VĂN HÓA ONLINE – ĐIỂM NÓNG – THỨ SÁU 14 JULY 2023
Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com
Hoàng Triều Cương Thổ “vỡ bờ”
Ảnh từ trên xuống: Chân dung Vua Gia Long, Vua Đồng Khánh, Vua Khải Định và Vua Bảo Đại.
Lý Kiến Trúc
VĂN HÓA ONLINE
14/7/2023
Kỳ 1
(Kỷ niệm ngày phá ngục Bastille)
ua Bảo Đại đúng nghĩa là một ông Hoàng của thời đại;
Đẹp trai như một tài tử màn bạc. Khỏe mạnh như một người hùng đẹp lòng phái nữ. Lịch lãm như một vương giả cung đình bộc lộ cá tính sống hết mình, sống thật, sống đam mê – lái xe thể thao như bay, lái máy bay như gió, bắn súng như thiện xạ, xài tiền như nước, mê hoặc núi rừng, và, trái tim luôn “lận đận” vì các vì sao đào hoa hồng loan thiên hỷ chiếu mệnh;
Nhưng trong tâm khảm tận cùng, ông Hoàng còn có một mối tình yêu nước thầm kín nồng nàn – giữa vòng vây của bọn mật vụ – ông khéo léo che giấu những suy nghĩ, những điều mắt thấy tai nghe, ông thích thú và tận hưởng với những mối tình hoa bướm mà cận thần đã trải lên giường ông những đóa hoa diễm kiều thơm ngát;
Cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim nói: “Ông ấy là một ông Vua chứ không phải là một nhà cách mạng”;
Có thể, theo ý cụ Lệ Thần, dưới mắt cụ, nhà cách mạng là người không được phép yêu đương trai gái lăng nhăng!
Ngoài xã hội, người ta được truyền tụng rầm rộ rằng Bảo Đại là một ông vua lăng nhăng mê gái!
Xin trích điển cố:
Tề Hoàn công rất khâm phục Quản Trọng, ông có tính rất thẳng thắn; Hoàn công hỏi Quản Trọng: "Quả nhân có tật hơi thích nữ sắc, điều này có tai hại gì đối với quốc gia không?".
Quản Trọng trả lời: "Không, ham mê nữ sắc không gây tai hại gì cho quốc gia, không nghe lời khuyên của những người hiền tài mới có hại cho quốc gia và thiên hạ." (sách Quản Tử)
Người viết bài này nghĩ rằng – “Hoàng đế Bảo Đại không phải là nhà quân sự mang dòng máu võ tướng anh hùng, ông là nhà nhân đạo chính trị, yêu nước, thương dân, tiềm ẩn tư tưởng cải cách nền chính trị quan lại Hoàng Gia sang nền chính thể Dân chủ Đại Nghị; tiếc thay, ông không thực hiện được giấc mộng con Rồng An Nam.”
Chúng tôi không có tham vọng làm sáng tỏ nhân cách và vai trò của vị Hoàng đế thứ 13 của Vương quốc Việt Nam. Việc này quá lớn, nhưng vì xưa nay Vua Bảo Đại bị những cây bút nhố nhăng, thậm chí hỗn hào phổ biến tràn lan trên Net; – nặng nề hơn, – những trí thức văn nhân chính khách quen đóng kịch trên sân khấu hào nhoáng, đầm đìa nước mắt thất tình khóc giai nhân mà không thấu cảm giọt nước mắt của Trần Văn Đỗ, – nguy hiểm hơn, – những kẻ ác đeo cặp kính màu xanh màu đỏ ra tay “bóp méo”, “hạ bệ” một triều đại của Tiên đế Nguyễn Phước Ánh-Gia Long, từ năm 13 tuổi (1775 - 1802) đã trải qua trăm ngàn trận chiến, đã dãi dầu sương gió hai mươi bẩy năm chinh chiến, không miền đất nào, không sông hồ biển cả nào, không làng mạc nào mà không in dấu chân của đoàn thủy binh lục quân miền nam, để cuối cùng, vị đại nguyên soái đã đạt được giấc mộng thống nhất sơn hà và lên ngôi hoàng đế vào năm 1802 sau 200 năm đất nước chia cắt (tính từ năm 1600), – ác liệt hơn, – phải tiêu diệt “giải pháp Bảo Đại”, đang cố vẫy vùng mầm Dân Chủ Dân Vi Quý thông qua Chính Thể Đại Nghị.
Đối mặt với kẻ thù bao vây tứ phía, Nhà Vua không kềm được lòng đau cắt ruột mà thốt lên:
“Trẫm không thể không ngậm ngùi khi nghĩ đến các tiên đế đã chiến đấu trên bốn trăm năm để mở mang bờ cõi từ Thuận Hóa đến Hà Tiên. Trẫm không khỏi tiếc hận là trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm không thể làm gì đem lại lợi ích đáng kể cho đất nước ...
“Hoàng đế là Trẫm! Bảo họ đừng quên điều đó. Nếu ngày nào Trẫm phải ra đi, ngày đó sẽ không còn Đế quốc Việt Nam này nữa!” (Sách “Con Rồng An Nam”).
Chúng tôi xin có đôi lời vào chuyện;
I. Nguồn gốc Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy?
Câu chuyện về “bào thai” trong bụng bà Hoàng Thị Cúc ly kỳ đến độ cho đến cho đến ngày nay, mối nghi hoặc về tông tích Hoàng thân Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy vẫn còn là một công án lịch sử chưa vén màn bí mật.
Dựa vào biên niên, chúng tôi xin trích một vài “tài liệu”;
Năm 1916, Nguyễn Phúc Bửu Đảo tức Phụng Hóa Công lên ngôi kế vị các vua Thành Thái, Duy Tân, lấy niên hiệu là Khải Định. Năm 1923, vua Khải Định phong Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (10 tuổi) là Đông cung Thái tử, phong bà Hoàng Thị Cúc là Nhất giai Hậu phi. Ngày 06/11/1925, vua Khải Định băng hà. Ngày 31/12/1925, Vĩnh Thụy đang ăn học ở Pháp, pháp cho về Huế chịu tang cha. Ngày 08/1/1926, Nguyễn Phước Vĩnh Thụy lên ngôi lấy niên hiệu là Bảo Đại (năm đó ông mới 13 tuổi); ở ngôi được 3 tháng, tháng 3 năm 1926, Bảo Đại lại phải qua Pháp ăn học tiếp dưới sự dẫn dắt của ông bà Khâm sứ Jean Charles là cha mẹ nuôi; sáu năm sau, năm 1932, Pháp đưa Bảo Đại về nước chính thức làm Vua nước An Nam (19 tuổi), ngai vàng ngự ở kinh đô Huế.
Theo wikipedia, “Trong một lần vào thỉnh an Mẫu hậu, Hoàng tử Bửu Đảo đã "tư thông" với Hoàng Thị Cúc và kết quả là vị cung nữ mang thai. Đầu năm 1913, bà mang thai và nhận là của Phụng Hóa công. Hai bà Tiên Cung và Thánh Cung đã nhiều lần tra khảo, có lần còn ép bà phải nằm úp bụng bầu xuống đất và đánh, bắt bà phải khai đó là thai của ai sao lại dám đặt điều nhưng bà vẫn một mực khẳng định đây là con của Phụng Hóa Công. Kể từ đó bà mới được tha và hưởng thời kỳ dưỡng thai. Ngày 22/10/1913, bà hạ sinh hoàng nam tên húy là Nguyễn Phước Vĩnh Thụy;
“Khi hoàng tử Vĩnh Thụy mới chào đời, khác với những người mẹ bình thường, bà Huệ phi Hoàng Thị Cúc lập tức bị cách ly khỏi con trai. Bà Tiên Cung đón cháu nội về cung của mình, tự chăm sóc, nuôi nấng. Mỗi ngày vài lần, bà Tiên Cung cho gọi Huệ phi đến cho con bú, rồi lại bắt về. Vì thế Huệ phi tiếng là làm mẹ nhưng gần như không được một ngày chăm sóc con. Mối quan hệ giữa bà Cúc và đức Tiên Cung hết sức căng thẳng, vì xuất thân không cao quý, đức Tiên Cung không xem trọng và tỏ ra lạnh nhạt với bà;
“Năm 1926, Đông cung Thái tử Vĩnh Thụy lên ngôi Hoàng đế, niên hiệu là Bảo Đại. Vua Bảo Đại phong cho mẹ (tức bà Hoàng Thị Cúc) là Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, hoàng thân quốc thích thường gọi là Đức Từ Cung Hoàng Thái Hậu. Thái hậu rất trọng đạo Phật và chú tâm đến việc thờ cúng các vị vua triều Nguyễn. Bà được coi là người có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo thời Nhà Nguyễn. Chính bà đã khuyên vua Bảo Đại dành nhiều tiền đóng góp cho An nam Phật giáo hội, vận động Bảo Đại góp tiền xây chùa và phát triển Phật giáo.” (thêm: Bảo Đại là vị Vua xây ngôi chùa đầu tiên ở Ban Mê Thuột lấy tên là chùa Khải Đoan.” (dường như chùa xây vào năm 1951).
(Chú thích của VHO: Tài liệu trên khá sơ sài, nếu những quý vị học giả có tài liệu về nguồn gốc “bào thai” trong bụng bà Hoàng Thị Cúc, xin vui lòng chỉ giáo, bổ túc và sửa chữa cho bài viết này. Emai: lykientrucvh@gmail.com / Người viết xin thập phần đa tạ.)
Thái tử Vĩnh Thụy có là con ruột của Vua Khải Định không?
Vì sao Vĩnh Thụy lại lọt vào mắt xanh người Pháp? Vì sao Vua Khải Định lại giao Vĩnh Thụy cho người Pháp nuôi nấng? Vì hoàng nam Vĩnh Thụy tư chất thông minh? Vì đẹp người đẹp nết? Vì Pháp luôn có âm mưu tìm người kế vị ngai vàng mà không tìm thấy ai hơn Vĩnh Thụy? Và vì quan trọng nhất: Việc kế vị Hoàng đế xứ An Nam là việc cực kỳ quan trọng đối với Bộ thuộc địa Pháp. Pháp muốn có một ông vua An Nam phải là người do Pháp đào tạo, theo Pháp, để tránh các cuộc nổi dậy, chống đạo Chúa như thời vua Tự Đức, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân?
Trên tạp chí Văn Hóa (do tôi làm chủ nhiệm-chủ đề Bảo Đại), dưới là hình bìa số tháng 8/1997,
Nhà báo Lữ Giang viết bài “Bảo Đại, vị Vua cuối cùng của Việt Nam” có đoạn:
“Khi còn là Hoàng tử, Bửu Đảo đã lấy con gái của ông Trương Như Cương Thượng thư Bộ Lại và Cơ mật Viện trưởng làm vợ chánh. Bà này không có con. Bửu Đảo chỉ có một người con duy nhất là Hoàng tử Vĩnh Thụy sanh ngày 22/10/1913, con của bà Hoàng Thị Cúc;
“Theo một tài liệu của Pháp, bà Hoàng Thị Cúc là con ông Hoàng Văn Tích, một người thuộc giới thứ dân. Hoàng Thị Cúc chỉ là một người hầu gái của gia đình vợ lớn của vua Khải Định. Một nguồn tin khác nói rằng bà Cúc chỉ là hầu gái của một Hoàng thân vai chú vua Khải Định;
“Có rất nhiều tin đồn về phụ hệ của Hoàng tử Vĩnh Thụy. Trong thập niên 1900, khi phân tích về các ứng cử viên có thể lên nối ngôi sau này, Khâm sứ Fernand Lévecque có dẫn lời một người trong hoàng tộc nói rằng Khải Định “không con và không thể có con”. Dĩ nhiên đây chỉ là lời quyết đoán suông, không có chứng minh. Nhưng một số người đã dựa vào lời quyết đoán đó cho rằng Vĩnh Thụy không phải là con của Khải Định. Vì thế, khi Pierre Pasquier đến nhậm chức Khâm sứ Huế ngày 05/5/1921 đã quan tâm ngay đến vấn đề này và cho mở cuộc điều tra sâu rộng để quyết định ai sẽ là người kế vị vua Khải Định;
“Trong bản phúc trình mật (confidentiel) đề ngày 22/2/1922 về việc phong Đông cung Thái tử cho Hoàng thân Vĩnh Thụy, khâm sứ Pasquier đã nêu ra một số giả thuyết liên quan đến tông tích của Nguyễn Vĩnh Thụy. Ông cho biết theo tin đồn quen thuộc nhất thì Vĩnh Thụy là con của hai người đầy tớ trong gia đình Phụng hóa Công Bửu Đảo là Thừa Quang và Hoàng Thị Út, sau đổi tên là hoàng Thị Cúc. Nhưng Khâm sứ Pasquier đã bác bỏ giả thuyết này và cho rằng Vĩnh Thụy rất giống Khải Định;
“Một tin đồn khác được Khâm sứ Pasquier ghi nhận nói rằng Vĩnh Thụy là con của Dương Quang Lược, một đại thần trong Bộ Lễ. Vì Dương Quang Lược là em ruột của Mẹ Khải Định nên Vĩnh Thụy rất giống Khải Định. Sở dĩ Khải Định ghi tên Vĩnh Thụy vào sổ Hoàng tử ở Tôn nhân Phủ là vì có hiếu với Mẹ. Nhưng Khâm sứ Pasquier nhận xét rằng tin đồn này mới được đua ra bốn năm năm sau khi Khải Định lên ngôi, nên không đang tin cậy. Khâm sứ Pasquier cho rằng có lẽ những tin đồn liên quan đến tông tích của Nguyễn Vĩnh Thụy là do gia đình Trương Như Cương phao ra để trả thù việc Khải Định bỏ rơi con gái của họ. Bà này đã bỏ đi tu lấy pháp danh là Đạm Thanh và hiệu là Tuyết Nhan;
“Một nguồn tin khác nói rằng khi lấy vợ, bố vợ là Trương Như Cương có hứa sẽ cung cấp cho Khải Định mỗi tháng một số tiền, nhưng sau đó không tiếp tục cung cấp nên Khải Định đã bỏ rơi con gái dòng họ Trương. Vì thế gia đình họ Trương đã loan tin Khải Định bất lực. Để chứng minh ngược lại, khải Định đã giao hợp với người tớ gái của vợ mình để cho ông bố vợ thấy không bất lực. Kết quả Khải Định đã có một người con trai với người tớ gái và đặt tên là nguyễn Vĩnh Thụy;
“Năm 1917, tức khoảng một năm sau khi Bửu Đảo lên ngôi (tức khải Định), ông Trương Như Cương bị ép buộc phải từ chức Thượng thư Bộ Lại và cơ mật Viện trưởng. Cụ Phước môn Nguyễn Hữu Bài được cử thay thế;
“Trong cuốn “Việt Nam niên biểu Nhân vật chí” xuất bản năm 1993, Chính Đạo (tức Vũ Ngự Chiêu) còn viết rằng có người nói Vĩnh Thụy là con của Nguyễn Hữu Bài (trang 597). Trong triều đình Huế và các viên chức thời đó không ai đưa ra giả thuyết này cả. Đây là giả thuyết do Vũ Ngự Chiêu thêm vào với dụng ý bôi bác thanh danh của cụ Nguyễn Hữu Bài, một người công giáo nổi tiếng đạo đức; (thêm: Cha vợ tương lai của Bảo Đại);
“Trong bài “Đọc lại sử Nhà Nguyễn: Cải tổ nội các ngày 2 tháng 5, 1933 dưới thời Vua Bảo Đại”, ông Nguyễn Lý Tưởng kể rằng bà Hoàng Thị Cúc ở trong cung có thai bị Thái hậu là Đức Thánh Cung ra lênh tra tấn nhưng bà không chịu khai “tác giả” của cái bào thai. Bửu Đảo thấy thế nên ra nhận là của mình và cưới bà này làm thiếp;
“Trong cuốn Le Dragon d’Annam, Bảo Đại cho biết hai người anh họ là Bửu Đình và Bửu Trác, trước là võ quan của vua Khải Định, tự cho mình là người kế vị nên luôn tìm cách phá ông. Trong thời ông du học ở Pháp, Bửu Đình thường viết những bài đả kích nảy lửa đăng báo. Năm 1927, ông Bửu Đình đã bị bắt và bị hội đồng Tôn nhân Phủ kết án 9 năm khổ sai về tội khi quân (chống lại Hoàng đế);
“Vua Khải Định rất cưng Vĩnh Thụy và trước khi qua đời đã gởi gấm Vĩnh Thụy cho Khâm sứ Pierre Pasquier và cụ Phước môn Nguyễn Hữu Bài Cơ mật Viện trưởng (ct: Tể tướng, bây giờ gọi là thủ tướng), nên có thể kết luận rằng ít ra Khải Định cũng đã coi Vĩnh Thụy là con của mình dù là con nuôi đi nữa.” (Lữ Giang).
Trên đây là một ít tài liệu tôi có được; tôi nhận là rất thiếu sót trong việc truy tầm nguồn gốc Hoàng nam Nguyễn Phước Vĩnh Thụy do sự hạn chế chủ quan lẫn khách quan; nhưng xem ra, sử sách ghi lại rất ít về tông tích vị hoàng nam sinh vào năm 1913 ở vào những năm Phụng hóa Công Bửu Đảo lên ngôi vua (1906-1916-1925).
Bà Hoàng Thị Cúc tuy là hầu gái nhưng nhan sắc khuynh thành, lọt vào mắt Phụng Hóa Công Bửu Đảo và có thể nhiều người khác trong hoàng cung; năm 1913, bà sinh ra hoàng nam đặt tên là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy.
Ngày 18/5/1916, Phụng hóa Công Bửu Đảo lên ngôi lấy niên hiệu là Khải Định. Vua Khải Định ở ngôi được 9 năm thì bị bệnh nặng và mất vào ngày 06/11/1925, thọ 41 tuổi.
Vua Khải Định có 12 bà vợ, một trong 12 bà là bà Hoàng Thị Cúc. Bà Cúc được vua Khải Định cưới khi ông còn là Phụng Hóa Công. Bà bỏ đi tu trước khi Bửu Đảo lên ngôi vua. (Ct: chi tiết này chưa được khai thác, vì sao bà Cúc bỏ đi tu trong lúc Vĩnh Thụy năm đó mới được 3 tuổi).
Dung mạo của Vĩnh Thụy thật khác thường. Rất đẹp. Điểm qua chân dung của vua Đồng Khánh và vua Khải Định, dung mạo Vĩnh Thụy không giống chút nào “ông Nội” và “Bố”. Vua Đồng Khánh và vua Khải Định, mặt xương xẩu, người ốm nhom.
Chân dung Vua Đồng Khánh. (Ông Nội Vĩnh Thụy). Ảnh tài liệu Net.
Chân dung Vua Khải Định (Cha Vĩnh Thụy) mặc triều phục khi công du nước Pháp năm 1922. Ảnh wikipedia. (1)
Khi vua Khải Định giao Thái tử Vĩnh Thụy (coi như người kế vị ngai vàng) cho Khâm sứ Pierre Pasquier và Khâm sứ Jean Charles mang qua Pháp nuôi dưỡng, thật là món quà trời cho người Pháp nước Pháp.
Trong suy nghĩ của hai khâm sứ cáo già này – không thể không nghĩ đến việc một nhà vua An Nam nếu được đào tạo từ nền văn minh văn hóa cung đình Pháp quốc, tương lai chính trị và quân sự sẽ không khác gì Tiên đế Nguyễn Phước Ánh-Gia Long cách đây hơn trăm năm, đã từng nhờ Giám mục Bá Đa Lộc và các sĩ quan tài ba Pháp trong cuộc chiến chống nhà Tây Sơn-Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ mà lập nên triều đại nhà Nguyễn.
Đối với Pierre Pasquier và Jean Charles, lịch sử sẽ được lập lại. Tốt hơn. Khi Vĩnh Thụy lên ngôi, triều đại Nhà Nguyễn sẽ chính thức là triều đại Pháp-An Nam. Lãnh thổ nước Pháp sẽ kéo dài tới Đông Dương. Hơn nữa với dung mạo đẹp đẽ cao lớn khác thường (như tây), Vĩnh Thụy mặc triều phục Pháp oai vệ không kém gì Napoléon hay Louis XVI.
Từ khi về nước chấp chánh nghi triều cung đình Huế (năm 19 tuổi), Bảo Đại – “Tuấn, chàng trai nước Việt” không chịu nổi cảnh gò bó cổ tục của triều đình vương hầu quan lại, Bảo Đại thường bỏ triều đình ngao du Đà Lạt.
Ở thành phố cao nguyên sương mù mơ mộng, núi rừng, thác nguồn, mây hồng, nhạc thông và cánh buồm trắng nhẹ lướt trên hồ than thở, hồ Xuân Hương đã mê hoặc ông vua xứ Huế nhuộm áo phương Tây. Ông hút thuốc như điên, ông lái xe như bay, lượn qua những con đèo từ Đà Lạt xuống Sài Gòn rồi lên Ban mê Thuột, những địa danh xa lạ mà ở cung đình Pháp không có và không cho phép đi lại; ông sưu tầm những loại súng săn tối tân, băng rừng vượt suối đi chinh phục thiên nhiên hoang dã, ông khoan khoái bắn hạ được loài ác thú. Rừng núi bí mật, sóc Thượng cheo leo, buôn làng bí ẩn, rượu cần chua nồng và tiếng cồng chiêng man dại đã lấp đầy khối óc chàng trai nước Việt có trái tim còn đang bỏ ngỏ.
Nhưng chính Đà Lạt đã hun đúc con người, tâm tư và làm tung tóe trái tim Bảo Đại.
Jean Charles, người thầy, người cha đỡ đầu nuôi dưỡng Bảo Đại, dù tài giỏi cách mấy cũng không thể biết được trong đôi mắt “trữ tình xa vắng” của ông vua trẻ tuổi phương đông nghĩ những gì.
Tuy nhiên, trong cái đầu thâm sâu chính trị và nhân văn của người Pháp, so với các hoàng tử hoàng thân trong triều Huế, hai cáo già thực dân Pierre Pasquier, Khâm sứ Jean Charles đã nhìn thấy cốt cách phi phàm, đẹp người đẹp nết của cậu hoàng Vĩnh Thụy, giang đôi tay thật rộng nhận lời thỉnh cầu của vua Khải Định. Lịch sử sẽ bước vào trang mới ở Đông Dương.
So sánh tướng mạo vua Bảo Đại với Tiên đế Gia Long:
Gia Long: "dáng người cao trên trung bình, vóc người tầm thước, vẻ mặt đều đặn, nhẹ nhõm, rất dễ nhìn", "màu da đỏ hồng, rám nắng vì dầu dãi..." [373] Còn theo Michel Đức Chaigneau, người con trưởng của Jean-Baptiste Chaigneau và là người từng trực tiếp gặp Gia Long khi ông chừng 50 tuổi, miêu tả Gia Long về già có "thân thể cường tráng", "da trắng", "mắt sáng", "tướng đạo mạo đáng kính", "nét mặt trang nghiêm, có sắc diện", "dáng điệu rất sang trọng và tính tình hòa nhã" (wikipedia)
Vua Gia Long, Đại nguyên soái, qua nét vẽ của một họa sĩ vô danh. (tài liệu Pháp)
II. Chính trị và Ái tình
Lý Kiến Trúc
California 14/7/2023
(Xem tiếp số báo tới – Kỳ 2: “Chính trị và Ái tình”
CHÚ THÍCH:
(1) Ngày 20/5/1922, vua Khải Định sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa ở Marseille. Đây là lần đầu tiên một vị vua triều Nguyễn ra nước ngoài. Chuyến công du của vua Khải Định đã làm dấy lên nhiều hoạt động của người Việt Nam yêu nước nhằm phản đối ông. Phan Châu Trinh đã gửi một bức thư dài trách vua Khải Định 7 tội, thường gọi là Thứ Thất điều hay Thất điều trần. Trong bức thư đó, Phan Châu Trinh chỉ gọi tên húy là Bửu Đảo chứ không gọi vua Khải Định, và trách Khải Định tội "ăn mặc lố lăng". Trong thư chỉ ra 7 tội sau:
(1) Một là tội tự tôn quân quyền
(2) Hai là tội thưởng phạt không công bình
(3) Ba là chuộng sự quỳ lạy
(4) Bốn là tội xa xỉ vô đạo
(5) Năm là tội phục sức không đúng phép tắc
(6) Sáu là du hạnh vô độ
(7) Bảy là tội Pháp du ám muội (đi Pháp với mục đích không chính đáng) (wikipedia)