VĂN HÓA ONLINE – HOÀNG SA TRƯỜNG SA - THỨ BA 09 MAR 2021
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)
Nên có Đại biểu Quốc hội cho đơn vị Hoàng Sa, tại sao không? Còn Trường Sa? (*)
03/03/2021
Việc có đại biểu Quốc hội cho Hoàng Sa được xem là một nhu cầu chính đáng, mang lại nhiều lợi ích và đáp ứng mong mỏi của người dân.
Một luật sư vừa đề xuất ý tưởng nên có một đại biểu Quốc hội đại diện cho Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng trên thực tế do Trung Quốc kiểm soát, giữa bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị bầu lại cơ quan lập pháp với 500 ghế cho nhiệm kỳ 2021 – 2026.
“Việc có đại biểu của Hoàng Sa trong Quốc hội có nhiều lợi ích cả trên phương diện pháp lý lẫn chính trị”, Luật sư Đặng Đình Mạnh, người đề xuất ý tưởng, nói với VOA.
Lợi ích pháp lý, chính trị
“Về phương diện pháp lý, Việt Nam trước nay vẫn coi Hoàng Sa là của mình. Việc bị chiếm giữ không thể làm gián đoạn chủ quyền của Việt Nam được. Vì vậy tôi nghĩ, cần phải có đại biểu Quốc hội là đại diện cho Hoàng Sa”.
Theo LS. Đặng Đình Mạnh, việc có đại biểu Quốc hội cho Hoàng Sa, vừa là nhu cầu “chính đáng” vừa “đáp ứng mong mỏi của người dân”. Thực hiện ý tưởng này cũng sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam trong việc khẳng định chủ quyền theo công pháp quốc tế.
“Tuy trên thực tế chúng ta không có sự quản lý đối với khu vực đó nhưng chúng ta vẫn hành xử thì điều đó mang giá trị rằng chúng ta không từ bỏ chủ quyền của chúng ta đối với khu vực đó. Đây là nguyên tắc của công pháp quốc tế”, LS. Mạnh nói thêm.
Về mặt chính trị, việc có đại biểu QH của Hoàng Sa, “cho dù chỉ là hình thức”, cũng “thể hiện ý chí không từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa” của Việt Nam, vẫn theo LS. Đặng Đình Mạnh.
“Thật ra dân mình không còn ai ở đó nữa, nhưng việc mình thực hiện những động tác, hành vi mang ý nghĩa rằng Hoàng Sa vẫn thuộc về Việt Nam thì điều đó rất có ý nghĩa về phương diện chính trị và pháp lý, tức là chúng ta không có ý định thoái bỏ quyền lợi, quyền sở hữu của chúng ta đối với khu vực đó”, LS. Mạnh nói.
Cần linh hoạt
Trung Quốc giành quyền kiểm soát Hoàng Sa kể từ năm 1974, sau khi đánh bại hải quân của Việt Nam Cộng Hoà. Bất chấp tình trạng tranh chấp chủ quyền và những phản đối từ Hà Nội, Bắc Kinh đến nay đã thành lập nhiều khu vực hành chính và có các chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp, người dân Trung Quốc đến Hoàng Sa sinh sống, đầu tư và lập nghiệp.
Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng bắt đầu có nhiều động thái nhằm khẳng định chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa, từ việc đưa các khu vực này vào bản đồ, chỉnh sửa sách giáo khoa, đưa các khu vực này vào bản tin dự báo thời tiết trên truyền hình… cho đến các chính sách khuyến khích ngư dân “bám biển”, đánh bắt cá trong các khu vực tranh chấp.
Vì vậy, theo nhận định của LS. Đặng Đình Mạnh, việc có một đại biểu Quốc hội đại diện cho khu vực này sẽ không ảnh hưởng nhiều lắm đến mối quan hệ Việt – Trung, vốn lâu nay vẫn luôn tồn tại một sự nghi ngờ nhất định cho dù hai bên vẫn cam kết tuân theo “Phương châm 16 chữ vàng” làm láng giềng tốt của nhau.
“Tuy rằng Việt Nam vẫn có sự nhún nhường về chủ quyền, tránh gây căng thẳng, phức tạp, nhưng trong chừng mực nào đó vẫn tạo điều kiện cho ngư dân bám biển để thể hiện chủ quyền. Điều này đương nhiên vẫn gây cho hai bên sự nghi ngờ nhau về việc hành xử quyền lực của mình trên biển”, LS. Mạnh nói.
Tuy nhiên, theo LS. Đặng Đình Mạnh, việc thực hiện ý tưởng “Đại biểu QH của Hoàng Sa” sẽ gặp khó khăn theo luật bầu cử Quốc hội hiện hành của Việt Nam.
“Vì lẽ, chúng ta đang bị mất quyền quản lý Hoàng Sa và cũng không có dân cư ở Hoàng Sa để tổ chức bầu cử. Do đó, cần phải có sự linh động hoặc có quy định đặc cách để thực hiện”, LS. Mạnh đề nghị.
Ngày 3/3, ông Hầu A Lềnh - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông tin với báo chí rằng cho đến nay, 63 tỉnh, thành đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, giới thiệu 1.076 người ứng cử cho 500 ghế đại biểu Quốc hội khóa XV.
Trong đó, dự kiến sẽ có 95 Ủy viên Trung ương Đảng tham gia Quốc hội, còn số đại biểu là người ngoài đảng sẽ được cơ cấu từ 25-50 người. Số lượng đại biểu ở các cơ quan Trung ương là 207 người, chiếm 41,4% tổng số đại biểu Quốc hội, và số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương là 293 người (chiếm 58,6%).
(*) Tít của VHO