việt Nam.


Nam đi theo săn ngỗng hoang dại từ các cánh đồng ngập nước. Bộ lạc Yolngu vẫn còn sống như người tiền sử, họ kiếm ăn hàng ngày không dự trữ nhiều, dù đã tiếp xúc với nền văn minh, có bằng lái xe có nhà chính phủ xây, nhưng họ không ở, ra bìa rừng ở theo chế độ Mẫu hệ.


Người đàn bà làm tình với nhiều người đàn ông đẻ con ra chẳng biết của ông nào, cứ vui mà sống. Nam không dám làm tình với đàn bà trong bộ lạc Yolngu này vì họ hôi quá, có muốn thì thằng nhỏ nghe mùi cũng không thức dậy nổi, ông Leader dụ khị hắn


-Nam, mày ở đây lấy vợ tao truyền ngôi lại cho mày làm Vua ở bộ lạc Yolngu này


-Thôi ông! tôi không ham làm Vua nơi này, nhìn ông chỉ có cái khố che củ từ lông, chẳng uy quyền gì hết. He he he giỡn với ông tôi muốn đi chơi nhiều hơn, không thích ở một nơi.


Đã gần một tuần chơi nơi này Nam thay nhớt máy con Xích Thố, một ông nhóc Thổ dân xin theo lên Cairns vì có thằng anh làm dân đánh cá trên đó. Nam ok. Cuộc hành trình có thêm người thay phiên nhau lái cũng vui thằng nhóc tên Bolia nhanh nhẹn với đôi mắt đen láy 19 tuổi, chẳng có việc gì làm ngoài săn bắn, lội sông bắt cá sấu và làm tình. Cuộc sống chỉ có thế, rồi già chết đem quăng ra con sông cho sấu ăn xong một kiếp người.

image010

Chia tay làng Thổ dân, Nam với con ngựa Xích Thố tiếp tục quãng đường lên Cairns. Còn 1400 cây số nữa, khoảng 16 tiếng, lái xe nếu muốn nhanh nhưng chẳng vội. Nam cài Cruise Control cho chạy 100 cây số 1 giờ để đỡ mỏi chân, thằng nhóc nói chuyện không cho mồm kéo da non cũng giúp tỉnh ngủ.


Sắp đến Bộ tộc Marrinyama của lãnh địa Queensland nơi này sắp có một chuyến đi hành hương dài 3 tháng mùa Hè, thằng bé nói xong hỏi


-Ông muốn đi không?


-Họ đi bộ tao không đi được vứt cái xe này lúc về lấy gì tao đi, họ đi từ phía Tây đến Cloncurry vừa đi vừa kiếm ăn dọc theo hành trình về phía Bắc trên 600 cây số, mày muốn đi thì tao thả mày xuống cái bộ tộc đó.


-Thôi tôi đi theo ông về Cairn là được rồi, mà ông cho tôi một cái gói đồ ăn của Tàu được không?


-Mày cứ ăn thoải mái nhưng phải nấu nước ăn khô mày sẽ bị tiêu chảy tao không dừng xe đâu nghe chưa.


Đến giao lộ 83 và Quốc lộ số 1 tới Quận lỵ nhỏ Normanton, ghé vào đổ thêm xăng, mua vài thứ lặt vặt, thì gặp một ông đầu đen chạy ra mừng xổ một tràng tiếng Tàu. Nam lắc đầu nói -Mậu cỏn chung hòa, ông Tàu chưng hửng.


Nhưng cũng vui vẻ hỏi chuyện, ông là người Tàu duy nhất ở thị trấn này và bán xăng cho Công Ty BP mấy năm nay. Ông lưu lạc từ Trung Hoa lục địa đến tận cái nơi xa xôi này.


-Thôi Bolia mình đi tiếp, hay mày muốn ngủ lại nơi này một đêm, tao mày vào cái quán nhỏ làm vài ly bia, nghe Nam nói ông Thổ dân con mắt sáng ngời, nghe nhậu ông vui lắm, vào cái Club cũng có một đám nhóc người bản xứ ngồi đó. Ông Thổ dân nhào vào tán dóc nhậu say bí tỉ rồi ở lại luôn vì có một con teenage Thổ dân bám như đỉa.


Rốt cuộc chỉ mình hắn ra con ngựa Xích Thố đi Cairn một mình, sau khi quăng cái túi xách của Bolia lại cho nó, ra xe một mình lái con Xích Thố ngàn cây số nữa hắn chợt nhớ đến vòng tay Monica vừa qua một chút hương tình một chút mật ngọt, của phận người nhiều cay đắng trong cuộc hành trình tìm Tự Do.


Nàng hỏi- Có khi nào mình gặp lại nhau không anh?


Nam nói -Nếu có duyên mình sẽ gặp lại nhau.


Đêm đã qua, quá khứ đã bỏ lại phía sau đầy bụi mù tình một đêm chỉ là kỷ niệm con đường phía trước không hẳn đầy hoa thơm cỏ lạ, mà hắn chọn phiêu lưu.


Cần phải gặp nhân vật Sáu cua như Hiền già nói. 


Ghé một trang trại của ông John, ông này chuyên bắt bò hoang về bán, trang bị xe và máy bay Trực thăng nhỏ hai chỗ ngồi trước kia đã từng sang VN chiến đấu. Gặp Nam ông mừng hỏi


-Hi, mày đi đâu đến đây? Tao không ngờ mày mò đến khu rừng này, thôi ở đây vài ngày hay vài tuần nếu mày thích cùng tụi tao đi bắt bò hoang.


Cánh đồng khô cháy không biết những con bò hoang lấy cỏ đâu mà ăn nhưng có những đàn bò hoang cả trăm con.


-Lên đây! chiếc Trực thăng đã nổ máy Nam chạy lên cài Seatbelt ông John cất cánh, bay về hướng Tây bên dưới một đàn bò nghe tiếng trực thăng thì vùng chạy, nhưng có một cái bẫy đã dựng từ trước ông John rà sát và lùa đàn bò về hướng 3 giờ, những chiếc xe hư, con bọ hung do Thổ dân lái có cái càng bằng sắt dùng để kẹp cổ bò nếu con nào chạy ra khỏi đàn. Bụi mịt mù mấy chiếc xe bọ hung rượt bò rồi kẹp cổ con bò dừng lại thở phì phò có nhiều con chạy phun phân ra đầy mông trông thật thảm não.


-Hi Nam, một tuần tụi tao phải bắt 200 con mới có ăn


-Ông bán bao nhiêu một con?


-Đấu giá tùy theo con mập hay ốm cho các lò mổ thịt, tụi nó mua rồi tự chuyển vận, tụi tao chỉ đếm tiền bỏ công làm lời của trời cho.


Một đàn bò đủ màu gom trong cái chuồng bịt vải bố rộng lớn đàn bò bị lùa vào không lối thoát rơm khô được chở đến cho ăn và nước uống nhưng có nhiều con bò chống cự mãnh liệt, rất khó bắt nó; bị rượt bằng xe nó chạy ngoằn ngoèo tránh rất hay nhưng rồi kiệt sức bị chiếc cùm sắt to và chắc dùng hệ thống thủy điều kèm chặt cái cổ đành chịu trận nước mắt ứa ra quy phục. Nam nói


 -Các ông bắt như vầy vài tuần là cạn kiệt


-Bò cái và bò con tụi tao thả ra để chúng sanh sản chớ mày, bắt như tụi Á Châu tụi bây là hết sạch như dưới biển, mỗi năm tụi tao chi bắt vào mùa Hè nên bò rất nhiều.


Ở lại chơi một ngày Nam không hứng thú với chuyện bắt bò nên từ giã ông John, sau khi lấy một thùng dầu 20 mươi lít ông John cho, cùng nước uống rồi lên con ngựa Xích Thố đề máy đi tiếp.


Chạy một mạch đến Gorgertown nghỉ một tiếng đồng hồ, rồi đi tiếp con đường dường như dài ra khi một mình lái xe, mặt trời rọi vào mắt dễ rơi vào giấc ngủ, mấy lần gục hắn hoảng quá dừng lại rửa mắt và không dám ăn no, khi bao tử no cơn buồn ngủ sẽ kéo đến bất chợt, ông Hiền già có đưa cho hắn một dúm cỏ Mỹ để nhai cho tỉnh ngủ, hắn không dám đụng tới thì ông nhóc Thổ dân chôm mất, bây giờ cần thì không có đôi mắt trĩu nặng, bầu trời như bốc lửa tấp vào một rừng cây chợp mắt đôi chút thì cơn mơ kéo về giữa  buổi trưa.


*******


Một đám Thổ dân từ trong cánh rừng kéo ra, đập vỡ kính xe lôi Nam ra cột lại khiêng như một con dê. Đi ngang một cái cầu dây bắt qua một thung lũng hắn nhìn xuống thì thấy ngôi nhà mình ẩn dưới một đám cây bần và cây đước, phía trước là dòng sông và sau lưng là phụ lưu của con sông Mường Mán.


Ông già hắn đang ngồi đan rổ, bên cạnh một con chó già tên Mực thấy hắn bị bắt trói con chó già lồng lộn rượt theo đám Thổ dân sủa vang lên thì một tên Thổ dân dùng cây nhọn phóng chết con chó, rồi mang theo luôn. Ông già hắn không thấy đâu, qua thung lũng đám Thổ dân đi vào một hang động thật sâu hơi lạnh từ núi bốc ra hắn run lập cập, chính giữa hang động của Bộ lạc Tuyo Karu, có một bệ đá để Tù trưởng ngồi.


Nam được cởi trói đem ra một con lạch nhỏ tắm gội cạo hết lông dế, gọt hết tóc và chân mày, xong phủ lên một lớp nhựa cây Read gum giống như dầu rái trét ghe bên Việt Nam, xong cuốn vào một tấm da Kangaroo đem ra treo trên một giàn cây bên dưới đống gỗ khuynh diệp mùi thơm dễ chịu và xác của con Mực đã được cạo lông và mổ bụng bên trong nhét đầy một loại cỏ giống như sả và củ riềng.


-Chết mẹ rồi! Trong cơn mơ hắn nói thầm, tụi Thổ dân thui mình để tế Thần Rừng. Con chó thì ăn nhậu ngay, ông Tù trưởng xé một cái đùi còn rướm máu đưa lên cho ông Thầy mo liếm, rồi cắn nhai nhồm nhoàm.


Ánh lửa bùng lên phía trong hang động soi sáng một đám người kéo ra ông Tù trưởng và Thầy Mo. Cả hai khoát da thú đầu đội nguyên cái đầu con dê núi, đi đến bên hắn cầm nhánh lá Khuynh Diệp nhúng vào một dung dịch được chiết ra từ cây sả mọi vẫy lên mình hắn rồi đọc thần chú.


-Ku rung, ku rung, lăng chai, lăng chai, kar răng căng tai, xong tên Thầy mo phất tay thì tiếng Thùm thùm của người thổi cái ống làm từ gỗ dài như vòi con voi vang lên và dội lại như một âm thanh ma quái từ âm ti. Thầy Mo nghiến răng hét lên


- Ja răng ja răng thì một bọn thiếu nữ Thổ dân chạy ra mình mẩy trần như nhộng hát vây quanh hắn, vừa hát vừa vẩy nước vào làm hắn lạnh run dù rằng bên ngoài có lớp da. Xong việc đọc Thần chú, ông Tù trưởng ra hiệu đốt lửa, từng bó đuốc quăng vào đống củi khô nóng quá thì hắn giật mình thức giấc.


Một đám cháy từ hướng Tây kéo về với ngọn gió mấy chục cây số một giờ, hoảng quá Nam đề máy con ngựa Xích Thố chạy hết ga ra khỏi khu rừng, hú hồn nếu không thì bị nướng như trong giấc mơ.


Rừng cháy, tiếng lửa reo lên trong cơn gió với hơi nóng cả 60 mươi độ. Nam mở máy lạnh tăng tốc Turbo vượt qua hết khu rừng chạy đến một bờ sông với cây cầu bắt qua bên kia ranh giới, vào lãnh thổ Queensland hắn thở phào.


Chưa biết làm cách nào để đến Fitzroy Island không biết có phà hay không, còn mấy trăm cây số thì đến Cairns hắn lại lo xa chuyện qua cái đảo tìm Sáu Cua, một Papillon của Việt Nam để viết thành một câu chuyện.


image012Fitzroy Island


Những dòng sông đều chảy. Nhưng chưa vội, hắn phải ghé thăm những vườn xoài và trái cây Việt được trồng trên Cairns do một người tên Lỗ Bình Sơn, một Tống văn Bình một lý thuyết gia dẻo mồm, nói chuyện về Mark và Lênin như một cán bộ Việt cộng, cái mồm hắn dẻo đến nổi cua được một nữ Bác sĩ Thiếu tá Úc gốc Việt tại Townsville.


 Gần đến Green hill, một ngọn đồi màu xanh, vườn nho và mận đang trổ bông trắng xoá, nhớ lúc mới đến Úc người Úc không ăn Xoài chỉ dùng cho ngựa ăn, những cây Xoài trên dốc Mangoo Hill bị mấy ông Mít tị nạn vặt sạch trái cho dù chưa chín, và những cây Me già sai trái cũng bị hái sạch và tuốt lá đem về Sydney bán cho mấy shop Tàu.


Mấy ông con buôn có tên Thành dẹo ông vào vườn người ta hái cả một vườn ớt, trả 20 chục Dollars, bị quăng lại tiền vào mặt bảo cút cho khuất mắt. Tóm lại hễ thấy hơi tiền là trên rừng cũng hái dưới biển cũng tát, truy lùng tận cùng đến nổi phải có bảng tiếng Việt cảnh cáo.


Vào công viên Quốc Gia bắt chim nướng tại chỗ đủ mọi thứ chuyện mấy ông Mít danh ca gây ra rất đau đầu, dừng xe đi tìm điện thoại công cộng gọi cho Lỗ Bình Sơn ra đón mấy lần. Gọi hắn muốn bỏ cuộc thì Lỗ Bình Sơn bắt máy hú hồn.


-He he Nhị Ca, lên bất tử tôi đang ngoài cánh đồng, ông chờ đó khoảng 1 tiếng nữa sẽ gặp


-Ừ tao đậu ngay góc đường Green Hill và Gray Road, chiếc xe Toyota Runner màu đỏ bảng số Vic OK, ngủ một giấc chú đến là vừa.


Gần một tiếng thì Lỗ Bình Sơn đến, hắn nhá đèn ra hiệu chạy theo.


-Nhị Ca lên đây ở luôn hả? Vào nhà tắm rửa đi cho bớt bụi đường lâu lắm rồi mới gặp nhau


-Mày cho tao nói mày giành nói hết thì tao đành câm mồm. Không, tao lên chơi vài ngày vui thì lâu buồn thì về, tao đi tắm rồi nói chuyện.


Vòi nước ấm làm Nam sảng khoái. Bình lụi cụi nấu một món ăn dân dã là cơm nấu trong ống Tre Mạnh Tông. Tre này nhập từ bên Tàu trồng lấy măng. Măng to và ngọt bán rất có giá.


Ống tre được lôi ra từ bếp than hồng thơm phức ăn với khô cá Mè thật ngon miệng chưa bao giờ được ăn món này từ khi đến Úc.


-Nhìn Nhị Ca ăn ngon quá, mấy món dân dã nơi này không thiếu, ăn xong ra xe, tôi chở đi hết vườn xoài hơn chục mẫu đang trổ bông, một khu đã có trái và nhà máy đánh bóng vô thùng, cơ ngơi tôi đầu tư nửa triệu Dollars đã thu hồi vốn sau 2 năm.


-Nhân công đến từ đâu?


-Đa số Nhân công lậu khách du lịch từ Sydney kéo về, lâu lâu tụi di trú mở cuộc hành quân vào thì tụi nó chạy ra rừng trốn.


-Chú làm như vậy không sợ bị truy tố sao?


-Không riêng gì tôi tụi chủ Farm Úc cũng vậy thôi, không có người làm trái cây, không ai hái, người ta cũng làm ngơ miễn đóng thuế đầy đủ và đừng để tai nạn chết người xảy ra và thưa tụng lôi thôi.


Nam không hứng thú với câu chuyện của Lỗ Bình Sơn, nên làm thinh về lại nhà hỏi đường đi đến đảo Fitzroy Island.


-Hấp tấp dữ vậy Nhị Ca, ở đây chơi vài ngày nhậu với tụi tôi rồi đi.


-OK! tao không vội tìm mồi lạ nhậu nghen


-Có cá sấu thịt ngon, nấu cà ri hay xào lăn hết sảy


-Mà ông vợ con gì chưa?


-Chưa, sau chuyến đi về Lào, tao nản quá, không muốn gặp ai


-Tôi cũng vậy rút về đây trồng xoài, nhưng tôi hãnh diện những gì mình đã làm dù không thành công cũng thành Nhân như lời Đảng trưởng nói.


-OK! mình làm hết sức rồi mọi chuyện nên để yên khơi lại tao nhức nhối lắm


-Còn chuyện tình mày với em Bác sĩ Thiếu tá ra sao?


-Ông bà già không thích tôi vì tôi không có mảnh bằng lận lưng, nhưng em yêu tôi là đủ rồi


-Thì mày có cái miệng dẻo như kẹo kéo kiến trong hang cũng bò ra theo he he


-Thì Nhị Ca cũng đâu thua phải không?


-Nhưng tao thua mày có lần tao nổi nóng muốn tẩn mày nhớ không?


-Nhớ chứ cha, lúc đó cha còn trẻ nóng thí mẹ.


Nam chợt nhớ lại trong một cuộc nói chuyện với nhau về chủ thuyết cộng sản, Nam thua nên bực mình định đánh ông Bình này một trận, bây giờ thằng nào tóc cũng gần chớm bạc.


Một đám công nhân kéo về đủ mọi sắc tộc nhào vào nấu nướng nguyên con cá Sấu vài chục ký; xào trong cái chảo gang, được múc ra rồi chén tạc chén thù với rượu vang được làm tại chỗ ai cũng say quắc cần câu, ông Tây bê đê nhìn ông Nam cười cười ông nói


-Tụi mày lạng quạng với tao thì ăn đòn. Nam cầm trái xoài xanh bóp một cái vỡ ra làm hai, mấy ông Tây ba lô ngán.


Sáng hôm sau lang thang trên thượng nguồn một con sông nhỏ đầy cá Sấu con như đàn cá thòi lòi phía sau con sông nhà mình. Nam ngồi xuống thẫn thờ nhớ về Quê Mẹ.


Lỗ Bình Sơn nói


-Thôi về kiếm vợ đi ông sắp già rồi, sao ông không về nhà thờ Tổ lấy tấm hình Ba của ông?


-Kỳ này về Sydney tao lấy. Anh em mình giờ tan đàn xẻ nghé hết rồi tao về đó không biết người ta có cho vào nhà thờ Tổ không?


-Nhị Ca ơi! không đến nổi nào họ thông cảm mà.


Nam chợt nhớ đến những ngày miệt mài cho lý tưởng Tự Do một cách mù quáng không biết thời thế đã đổi thay, hắn chán nản lắc đầu nhặt từng viên sỏi ném vào con sông làn đàn cá Sấu con tưởng mồi tranh nhau đớp.


-Nhị Ca, tôi biết anh Sáu Cua chơi với tôi vài ngày tôi với ông đi ra đó, có phà đi khoảng 2 tiếng là tới bên đảo cũng có đường xá như đảo Phú Quốc, cũng có người Việt ở đó làm nghề biển đánh tôm trong vịnh.


-Mai hai anh em mình ra Cairns Airport đón bạn gái tui lên đây chơi 1 tuần, 


-OK!


Chiếc phi cơ Qantas từ Queensland mang cô người tình của ông Lỗ Bình Sơn đáp xuống. Người nữ quân nhân Bác sĩ Thiếu tá từng tham dự chiến dịch Trung Đông, cô gái đi ra. Bình nhào lại hai người ôm nhau như Ngưu lang chức Nữ.


-Hi, anh Nam gần mấy năm mới gặp lại anh, đi đâu lên đây?


-Chào em, thì lên thăm Bình và em nè he he he


-Thôi anh xạo vừa thôi, chắc hẹn ai trên này khai đi


-Anh có hẹn với một Papillon người tù khổ sai tên Sáu Cua.


-Mày may mắn gặp một người có tài và đẹp hãy ráng giữ hạnh phúc trong tầm tay. Hắn nói với Bình.


Đêm đến những tiếng thở hổn hển và những lời rên xiết của đôi tình nhân làm Nam ngủ không được, nỗi bực dọc rạo rực trong tấm thân cường tráng của lứa tuổi trên 30 mươi làm hắn mất ngủ, không dám ở lâu nơi này.


-Tao phải đi tìm Sáu Cua ngày mai, mày an tâm


-Vội vậy anh Nam? Bình nói


-Anh để hai đứa vui hưởng hạnh phúc của đời người, nó ngắn lắm, 3 vạn sáu ngàn ngày là mấy, tranh thủ yêu đi đừng phí.


Chiếc phà sơn màu xanh quân đội tách bến, từng cơn sóng lăng tăng vỗ bên mạn phà. Hành khách không được rời xe.


Phà cập bến, con ngựa Xích Thố nổ máy chạy đến một khúc sông hoang vắng nơi có một túp lều lợp bằng lá dừa dưới một tàng cây giống như mù u rậm rạp.


Xe không vào được những cây đước chằng chịt như hàng rào ấp chiến lược ngày xưa.


Ông Sáu Cua đang nằm trên chiếc võng hát bài Vọng Cổ.


-Vua nước Sở một hôm lòng thanh thản, cởi Long bào giả dạng một thường dân, vác cần câu ra ngồi dựa Thạch bàn, lòng Vương giả mơ màng theo sông nước, thì tắt tiếng khi nghe gọi


-Anh Sáu Cua - Anh Sáu Cua


-Ai kêu tôi đó, có tôi đây, ông nheo mắt nhìn qua rặng đước và cây bần,


-Em đây, Nam bạn Hiền già ở Alice Spring đây!


-Chờ đó tao ra đón.


Một ông trung niên khoảng hơn 40 bó đen, khỏe mạnh tóc hớt ngắn như một người Lính mặc một bộ đồ nhà binh của Úc, đội mũ rừng mang giày bốt đờ sô, đàng hoàng lội bùn ra đón Nam.


-Trời, anh sống giống Papillon quá


-Ừ thì tao là Papillon mà thằng Hiền già không nói gì sao?


-Anh Sáu gọi mày tao như quen từ trước, khuôn mặt sạm nắng khắc khổ. Anh thuộc Tiểu Đoàn 2 Trâu điên TQLC đã tham dự hầu hết những trận đánh lớn của Binh Chủng này; tốt nghiệp khóa 1 năm 1970 Thủ Đức.


-Chú mày, tao có nghe tụi nó nói nhiều, tao rất thích mẫu người như chú, tiếc rằng tụi mình sinh bất phùng thời đúng không?  rồi ông ngửa mặt lên trời ngâm


-Những kẻ vá Trời khi lỡ bước


-Gian nan nào xá chuyện con con;


-Vào túp lều lý tưởng của tao he he đạm bạc, đón gió ngủ mây, đêm dài thì lắm mộng, tao gặp mày nơi này như Bá Nha gặp Tử kỳ - he he he - nghe nói mày là một nhà quân sự, đã từng viết kháng chiến binh pháp cho một Tổ chức nào đó phải không?


-À múa rìu sao qua mắt thợ anh Sáu. Hôm nay em tìm đến anh để nhờ anh chỉ giáo thêm


-Mẹ, họ trễ hết rồi, chúng ta thua từ thua đến thua. Khổng Minh và Bàng Thống tái thế cũng bó tay.


-Chú mày nên nhớ thời Tam Quốc mà ai được một trong hai người phò tá là Khổng Minh và Bàng Thống thì được thiên hạ. Lưu Bị được luôn cả hai nhưng trất quớt, vì sao mày biết không?


-Chắc vì Lưu Bị vì tình riêng đặt trên sự nghiệp


-Chú nói đúng. Miền Nam chúng ta tình cảm quá, nên thua tụi Bắc kỳ nó ác hơn chúng ta nhiều.


 -Hạng Vũ thua Lưu Bang vì quá quân tử, cho nên sau này họ lấy đó làm bài học và phe CS cũng vậy


-Như vậy thuyết lấy Chí Nhân thay cường bạo của Nguyễn Trãi không áp dụng được cho hôm nay phải không? 


-Đúng một phần, với Cộng Sản phải sắt máu giống nó, triệt hết như bên Nam Dương, bắt đày ra hoang đảo chặt tay.


-Chú ở đây bao lâu?


-Tuỳ anh chứa em bao lâu, thì em ở


-He he gạo mắm, cá đầy sông, cua đầy đồng, ngó sen, cần nước muốn ăn lúc nào cũng có, tao thủ hơn 100 ký gạo, thiếu thì có người vào lấy cua tiếp tế


-Anh bắt cua có Licence không?


-Có! khai thác có điều kiện thuế má đàng hoàng; nhưng chắc tao thôi nghề về đất liền kiếm mảnh vườn sống qua ngày.


Anh Sáu Cua kể hết những gian truân của cuộc đời, không khác gì hắn.


Anh đánh lại những trận đánh dưới túp lều mái lợp lá dừa, một người trên võng một người dưới tấm nệm rách bươm chưa bao giờ giặt, tắm thì nhào xuống con sông nước lợ vào mùa mưa, mùa hè thì mặn, vài cái thùng 200 lít đựng nước ngọt từ khe suối anh Sáu gánh về, không khác gì ở VN những cơn mưa dài thúi đất, và những cơn bão thổi qua. Túp lều vẫn đứng vững với kỹ thuật lợp lá và bắc cột bằng mộng không cần đinh, như những cột đình ngày xưa, tất cả bằng gỗ Red Gum được ngâm trong nước bùn 3 tháng, cứng như xăm xe đen như dầu hắc.


-Anh Sáu đến đây một mình bằng đôi tay của anh làm nên cái nhà này hả anh Sáu


-Thì mình tao chứ ai, có tụi Úc thắc mắc gì không?


-Tụi Cảnh Sát biết tao là cựu Marine nên chúng nó không thắc mắc, hơn nữa đám cựu chiến Binh Úc có vài ông quen lúc trước nên thích tao lắm.


-Những người tình anh đâu rồi Anh Sáu


-Tao bỏ tụi nó ra đi như những dòng sông nhỏ sẽ kể cho mày nghe.


Đêm tháng 6 trời mưa rơi trên mái lá tiếng mưa rơi và tiếng kể chuyện của anh Sáu về chuyện vượt tù từ Côn Đảo, câu chuyện giống như thời Pháp, nhưng sau năm 1975 khi Miền Nam đứt phim, một số lính Miền Nam từ chối cái lệnh buông súng vô lý, lúc này Anh Sáu Cua về một Lữ Đoàn 468 Tân lập TQLC, chưa ổn định vì tình chiến sự có thể bất lợi cho VNCH, cũng như Lữ Đoàn 4 Nhảy Dù, những Lữ đoàn khác 147 và 369, 258 từ miền Trung về, quân số không còn nguyên vẹn.


Ông tướng Toàn ra lệnh lên Long Khánh lập tuyến phòng thủ, nhưng tướng Lân bất tuân thượng lệnh, đây là một chuyện loạn quân và loạn tướng, ông Lân tẩu mất trước khi Sài Gòn sụp đổ cũng như ông Toàn, thì Lữ Đoàn 468 một số kéo về vùng 4 phối hợp với Hoà Hảo chống cự, cho đến cuối tháng 5 thì tụi tao bị nội tuyến, bị bao vây mấy ngày, cuối cùng bị tóm gọn. Một số Hoà Hảo bị bắn tại chỗ, tao sắp bị bắn thì có một cô gái đứng ra nhận là anh bà con, xin tha mạng. Tao chẳng nhớ con Việt Cộng đó là ai, nhưng nhìn khuôn mặt quen tao chợt nhớ đến cuộc hành quân tại Bến Tre năm 1974, tao có tha và cứu một em nữ du kích miền - chắc có thể là con này.


-Tao bị giam nơi một căn cứ của tụi nó nằm sâu trong rừng, tao không biết chắc ở đâu, thì một hôm con nhỏ Việt Cộng xuất hiện, gặp tao,


- Anh khỏe không Anh Sáu?


-Khoẻ thưa cô


-Anh nhớ tôi không? Người con gái bị sốt, đồng đội bỏ lại không mang theo lúc các anh đánh vào rừng dừa ở Bến Tre, nơi bộ chỉ huy Miền đóng


-À thì ra là cô, tôi bây giờ trong tay cô, tha giết tuỳ ý. Người con gái mà anh Sáu gọi Y tá chăm sóc và chích thuốc khỏe khi bị sốt đứng không nổi, giờ đây đứng trước mặt mình, khi tụi lính bảo cho nó viên đạn làm phước thì Anh Sáu không nỡ, và cũng không muốn vướng bận tù binh mang theo nói


-Mình chích cho nó mũi thuốc khỏe và thuốc trị sốt rồi để nó lại đây; giết một mạng người còn đang sống mà là phụ nữ không nên. Bây giờ nó còn sống và đang đối diện với anh trong hoàn cảnh anh thua trận.


-Anh Sáu tôi nhớ ơn anh, nên gặp anh tôi nhận ra ngay tên Sĩ Quan Ngụy lính thủy đánh bộ tàn ác và có tội với nhân dân


-Tôi không có tội với ai hết, tôi làm nhiệm vụ của tôi vậy thôi.


-Anh Sáu, chúng tôi chuyển anh ra Côn Đảo để các anh học tập cho an toàn.


Hơn 300 tàn binh và Hoà Hảo nhồi trong một con Tàu của Quân vận cũ, cùng với bọn du kích trong đó có con bé mà anh Sáu cứu. Chuyến Tàu chạy gần 1 ngày mới đến Côn Sơn. Từ Sóc Trăng, con Tàu ì ạch vượt sóng từ điểm gần nhất là Vĩnh Hải đi Côn Đảo khoảng 70Km, hoặc 40 Hải lý, Việt Cộng tiến chiếm vào ngày 1 tháng 5.


Đến Côn Đảo thì trời gần tối, tù nhân được hối thúc lên bến, đói và khát, nhục nhằn. Đoàn tù chia làm 3 toán về 3 khu giam tù nhân Việt cộng và tội phạm chính trị lúc trước, bây giờ giam cựu nhân viên và lính VNCH, toán du kích đến Côn Sơn thì biến mất chỉ còn bọn Cai tù mới làm danh sách nhập trại sau một đêm ở nhà tù khét tiếng Côn Sơn, đám tù nhân tàn binh bắt đầu cuộc sống tù tội.


Lội lên núi Chúa đốn cây, núi này có truyền thuyết là Vua Gia Long lánh nạn nơi này. Côn đảo có nhiều di tích liên đến ông Vua đầu tiên của nhà Nguyễn. Cả bọn anh Sáu đưa về trại 2 Phú Sơn và trại 1 Phú Hải và trại 3 Phú Thọ.


Những đêm sau này anh Sáu bị giam trong những phòng giam biệt lập gọi là Chuồng bò và


Chuồng cọp chờ điều tra thêm về những gì anh đã khai. Nhà tù Côn Sơn có 172 phòng giam, 42 xà lim, và 504 phòng biệt lập. Một hệ thống nhà giam kinh khiếp từ Pháp cho đến VNCH khét tiếng trên thế giới là Hầm đá.


Sau khi bị điều tra và bị ăn đòn vì cái tội tham gia Hoà Hảo phản động, anh Sáu được một sự can thiệp ngầm tha về trại 1 Phú Hải.


Cô du kích Duyên xuất hiện, nháy mắt với anh nhiều lần. Anh không biết có ý gì? Sợ bị gài nên anh Sáu chưa dám manh động.


Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến. Một lần đi lên núi đốn cây thì cô du kích xuất hiện đưa nhanh một miếng giấy ngụy trang dưới miếng cá khô


-Anh Sáu hãy tìm cách thoát, em hỗ trợ, sẽ có người bàn chuyện với anh.


Xem xong anh Sáu nhai nuốt miếng giấy và phân vân không biết thật hay giả.


Vài ngày sau có người gọi anh đi cung (hỏi cung).


Một viên Đại uý cai tù người Nam ngồi chờ nơi góc phòng.


-Hôm nay tôi gặp anh bàn một chuyện, anh đã đọc miếng giấy cô Duyên đưa?


-Tôi không biết ai là Duyên và không đọc một cái gì hết


-An tâm đi, vào chi tiết chúng tôi cần anh, để làm một chuyến hải hành xa. Nếu đồng ý mình sẽ thực hiện ngay trong tháng 9. Tôi là anh của Duyên, nằm vùng tại đây trước năm 1975, ngay trong trại giam này chức vụ Thượng sĩ. Giờ đã thấy sự thật về tụi Cộng sản, những người miền Nam trong MTGPMN bị loại hết rồi nên muốn vượt biên.


-Tôi không phải là dân Hải Quân, chuyện vượt biên tôi không rành, anh tìm người khác.


-Tôi biết trong nhóm của anh có người từng là Hải Quân lái tàu Viễn dương, chúng tôi không tiện liên hệ, tôi có hồ sơ và nói tên để anh móc nối và Duyên nó thương anh khi anh đã cứu nó lúc bị sốt rét gần chết; nhanh lên kẻo tụi Bắc vào tiếp quản Trại tù thì chúng ta khó thoát.


-Tôi sẽ biên chế anh lên đội làm vườn của trại để dễ dàng công việc. Thôi anh về, tên của người Trung uý Hải Quân là T.


Anh Sáu hơi choáng về vấn đề này đến đột ngột quá không khéo bị dàn dựng để bắn mình không chừng, nhưng cứ liều coi như chết trận; anh không có thân nhân vợ con, anh cố gắng tìm ông T Hải Quân thuộc vùng 5 Duyên Hải, ông dè dặt khi anh Sáu đến la cà gần 3 ngày mới dám nói thiệt. Lúc này anh đã lên làm vườn cho Trại có cơ hội tiếp xúc nhiều với tên Đại úy Việt Cộng.


Sẽ có một chuyến tàu tiếp tế cho Côn Đảo những vật liệu cần thiết và một số thân nhân cán bộ trên đảo ra thăm, đây làm một chuyến thăm có tổ chức do ông Đại úy Việt Cộng gốc Ngụy sắp đặt từ Sóc Trăng, và anh Sáu sẽ cùng ông Hải Quân và một số người chủ chốt cướp chiếc Tàu Hải Quân vượt biên ra đi.


Tàu này do tụi tiếp vận Việt Cộng điều hành, có Bộ đội đi theo canh chừng nhưng vài tên và mấy cây súng Ak đã được thông báo đầy đủ cho bên cướp Tàu. 


Anh Sáu tuyển thêm 4 người thân tín là TQLC cùng ông Trung uý Hải Quân tên T, cho ông Đại uý Việt Cộng gốc Ngụy biết cho nhân sự vợ con của ông ta và Duyên đã sẵn sàng cho chuyến cướp Tàu, sắp xếp một bữa nhậu lúc 7 giờ chiều với Hải sản do Tù nhân đánh bắt.


Thuỷ thủ đoàn và 6 tên Bộ đội được mời dự, thì nhóm anh Sáu sẽ được bí mật dẫn đột nhập vào con Tàu do một ông Thuyền phó đang trông nom vì ông bị đau bao tử nên không nhậu được.


Đêm ngày N - lúc 7 giờ tối cả toán anh Sáu đột nhập chiếc tàu. khống chế ông Thuyền phó trói chặt bên trên, đám thủy thủ và bộ đội vẫn nhậu nhẹt tưng bừng thì ông Đại uý lấy cớ đau bụng xin về trước. Duyên cũng biến theo tất cả xuống con tàu với vợ con. Ông anh kiểm soát dầu nước đầy đủ cho chuyến hải hành 3 ngày, 5 đứa trẻ tất cả 14 người.


Tiếng máy Tàu nổ trên đảo, tụi Việt Cộng nhốn nháo chưa biết chuyện gì xảy ra thì tên Chúa đảo Việt cộng Mười Me phát giác vợ con ông Đại uý biến mất cùng ông và Duyên. Còi báo động tụi công an đảo xuống xuồng cao tốc đuổi theo. Các chiếc xuồng này đều bị xả hết Dầu và không có bình acquy để đề máy vì nằm bến khá lâu.


Ông Đại uý đã cho người làm việc này những người thân tín đang lội đến và leo lên tàu thêm 4 người nữa là 18 người cùng ông Thuyền phó, với hơn 10 cây AK trên tàu. Chắc chắn không chống cự nổi nếu tụi aông an tuần duyên VC đuổi theo. Chiếc tàu do ông Hải Quân lái rú ga chạy ra hướng Đông Nam.


Ông Thuyền phó năn nỉ cho ông ta trở lại trên bất cứ chiếc ghe nào nếu gặp. Ông không muốn đi theo.


Tụi công an được Côn Đảo báo cáo từ đảo Hòn Bà rượt theo. Chiếc tàu của miền Nam cũ chạy như một ông già hết xí quách mặc dù tống hết ga nó chỉ chạy khoảng 5 hải lý một giờ. Trời tối đen tắt hết đèn để tụi rượt theo không thấy chiếc tàu lầm lũi ra khơi.


Tiếng đạn bắn rất xa, chẳng có gì đáng lo, và tiếng nói trên tần số yêu cầu dừng tàu lại, đầu hàng thì bảo toàn mạng sống của tụi công an biên phòng. Ông Đại uý Việt công tắt máy, nỗi âu lo hiện lên khuôn mặt, đám trẻ con cũng sợ chúng không dám khóc, riêng nhóm anh Sáu vẫn bình tỉnh lấy AK ra xem lại đạn, phát cho mỗi người một cây, tất cả đều cầm súng trừ vợ ông Đại uý Việt cộng và trẻ con. Nhốt ông Thuyền phó xuống hầm đựng dụng cụ linh tinh cột chặt hai tay vô cái bàn cho bảo đảm.


-Anh Sáu tính sao? Duyên hỏi


-Đến nước này một là chạy tiếp đến hải phận Quốc tế, hai là đầu hàng, 3 là chống cự, chúng ta không chạy nhanh hơn được.


-Anh Thi - Anh nhắm chừng bao lâu thì đến Hải phận Quốc tế?


-Còn lâu khoảng vài tiếng nữa nữa chúng ta chỉ mới ra khỏi Côn Sơn nhanh lắm là mươi cây số thì đã bị phát hiện, ông Đại uý Việt Cộng mở máy lên lại tần số


-Nếu các anh truy tới cùng chúng tôi chống cự không đầu hàng,


-Các anh không thoát, chúng tôi cách anh khoảng 2 hải lý đầu hàng đi để vợ con anh sống. Anh Thành - tôi đây Phan đây.


-Ông Thành tắt máy ngồi ôm đầu, nhìn vợ và đàn con, thì Duyên nói


-Chết cùng chết chúng ta cùng chết. Anh Sáu. Anh và em có duyên với nhau nên em bày ra chuyện này, để cứu anh và gia đình anh của em ra đi.


Tiếng đạn nổ kỳ này rất gần chúng bắn ngay vào chiếc tàu. Đạn đại liên xuyên thủng buồng lái nên ông Thi chạy theo hình chữ Z tốc độ chậm lại, phía sau ánh đèn của tụi công an biên phòng chóa lên nhấp nhô khoảng cách ngắn dần trong tầm đạn.


Mọi người ôm súng nhào ra phía sau. Anh Sáu bắn vài viên để đối phương biết là sẵn sàng chống cự, thì từng tràng đạn đại liên bắn xối xả liên tục vào con tàu từ phía sau. Con tàu chạy trong tuyệt vọng, đạn liên tục bắn, vài người trúng đạn họ la lên


-Thôi đầu hàng đi anh Thành, thì một cơn bão ập tới. Biển đen kịt lúc này chiếc tàu máy phát điện bị hư, tụi công an biên phòng chỉ bắn đại, rồi im bặt chiếc tàu dật dờ chạy theo cơn sóng.


Ông Thi nhìn theo hải bàn chạy đại về hướng Đông thoát hiểm, lúc này thì cơn đói cồn cào, moi lương khô dự trữ trên tàu ra nhai, một ông bị thương nặng nơi ngực và hai ông không nặng lắm, biển êm sau cơn biến động mọi người mệt nhoài, đám trẻ con say sóng ói mửa trên sàn không ai nuốt vô lương khô.


-Thôi xuống hầm thả ông Thuyền phó ra để phụ lái tàu và sửa máy phát điện


-Anh Thi, mình từ từ thoát rồi. Ông Đại uý mò mẫm tìm được một cái đèn bin nơi vách, ra phía sau thì thấy mấy chục lỗ đạn gần dây cáp bánh lái, xa mặt nước


-Ông Thuyền phó được cho lên phòng lái hỏi thăm về tình trạng chiếc tàu


-Tàu này của Hải Quân Nguỵ chuyên tiếp tế cho Côn Sơn nó không đi xa được, dầu dự trữ đủ đi và về, mấy ông tính đi, dầu trong hầm máy còn cao lắm là 200 lít, bây giờ theo con nước nên thả trôi đến sáng, trên nền trời chòm sao cá Liệt nằm trước mũi, chúng ta đi đúng hướng về Mã lai hay Indonesia. Ông Thuyền phó nói sáng nếu gặp thuyền đánh cá cho tôi về, hiện tại mình chưa biết đang ở đâu chắc trong Hải phận Quốc tế.


Cắt người canh gác mấy ông bị thương đang rên la trên tàu chỉ có hộp cứu thương vài chục viên thuốc đủ loại. Duyên băng bó và cho uống đại loại thuốc nào có chữ Cine sau cùng, đến gần sáng thì ông bị nặng nhất vết thương ngay ngực chết đành thủy táng.


Ông này là người của ông Đại uý Việt cộng trên Tàu không ai nói một lời. Mặt biển phẳng lì, ông Thuyền phó đăm chiêu thì gặp một chiếc ghe đánh cá đang chạy đến hướng chiếc tàu. Sợ tụi công an biên phòng giả dạng nên anh Sáu nói cầm súng lên.


Dân đánh cá Kiên Giang họ thấy chiếc tàu lá cờ VC rách bươm nên tò mò chạy lại thì bên này vẫy tay. Anh Sáu gọi họ đến gần xin cho ông Thuyền phó về, lúc này phong trào vượt biên chưa bùng phát nên họ không thắc mắc và không ai đòi theo.


Tàu vẫn còn trong hải phận Việt Nam, không ai còn tiền để mua thêm dầu. Vợ ông Đại uý và Duyên có vài chỉ vàng đổi dầu được thêm 100 lít dầu an tâm ra đi, trên biển gặp nhiều tàu hàng nhưng không ai vớt khi thấy lá cờ Việt cộng. Không ai để  ý kéo xuống.


Ông Thi lái đến ngày thứ 4 thì chuyển hướng đi về phía Nam thì lọt ngay vào đảo Pu lau lau. điểm xa nhất của Indonesia, lúc dầu chạy máy gần cạn không có một tàu nào của Hải Quân Indonesia tuần biển.


Chiếc tàu tắt máy đậu xa vì nhiều đá ngầm, thì có người dân chèo thuyền ra hướng dẫn vào đối đãi tử tế, gặp ông Trưởng đảo thì ông hoảng quá khi thấy súng, chạy về liên lạc máy siêu tần số; 2 tiếng đồng hồ sau Hải Quân Indonesia kéo đến, họ bắt loa kêu tất cả rời khỏi tàu đưa tay lên đầu.


Lên đảo cả nhóm bị lục soát rồi gom lại trong một nhà chứa phân Urê. Khi biết anh Sáu là Sĩ quan TQLC Miền Nam thì mọi việc êm, được tự do thoải mái, tắm gội ăn uống chờ đi đến đảo khác khi có tàu.


Mới hai tuần, con tàu và súng được Hải Quân Indonesia kéo đi nơi khác, tình yêu bắt đầu trên hòn đảo đẹp nên thơ.


Anh Sáu lịm chết trong vòng tay Duyên - người con gái xứ dừa. Chiều chiều họ ra biển đưa mắt nhìn về phương Bắc rơi nước mắt, hay tắm biển với bầy trẻ thật hồn nhiên.


Từng câu hỏi được anh Sáu đưa ra, nàng trả lời,


-Sao em kết anh, bộ không sợ thứ lính ác ôn có nợ máu với nhân dân sao?


-Không!  lúc đó em thấy ánh mắt anh nhìn em trìu mến lạ lẫm của một con nai


-Và em nhớ tên anh bên phía ngực phải, em nhủ thầm một ngày nào đó mình sẽ gặp lại nếu có duyên nợ và em còn sống.


-Nhờ mũi thuốc Nivaquin em bớt sốt, và khi em lần mò tìm về nơi đóng chốt, rồi em về cục R cho đến ngày miền Nam mất, em tưởng anh đi Mỹ rồi không ngờ anh vào theo Hoà Hảo


-Thì ông Tơ bà Nguyệt bảo anh ở lại để gặp em mà.


Yêu thương muộn màng. Anh Sáu thấy mình dường như trẻ lại. Đúng tình yêu nó như mật ngọt làm con người chếnh choáng men say.


Chuyến tàu chở khách từ các đảo cập bến. Thuyền nhân 13 người được cho lên phía trên boong tàu với mất tấm bạt che nắng. Chẳng ai phàn nàn, như vậy là tốt lắm, đến bữa ăn thì có người đem cơm với Cà ri và cá kho.


Chạy một ngày một đêm thì đến một trại tạm cư nhỏ đảo Tanjungpinang, một đảo nhỏ cỡ Côn Sơn. Dân chúng đa số là người Tàu và Ấn độ, dân Indonesia chỉ lưa thưa làm nghề biển họ hiền lành chất phác. Gặp một ông người Việt không biết lưu lạc đến đây từ năm 1930 không còn nói được nhiều ngôn ngữ mẹ đẻ, ông chỉ khóc khi thấy đồng hương và nghe tiếng Việt. ông quỳ xuống vái lạy về hướng Bắc. 


Ông nói ông ở một đảo nhỏ cách đây vài Hải lý, nghe nói có người Việt tị nạn, ông mừng quá đến thăm. Không có quà cáp gì vì cũng nghèo. Anh Sáu và mọi người bùi ngùi không giúp được gì.


Câu chuyện khá dài anh Sáu kể gần đến 1 giờ khuya thì Nam đã muốn đi ngủ, hẹn mai kể tiếp. Trời mưa nặng rơi trên mái lá, hơi lạnh kéo về làm Nam trằn trọc đến 3 giờ mới ngủ thiếp đi.


Đến gần 8 giờ Nam thức dậy thì anh Sáu biến mất cái chòi lá chỉ mình Nam. Không biết ông này biến đâu mất, gần trưa anh Sáu về với một quầy dừa Xiêm.


-Anh Sáu tìm đâu ra thứ này? hay vậy anh Sáu?


-Bên kia đám bần có một chục cây dừa hoang, tao lấy lá lợp nhà, trái rất nhiều chẳng ai hái


-Trưa bắt cá Bống kho nước dừa ăn cơm. Xe mày đậu khoá kỷ chưa có gì quý giá không?


-Mà đừng lo, nơi này không có trộm cắp vặt. Ăn sáng đi, mì gói trong thùng, hay chiên cơm nguội lên ăn với cá khô cuộc sống tao như một dân đánh cá đơn giản và dễ thích nghi.


-À còn chuyện vợ con của anh ra sao anh Sáu.


-À thì tụi tao định cư tại Úc. Ông anh Duyên đi diện nhân đạo tụi Đức nhận vì Việt Cộng không ai nhận. Tao và Duyên đi Úc định cư tại Sydney. Tụi tao là đợt tị nạn đến Úc sớm nhất cuối năm 1976. Sống với nhau được 10 năm đứa con trai lên 8 tuổi, Duyên bị bệnh Ung thư mất. Tao khủng hoảng tinh thần. Đứa bé được em bà con tao nuôi, tao không thiết tha gì nữa nên lang bạt giang hồ, thỉnh thoảng cũng có về thăm thằng bé, bây giờ ở Queensland.


-Tao cũng theo Kháng chiến một thời gian, nhưng thấy toàn là đóng kịch, không có thực lực, do một nhóm cựu quân nhân tổ chức, cũng mặc đồ rằn ri, trang bị AK, mướn đất làm chiến khu, sau này thành Quốc Dân Đảng do tướng Chức và Cao Thế Dung lãnh đạo, chẳng nên cơm cháo gì, tao bỏ về lại Úc đến đây ẩn dật, mệt nhoài với chuyện nước non, tao không nghĩ đến lấy vợ lần nữa.


Nam ở lại chơi với Anh Sáu Cua hơn hai tuần, mỗi sáng phải vào bờ đề máy cho con ngựa Xích Thố sạc bình, lang thang bắt cua, những con cua to như cái đĩa, màu gạch nung, cặp càng nó nhấp một cái ngón tay đi bứt như chơi.


Nam không dám đụng để anh Sáu ra tay, chỉ bắt cua đực. Cua cái lén bắt ăn thì được bắt công khai thì bị phạt 600 dollars mỗi con. Ngày nào cũng cua với cá, Nam đâm ra ngán, thèm thịt thì vịt nước chim cò vô số, có luôn hột vịt lộn. Anh Sáu đi một chút là có thịt chiên xào thỏa thích.


Một hôm Lỗ Bình Sơn dẫn người yêu lội bùn ra túp lều của anh Sáu và Nam đang nằm ngủ trưa say mê. Lỗ bình Sơn lấy cây bông lau chọt vô cái quần đùi làm hai thằng giật mình;


-Mẹ họ, anh Sáu cằn nhằn có đàn bà con gái mày chơi ác thiệt Lỗ Bình Sơn


-Thèm cua ra đây anh bắt cho ăn được không?


-Nam nói - mấy hôm nay ăn Cua của mày đã rồi còn thèm gì nữa


-Cả đống đang rộng dưới nước sông em muốn ăn ra bắt.


Đúng là đàn bà đi lính, cô bạn gái của Bình thoải mái như những đồng đội. Nam và anh Sáu là lính, nên thông cảm. Lỗ Bình Sơn thì chưa ăn cơm lính nên hơi khó chịu khi cô bạn gái hớ hênh. Ăn xong thì hắn hối về sợ cô bạn gái phai màu, hai ông độc thân sống giữa rừng mắm đang thiếu hơi đàn bà, địa dữ quá. Bình nhìn thấy thì rất khó chịu.


-Nhị huynh về nhớ ghé thăm tụi em


-OK! chưa chắc anh không hứa có thể sẽ về luôn Queensland


-Mẹ, mình muốn tu mà nó dẫn con bé điện nước ngồn ngộn vô đây, đau đầu may mà tụi nó về sớm - anh Sáu cằn nhằn


-Thì tui cũng vậy, chịu đời không thấu


-À tao theo mày về Queensland nhớ thằng nhóc rồi


-OK! anh Sáu xe anh đâu?


-Tao gửi ở nơi farm đi xe mày, lúc về trở lại tao tính, đem đống cua này giao luôn


-OK! vác gần một bao Cua được anh Sáu cột lại đem ra xe ghé một cái chợ người Tàu bỏ đó rồi lấy tiền được 500 Dollars, mỗi tuần anh chỉ làm một vụ dư sức sống.


Trên đường về ghé bộ lạc Sedan Groom tao nói ông Tù trưởng gọi cá Mập Chúa cho mày xem điều kỳ lạ lắm, nó chỉ hiện lên khi mày có thành tâm muốn gặp nó, còn nghĩ chuyện hại nó thì không gặp được, ngày mai mình khởi hành, tao dẫn mày ghé thăm một cái Farm trồng Sen và đủ mọi rau cải cung cấp cho các chợ Á Châu, ông này giàu sụ nội bán củ sen cũng kiếm tiền bộn.


Đất farm khắp nơi hiếu khách và bợm nhậu rượu Pháp, Nam và anh Sáu ghé vào một trang trại lớn, cả một hồ chứa nước rộng cả mẫu tây trồng Sen lấy củ, ông chủ farm thấy Anh Sáu và Nam thì chạy ra đầu ngõ đón, đủ thấy ông ta quý anh Sáu Cua đến mức nào, thì ra ông này  cùng chuyến cướp tàu vượt biên với anh Sáu.


-Hi anh Sáu thằng nào đây? chỉ vào Nam ông hỏi


-À thằng em bạn của Hiền già ghé thăm tao


-Vào nhà có gì ăn nấy, không cao lương mỹ vị nhưng đồ ăn dân giã không thiếu món gì.


Bà vợ ông chủ farm người tầm thước hiền hậu đón mời một cách chân tình, lo nấu cơm cho buổi chiều, chỉ cá kho tiêu ăn với bông súng, và canh mồng tơi mà ngon không thể tả, ăn xong nhâm ly rượu Pháp hảo hạng cả 600 trăm Dollars một chai 500ml.


-Chú mày chơi sộp quá đời tao chưa đụng đến được cái chai nói gì đến rượu


-Anh ơi! có thì hưởng, em nhờ anh mới có ngày hôm nay, tiền bạc là phấn thổ, tình người mới quý anh à.


Nam nhấp một hớp rượu nó thơm và tê tê không diễn tả được hèn gì mắc tiền. Anh Sáu thả hồn theo men rượu ra đứng bên hồ Sen rồi nhớ về những lần hành quân nơi Đồng Tháp.


-Chú mày nhớ lúc hành quân năm 1973 tại Bến Tre không?


Ông chủ farm nói - nhớ chứ anh. Lúc đó em làm tà lọt cho ông Đại đội trưởng, anh là Trung Đội trưởng Trung Đội 1, mình bị Việt Cộng ẩn mình dưới Sen tập kích chết bộn, may mà tụi mình hơi chậm chân nên sống, nghĩ đến mà lạnh lưng anh Sáu, mấy chục năm em không quên được tiếng kêu cứu và tiếng đạn tụi Cộng Sản bắn bồi lính phe mình. Mẹ! Chiến Tranh sao tàn ác quá, cũng là người Việt giết nhau, em ám ảnh đến bây giờ - thôi quên đi anh.


-Em muốn có một giấc ngủ an lành không ác mộng


-OK! tao xin lỗi mày, nhưng tao khác mày, tao lúc nào cũng nhớ những tháng ngày trong Quân Đội nó đẹp nhất đời người - dễ gì có được.


Trăng tròn đã lên, nồi chè nấu dưa gang với bột Báng thơm đem ra sân gió nhè nhẹ, ba bóng người ngồi nhìn trăng, mỗi người một suy nghĩ, phía cuối hành lang có bóng một thiếu nữ đang ôm cây đàn Ghi Ta gảy lên những nốt nhạc thật buồn.


Cô bé con chủ Farm đang thả hồn theo mây gió. Nam đứng dậy xin đi ngủ trước vì đã thấm rượu, chè dưa gang ăn để giã rượu vừa ăn vào Nam muốn đi ngủ ngay.


Sáng hôm sau Nam và anh Sáu giã từ chủ Farm, đi vô bộ lạc Seden groom. Con đường đồi núi gập ghềnh sảy tay là lọt hố.


Anh Sáu Cua lái vì anh rành địa hình, một bộ lạc vài trăm thổ dân Úc nằm ven biển có một cái Vịnh nhỏ, nơi đây rất nhiều cá mập đủ loại không ai bén mảng đến, nhưng có một con cá Mập Chúa ít xuất hiện. Ông Tù trưởng đón hai người. Anh Sáu nói tiếng Thổ dân lưu loát dù ông Tù Trưởng cũng biết nói tiếng Anh.


-Anh Sáu muốn xem cá Mập Chúa thì ông Tù trưởng nói,


-Đến chiều khi mặt trời gần khuất tao mới gọi nó lên cho mày và thằng này xem nhưng đừng chụp hình khi ông thấy Nam đem theo máy chụp hình.


Đi quanh khu vực sống của thổ dân Sedeb Groom họ sống như người tiền sử không có bất cứ thứ gì của nền văn minh hiện tại, trừ bộ quần áo cho phụ nữ đàn ông thì có gì mặc nấy. Đi theo xem những bức tranh của họ vẽ lên những phiến đá, hay khắc vào vẫn sống động. Họ tạo ra kỹ thuật lấy bột đá làm màu rất hay, tranh vẽ toàn động vật họ gặp, họ không biết Thần Linh và khái niệm về một Đấng tạo hoá không có, họ biết Sấm sét, Giông bão nhưng không tôn thờ, như các bộ tộc khác.


image014Tranh Thổ dân Úc có niên đại trên 30.000 ngàn năm.


Chiều đến ông Tù Trưởng ra phiến đá nhô ra biển quăng xuống một cành lá Red Gum xong đọc:


-Ka răng ka rư năng tomtom, pha ka răng ji nium (Cá mập mày lên cho tao gặp có khách đến).


Khoảng vài lần thì một vệt nước rẽ đến rất nhanh, dưới nước trong xanh một con cá mập giống Tiger Shark, nhưng dị hợm và lớn mình có đốm vàng đen như một con cọp lượn lên mặt nước như chào 3 người vài phút xong ông Tù Trưởng phất tay - nó biến mất, như một con thú nuôi được thuần hoá, bầy cá mập nhỏ nhô lên táp không khí thật đáng sợ.


-Mày mà rớt xuống coi như tan xác Nam à. Anh Sáu nói khi Nam đứng meo nơi bờ đá


-Không thể lý giải được những điều huyền bí nơi này.


Đêm về những ánh lửa khổng lồ bùng cháy trên ngọn đồi rực rỡ, nhưng sáng ra khu rừng và cỏ không có một nhúm tro, hiện tượng này xảy ra nhiều lần trong đêm.


Ông Tù Trưởng nói ông ta thấy bóng người trong đốm lửa vẽ ra trên đất như một người đầu cá sấu đi hai chân, nhiều khoa học gia đến đây nghiên cứu nhưng bỏ cuộc.


Chim gắp lửa, một loại chim Đại Bàng thường hay kiếm lửa ngậm những đoạn cây cháy đỏ quăng trên những cánh đồng cỏ cho cháy để thỏ và rắn chạy ra chúng tóm gọn, mỗi năm nạn cháy rừng xảy ra do những con chim này, không cách gì diệt chúng được.


Ông Tù Trưởng biểu diễn quăng một khúc cây đang cháy thì tích tắt một con Đại Bàng xuất hiện ngậm ngay bay về hướng đồng cỏ rồi thả xuống một đám cháy bùng lên. Chục con Đại Bàng bay quần vũ trên không trung chờ mồi chạy ra từ đống lửa đang cháy.


Về lại khu vườn hoang dã ngủ qua đêm với thổ dân, thịt thú được bày ra trên những phiến đá, nung nóng, trên đống lửa. Anh Sáu và Nam no xong từ giã ông Tù Trưởng rút về xe để sáng mai đi sớm.


-Mình đừng vội lắm, chú mày đi chơi phải không?


-OK anh. Thật ra đất nước này rất hùng vĩ và đẹp, nhưng tiếc rằng không phải quê hương mình nên phong tục và tập quán ngôn ngữ đều xa lạ, hơn nữa đi một mình độc đạo trên con đường quá dài nên hơi ngán, anh biết mà đàn ông không có hơi hám người đàn bà trong cuộc hành trình buồn lắm.


image016Lễ Hội thổ dân Úc


-Sao không tìm một em gái Việt thiếu gì!


-Không dễ đâu anh, không ai có máu đi bụi giống em nhất là phái nữ, họ khoái chưng diện và khoái tiền, nhà cao xe đẹp, tìm một em giống như em khó lắm


-Mày nói tao nghe cũng có lý, về Queensland chơi lâu một chút, biết đâu mày gặp người ưng ý


-Mình ghé Townsville ngủ một đêm, nơi đó về đêm cũng thú vị lắm, có thể xuống thuyền ra vịnh ngắm trăng hay câu cá nhà bạn anh ở đó, tụi nó có một nhà hàng đông khách, vợ là người Úc cũng tốt lắm chuyên trị các món ăn Việt mà mày không ngờ đến, nó làm tiết canh nhậu hết sảy luôn, để ghé trạm điện thoại tao báo cho nó biết cùng khoá với tao ở Thủ Đức.


-He he, có em tháp tùng không biết họ vui không?


-Mày lo xa, nó dân Cần Thơ hào phóng lắm, đừng lo, mày nhậu nghe vợ nó hát Vọng cổ 6 câu rụng rún luôn, nói tiếng việt như người Việt luôn cả tiếng lóng.


Đến một nhà hàng nằm trên một con đường sầm uất khu Vile resort, tên Sài Gòn phía trước nhà hàng có một chiếc xích lô không biết làm sao họ, có Nam thắc mắc


-Thằng bạn anh nó tự làm đó. Mẹ! nó khéo tay và khéo cua gái, gái nghe cái mồm giá sống của nó thì mê tít


-Đến nhà hàng thì chưa đến giờ mở, nhưng hai vợ chồng đã đứng trên lầu ngóng khi xe vừa dừng họ chạy xuống ngay


-Hi mày


 -Hi Sáu Cua, hehe hân hạnh đón hai người. Vào đi, tắm rửa rồi chuyện trò.


Chị vợ người Úc vui vẻ lịch thiệp nói tiếng Việt giọng Nam


-Anh Sáu Cua biến dạng lâu ghê, bây giờ mới gặp tưởng bà nào bắt rồi


-Có ai đâu? Đang mồ côi vợ thì em biết rồi đó, đời anh lang bang rày đây mai đó ai mà thương


-Anh Sáu ơi!  Sỏi đá cũng cần có nhau - thôi không có gái Việt thì lấy gái Tây đi


-He he, thì em kiếm dùm anh đi - hôm nay có mở cửa nhà hàng tụi tao đến mày có vui không?


-Mày nói gì vậy Sáu Cua, tao để bả lo, tụi mình nhậu lai rai không gì phải lo lắng.


Tối đến khi nhà hàng vắng khách chủ nhà hàng bày Karaoke hát, chị vợ hát vọng cổ ông chồng đàn đệm, bà hát lên 6 câu vọng cổ như Lệ Thuỷ nghe mùi không thể tả, 2 đứa con cùng tham gia cũng lớn nói tiếng Việt rất sõi.


-Mẹ! tụi mình như dân Do Thái, tao không ngờ nơi này cũng có Saigon, khi mất quê hương, mình mới thấm. Anh Sáu trầm ngâm nói


-Cả ba ông tị nạn lòng chùng xuống, nhìn nhau, chị vợ hát một bản Sài Gòn giã biệt làm ba ông cựu lính nhói tim.


Nam buồn quá ôm đàn hát nghêu ngao những bản nhạc tình, nơi đất khách tìm được tri kỷ không dễ.


Mỗi người hát một bài, họ thả hồn về dĩ vãng. Bà vợ và mấy đứa con rút lui khi câu chuyện về chiến tranh và bạn bè được khơi lại trên bàn nhậu, người lính họ sống chết với kỷ niệm buồn vui đau đớn. Người ta có thể kéo họ ra khỏi quân đội chứ không thể kéo Quân Đội ra khỏi họ, và Người Lính già không bao giờ chết họ chỉ biến đi với thời gian.


-Sáu, mày nhớ tụi mình đánh một trận 1972 vào làng Thạch Hãn không?


-Nhớ chớ. Mẹ! tụi nó đào công sự phòng thủ dưới những lớp tre già dày đặc, chờ Đại đội tao. ông Thọ Đại Đội Trưởng, tao Phó, vừa vượt con đường Hồ đắc Huân thì bị đại liên phòng không nó chỉa thẳng bắn như vãi trấu, cùng 82 ly và 130 yểm trợ từ xa, bị thương và bị chết nằm kẹt cứng, nhưng biết rút đi đâu nằm chịu trận chờ tụi mày lên giải vây.


Ông chủ Nhà hàng nói.


-Ừ lúc đó nghe mày la nheo nhéo trên máy tao không chịu nổi dẫn một Trung Đội men bìa rừng tre lên tiếp ứng. Tụi tiền sát viên cho biết tụi nó nằm dưới các bụi tre, tụi tao dùng cây tre dài cột lựu đạn thành chùm thọc vào giật sợi dây rút chốt hàng loạt lựu đạn nổ một lần 5 quả, 4 năm cây sào tre chơi một lần, tụi nó bị bung nắp hầm lớp chết lớp bung chạy bị bắn không còn một mạng.


-Tụi Dù bàn giao ngày 27 tháng 7 cho tụi mình để tái chiếm Cổ Thành và Thị xã Quảng Trị.


Anh em mình chết nhiều trong trận này. Mẹ! họ thật vô lý tái chiếm cái Cổ Thành để đàm phán trên bàn hội nghị. Xương máu chúng ta đổ ra rồi họ chạy làng năm 1975. Tiểu Đoàn Trâu Điên tan hàng ngày 29 tháng 3 ở Đà Nẵng, mà tụi báo Pháp luật Việt Cộng lại cho xuất hiện tại Rạch Chiếc ngày 29 Tháng 4 và thêm Trâu Điên tại nhà máy Điện Sài Gòn bị Quân Giải Phóng bắt cởi áo quần. Mẹ! láo không chịu nổi.


-Lúc đó tao về Lữ Đoàn 468 rồi, bảo vệ Tổng kho Long Bình chạy về Vùng 4, tao vào rừng với Hòa Hảo, anh Sáu Cua nói.


Nam ngồi nghe hai ông quan TQLC đánh trận một cách thích thú thì đã gần 2 giờ khuya bà vợ xuống nhắc


-Thôi khuya rồi các anh ngủ mai đánh tiếp


-Anh Tuấn đứng lên lảo đảo chị vợ dìu lên lầu, Nam và Anh Sáu về phòng ngủ một giấc đến 10 giờ sáng thì mùi Phở thơm ngát tỏa ra từ phía bếp


-Biết mấy anh thèm Phở em đã hầm nước súp hôm qua với xương và gà già,


-Ai dạy em nấu các món ăn Việt vậy?


-À, khi còn ở Sydney, mấy chị bạn người Việt dạy, bạn em toàn Việt Nam.


-Mà em quen ông lính Thuỷ đánh bộ này trong trường hợp nào? Anh Sáu hỏi


-Thì tình cờ thôi, lúc đó em mới 22 hay 23 gì đó, gặp ổng nơi nhà con bạn Việt Nam ổng nhìn em rồi đá lông nheo, em chơi nghịch đá lại rồi dính luôn, ông này lính nên em thích và thích luôn lối đánh như Trâu Điên của ông trên tình trường.


-He he, kể ra cũng mùi mẫn lúc đó em biết nó là Sĩ Quan không ?


-Không!  nhưng thích đôi mắt nhìn em như ngây dại của một con Trâu


- Ê mày điều tra hơi kỷ à nghe. Ông Tuấn vừa xuống lầu nói


-Thôi ăn đi, rồi dạo một vòng ra biển, tụi mình còn nhiều thời gian nếu tụi mày còn thích nơi này


Anh Sáu nói - Thôi có lẽ tụi tao lên đường chiều nay để mày làm ăn khi nào tao quay lại Cairns ghé mày chơi lâu hơn


-Mày tính làm Papillon hoài sao Sáu?


-Vết thương lòng chưa lành tao không quên vợ tao được


-Một người đàn ông thật chung thủy. Linda vợ anh Tuấn buông đũa nhìn anh Sáu nói.


Chia tay vợ chồng Tuấn, con Ngựa Xích Thố lại nổ máy lên đường về Queensland.


Con lộ 39 dài thênh thang vắng xe Truck ban ngày, họ chạy đêm vì ban ngày dễ buồn ngủ đến Queensland thì đã chiều.


Thằng bé con anh Sáu mừng rỡ khi Cha nó về. Thật tội nghiệp, mồ côi Mẹ, vắng Cha nó như một Cánh hoa Chùm gửi ở với bà Cô em của Cha, nó năm nay đã 10 tuổi nhìn đôi mắt đen và buồn, Nam chợt nhớ đến phận mình cũng giống nó.


-Dad, don’t go away please stay here with me


Thằng bé nói với Anh Sáu, nó quên tiếng Việt, nghe và hiểu nhưng không nói được nhiều


-Ok Anh Sáu ôm con vào lòng, vài giọt nước mắt rơi ra.


Nam không chịu nổi, hắn đi ra phía ngoài nhìn vạt nắng trải dài trên khu vườn đầy hoa và giàn mướp sai trái.


Một cô gái Việt Nam đang lui cui bên khóm hoa chợt ngẩng lên làm Nam choáng váng với sắc đẹp và nụ cười


-Chào anh


-Chào cô


Thì ra cô này là em chồng của em gái anh Sáu. Tim Nam đập mạnh trong lồng ngực thật lạ lùng


-Người ơi gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không?  hắn thầm nghĩ


-Em tên Kim


-Tôi tên Nam rồi đọc


-Cô gái bên hoa Em có thật


-Hay là tiền kiếp thoáng trong mơ


-Trời anh xuất khẩu thành thơ hay quá


-He he, nó thả dê em đó Kim. Anh Sáu và thằng bé cùng em gái anh xuất hiện trước hiên nhà


-Thôi rửa tay vài ăn trưa, rồi thả dê tiếp


Nghe Anh Sáu nói cô gái bẽn lẽn đi vào nhà


-Một thoáng nhìn thôi chết cả lòng. Nam đi vào hắn như vừa uống một ly rượu nồng.


-Anh Nam vừa cháy tim khi gặp Kim rồi phải không? em anh Sáu chọc


-Thôi dừng bước giang hồ đi, chú ở đây làm rể luôn, về Melbourne làm gì nữa, ông em rể anh Sáu tên Phát chêm vô


-Đâu dễ dàng như vậy, em cần phải điều tra chứ. Kim lên tiếng, anh Sáu phải khai hết về anh Nam cho em nghe?


-Tao có biết gì về nó nhiều đâu nhưng qua bạn bè nó là một thằng đàn ông em có thể tựa vào


-Chú mày phải nhanh tay lẹ chân Nam! cho mày ở đây vô thời hạn khi nào chính phục được trái tim con bé thì tính, nhiều thằng đang ngấp nghé bắn sẻ đó mày. Ông em rể anh Sáu Cua nói


- Nghe anh nói sao em thấy chùn tay quá anh Phát


-Thôi đi chú mày giả nai, thằng Lỗ Bình Sơn và Hiền già nói nhiều về mày, he he nhắm được thì nhào vô, còn không thì rút lui có trật tự đừng chạy làng nghe chưa? Anh Sáu Cua lên tiếng.


*****


-Anh Nam anh còn nhớ phương trình Mũ và logarit lớp 12 không? Kim hỏi


Nam nói -Nhớ nhưng cần phải xem lại bài tập của em, vì nơi này chương trình toán khác bên Việt Nam, ủa em đang học Nurse mà?


-Thì thử Anh xem anh học đến đâu.


Nam nghe xong thì ra con nhỏ này nó không vừa, cua không dễ mình lạng quạng nó bắt nạt ngay. Cua con nhỏ này phải dùng mánh lới, chứ khơi khơi đánh kiểu Bộ Binh không được phải chứng minh mình có học.


Trả lời và chứng minh mình vẫn còn nhớ các bài toán lớp 12 thì mọi việc đi được một bước. Nam coi như qua một ải Nhạn môn Quan.


-Nghe anh Sáu nói anh từng là một Sĩ Quan gì đó phải không?


-Hồi đó anh đi lính gì?


-He he, thì lính sai đâu đánh đó tùm lum vậy thôi,


-Ok em điều tra anh khá nhiều bây giờ anh hỏi em có bạn trai chưa?


-Đâu dính gì đến anh mà hỏi


-Thì anh biết để phòng thủ sợ bị ăn đòn khi đưa em đi chơi


-Chưa gì mà anh tự tin ghê. Dê em không dễ đâu nghe, có điều kiện là anh phải học để lấy bằng gì đó để có công việc ổn định


-Trời giờ học gì nổi cho điều kiện nhẹ bớt được không? Anh có bằng kỹ thuật Mechanical rồi


-Thiệt không? Sao không đi làm mà đi bụi?


Nam làm thinh, hắn chợt nhớ về dĩ vãng và những cuộc tình như cơn gió thoảng.


Sáng dậy chở dùm thằng bé con anh Sáu đến trường cùng anh Sáu;


-Thôi chú mày ở đây lập nghiệp xin việc làm, chứ lông bông hoài sao em


Nghe anh Sáu Cua gọi mình bằng em, Nam cảm động nhưng phân vân chuyện tình cảm là do duyên nợ đâu dễ dàng, thôi cứ cái gì gì đến nó đến.


Chơi vài hôm nơi đây Nam phải đánh một đòn tâm lý với con bé này xem nó có kết mình không! Nam thằng đàn ông vác trên vai một đống tình tim thì lỗ chỗ những vết thương lòng. Hắn ra tay thì gái gục hắn chơi đòn hồi mã thương giả bộ đi về Melbourne.


******


Sáng ra, ngựa Xích Thố nổ máy cùng Nam đi về hướng Đông Nam, chia tay gia đình anh Sáu Nam không gặp Kim để từ giã. Hắn lên xe ra đi lúc 5 giờ sáng, nhưng thấy đèn phòng Kim chợt sáng, một bóng người đứng bên khung cửa nhìn ra không nói một lời rồi, cánh cửa trước mở toang Kim chạy ra với đôi chân trần. Nam dừng lại Kim nhào lên xe với Nam.


Một cơn bão tình chợt đến làm hắn không chống đỡ nổi.


-Nếu anh thương em hãy ở lại còn không anh cứ đi


-Hai câu Thơ anh đọc làm em bối rối


-Em nói với chị dâu em là - Khó cưỡng lại một lời tỏ tình như vậy.


Cả hai trong vòng tay của nhau. Bên trong nhà Anh Sáu cua đứng nhìn ra mỉm cười


-Em gần nghỉ hè, em sẽ đi 5 tuần với anh cho hết đoạn đường Chiến Binh – ok?


-Trời em cũng biết đoạn đường Chiến Binh


-Em của Lính mà anh, mà ông già em cũng lính.


Nam không ngờ con bé này cũng biết nhiều về Lính.


-Lúc nhỏ em mê một người đàn ông như anh của em đi lính thứ dữ, nhưng khi lớn lên và miền Nam bị mất em thay đổi vì thấy chiến tranh tàn bạo quá, em muốn làm một cái gì đó để xoa dịu những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra khi Ba em và anh Hai đi tù cải tạo. Cả hai quay vào nhà thì bình minh cũng vừa lên.


-Sao cả hai cùng nhịp đập con tim rồi phải không, thằng Nam mày đánh một đòn quá hay được ăn cả ngã về không?


-Chỉ có tao mới đi guốc trong bụng của mày. Mẹ! mày không qua mắt tao.


Anh Sáu Cua bô bô cái mồm có bộ râu cá chốt. Ông nhìn đàn bà bà nào cũng cảm thấy nhột.


-Anh Sáu bộ râu dê cá chốt của anh cũng chẳng vừa anh có biệt danh Sáu Cua.


-Cua đâu cũng dính chứ đâu phải con cua trong cánh đồng ngập mặn ở Fitzroy Island phải không quan hai, Nam cười nói


-He he mày bắt đúng mạch rồi Nam; anh Phát bưng ly cà phê đưa anh Sáu nói.


Thằng Cu của Anh Sáu nó cứ theo Nam sau giờ học, Nam dạy nó chữ Việt, nó thích học với Nam vì cả nhà ai cũng bận nó lủi thủi một mình con của Cô nó thì con gái nhỏ hơn 3 tuổi không hợp với nó, thằng Cu sáng dạ và có tiếng cười trong như pha lê. Nam khoái chọc nó cười, nó bảo Nam nói giùm với Ba nó đừng đi Cairns nữa ở đây với nó.


-OK, Uncle sẽ nói, nhưng con phải học tiếng Việt cho giỏi, nhìn nó Nam nhớ lại hình ảnh mình lúc nhỏ y hệt tướng hơi du côn trán cao môi dày mặt vuông chợt khung trời ấu thơ hiện ra trước mắt, đi về phía cuối con đường có con suối nhỏ, Nam ngồi nhặt từng phiến đá mỏng như ngói ném vào mặt nước theo hình thiên cự giác, nó bay là đà rồi chìm hẳn.


-Hay quá, anh ném lại cho em xem; Kim đã đứng gần phiến đá nhìn


-Hôm nay em không đi học sao?


-Chiều đi thực tập tại Bệnh Viện gần đây. Anh buồn hả?


-Nhớ nhà ra đây ngồi. Quê anh nhiều cây Bần em biết cây Bần không?


-Em nghe nói nhưng không biết chỉ biết cây Đước


-Em cầm nghiêng miếng đá ném như vầy, giống như phi thuyền phóng trợt quỹ đạo thì miếng đá nó bay là đà trên mặt nước còn không thì nó đi thẳng vào lòng suối


-Anh giỏi toán ghê sao anh không chọn Pháo Binh như anh Hai của em?


-He he, anh không thích súng lớn nòng dài, bắn rung rinh cả đêm như anh của em


-Anh thích sờ mó máy móc hơn.


Kim đánh vào vai Nam nói


-Bắt đầu ăn nói nham nhở như anh Hai và anh Sáu rồi nghe.


Nam nhìn Kim đôi môi nàng như chờ đợi, Nam hôn vội cả hai quấn nhau bên bờ suối, thời gian như ngừng trôi …


-Anh Hai tụi em đi Melbourne cuối tuần này. Anh Hai Kim nhìn Nam nói


-Tôi giao nó cho cậu có gì thì cậu biết tay tôi.


Anh Sáu Cua cười nói -Thằng này nó câu cá có hạng mới hơn 2 tuần cá đã nằm trong chậu và lên bàn nhậu


-Anh Sáu thôi đừng làm Papillon nữa, cháu nó cần anh. Em về lại đây với anh Sáu khi giải quyết vấn đề làm ăn ở Melbourne - nhớ nghe. Nam nói và năn nỉ ông Lính Thuỷ  đánh bộ này muốn hết hơi;


-Thôi mày về lại đây rồi tính, OK!


Con ngựa Xích Thố Toyota Runner, hôm nay có thêm một người cưỡi, nó vẫn mạnh mẽ trên đường Thiên lý xuôi Nam, ghé Newcastle thăm bến cảng.


-Anh nơi này có nhà hàng Việt mình vào ăn cũng ngon lắm cần thăm bạn anh không?


-Chắc không đâu em. Anh thích mình không vướng bận, chuyện bạn bè tính sau.


Quán vắng chủ đang ngồi ngáp ruồi thấy khách chỉ có 2 người ông chủ uể oải đứng dậy chợt mừng rỡ


-Nam mày lên đây hồi nào, rồi nhìn sang Kim cười một nụ cười dê tận mạng


-He he, Em nào vậy


-Vợ tao tên Kim - Đây là Thông bạn cùng đơn vị


-Mày lấy vợ hồi nào sao không cho tao hay


-Toàn dê nhi đồng không hè.


Nam nghe ông bạn nói muốn đi ra khỏi nhà hàng, tánh nào tật đó tên này không bỏ cái lối nói chuyện vô duyên.


Kim không vui nhưng cũng gượng cười khi ông bạn Nam địa mình kỹ quá, toàn chiếu bí nơi chỗ hiểm. Một tên dê đạo lộ có tiếng nơi này, có lần bị vác dao rượt vì kêu một ông bằng tuổi mình bằng Bác có đứa con gái tuổi Teenage, cho nên có biệt danh là Thông thích nhi đồng.


Món hủ tiếu tôm thịt nấu cũng ngon, bà vợ cứ nhìn Kim rồi nhìn Nam như muốn nói gì nhưng lại thôi, ăn xong thì chủ quán không lấy tiền, Nam để tiền lại trên bàn rồi đi ra.


-Nam tối đến nhà tao gần đây nhậu mày làm gì né tao dữ vậy? bạn bè cùng đơn vị gặp nhau mừng quá


-OK! Chiều tao tính sẽ gặp mày sau.


Nam không ghé thẳng đường về luôn Sydney, tình yêu như mật ngọt cả hai hạnh phúc trong những buổi long nhong trên phố, hay trên bãi biển vắng người, nơi đậu con Xích Thố đã đóng bụi đường sau chuyến đi xa.


Ghé những nơi sầm uất của người Việt hòa vào dòng người ly hương họ có những món ăn đầy ấp tình quê.


image018Cabramatta, khu Phố Việt.


-Anh muốn ăn bánh xèo Phan Thiết hay mì Quảng. Quê anh đến đây sẽ có, Kim nhí nhảnh nói


-Em có tâm hồn ăn uống ghê he, chỗ nào cũng biết


-Tại theo anh và chị dâu em đi chơi nên biết nhiều món ăn.


Mùi bánh xèo đổ trên một cái chảo nhỏ vàng rụm giống hệt quê mình, Nam khoái quá ăn no luôn.


-Bên đây họ mang hết hồn quê sang nơi này, rau cải không thiếu thứ gì mình đâu cần phải về VN phải không anh?


-Nhưng thiếu hơi đất sau cơn mưa lớn và thiếu gió Xuân, nơi đây chỉ có Mai giả bằng giấy


-Anh đòi hỏi nhiều quá


-Anh chỉ nhớ thôi mà em, mình dạo chơi hết Sydney đêm nay, mai đi lên Blue Mountain ghé thăm Mount boyce em thấy sao?


-Em chưa đến đó, khoảng bao xa Anh?


-Khoảng 50Km, chừng hơn nữa tiếng lên ngủ đêm để nghe tiếng núi thì thầm, mình mua một ít thức ăn bánh mì Việt Nam đem theo.


Kim mơ màng trên ghế trước mặt, Nam lái xe, con đường đẹp vừa mới khánh thành vài tháng nên xe chạy nhanh hơn lúc trước, đến Blue Mountain trời mới 10 giờ sáng. Thiên hạ cuối tuần về đây du lịch đông nghịt những chiếc lều treo trên sườn núi vẫn còn ngái ngủ trong sương mai dù mặt trời đã lên khá cao. Ngủ trong lều bên vách núi dựng đứng khá mạo hiểm và chiếc cầu dây bắt qua bên kia bờ vách nhiều người đang thử độ gan lì của chính họ chỉ sơ sẩy thì rơi vào hố thẳm, nhưng đã có dây an toàn treo trên đầu móc vào lưng ai thích thì cứ chơi trò chơi mà ít người Á Châu nào dám thử.


-Em dám đi thang dây tử thần không? Mua vé thử chơi cho biết


-Thôi anh, nhìn xuống vực thẳm ghê quá không đi mà đã thấy chóng mặt em không thích chiều cao.


Mấy ông leo núi đang bận rộn với dây nhợ họ ghiền leo núi để tìm cảm giác cũng là một môn thể thao rất nguy hiểm, những ông tới sớm đã đu mình như những con thằn lằn, từ từ bám vào vách leo lên đỉnh cao 1.093 mét - trai có gái có.


Nam và Kim đi bộ lững thững đến một thác nước gần đó ngắm trời, cho đầu óc thoải mái hít hương rừng từ ngọn Three Sisters thổi về lồng lộng.


image020Three Sisters.


Năm 1606 người Hà Lan Willem Janszoon, một nhà hàng hải khám phá ra nơi này đến năm 1788 thì người Anh đem hạm đội đổ bộ vào Botany Bay, sau đó xảy ra một trận chiến gọi là trận Parramatta vào năm 1797 do một người thổ dân tên Pemulwuy dẫn 100 Bidjigal gọi là Chiến binh - tấn công vô một doanh trại lính Anh với giáo mác và cung tên, đa số chiến binh thổ dân Úc  bị đạn chết và Pemulwuy bị bắn gục, được cứu chữa do một Sĩ Quan người Anh đem về trạm cứu thương vì lý do cảm phục, rồi ông ta trốn mất với sợi xích còng chân, sau này mới có khu Parramatta mình vừa ghé hôm qua mua đồ đó.


-Anh có học hết lịch sử Úc không mà kể hay quá


-Anh nghiên cứu và nói được ngôn ngữ thổ dân, họ gọi lỗ mũi giống như mình, nhiều từ giống lắm anh rất ngạc nhiên vì nguồn gốc thổ dân Úc từ Phi Châu họ đi về Đông Dương định cư tại đó rồi di chuyển sang lục địa Úc, lúc đó còn dính với Á châu cách đây hơn 6 chục ngàn năm, như bức tranh khắc trên đá Ubirr cách đây 30.000 ngàn năm mà vẫn đẹp nét không phai mờ; thật ra mình sống nơi này là thừa hưởng di sản văn minh của Tây phương chứ thổ dân Úc - họ chỉ biết lượm trái và săn bắn, không có hình thành một cộng đồng chắc chắn, nên tụi Anh mới chiếm được dễ dàng.


-Anh nói vậy chứ tụi Pháp nó chiếm nước mình 80 mươi năm khi chúng ta có đất nước có quân đội có Vua có một quá khứ chống ngoại xâm thì sao?


Nghe Kim nói Nam ngọng, con nhỏ này nó cũng không vừa chứng tỏ nó phản ứng nhạy bén


chắc mình phải cẩn thận.


-He he, sao tắc tị vậy, nghe nói trên thì thông thiên văn dưới đạt địa lý, kiến thức rất sâu rộng


-Anh bắt đầu cảnh giác với em, không ngờ em cũng biết khá nhiều, ngủ đây một đêm mai mình đi Swan Hill,


-Anh có ai quen ở đó không?


-Không chỉ muốn thăm nếu tiện đường muốn về thăm cội nguồn dòng Sông Murray và câu cá, em muốn không?


Thật ra Nam muốn về thăm lại cảnh xưa lúc chân ướt chân ráo hắn đã đến đó và có những kỷ niệm vậy thôi. Một khoảnh khắc thời gian nhưng nó như một dấu ấn trong cuộc đời ly hương.


Đêm đến vách núi Mount Boyce, lung linh ánh đèn từ những chiếc lều, những du khách thích tìm cảm giác lạ, họ ngủ trong đó như những con đom đóm lập lòe nhấp nhánh khi gió mạnh.


Ôm Kim trong vòng tay, Nam bắt đầu thám hiểm một khu vườn mới đang Xuân. Tiếng thở tiếng thì thầm tiếng rung động của chiếc xe như con thuyền trên sông vắng.


Kim đáp lại nồng nhiệt rồi cả hai lăn ra ngủ đến mặt trời lên gần đỉnh đầu, vào phòng tắm công cộng tẩy rửa bụi vô thường.


Xuống quán mua cà phê, ngâm nhi ăn sáng, xong con ngựa Xích Thố ra Quốc lộ 31 đến Wagga Wagga rẻ quá Quốc lộ 39 con đường 850 cây số.


Kim lái nàng lọng cọng với số tay nên vô số con ngựa Xích Thố lồng lên rồi tắt máy, hai ba lần rồi bon bon trên con đường còn 400 cây số nữa; đi ngang qua đường xưa lối cũ Nam nhớ đến chuyến đi cách đây 9 năm cũng con đường này về Swan Hill, rồi nhắm mắt thả hồn theo tiếng Nhạc đồng quê.


Đến SWan Hill trời cũng vừa tối ghé vào cái quán Bar gần Bưu Điện nhâm nhi ăn tối, nơi này Nam cũng đã từng đến giờ thay đổi nhiều, không ai nhận ra thằng Chine năm xưa, đám múa cột toàn dân trẻ và đám anh chị có số má chắc giờ cũng già, nhưng có một tên nhìn Nam rồi đến bàn hỏi


-Hi, are you Master Bruce?


-Nam nhìn lại thì ra thằng đệ tử con ông đại gia. Hắn ôm choàng lấy Nam


-He he, ông Thầy biến đâu lâu quá tôi không gặp, và ai đây?


-Vợ tao


-Master về đây thăm ông Dr Williams và anh em thằng Mark hả ?


-Nhớ nơi này tao chỉ ghé thôi, tối nay tao về Melbourne.


Nhưng tụi đệ tử sau một cú phone thì kéo đến gần chật cái club,Kim ngạc nhiên


-Trời, anh khá nổi tiếng nơi này.


Cả bọn không cho Nam đi, chúng vác Nam lên vai nhào lên nhảy múa, book cho một phòng sang trọng nơi Resort gần sông Murray.


Kim đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, không ngờ ông Nam này ghê thiệt.


Tối về phòng sau 12 giờ đêm Nam say bí tỉ mấy đệ tử ép uống dữ quá, hẹn sáng gặp, nhìn khuôn mặt Nam đang ngủ vùi, Kim cảm thấy vững chãi khi hiểu hết nguồn cơn tại sao Nam muốn về thăm Swan Hill thì ra ông thần nước mặn người Phan Thiết này đã từng làm việc nơi đây.


Vừa sáng thì đám đệ tử hai thế hệ kéo đến chật gần 200 đứa.


Mr Bruce của tôi. Họ tổ chức một buổi đón Nam tưng bừng đem theo một bộ đồ Võ cho Nam mặc vào rồi kéo về một Võ đường ở Murrawee. Một tấm hình Nam đứng với võ sinh và tấm hình đá bay nổi tiếng của hắn treo trang trọng trên tường.


Trưởng tràng Linh trường Sakura Karate, đời thứ hai Sam trân trọng kéo Nam lên bục nói vài lời. Nam cảm động nhìn phía hàng ghế Kim đang ngồi nói với đám môn sinh Úc,


-Thầy rất vui khi về đây, đúng như lời hứa nhưng đã lỗi hẹn vì chuyện nước non, vắng 3 kỳ, tức 3 năm, hôm nay Thầy mong các võ sinh hãy cố gắng học tập kỹ thuật và trao dồi tinh


thần Karatedo như thầy đã dạy năm xưa, chúc mừng các võ sư và võ sinh.


-Hi Master, năm tới nhớ về nha, chúng tôi chờ ông.


Về lại Resort thì có tin nhắn của ông Dr Williams đã về hưu và bệnh xá Murrawee đã giải thể.


Nam và Kim đến một viện dưỡng lão thăm ông Dr. Gặp Nam ông rất vui khi biết Nam có vợ cả hai không nhắc gì đến chuyện cũ của ông thần nước mặn Nam này. Tm sự với ông nhiều chuyện rồi ra về; ông Dr Williams ráng đưa ra cửa, Nam ôm ông hẹn năm sau đúng tháng này sẽ lên thăm ông, ông gật đầu cười hàm răng đã rụng hết.


-Trời Anh giấu em nhiều chuyện Master Bruce. Thật ra anh là ai?


-Anh là hạt bụi Vô thường


-Bám trên mảnh vỡ con thuyền nổi trôi.


-Em hài lòng chưa?


-Thôi khai thiệt đi để em tha thứ, còn không thì em rất khó chịu khi anh dấu em nhiều quá


-He he thì từ từ em làm gì nóng vậy


-Anh muốn thăm một cô gái, em đồng ý không?


Nhưng Jenny con ông Dr Williams không có nơi này nàng vắng mặt, hỏi ông chủ Bar ở Murawee ông nói nàng nghỉ vài ngày đi Sydney. Nhìn tấm hình Nam và một ông bạn Việt trên tường ông chủ Bar hỏi,


-Mr Bruce khỏe không? how about Duck superman


Nam cười nói – OK, cám ơn ông hắn khỏe luôn


-Hai đứa bây ăn gì không tao đãi


-Thanks, tụi tôi đi ngay hẹn khi khác


-Lâu lắm mới gặp lại sao mày đi vội quá!


-OK, chúng tôi ăn trưa với ông. Hai đứa tôi quay lại khoảng 1 tiếng nhé ông chủ Bar vui ra mặt.


Kim cứ thắc mắc hoài tấm hình và cô gái Úc làm ông Nam đau cái đầu.


-Thôi mà em, bạn thôi


-Có leo lên giường không? Cái mặt anh em nghi quá không ngờ em lại quen một ông giang hồ tung cánh. Anh Sáu cua Papillon còn thua anh nữa. Kim muốn khóc. Nam sợ nhất đàn bà khóc. Rất mệt, hắn im không nói gì hết, đúng hẹn ăn cơm trưa với ông chủ quán Bar. Ông đãi hải sản, và có cơm chiên Dương Châu, người đầu bếp Tàu làm ăn rất ngon, xong bữa ăn Nam bắt tay ông chủ quán chia tay ông bịn rịn như một người bạn thân.


 Kim tra hỏi tới tấp khi lên xe về Melbourne nàng không vui vì quá khứ mập mờ hư ảo của ông Nam có tên Master Bruce.


-Lee là tên Tây. Anh có tên Tây là Bruce. Anh thích dòng họ Lý. Vua của Việt Nam mình nên khi về Lào mới có tên này.


-Anh xạo vừa thôi. Anh đến Swan Hill năm 1978 anh về Thái Lan năm 1984, bây giờ là 1986 thì tên Tây từ đâu ra


-Thì anh đá bay giống Lý Tiểu Long tụi Úc nó gọi anh là Bruce Ly


-Thật nể cái mồm dẻo của anh luôn. Kim cười nói - từ nay anh phải tu tỉnh? Em sợ mấy ông lăng nhăng lắm


-Tại vì anh số đào mồ ý quên đào hoa, ba anh chấm Tử vi nói mà, số mình nó dzậy thì phải chịu thôi!


-Đúng là già cái mồm, Kim nói, nhưng lại khoái mới chết chứ hồi tới giờ mấy ông Việt cua mình có ông nào như ông này làm Thơ hay viết văn giỏi mà lại thông minh nhiều thứ kể cả gái gú, mà lính thì chịu thua luôn, nhìn đôi môi tham lam của ông Nam này mình chịu không nổi những cú hôn như gió chướng và những cú húc như sóng vỗ bờ tê - người Kim lại thích mới lạ.


Nam như như con bò Tót lừ đừ khi yêu, thôi mình phải cột chặt hắn lại bò Rừng thường long nhong lắm phải xích hắn lại bằng đôi tay nồng ấm mình không nhỏ nữa.


Về Melbourne Nam chuyển nhượng hết việc làm cho chủ mới lấy tiền rồi dẫn Kim đi thăm Geelong bằng con ngựa Xích Thố nó đã đi một đoạn đường thêm gần 5 ngàn cây số nữa tổng cộng là 158.000 trên đồng hồ cây số Cluster.


image022Geelong City


Đi The Grampians National Park phía Bắc Melbourne ngọn núi thiên nhiên tuyệt đẹp và hùng vĩ, rồi đi hang động Buchan caves ở Gippsland, ghé suối nước nóng ở peninsula Mornington, đến Snowy River, ngắm một dòng sông băng giá đóng tuyết, thật sự muốn tìm rừng, hay những núi đồi đẹp vào mùa Thu chẳng cần đi đâu xa.


Nam và Kim hưởng thụ những gì hiện có, cuộc đời thật ra nó rất ngắn nếu biết tận dụng nó sẽ có ích hơn là chạy theo đồng tiền Nam và Kim giống nhau chuyện này,


Những ngày còn lại Nam đi hết để nhớ một thời mình đã qua. 


-Em về lại mình đi máy bay hay em thích đi xe


- Em ngán rồi đi máy bay đi con ngựa này bỏ lên xe truck chở về Queensland


-Ok.


Melbourne những ngày đầu tiên đến đây với một bộ đồ duy nhất, và đôi dép hai màu. Nam nhói tim khi muốn đi nơi khác sống, dù một Thành phố mang tên một ngày có 4 mùa ai cũng ngán mưa nắng ấm lạnh bất thường như một cô gái đến tuổi chướng nhưng rất êm ả, người dân lái xe nhường đường lịch sự không ồn ào hấp tấp, một nơi đáng sống có hạng trên thế giới được bình chọn 1 trong 10 thành phố tốt nhất.


image024Buchan Caves Melbourne.


Thật ra nếu không gặp Kim, Nam sẽ ở lại đây cho trọn cuộc đời dù rằng có những trái đắng vừa qua. Sông có khúc người có lúc, hãy vui lên và làm lại cuộc đời.


-Kim cớ sao buồn nè Kim. Nam hát lên chọc nàng Kim vừa thức dậy nghe tiếng hát vui của Nam nàng hôn hắn


-EE, em đánh răng chưa hôn ẩu vậy?


-Em cắn cho anh chạy nọc luôn em chưa đánh răng haha sợ sao?


-Về Queensland em còn một năm nữa là xong Registered Nurse, mình lấy nhau sanh con cho anh nối dòng.


-Mà em cũng mồ côi mẹ khi em lên 9. Lúc Việt Cộng vào bà Nội nuôi em, Ba và anh Phát thì đi tù cải tạo, Mẹ bệnh không có tiền mua thuốc nên mất, cho nên em cảm thông cho những ai không còn Mẹ.


-Em đọc cuốn tất cả những dòng sông đều chảy của Nancy CaTo chưa?


-Cũng được không hay lắm, anh viết chắc hay hơn


-Sao em nghĩ vậy?


-Anh người nhiều cảm tính, cách viết của anh bày binh bố trận rất hay dù hư cấu, em có đọc một vài bài viết của anh trong tập san Bất Khuất anh Phát có, lúc đó như năm 1984 thì phải; một Quân Sư quạt mo, với bút hiệu Song Thu mà chị dâu em nói sau khi gặp anh mấy hôm trước, lúc em khen hai câu thơ của anh.


-Thôi em đưa anh lên rồi cho rớt cái đụi chết anh


-Thiệt đó lúc đó thấy tên Song Thu em nghĩ là con gái ai nhè là anh, lý do sao anh lại lấy tên này?


-Song là đôi, Thu là mùa Thu, là hai mùa Thu vậy thôi, bí danh trong Tổ chức lấy đại cho có lệ vậy mà.


Ghé thăm và dẫn Kim đến nhà một vài người quen, để giới thiệu rồi chơi vài ngày. Nam và Kim đi chuyến bay sớm nhất sau khi gởi con ngựa Xích Thố về Queensland bằng xe Truck.


Chiếc phi cơ take off đúng giờ, Kim ngái ngủ trên vai Nam như con mèo sau một đêm bên nhau nơi bờ biển Geelong; nàng nói


-Em cám ơn trời đã cho em một người chồng tuyệt vời em chết lịm trong cảm giác thật lạ từ nơi anh như em đọc cuốn sách của bà già trầu Hồ Trường An viết về cặp vợ chồng nhà quê làm tình trong căn chòi lá bên bờ sông Hậu -Trời ơi! anh giết em đi, đâm đi đâm lút cán mạnh dzô, ôi thằng mắc dịch, đã quá bớ làng trên xóm dưới ơi!  Củ khoai từ nó giết tui hự hự.


-Anh có đọc ông Nhà văn lại cái đó, viết sống động chắc lúc nhỏ ông rình người ta làm tình rồi nhập luôn trong đầu


-He he, em zrâm đoản như người đàn bà trong truyện. Kim cười đỏ mặt. Ông Tây ngồi gần hơi khó chịu hỏi


-Bộ tụi mày vui lắm hả - đêm qua đã không?


Nam và Kim đứng lên đi về phía hàng ghế trống tự do ngồi, tụi tiếp viên thông cảm.


-Hồ trường An viết hay, truyện của ông gần gũi và chân thật như người dân quê chất phác. Nam nói, phải chi anh và em ở Hậu Giang ra bờ sông hự hự đã lắm.


Kim nhìn Nam bằng ánh mắt của con mèo trong thời kỳ động đực rồi ngủ tiếp.


Cơn mưa đá bất chợt khi phi cơ bay vào không phận Queensland, tiếng nhắc cài dây an toàn của phi công, và tiếng lục bục vang lên chào đảo như thân phi cơ bị nứt, làm mọi người lo âu. Các túi khí bung xuống mọi người đeo vào dường như có tiếng gọi.


-May day may day của phi công, Kim sợ quá ôm chặt Nam. Một ánh chớp lóe lên xanh lè bên cửa sổ, phi cơ rơi xuống tự do hành khách như bay lên dù đã cài dây an toàn, nàng ói liên tục. Nam bấm nút gọi tiếp viên thì phi cơ ổn định khi qua khỏi cơn bão.


Phi cơ còn 10 phút nữa đến Queensland - Kim tươi tỉnh lại sau khi uống một ngụm sữa nóng tiếp viên mang lại.


Anh Phát và Anh Sáu Cua ra đón thấy Kim tái nhợt thì lo âu,


-Nam nói phi cơ bị bão tưởng rơi


-Lên xe em ngồi phía trước tụi anh phía sau. Anh Sáu nói và dìu Kim. Nam khuân hành lý.


Về nhà, Nam lo cho Kim chu đáo. Anh Kim và Anh Sáu rất vui lòng nhưng trong ánh mắt bà chị Dâu có tia nhìn thoáng lạ.


Nam đọc được là bà đàn ghen hạnh phúc của cô em chồng khi Nam chăm sóc Kim.


-Thôi kệ ráng cho Kim xong năm học mình sẽ mướn nhà, Nam nghỉ thầm.


Nhưng Trời già như còn ghen tuông, để cho người khóc thương.


Khi Kim phát hiện mình bị bướu tử cung nàng chết điếng khi đi siêu âm một tháng sau khi từ Melbourne về Queensland.


Cầm kết quả trong tay Kim không nói với ai một lời.


Nam có việc làm hắn đang vùi đầu với các chiếc xe máy cày tại Công ty Farm machinery Engineering.


Nhà thương sắp xếp để mổ. Bà chị Dâu xầm xì với anh Kim mọi việc đến tai Nam hắn lo âu. Kim thì lánh mặt Nam lúc này. Nam mướn một căn phòng nhỏ ở gần nơi làm cuối tuần mới về.


Nam chết điếng khi nghe, nhưng hắn trầm tỉnh tìm cách gặp Kim. Kim nắm tay Nam khóc trong nước mắt,


-Em đi siêu âm buồng trứng và tử cung em có vấn đề có thể không sinh con được.


Nam ôm Kim an ủi không có gì phải lo - Con cái tùy theo phước phần. Anh chấp nhận miễn mình yêu nhau là đủ.


-Anh Phát đã nói cho anh rồi em à 


-Anh Sáu Cua nói mày tính sao Nam?


-Đâu có gì, em nghỉ mổ xong rồi mọi chuyện sẽ êm Kim quá lo thôi


-Tuỳ chú quyết định, tụi anh không biết làm gì trong lúc này, em để Kim nó an tâm, bên nó có em nhé.


Nam nói - Em hứa yêu thương Kim.


Nhưng Kim biến mất sau khi mổ xong. Nam chỉ thăm một lần trước khi mổ. Nam trở lại đi làm.


******


Lá thư Kim để lại làm Nam điếng người.


-Anh em không muốn để anh thành người không con nối dòng, em đã có con đường mình chọn, cám ơn anh những ngày tháng hạnh phúc, Anh đã mang lại cho em thật tuyệt vời.


Lá thư vỏn vẹn 2 hàng đầy nước mắt, Nam hoảng lên hãng xin nghỉ việc vài ngày tìm Kim. Một Tu Viện rất xa chỉ có anh Phát biết nhưng anh không nói.


-Thôi Nam, nó tìm đến Chúa làm niềm vui, Chú nên thông cảm


-Nhưng em muốn gặp Kim lần cuối.


Cuối cùng anh Sáu Cua khuyên anh Phát


-Mày đưa địa chỉ đi để nó khổ tao không chịu nổi Phát à. Trời ơi!


Thằng bé con anh Phát nói,


-Dượng đưa địa chỉ con và chú Nam đi tìm cô Kim về.


Nam một mình lái xe ngược hướng Bắc đến một Tu Viện các bà Sơ cách Queensland 200 cây số. Tu viện xám xịt màu đen rộng lớn, cánh cửa đóng chặt không có hẹn không ai tiếp.


Bấm chuông inh ỏi thì một bà Sơ già đi ra. Nam đưa hình Kim nói,


-Tôi muốn gặp cô gái này


-Không có ai tên này và người trong hình này ở Tu Viện này - thưa ông?


-Nam quỳ xuống – Please, I’m her husband.


-Quy định của Tu Viện Công Giáo nữ Tu không được tiếp xúc với nam giới, ông về đi để lại tên, tôi sẽ đệ trình lên bề trên.


Nam thất vọng đậu xe trước cổng Tu Viện và ngủ trong xe. Nam khóc thương cho thân phận Kim và chính mình sao trái ngang.


Bắt phong Trần phải phong Trần


Cho Thanh cao mới được phần thanh cao (Nguyễn Du).


Nửa đêm Nam đang mơ màng thì một người nữ tu trẻ đi ra ánh sáng choáng chói loà gõ cửa xe nói - Thôi! ngươi về đi, đó là ý Chúa, đừng làm vướng bận người Tu.


Nam gào khóc thảm thiết không chấp nhận ý Chúa, hắn nói là bất công với một thiếu nữ mất mẹ và nhiều đau khổ trong chế độ cộng sản, lòng Chúa nhân từ xin cho Kim bớt bệnh. Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được làm phân ly. Nam nói với người nữ tu trẻ, nhưng tiếng cười trong vắt của người nữ tu xa dần rồi biến mất. Nam choàng dậy mồ hôi đổ ra như tắm. Bên trong Chủng Viện dường như đến giờ cầu kinh.


Người nữ tu già lại đi ra mở cửa cho xe giao thức ăn. Nam nhào chạy vào kêu lớn,


-Kim. Kim. Anh muốn gặp em lần cuối. Cả chủng viện hoảng loạn khi có một tên đầu đen la toáng lên. Mẹ bề trên đi ra, Nam van xin bà đã biết và đợi Nam bình tĩnh, nói


-Theresa Kim không muốn gặp con hãy về đi.


Nam khóc nhìn lên ô cửa sổ thấy một ánh mắt nhìn mình rồi biến mất.


Kim đau từng cơn khi thấy Nam quỳ phía dưới sân Chủng Viện gọi tên mình, nàng muốn chạy xuống ôm Nam nhưng có một cánh tay để lên vai,


-Con cứ quyết định gặp hay không. Tiếng nói xa dần của Sơ già về phía cuối hành lang.


Kim nối gót chạy theo về nơi phòng mình, bên tai vẫn còn nghe tiếng van xin của Nam.


Nhân viên giao hàng đến kè Nam ra theo lệnh Sơ bề trên cánh cổng sắt đen sì đóng lại, tiếng tiếng kêu não ruột của loài chim gì đó vang lên.


 -Đi về đi về rồi mất dạng.


Nam không còn chút hy vọng Kim hồi tâm nàng đã quyết định chôn chặt đời nàng nơi Chủng Viện, như Lan cắt đứt dây chuông khi Điệp đi tìm trong chuyện tình Lan và Điệp.


Nam gọi điện thoại cho anh Sáu Cua và anh Phát nói mình về Melbourne chôn chặt niềm đau.


Anh Sáu lặng thinh một hồi nói - thằng Cu anh nó chờ chú về hai hôm nay, thôi, nếu Chú quyết định tôi chúc Chú thượng lộ bình an.


-Anh Phát nhớ nhắn với Kim là em chờ Kim hồi tâm đến sang năm. Chúc anh mạnh khỏe. Nghe một tiếng nghẹn của anh. Nam buông ống điện thoại.


Con Xích Thố lại xuôi Nam chỉ mình nó và Nam đơn độc trên đoạn đường hơn 800 cây số. Nợ cuộc đời Nam phải trả hết, cho những đoạn trường sau này.


Năm 1988, Kim ra đi vĩnh viễn căn bệnh không chữa được. Nam thẫn thờ, hắn vội đi Queensland để tiễn đưa Kim lần cuối. Thằng bé con anh Sáu lớn bộn chạy lại nói


-Chú Nam về đi Cô Kim lên Thiên đàng rồi kìa nhìn đi.


Trên bầu Trời rực nắng một bóng mây giống một thiếu nữ chập chờn rồi tan loãng.


-Kim ơi, Nam gục mặt trên tấm bia mộ Theresa Nguyen Thi Hoang Kim 1966-1988.


Anh Sáu Cua dừng bước giang hồ, gần hai năm lúc này anh đã ở riêng một Mobile Home nhỏ gần một cánh rừng và con suối nước trong vắt. Nhìn Nam ngồi trên phiến đá nói,


-Thôi em ở đây đi về Melbourne lạnh lẽo làm gì ?


-Em quen rồi anh, em đến đó khi từ trại tị nạn, dù thế nào đi nữa em cũng về đó sống nốt quãng đời của mình, không có cái nóng dài đẳng như nơi này về mùa Hè. Đông thì lạnh, tuy không bằng Bắc Âu nhưng em thích cái thành phố lúc nào cũng phải chuẩn bị cái áo lạnh trong xe - he he.


Anh Sáu chắc lưỡi - Tội con Kim nó vẫn thương chú cho dù đã chôn chặt cuộc đời trong Tu Viện; những ngày cuối cùng nó đau đớn với căn bệnh, lúc mất trong tay nó cuốn ...


 -Tất cả những dòng sông đều chảy, hôm nay thằng Phát đưa tôi trao lại cho chú.


Nam cầm lấy cuốn sách gói trong một tấm giấy màu vàng nhạt, bên trong cuốn sách có những trang ố đọng dường như là nước mắt thấm vào hình Nam và Kim nằm trong một trang hay nhất của cuốn sách 30-31.


Lúc Philadelphia gặp thuỷ thủ Brenton Edwards, tình yêu mãnh liệt rồi họ kết hôn. Tranh của Philadelphia được giá và có tên tuổi.


Nam thở dài cầm cuốn sách ra bờ suối trong một sát na, Nam muốn nhảy xuống vách núi cuối khu rừng thông bạt ngàn, hắn cảm thấy cuộc sống nghẽn đường, nhưng bên tai nghe tiếng văng vẳng,


 -Đừng, Anh phải sống - tiếng Kim như hơi gió


-Chú Nam ơi, ở đây với Ba và con chờ cô Kim về, con thấy cô Kim đêm qua trước giường của Chú


-Thật sao con?


-Thật mà khuôn mặt thằng bé trả lời rất thành khẩn. Anh Sáu Cua làm thinh một hồi rồi nói


-Tôi cũng thấy con bé lúc chú ngủ mê, chắc nó về thăm chú.


Nam bần thần, mình cũng thấy Kim về đêm qua, một cơn mê lạ lùng, Kim nói sẽ theo phù hộ cho hắn, và khuyên hắn về Melbourne để trả nợ cho hết kiếp người. Hắn đổ mồ hôi choàng  tỉnh.


Ngựa đã mệt mỏi Nam về Melbourne không đi đâu nữa.


-Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa


-Cho tôi về đường cũ nên thơ …


Tiếng ca Thái Thanh ngân vang Nam tắt máy, hắn mơ và sống với quá khứ nhưng vẫn chu toàn trong cuộc sống hiện tại, quá khứ làm cuộc sống tốt đẹp hơn nếu ai đó thông cảm, còn không cuộc đời sẽ là chuỗi ngày không vui khi một tâm hồn nhỏ nghen ganh tị với dĩ vãng thì sẽ không dung hoà được với nhau.


Nam đã biết trước cuộc đời mình đầy trắc trở với cuộc hôn nhân vội vàng năm 1990; hai năm sau khi Kim mất, từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ, nhìn lại mình đời đã xanh rêu (TCS).


Dòng sông Murray và Darling với dòng chảy là 3.750 Km của Úc vẫn chảy không bao giờ ngưng, từ Bắc Victoria, Nam Queensland và Nam Úc là biên giới thiên nhiên của Victoria và New South Wales.


Nam chết lặng khi cuốn sách bị xé nát tấm hình Kim và mình biến mất khi người vợ đầu tiên hiện hình là một phù thủy gớm ghiếc với khuôn mặt đẹp, hả hê khi hủy diệt những kỷ niệm của một cuộc tình.


Nam đem ra bờ sông đốt và rải tro xuống một phụ lưu của Murray River. Lòng Nam bây giờ quá mỏi mệt chỉ muốn nhắm mắt nhảy vào dòng sông đang chảy với bụi tro của cuốn sách. Tất cả những dòng sông đều chảy./


image026Murray River


Melbourne đầu tháng 11 Năm 2021 khi mùa Xuân đã về.


Phan Nhật Bắc


* Sửa lần đầu và thêm hình ảnh.