"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ SÁU 15 APRIL 2016
Ts Trần Anh Tuấn, Ts Nguyễn Thanh Liêm, Ts Trần Huy Bích, Ls Đoàn Thanh Liêm, Ts Mai Thanh Truyết, Nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục
Ảnh từ trái, từ trên xuống: Ts Nguyễn Thanh Liêm, Ts Trần Huy Bích, Ls Đoàn Thanh Liêm, Sử gia Nguyễn Văn Lục, Ts Trân Anh Tuấn, ts Mai Thanh Truyết.
LỜI TÒA SOẠN: - Trong loạt bài về Văn hóa - Văn học đăng tải mấy ngày qua , tòa soạn nhận được hai bài mới của Gs Trần Anh Tuấn và Gs Trần Huy Bích bổ túc thêm cho hoàn chỉnh. Xin giới thiệu cùng quý bạn đọc.
Văn Hóa xin trân trọng cám ơn quí giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu đã dành những cảm tình đặc biệt đến với báo Văn Hóa.
Các ý kiến đóng góp, vui lòng gởi điện thư về tòa soạn / E-mail: lykientrucvaama@gmail.com
______________________________________________________________________________
Giáo sư Nguyễn Thế Anh và Ban Sử Đại Học Văn Khoa Sài Gòn
TRẦN ANH TUẤN
Lời nói đầu: Sau bài viết về sử gia Tạ Chí Đại Trường, tôi chia sẻ thêm bài viết về vị thầy học của sử gia họ Tạ và của chúng tôi tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trong thập niên 60 của thế kỷ trước. TAT
Trước năm 1975 thời Việt Nam Cộng Hòa, giáo sư Nguyễn Thế Anh có công gây dựng nên uy tín Ban Sử trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Số sinh viên ghi danh năm thứ nhất niên khoá 1974-75 lên đến khoảng 4,000 người. Trong vai trò Phó Khoa Trưởng Học Vụ, ông cũng là người chịu trách nhiệm soạn thảo chương trình tiến sĩ văn khoa Việt Nam, vốn bị xoá bỏ từ năm 1919 dưới thời Pháp thuộc. Chương trình này gồm hai cấp. Cấp thứ nhất gọi là “Năm Thứ Nhất Tiến Sĩ Chuyên Khoa.” Sau đó trong cấp thứ hai, ứng viên mới sửa soạn luận án.
Chương trình tiến sĩ chuyên khoa Sử Học bắt đầu được hai khóa thì Sài Gòn sụp đổ. Niên khoá đầu tiên 1972-73 chỉ có hai thí sinh trúng tuyển kỳ thi cuối Năm Thứ Nhất là Tạ Chí Đại Trường và Đỗ Phan Hạnh. Niên khoá thứ hai 1973-74 có hai thí sinh ghi danh, nhưng chỉ có một thí sinh dự thi và trúng tuyển. Đó là người viết những dòng chữ này.
Là người đồng thời và từng là môn đệ của ông, tôi hiểu được một vài khía cạnh trong đời sống thường nhật của sử gia Nguyễn Thế Anh.
Ông là một người khó tính. Giáo sư Lâm Thanh Liêm, lúc ấy là Trưởng Ban Địa ĐHVK Sài Gòn (còn giáo sư Nguyễn Thế Anh là Trưởng Ban Sử), hỏi tôi khi thấy tôi về dạy tại Ban Sử sau khi xong Cao Học, là “Sao, Tuấn về đây thấy sao? Bắc Băng Dương đó nha!”
Giáo sư Nguyễn Thế Anh có những khó khăn trong giao tiếp xã hội. Đối với sinh viên, ông nghiêm khắc và xa cách. Sinh viên sợ và phục ông mà không dám gần ông. Có khi ông lại võ đoán làm tổn thương người cộng sự. Chính tôi là người được ông bảo trợ Cao Học và Tiến Sĩ, và nhận vào dậy tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, và giới thiệu vào Ban Quản Trị của Hội Société des Études Indochinoises trong vai trò thư-viện-trưởng (1), mà đã có lần tôi muốn rời bỏ Đại Học Văn Khoa Sài Gòn năm 1974, nếu đêm hôm tôi quyết định từ bỏ Ban Sử không có sự khuyên can của giáo sư Phạm Cao Dương, hiện sinh sống tại Nam California. Chuyện xảy ra chỉ xin tóm tắt bằng một hai câu. Được dạy tại Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước năm 1975 là một danh dự rất lớn mà hiếm người có được, và tôi không bao giờ quên ơn người bảo trợ. Nhưng danh dự nào lớn bằng tư cách của một người thầy khi tư cách ấy bị xúc phạm vì sự võ đoán?!
Sai lầm về cảm tính của ông, theo tôi, là do ông có những “lỗ hổng” trong cuộc đời về phương diện tâm lý, nhất là sự kiện ông học Sixième (Đệ Thất) mà nhẩy ba lớp để thi Brevet, tức Trung Học Đệ Nhất Cấp theo chương trình giáo dục Pháp, là kỳ thi cuối năm Troisième (Đệ Tứ).
Nhưng gần gụi ông mới thấy ông có tâm hồn nghệ sĩ. Như đang làm việc tại Văn Phòng Ban Sử ĐHVK Sài Gòn - ông là Trưởng Ban nên ngày nào cũng có mặt, còn tôi, ngoài việc giảng dạy, tôi phụ trách Thư Viện của Ban- ông lại rủ mọi người ra tiệm Brodard đường Catinat uống cà phê ăn bánh và nghe nhạc Pháp. Hay chuyện ông chia sẻ về đời sống sinh viên nghèo ở Paris, cả đám mặc quần jeans lâu và... bẩn đến độ cởi ra thì quần vẫn đứng thẳng!
Giáo sư Nguyễn Thế Anh sinh ngày 1 tháng 6 năm 1936 tại Ai Lao. Thời Việt Nam Cộng Hoà, ông về nước sau khi tốt nghiệp Thạc Sĩ Sử tại École Normale Superieure, rue d’ Ulm, tức trường Đại Học Sư Phạm nổi tiếng của Pháp, và tiến sĩ đệ tam cấp tại đại học Sorbonne Paris. Ông được bổ nhiệm làm Viện Trưởng Viện Đại Học Huế trong thời gian 1966-1969 khi tuổi đời vừa đúng 30. Sau đó, ông về Đại Học Văn Khoa Sài Gòn làm Trưởng Ban Sử cho đến chiều ngày Thứ Ba, 23.4.1975, ông bỏ đi không một lời từ giã.
Di tản khỏi Việt Nam thì ông về Institute of Southeast Asian Studies tại Singapore làm học giả biệt thỉnh (visiting scholar) rồi làm giáo sư thỉnh giảng (visiting professor) tại đại học Harvard Hoa Kỳ.
Sau đó, ông định cư tại Pháp. Ông trình luận án Docteur es Lettres et Sciences Humaines, (thay cho Docteur d’État trước đây), tại Trường Paris-Sorbonne năm 1987 với đề tài La monarchie des Nguyễn de la mort de Tự-Đức à 1925, 744 trang. Năm 1991, Giáo sư Nguyễn Thế Anh giữ ghế Giám Đốc Trung Tâm Lịch Sử và Văn Minh Đông Dương (Centre d’Histoire et Civilisations de la Peninsule Indochinoise) tại Ecole Pratique des Hautes Etudes (EPHE), Paris-Sorbonne, và vào ngạch Giáo Sư Thực Thụ từ năm 2005. Ông về hưu năm 2008.
Có lẽ chúng ta phải cám ơn Nguyễn Dương Đôn, vị Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục và Thanh Niên trong nội các đầu tiên của nền đệ nhất Cộng Hòa, người đã khuyên du học sinh Nguyễn Thế Anh nên học ngành Khoa Học Xã Hội khi được học bổng du học Pháp, nên ngày nay người Việt chúng ta mới có một sử gia nổi tiếng trên thế giới.
Từ năm 1965 đến năm 2014, giáo sư Nguyễn Thế Anh đã hoàn tất 20 sử phẩm ấn hành tại VNCH và Pháp, 159 chuyên luận trong các tạp chí chuyên môn hay giới thiệu sách tại 13 quốc gia bao gồm Việt Nam, Pháp, Mỹ, Anh, Ý, La Mã, Nhật, Nga, Úc, Đức, Đại Hàn, Mã Lai Á, và Singapore. Ngoài ra, giáo sư Nguyễn Thế Anh còn đóng góp vào công cuộc phân tích sử phẩm, mà danh sách lên tới 33 bài. Các công trình này được hoàn thành qua bẩy ngôn ngữ khác nhau, là Việt, Pháp, Anh, Ý, Nhật, Nga, và Mã Lai (1).
Thư mục này là lời giới thiệu đầy đủ nhất về sự nghiệp của một sử gia thế kỷ. Không một khía cạnh nào của ngành Sử mà ông không trình bầy hay viết đến. Từ văn khố đến các nguồn sử liệu, từ lịch sử thế giới đến lịch sử quốc gia, từ lịch sử kinh tế đến xã hội, từ lịch sử ngoại giao đến chính trị, từ giáo dục đến văn học, từ mỹ thuật đến văn minh, từ tôn giáo đến phong tục, từ Việt Nam thời Pháp thuộc đến Việt Nam ngày nay. Nhưng trên hết và sâu sắc tỉ mỉ phong phú nhất, ông là sử gia về triều Nguyễn.
Có ba tác phẩm chính của sử gia Nguyễn Thế Anh. Đó là Bibliographie Critique sur les Relations Entre le Viet-Nam et l'Occident (1964), La Monarchie des Nguyễn de la Mort de Tự-Đức à 1925 (1987), và Parcours d' Un Historien du Viêt Nam (2008).
Hai tác phẩm trước là những luận án Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp trình tại Sorbonne năm 1964 và luận án Tiến Sĩ Quốc Gia trình tại Paris-Sorbonne năm 1987. Tác phẩm thứ́ ba là một hợp tuyển gồm 99 bài viết bằng Pháp, Anh, và Việt ngữ của giáo sư Nguyễn Thế Anh do Philippe Papin, môn sinh và thành viên Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) tại Hà Nội sau 1975, sưu tầm và tuyển chọn. Papin đã hệ-thống-hóa hợp tuyển thành 9 đề mục chính, cốt nêu bật sự uyên bác của một sử gia bậc thầy quốc tế: Lịch sử ngoại giao và bang giao quốc tế, Lịch sử kinh tế và xã hội, Lịch sử chính trị và ý thức hệ, Lịch sử tín ngưỡng và phong tục, Tổng hợp lịch sử và lịch sử thế giới, Lịch sử giáo dục, Khổng giáo và các trào lưu tư tưởng, Lịch sử mỹ thuật, văn hoá và văn học, Nguồn sử liệu, văn khố và tài liệu lịch sử, và cuối cùng là Các ghi chú và các bài giới thiệu sách.
Hợp tuyển 99 chuyên luận Sử Học của Giáo sư Nguyễn Thế Anh
do Philippe Papin sưu tầm và ấn hành tại Paris năm 2008, 1025 tr.
(Tủ sách TAT)
Nhận định về hợp tuyển do chính mình sưu tầm qua các sách báo tạp chí nay đã khó tìm hay đã đình bản, sử gia Philippe Papin đã ghi những dòng chữ, theo tôi là chính xác, nơi trang bìa sau của tác phẩm, đại ý mỗi bài viết của giáo sư Nguyễn Thế Anh là một chuyên luận, mỗi chuyên luận là một phát kiến mới (avancée), và dần dần các phát kiến mới tạo thành một biểu nhất lãm giúp độc giả nắm bắt được cái viễn tượng cụ thể về lịch sử dài lâu của Việt Nam và các lân bang.
Khối óc của giáo sư Nguyễn Thế Anh là sự hội tụ của hai khả năng phân tích và tổng hợp nhuần nhuyễn một cách tự nhiên. Sự thông thái và khúc chiết của ông tỏ lộ rõ nhất khi ông khai thác một tài liệu sử. Những ai may mắn thụ giáo với ông đều giữ trong lòng cái ấn tượng của sự thông thái và sự khúc chiết ấy, đồng thời cũng là sự... khó khăn khi tiếp xúc! Tuy nhiên, với những ai mà ông hiểu rõ khả năng thì ông nâng đỡ vô vị lợi, lại gần gũi và lịch sự như Tây. Chi tiết cá nhân về giáo sư Nguyễn Thế Anh trong bài này chính là những chia sẻ của ông khi Văn Phòng Ban Sử chỉ có hai thầy trò chúng tôi trong những năm 1972-75. Nắng Sài Gòn thì Ban Sử đã có máy lạnh, nước ướp lạnh hay trà tầu, thầy ống vố trò thuốc lá ngồi đối diện nhau trong bộ bàn ghế đặt giữa phòng. Đó là những ngày êm đềm và sảng khoái của một đời người!
Cuộc đời dạy học của ông bao gồm những trường đại học nổi tiếng tại Việt Nam như Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, tại Hoa Kỳ như Đại Học Harvard, và tại Pháp như Đại Học Sorbonne. Ông đào tạo biết bao cử nhân, cao học, và tiến sĩ Sử Học cho Việt Nam và nhất là cho thế giới. Trong thập niên 1960-70 tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, giáo sư Nguyễn Thế Anh có bốn môn sinh đắc ý là Trương Ngọc Phú (Đại Học Huế́), Hà Mai Phương (trung học Đà Lạt), Tạ Chí Đại Trường (trung học Tân An), và Trần Anh Tuấn.
Năm 2008 khi giáo sư Nguyễn Thế Anh về hưu thì một số đồng nghiệp và môn sinh thuộc nhiều quốc tịch đã tôn vinh ông theo truyền thống của các viện đại học Âu châu, Mỹ Châu, và cả Á Châu nữa. Đó là xuất bản một tuyển tập trong đó mỗi người đóng góp một chuyên luận hoặc một bài nhận xét về đương sự.
Tuyển tập tôn vinh giáo sư Nguyễn Thế Anh có tựa đề Monde du Viet Nam. Vietnam World. Hommage à Nguyên Thê Anh do hai học giả Pháp (Frédéric Mantienne) và Mỹ (Keith W. Taylor) chủ biên. Sách dầy tới 541 trang do nhà xuất bản Les Indes Savantes ở Pháp ấn hành năm 2008.
Đây là sự kiện đầu tiên và duy nhất trong lịch sử sử học xưa nay mà một sử gia gốc Việt được giới sử gia thế giới tôn kính và ca tụng. Nói “quốc tế” vì những người góp bài trong tuyển tập vinh danh mang nhiều quốc tịch, là Pháp, Mỹ, Anh, Hung Gia Lợi, Nhật, Trung Hoa, Đại Hàn, Mã Lai Á, và một số sử gia gốc Việt tại Pháp, Mỹ, và Canada. Danh sách 22 tác giả xếp theo thứ tự tên gọi là Alain Forest, Andrew Hardy, Le Huu Khoa, Philippe Langlet, Thanh Tam Langlet, Bruce M. Lockhart, Frédéric Mantienne, Patrice Morlat, Philippe Papin, Emmanuel Poisson, Claudine Salmon, Masaya Shiraishi, Vinh Sinh, Francois Souty, Keith W. Taylor, Trinh Van Thao, Patrick Tuck, Léon Vandermeersch, Gábor Vargyas, Geoff Wade, Danny Wong Tze-Ken, và Insun Yu.
Alain Forest, giáo sư lão thành tại đại học Paris VII, có chuyên luận tựa đề “De l’extention ou de la contraction des territoires (Viêtnam et Cambodge),” tt. 315-327 như cách vinh danh một đồng nghiệp sau lời tựa tuyệt vời -nguyên văn: “son excellent avant-propos"- của giáo sư Nguyễn Thế Anh về tác phẩm Le Dai Viet et ses Voisins do Bùi Quang Tung và Nguyên Hương dịch (Paris, nxb L’Harmattan, 1990).
Andrew Hardy góp phần vinh danh giáo sư Nguyễn Thế Anh qua thiên nghiên cứu về cộng đồng người Việt tại Thái Lan, tựa đề “People In-Between; Exile and Memory among the Vietnamese in Thailand. Research note,” tt. 271- 293. Nhưng đây không phải là cộng đồng tỵ nạn sau năm 1975, mà là cộng đồng gốc Việt lập cư tại Thái Lan từ thập niên 1940 thời Pháp thuộc, chịu nhiều ảnh hưởng của Hồ Chí Minh. Andrew Hardy là một cựu môn sinh của giáo sư Nguyễn Thế Anh và từng là Giám Đốc EFEO tại Hà Nội.
Le Huu Khoa đóng góp "Bouddhisme, confucianisme, taoisme: à propos de l’autorité," tt. 447- 468. Hệ tư tưởng Việt Nam qua các triều đại trong lịch sử Việt Nam là chủ đề mà giáo sư Nguyễn Thế Anh và tác giả -một đồng nghiệp gốc Việt tại đại học Pháp- thường trao đổi. Chuyên luận này chính là quan điểm của tác giả về vấn đề mà cả hai quan tâm. Le Huu Khoa là giáo sư đại học Lille, Pháp.
Philippe Langlet là đồng nghiệp với giáo sư Nguyễn Thế Anh từ Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước tháng Tư năm 1975. Ông đóng góp một đề tài trong chuyên môn quen thuộc của ông, là dịch và phân tích tài liệu sử thời Nguyễn, tựa đề «Lecture de deux rapports dans les archives du règne Tự Đức (1868),» tt. 197-243. Chuyên luận này có điều rất đặc biệt, là lần đầu tiên tôi thấy nguyên tác từng chữ Hán có chữ Việt tương đương nằm cạnh nhau trong một bài nghiên cứu. Giáo sư Langlet đã mất, người hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, làm việc chăm chỉ và chắc chắn nhưng không được cuốn hút hay hào hứng.
Thanh Tam Langlet cũng là giáo sư đồng nghiệp với giáo sư Nguyễn Thế Anh từ Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, tức giáo sư Quách Thanh Tâm. Bà giảng dạy bên Ban Địa Lý, và là phu nhân của giáo sư Philippe Langlet. Bài viết của bà có tên «Littérature ancienne du Vietnam. Approche de la pensée bouddhiste dans les écrits des moines de l’époque Lý-Trần, Xe-XIVe Siècle,» tt. 469-503. Nội dung bài viết có lẽ thích hợp với độc giả Âu Mỹ hơn, vì đề tài văn học cổ này không có gì mới lạ với những người Việt hay gốc Việt đã có căn bản Việt học.
Hình bìa quyển sách giới Sử Học quốc tế vinh danh
Giáo sư Nguyễn Thế Anh xuất bản tại Paris năm 2008, 541 tr.
(Tủ sách TAT)
Trong tuyển tập này, Bruce M. Lockhart ca tụng luận án tiến sĩ quốc gia của giáo sư Nguyễn Thế Anh đã đưa triều Nguyễn vào lịch sử sử học, vốn trước đó chưa được ai nghiên cứu tường tận. Đó là nội dung của chuyên luận «Vue d’ensemble sur l’étude des Nguyễn depuis 1954,» tt. 13-25.
Frédéric Mantienne, cựu môn sinh, giám đốc nhà Les Indes Savantes chuyên xuất bản luận án tiến sĩ và những công trình nghiên cứu Á Châu tại Pháp, ghi nhận các tài liệu in tại Pháp trong thế kỷ XVIII về nước Việt như tiếp bước giáo sư Nguyễn Thế Anh, vốn là một nhà thư tịch học với luận án tiến sĩ đệ tam cấp Bibliographie Crittique sur les Relations Entre le Viet-Nam et l’Occident (Ouvrages et Articles en Langues Occidentales). (Paris, G.-P. Maisonneuve&Larose, 1967, 310 tr.). Chuyên luận của Frédéric Mantienne có tựa đề "Les sources imprimées sur le Dai Viet en France au XVIIIe siècle," tt. 63-112.
Trong tuyển tập này, Patrice Morlat, đồng nghiệp, bàn về Phạm Quỳnh với đề tài “La place de Pham Quynh dans le projet colonial francais au Vietnam,” tt. 253- 270. Chuyên luận tương đối ngắn, nhưng xúc tích và đầy đủ mọi khía cạnh về nhân vật Phạm Quỳnh, bắt đầu với vị trí của nước Việt trong hệ thống thuộc địa Pháp, rồi bàn rõ nhân vật Phạm Quỳnh từ khi sinh ra năm 1892 cho đến khi bị Cộng Sản sát hại năm 1945. Chuyên luận bao gồm nhiều sự kiện về sự liên hệ Phạm Quỳnh với Louis Marty, tư tưởng Phạm Quỳnh cùng vai trò và sự đóng góp của Phạm Quỳnh vào những sinh hoạt xã hội, nhất là trong sự phát triển chữ quốc ngữ đầu thế kỷ XX. Độc giả có thể biết nhiều chi tiết lý thú về Phạm Quỳnh như tên đầy đủ là Phạm Huy Quỳnh, mồ côi mẹ lúc 9 tháng và mồ côi cha lúc 9 tuổi, lớn lên là do bà nuôi dưỡng...
Philippe Papin, cựu môn sinh và là người kế vị giáo sư Nguyễn Thế Anh tại trường EPHE, đã theo truyền thống Nguyễn Thế Anh, là căn cứ vào tài liệu đầu tay mà sử gia tìm ra để tái lập các sự kiện đã qua nhằm trình bầy quá khứ một cách rành mạch và rõ ràng. Đây là phong cách làm việc trái với cách làm việc của nhiều người Việt viết sử, vốn chỉ quen đọc năm ba quyển sách của những tác giả trước đó, rồi rút chi tiết chế biến thành một quyển sách mới. Chuyên luận của Philippe Papin «Un temps pour payer, l’éternité pour se souvenir, premiers jalons d’une histoire des donations intéressées dans les campagnes vietnamiennes,» tt. 113-141 căn cứ vào những thác bản văn bia là những tài liệu sử chưa có ai khai thác, và vì thế mà đề tài mới lạ, giải thích tâm thức của giới người Việt vô hậu, tức không có con cháu nối dõi muốn để lại dấu vết hiện hữu của họ cho đời. Sử gia Philippe Papin từng là thành viên (Giám Đốc?) Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) tại Hà Nội suốt thập niên 1995-2005.
Emmanuel Poisson, cựu môn sinh, giáo sư tại đại học Paris 7, đóng góp «Les confins septentrionaux du Việt Nam et leur administration, » tt. 329-339, tiếp bước giáo sư Nguyễn Thế Anh về vấn đề biên giới Việt-Hoa, đề tài mà vị giáo sư của tác giả quan tâm.
Claudine Salmon và Tạ Trọng Hiệp có đề tài "Lí Văn Phức et sa découverte de la Cité du Bengale (1830)," tt. 143- 195. Tôi ngạc nhiên thấy tên Tạ Trọng Hiệp trong tuyển tập xuất bản năm 2008 này, vì họ Tạ đã qua đời từ năm 1996. Đọc vào bài mới biết là đồng tác giả Claudine Salmon biết giáo sư Nguyễn Thế Anh, một đồng nghiệp của bà, đã tiếc công trình của hai người phải dở dang dự án này khi Tạ Trọng Hiệp mất, cho nên bà đã cố hoàn thành công việc để góp phần vào tuyển tập, nguyên văn bà viết: «Monsieur Nguyễn Thế Anh, à qui nous avions parlé de cette traduction inachevée, ayant exprimé ses regrets de la voir ainsi abandonnée, nous avons décidé de la reprendre et de la mener jusqu’au bout.» Đó là bản dịch và chú giải sang Pháp văn tập Tây Hành Kiến Văn Kỉ Lược do Lí Văn Phức soạn sau chuyến đi sứ sang Bengal (tức Calcutta) năm 1830.
Masaya Shiraishi là một học giả Nhật chuyên về bang giao Nhật-Việt từ sau Đệ Nhị Thế Chiến và về phong trào Đông Du với Phan Bội Châu. Sử dụng tài liệu văn khố Nhật, Masaya Shiraishi bàn về Nan’yo Gakuin, tức Viện Đông Hải do Nhật Bản thiết lập ở Sài Gòn năm 1942. Tựa đề «The Nan’yo Gakuin: a Japanese institute in Saigon from 1942 to 1945,” ttr. 295-314, chuyên luận chỉ ra hệ thống tổ chức, chương trình huấn luyện, thành phần nhân sự... Nhưng đọc hết bản chuyên luận với nhiều chi tiết và thống kê cụ thể, tôi có cảm tưởng tác giả hoặc vô tình hoặc cố ý tránh đề cập đến mục đích thực sự, điểm mấu chốt, của sự thiết lập một học viện Nhật tại Sài Gòn. Hãy hình dung việc mở trường huấn luyện, đem học viên Nhật và ban giáo sư từ Nhật sang, chính phủ Nhật tài trợ chi phí... tất cả chỉ nhằm đào tạo người làm thương mại ở Việt Nam thôi sao? Có liên hệ gì không, khi năm 1942 học viện Nhật Bản này thành lập tại Việt Nam thì năm 1945 quân đội Nhật Bản đảo chánh Pháp làm chủ bán đảo Đông Dương?!
Vĩnh Sính, giáo sư đại học Alberta, Canada, có “Phan-Châu-Trinh and his concept of popular rights in Vietnam,” ttr. 423- 445. Thật không hiểu danh từ “popular rights” mà tác giả sử dụng là nghĩa gì. Đến cuối bài viết mới tìm thấy danh từ tiếng Việt, là «dân quyền.” Phải chăng tác giả gốc Việt lập cư ở Canada này cố ý tránh từ ngữ có thể làm trong nước không hài lòng, là “civil rights, human rights?” Về nội dung, bài viết này giúp độc giả những nét tiểu sử và tư tưởng Phan Châu Trinh so sánh với học giả Trung Hoa và Nhật Bản đương thời. Đó là điểm mới mẻ của bài viết.
Francois Souty, đồng nghiệp, giáo sư đại học La Rochelle, riêng biệt với một đề tài về thuộc địa của Hoà Lan: “Plantages, Free Trade and Polderization: the Dynamics of the Economy in Dutch Guiana (Demerary, Essequibo, and Berbice) in the 18th Century (1680-1789),” tt. 407-421. Sự tương hợp của đề tài này, khác lạ với đề tài của những chuyên luận khác trong tuyển tập, chính là sự khai thác tài liệu đầu tay để làm lộ ra những sự kiện mới mẻ trong quá khứ theo truyền thống Nguyễn Thế Anh!
Keith W. Taylor đầy tự tin trong một đề tài đặc biệt Đông Phương. Đó là thi/thơ, tức “Shi/Thi in the South: A Common Sino-Vietnamese Poetic Legacy,” tt. 525-536. Nhưng đọc bài viết của một anh Mỹ tán về ý nghĩa thơ Việt Nam để nối kết thơ Hồ Chí Minh thế kỷ XX, tức năm 1942-43 với nhà thơ sớm nhất của đất Giao Chỉ (?) là Lưu Hữu Phưong (Liao Youfeng) thế kỷ thứ IX, cụ thể là năm 815, tôi không khỏi... cảm phục sự liều lĩnh của một người Tây Phương tưởng mình đã len lỏi được vào tâm thức Đông Phương!
Trinh Van Thao, giáo sư tại đại học Aix-Marseille, trực tiếp vinh danh đồng nghiệp họ Nguyễn qua việc tổng kết công trình nghiên cứu của giáo sư Nguyễn Thế Anh nhằm làm nổi bật sự đóng góp lớn lao và sâu sắc của sử gia họ Nguyễn vào lịch sử Đông Á và Việt Nam. Đóng góp của Trinh Van Thao có tựa đề "Lire Nguyên Thê Anh, À la recherche d'une monarchie perdue," tt. 27-39.
Chuyên luận của Patrick Tuck, đồng nghiệp, giáo sư đại học Liverpool, là chi tiết về sự sống còn của các quốc gia Đông Nam Á trước nạn đế quốc, trong trường hợp này là Thái Lan với hai đế quốc Anh và Pháp. Chính quyền Thái đã áp dụng một cách khôn khéo và uyển chuyển chính sách hợp tác với đế quốc Anh và cứng rắn -với sự trợ giúp phần nào của đế quốc Anh- chống lại mọi toan tính tấn công, dù là quân sự, chính trị, hay ngoại giao... của Pháp để duy trì sự tự trị. Đó là chuyên luận "Imperialism and Indigenous Strategies for Political Survival in Mainland Southeast Asia, 1850-1914: the Case of Siam," tt. 385-406.
Léon Vandermeersch, giáo sư kỳ cựu của đại học Sorbonne về Đông Phương học, là thế hệ giáo sư Sorbonne trước Nguyễn Thế Anh, đóng góp bản dịch và chú giải một tài liệu chữ Hán về cuộc du hành của nhân vật có tên Zheng Gongying đến Việt Nam một cách bí mật trong hai tháng (11.6 đến 11.8.1884). Đó là "Une note chinoise de 1884 sur l'Histoire du Vietnam," tt. 243-251.
Gábor Vargyas, đồng nghiệp, giáo sư đại học Pecs, Hung Gia Lợi, đóng góp thiên nghiên cứu về sắc tộc Bru, tức Vân Kiều qua đề tài “Quiconque voulait s’imposer à nous, nous avons accepté son pouvoir,” tt. 341-369. Đây là một chuyên luận tương đối ngắn, nhưng đầy đủ chi tiết về sắc tộc Vân Kiều ở vùng Trường Sơn qua địa bàn sinh hoạt, dân số, ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử... từ một chuyên viên. Danh xưng “chuyên viên về sắc tộc Vân Kiều” dành cho vị giáo sư này rất xứng đáng, vì chưa đến một thập niên (1993-2001), Vargyas đã hoàn tất 11 chuyên luận về đề tài này.
Geoff Wade là chuyên viên nghiên cứu tại đại học Hong Kong và Singapore, lên tiếng khâm phục sự quảng bác của giáo sư Nguyễn Thế Anh về nghiên cứu Chàm. Chuyên luận của tác giả vào tuyển tập này chính là để tỏ lòng mến mộ giáo sư Nguyễn Thế Anh mà ông mệnh danh là một trong những chính nhân của thời đại, nguyên văn: “one of the gentlemen of our age.”Chuyên luận của Wade, tựa đề “The Ming shi Account of Champa,” tt. 41-61, là bản dịch và chú giải phần Chiêm Thành trong Minh Sử (Ming Shi). Đây là đóng góp mới nhất trong ngành nghiên cứu Chàm, và sẽ là một tài liệu gốc cho mọi tham khảo sau này.
Danny Wong Tze-Ken, cựu môn sinh, giáo sư đại học Malaysia, là tác giả của “The Nguyen Lords and the English Factory on Pulo Condore at the Beginning of 18th Century,” tt. 371- 384. Chuyên luận giải thích bang giao quốc tế thời các chúa Nguyễn căn cứ vào nhiều nguồn tài liệu đầu tay khác nhau theo truyền thống Nguyễn Thế Anh.
Insun Yu, đồng nghiệp, giáo sư đại học quốc gia Seoul, viết “Myth and Reality: The Confucian Influence on Northern Vietnamese Society during the Le Dynasty (1428-1788),” tt. 505- 524. Giáo sư Insun Yu chi tiết sự chuyển hướng của chính quyền trung ương thời Hậu Lê áp dụng hệ thống Khổng học vào chính quyền, thay thế hệ thống Phật học thời Lý Trần trước đó. Bằng chứng rõ rệt nhất là việc mở các khoa thi kén chọn người vào hệ thống quan lại thì hai triều Lý Trần mở rất ít, còn triều Lê và Nguyễn sau này thì thường xuyên ba năm một lần.
Nhưng đạo Phật là đạo xuất thế, lấy việc cá nhân tu hành là chính. Đạo Khổng mới là một hệ thống xã hội, là nền tảng lý thuyết cho sự cai trị của chế độ quân chủ tại Trung Hoa, Việt Nam... Cho nên, theo tôi, so sánh ảnh hưởng của Phật học và Khổng học trong lịch sử Việt Nam thì chỉ có thể kết luận thời Lý Trần thì đạo Phật được trọng vọng, đến thời Hậu Lê và Nguyễn sau này thì ảnh hưởng đạo Phật trong xã hội bị sút kém hẳn. Và trong xã hội sau thời Lý Trần thì giới nho sĩ thường lấy tăng lữ làm đối tượng chế diễu.
Ý nghĩa nhất của hợp tuyển 541 trang này là câu kết luận trong phần giới thiệu do sử gia Mỹ Keith Weller Taylor, giáo sư đại học Cornell, chuyên về cổ sử Việt Nam với luận án The Birth of Vietnam (Berkeley, University of California Press, 1983, 399 tr.) thể hiện.
Ông đã thay mặt những sử gia quốc tế khác diễn tả tâm tư tình cảm của tất cả đối với vị giáo sư gốc Việt, nguyên văn nơi trang 11: “It is with gratitude for the life and work of Nguyen The Anh that the essays in this volume are presented to him and in his honor, with the hope that, despite the imperfections of our endeavours, we may nonetheless hereby bear witness to the presence of a great scholar in our generation.”
Tôi tạm dịch: “Chính vì sự biết ơn về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Thế Anh mà những chuyên luận trong bộ sách này xin được dâng tặng ông và vì danh dự của ông, với hy vọng rằng, mặc dù sự bất toàn trong những cố gắng của chúng tôi, chúng tôi dẫu sao cũng chứng kiến được sự hiện hữu của một vị học giả lớn trong thế hệ chúng tôi.”
Trong lịch sử sử học Việt Nam từ xưa đến nay, chưa một nhà nghiên cứu nào được các sử gia thuộc nhiều quốc tịch khác nhau trên thế giới hợp nhau lại để vinh danh với ngôn từ trang trọng đến thế. Điều này vượt trên danh dự của một cá nhân, là danh dự của cả một giới, giới sử học Việt Nam Cộng Hoà!
Riêng tôi, vừa là một môn đệ, học nơi ông những căn bản của sự khai thác tài liệu, vừa là một độc giả của ông, tôi nhận thấy giáo sư Nguyễn Thế Anh vì được đào tạo tại Pháp, nơi nghề Sử có truyền thống khách quan đến vô tổ quốc, nên những thành tựu nghiên cứu của ông quả thật rất sâu sắc và phong phú, các sự kiện quá khứ được tái hiện rất rõ ràng và cụ thể, nhưng đồng thời, rất lạnh lùng. Điều này rất phù hợp với giới nghiên cứu Âu Mỹ, và giải thích vai trò hàng đầu của ông trong giới sử học quốc tế về Việt Nam.
Cũng vì xuất thân như thế, giáo sư Nguyễn Thế Anh đã ngỏ lời chê nội dung của Dòng Sử Việt, một chuyên san Sử Học do tôi chủ trì trong các năm 2006-07. Trong một điện thư gửi cho tôi ngày Thứ Năm 19.7.2007 ông viết, nguyên văn: “Báo in đẹp, trình bầy trang nhã, là một đóng góp đáng kể cho việc phát triển ngành sử Việt.” Khen ngợi hình thức mà không đề cập đến nội dung có thể là một cách chê bai tế nhị, theo tôi nghĩ. Nhân đây, độc giả nào “tò mò” muốn biết nội dung bộ Dòng Sử Việt dở như thế nào, xin gửi US$50.00 và bưu cước cho toàn bộ 5 quyển Dòng Sử Việt của tôi.
Hồi đó, tôi không phát hành Dòng Sử Việt một cách bừa bãi. Tôi chỉ gửi cho nhà sách Tự Lực ở Bắc California và nhà sách Văn Khoa tại Nam California. Cả hai nhà đều có những kỷ niệm riêng với tôi. Với Bắc Cali, tôi chỉ lấy 50% trên giá bìa, nhưng ông chủ nhà sách Tự Do nhất định trả tôi 70%. Với Nam Cali, một hôm tôi xuống chơi và đến khu Phước Lộc Thọ ở thành phố Westminster thì nhà sách Văn Khoa, vốn nhiều lần liên lạc lấy thêm sách và trả tiền sòng phắng, đã biến mất tự bao giờ, khiến tôi phải ngỡ ngàng!
Trở về với giáo sư Nguyễn Thế Anh, dù tình cảm cá nhân của ai và thế nào đi nữa, giá trị thật vẫn là giá trị thật. Tôi trình bầy công nghiệp của người mà tôi nhận định là sử gia của hậu bán thế kỷ XX, nhân nhìn lại toàn diện công cuộc nghiên cứu sử Việt tại Bắc Mỹ trong bốn thập niên qua. Vị sử gia của tiền bán thế kỷ là Trần Trọng Kim.
Tôi tự hỏi, giới nghiên cứu Sử người Việt ngày nay, tại hải ngoại cũng như trong nước, đã mấy ai biết đến tác phẩm Monde du Việt Nam. Vietnam World. Hommage à Nguyên Thê Anh là tác phẩm hơn 500 trang thế giới vinh danh một sử gia gốc Việt đương thời, và Parcours d’Un Historien du Viêt-Nam là hợp tuyển những chuyên luận hơn 1,000 trang của sử gia ấy, năm 2008?
TRẦN ANH TUẤN
Trích trong Sử Việt Tại Bắc Mỹ (1975-2015) sắp xuất bản
________________________
(1) Société des Études Indochinoises (SEI) mà danh xưng Việt ngữ là Hội Cổ Học Ấn Hoa hay Hội Nghiên Cứu Đông Dương là một hội bác học (savante) được thành lập năm 1883 tại Sài Gòn. Đại đa số hội viên là những viên chức cao cấp trong guồng máy cai trị Pháp tại Nam Kỳ, một số ít là viên chức ở Huế và Bắc Kỳ. Tạp chí của Hội, tức Bulletin de la Société des Études Indochinoises (BSEI) cũng bắt đầu năm 1883 được phát hành liên tục cho đến năm 1975. Chuyên san BSEI là cả một kho tài liệu về Việt Nam, nhất là về phần đất Nam Kỳ. Thư viện của Hội có hơn 6,200 tác phẩm hiếm quý cùng hơn 300 bộ chuyên san về Viễn Đông. Xin kể qua vài tác phẩm và chuyên san hiếm quý tôi từng nâng niu trên tay (nâng niu, gượng nhẹ, và rất cẩn thận vì giấy qua hàng thế kỷ hay lâu hơn nữa đã trở nên dòn rất dễ rách vụn dù trụ sở của Hội SEI đã có máy điều hòa không khí, nhất là những số đầu của BEFEO): Dictionarivm Annamiticvm Lvsitanvm et Latinvm (tức Tự Điển Việt Bồ La, 1651) và Catechismes (1651) của Alexandre de Rhodes, Le Voyage à la Cochinchine (1807) của John Barrow do Malte-Brun dịch sang Pháp văn, A Voyage to Cochinchine (1824) của John White, Cours d'Administration Annamite (1864) của Luro, thư từ, bản thảo, sách in, cùng tài liệu của và về Trương Vĩnh Ký đựng trong hai kẹp giấy dầy khoảng ba tấc. Đó là sách, chuyên san thì tạm kể vài bộ: bộ Bulletin de la Société des Études Indochinoises (BSEI, 1883-1975), bộ Bulletin de l'École Francaise d'Extreme-Orient (BEFEO, 1901-1975), bộ Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH, 1914-1941)... Năm 1929, hội SEI hiến tặng tất cả cổ vật của Hội cho nhà cầm quyền để thành lập một viện bảo tàng. Đó chính là Viện Bảo Tàng Sài Gòn trong Thảo Cầm Viên, khánh thành ngày 1.11.1929 với tên gọi VBT Blanchard de la Brosse, tên vị thống đốc bấy giờ.
(2) Thư mục đầy đủ về Giáo sư Nguyễn Thế Anh sẽ được giới thiệu trong tác phẩm Sử Việt Tại Bắc Mỹ (1975-2015).
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Một phát hiện nhỏ nhưng quan trọng
của Tạ Chí Đại Trường
Gs Ts Trần Huy Bích
Trong vụ "Bình Nam đồ" do nhà nghiên cứu sử Tạ Chí Đại Trường nêu ra trong di cảo của anh, sai lầm đầu tiên đã từ một số giáo sư, học giả uy tín của miền Nam: Gs. Trương Bửu Lâm, Giám đốc Viện Khảo cổ, giáo sư Sử tại Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Sàigòn, cùng một số giáo sư, học giả uy tín khác cộng tác với ông: Gs. Bửu Cầm, dạy Sử và chữ Nôm tại Đại học Văn khoa, và một số nhà cựu học tên tuổi như Đỗ Văn Anh, Tạ Quang Phát, Phạm Huy Thúy …, tất cả đều có danh vọng.
Trong phần về "Bình Nam đồ," gồm 14 tấm địa đồ được in từ trang 138 đến trang 167 của sưu tập Hồng Đức bản đồ (Tủ sách Viện Khảo cổ--Sàigòn: Bộ Quốc gia Giáo dục, 1962), có một câu về tác giả, "Đốc suất Đoan Quận công họa tiến" 督率端郡公畫進 (Đốc suất Đoan Quận công vẽ dâng lên). Trong “Lời giới thiệu,” Gs. Trương Bửu Lâm giải thích rằng, "Đoan Quận công là tước của Nguyễn Hoàng do vua Lê phong trước khi cho vào trấn đất Thuận Hóa năm 1558." Điều ấy đúng với sử sách. Trong khá nhiều năm, học giới Việt Nam và ngoại quốc cũng tin như thế. Nhưng nếu quả thật Nguyễn Hoàng đã cho vẽ "Bình Nam đồ" để dâng lên triều đình vua Lê như lời giới thiệu của Gs. Trương Bửu Lâm thì khi xem kỹ bộ bản đồ, ta sẽ thấy một số điều không được hợp lý.
Trước hết, tên đầy đủ của bộ bản đồ là "Giáp Ngọ niên bình Nam đồ" 甲午年平南圖 (bản đồ bình định phương Nam năm Giáp Ngọ). Chúng ta cùng biết mỗi 60 năm lại có một năm Giáp Ngọ. Vậy đây là cuộc “bình Nam” vào năm Giáp Ngọ nào? Nguyễn Hoàng sinh năm Ất Dậu 1525. Năm Giáp Ngọ 1534 ông mới lên 9. Năm Giáp Ngọ 1594 ông 69 tuổi. Ông qua đời năm 1613, không sống tới Giáp Ngọ 1654. Vậy hai chữ “Giáp Ngọ” trong danh hiệu bộ bản đồ chỉ có thể là Giáp Ngọ 1594.
Hàng chữ lớn: Giáp Ngọ niên bình Nam đồ.
Hai hàng chữ nhỏ phía dưới: Đốc suất Đoan Quận công họa tiến
Hàng chữ nhỏ bên trái: Tự Động Hải chí Cao Miên giới (Từ Đồng Hới tới biên giới Cao Miên)
Trong bộ bản đồ này có vẽ Lũy Thầy ("Đồng Hới lũy," trang 91 của Hồng Đức bản đồ). Lũy này chưa có trong thời Nguyễn Hoàng. Phải đến năm Tân Mùi 1631, 18 năm sau khi Nguyễn Hoàng qua đời, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên mới cho đắp theo kế hoạch của Đào Duy Từ. Những địa danh như "phủ Thái Khang, phủ Diên Ninh," mãi đến đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (năm Ất Mão 1675) mới có. Gs. Trương Bửu Lâm cho rằng "Những bản đồ ấy có lẽ được thực hiện dưới thời chúa Hiền," nhưng "không hiểu vì sao mà trên trang đầu lại nói đến tước của Nguyễn Hoàng."
Khi xem kỹ, ta sẽ thấy một số địa danh nữa cũng chưa có ở thời Nguyễn Hoàng. Ngoài ra, trong bản đồ có ghi một "Đoan công miếu" (miếu thờ Đoan Quận công, về sau là Quốc công, tước phong của Nguyễn Hoàng). Cũng có một “Thụỵ công mộ” (mộ của Thụy Quận công, tước phong của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, con của Nguyễn Hoàng, qua đời năm 1635). Làm sao trong bản đồ Nguyễn Hoàng vẽ để dâng lên vua Lê năm 1594 có thể ghi ngôi miếu để thờ chính ông cùng ngôi mộ của con ông, hơn 40 năm sau mới qua đời được?
Giáp Ngọ niên bình Nam đồ
Bản đồ khu vực Quảng Bình, với “Động hải lũy” (lũy Đồng Hới) ở các ô 8D, 8E
Một chi tiết đáng lưu ý nữa là năm Giáp Ngọ 1594 thì Nguyễn Hoàng không còn là "Đoan Quận công." Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, ông được vua Lê phong là Thái úy Đoan Quốc công từ năm trước, Quý Tỵ 1593. Quốc công cao hơn Quận công. Tại sao một Thái úy Đoan Quốc công lại xưng là "Đốc suất Đoan Quận công"? Nguyễn Hoàng chưa bao giờ có chức vụ nào mang ý nghĩa "Đốc suất." Thái úy là một chức quan rất cao thời xưa, đứng đầu hàng võ, nhiều triều đại liệt vào hàng “Tam công.” Về sau có triều đại cải danh là Đại Tư mã.
Theo Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, tháng 5 năm Giáp Ngọ (1774), Trấn thủ Nghệ An là Đoan Quận công Bùi Thế Đạt báo về triều đình Đàng Ngoài những suy yếu đang xảy ra ở Đàng Trong (Trương Phúc Loan chuyên quyền, triều chính rối ren, nhân tâm ly tán, Tây Sơn nổi dậy ở Qui Nhơn ...) và "dâng sớ xin đi đánh." Chúa Trịnh Sâm chấp thuận, cử "Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc làm Thống suất Bình Nam Thượng tướng quân" và "Đoan Quận công Bùi Thế Đạt (đang giữ chức Trấn thủ Nghệ An) kiêm thêm chức Đốc suất Bình Nam Đại tướng quân" "đi kinh lược trước." Vậy vị "Đốc suất Đoan Quận công họa tiến" nhiều phần chính là Bùi Thế Đạt. Khi cho vẽ bộ bản đồ để chuẩn bị cho việc cất quân vào "bình Nam" năm Giáp Ngọ 1774, nhiều phần ông đã dựa theo một số bản đồ Đàng Trong vốn có từ trước, chỉ ghi thêm những chi tiết liên quan tới quân sự: các đồn lũy, số quân, chỗ đặt súng, chỗ đốt lửa báo hiệu (hỏa hiệu), chỗ neo thuyền của thủy quân ... Đó là một số chi tiết chúng ta thấy xuất hiện trong "Giáp Ngọ niên bình Nam đồ."
Người nhận ra điều ấy từ khá sớm là Tạ Chí Đại Trường. Trong Thần, người và đất Việt (Westminster, CA : Văn Nghệ, 1989), anh nói lên lần thứ nhất chuyện không đồng ý với Gs. Trương Bửu Lâm. Trong chú thích số 10 ở trang 214 của cuốn sách, anh cho biết, "Đốc suất Đoan Quận công," người cho vẽ "Giáp Ngọ niên bình Nam đồ,” chính là Bùi Thế Đạt chứ không phải Nguyễn Hoàng. Tôi có cuốn sách của anh từ khá lâu, nhưng thú thật là đã không đọc kỹ các chú thích. Chỉ sau khi bản "di cảo" của Tạ Chí Đại Trường được phổ biến, mới xem lại và tìm thấy lời chú thích ấy.
Không thể phản bác ý kiến rất hợp lý của Tạ Chí Đại Trường, tôi thử tìm xem vì sao hai vị giáo sư uyên bác và khả kính của Đại học Văn khoa (các Gs. Trương Bửu Lâm và Bửu Cầm) cũng như nhiều học giả uy tín khác, đã lầm lẫn.
Các giáo sư, học giả biên tập cuốn Hồng Đức bản đồ năm 1962 có lý do để không biết rằng Bùi Thế Đạt cũng có tước hiệu "Đoan Quận công." Một phần vì tước hiệu ấy đã được phong cho Nguyễn Hoàng. Phần nữa vì Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Cương Mục đều không chép chuyện ấy. Các bản Toàn Thư được phổ biến chỉ chép tới năm Bính Thân 1656, đời vua Lê Thần tông. Cương Mục chỉ cho biết Bùi Thế Đạt là “Trấn thủ Nghệ An” chứ không ghi tước hiệu. Phủ biên tạp lục có thể đã không được đọc kỹ vì chỉ là “tạp lục,” chưa đạt tới địa vị của "chính sử."
Việc Bùi Thế Đạt có tước hiệu "Đoan Quận công" được ghi trong Đại Việt sử ký tục biên (cũng gọi là Bản kỷ tục biên hay Lê sử bản kỷ tục biên), nhưng bộ sách ấy bị cấm lưu hành từ năm 1838, do một đạo dụ của vua Minh Mạng. Khi xây dựng quốc học cho miền Nam Việt Nam sau 1954, nhiều phần các trí thức, học giả của miền Nam chưa có đủ thời giờ nghĩ tới việc phiên dịch bộ sách ấy. Trong hoàn cảnh như thế, việc chỉ nghĩ đến Nguyễn Hoàng khi nghe nhắc tới tước hiệu "Đoan Quận công" là một thiếu sót có thể hiểu được.
Khi cho in Hồng Đức bản đồ năm 1962, Gs. Trương Bửu Lâm đã viết những lời rất khiêm tốn: "Chúng tôi đã cố gắng ... nhưng vẫn không bao giờ quên là tác phẩm còn rất nhiều khuyết điểm hay lỗi lầm," "Mong các độc giả vui lòng chỉ dẫn trong những khuyết điểm cũng như sửa chữa những lầm lỗi."
Thắc mắc do giáo sư nêu ra, "Những bản đồ ấy có lẽ được thực hiện dưới thời chúa Hiền," nhưng "không hiểu vì sao mà trên trang đầu lại nói đến tước của Nguyễn Hoàng," mãi 27 năm sau (1989) mới có người lên tiếng góp ý: cựu sinh viên Đại học Văn khoa Tạ Chí Đại Trường. Anh viết trong Thần, người, và đất Việt: Những bản đồ ấy được thực hiện năm Giáp Ngọ 1774, sau khi chúa Hiền mất (1687) gần 90 năm. Vị “Đoan Quận công họa tiến” không phải là Nguyễn Hoàng (1525-1613) như vẫn được ngộ nhận mà là một người ra đời sau Nguyễn Hoàng gần 200 năm: Trấn thủ Nghệ An Bùi Thế Đạt (1704-1778). Anh nhận xét rất tinh, và đã đọc sử sách thật kỹ.
Một số nhân vật trong học giới Tây phương như David Bulbeck và Li Tana (trong “Maps of Southern Vietnam, circa 1690, Giap Ngo nien binh Nam do,” được in trong Southern Vietnam under the Nguyen [Singapore : Institute of Southeast Asian Studies, 1993]), hoặc Brian A. Zottoli (trong bản luận án PhD trình cho University of Michigan năm 2011, “Reconceptualizing southern Vietnamese history from the 15th to the 18th centuries”) cũng bàn về “Bình Nam đồ” và đưa ra nhiều suy đoán khác nhau về niên đại nhưng chưa đi tới kết luận dứt khoát. Niên đại 1690 do David Bulbeck và Li Tana đưa ra trên tựa đề bài viết chỉ là năm Canh Ngọ chứ không phải Giáp Ngọ. Dựa theo các nhà sưu tập và chú giải Hồng Đức bản đồ năm 1962, các vị vẫn nghĩ rằng "Đoan Quận công" là Nguyễn Hoàng chứ chưa biết tới Bùi Thế Đạt.
Trong mấy năm gần đây, học giới trong nước đã biết tới vai trò của Bùi Thế Đạt. Trong bài về "Giáp Ngọ niên bình Nam đồ" đăng trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 109 (số 2-2014), tước hiệu "Đốc suất Đoan Quận công" đã được hai nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh và Trần Viết Ngạc chú thích là "Bùi Thế Đạt." Số báo này phát hành sau cuốn Thần, người và đất Việt của Tạ Chí Đại Trường đúng 25 năm (2014-1989). Tạp chí điện tử Nghiên cứu sử địa An Giang cũng đăng một bài của Trần Hoàng Vũ, được lấy từ Tạp chí văn hóa - lịch sử An Giang số 120 (tháng 3-2015), có tựa đề “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ với lịch sử khẩn hoang miền Nam.” Bài viết này cũng ghi nhận “tác giả bộ bản đồ là Đoan Quận công Bùi Thế Đạt”:
https://sites.google.com/site/vhlsangiang/cac-bai-nghien-cuu/giapngonienbinhnamdovoilichsukhanhoangmiennam
Bài của Huỳnh Thị Anh Vân (Tạ Chí Đại Trường nhớ sai là “Ánh Vân”), thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, góp ý về bài “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ”của David Bulbeck và Li Tana nhắc tới ở trên (Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 342 [Hà Nội : Viện Sử Học, tháng 11, 2004], trang 70-76).
Tuy trễ đã hơn 20 năm, phát hiện của Tạ Chí Đại Trường đã được trong và ngoài nước ghi nhận vì phát hiện ấy rất đáng được ghi nhận.
Trần Huy Bích
(Tháng 4-2016)
* Chú thích của Văn Hóa: Bài trên có đăng trên Diễn Đàn Thế Kỷ
++++++++++++++++++++++++++++++++
Rạch Giá - Hà Tiên
Nguyễn Thanh Liêm
Tổng Quát:
Tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá) là tỉnh ở về phía cuối Miền Tây Nam nứơc Việt, cách Sài Gòn 250 km (156 miles). Về phía Đông và Đông Nam, Kiên Giang giáp với các tỉnh An Giang và Cần Thơ, về phía Nam giáp với Cà Mau, và về phía Bắc giáp với Kampuchia, với đường biên giới chung dài 54 km. Phía Tây của Kiên Giang là Vịnh Thái Lan.
Với diện tích 6, 253 km vuông, và với dân số hơn 1 triệu 600 ngàn người (2004), Kiên Giang hiện có 11 huyện là Hà Tiên, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, và hai huyện đảo là Phú Quốc và Kiên Hải. Kiên Giang có hai thị xã là Rạch Giá và Hà Tiên.
Ba dân tộc sống ở đây là người Việt (người Kinh), người Miên (Khmer) và người Hoa.
Kiên Giang, trong đất liền, có nhiều núi thấp như núi Đại Tô Châu (cao 178 m, hay 234 ft), núi Hòn Sóc (cao 187 m), núi Hòn Đất (cao 260 m), núi Vân Sơn, núi Địa Tạng v v . . . Trong Vịnh Thái Lan, Kiên Giang có hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ như Hòn Tre, hòn Thổ Châu, hòn Chông, hòn Rai, hòn Mấu, hòn Nam Du. . . Đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất với 566 km vuông, dài 50 km, ngang rộng nhất 29 km, trên đảo có dãy núi Tà Lơn với những ngọn cao như Hàm Rồng (cao 365 m), núi Chúa (cao 603 m), núi Mắt Quỷ (cao 360 m).
Kiên Giang có khu rừng ngập nước ở phía Nam là khu U Minh Thượng, có nhiều sông và kinh rạch chằn chịt như sông Trèm Trẹm, sông Cái Lớn, sông Cái Bé, kinh Hà Tiên, kinh Cái Sắn, kinh Tân Hiệp, kinh Ba Thê, kinh Thốt Nốt, kinh Cán Gáo, rạch Giang Thành, rạch Sỏi, v v . . .
Những liên tỉnh lộ số 8 và số 12 là những trục giao thông quan trọng nối liền Kiên Giang với các tỉnh khác. Có ba phi trường chính đặt ở Hà Tiên, Rạch Giá, và Dương Đông (Phú Quốc).
Rạch Giá – Hà Tiên có nhiều danh lam thắng cảnh, có những di tích lịch sử quan trọng, nhiều đền chùa nói lên sinh hoạt tôn giáo, tín ngưởng đặc biệt của người dân ở đây, và nhất là “Chiêu Anh Các”, thường được xem là trung tâm văn học ở Miền cực Nam nước Việt hồi hơn thế kỷ trước. Trước khi đi vào chi tiết của những điều vừa nói, chúng ta hãy đi ngược thời gian, trỡ về thuở xa xưa xem có những giống người nào đã từng sinh sống trên vùng đất này.
Hà Tiên thời tiền sử
Các nhà khảo cổ học không hay chưa tìm được những di chỉ nào cho thấy có sự hiện diện của con người sinh sống ở vùng này trong thời gian trước văn hóa Óc Eo. Con người thời hái lượm , săn bắn không sinh sống hoặc không có để lại dấu vết ở vùng này. Nhưng nếu nói chung cho cả vùng Hậu Giang thì theo Sơn Nam thổ dân thời tiền sử ở đây có lẽ thuộc giống Indonesien (có bộ sọ người tìm thấy ở Vĩnh Hưng, Bạc Liêu). Người Mon- Khmer tràn tới, xua các thổ dân này qua miền Trung hoặc ra Nam Dương vào khoảng đầu thiên niên kỷ thứ nhất. Riêng ở vùng Hà Tiên con người sớm nhất mà ngày nay các nhà khảo cổ có được dấu vết là người Phù Nam và văn hóa Óc Eo của họ.
Những di chỉ khảo cổ tìm thấy ở Óc Eo do nhà khảo cổ Malleret của Pháp khai quật hồi thập niên 1940 cho thấy nơi đây xưa kia là một trung tâm, có thể là một đô thị vừa là một thương cảng quan trọng của vương quốc Phù Nam. Óc Eo hiện nay nằm trong tỉnh An Giang, ở chân núi Ba Thê, cách biển hơn 20 km. Địa bàn của vương quốc Phù Nam trải rộng cả vùng Đồng Nai Cửu Long qua tận Kampuchia trong khoảng thời gian từ thế kỷ I đến thế kỷ thứ VII của thiên niên kỷ thứ nhất. Dấu tích của vương quốc Phù Nam không phải chỉ có ở Óc Eo mà còn được tìm thấy ở nhiều nơi khác như Cạnh Đền (Kiên Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp), Gò Năm Tước, v v . . . đến Đồng Nai, vùng Đông Nam Phần theo các công cuộc khai quật gần đây. Theo Malleret thì Óc Eo là một đô thị rộng lớn, một thương cảng phồn vinh, một trung tâm kinh tế sống động với mối giao thương Âu-Á khá rộng rãi. Óc Eo cũng là một đô thị tiêu biểu cho nền văn minh của một quốc gia cổ hình thành sớm nhất ở Đông Nam Á.
Nhưng người Phù Nam là ai? Tên Phù Nam ở đâu mà có? Chữ Phù Nam là chữ người ta tìm thấy trong thư tịch Trung Hoa. Tân Đường Thư ghi là Trúc Chiên Đàn (vua Phù Nam) xưng vua, sai sứ sang cống voi đã thuần dưỡng. Sách cũng ghi là họ (Phù Nam) có 5,000 voi chiến. Lương Thư cũng có nói đến Phù Nam nhưng không sách nào nói rõ hơn về người Phù Nam là người gì? George Coedès, trong quyển “The Indianized States of Southeast Asia” thì chữ Phù Nam là chữ của người Trung Hoa phiên âm từ tiếng b’iu-nâm, tức là tiếng Khmer cổ có nghĩa là “vua ở trên núi” (Khmer cổ là bnam, Khmer mới là phnom). Cũng theo Coedès thì người Phù Nam có thể từ miềng Đông Nam Ấn Độ, hoặc từ bán đảo Mã Lai hay từ các đảo trong châu đại dương. Trong quyển “The Making of South East Asia”, Coedès có nói đến truyền thuyết Kaundinya (như một tù trưởng) từ miền Nam Ấn Độ đến kết duyên cùng hoàng hậu Liễu Diệp ở vùng hạ lưu sông Mêkông, lập nên nước Phù Nam. Kinh đô ở vùng Ba Nam, thuộc tỉnh Preyveng ngày nay, cách biển 500 dặm.
Nhưng tại sao Phù Nam suy tàn và mất dấu vết từ thế kỷ thứ VII? thì cho đến bây giờ không có tài liệu nào cho biết về việc này ngoài những giả thuyết cho rằng là do một đại thiên tai nào như hồng thủy, sóng thần, bệnh dịch đã tiêu diệt giống người này. Nhưng trên bình diện trải rộng như các di chỉ khảo cổ cho thấy thì không thể có thiên tai nào có khả năng tiêu hủy cả vương quốc Phù Nam được. Có giả thuyết cho là người Java đã tiêu diệt người Phù Nam, nhưng không có dấu hiệu gì đáng tin cậy về sự việc này.
Đến cuối thế kỷ XIII, khoảng 1296 – 1297, sứ thần Trung Hoa là Châu Đạt Quan đã đến vùng này nhưng lúc bấy giờ thì vùng này đã thuộc về Chân Lạp chớ không còn là Phù Nam nữa. Trên đường đi Chân Lạp, Châu Đạt Quan có ghi nhận quang cảnh hoang vu vùng đồng bằng sông Cửu Long như sau :
“. . . hầu hết các vùng đều là bụi rậm của khu rừng thấp, những cửa rộng của con sông lớn chạy dài hằng trăm lý, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chổ trú xum xê. Tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi. Vào nữa đường trong cửa sông, người ta mới thấy lần đầu cánh đồng ruộng bỏ hoang, không có một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy. Hằng trăm hằng ngàn trâu rừng tụ họp từng bầy trong vùng này. Tiếp đó, nhiều con đường giốc đầy tre chạy dài hằng trăm lí.” (Châu Đạt Quan, Chân Lạp Phong Thổ Ký, Lê Hương. Sài Gòn: Kỷ Nguyên Mới, 1973, tr. 80).
Thành ra trong thời gian từ thế kỷ VII cho đến thế kỷ XIII, nghĩa là sau khi Phù Nam tan rã cho đến lúc Chân Lạp phồn thịnh lên, người ta không tìm được những dấu vết gì có thể cho biết là dân tộc nào ngự trị ở vùng này và dân tộc đó đã phát triền bành trướng hay suy tàn như thế nào?Theo Charles Higham trong quyển “The Archaeology of Mainland Southeast Asia” (Cambridge University Press, 1989), tựa trên những công trình khai quật từ trước đến thập niên 1980 thì từ khỏang 10,000 năm trước Chúa Giáng Sinh cho đến cuối thế kỷ XVI, cả vùng Đông Nam Á (lục địa) đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử vơÙi những hình trạng xã hội khác nhau: thời săn bắn hái lượm từ 10,000 BC đến 5,000 BC; thời định cư ven biển từ 5,000 BC đến 1,500 BC. . . . thời kỳ thành hình các mandalas ở Đông Nam Á từ 500 BC đến thế kỷ III; và thời kỳ phát triển và chuyển biến của những mandalas từ thế kỷ III đến thế kỷ XVI. Văn hóa Óc Eo và Angkor chỉ mới xuất hiện vào thời kỳ cuối trong những thời kỳ ghi trên. Đây là thời kỳ tương ứng với sự phát triển của các quốc gia cổ với chế độ xã hội gọi là “mandala” (một loại chế độ vừa tôn giáo vừa phong kiến ở Đông Nam Á).
Trước khi có những mandalas thì xã hội Đông Nam Á còn ở tình trạng bộ lạc với các tù trưởng (chiefdoms). Phù Nam, Chân Lạp, Lâm Ấp là ba trong 5 hay 6 mandalas của vùng Đông Nam Á. Mỗi mandala bao gồm một khu vực địa lý dưới sự thống trị, và làm chủ của một vị vương vừa như nhà vua vừa là người được tôn sùng như một lãnh tụ về tôn giáo. Nhưng mandala không có biên giới nhất định; ranh giới của nó rất co giản, nó thay đổi luôn (fluid) tùy theo sức ảnh hưởng của nhà vua chủ nhân. Mandala chưa phải là một quốc gia, một nước có chủ quyền, có quy luật truyền ngôi, có biên giới rõ rệt. Vương quốc Phù Nam chỉ là một mandala và mandala này đã bị tan biến trong mandala Chân Lạp, cũng như mandala Lâm Áp sau này bị tan biến trong quốc gia Việt Nam vậy.
Một giả thuyết gần đây lại cho rằng vùng Hà Tiên xưa kia là vùng đất của người Việt cổ. Giả thuyết này tựa trên một số các địa danh mà người Thái (Xiêm) và người Miên (Khmer) đã đặt ra cho những địa điểm đó. Thí dụ núi Phù Dung có thể là do chữ Phù hay Phnom và Youn, có nghĩa là Núi của người Việt. Ngay danh từ Hà Tiên, theo thuyết này, cũng có thể là do chữ Tà Ten mà ra, Tà có nghĩa là núi và Ten là tên con sông, theo tiếng Miên. Thuyết này bác bỏ truyền thuyết cho rằng nơi đây xưa kia có tiên hiện xuống, đi lại trên sông nên gọi là Hà Tiên (tiên hiện ra trên sông). Người chủ trương thuyết này là ông Trương Minh Đạt. Trong quyển “Nhận Thức Mới về Đất Hà Tiên”, ông Đạt viết:” . . .có thể nói được thời xa xưa, vùng đất Hà Tiên chính thống là vùng đất Phù Dung (Phù Youn) của người Lạc Việt. Trong quá trình chung sống hội nhập, những người Việt đầu tiên đã trỡ thành dân cư của Phù Nam, rồi họ tiếp nhận đợt sóng Khmer và Java sau đó. . . . Vào các thế kỷ XVII, XVIII, người Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò thống nhất lãnh thổ xưa của tổ tiên. Cuộc thống nhất diễn ra nhanh, chỉ do người Việt đã có mặt rải rác khắp nơi trên lãnh thổ phía Nam này.” (tr. 28-29). Đây cũng chỉ là một giả thuyết còn chờ đợi nhiều chứng liệu lịch sử nữa để có thể chứng giải được.
Giả thuyết khác nữa là giả thuyết của Hà Văn Thuỳ sau đây, tựa trên những khám phá của nhà địa chất học H. Fontaine của Pháp. Từ cuối Đại Trung Xinh (Pleistocene) đến đầu Đại Tân Xinh (Holocene), đại khái từ khoảng 100,000 đến 11,000 năm trước, nước biển hạ thấp từ 100 đến 120 m, biển Đông khô cạn, chỉ còn là một vũng nhỏ, tạo điều kiện cho động vật từ Châu Á tràn sang Châu Đại Dương, khiến cho hệ đông vật gần nhau giữa hai châu. Từ 10,000 năm trước công nguyên trỡ lại đây có nhiều lần (4 lần) biển tiến (dâng cao) và lùi (xuống thấp), đặc biệt là trong hai lần tiến và lùi của biển lần thứ 3 và lần thứ 4 có mật thiết liên hệ tới sự thành hình và tan biến của vương quốc Phù Nam. Trong lần nước biển lên cao lần thứ ba (200 năm BC đến 50 AD), nước biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã ngăn chặn bước tiến của các giống dân sống ở vùng Đồng Nai qua định cư ở vùng này. Rồi khi nước lùi từ năm 50 đến thế kỷ thứ V, thì người Mã Lai-Đa Đảo (MalayoPolynésien) từ các đảo ngoài biển vào đây định cư làm thành vương quốc Phù Nam với nền văn minh Óc Eo tiêu biểu của họ. Tiếp theo đó trong lần dâng cao thứ IV kéo dài 800 năm từ năm 350 đến 1,150, với điểm cao nhất vào khoảng năm 650, nước biển đã làm ngập cả đồng bằng sông Cửu Long khiến không còn ai có thể sống được trong vùng. Vương quốc Phù Nam tan rả, một phần của người Phù Nam lên miền núi cao sinh sống, và phần khác trỡ về các đảo trong Châu Đại Dương. Từ thế kỷ XII nước biển xuống thấp trỡ lại, ở mức bình thường như ngày nay. Cũng từ đó nước Chân Lạp thành hình chiếm cả vùng đất Phù Nam trước kia. Và ta có hình ảnh của vùng Đồng Bằng sông Cửu Long do Châu Đạt Quan ghi lại hồi thế kỷ XIII như đã thấy trên.
Qua các giả thuyết cũng như các công trình khai quật nói trên ta có thể tạm kết luận là vùng Hà Tiên vào các thế kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ nhất thuộc vương quốc Phù Nam, và từ thế kỷ XIII cho đến thế kỷ XVII thuộc Thủy Chân Lạp và từ thế kỷ XVIII trỡ đi thuộc Việt Nam.
Hà Tiên thành hình
Điều mà ngày nay chúng ta biết chắc nhất là Mạc Cửu đã đến khai phá xây dựng đất Hà Tiên và dâng đất này cho Chúa Nguyễn. Việc dâng đất xãy ra hồi nào thì nhiều sách chép khác nhau. Có sách cho là năm Giáp Ngọ (1714) nhưng nhiều sách ghi là năm Mậu Tý (1708). Theo ông Trần Kinh Hòa và một số các học giả khác thì năm Mậu Tý (1708) có thể đúng nhất. Nhưng Mạc Cửu là ai? và ông đã đến khai phá xây dựng vùng Hà Tiên hồi nào trước khi dâng đất này cho Chúa Nguyễn? Và trước khi Mạc Cửu đến khai phá thì người Việt đã có ở đây chưa? Theo nhiều học giả thì vào thế kỷ XVI đã có người Việt đến sinh sống ở Hà Tiên rồi. Những người này có thể là những tội nhân trốn chánh quyền Đàng Trong hay là những người dân Miền Trung phiêu bạt từ bờ biển Đông đến. Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức ghi là những lưu dân người Việt đến ở những vị trí “sườn gò khởi phục, cây tốt, suối trong”. Họ ở chung với người Miên (Khmer), trong những khu vực sống trù mật. Sau đó người Hoa cũng đến đây làm ăn sinh sống. Như vậy có thể người Việt đã có ở đây trước khi Mạc Cửu đến.
Mạc Cửu sinh ngày mùng 8 tháng 5 năm Ất Mùi (1665) tại xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa. Năm 1671 Mạc Cửu trốn tránh Nhà Thanh, đưa gia quyến và một số người di dân xuống thuyền ra nước ngoài. Theo một số sử gia thì ông đã qua các nước Phi Luật Tân, Nam Dương rồi sau đó vào khoảng 1680 mới đến Chân Lạp và được vua nước này dùng làm quản lý việc thương mãi. Ít lâu sau nhờ lo lót cho quyền thần và đám cung phi của vua, Mạc Cửu được quốc vương Chân Lạp cho làm chức Ốc Nha. Trong chức vụ mới này, Mạc Cửu chiêu dụ thương khách ngoại quốc cùng với nhiều người Việt, người Hoa, người Khmer đến cư ngụ, làm ăn ở Mang Khảm, tức là Hà Tiên sau này. Mang Khảm thuộc Thủy Chân lạp. [Nước Chân Lạp được chia thành hai vùng: Thượng Chân Lạp hay Lục Chân Lạp là vùng đất cao, chạy dài từ Biển Hồ đến Đồng Nai, và Thủy Chân Lạp là vùng đất thấp hoang vu, ngập đầy nước ở miền Hậu Giang. Người Khmer thích ở vùng cao, không thích ở vùng thấp]. Khi đến Mang Khảm Mạc Cửu cho mở sòng bạc, tiệm hút, và phát triển việc buôn bán, làm nên một thành phố. Trước kia cũng đã có người ngoại quốc đến đây mua bán, nhưng đến thời Mạc Cửu thì việc giao thương buôn bán càng phát triển mạnh hơn, tàu thuyền đi lại rộn rịp. Từ đó người Việt, người Đường, người Liêu, người Man (Miên) kéo đến trú ngụ, làm ăn, hộ khẩu ngày càng đông đúc.
Công cuộc phát triển ở Mang Khảm không tránh khỏi sự dòm ngó của Xiêm La. Trong những năm 1687-1688 quân Xiêm đánh chiếm Hà Tiên, Mạc Cửu bị quân Xiêm bắt đem về Xiêm đến năm 1700 mới thả ra. Lúc này tình hình Chân Lạp cũng rất rối ren vì cuộc nội chiến và giặc giả nổi lên cướp phá dữ dội ở nhiều nơi. Thấy thế lực của Chúa Nguyễn đang lan ra mạnh mẽ về phương Nam, Mạc Cửu theo lời khuyên của mưu sĩ họ Tô, cho thuộc hạ là Trương Cầu và Lý Xá mang ngọc lụa đến Thuận Hóa vào mùa thu năm Mậu Tý (1708), dâng biểu xin dâng đất Hà Tiên cho Chúa Nguyễn và xin làm Hà Tiên Trưởng. Chúa Nguyễn Phúc Chu ban ấn tín, phong cho Mạc Cửu làm Tổng Trấn Hà Tiên, và Mang Khảm trỡ thành Hà Tiên trấn. Hà Tiên Trấn gồm các ấp vừa thành lập từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá đến Cà Mau.
Hà Tiên phát triển và suy vi
Mạc Cửu mất năm 1735. Chúa Nguyễn Phúc Chu truy tặng Khai Trấn Thượng Trụ Quốc, Đại Tướng Quân Vũ Nghị Công. Năm sau Chúa Nguyễn sắc phong cho con trai của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích làm Đô Đốc trấn Hà Tiên. Dưới thời Mạc Thiên Tích, Hà Tiên càng phát triển mạnh hơn nữa. Mạc Thiên Tích mở thêm các huyện Kiên Giang, Long Xuyên, Trấn Di (Bạc Liêu), Trấn Giang (Cần Thơ), sáp nhập Kiên Giang và Long Xuyên vào trấn Hà Tiên. Về phương diện thương mại Hà Tiên lúc này hết sức phồn thịnh. “đường lối tiếp giáp, phố xá liền lạc, người Việt, người Tàu, người Cao Miên, Đồ Bà đều theo chủng loại cư trú, ghe thuyền ở sông biển qua lại nơi đây không dứt. Thật là một đại đô hội ở nơi gốc biển vậy.” (Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí). Hầu hết các sản phẩm đưa đến Hà Tiên đều chịu thuế không đáng kể. Nhờ vậy mà các sản phẩm như cá, khô, mật ong, sáp ong, gạo. . . trong vùng đều đưa đến Hà Tiên ngày một nhiều. Các xứ như Vạn Tượng (Lào), Chân Lạp cũng đưa ngà voi đến đây có đến hằng trăm tấn.
Ngoài ra các loại sản phẩm như lông chim ở rừng U Minh, trầm hương, hải sâm từ Phú Quốc và các đảo khác cũng được đưa về đây.” Nhưng đó chỉ là sự phồn thịnh về thương mãi mà thôi còn vềà nông nghiệp thì rất thô sơ, chưa có những phát triển gì đáng kể. Trong bài tựa Hà Tiên Thập Vịnh Mạc Thiên Tích viết:”Từ khi tiên quân khai sáng đến nay đã hơn 30 năm mà dân mới được ở yên, hơi biết việc trồng trọt. . .” Chung quanh Hà Tiên vẫn còn là vùng hoang địa, bùn lầy nước đọng, cây cỏ um tùm, nhiều mối và đỉa, trong sông có nhiều cá sấu, đất thường ẩm thấp, phải xây gác cây để ở. Hà Tiên phải nhờ lúa gạo của hai đạo Long Xuyên và Kiên Giang cung cấp. Cùng lúc với sự phồn thịnh về thương mại, Hà Tiên cũng phát triển mạnh về văn hóa. Tao đàn Chiêu Anh Các ra đời trong lúc này (1736). Chiêu Anh Các không những chỉ là tao đàn để các nho sĩ xướng họa thi ca mà còn là trung tâm giáo dục miễn phí, một nghĩa thục giúp các nhân tài và con nhà nghèo có nơi học hỏi. Bên cạnh Chiêu Anh Các họ Mạc còn cho xây dựng văn miếu thờ Khổng Tử, và xây cất nhiều chùa chiền.
Nhưng giặc Xiêm, giặc Miên và cướp biển cứ nối tiếp nhau đến đây tàn phá, thêm vào đó còn có cuộc nội chiến giữa Chúa Nguyễn và Nhà Tây Sơn làm cho tình thế của Hà Tiên càng chông chênh, bất ổn. Con cháu Mạc Thiên Tích không giữ nổi sự nghiệp của cha ông, Hà Tiên bắt đầu đi xuống từ giữa thập niên 1770. Dù sao thì đối với nhà Nguyễn ba người có công lớn trong dòng họ Mạc ở Hà Tiên là Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Sanh. Và trong ba người này, giỏi nhất là Mạc Thiên Tích./
Nguyễn Thanh Liêm
++++++++++++++++++++++++++++++++++
Việt Nam: Đàng Trong, Đàng Ngoài (5b)
Posted on April 8, 2016 by editor
Nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục
Có thể nói, nhà vua đã làm trái ngược với nước láng giềng Xiêm La. Sự trái ngược ấy thể hiện rõ rệt trong chính sách ưu tiên cho an ninh và ổn đinh như một sứ mệnh lịch sử: Thống nhất đất nước về mặt chính trị mà không quan tâm đến nhu cầu phát triển.
Sử Việt nhìn lại
Việt Nam: Đàng Trong, Đàng Ngoài trong việc giao thương buôn bán với người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hòa Lan
Đây là giai đoạn tương đối thuận lợi cho cả đôi bên mà chuyện thương mại là chính yếu.
Trước khi đề cập đến triều đình nhà Nguyễn, xin được trình bày sơ lược đến mối bang giao giữa Việt-Bồ (Portugal) trong thế kỷ XVIII.
Đây là những bước mở đầu cho việc giao thiệp giữa các Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Nhưng nội bộ chính trị Việt Nam trong giai đoạn này phải nói là sự bất ổn. Nước đã phân đôi, luôn luôn dòm ngó nhau tạo ra sự chia cắt giữa Đàng Trong-Đàng Ngoài.
Lòng người ly tán. Có vua mà như thể không có vua vì không có thực quyền. Quyền hành ở trong nhà Chúa tất cả. Ngôi thứ đã không được sắp xếp phân minh mỗi khi cần giao thiệp với các người Bồ, người Tây Ban Nha.
Sử gia Nguyễn Khắc Ngữ (NKN, đã qua đời) đã sưu tập được nhiều tài liệu trong giai đoạn này và được trình bày trong hai tập sách in mỏng. Đó là tập nhan đề Liên Lạc Việt Pháp – 1775-1820 Ghi chú rõ thêm là Nguyễn Vương và Giám Mục Adran; và tập Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hòa Lan giao tiếp với Đại Việt (Thế kỷ XVI, XVII, XVIII).
Theo tác giả NKN, nhờ sống ở một khu vực có nhiều di dân người Bồ cư ngụ tại thành phố Montreal mà ông đã thu tập được nhiều nguồn tư liệu đầu nguồn của Bồ Đào Nha tại các Văn khố ở Lisbon như sau:
- Arquivo Historico Ultamarino. Lisbon
- Arquivo Nacional da Tore do Tombo. Lisbon
- Biblioteca da Ajuada Lisbon
- Biblioteca National de Líbooa
Nhờ liên lạc được với bốn văn khố trên, tác giả NKN đã thu tập được khá nhiều tài liệu đầu nguồn bằng tiếng Bồ và cả tiếng Pháp. Chẳng hạn: Lesserteur E.C. Les premiers prêtres indigènes de l’église Tonkinoise. Lyon 1883hoặc Louvet, L.C La Cochinchine religieuse, 2 tập, và nhiều tài liệu ghi năm cũng cho thấy cách làm việc nghiêm chỉnh của tác giả.
Và dĩ nhiên còn nhiều tập tài liệu khác nữa. Sau này, ai muốn tìm hiểu đầy đủ về giai đoạn này hẳn không thể không tra cứu tài liệu của NKN. Rất tiếc, công trinh nghiên cứu của ông bị bỏ dở dang khi tuổi đời của ông còn rất trẻ!
Hy vọng những tài liệu sử này được trao lại cho những người biết xử dụng hoặc được số hóa cho mọi người truy cập!
Nhưng điều quan trọng là nhờ tìm hiểu kỹ càng giai đoạn khởi đầu tiếp xúc giữa Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hòa Lan cho thấy việc người Pháp sau này sang cai trị Việt Nam chỉ là một sự kiện lịch sử không tránh được và không nằm trong những toan tính chính trị của các thừa sai người Pháp.
Có nghĩa là giữa chính sách đi chiếm thuộc địa và chính sách truyền đạo không phải là hai xu hướng cộng hưởng – có cái này thì phải có cái kia.
Giả dụ nếu không có thừa sai – không có việc cấm đạo – thì không phải vì thế mà chính sách thuộc địa không được thi hành nếu nhìn ở bình diện quốc tế.
Trong suốt ba thế kỷ giao dịch quốc tế như thế – nhất là ở thế kỷ XVIII với các nước Phương Tây, các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã học được bài học gì, đã lợi dụng được hiểu biết của họ về khoa học để phát triên đất nước như thế nào?
Nhiều câu chuyện truyền tích để lại trong giai đoạn này thật là đẹp. Người ta chẳng ai ngờ một Chúa Nguyễn Hoàng – người mở đầu cho cuộc Nam tiến – sau này cũng vào đạo Thiên Chúa giáo.
Câu chuyện tình giữa công Chúa Mai Hoa và một giáo sĩ Tây Ban Nha, Pedro Ordóñez de Cevallos vào cuối thế kỷ 16, được ghi lại trong cuốn “Viaje del Mundo”, do chính Pedro Ordonez De Ceballos viết năm 1614. Ở Quyển II, từ trang 7-24, ông thuật lại việc đến Việt Nam vào tháng 12, 1590 và việc chị của Hoàng đế Lê Anh Tông đã yêu và ngỏ lời cầu hôn; ông không thể nhận lời cầu hôn vì là giáo sĩ, nhưng đã rửa tội cho công chúa và đặt tên thánh cho bà là Maria — Maria Flora (Mai Hoa). Bà trở thanh một người theo Thiên Chúa giáo đầu tiên và đã trở thành nữ tu dòng kín đồng thời thành lập một tu viện. Giáo sĩ Pedro bị trục xuất khỏi Việt Nam để tránh hệ lụy ái tình của công chúa nhà Hậu Lê.
Lm. Pedro Ordonez de Cevallos. Nguồn: http://arbor.revistas.csic.es/index.php/arbor/article/viewFile/460/461
“II, 7-24: Momento cumbre del Viaje del mundo: llegada a Cochinchina (diciembre de 1590) y contacto directo con la reina y el tunquín, su hermano. Trato familiar con la reina, la cual se enamora de Ordóñez y le propone matrimonio. Él, como clérigo que es, no puede aceptarlo, pero la acaba convirtiendo al cristianismo y bautizándola con el nombre de María. Esta conversión es la primera de muchas otras que irán sucediéndose en cadena, hasta el punto de que la reina María funda un convento y se hace monja de clausura. Una antigua ley le obliga a Ordóñez a salir desterrado de la Cochinchina, por haber rechazado la mano de la reina (20 de enero de 1592, día de S. Sebastián).”(14)
Ngoài ra, còn nhiều giáo sĩ đã làm quan giúp các Chúa trong mọi công việc, từ việc thiên văn, địa lý, dạy toán học đến làm ngự y cho các Chúa. Giáo sĩ Joao Baptista Sanna giảng đạo ở Đàng Trong giúp Chúa Nguyễn Phúc Chu coi việc thiên văn, rồi nhiều giáo sĩ khác như các linh mục Koffler, Jean Siebert, Francois de Lima, Joseph Neugebauer, Slamenski, Savier de Monteiro, Jean de Loureiro, v.v.(15)
Tuy nhiên, các giáo sĩ vẫn không được tin dùng và đôi khi vẫn xảy ra việc bắt đạo như dưới thời Chúa Trịnh Tạc.
Trong đó có thầy Andrê là người tử đạo đầu tiên trên đất Việt Nam. Việc tử vì đạo hầu hết do sự hiểu lầm về việc thờ cúng tổ tiên giữa các giáo sĩ và chính quyền.
Theo tôi thật ra, có thể trong giai đoạn này, ngôn ngữ tiếng Pháp chưa được thông dụng nên có nhiều sự hiểu lầm không tránh được. Tiếng pháp có hai từ phân biệt rất chính xác là “adorer” và “vénérer”. Chữ “adorer” có nghĩa là sự tôn thờ. Thờ kính chỉ một Chúa Trời mà thôi. Còn chữ “vénérer” có nghĩa là tôn kính thì được dùng một cách rộng rãi hơn, áp dụng cho bậc vua chúa, cha mẹ hay người đã chết.
Như thế, việc quỳ hay vái trước bàn thờ tổ tiên – trên nguyên tắc – đều không có trở ngại gì. Như hiện nay, trong các nghi lễ tang ma, người theo đạo thường cũng bày tỏ sự tôn kinh bằng cách vái lạy, cúi đầu, ngay cả quỳ gối và không có gì là đi trái với lề luật đạo.
Trong khi nghĩa tiếng Việt dùng là làm con phải thờ kính cha mẹ thì nghĩa chữ thờ ở đây không hẳn bao hàm nghĩa của tôn giáo.
Người Nhật tôn thờ bái lậy trước thần linh thì nội dung ấy khác với việc cung kính bái lậy trước vua chúa hay trước bậc trưởng thượng.
Nhưng dù sao đi nữa thì sự việc cũng đã xảy ra và sự ngộ nhận không dễ gì tránh khỏi.
Và nếu hiểu sâu xa giáo lý Thiên Chúa giáo thì các giáo sĩ đi rao giảng thường không có một tham vọng trần thế nào.
Họ muốn đi cứu các linh hồn hơn là cái gì khác. Vì thế, họ chẳng những rao giảng tin mừng cho người dân Đàng Trong và Đàng Ngoài. Các giáo sĩ còn can đảm hy sinh đi rao giảng cho các dân thiểu số mà nay sách vở của họ còn để lại.
Chẳng hạn, các cuốn La Mision des grands Plateaux do Michel de Saint-Pierre phát hành, tác giả là P. Dourisboure và C. Simonet. (M.E.P). Một cuốn khác theo nguyên tác nhan đề Les sauvages Bahnars, tác giả L.M Piere Dourisboure, Paris 1929. Cuốn này đã được dịch ra tiếng Việt với nhan đề Dân Làng Hồ – Bước đầu truyền giáo và khai phá miền Cao Nguyên Kon Tum, xuất bản Saigon 1972. Một cuốn nữa do nhà truyền giáo Jacques Dournes, Populations montagnards du Sud-Indochinois-, 1950, sau này được Nguyên Ngọc dịch ra tiếng Việt nhan đề Miền đất huyền ảo.
Đọc những tác phẩm này sẽ giải tỏa được những nghi ngờ về những âm mưu chính trị giữa việc truyền giáo và chế độ thực dân của Pháp.
Riêng năm 1665, có 43 tín đồ tử đạo.
Ba thế kỷ giao thương buôn bán với người Tây Phương hầu như không để lại một dấu ấn tích cực nào. Các Chúa Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài lo kèn cựa nhau và không một người nào trong số đó nghĩ đến việc dùng các vị truyền giáo để canh tân xứ sở.
Cái đáng tiếc nhất vẫn là ta thiếu những nhà lãnh đạo có hiểu biết và có cái nhìn xa về tương lai đất nước.
Trong suốt 300 năm Tây Phương giao thiệp buôn bán với nước ta, mưu toan xâm chiếm nước ta làm thuộc địa không mấy rõ ràng.
Hầu hết giới thương buôn chỉ nhằm mục đích bán được hàng rồi lại tiêp tục ra đi..Chỉ có một số giáo sĩ ở lại và đây cũng chính là cơ hội tốt để học hỏi ở nơi họ kiến thức khoa học đủ loại.
Chúng ta cùng nhau đọc một lá thư của Thượng Viện Ma Cao đã viết cho Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Đọc thư này, người ta hiểu được tham vọng thuộc địa thật sự như thế nào? Nội dung lá thư như sau:
“Sự trung thành và giao hảo mà Quốc Gia Bồ luôn luôn chứng tỏ với Ngài, minh chứng rõ ràng lòng mong mỏi lớn lao là giữ được hòa bình chân thực và vĩnh cửu.
Vì lẽ đó, mỗi khi có dịp, chúng tôi đã cố làm lợi cho các bậc tiên vương.
Để cổ động cho những tiến bộ, võ cũng như văn, phương cách tốt nhất để giữ gìn an ninh cho quý quốc, chúng tôi dã nhiều lần dâng quý quốc những bậc tôn sư giỏi nhất của chúng tôi, ông thì dạy về toán học, ông thì chữa bệnh đã giúp ích nhiều cho quý quốc và được mọi người công nhận. Những vị này đã mất ở quý quốc, xa tổ quốc, để phục vụ cho sự tốt lành của quốc gia hải ngoại mà ngày nay quý quốc vẫn còn nhớ.
Chúng tôi cũng gửi sang một người biết nghệ thuật đúc đại bác, ông này đã đúc cho quý quốc những khẩu đại bác hoàn hảo, những võ khí, sự bảo vệ mạnh mẽ nhất chống lại bất cứ kẻ thù nào.
Với tất cả những việc trên, chúng tôi hãnh diện với các cha đang ở quý quốc, với lòng khoan dung của Ngài.
Về phần chúng tôi, chúng tôi không bao giờ chống đối hay lừa dối Quốc gia vĩ đại của Ngài vì chúng tôi luôn được dạy dỗ rằng phải rất mực trung thành và xa lánh sự vô ơn.
Nhưng chúng tôi được biết rằng các cha mới bị trục xuất khỏi quý quốc đã bị đối xử nghiêm khắc và bị coi như những kẻ lưu manh. Những tin này đã khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Chúng tôi xin Ngài bày tỏ lòng độ lượng, hòa giải sự lầm lẫn huyễn hoặc và lấy lại lòng khoan dung cũ đối với các cha này, cho phép họ lại quý quốc một lần nữa để đánh dấu mối giao hảo mà chúng tôi muốn giữ với Ngài. Sự trao đổi tốt đẹp này xứng đáng với lòng trung thành và biết ơn của chúng tôi. Cũng vì lý do trên, chúng tôi vẫn giao hảo với Hoàng đế Trung Hoa. Hoàng đế không ngớt ban chúng tôi những ân huệ.”(16)
Tôi đọc kỹ lá thư trên cho thấy từ lời lẽ đến nội dung, cách trình bày cho thấy sự hòa nhã, khiêm tốn của Người Bồ Đào Nha.
Vấn đề là chúng ta hoàn toàn không biết khai thác tài năng và sự hiểu biết của họ. Thật là quá uổng phí.
Nguyễn Ánh Gia Long: một triển vọng và một chính sách thực dụng trong việc giao tế với các nước phương Tây?
Giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, công bằng mà nói, sự kỳ vọng vào Nguyễn Ánh là điều hợp lý hơn cả. Triều đại Tây Sơn anh em chia rẽ nhau lại quá ngăn ngủi để có thể kết luận về một điều gì. Vì ít ra Nguyễn Ánh-Gia Long có tầm nhìn xa, trông rộng, biết dùng người, biết kiên nhẫn chịu đựng, có chí lớn.
Triều đại Tây Sơn, sau một số chiến công hiển hách cho thấy có sự ruỗng nát từ bên trong. Anh em tranh dành ngôi vị, cắt đất dành đật nhau.
Họ có thể giỏi về việc binh đao, nhưng về mặt khác thì chắc cần xét lại.
Chỉ cần đọc những trích dẫn các thư từ do các thừa sai viết trong giai đoạn này cho thấy dân chúng khốn khổ là dường nào: Hạn hán, mất mùa, đói kém, sưu cao thuế nặng, nạn cướp bóc khắp nơi, vua quan hà hiếp, tham nhũng bóc lột dân chúng.
Tây Sơn đã làm được gì? Phần Nguyễn Ánh sau khi đã thống nhất đất nước, ông đã làm được gì để đỡ nỗi khốn đốn cho dân chúng?
Nguyến Ánh hội đủ các điều kiện khách quan để thống nhất đất nước mà không ai khác có được.
Nhưng kể từ khi Nguyễn Ánh-Gia Long lên ngôi, sự trông chờ những thay đổi lớn về chính sách ngoại giao xem ra làm nhiều người thất vọng.
Người thất vọng lớn nhất là công thần Lê Văn Duyệt.
Có thể nói, nhà vua đã làm trái ngược với nước láng giềng Xiêm La. Sự trái ngược ấy thể hiện rõ rệt trong chính sách ưu tiên cho an ninh và ổn đinh như một sứ mệnh lịch sử: Thống nhất đất nước về mặt chính trị mà không quan tâm đến nhu cầu phát triển.
Các vua kế tiếp cũng tiếp nối đi theo con đường đó.
Mặc dầu cho đến đời Tự Đức mới thật sự mất nước, nhưng sự chọn lựa chính sách ngay từ ban đầu đã là khởi điểm cho sự mất nước sau này.
Sau đây, xin được trich thư của các thừa sai Ba Lê gửi về cho gia đình hoặc cho bạn bè cho thấy vua quan ít quan tâm đến đời sống người dân cũng như việc canh tân xứ sở:
“Dân chúng ở trong tình trạng thật lầm than. Vua quan làm mất lòng dân một cách làm cho dân rất bất mãn, chống đối. Công lý được mua chuộc bằng tiền bạc, người giàu có tha hồ tấn công người nghèo, vì họ biết trước có tiền là có công lý cho họ, đến nỗi tôi nhìn Nam Kỳ như một người bệnh đang lên cơn, một cơn có thể làm người bệnh chết hoặc đưa đến một thay đổi trong con bệnh.”(17)
Một lá thư khác được viết vào năm 1818- nghĩa là 16 năm sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi- vào lúc cuối đời Gia Long của thừa sai Eyot đã ghi lại:
“Tôi sẽ nói gì về xứ sở đáng buồn này? Nó ở trong một tình trạng thê thảm. Cảnh lầm than lớn lao đến nỗi người nghèo và kẻ khó chỗ nào cũng có. Trộm cướp thì đầy rẫy. Chúng đốt phá, chúng quá mạnh nên các làng không thể kháng cự được..Nếu chúng không tấn công vào các đồn Các quan chống lại chúng thường bị thua nên không dám kháng cự. Nếu chúng không tấn công vào đồn do lính vua canh giữ thì các quan cứ để chúng qua lại tự do vì sợ chúng… Chính quyền gì lạ? Mọi sự vì đồng tiền: Kẻ nào cho nhiều tiền hơn cả là kẻ đó có lý, còn luật pháp công chính thì bị gác bỏ sang một bên. Hình như dân càng lầm than thì các quan càng tìm cách lợi dụng làm giàu. Vua thì chôn vàng bạc. còn các quan thì gửi về quê nhà những gì họ vơ vét được và họ có đủ mánh khóe để đạt tới mục tiêu trên: Chỉ họ giầu có, còn dân thì chết đói, nhưng điều đó có quan hệ gi đối với họ.”(18)
Nếu không nhờ những lá thư trên cho biết tình trạng khốn khổ của dân chúng, sử sách Việt liệu cho biết được gi? Ngoài sự ca tụng và che dấu sự thật?
Triều đình Nguyễn Ánh Gia Long còn theo đuổi chính sách vừa đóng vừa mở với các nước Phương Tây vì dù sao Nguyễn Ánh Gia Long không thể nào quên công của Bá Đa Lộc đã giúp nhà vua dành được chiến thắng cuối cùng.
Việc trình bày sắp xếp từng chi tiết, từng sự việc có liên quan đến Lê văn Duyệt-Minh Mạng giúp người đọc nắm được những vấn đề chinh trị trong triều đình, cái hay cái dở của họ.
Nhưng sang đến Minh Mạng thì tình trạng có thay đổi và mối liên hệ với người Pháp thêm tồi tệ.
Nhất là từ khi Lê Văn Duyệt qua đời, Minh Mạng rảnh tay.
Ông tính cả đến việc hài tội Lê Văn Duyệt cấu kết với địch.
Việc làm của Minh Mạng thật đáng trách. Thứ nhất là bất tuân lời di huấn của vua cha để lại không cấm đạo. Người ta còn nhớ rằng trước khi chết, trước mặt các đại thần như Phạm Đăng Hưng, cha của Từ Dũ Thái Hậu – tức ông ngoại của Tự Đức – và hoàng tộc, Gia Long đã nói rõ và dặn dò Minh Mạng là ba đạo Phật, Nho và Thiên Chúa giáo đều không được cấm.
Thứ hai việc kế vị Gia Long sau này trở thành một nghi án lịch sử.
Lúc bấy giờ có hai phe. Một phe ủng hộ Hoàng tử Đàm, con thứ của Nguyễn Ánh. Phe thứ hai, ủng hộ Hoàng tôn An Hòa, con trai trưởng của Đông Cung Cảnh.
Lê Văn Duyệt đứng về phe thứ hai. Sở dĩ như vậy vì trong việc Đức Thầy Vê Rô qua nước Lang Sa để cầu cứu nước Pháp có mang theo Hoàng Tử Cảnh – như vật làm con tin. Và để có người đi theo hầu Hoàng Tử Cảnh, Nguyễn Ánh có cắt cử Lê Văn Duyệt đi theo hầu.
Nói về Duyệt thì ông là một thái giám – 14 tuổi theo Nguyễn Ánh để hầu hạ. Ông có tật bẩm sinh, tật ẩn cung. Phải chăng đó là lý do ông được chỉ định làm thái giám?
Theo tờ báo Nam Kỳ Địa Phận, trong một bài viết của Pierre (An nam) nhan đề Tích Quan Tả Quân Lê Văn Duyệt có ghi nhận trong phái đoàn sang Pháp có thêm Lê Văn Duyệt.(19) Ông được chỉ định đi theo chăm sóc Hoàng Tử Cảnh, nhờ thế mà nảy sinh mối thân tình giữa Đông Cung và Duyệt như thể cha-con.
Ngày nay đọc lại lịch sử Việt Nam tôi nhận ra giai đoạn Minh Mạng-Lê Văn Duyệt, nó mở đầu cho một giai đoạn lịch sử đưa tới những ngã rẽ oan nghiệt cho những thế hệ sau này.
Trong “Hạnh Cha Minh và Lái Gẫm” đã kể lại việc cấm đạo thời Minh Mạng như sau:
“Thuở ấy là Minh Mạng thập tam niên, trước khi vua Gia Long băng hà, thì đã trối cùng thứ tử, ngày sau chớ khá cấm ba đạo trong cả nước là đạo Khổng Tử, đạo Phật và đạo Thiên Chúa, kẻo sinh bát loạn làm cho dân sự cùng vua quan phải gặp muôn đàng khốn khổ, lại e vua phải mất nước như mấy vua bắt đạo thời trước.
Xong Minh Mạng từ bé đã tích lòng hiềm khích với người Tây, mà khi đã tức vị, thì mơ ước một điều này mà thôi là noi theo các Hoàng Đế Nhật Bản, hầu phá cho tuyệt ‘Tà đạo Gia Tô’. Ít lâu trước khi lên ngôi thì vua ấy đã nói rằng: Mình ghét đạo Tây Dương lắm, mai sau tức vị thì sẽ cấm tuyệt đạo ấy, ai muốn giữ thì sang bên Tây mà giữ, mặc ý.”(20)
Bất đồng giữa Minh Mạng-Lê Văn Duyệt
Sự bất đồng giữa Lê Văn Duyệt-Lê Văn Khôi với Minh Mạng không chỉ giới hạn vào vấn đề kế vị ngôi vua mà còn mở ra hai đường lối chính sách ngoại giao: Một Lê Văn Duyệt, dù chỉ là một võ quan, ông lại có một chính sách ngoại giao thông thoáng, cởi mở, chấp nhận việc giao thương buôn bán với nước ngoài.
Vốn gốc nông dân, những việc làm của Duyệt cũng đậm nét dấu ấn ấy. Ngay sau khi lên ngôi năm 1802 thì Nguyễn Ánh ra lệnh cho xây dựng thành quách kinh đô Huế.
Chỉ có mình Lê Văn Duyệt dám lên tiếng phản đối.
Trong tập Kỷ yếu kỷ niệm 200 năm Đức Tả quân có ghi lại như sau:
“Năm sau, Gia Long 2-1803, vua dạy phát động công việc kiến trúc kinh thành, bắt toàn thể ba quân khổ dịch. Thấy quân lính vừa buông giáo nghỉ tay thì bị bắt gánh đất khiêng cây, đào hào, đắp móng rất là cực nhọc, lại thường thiếu ăn, thiếu uông. Lê Công tấu thẳng với vua: Trước kia, tại Gia Định, bệ hạ hứa với tướng sĩ hễ khắc phục Phú Xuân thì lập tức cho giải ngũ, nghỉ ngơi. Nay kinh sư đã thâu hồi, Bắc Hà đã bình định mà binh sĩ thì hoặc phải đi thú trấn này ải nọ, hoặc phải gom về xây đắp kinh thành, tháng dập, năm dồn chẳng biết đến thế nào mới được về tụ hợp với gia đình. Như vậy thủ hỏi Tín lịnh của Triều Đình sẽ ra sao và lòng người Gia Định sẽ thế nào?”(21)
Thật sự mà nói, có thể Lê Văn Duyệt chủ trương mở cửa giao thương với nước ngoài chỉ là do kinh nghiệm bản thân. Ông từng sống một thời gian hơn hai năm ở Pondichéry, nhượng địa của Pháp, khi tháp tùng Hoàng Tử Cảnh sang Pháp cầu viện. Ông hiểu sức mạnh của người Anh như thế nào. Nhưng kinh nghiệm ấy có đủ để một người ít học như ông đủ tầm nhìn bao quát về chính sách ngoại giao mở cửa?
Kinh nghiệm nước Nhật cho thấy họ cũng áp dụng chính sách bế môn tỏa cảng, cũng cấm đạo và chỉ thực sự mở cửa từ năm 1854.
Nếu hạm đội Pháp bắn chìm Tầu của Thiệu Trị năm 1847 thì hạm đội Mỹ do đô đốc Perry chỉ huy tiến vào vịnh Tokyo, trao quốc thư của tổng thống Mỹ, đòi Nhật mở cửa biển buôn bán với nước ngoài. (Không đòi hỏi bỏ cấm đạo như Pháp, vì ở Nhật lúc ấy không còn một giáo sĩ thừa sai nào).
Nước Nhật chia làm hai phe. Phe chủ hòa bằng lòng với các đòi hỏi của Mỹ do Chúa Đức Xuyên ký thỏa ước mở cửa biển buôn bán với phương Tây. Năm sau Chúa Đức Xuyên cũng ký với Nga, Anh, Hòa Lan rồi Pháp các thỏa ước thương mại.
Quyền lợi thương mại được bảo đảm, các cường quốc để yên cho Nhật, nhờ thế Nhật được yên. Nhưng nếu Thiệu Trị biết xử trí như Chúa Đức Xuyên của Nhật thì liệu Việt Nam có mất nước vào tay người Pháp không?
Chắc là không.
Qua câu chuyện này, mất nước chủ yếu là do ta không biết lẽ cương nhu, không biết người, biết mình. Không dám đụng đến kẻ thù, lại xoay ra cấm đạo hoặc kết án mọi sự giao thiệp với nước ngoài như trường hợp Lê Văn Duyệt sau đây.
Phần Lê Văn Duyệt có xảy ra vụ một chiếc Tầu hàng Hồng Mao của Anh đến Cửa Cần Giờ và cũng có thể là nguyên cớ cho Minh Mạng kết tội Lê Văn Duyệt bán nước?
Thật sự câu chuyện này xảy ra như sau.
Tầu Hồng Mao đem theo một thư của toàn quyền Anh ở Ấn Độ là “Lord Hasting Pierre-Médard Diard, Tổng trấn ở Ấn Độ”. Lê Văn Duyệt sau khi gặp thuyền trưởng tầu Hồng Mao đã làm tờ trình đày đủ chi tiết gửi Minh Mạng.
Tờ trình này đã được đăng trong cuốn sách của Lưu Thần nhan đề Tả quân Lê Văn Duyệt (1763-1832).(22)
Tổng tấn Lê Văn Duyệt (1763 hay 1764–3 July 1832). Nguồn: OntheNet
“Khâm Sai Gia Định thành Tổng Trấn, Thần Lê Văn Duyệt và phó Tổng trấn thần là Trương Tiến Bảo [Tấn Bửu], cúi đầu, rập đầu, trăm lạy, kính cẩn tâu rằng:
Nguyên trước đây, ngày 8 tháng này, có một chiếc Tầu hạng lớn của nước Hồng Mao cặp bến Cần Giờ.
Viên quan coi giữ bến ấy đã xét hỏi và dẫn viên thuyền trưởng Crawford vào thành để trình một phong thư bằng tiếng Hồng Mao của Lord Hasting Pierre-Médard Diard, Tổng trấn nước ấy.
Hạ thần đã sức viên thông ngôn tiếng Tây là Lê Văn Minh và một viên thày thuốc người Pháp là Di-a-dê cùng với Trần Thái là người Tầu cùng đi Tầu ấy theo nguyên thủy mà dịch ra để trình bày ngự lãm.
Hạ thần xét theo những bổn dịch, thấy lối nói tuy hơi khác với ta, nhưng nhận kỹ ra thì ý trong thư chỉ là muốn tìm chút phương tiện để lo tính làm ăn mà thôi chứ không đả động đến việc ngoại giao với nhân thân là điều đáng kiêng ran hơn hết.
Hạ thần nghĩ là hạng người ngoài vòng giáo hóa nên chỉ lấy lời lẽ dịu dàng mà bảo họ đi, chớ không cự tuyệt gì cho lắm.
Bọn họ còn tặng cho hạ thần 1 tấm nhung hồng, 1 tấm nhung xanh, 1 tấm nhung kẻ, một tấm vải in mắt voi, 1 tấm vải in cánh sâu xa, một tấm vải sô, một cái kính thiên lý, 10 thùng đá tiêu (dùng để làm thuốc súng) và một đôi súng tay.”
Tờ trình viết tiếp:
“Đến ngày 13 tháng này, bọn họ cáo từ, xin ra Cửa Biển Cần Giờ để đáp Tầu cũ vượt ra biển tới kính dâng thơ lên trình.
Hạ thần thiết tưởng tụi nhãi ấy rất là giảo quyệt, nên đã mật sai cai đội Nguyễn Công Cẩn trong đội nhất quân Võ Tín ở trong thành đi đến nơi canh gác ở Cần Giờ, điều bát lấy một chiếc thuyền bể nhanh nhẹn để theo hút Tầu ấy. Hạ thần lại dặn Nguyễn Công Cẩn nếu Tầu này quả cứ một đường tới kinh để chiêm bái thì thôi, ví bằng thấy xáp vào địa phương nào thì phải đến trình quan sở tại biết rõ mà phòng ngừa, đừng để tụi nhãi ấy giở trò ma mãnh ra mới được. Mới đây thấy cai đội Nguyễn Lộc Thái ở đội thứ tư, vệ nhất, quân tả bảo trong thành là người đã đi hộ tống về trình rằng hồi giờ mùi (1 đến 3 giờ chiều) ngày 19 tháng này, chiếc Tầu Hồng Mao đã xuôi gió dương buồm vượt bể đi rồi.
Vậy xin kính trình bày là thế, nép xin nhà vua sáng tỏ như đuốc soi xét rõ cho: Hạ thần biết bao canh cánh, nơm nớp thật sự, thật hãi.
Cẩn tấu,
Ngày 20 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 2 (5-9-1822)
Thần: Lê Văn Duyệt
Thần: Trương Tiến Bảo.”
Một trong những trò giải trí đoàn sứ giả được Tổng trấn Gia Định mời xem là trận hỗ đấu với (12) voi; một giải trí thịnh hành thời nhà Nguyễn. Trận đấu không công bằng vì hổ bị buộc dây ở bụng, bị rút hết móng và miệng bị khâu lại. 1830 Minh Mạng cho xây đấu trường Hổ Quyền oqr thanh nội Huế. Nguồn: OntheNet
Đọc xong tờ sớ trên, người ta thấy có những điểm không chuẩn (không rõ sai từ bản dịch của Lưu Thần hay nguyên văn tiếng Hán của Lê Văn Duyệt và Trưởng Tấn Bửu) sau đây:
- “toàn quyền Anh ở Ấn Độ Lord Hasting Pierre-Médard Diard”. Toàn quyền Anh ở Ấn Độ lúc đó (1913-23) đúng là Marquess Hastings nhưng tên là Francis Edward Rawdon-Hastings. Còn Piere-Médard Diard là một nhà nghiên cứu sinh vật học (zoologist) và cũng là một bác sĩ người Pháp có mặt ở Saigon 3 tháng trước khi đến gặp phái đoàn của người Anh (Hồng Mao) tại Saigon(23) mà trong phần sau của sớ Lê Văn Duyệt gọi là “một viên thày thuốc người Pháp là Di-a-dê”
- “viên thuyền trưởng Crawford” phải là “Crawfurd”, John Crawfurd, một bác sĩ, nhà hành chính và ngoại giao thuộc địa người Anh tác giả cuốn History of the Indian Archipelago (Lịch Sử Quần Đảo Ấn Độ, 1920). Tháng 9, năm 1821, vì kiến thức chuyên môn, ông đã được Toàn Quyền Anh ở Ấn Độ, Marquess Hastings, cử vào một sứ đoàn với tư cách chánh sứ sang viếng các triều đình Xiêm La và Đại Nam (nguyên văn Cochinchina, chỉ Nam Kỳ). Bác sĩ Crawfurd là sứ giả chứ không phải là “thuyền trưởng”. Thuyền trưởng đi cùng là Captain Dangerfield làm phó sứ cho John Crawfurd. Sứ đoàn Crawfurd đem theo thư của Toàn quyền Hastings gởi vua Xiêm và vua Việt Nam. Thuyền của người Anh nhổ neo rời Calcutta ngày 21 tháng 11, 1821. Ngày 24 tháng 8, 1822 thuyền đến mũi Cần Giờ(24).
- Khác với sớ của Lê Văn Duyệt và Trương Tấn Bảo, Sứ giả John Crawfurd ghi lại việc Tổng trấn Gia Định khước tù quà tặng của Toàn Quyền Anh ở Ấn Độ vì việc đàm phán đang bị trì hoãn và hy vọng tàu bè Anh sẽ trở lại Saigon sau này, lúc đó trao đổi tặng vật vẫn chưa muộn.(25) Tuy nhiên khi tiễn đoàn sứ giả Anh ra khỏi dinh Tổng trấn, một viên quan dưới quyền của Lê Văn Duyệt cho John Crawfurd biết Tổng trấn Gia Định tuy không thể nhận quà một cách công khai nhưng ông muốn kín đáo nhận hai khẩu súng tay và cái kính thiên lý phái đoàn đã hứa tặng. Ngoài ra Lê Văn Duyệt cũng muốn phái đoàn John Crawfurd gởi lại một số thuốc súng và trao tặng đoàn người Anh 1 con trâu sống, 1 con heo sống, một số gà vịt, gạo và trái cây.
- “20 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 2” là ngày 7 tháng 9, năm 1822 không phải là “5-9-1822”
“Ngày 8 tháng này, có một chiếc Tầu hạng lớn của nước Hồng Mao cặp bến Cần Giờ” ghi trong sớ là ngày 8 tháng Bảy năm Nhâm Ngọ (1822) cũng là ngày dương lịch như nhật ký của Crawfurd ghi, 24 tháng 8, 1822.
Thuyền của Việt Nam. Nguồn: John Crawfurd, Ibid., trang 349.
Ngày 1 tháng 9, phái đoàn John Crawfurd bằng thuyền của Việt Nam vào thăm Saigon. Ngày 2 tháng 9, 1822 phái đoàn người Anh vào hội kiến Lê Văn Duyệt ở dinh Tổng trấn trong thành Gia Định. Sáng ngày 3 tháng 9, 1822 đoàn thuyền Việt Nam đưa phái bộ người Anh ra cửa Cần Giờ. Sáng hôm sau, 4 tháng 9, 1822 thuyền Anh căng buồm ra biển về hướng Vũng Tàu.(26)
John Crawfurd. Nguồn: http://www.npg.org.uk/collections/search/portrait/mw253138/John-Crawfurd
Nếu chỉ đọc sớ của Lê Văn Duyệt và Trương Tấn Trương Tấn Bửu gởi Minh Mạng, người ta có thể đặt câu hỏi tại sao Crawfurd không ghé Huế đệ trình thư mà dong buồm đi thẳng ra biển? Tuy nhiên cuốn Nhật ký của John Crawfurd đã có câu trả lời rất rõ ràng. Phái bộ người Anh đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin yết kiến Minh Mạng; thư của Toàn quyền Hastings đã phải dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Hán, mỗi thứ hai bản. Văn dịch đã được quan lại Việt Nam ở Gia Định bắt sửa chữa nhiều lần. Ngoài ra khi gặp Tổng trấn Lê Văn Duyệt sứ đoàn Crawfurd đã phải đem cả bản chính vào Dinh Tổng trấn nhưng Lê Văn Duyệt chỉ liếc nhìn phong thư và không mở ra xem.
Ngày 15 tháng 9, 1822 thuyền của Crawfurd thả neo ở phía Nam vịnh Đà Nẵng; Chiều cùng ngày quan Án Sát Phú Yên lên tàu gặp phái bộ và cho biết ông và quan Lãnh Binh chỉ là phụ tá của quan Bố chánh sứ (Tổng trấn) Phú Yên. Một lần nữa phái bộ Anh phải liệt kê danh sách nhân sự trong đoàn và trả lời câu hỏi đoàn sứ giả này của Toàn quyền Anh (ở Ấn Độ) hay của vua nước Anh gởi sang. 19 tháng 9 John Crawfurd đi thăm Đà Nẵng. 23 tháng 9 quan Án Sát Phú Yên cho Crawfurd biết số người được cho phép vào triều không thể quá 12 và không ai có thể cãi lệnh triều đình. Và điều này đã được một vị quan từ Huế đến tái xác định lại với người thông ngôn của phái bộ Crawfurd ngày 24 tháng 9, 1822. Nhưng sau đó Án Sát Phú Yên và quan lớn từ Huế đến đã thuận tăng số người lên 15. 24 tháng 9, 1882 Phái bộ giới hạn của Crawfurd đi Huế bằng thuyền của Việt Nam dọc theo bờ biển. Chiều hôm sau, 25 tháng 9, đoàn Crawfurd đến cửa Thuận An (sông Hương)(27).
Từ 26 tháng 9 đến 17 tháng 10,1822 phái bộ Crawfurd đã gặp lại những trở ngại cũ về nghi lễ, văn thư, dịch thuật, như khi đến Saigon và còn bị quản thúc khi đến Thuận An dù sau đó đã được gặp và đàm luận với đại thần đứng đầu nội các kiêm cả việc ngoại giao của triều Minh Mạng cũng như đã đi thăm kinh thành – trừ nội điện, lăng tẩm Huế và làng xã vùng lân cận, gặp gỡ hai vị quan người Pháp triều Nguyễn là Chaigneau and Vanier. Nhưng sau cùng Crawfurd vẫn không được gặp Minh Mạng với lý do đây chỉ là một phái bộ thương mại nên Minh Mạng không cần phải cho vào triều kiến hơn nữa Sứ đoàn không có thư của quốc vương nước Anh.(28)
Nguồn: John Crawfurd, Ibid., giữa 2 trang 404-405
Bất chấp yêu cầu và dẫn chứng của Crawfurd là họ đã được Vua Xiêm tiếp đón, triều Minh Mạng một mực từ chối không gặp cũng như không nhận tặng vật của phái đoàn người Anh. Phái bộ Crawfurd, cuối cùng, cũng đã không nhận tặng phẩm tượng trưng của Minh Mạng gởi Toàn quyền Hastings từ Thượng thư Bộ Lễ. Minh Mạng trả đũa bằng cách cho quan triều đình nói với phái bộ Crawfurd là ông không hồi đáp thư của Toàn quyền Hastings và Crawfurd chỉ có tập hồ sơ về thương mại đã nhận được từ phía Việt Nam, kể cả một văn thư của Thượng Thư triều Nguyễn cho biết Minh Mạng chấp thuận cho thuyền thương mại của nước Anh được vào buôn bán ở cảng của Việt Nam (Saigon, Faifo – Hội An, Touran – Đà Nẵng, và Huế). Việc trao đổi tặng vật và hồi đáp thư của Toàn quyền Hasting từ phía triều đình Minh Mạng là một vấn đề phức tạp không cần thiết vì phong cách ứng xử đầy tự ái và không thân thiện của Minh Mạng với người phương Tây.
Trong “China Pictorial, Descriptive, and Historical: With Some Account of Ava and The Burmese, Siam and Anam”, NXB H. G. Bohn, 1853, của Julia Corner, tác giả nhắc lại một điểm quan trọng trong quyết định của Triều Minh Mạng: Anh quốc có thể buôn bán ở những cảng nêu trên trừ bến cảng ở Bắc Việt dù sứ đoàn Crawfurd đã có yêu cầu.(29) Quan đại thần của Minh Mạng nêu lý do lòng sông ở Bắc Việt không đủ sâu để thuyền bè nước Anh dễ dàng đi lại! Và Bắc Kỳ là đất mới bình định là một lý do khác khiến Minh Mạng không cho phép có thương mại với người phương Tây.
Một sự kiện khác cũng đáng lưu ý là ngày 12 tháng 10, 1822, quan Đại thần triều Minh Mạng đã hỏi sứ thần Crawfurd về việc đưa lá thư của Toàn quyền Hastings gởi vua Việt Nam ở Saigon: tự nguyện đưa hay bị buộc phải đưa cho quan Tổng Trấn. Crawfurd trả lời là phái bộ của ông bị bắt buộc phải đưa nguyên bản lá thư (ngòai sáu bản dịch bằng Anh, Pháp và Hoa ngữ). Vị quan đầu triều Minh Mạnh cho biết “Theo tục lệ, không ai có quyền xem thư gởi cho Hoàng đế Việt Nam trước khi đến tay ngài; một bản dịch hoặc một phó bản là đủ cho quan Tổng Trấn Gia Định.”
Ảnh vẽ Huế của báo London 29/12/1883. Từ trái sang, từ trên xuống: Cừa vào kinh thành Huế; cảnh gần Huế; tư gia quan thượng thư; phố Huế; lính triều đình Đại Nam.
Theo Crawfurd, điều này cho thấy có sự ghen tị giữa triều đình và của chính Minh Mạng với Tổng Trấn Gia Định vì tài đức cùng ảnh hưởng của Lê Văn Duyệt đối với quần chúng. Dựa trên tham khảo với tất cả mọi người mà Crawfurd đã tiếp xúc thì Lê Văn Duyệt không những chỉ là một vị quan hàng đầu của triều Nguyễn về thứ bậc và quyền lực mà còn là người nổi tiếng thanh liêm, nghiêm nghị, tài ba, đạo đức. Đối với dân chúng, việc Lê Văn Duyệt không có mặt ở triều đình Huế là một điều vô phúc vì bọn tham quan đã trở nên thối nát, tham những vô biên vì thiếu sự kiểm soát và nghiêm trị của Lê Văn Duyệt.(30)
Ngày 17 tháng 10, phái bộ Crawfurd rời Huế, lên thuyền đi thăm Đà Nẵng và Hội An như đã được phép của triều đình Việt Nam. 31 tháng 10, 1822 thuyền của phái bộ Crawfurd rời vịnh Đà Đẵng trực chỉ hướng Nam chấp dứt sứ mạng thương thuyết với Việt Nam.
Mối bất hòa giữa Minh Mạng và Lê Văn Duyệt, như Crawfurd nhận xét, có lẽ đã có từ trước khi có câu chuyện Tầu Hồng Mao đến Việt Nam.
Bangkok. Nguồn: John Crawfurd, Ibid., trang 121
(Còn tiếp)
© 2016 DCVOnline
trích từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline hiệu đính và minh họa.
(14) Miguel Zugasti, “El “Viaje del mundo” (1614) de Pedro Ordóñez de Ceballos o cómo modelar una autobiografía épica”, Universidad de Navarra.
(15) Nguyễn Khắc Ngữ, “Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hòa Lan giao tiếp với Đại Việt (Thế kỷ XVI, XVII, XVIII)”, trang 75-76.
(16) Nguyễn Khắc Ngữ, Ibid., trang 73-74.
(17) Nouvelles lettres edifiantes, Tome VIII, trang 327-328
(18) Nouvelles Lettres edifiantes, std, trang 185
(19) Pỉerre (Annnam), Tích quan Tả quân Lê Văn Duyệt trên tờ Nam Kỳ Địa Phận số 154, ngày 7-12-1911
(20) Nguyễn Văn Trung, “Đạo Chúa ở Việt Nam” , tài liệu Photocopy, chưa in, trang 72.
(21) Kỷ yếu kỷ niệm 200 năm Đức Tả quân, trang 32
(22) Lưu Thần, Tả quân Lê Văn Duyệt (1763-1832), nhà xuất bản Văn Hóa, năm 1955, Saigon. Trích lại trong Nguyễn Văn Trung, “Đạo Chúa ở Việt Nam”, bản phocopy, chưa in, trang 38.
(23) John Crawfurd, “Journal of an embassy from the governor-general of India to the courts of Siam and Cochin China: exhibiting a view of the actual state of those kingdoms”, Volume 1, NXB H. Colburn and R. Bentley, 1830. Google số hóa ngày 10 Oct 2007, trang 322.
(24) John Crawfurd, Ibid., trang 1-2, 310-311
(25) John Crawfurd, Ibid., trang 334
(26) John Crawfurd, Ibid., trang 349
(27) John Crawfurd, Ibid., Chương IX
(28) John Crawfurd, Ibid., trang 381
(29) Julia Corner, “China Pictorial, Descriptive, and Historical: With Some Account of Ava and The Burmese, Siam and Anam”, NXB H. G. Bohn, 1853, trang 303. John Crawfurd, Ibid., trang 418.
(30) John Crawfurd, Ibid., trang 414
Những mâu thuẫn giữa Minh Mạng và Lê Văn Duyệt (5c)
Posted on April 9, 2016 by editor
Nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục
Nghĩ tiếp theo là Việt Nam thiếu những nhà lãnh đạo có tầm vóc, có tầm nhìn xa. Nhưng nhất thiết phải là người có đạo đức, biết nghĩ tới dân.
Sử Việt nhìn lại
Mâu thuẫn giữa Minh Mạng và Lê Văn Duyệt
Dưới mắt Lê Văn Duyệt, người kế thừa Gia Long Nguyễn Ánh không ai khác hơn là Đông Cung Cảnh. Nhưng cuộc sống luôn luôn có những bất ngờ vượt ra ngoài toan tính của con người. Đông Cung Cảnh chết bệnh sớm vào năm 1801 và rồi người thừa kế ngôi vua lại là hoàng tử Đảm, lấy hiệu là Minh Mạng.
Cũng vẫn theo Pierre (Annam) trong bài “Tích Quan Tả quân Lê Văn Duyệt”(31) đã có ghi lại như sau:
“Khi ông Tả quân vào Đồng Nai, vua liền ra chỉ bắt đạo, người tông sắc ra các tỉnh, các làng, dạy phải bắt người có đạo. Trong việc này ta thấy đặng người có đạo nhờ ông Tả quân là thế nào? Vì vừa khi người đặng sắc chỉ vua cấm các đấng giảng đạo qua Annam, thì người ấy xé chỉ ấy ra mà rằng:
– Chớ thì miệng ta còn đang nhai cơm Đức thầy Vêrô, mà dám bắt những kẻ theo người sao? Hẳn thật ta còn sống bao lâu, thì chẳng hề chịu sự ấy, khi ta chết đoạn vua muốn gì thì làm.”
Việc không tiếp nhận ấn chỉ nhà vua như thế nào, ngày nay thật sự không rõ hết. Chỉ biết rằng sau này, trong vụ án Lê Văn Duyệt, không thấy nhà vua nhắc nhở gì đến vụ án.
Yoshida Shigeru (1878-1967), Thủ tướng Nhật Bản (1946 – 1947 ; 1948 – 1954)< Nguồn Getty Images
Thật sự, sau này, Nhật Bản dưới áp lực của hạm đội Mỹ đã từ bỏ chủ trương cấm đạo. Phải có một chọn lựa dứt khoát như nước Nhật với chủ trương của Yoshida Shigeru. Một học thuyết mà nhiều nước Á Châu như Tân Gia Ba, nước Xiêm noi theo. Nước Nhật sau đó trở thành khuôn mẫu cho sự phát triển.
Trong khi đó, triều đình nhà Nguyễn, trừ Gia Long và một số đại thần như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, một số nhân sĩ như Nguyễn Trường Tộ còn có đầu óc muốn hợp tác với Tây Phương. Kể từ Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Dức cộng với một số đại thần hủ lậu, không thức thời đã chọn chính sách bế quan tỏa cảng, một chọn lựa sai lầm từ căn bản. Không đủ sức tự cường làm sao chống đỡ nổi thế lực ngoại bang? Càng đóng cửa, không biết thich nghi theo hoàn cảnh thì ngoại bang càng có cớ chính đáng tông cửa mà vào.
Về chính sách mở cửa của nước Xiêm này, liệu vua quan nhà Nguyễn thật sự không ai biết đến hoặc không một ai đề nghị lên?
Theo sử gia Lê Thành Khôi viết:
“Ngay cả những sứ thần ngoại quốc về cũng không được nghe theo ở Huế. Nguyễn Hiệp, ở Bangkok về nước năm 1879 đã lưu ý chính sách ngoại giao khôn khéo của Xiêm sau khi nhượng vài đặc ân cho nước Anh năm 1855, đã ký những hiệp ước tương tự với Hoa Kỳ, Pháp, Thổ, Phổ, Hòa Lan, Đan Mạch do biết xử; dụng những tranh chấp quốc tế. Xiêm đã giữ được chủ quyền.” (32)
Bản thân Nguyễn Ánh đã đôi ba lần chạy lánh nạn sang nước Xiêm, liệu ông đã không học hỏi được gì chăng?
Ngoài ra, còn biết bao nhiêu Di Thảo của Nguyễn Trường Tộ như Di Thảo số I, Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ (Vào tháng 2-3 năm Tự Đức 16, tức năm 1863 rồi cũng bị vứt vào sọt rác?)
Henri Chappoulie trong luận án tiến sĩ,(33) đã nhận xét ở Xiêm La có một truyền thống hiếu khách đối với người nước ngoài.
“Dès l’arrivée en Extrême-Orient des vicaires apostoliques, la nécessité apparut d’avoir au Siam, pays assez largement ouvert aux étrangers, une résidence stable.”
Các vua ở đây không hề có óc bài ngoại, để cho tự do giảng đạo. Vì thái độ đón tiếp cởi mở của các vua làm cho thủ đô nước này trở thành một ngã tư quốc tế làm cho các nhà buôn và các thừa sai thật khó mà không có mặt. Xiêm la, thế kỷ thứ 17 là điểm đến cho các doanh nghiệp thương mại ở phương Đông, còn là nơi nương náu cho vài trăm Kitô hữu người An Nam và Nhật Bản bị trục xuất và sống ở đó như những người lưu vong vì bị bách hại ở nước nhà.
Bản đồ Ayutthaya, thủ đô thứ 2 của Xiêm La thế kỷ thứ 14-18, 85km Bắc của thủ đô Bangkok ngày nay. Thành phôd đón nhận nhiều người nước ngoài: Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Mã Lai, Bồ Đào Nha, v.v. Nguồn: Wikimedia
Cái chết của Tự Đức và sự kết thúc bi thảm của triều đinh Huế
Hai phụ chính đại thần nhà Nguyễn: (trái) Tôn Thất Thuyết; (phải) Nguyễn Văn Tường. Nguồn: OntheNet
Triều đình Huế đã tự kết thúc một cách bi thảm sau cái chết của vua Tự Đức vì vấn đề kế vị. Một câu chuyện cung đình mà lịch sử các triều đại cho thấy đó là vấn đề xác định sự sống còn của một dòng họ.
Vua Tự Đức băng hà ngày 19/7/1883, trị vì 36 năm, thọ 55 tuổi. Xin được ghi lại tóm tắt như sau. Hai ngày trước khi mất, Tự Đức đã cho vời các đại thần như Tôn Thất Thuyết, Trần Tiến Thành, Nguyễn Văn Tường vào cung và cho họ biết ý định của vua chọn Dục Đức là người lớn tuổi hơn cả trong số ba người cháu của vua. Nhà vua trao cho ba người một bản di chúc chính thức để công bố cho nhân dân và một bản riêng cho Dục Đức.
Chỉ có điều trong di chúc, có đoạn Tự Đức viết:
“Ưng Chôn (tức Dục Đức) đang ở tuổi thanh xuân cường tráng, rất thông thái, nhưng bản tính thiên về thói hư tật xấu, và với tính cách như vậy, khó mà trông chờ ở Dục Đức một sự trị nước, chăm dân, tốt đẹp được.”(34)
Dục Đức thấy uy tín của mình bị tổn thương nên đã giữ lấy bản di chúc chính đó và chỉ trao cho các vị quan lại một bản sao, trong đó ông ta đã cắt bỏ cả đoạn phê phán nghiêm khắc trên.
Phần đại thần Tôn Thất Thuyết thì muốn kẻ kế vị ngôi vua là Lãng Quốc Công Nguyễn Phúc Hồng Dật, con thứ 29 và là con út của vua Thiệu Trị và bà Tài nhân Trương Thị Thuận, em của Tự Đức (con thứ của vua Thiệu Trị và Hoàng hậu Phạm Thị Hằng) được Hoàng Thái Hậu Từ Dụ ủng hộ.
Tôn Thất Thuyết bèn đi tìm Lãng Quốc Công và cho biết quyết định của mình.
Hôm sau, có đông đủ các quan họp tại Tạ Vụ (phòng họp), Tôn Thất Thuyết đứng lên chất vấn họ:
“Đối với các ngài, sự việc này có vẻ như thế nào? Các ngài thấy đó, Hoàng thân Dục Đức, nhờ ơn đức Tiên đế chúng ta mà được cử lên kế vị ngai vàng, chẳng những không biểu thị một chút gì thẳng thắn với tất cả chúng ta, như đúng ra phải biểu thị, trái lại còn cắt bỏ tờ di chúc của Hoàng Thượng và lôi kéo theo mình những tên đầy tớ người công giáo! Nếu chúng ta không đề phòng thì đất nước chúng ta sẽ rơi vào tay những người Châu Âu.”(35)
Chuyện phải đến đã đến. Tôn Thất Thuyết ra lệnh trói tất cả những tên đầy tớ của Dục Đức lại rồi tuyên bố: Dục Đức bị phế bỏ. Rồi cho người đi tìm Lãng Quốc Công.
Phan Đình Phùng lên tiếng:
“Tiên Đế đã chỉ định cho chúng ta người kế vị mình, bằng lời, cũng như bằng văn bản, là Hoàng thân Dục Đức. Tiêng của Người còn vang lên, mực của Người viết còn chưa ráo; Thần Linh Đức Tiên Đế còn ở giữa chúng ta. Nếu Dục Đức đã phạm sai sót gì, thì chúng ta hãy phê bình chỉ trich, nhưng đi quá mức độ đối với Người sẽ là vi phạm đến sự tôn kính chúng ta cần có đối với Người?”
Tôn Thất Thuyết thịnh nộ thét, “Hãy bắt trói lão già ấy và giam kỹ.Vậy là các người khác, tranh dành nhau mà ký vào cái văn bản bất công đó.” (36)
Nhà Hồng Dật ở Kim Long (Huế). Theo Phạm Khắc Hòe (1902-1995), nguyên là Ngự tiền văn phòng đổng lý của Bảo Đại, khi đình thần ra đó rước, dù năn nỉ mấy, Hồng Dật cũng không đi, nên cuối cùng phải dùng đến vũ lực mới đưa được ông vào Tử Cấm thành.
Hai hôm sau, 30 tháng 7 năm1883, Hồng Dật lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Hiệp Hòa. Sau Tường và Thuyết lại truất phế Vua Hiệp Hòa.
“Hai người thấy vua có lòng nghi, sợ để lâu thành vạ, bèn vào tâu với bà Từ Dụ Thái hậu để lập ông Dưỡng Thiện là con nuôi thứ ba vua Dực Tông, rồi bắt vua Hiệp Hòa đem ra phủ ông Dục Đức cho uống thuốc độc chết.”(37)
Sự mục nát của triều đình Huế cũng như sự chuyên quyền của Nguyễn Văn Tường – Tôn Thất Thuyết cứ thế mà tiếp tục cho thấy cái vận mạng nhà Nguyễn đã hết, kéo theo sự đầu hàng trước sức mạnh của thực dân đế quốc.
Năm 1885, đêm mồng 4, rạng mồng 5 tháng 7, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường hạ lệnh tấn công quân Pháp ở Tòa Khâm và các trại đóng quân khác ở Huế, nhưng hoàn toàn thất bại.
Sáng hôm sau, quân Pháp đánh vào Hoàng Thành. Tôn Thất Thuyết phải rước vua Hàm Nghi chạy ra Cam Lộ, ở phía Tây tỉnh Quảng Trị, rồi truyền hịch Cần Vương, kêu gọi dân chúng khắp nơi nổi lên chống Pháp.
Kể từ đây, triều đình Nguyễn như cáo chung.
Chính quyền cộng sản và chọn lựa kháng chiến chống Pháp
Đến lượt cộng sản miền Bắc, họ chọn con đường giải phóng đất nước bằng vũ lực, một chọn lựa tai hại gấp hai lần chính sách bế quan tỏa cảng của Triều Đình Huế.
Huế chỉ là một di sản đã lỗi thời của một dòng họ có thể làm mất nước.
Nhưng đảng cộng sản Việt Nam mới là kẻ lầm lẫn đưa Việt Nam đến chẳng những mất nước mà nguy cơ bị diệt vong.
Hồ Chí Minh cùng Trần Canh bàn kế hoạch chiến tranh
biên giới (1950). Nguồn: blog.udn.com
Chỉ có cộng sản Việt Nam ngu muội theo đuôi Tầu, chọn vũ khí làm sức mạnh. Bất kể một nước nhỏ đối diện với một nước lớn có kỹ thuật, có vũ khí tối tân gấp nhiều lần, sẵn sàng tốn hao sinh mạng, tài sản người dân trong nhiều thế hệ và trước sau vẫn phải lệ thuộc một ngoại bang khác. Có khác gì tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa?
Võ Nguyên Giáp và một số thành phần cực đoan trong đảng cộng sản là người bắn phát súng lệnh đầu tiên tấn công người Pháp tại Hà Nội đêm 19 tháng 12, 1946. Stein Tønnesson trong chương nhan đề, ‘Who Turned Out the Lights? (Ai là người tắt điện?) (38)
Vài trong nhiều ngàn người tử trận ở Điện Biên Phủ. Nguồn: OntheNet
Điện thành phố tự nhiên tất sau một hai tiếng nổ cực mạnh, tiếp theo là các tiếng súng nổ dòn. Cuộc chiến giữa Pháp và Việt Minh kéo dài trong 9 năm và kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ với Hiệp Định Genève chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17.
Sau đó chọn quyết định giải phóng miền Nam đối đầu với Mỹ.
Nay thì Mạng người như lá rụng. Hàng triệu người chết vùi thây không bao giờ tìm lại được xác. Không có bất cứ đất nước nào trên thế giới này mà cuộc chiến tranh dành độc lập hao tốn và kéo dài như trường hợp Việt Nam.
Cuộc chiến hiện nay với bọn Hồi giáo cực đoan so với cuộc chiến ‘chống Mỹ cứu nước’ xem ra không thấm thía gì!
Và cho đến nay, sự mất còn của đất nước vẫn là mối đe dọa treo lơ lửng trên đầu đất nước chúng ta!
Tiền Đề ba, lãnh đạo có tài có đức
Tôi có một xác tín rằng không có một đất nước nào có thể phát triển hoặc người dân được ấm no, hoặc cuộc sống người dân được an bình, có nếp sống văn hóa, đạo đức mà lại thiếu một người lãnh đạo tốt, biết lo cho dân, vì dân.
Kinh nghiệm sống 9 năm dưới chính thể Đệ Nhất Cộng Hòa cho phép tôi có thể khẳng định dứt khoát như vậy.
Đó là những năm tháng tốt đẹp nhất của quãng đời tuổi trẻ của chúng tôi.
Mới đây nhất, ông Hồ Ngọc Nhuận, một trong những thành phần dân biểu đối lập, chống phá miền Nam một cách kịch liệt nhất. Ông có viết một lá thư, “Thư gửi các bạn tôi và các con cháu tôi”. Ông cho biết ngày 24.3.2016, ông có một cái hẹn đi mổ ở bịnh viện Bình Dân cũ. Nhung rôi thủ tục rườm rà rắc rối quâ, chờ đợi cả ngày trời… Cuối cùng, ông quyết định bỏ về, không mỏ nữa. Và trong đoạn cuối, ông tiếc nuối viết:
Bệnh Viện Bình Dân thời VNCH. Nguồn: OntheNet
“Tôi cũng xin nói thêm rằng: cái bệnh viện Bình Dân này tôi đã từng biết nó từ khi nó mới ra đời hồi Đệ nhất VNCH. Tôi cũng đã tùng chứng kiến những bước thăng trầm của nó, theo dòng thời gian, với các bác sĩ bậc thầy như cố giáo sư Phạm Biểu Tâm, cố giáo sư Ngô Gia Hy và nhiều bác sĩ tên tuổi khác mà tôi từng quen biết. Không ngờ nó lại ‘lột xác xã hội chủ nghĩa’ đến như vậy.
Dù sao thì tôi vẫn còn muốn bám víu vào một chút gì đó còn lại của cái Sài gòn cũ’ không xã hội chủ nghĩa’ của tôi, trong đó có cái BV-BD, từ thời Đệ Nhất VNCH ‘không xã hội chủ nghĩa’ hay cộng sản chủ nghĩa’ để mà thương mà nhớ.”(39)
Lá thư của Hồ Ngọc Nhuận là một trong nhiều bằng chứng về những năm tốt đẹp của nền Đệ Nhất Cộng hòa.
Nhìn sang các nước láng giềng chung quanh Việt Nam cũng giúp thấy rõ thêm như vậy.
Triều đại các vua Xiêm dưới chế độ nhà vua Chakri – nếu chỉ tính từ 1782 cho đến nay 2016 đã kéo dài trên hơn hai thế kỷ với chỉ 9 triều vua. Sự kiện triều đại kéo dài trên hai thế kỷ, mặc dầu đất nước đã tân tiến, đã kỹ nghệ hóa chứng tỏ hoàng triều Chakri được lòng dân. Nhiều cuộc đảo chánh do quân đội cầm đầu, nhưng vai trò nhà vua vẫn cho thấy là tiêu biểu cho sự hòa giải và thống nhất đất nước.
Chế độ hành chánh có thay đổi, nhưng nhà vua thì không. Các nhà vua tiếp tục nối ngôi và đều xứng đáng với vai trò của mình.
Thái tử Mongkut đã vào tu trong chùa suốt 27 năm, và sau này trở thành Rama IV, ông đã có công cải tiến đạo Phật.
Nhưng người quan trọng nhất có ảnh hưởng lâu dài nhất trên lịch sử nước Xiêm là nhà vua Bhumibol. Ông sinh năm 1927 ở tiểu bang Boston, bên Mỹ, theo học ở bên Thụy Sĩ. Khi người anh lớn của ông là vua Ananda bị ám sát chết vào năm 1946. Ông lập tức được lên nối ngôi. Nhưng mãi đến năm 1950, khi học xong ông mới về nước.
Nhà vua trẻ, mặc dầu thiếu kinh nghiệm – mặc dầu Hiến Pháp không trao cho ông bất cứ quyền hành chính trị gì. Nhưng ông lại có một ảnh hưởng quyết định trong những tình thế khó khăn của nước Xiêm – nhất là về phía các tướng lãnh trẻ. Ông cũng là nhà vua ngự trị lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại – 70 năm trên ngai vàng tính đến năm 2016.
Sở dĩ ông được sự kính nể của toàn dân Xiêm là vì hai đức tính sau đây: Le Bun, đó là tinh thần đại lượng của Phật giáo và đức tính thứ hai là banani – thẩm quyền đạo đức gương mẫu.(40)
Ông Lý Quang Diệu – Singapore
Đại gia đìng bên ngoại của Lý Quang Diệu trước tư thất nơi ông chào đời. Mẹ ông là người thứ 2 hàng giữa từ trái. Ông Ngoại và bà ngoại của Lý Quang Diệu ngồi giữa, hàng giữa. Nguồn Family Photo from Lee Suan Yew
Cái gương của các vua Xiêm La cũng tìm thấy nơi các nhà lãnh đạo thành công ở một số nước như Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu) của Singapore. Ông Lý Quang Diệu, gốc Khách Gia, tổ tiên di cư từ Phúc Kiến sang Singapore. Ông là đời thứ 4. Năm 1954, ông thành lập đảng Nhân Dân Hành động (PeopleAction Party-PAP) và ông được chỉ định làm Thủ tướng năm 1959 năm ông 39 tuổi
Trong vòng 40 năm, ông đã đưa đất nước Singapore nghèo nàn, lạc hậu thành một đất nước thịnh vượng, từ thế giới thứ ba sang thế giới thứ nhất trong một thế hệ.
Nguyên tắc hành động của ông thật đơn giản. Nếu không được lòng dân thì sẽ bị nhân dân ruồng bỏ. Lý Quang Diệu đă đưa dân chúng của ông những năm 1960 của một tình trạng tuyệt vọng sang phát triển, từ thế giới thứ ba sang thế giới thứ nhất.
Một câu nói của ông mà tôi mong muốn được trích dẫn ra đây:
“We had learned from our toughest adversaries, the Communists.” (Chúng tôi đã học được bài học từ đối thủ nguy hiểm nhất của chúng tôi. Những người cộng sản.)(41)
Ông Lý Quang Diệu đã dành hẳn một chương nói về cuộc đấu tranh với người cộng sản và để được dân chúng tín nhiệm với nhan đề “Straddling the Middle Ground” (Chọn con đường Trung lập)
Va ông đã thắng người cộng sản bằng lá phiếu dân chủ của người dân. Năm 1968, khi nước Anh quyết định rút ra khỏi Singapore, năm 1972, ông đã thắng với đa số ghế và với 70% số phiếu bầu. Biết bao nhiêu công trình do Lý Quang Diệu đã làm. Ông đã duy trì được một chính phủ sạch – không tham nhũng – giải quyết được nạn ùn tắc giao thông, dựng một thành phố sạch với đầy bóng cây xanh ngay từ năm 1959. Gặp gỡ giới lãnh đạo hàng đầu thế giới như Nixon, Reagan, Suharto, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình. Thắt chặt ngoại giao với Thái Lan, Phi Luật Tân, và Brunei, Nhật Bản, Miến Điện, Cam Bôt, Việt Nam, v.v.
Và ông cũng thành thật thú nhận rằng bài học về kinh tế, ông học được những bài học từ Nhật Bản. Lessons from Japan.(41)
Ngày nay nói đến Singapore là phải nói đến Lý Quang Diệu.
Minh Trị Thiên Hoàng.
Gương nước Nhật: thời kỳ cải cách của Minh Trị từ 1868-1912 đã đưa nước Nhật thành một quốc gia tiên tiến và hùng mạnh. Chiếm Đài Loan 1895, chiếm Cao Ly 1910 và chiếm Mãn Châu 1931.
Năm 1945, bị phá sản vì thế giới chiến tranh, một lần nữa, nước Nhật đứng dạy và trở thành cường quốc kinh tế 1945-1973.
Theo tôi, một trong những yếu tố tinh thần giúp đưa nước Nhật lên trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới là tinh thần Võ Sĩ đạo của dân chúng Nhật.
Tướng Park Chung-hee của Đại Hàn
Đương kim TT Nam Hàn Park Geun-hye (L) con gái cua cựu Tổng thống Park Chung-hee (Seoul August 31, 1977). Nguồn: Rueters
Cho đến năm 1960 thì Đại Hàn vẫn được coi như một nước chậm tiến. Chẳng hạn như chỉ có 1% đường xá tại Nam Hàn được trải nhựa. Xe cộ hầu hết là loại xe cải tiến từ các xe Mỹ còn sót lại… đóng lại thùng, tân trang bên ngoài, sơn phết lại Các của tiệm thì đều bán các loại nhu yếu phảm cần thiết cho đời sống. Những căn nhà với ba bốn tầng được coi như nhà chọc trời rồi. Lãnh đạo chính phủ luôn làm gương cho dân chúng. Các yến tiệc đãi khách nuowscn ngoại chủ yếu chỉ dùng rượu nội hóa như Chon Don (Một thứ rượu mạnh như Saké). Bia OB Mechou, sản xuất tại Đại Hàn. Quần áo mặc may bằng vải nội hóa.Trong và ngoài quân đội là nếp sống văn hoa kỷ luật sắt thép. Lương một trung tá quân đội khoảng 27mỹ kim- nếu mắc tội tham ô gia trọng- có thể bị đem ra xử bắn ở pháp trường,
Người ta hay nói đến phép lạ! Làm gì có phép lạ trong kinh tế, trong sự thịnh vượng? Và giả dụ có phép lạ đi chăng nữa thì đó là do ý chí quyết liệt của một người- tổng thống Park Chung-hee và ý chí của cả một dân tộc, chấp nhận làm việc gian khổ- rất gian khổ- để thoát khỏi hoàn cảnh của một đất nước kém mở mang.
Hãy thử nói bằng những con số. Lợi tức đầu người tại Nam Hàn năm 1962 là 82 đô la/năm. Trong đó nông nghiệp đóng góp 33,9%. Kỹ nghệ chỉ góp phần nhỏ nhoi là 15,4%. Cán cân ngoại thương thiếu hụt.13
Kế hoạch của TT. Đại Hàn là phải xuất khẩu. Từ năm 1962, với kế hoạch 5 năm, tỉ lệ tăng trưởng là 7,9%/năm. Lợi tức đầu người tính đên năm 1970 là 300 đôla/năm.
Việc bình thường hóa với Nhật Bản năm1965 giúp Đại Hàn bớt lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên, làm thế nào để tránh được tình trạng xuất cảng để nhập cảng. Và nhờ đó Đại Hàn vượt rào kể tù 1972 xuất cảng nhiều hơn nhập cảng. Vào năm 1984, lợi tức đầu người đạt 2000 đô la/năm.
Nay thì nền kinh tế Đại Hàn đã thật sự cất cánh.
Lãnh đạo Việt Nam
Nhìn lại những nhà lãnh đạo từ thời các Chúa Nguyễn sang đến các vua của triều Nguyễn đến chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, Đệ Nhị Cộng Hòa, phải chăng có được một vài người như Nguyễn Ánh Gia Long, đến ông Ngô Đình Diệm?
Phía bên kia, nếu xét về công nghiệp đưa đất nước đến chỗ độc lập, tự do, giầu mạnh, phú cường thì phải nói thật : Họ là những thành phân hại dân, hại nước, đưa đất nước đến mức trần của sự phá sản về kinh té, xã hội, đạo đức, pháp luật.
Khó mà nói đến một đất nước tiến bộ mà thiếu một người lãnh đạo tài ba. Nước Mỹ phát triển bởi vì đất nước ấy sản sinh ra nhiều nhân tài. Hàng chục vị tổng thống Mỹ làm rạng danh nước Mỹ. Singapore, Thái Lan, Nhật, Đại Hàn trở thành nước kỹ nghệ hàng đầu bởi vì họ có người lãnh đạo giỏi, có lòng, có tầm nhìn.
Nước Tầu không có Đặng Tiểu Bình thì có được như ngày nay không? Nước Nga cũng nhờ có Gorbachev đã làm thay đổi thể chế nước Nga.
Phần Việt Nam, ai xứng đáng là người lãnh đạo giỏi? Ba thế kỷ giao tiếp với thương buôn và các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, các Chúa Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài chăng ai học hỏi được gì nơi họ. Thời nhà Nguyễn thì cơ hội tiếp xúc, học hỏi nhiều hơn với người Tây Phương, vậy mà cũng không một vua chúa nào có khả năng làm thay đổi bộ mặt đất nước?
Bảo Đại là người được ăn học vậy mà trong mấy chục năm trời trong vai trò nhà Vua, rồi Quốc Trưởng, ông làm được gì?
Truyền đơn kêu gọi di cư tránh cộng sản. Nguồn: Records of the U.S. Information Agency, 1900-2003
Thời Đệ Nhất Cộng hòa, Ông Diệm là người có công lập được một nền tảng vững chắc về thể chế, về tổ chức hành chánh, về Giáo dục đào tạo và một quân đội có kỷ cương. Rất tiếc, công việc làm dang dở của ông không có người kế thừa. Nền Đệ Nhị Cộng Hòa với ông Nguyễn Văn Thiệu chỉ lo chống đỡ với miền Bắc cũng đã hụt hơi.
Còn lại phía miền Bắc kể từ Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp đến Đỗ Mười sau này đều là loại bất tài, làm hại đất nước. Phải dứt khoát, can đảm mà nhìn nhận như thế.
Sau 1975- tập đoàn lãnh đạo ấy lại rơi vào những sai lầm, cố chấp, những chính sách ngu xuẩn đưa đất nước đến chỗ phá sản. Họ chỉ cần một chút tối thiểu khôn ngoan, dùng lại người chế độ cũ thì cũng cứu gỡ được ít nhất 10 năm tụt hậu.
Hiện nay, kinh tế có khá hơn, đời sống người dân cũng có cái ăn, cái mặc. Nhưng về mặt đạo đức, mặt giáo dục, mặt xã hội với tham nhũng, hối lộ. Đất nước cho thấy một tương lai đen tối như chưa bao giờ đen tối như thế.
Sự phát triển chú trọng đến sự phô trương giàu có, do bóc lột sẽ đưa đất nước đến chỗ diệt vong.
Chỉ cầu trời, khấn Phật gửi đến cho chúng ta một nhà lãnh đạo khôn ngoan, sáng suốt như Lý Quang Diệu, kỷ luật nghiêm minh như một Park Chung-heemang vài thằng tham nhũng ra bắn bỏ làm gương, một người đạo đức như vua Thái Lan.
Tiền đề bốn, giải pháp tiến tới Độc Lập dân tộc mà không qua con đường XHCN
Một trong những hậu quả của thế chiến thứ hai là nó báo hiệu một sự cáo chung của chủ nghĩa thuộc địa trên toàn thế giới. Điểm thứ hai, nó cũng cho thấy sự hình thành các Khối (Blocs), các vùng ảnh hưởng (Zone D’ Influence) chia thế giới ra thành hai cực mở đầu cho Chiến tranh lạnh.
Pierre Brocheux & Daniel Héméry trong cuốn sách của họ, Indo-China, đã dành hẳn chương 8 để nói tới The Decline and Fall of the French in the Far East(44) (sự suy tàn và sụp đổ của đế quốc Pháp ở Viễn Đông). Tác giả viết:
“World War II sounded the death knell of the European colonial empire. In the far-East, Japanese military expansion began with the annexation of Manchuria (1931) and continued with the invasion of China(1937). Succcessive French governments witnessed the crystallization of the menace weighing upon Indochia.” (45)
(Thế giới chiến tranh thứ hai như hồi chuông báo tử của đế quốc thực dân ở Âu Châu. Ở vùng Viễn Đông, quân đội Nhật bành trướng bắt đầu với việc sát nhập Mãn Châu vào năm 1931 và tiếp tục xâm chiếm nước Tầu năm 1937. Các chính quyền Pháp nối tiếp nhau ở Đông Dương càng ngày càng nhận thức rõ những áp lực tập trung càng đè nặng lên Đông Dương.)
Thật vậy, ngay từ năm 1931, Nhật đã chiếm Mãn Châu và chiếm một phần nước Tầu năm 1937. Nước Pháp ở Đông Dương đã nhìn thấy hiểm họa ấy. Cũng thời điểm ấy, Nhật đã nắm quyền kiểm soát của Pháp ở khu nhuợng địa Guangzhouwan.
Sau thế chiến, uy tín của Pháp tại Viễn Đông kể như không còn nữa. Mặc dầu các chính phủ Pháp tiếp sau- từ Vichy đến De Gaulle- muốn phục hồi lại những quyền lợi đãmất với ảo tưởng một nước Pháp vẫn hùng mạnh.
Phong trào giải thực trên toàn thế giới như một luồng gió mới thổi đến như sôi động hẳn lên.
Roman Bobowicz trong cuốn Crises – Les socialismes đã nhận xét như sau:
“Dans le même temps, le mouvement de libération des peuples à l’égard des impérialismes s’accélère: L’Afrique se dégage du Joug direct des puisances européennnes (La France notamment). L’Asie du Sud-Est est en ébullition. L’Amérique latine se révolte contre la tutelles économique et poliquement sanglante, par dictatures interposées, des États-Unis : La révoluton cubaine se radicalise et s’oriente délibérement vers le socialisme, un socialisme encore peu orthodoxe.”(46)
Cũng cùng thời điểm đó, phong trào giải phóng dân tộc đối với các chủ nghĩa đế quốc gia tăng. Phi Châu tự giải thoát ra khỏi sự cùm kẹp trực tiếp của các thế lực Âu Châu (chẳng hạn như nước Pháp). Đông Nam Á cũng sôi sục. Mỹ Châu la tinh cũng nổi lên chống lại chính sách bảo hộ kinh tế và áp lực chính trị đẫm máu do sự áp đặt độc tài của Mỹ: Đó là cuộc cách mạng triệt để, tự ý của Cuba hướng về chủ nghĩa xã hội còn nhẹ tính giáo điều.
Như thế, đã có hàng trăm nước trên thế giới đã là thuộc địa của các đế quốc trải dài từ Đông sang Tây, từ Á Châu đến Châu Mỹ La Tinh, Phi Châu, sau thế chiên thứ hai dã đứng dạy đòi chủ quyền độc lập.
Một số lớn lãnh tụ Phi Châu đứng lên đòi độc lập đều là du sinh có thời gian học tại Pháp. Họ thường tụ tập ăn uống, gặp gỡ tại các quán ăn bên cạnh Pavillon de France d’outre-mer thành lập liên Đoàn sinh viên Phi Châu da đen- Fédération des étudiants d’Afrique noire ở bên Pháp mà vai trò của họ sau này trở thành yếu tố quyết định cho công cuộc giải phóng Phi Châu.(47)
Họ là những người như tổng thống Algérie Ahmed Ben Bella, Kwame Nkrumah của Ghana. Ghana đòi được độc lập năm 1957, Togo tháng tư năm 1960. Các nước khác chậm trễ hơn bởi vì họ đã gia nhập vào Khối Liên Hiệp Pháp như trường hợp Côte-d’Ivoire, Niger và Haute-Volta. Trong khi đó, các nước Phi Châu khác- như Sénégal và Soudan đòi trả độc lập ngay thì De Gaulle phải nhượng bộ.
Nhưng tự hỏi xem, có bao nhiêu nước đã dành lại được độc lập, tụ chủ qua con đường XHCN? Tại sao chỉ là Việt Nam, CuBa, Bắc Hàn, Trung Cộng? Tại sao những nước này đã trả giá quá đắt cho việc giải thực.
Giá đắt về của, về người không nằm trong mục đích giải thực mà mục đich tối thượng là cộng sản hóa thế giới nhân danh tình tụ dân tộc, nhân danh lòng yêu nước!
Nay nếu chúng ta thử nhìn vào phong trào không liên kết của 19 nước Á Phi, họp tại Bandung chứng minh rõ ràng cho thấy các nước ấy có thể dành được độc lập bằng cách lợi dụng sự tranh chấp trong cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối cộng sản và tư bản để tiến tới độc lập dân tộc.
Không phải chi có độc nhất một con đường giải phóng dân tộc là theo chủ nghĩa cộng sản và cũng không nhất thiết phải có một cuộc chiến tranh giải phóng đưới lá cờ cộng sản chủ nghĩa.
Tất cả sai lầm của cộng sản nằm ở chỗ này và chỉ ở chỗ này thôi và nó đã đưa Viet Nam- Bắc Hàn- Cuba ở một tình trạng kinh tế lạc hậu, chậm phát triển so với nhiều nước khác.
Khẳng định không có ông Hồ, nước ta ngày nay cũng sẽ thu hồi được độc lập trong xu thế thời đại “giải thực” sau thế chiến thứ hai.
Nhìn lịch sử thế giới đã qua cho thấy đã có bao nhiêu nước dành được độc lập dưới chiêu bài cộng sản và không cộng sản?
Câu trả lời rất là thuyết phục là hầu hết các dân tộc thuộc khối Á Phi, Ả Rập, Mỹ Châu La tinh đều dành được độc lập mà không có sự can thiệp của khối cộng sản.
Việt Nam trở thành một biệt lệ kém may mắn.
Bởi vì các nước nghèo, kém mở mang cũng biết lợi dụng cả tư bản lẫn cộng sản giúp đỡ viện trợ để sống còn. Phần các nước viện trợ thì viện trợ là một cách để tiêu thụ hàng hóa, để biến các nước nghèo thành lệ thuộc và nhất là còn để gây phe cánh.
Không có thứ viện trợ vô điều kiện. Viện trợ luôn luôn có thòng lọng kèm theo. Nhận viện trợ bao giờ cũng là nhận món nợ phải trả, đôi khi trả đắt hơn cả tiền viện viện trợ: Mất chủ quyên dân tộc, đất nước trở thành con nợ cho nước khác.
Viện trợ cho nước được viện trợ cũng là viện trợ cho chính nước được viện trợ. Như trường hợp, ‘chiến tranh giải phóng’ càng gia tăng mức cường độ thì cộng sản Bắc Việt càng lệ thuộc Tầu cộng nhiều hơn.
Xếp hàng, chọn lựa đứng về một bên như Việt Nam là một chọn lựa đắt giá và hiểm nguy. Cộng sản Việt Nam đã cố tình quên những tội ác của cộng sản quốc tế trong việc sát nhập bằng bạo lực các nước Đông Âu nhập vào khối cộng sản Xô Viết sau 1945. Vì thế, không lạ gì khi chiến tranh thứ hai vừa kết thúc, đã có 5 triệu người Đức trong vùng do Liên Xô kiểm soát đã kịp thời trốn thoát sang các vùng do Anh Mỹ kiểm soát.
Điều đó cho thấy rằng dân chúng Đức đã biết lo sợ trước về mối hiểm họa của Liên Xô. Sau này, làm sao dân chúng Đông Âu có thể quên được kinh nghiệm mùa xuân 1968 tại Prague?
Trong khi ảnh hưởng của Tây Phương còn ưu thế trên thế giới, việc viện trợ choBắc Việt cũng là một công tác phòng thủ cho Trung Hoa, vì con đường tháo ra biển cũng là con đường xâm nhập vào Trung Hoa của các đạo quân chinh phục.
Việc ấn định ranh giới vĩ tuyến 17, vừa xác nhận tham vọng đất đai, bất di bất dịch của Tầu đối với Việt Nam, vừa chứng minh sự lệ thuộc của chính phủ Bắc Việt đối với Trung Quốc.
Trong khi đó khối các quốc gia không liên kết mỗi ngày mỗi đông thêm dù họ đã ngửa tay nhận viện trợ kinh tế của cả khối cộng sản lẫn tư bản.
Các phong trào giải thực ở giai đoạn chót 1955-1965 được gọi là “thế giới thứ ba” hay các nước không liên kết đã đủ sáng suốt để không theo cộng sản Tầu như trường hợp các nước láng giềng của Tầu như Ấn Độ, Indonesia, Ai Cập, Miến Điện, v.v…
Mấy chục nước thuộc khối không liên kết như trường hợp các nước Á Phi được gọi là những nước mới vươn lên (newly emerging states) đã có thể tự tìm ra con đường giải thực và phát triển mà không theo bất cứ khối nào.
Kaunda, một thành viên của khối không liên kết đã có thể tự hào tuyên bố rằng:
“Ngày hôm nay đánh dấu sự chấm dứt một giai đoạn bất định về tương lai và con đường của phong trào không liên kết. Hội nghị không liên kết đối với những nước nhược tiểu còn vĩ đại hơn tòa nhà của Liên Hiệp Quốc.”(48)
Tổng thống Indonesia thì hãnh diện tuyên bố, “Đây là một bước mới trong lịch sử nhân loại.”
Các nước trong khối không liên kết như Ấn Độ, Ai Cập cuối cùng đã dành được độc lập mà ít hao tốn những giọt máu vô ích của nhân dân họ phải đổ ra như trường hợp Việt Nam?
Thật bất hạnh cho Việt Nam do sự ngu muội của các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã không có giải pháp nào khác để dành độc lập thay vì dùng súng tiểu liên Trung Quốc và chủ thuyết Mác Xít và chủ nghĩa Mao ít?
Trong khi đó, họ lại ngủ quên trước kẻ thù truyền kiếp từ phương Bắc.
“Không có lầm lẫn nào to tát cho bằng sự tin tưởng rằng trong một vài thế hệ hay một thế kỷ có thể thay đổi được tất cả tư tưởng của một dân tộc.
Ký ức của những thời kỳ thống trị tàn khốc đối với chúng ta còn ghi nhớ trong mỗi trang lịch sử của dân tộc và trong mỗi tế bào của lịch sử chúng ta.”(49)
Dân tộc, chúng ta phải thực hiện cho bằng được mọi cách.
Kết luận
Để kết luận về bài viết này, chúng tôi nhận ra rằng, mục tiêu phát triển mới là quan trọng. Phong trào Đông Du nằm trong ý hướng tốt đẹp đó. Dành được độc lập mà nước vẫn nghèo, chậm tiến thì độc lập để làm gì? Giả dụ mà chúng ta dành được độc lập một cách ít hao tốn sức người, sức của như trường hợp các thuộc địa của Anh thì bao nhiêu nỗ lực hy sinh dành cho chiến tranh, sẽ được dùng để xây dựng đất nước thì lợi biết là bao.
Nghĩ như thế nên tôi thấy phản ứng, thái độ của Triêu đình Huế là không thức thời, không nhìn xa trông rộng, không học được những bài học ứng xử của Nhật, của Thái Lan, của Singapore.
Nghĩ tiếp theo là Việt Nam thiếu những nhà lãnh đạo có tầm vóc, có tầm nhìn xa. Nhưng nhất thiết phải là người có đạo đức, biết nghĩ tới dân. Như trường hợp vua nước Xiêm. Các vua chúa nước ta đều là những người không hề biết thương dân qua các thư từ của Thừa sai Pháp để lại mà chúng tôi đã trích dẫn.
Bảo Đại là trường hợp đáng trách nhất trong số những kẻ phải trách. Vậy mà cũng ít có ai lên tiếng chê trách gì. Ông ấy được ăn học, từng học hỏi được cái văn minh của người. Vậy mà chưa bao giờ ông có quan tâm đến việc đào tạo nhân tài cho đất nước.
Bước nhầm lẫn vĩ đại nhất của lịch sử 2000 của Việt Nam là chế độ tồi tệ, bất nhân, vô trách nhiệm của đảng cộng sản Việt Nam.
- Thứ nhất là vô trách nhiệm tập thể. Chế độ ấy là một guồng máy có hệ thống tư trên xuông dưới – Échelle hiérarchique – trong đó kẻ biết việc, kẻ giỏi thì không quyền quyết định mà kẻ quyết định thì có thể không biết gì. Ngay cả trong trường hợp không có ai quyết định. Guồng máy vẫn chạy như bị chứng khớp. Cái hệ thống ấy được che chở bởi một bức màn bảo hộ, phổ biến nội bộ, nói miệng, rỉ tai, Đến nỗi một quyết định ra rồi, người ta vẫn không biết ai là người chính thức đưa ra quyết định.
- Thứ hai, guồng máy cai trị của các xếp nhỏ. Mặc dù là một chế độ tập trung quyền hành. Mọi quyết định thi hành đều từ trung ương xuống. Nhưng trên địa bàn địa phương, mọi thủ tục, mọi quyết định đều do chính những địa phương quyết định. Vì thế, những xếp nhỏ này tự phô trương quyền lực, dựa trên các thủ tục hành chánh làm trì trệ mọi quyết định- nhiều khi có nhưng quyết định chỉ cần vài ba phút cũng có thể giải quyết xong. Vậy mà nó kéo dài hết ngày này sang ngày khác.
- Thứ ba, tình trạng trên đương nhiên đẫn đưa đến sự lộng quyền để tham nhũng, sách nhiễu người dân trong mọi vấn đề. Từ đó hợp thức hóa thủ tục tham nhũng trở thành một nếp sống mới.
- Thứ tư, tình trạng tham nhũng càng phổ biến thì phản ứng của người dân là sài luật rừng- bất chấp luật pháp. Một xã hội nhốn nháo, giành giật nhau để sống mà thiếu một khung pháp lý, nói chi đến nguyên tắc đạo đức, đến tình của con người.
- Thứ năm, tình trạng vô đạo đức từ một cá nhân sẽ trở thành vô đạo đức tập thể trong nhưng môi trường rộng lớn từ trường học đến các công sở, đến các cơ sở tư doanh, đến các công ty lớn nhỏ. Nó cấu kết thành những đơn vị, những băng đảng, những phe nhóm quyền lợi cấu kết liên hệ chằng chịt với nhau như một mạng lưới mạng nhện.
Nghĩ tới những điều như thế mà sau này dù kinh tế có khá hơn, nhưng nó không có sự cải tiến đồng nhịp với sự cải tiên đạo đức thì không có lý do chính đáng để tin vào tương lai của đất nước.
© 2016 DCVOnline
trích từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline hiệu đính và minh họa.
(31) Pierre Annam, “Tích quan Tả quân Lê Văn Duyệt”. Nam Kỳ địa phận số 154 (7-12-1911), số 157 và 158 (4-1-1912). Nguyễn Văn Trung dẫn lại trong “Lục Châu học, Chương III, “Lịch Sử Việt Nam Nhìn Từ Miền Nam”
(32) Le Thanh Khoi, “Histoire du Viet Nam, des origines à 1858”, Sud-Est Asie, Paris, 1887., trang 391.
(33) Henrie Chappoulie. “Aux origines d’une Église. Rome et les missions d’Indochine au XVIIe siècle”. Tome I Paris, 1943, trang 135
(34) Nguyễn Xuân Thọ, “Bước mở đầu của sự thiết lập Hệ thống thuộc địa Pháp tại Việt Nam 1858-1897”, trang 374
(35) Nguyễn Xuân Thọ, Ibid, trang 375
(36) Nguyễn Xuân Thọ, Ibid, trang 375
(37) Trần Trọng Kim, “Việt Nam sử lược”, trang. 535-536.
(38) Stein Tønnesson, “Viet Nam 1946, How the war began”, University of California Press 2010 trang 201
(39) Lá thư của Hồ Ngọc Nhuận dã được gửi bạn bè của ông ỏ Haỉ Ngoại như ông Hoàng Ngọc Biên, ỏ Sạn Jose
(40) Arnaud Dubus, “Thailande”, trang 101.
(41) Lee Kuan Yew, “From third world to First”, từ trang 12-133
(42) Lee Kuan Yew, Ibid., trang 521
(43) Andre Fabre, “La grande histoire de la Córee”, trang 347-348
(44) Pierre Brocheux và Daniel Hémẻry, “Indochina, The ambiguous colonization – 1858-1954”, University of California Press, trang 336
(45) Pierre Brocheux – Daniel Héméry, Ibid., trang 336
(46) Philippe Daudy, “Crises-Les socialismes”, nxb S.E.F trang 8
(47) Bruno Amoussou, “L’Afrique est mon combat”, trang 103-105
(48) Thuận Giao, “Hy vọng mới cho thế giới đệ tam”, tạp chí Trình Bày, số 5, 1/10/1970
(49) Tùng Phong, “Chính Đề Việt Nam”
+++++++++++++++++++++++++++++++
Suy nghĩ về chuyện Hội nhập tại Xã hội Âu Mỹ
Đoàn Thanh Liêm
Theo một tài liệu phổ biến năm 2010 của Cộng Đồng Liên Bang Úc châu, thì hiện có đến 4.5 triệu người Việt sống ở hải ngọai. Con số này lớn hơn con số thường được phổ biến từ trước là chỉ có khỏang trên 3.5 triệu người.
Đọc kỹ lại, ta thấy trong tài liệu từ Úc châu thì có ghi rõ : Số người Việt sinh sống tại nước láng giềng Cambodia đã lên tới 900, 000 người rồi. Tài liệu này cũng ghi con số người Việt sinh sống ở Đài Loan, Đại Hàn và mấy nước Á châu khác nữa. Như vậy, tổng số người Việt sinh sống riêng ớ Á châu đã có thể lên đến gần 1,5 triệu người rồi. Kết cục là con số người Việt hiện sinh sống tại các quốc gia thuôc Âu châu, Mỹ châu và Úc châu cũng chỉ vào khỏang trên 3 triệu người. Trong đó riêng ở nước Mỹ và Canada, hiện có đến 2 triệu người gốc Việt.
So với con số 90 triệu người Việt hiện sinh sống tại quê hương Việt nam mình, thì con số 4.5 triệu người Việt sinh sống tại hải ngoại – chỉ là một thiểu số 5% mà thôi.
Bài viết này nhằm ghi nhận một ít suy nghĩ về vấn đề Hội nhập của người Việt chúng ta tại xã hội Âu Mỹ - tức là tại các quốc gia thuộc Âu châu (cả Tây Âu và Đông Âu), Mỹ châu và Úc châu. Để bạn đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện, tôi xin được trình bày vấn đề qua các mục chính yếu như sau :
I – Sơ lược về bối cảnh chính trị văn hóa xã hội tại các quốc gia Âu Mỹ.
II – Mức độ Hội nhập khác nhau tùy theo từng thế hệ người Việt.
III – Làm sao để hội nhập mà vẫn giữ lại được bản sắc dân tộc của mình?
* * *
I – Bối cảnh chung về chính trị xã hội và văn hóa tại các quốc gia Âu Mỹ.
Dù có sự khác biệt rất lớn giữa các quốc gia trong hai châu lục Âu và Mỹ, ta vẫn nhận thấy có một sự tuơng đồng sâu sắc trong lòng xã hội của các quốc gia này. Cụ thể ta có thể nêu ra một số nét chính yếu như sau :
A/ Về phuơng diện chính trị, thì rõ rệt là các quốc gia ở Âu và Mỹ châu hiện đã thiết lập được một nền dân chủ tương đối vững vàng hòan chỉnh và thông thóang. Kể cả tại các nước cựu cộng sản tại Đông Âu, các nước được tách ra khỏi Liên bang Xô Viết thì từ 25 năm nay, nhân dân và chính quyền tại đây đều đã lần hồi xây dựng được một chế độ chính trị tương đối tiến bộ với sự tôn trọng nghiêm túc về Phẩm Giá và về Quyền Con Người.
Đặc biệt là những sắc dân thiểu số hay mới nhập cư đều có quyền và có cơ hội thuận lợi để tranh đấu cho những đòi hỏi chính đáng của mình. Tại Úc châu, chính sách đa chủng tộc, đa văn hóa (multi-ethnic, multi-cultural) được giới chính khách tích cực đề cao tôn trọng.
B/ Về phương diện xã hội, các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội...là sự thể hiện vững chắc của tinh thần liên đới huynh đệ giữa các tầng lớp nhân dân (Fraternal Solidarity). Điển hình là tại các quốc gia phía Bắc Âu châu như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, chính sách thuế khóa được sử dụng thật khôn khéo như là một phương tiện để điều tiết sự phân phối lợi tức quốc gia – mà nhờ đó tầng lớp kém may mắn với thu nhập thấp kém được bù đắp với những phúc lợi xã hội thật hào phóng dồi dào. Người dân luôn sẵn sàng đóng thuế cao để được hưởng chế độ an sinh xã hội khá tốt đẹp.
Đáng kể nhất là vai trò của các nghiệp đòan công nhân trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của tập thể giới lao động trong các công ty xí nghiệp.
Mặt khác, vì có tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do hội họp v.v..., nên các tổ chức thuộc khu vực Xã hội Dân sự có điều kiện thỏai mái để phát huy tác dụng của mình trong cố gắng cải thiện môi trường sống cả về mặt vật chất cũng như về mặt tâm linh tinh thần. Càng ngày, vai trò của các “tác nhân không phải là nhà nước” (Non-State Actors) như thế đó càng đóng vai trò quan trọng hơn trong công cuộc xây dựng và phát triển nếp sinh họat đa dạng phong phú của tập thể cộng đồng xã hội.
C/ Về mặt văn hóa, các quốc gia Âu Mỹ kể ra đã rất thành công trong việc tiếp nối và phát huy cái truyền thống quý báu của nền văn minh Hy lạp và La mã (La-Hy = Latino-Greek) – đặc biệt về các mặt học thuật, tư tưởng, khoa học và luật pháp.
Và điểm đáng chú ý hơn cả - đó là Thiên chúa giáo gồm Công giáo, Tin lành và Chính thống giáo đã ăn rễ sâu xa nơi đời sống văn hóa, tư tưởng, nghệ thuật tại các quốc gia Âu Mỹ – tương tự như vai trò của Tam giáo Phật Lão Nho trong xã hội Á Đông chúng ta như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Hoa.
Mặc dầu ngày nay, làn sóng vô thần đang phát triển mạnh – và mặc dầu chế độ cộng sản do Liên Xô lãnh đạo trong trên nửa thế kỷ đã tìm mọi cách thâm độc để tiêu diệt tôn giáo – thì Thiên chúa giáo vẫn còn là một thế lực tinh thần quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hóa của người dân Âu Mỹ. Nổi bật nhất là người dân tôn trọng sự đa dạng về tôn giáo và đề cao tính cách bao dung về tôn giáo (Religious Diversity/Tolerance). Mọi biểu hiện của nạn kỳ thị sắc tộc, kỳ thị tôn giáo và nhất là sự cuồng tín tôn giáo đều bị công luận phê bình lên án nghiêm khắc.
Cái môi trường chính trị văn hóa xã hội tiến bộ thông thóang như thế rõ ràng là một thứ “Đất lành Chim đậu” rất thuận lợi cho mấy triệu người Việt chúng ta tìm kiếm để mà đem cả gia đình tới định cư lập nghiệp lâu dài vậy.
II – Mức độ Hội nhập khác biệt giữa các thế hệ người Việt định cư tại Âu Mỹ.
Nhằm đơn giản hóa sự trình bày, ta có thể xếp lọai thành ba thế hệ như sau :
a) Thế hệ I gồm Ông Bà hiện ở vào lớp tuổi 60 – 70(trưởng thành ở VN)
b) Thế hệ II gồm Cha Mẹ hiện vào lớp tuổi 40 – 50(sinh trưởng ở VN)
c) Thế hệ III gồm lớp Cháu cỡ tuổi 20 – 30 (lớp này hầu hết được sinh ra ở nước ngòai).
1 - Thế hệ I gồm những người lớn tuổi đã trưởng thành, có sự nghiệp vững vàng ở Việt nam, nhưng khi đến định cư ở nước ngòai thì gặp nhiều khó khăn trở ngại trong việc hội nhập văn hóa xã hội nơi môi trường sở tại – điển hình là khó vượt qua được cái hàng rào ngôn ngữ, cũng như khó thích nghi được với lối sống của dòng chính trong xã hội địa phương. Chính vì thế mà nhiều người chỉ tìm cách sống quần tụ riêng với nhau trong cộng đồng người Việt – mà ít tiếp cận với người địa phương. Từ đó mà phát sinh ra cái não trạng “ốc đảo” (ghetto mentality) – sống cô lập khép kín giữa các đồng hương với nhau mà thôi. Họ thường còn bị ràng buộc bởi những hòai niệm, những nuối tiếc về cái thuở vàng son của thời quá khứ nơi quê nhà. Do đó mà không có sự hăng say năng nổ tìm kiếm những phương thức hành động thích nghi với môi trường xã hội mới lạ vốn đòi hỏi một viễn kiến sâu rộng và năng lực khai phá mạnh bạo không hề chùn bước trước mọi nghịch cảnh thách đố.
2 – Thế hệ II là lớp con của thế hệ I, sinh trưởng ở VN mà đi định cư ở nước ngòai lúc còn trẻ (cỡ trên dưới 20 tuổi) – do vậy mà dễ thích nghi được với môi trường văn hóa xã hội sở tại. Phần đông lại được học bậc cao đẳng hay đại học ở nước ngòai, nhờ vậy dễ kiếm được việc làm nơi các cơ sở kinh doanh của người địa phương. Và từ đó mà có nhiều cơ hội tiếp cận và sống hòa đồng với xã hội sở tại. Hơn thế nữa, vì phải chăm lo hướng dẫn cho lớp con là thế hệ III vốn sinh ra ở nước ngòai, nên phải cố gắng trau dồi thêm về mặt chuyên môn – nhất là về văn hóa để gia đình cùng hòa nhập êm thắm với dòng chính của địa phương.
3 – Thế hệ III là lớp cháu của thế hệ I, thì được sinh ra ở nước ngòai và được theo học ở địa phương ngay từ các nhà trẻ, lớp mẫu giáo lên đến cấp tiểu học, trung học và cả đại học – y hệt như các bạn cùng lứa tuổi trong các gia đình sở tại. Do vậy mà thế hệ này có những điều kiện hòan tòan thuận lợi để mà hội nhập vào với dòng chính của quốc gia sở tại – có thể là bị cuốn hút đến độ đồng hóa sâu sắc với người bản xứ chính hiệu. Nhưng sự kiện này lại có mặt trái của nó – đó là thế hệ III không có sự hiểu biết và không còn gắn bó gì với cội nguồn văn hóa dân tộc VN nữa. Tình trạng “mất gốc” này (uprooted) chính là điều làm cho thế hệ I của ông bà quan tâm lo lắng.
Tuy các cháu vẫn kính trọng hiếu nghĩa đối với ông bà cha mẹ, nhưng xem ra có phần lơ là đối với chuyện thuần phong mỹ tục, với nền luân lý dân tộc. Và nhất là các cháu không thiết tha gì lắm với lập trường chính trị của thế hệ I vốn hầu hết là nạn nhân khốn khổ của chế độ độc tài tàn bạo của cộng sản – mà cũng vì thế mà gia đình phải bỏ nước ra đi lập nghiệp ở nước ngòai.
III – Làm sao để hội nhập mà vẫn giữ đươc bản sắc dân tộc của mình?
Đây chính là cái môí ưu tư của bất kỳ lớp người di dân nào mà phải rời bỏ quê hương bản quán để ra đi lập nghiệp tại một xứ sở xa lạ nào khác – chứ không phải chỉ là của riêng khối người Việt chúng ta hiện đang định cư tại khắp các châu lục trên thế giới, đặc biệt là ở các nước Âu Mỹ.
Từ xa xưa, cha ông chúng ta vẫn thường nhắc nhở : “Nhập gia tùy tục” để mà khuyến khích con dân phải biết cố gắng thích nghi với hòan cảnh khác biệt tại nơi mình mới đến nhập cư lập nghiệp. Trong ngôn ngữ ngày nay, người ta sử dụng từ ngữ “Hội nhập” (Integration) để mô tả cái quá trình gọt giũa uốn nắn bản thân mỗi người để làm sao thích nghi được với hòan cảnh mới - hầu có thể gia nhập êm thắm vào với môi trường xã hội tại địa phương nơi mình đã chọn lựa đến cư ngụ để sinh sống lập nghiệp lâu dài.
1 - Riêng đối với tập thể người Việt chúng ta, thì như đã phân tích ở phần II trên đây – thế hệ I là lớp người lớn tuổi thì còn lưu giữ được nhiều kỷ niệm, ký ức về phong tục tập quán trong truyền thống dân tộc, nhưng lại ít hội nhập vào với dòng chính của xã hội sở tại. Hiện tượng này trái ngược hẳn với chiều hướng của thế hệ III của lớp cháu sinh trưởng ở nước ngòai – các cháu hầu như không còn ý thức rõ rệt về truyền thống dân tộc, mà lại gần như đồng hóa hòan tòan với dòng chính của người bản xứ.
Thành ra, chỉ còn trông cậy nơi thế hệ II gồm lớp trung niên hiện vẫn còn có sự gắn bó với truyền thống dân tộc mà cũng hội nhập tương đối khá vững chắc với dòng chính của xã hội địa phương. Thế hệ này có thể coi như là cái nhịp cầu nối giữa thế hệ I và thế hệ III – tiếp thu được kinh nghiệm của các bậc tiền bối và rồi truyền đạt lại cho những hậu duệ trong gia tộc của mình. Đó là một vai trò quan trọng để khích lệ và hướng dẫn cho thế hệ III trong việc tiếp tục hội nhập mà vẫn lưu giữ được bản sắc dân tộc của cha ông mình.
2 - Cụ thể là các lớp học Việt ngữ vẫn được nhiều thày cô tình nguyện mở ra vào những ngày cuối tuần tại các chùa, các nhà thờ, các trung tâm văn hóa để dạy cho lớp trẻ cả về tiếng Việt, cả về lịch sử và văn hóa Việt nam. Rồi đến các khóa huấn luyện, các trại hè, các tổ chức sinh họat dành riêng cho thiếu nhi, học sinh, sinh viên, các cuộc thi về văn hóa ngôn ngữ tiếng Việt, các lễ hội dịp Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán v.v... Tất cả những cố gắng bền bỉ liên tục từ năm này qua năm khác như thế đã có tác dụng truyền đạt được cho thế hệ trẻ sự hiểu biết về nguồn cội của mình và nhất là cái ngọn lửa say mê nhiệt thành trong công cuộc giữ gìn và phát triển gia sản vốn liếng tinh thần quý báu của văn hóa và đạo đức truyền thống dân tộc.
Điển hình là trường hợp của một số phụ huynh cũng tự nguyện tham gia sinh họat với tổ chức Hướng đạo cùng với lũ con của mình – nhằm khuyến khích các cháu vui vẻ phấn khởi theo đuổi các công tác và sinh họat lành mạnh của tổ chức đào tạo huấn luyện thanh thiếu niên đã từng có uy tín lâu năm này.
3 – Nhìn chung, thì trong thời gian 40 năm qua cái tiến trình định cư lập nghiệp của trên 3 triệu người Việt chúng ta nơi các quốc gia Âu Mỹ đã diễn ra một cách tương đối tốt đẹp êm thắm. Đó là nhờ ở hòan cảnh khách quan cởi mở thông thóang đày dãy tinh thần nhân đạo tại chính các xã hội tiếp nhận (receiving countries) và nhất là do ý chí cương quyết sắt đá và nỗ lực kiên trì của cả tập thể số người Việt thuộc thế hệ I đã quyết tâm ra đi để xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp cho bản thân và cho gia đình của mình.
Dĩ nhiên đây là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm táo bạo đày dãy những thử thách cam go, nhưng chúng ta cũng thật vui mừng trước những thành công to lớn mà tập thể người Việt hải ngọai đã gặt hái được – cả về phương diện kinh tế vật chất, cả về phương diện văn hóa tinh thần trong những bước đầu định cư ở nước ngòai. Sự thành công này không phải chỉ đem lại lợi ích cho riêng bản thân các gia đình người Việt hải ngọai. Mà nó còn có tác dụng góp phần tích cực đáng kể vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương đất nước nơi mà toàn thể đại khối dân tộc với hơn 90 triệu đồng bào đang hăng say phấn khởi chủ xướng phát động cái tiến trình xây dựng kiên trì cam go đó – với hoài bão tạo dựng cho bằng được một xã hội thịnh vượng, tự do và an hòa nhân ái trong một tương lai không bao xa nữa vậy./
Costa Mesa California, Tháng Giêng 2014
Đoàn Thanh Liêm
+++++++++++++++++++++++++++++++++
Mai Thanh Truyết
Không biết tự lúc nào sau ngày 30 tháng tư năm 1975, mỗi năm vào dịp nầy lòng tôi dường như chùng xuống. Trước khi về hưu vào năm 2012, công việc hàng ngày vẫn chu toàn 8 giờ để trả nợ áo cơm, một vài giờ cho dịch vụ tư vấn về môi trường của tôi, cũng như thì giờ cho các buổi phỏng vấn hay ngồi suy tư và viết bài hoặc đi đó đi đây…tôi đã cảm nhận được một nỗi niềm u uẩn nào đó trong tôi. Nhưng bây giờ, mặc dù đã giã từ nợ áo cơm, nhưng niềm u uẩn trên vẫn tiếp tục còn trong tôi ngày càng…dai dẳng hơn thêm.
Tại sao lại có hiện tượng như vậy trong tôi?
Có lẽ, vì tuổi đời ngày càng cao, và niềm hy vọng về một ngày mùa xuân nở hoa trên quê hương còn xa vời vợi…cho nên nỗi buồn của tôi càng thêm ray rứt và điểm thêm đôi nét tuyệt vọng trong tâm tư?
Bỏ qua những ngày tháng nghiệt ngã còn lại ở Việt Nam trước khi vượt biên sau 30/4/1975, phải thành thật mà nói, lúc đó tôi không có thì giờ để “buồn” như hôm nay, vì miếng cơm manh áo và mãi lo “tìm đường ra đi” (cứu nước?) cho một gánh nặng với 4 đứa con dại…
Bỏ qua những năm đầu tiên sống đời tị nạn, tôi cũng chưa thực sự quan tâm gì mấy cũng như không có thì giờ để buồn…như nỗi buồn hôm nay vì một đời sống tạm dung nơi xứ người.
Nhưng chỉ trong vòng 25 năm trở lại đây, khi gia đình tương đối ổn định và sau khi bắt đầu bước vào con đường tranh đấu cho Việt Nam qua ngã môi trường, tôi mới thực sự cảm thấy buồn. Và mỗi năm nỗi buồn đó càng se sắc hơn, ngậm ngùi hơn.
Buồn để mà buồn một mình!
Không thể nào nói tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn được. Mà tôi hiểu và hiểu rất rõ nỗi buồn thực sự của tôi vì hai lý do: – Đất Nước còn điêu linh, – và Bà con mình vẫn còn chìm đắm trong nỗi nhục nhằn làm công dân hạng hai cho một chế độ phản dân tộc chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam.
Nhìn lại những ngày bắt đầu từ giữa tháng tư năm 75, có thể nói cả thành phố Sài Gòn đang lên cơn sốt. Nào là chạy đôn chạy đáo thăm dò tình hình…mặc dù biết rằng miền Nam đang trong cơn hấp hối, nhưng cũng mong tìm và hy vọng một phép lạ. Nào là, đối với những người có chút tiền, lo chạy đi đổi tiền, làm…áp phe, hay do là tin tức tìm đường ra đi.
Tin tức đồn đãi nhiều khi trái ngược nhau, tin vui lẫn với tin buồn.
Nhưng nỗi buồn của tôi thực sự buồn khi rời trụ sở USAID ở đường Lê Văn Duyệt sau khi làm “thủ tục”…ra đi. Cầm tấm thẻ vô tri có hình của một “ông giáo trẻ” đầy nhiệt huyết, mà khi về lại Việt Nam năm 1973, nguyện sẽ làm một cái gì cho thanh niên Việt Nam. Tôi không thiết ăn cơm chiều hôm đó. Nếu tôi nhớ không lầm, đó là ngày thứ tư 09/4/1975.
Tới thứ hai tuần sau đó vào khoảng tuần lễ thứ hai của tháng tư, lên Đại học Cao Đài Tây Ninh, tôi lại được mấy anh chàng “CIA” trẻ đóng trên đài phát tuyến ở đỉnh Núi Bà cho tôi biết rằng ngày mai, họ sẽ rút về Mỹ và khuyên tôi nên rời bỏ quê hương qua một giọng Bắc rất rành rọt. Suốt các buổi lên lớp sau đó, tôi nói như người mất hồn, một tâm trạng mà chính giờ phút viết lên dòng chữ nầy, tôi lại thêm một lần “phiêu diêu” nữa.
Đi? hay Ở?
Hai chữ nầy ám ảnh mãi nơi tôi trong suốt thời gian còn lại cho đến ngày 30/4 năm đó.
Hình ảnh Ba tôi lẩn quẩn trong đầu. Hình ảnh một ông giáo già đã về hưu từ lâu, căm cụi viết thư cho con mình đi du học mỗi buổi sáng thứ năm trong tuần, để rồi, sang sáng thứ bảy đem thư ra Bưu diện gữi đi cho kịp chuyến máy bay Air France bay về Pháp, để cho con mình nhận được thư đúng ngày thứ hai. Việc nầy xảy ra đúng như in, không hề sai sót suốt hơn hai năm trời sau khi tôi du học bên Pháp cho đến khi Ba tôi mất. Ba tôi mất ngày chủ nhựt và thứ hai sau đó tôi vẫn nhận được thư ba viết trước khi nhận được điện tín của anh tôi.
Còn Má tôi. Một người mẹ già gặp lại và sống với con chưa đầy hai năm…Mà cũng chính trong thời gian nầy, tôi luôn bận bịu với những “đam mê” cho cuộc sống, chuẩn bị cho con đường “công danh” của mình… thì làm sao tôi có thì giờ chăm sóc hay hỏi han đến mẹ già. Và mỗi khi nhìn lại mình, chính tôi cũng phải tự thú rằng mình cũng không có thì giờ để nghĩ đến mẹ mình nữa trong thời gian nầy. Tôi thật có lỗi với má tôi nhiều và nỗi ân hận vẫn còn ray rứt mãi trong tôi. Và giờ đây, khi viết những dòng chữ nầy, tôi chỉ còn biết mỗi đêm nhìn ảnh mẹ để sám hối.
Trở lại thời gian giữa tháng 4 năm xưa. Tâm trí tôi luôn bị ray rứt với tâm trang nửa Ở nửa Đi.
Đi không đành cũng vì mẹ già đơn côi.
Đi không đành cũng vì bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ níu kéo lại để làm một “cái gì” cho quê hương.
Và đi cũng không đành vì một suy nghĩ non dại (mà chắc cũng có nhiểu người suy nghĩ như tôi), đó là “Mình có thể đối thoại với người cộng sản, vì trước khi họ là cộng sản, họ cũng là người Việt Nam với đầy đủ dân tộc tính; vì vậy mình có thể hợp tác được”.
Khi đã biết sai lầm thì đã muộn, tôi phải trả cái giá gần 8 năm trong nhà tù lớn Việt Nam dưới chế độ nầy. Biết là sai lầm trong giai đoạn đó, nhưng tôi không bao giờ hối hận vì quyết định trên. Vì sao? Vì chính cái sai lầm oan nghiệt nầy đã làm cho tôi hiểu được người cộng sản Bắc Kỳ như thế nào…và chính điều sau nầy làm cho tôi dứt khoát hơn là chúng ta, những người con Việt hiền hòa không thể nào sống chung với những người luôn mang não trạng chuyên chính vô sản và không có tình người.
Cái sai lầm nầy cũng giống như cái sai lầm của người thầy giáo Tạ Ký khi đi học tập về cùng ngồi uống rượu với Gs Tôn Thất Trung Nghĩa và tôi tại Chợ Đuổi nằm tại góc đường Lê Văn Duyệt và Trần Quý Cáp năm 1981 như sau:“Hai mươi năm mới biết chuyện xưa lầm. Thì tuổi trẻ đã biến thành uất hận!”
Chiều thứ hai 28/4, khi một tên phi công (tôi không muốn nhắc tới tên nầy lên đây, vì làm sao tôi quên được tên những kẻ phản bội quê hương) dội bom dinh Độc Lập, và từ đó lịnh giới nghiêm 24/24 được ban hành. Tôi liền chạy lên nhà một người bạn vong niên trên cư xá giáo chức ở đường Tự Đức.
Tôi đã chứng kiến được gì và đã học được gì?
Xin ghi lại vài dòng để chiêm nghiệm nỗi đau thương, nhục nhằn của những đứa con Việt trước cảnh quốc phá gia vong. Đó là:
- Hình ảnh một Trung tá TQLC chạy từ Đà Nẵng về nhà người anh cũng ở cùng cư xá, hình ảnh giọt nước mắt lưng tròng khi anh cổi chiếc áo trận và cắt từng nút áo cũng như hai bông mai bạc trên cầu vai. Anh nói với người anh qua giọt nước mắt và trong từng tiếng nấc “Anh xem như em đã chết ngày hôm nay”.
- Hình ảnh từng đoàn trực thăng Mỹ chiếu đèn sáng rọi vào mặt chúng tôi trên sân thượng của cư xá trong lúc tháo chạy và chở người đi ra hạm đội.
- Hình ảnh những người lính tôi không còn nhớ Dù hay Thủy Quân Lục Chiến tiếp tục chiến đấu ở cầu Phan Thanh Giản trên con đường đi ra Ngã tư Hàng Xanh. Tiếng súng bắt đầu ngay sau khi tướng Minh tuyên bố đầu hàng lúc 10 giờ 37 phút sáng 30/4. Và tiếng súng chỉ im lặng lúc xế trưa, có nghĩa là tất cả anh em binh sĩ đã chiến đấu cho đến quả lựu đạn cuối cùng.
Chuyện ĐI và Ở đã được tôi quyết định ở khúc quành định mệnh nầy, không khác chi khúc quành của nhân vật Thiệu “phải” rời bỏ khúc quành của con sông Đuống đầy kỷ niệm tuổi thơ với Yến, người bạn thời trẻ thơ mà sau nầy trở thành…người tình muôn thuở cho đến cuối đời, để di cư vào Nam tìm tự do. (trong quyển tiểu thuyết “Dòng sông định mệnh” của nhà văn Doãn Quốc Sĩ).
Qua ngày thứ năm 1/5, lệnh trên radio yêu cầu (bắt buộc thì đúng hơn) mọi công chức phải đến trình diện tại trụ sở làm việc của mình. Sáng đó, tại cư xá có mặt Ông Khoa trưởng, Ông Phó Khoa trưởng và một số giáo sư, tôi và một giảng nghiệm viên tình nguyện vào Trường Sư phạm xem tình hình.
Mọi sự có vẻ êm xuôi vì “họ” chưa có người vào tiếp quản, ngoài một số “cơ sở” địa phương thôi. Nhưng một hình ảnh khác làm bẽ bàng và làm đão lộn những suy nghĩ tốt đẹp trong tôi khi nhìn thấy một số đồng nghiệp của mình mới chỉ vừa cách đây một ngày, nay đã mang “băng đỏ cách mạng” từ cung cách hướng dẫn chỗ để xe, cho tới thái độ trong lúc nói chuyện. Đáng phỉ nhổ nhứt là những người nầy ngày nào thưa anh, xưng em với tôi, mà nay trở mặt dương dương tự đắc tự xưng tôi, tôi, anh, anh một cách trơ trẻn.
Có những chị giáo sư thước tha, dịu hiền trong khi lên lớp mà nay ngoài băng đỏ, thậm chí còn để lá cờ vàng ba sọc đỏ dưới chân bàn đạp ga xe nữa. Và hơn nữa, có giáo sư trong suốt thời gian chưa đầy hai năm ngắn ngũi của tôi, đã xem tôi như “thần tượng” mặc dù biết tôi đã lập gia đình rồi, thường xuyên đi ăn uống chung; thậm chí đã dám cùng tôi “nhậu thịt chó” nữa…Người đó bây giờ là một “công thần” của chế độ.
Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt I ngày 22/9/1975, đổi 1đ tiền “chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam” tức tiền “ngân hàng Việt Nam” lấy 500 đ tiền Việt Nam Cộng Hòa hay “tiền Ngân hàng Quốc gia Việt Nam”. Người dân chỉ đổi được mỗi gia đình 100.000 đ mà thôi.
Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt II ngày 3/5/1978, đổi 1 đ “tiền thống nhứt XHCN” tức tiền “ngân hàng nhà nước” lấy 1 đ tiền “ngân hàng Việt Nam” và mỗi gia đình chỉ được đổi 100 đ mà thôi.
Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt III ngày 14/9/1985, đổi 1 đ tiền ngân hàng nhà nước cũ lấy 1đ tiền ngân hàng nhà nước mới (tiền thống nhứt Bắc Nam).
Làm sao tôi quên đượt lần đánh tư sản đợt I ngày 11/9/1975, cướp của và tịch thu nhà những người được cho là tư sản cùng bắt đi vùng kinh tế mới. Chiến địch nầy gọi là X1.
Làm sao tôi quên được lần đánh tư sản đợt II, tức chiến dịch X2, từ tháng 3/1978 tới cuối năm 1990 nhắm vào tư sản tiểu thương, những nhà tiểu thủ công nghệ, ước tính trên 14.000 gia đình tại Sài Gòn.
Làm sao tôi quên được lần đánh tư sản đợt III tức chiến dịch X3, song hành với chiến dịch X2 tại Sài Gòn nhằm mục đích trục xuất người củ ra khỏi nời ở và điền khuyết vào bằng gia đình cán bộ ngoài Bắc vào. Đây là một âm mưu thâm độc nhằm “Bắc kỳ hóa” thành phố Sài Gòn. Tính đến tháng 9/1989, ước tính có đến 950.000 người bị đuổi khỏi Sài Gòn, và có khoảng 150.000 gia đình cán bộ Bắc kỳ được điền khuyết vào.
Làm sao tôi quên được những đợt học tập cải tạo, đáng kể nhứt là đợt cuối cùng vào tháng 6/1975, kêu gọi công quân cán chính tập trung mang theo lương thực cho một tháng…để rồi tất cả bị lường gạt và phải chịu lao động khổ sai từ một hai năm cho đến hơn 17 năm đối với những cán bộ hành chánh và quân đội cao cấp của Việt Nam Cộng hòa….
Trên đây, xin diễn lại bức tranh vân cẩu chập chùng những ý nghĩ lộn xộn trong những ngày quốc phá gia vong. Xin chia xẻ cùng bà con.
Đây không phải là lời tự thú hay than thở, hay nói về mình.
Nơi đây tôi chỉ muốn nói lên vài điều suy nghĩ của một người con Việt mà thôi.
Đó là:
- Truyết, mầy đừng bao giờ mơ tưởng những người Việt cộng sản Bắc kỳ là người Việt Nam.
Và để thoát khỏi ý nghĩ tiêu cực trong những ngày đau thương của Đất và Nước, tôi tự điều hướng cho chính mình cần phải hành xử trong tương lai như:
Đứng trước quá khứ, hãy ngả mũ. Đứng trước tương lai, hãy XẮN TAY ÁO (H.L.Mencken) và chúng ta phải tiếp tục giữ lửa Quê Hương trong lòng mãi mãi.
- Lời ca của cố nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang đã kéo tôi về với thực tại, bài “Không phải là lúc”, bắt đầu bằng “Không phải là lúc ta ngồi đặt vấn đề”, để rồi kết thúc bằng một quyết tâm dứt khoát “…Làm việc đi không lo khen chê, làm việc đi hãy say và mê, cứ bắt tay gan lỳ, chúng ta giải quyết. Mình chậm chân đi sau người ta, mà ngồi đây nghĩ lo viễn vông, thắc mắc ngại ngùng biết khi nào mới làm xong!”
Và cũng chính vì mang quyết tâm trên mà tôi vẫn “Không đặt vấn đề với anh em, nhưng chắc chắn đứa con Việt nầy dứt khoát đặt vấn đề những người đang tàn phá Đất và Nước của Ông Cha để lại.
Tôi ”đặt vấn đề” với người Cộng sản Bắc Kỳ, kẻ thù ở phương Bắc đang tiếp tay đóng vai trò “thái thú biết nói tiếng Việt” cho Trung Cộng thực thi “Đại Họa Mất Nước” để hoàn tất công cuộc Bắc thuộc lần thứ V.
Nhưng tôi cũng không quên dứt khoát đặt vấn đề với những kẻ cuối đời vẫn còn bon chen danh lợi, bất kể cố ý hay vô tình, bị rơi vào cái bẫy lợi danh của Cộng sản, cái bẫy của “cây gậy và củ cà rốt” với cây gậy đập trên đầu mà củ cà rốt vẫn không cho ăn, cái bẫy của Cộng sản muốn mượn tay người Quốc gia “bôi đen” người Quốc gia chống Cộng, cái bẫy “gây rối cộng đồng” do những tay ăn bã của cộng sản; những kẻ dễ đánh mất thân phận làm “người” của mình, bất kể đó là loại “người” gì; lắm khi đó là những con “ếch” muốn làm con “bò”, cho dầu “ếch” hay “bò”, “nhỏ” hay “lớn”, vẫn không phải là... “người”.
Xin ghi lại và góp phần vào những Ngày Buồn Tháng Tư của những người con đất Việt./
Mai Thanh Truyết