Phnom Penh: ASEAN 2022 khai mạc; G20 Bali chuẩn bị đón Biden & Tập; Putin không đến dự

12 Tháng Mười Một 20227:40 SA(Xem: 2308)

VĂN HÓA ONLINE – CHÂU Á THÁI B DƯƠNG – THỨ BẨY 12 NOV 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Phnom Penh: ASEAN 2022 khai mạc; G20 Bali chuẩn bị đón Biden & Tập; Putin không đến dự


11/11/2022


image015Lãnh đạo 9 thành viên (trừ Miến Điện) tại thượng đỉnh ASEAN, Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 11/11/2022. AP - Vincent Thian


Thanh Phương


Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 40 và 41 đã chính thức khai mạc hôm 11/11/2022, tại Phnom Penh, Cam Bốt.


Khủng hoảng Miến Điện sẽ là chủ đề bao trùm. Tại thượng đỉnh Phnom Penh, các lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận về những hành động cứng rắn hơn đối với Miến Điện, nếu khủng hoảng chính trị tại nước này kéo dài.


Từ thủ đô Phnom Penh, đặc phái viên Thanh Phương tường trình:


Một hình ảnh mang đầy tính biểu tượng: Đứng trên khán đài để chụp hình lưu niệm trong lễ khai mạc thượng đỉnh ASEAN sáng nay, chỉ có lãnh đạo của 9 trong 10 quốc gia thành viên. Lý do là vì năm nay, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện không được mời dự thượng đỉnh, và chính quyền Naypyidaw cũng không làm theo yêu cầu của nước chủ nhà Cam Bốt là cử một đại diện “phi chính trị" đến Phnom Penh. 


Trong phần trình diễn nghệ thuật truyền thống của Cam Bốt ca ngợi khối đoàn kết Đông Nam Á, những hình ảnh đặc trưng của Miến Điện vẫn được chiếu lên màn ảnh lớn, cùng với hình ảnh 9 nước thành viên khác của ASEAN. Nhưng trong thượng đỉnh lần này, không loại trừ khả năng là các lãnh đạo Đông Nam Á sẽ bàn về việc khai trừ Miến Điện khỏi ASEAN, hoặc đình chỉ tư cách thành viên của nước này, nếu khủng hoảng chính trị tại Miến Điện kéo dài.


Trong bản dự thảo tuyên bố của chủ tịch hội nghị thượng đỉnh, sẽ được công bố sau cuộc họp, các lãnh đạo ASEAN bày tỏ quan ngại về khủng hoảng chính trị kéo dài ở Miến Điện, đặc biệt là về vụ hành quyết 4 nhà hoạt động vào tháng 7 năm nay.


Theo lời ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói với các phóng viên tại Phnom Penh, các lãnh đạo ASEAN sẽ bàn về những biện pháp cứng rắn hơn đối với Miến Điện nếu tập đoàn quân sự không có những tiến bộ trong việc thực hiện bản Đồng thuận 5 điểm mà họ đã ký với ASEAN vào tháng 4 năm ngoái. Thỏa thuận này chủ yếu nhắm chấm dứt bạo lực của chính quyền quân sự đối với các nhà đối lập và những người biểu tình chống đảo chính. 


Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã kêu gọi khối ASEAN cố gắng duy trì đoàn kết, nhất trí, đồng thời cho biết thượng đỉnh lần này sẽ ra Tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN về kỷ niệm 55 năm ASEAN cũng như Tuyên bố Tầm nhìn của các lãnh đạo ASEAN về “ASEAN hành động: Cùng ứng phó với thách thức”.


Thách thức đối với các lãnh đạo Đông Nam Á rõ ràng là không thiếu. Ngoài Miến Điện, thượng đỉnh ASEAN năm nay dĩ nhiên cũng sẽ bàn về những hồ sơ nóng khác về an ninh khu vực, như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau các vụ bắn tên lửa của Bình Nhưỡng và tranh chấp chủ quyền Biển Đông.


Nhưng chiến tranh Ukraina cũng sẽ là một trong những chủ đề được đề cập đến tại Phnom Penh, trong bối cảnh các nước ASEAN không có quan điểm đồng nhất về cuộc xâm lăng của Nga.


Cũng theo lời thủ tướng Hun Sen, vào Chủ nhật (13/11), Cam Bốt sẽ chủ trì Đối Thoại Toàn Cầu ASEAN lần thứ hai để các nước Đông Nam Á cũng như các đối tác thảo luận với nhau về phương cách xây dựng một khối ASEAN bền vững trong thời kỳ hậu Covid-19.


+++++++++++++++++++++++++


Hun Sen: ASEAN phải tăng cường tự do hóa thương mại


KHÁNH NHƯ


(PLO)- Tại Hội nghị Cấp cao về Đầu tư và Kinh doanh ASEAN (ABIS) ngày 11-11, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng ASEAN muốn vượt qua các thách thức kinh tế hiện tại thì phải tuân thủ các nguyên tắc thương mại đa phương và tăng cường tự do hóa thương mại.


Khai mạc Hội nghị Cấp cao về Đầu tư và Kinh doanh ASEAN (ABIS) ngày 11-11, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh và dễ xuất hiện các cuộc khủng hoảng mới, và ASEAN muốn vượt qua thì phải tuân thủ các nguyên tắc thương mại đa phương và tăng cường tự do hóa thương mại, theo tờ The Phnom Penh Post.


“ASEAN phải tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc của hệ thống thương mại đa phương và tăng cường tự do hóa thương mại để thúc đẩy khối trở thành một khu vực mở, minh bạch và bao trùm, đồng thời duy trì vai trò trung tâm và thống nhất ”trong việc xây dựng quan hệ toàn cầu và khu vực" - theo ông Hun Sen.


image017Thủ tướng Hun Sen của Campuchia chủ trì lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao về Đầu tư và Kinh doanh ASEAN ngày 10-11. Ảnh: PHNOM PENH POST


Ông Hun Sen cũng nhân cơ hội này nhấn mạnh rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đánh dấu một thành tựu quan trọng của ASEAN khi khối luôn nỗ lực mở cửa nền kinh tế và đa dạng hóa thị trường khu vực.


Tại hội nghị ông Hun Sen cũng cho biết Campuchia đã đặt ra “4 lực đẩy chiến lược chính” trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Campuchia là quốc gia giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2022.


Theo ông Hun Sen, 4 lực đẩy chiến lược chính bao gồm (1) Tăng cường kết nối kỹ thuật số, khoa học và công nghệ, (2) Thu hẹp khoảng cách về phát triển trong năng lực cạnh tranh của ASEAN, (3) Thúc đẩy một ASEAN hội nhập, bao trùm, linh hoạt và cạnh tranh hơn, và (4). Xây dựng ASEAN về tăng trưởng và phát triển, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi.


Ông Hun Sen nhắc lại rằng với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2022, Campuchia hoàn toàn ủng hộ Hội nghị Cấp cao Đầu tư và Kinh doanh ASEAN (ABIS).


Ông cũng khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN và tất cả các Đối tác Đối thoại ASEAN trong việc dẫn dắt AEC hướng tới khả năng phục hồi, bền vững, bao trùm và cạnh tranh. (theo Khánh Như)


++++++++++++++++++++++++++++++++


G20 Bali chuẩn bị đón Biden và Tập Cận Bình; Putin không đến dự


image019image021Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự buổi lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Cơ quan Y tế-Sinh học Liên bang, tại Moscow, Nga ngày 9 tháng 11 năm 2022. Sputnik / Mikhail Metzel / Pool via REUTERS.


JAKARTA, 10 tháng 11 (Reuters) - Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không trực tiếp tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo Nhóm 20 quốc gia (G20) vào tuần tới, nhưng có thể tham gia “bán chính thức” có thể là qua video, các quan chức Nga và nước chủ nhà Indonesia cho biết hôm thứ Năm. Indonesia đã chống lại áp lực từ các nước phương Tây để rút lại lời mời đối với Putin và trục xuất Nga ra khỏi nhóm vì cuộc chiến ở Ukraine, nói rằng họ không có thẩm quyền để làm như vậy nếu không có sự đồng thuận của các thành viên. G20 không là một diễn đàn chính trị, diễn đàn này đa phần nghiêng về kinh tế và phát triển.


Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân thượng đỉnh G20


11/11/2022


Thanh Hà


Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 11/11/2022 xác nhận, chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp tổng thống Mỹ Joe Biden vào tuần tới bên lề thượng đỉnh G20. Đây là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước từ khi ông Biden lên cầm quyền. Thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia mở ra từ ngày từ ngày 14 đến 17/11/2022.


Trước đó, theo thông cáo của Nhà Trắng cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước tập trung vào những nỗ lực « duy trì và thúc đẩy kênh liên lạc giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, xử lý một cách có trách nhiệm trong các lĩnh vực cạnh tranh, cùng hợp tác trên những hồ sơ liên quan đến quyền lợi của cả đôi bên, đặc biệt là trên những vấn đề thách thức và ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế ».


Từ khi lên cầm quyền hồi tháng Giêng 2021, tổng thống Biden đã 5 lần họp trực tuyến hay điện đàm với chủ tịch Tập Cận Bình nhưng lãnh đạo hai nước chưa từng trực tiếp gặp nhau.


Cách nay hai ngày, tổng thống Mỹ cho biết sẽ xác định với ông Tập « một số những lằn rành đỏ » mà cả hai nên không nên vượt qua. Riêng trên vấn đề Đài Loan thì « chính sách của Mỹ không thay đổi ». 


AFP ghi nhận : chiến tranh Ukraina, Nga, và hồ sơ nguyên tử Bắc Triều Tiên là những chủ đề có thể được đưa vào chương trình nghị sự cuộc gặp cấp cao này Dù vậy cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Jake Sullivan, không tin rằng đối thoại lần này ở Bali sẽ « đem lại những kết quả cụ thể ».


Cũng nhân dịp thượng đỉnh G20, chủ tịch Trung Quốc sẽ có một cuộc gặp với tổng thống Pháp Emmanuel Macron và một số lãnh đạo khác trên thế giới.


Tới Bali, Indonesia dự thượng đỉnh G20 là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Tập Cận Bình từ sau Đại Hội lần thứ 20 đảng Cộng Sản Trung Quốc.


Sau thượng đỉnh G20, chủ tịch Trung Quốc sẽ sang Bangkok, Thái Lan dự thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương - APEC, được tổ chức trong hai ngày 18 và 19/11/2022.
05 Tháng Năm 2021(Xem: 3632)