Trung Quốc đã mở rộng Gạc Ma tới 100.000m2
(Dân
trí) - Hình ảnh vệ tinh do cơ quan Quốc phòng và Không gian Airbus đưa ra đã
cho thấy có sự tiến triển nhanh chóng và thay đổi lớn trong hoạt động xây dựng
của Trung Quốc trên Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã mở rộng Gạ Ma ra rất nhiều so với trước đây.
Cho tới đầu năm 2014, cấu trúc nhân tạo duy nhất trên bãi đá ngầm Gạc Ma mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1988 là một sàn bê tông nhỏ, trên đó có một cơ sở liên lạc, tòa nhà của đơn vị đồn trú và một cầu cảng. Sàn bê tông này hiện được bao quanh bởi một hòn đảo rộng xấp xỉ 400m (ở hai điểm cách xa nhau nhất) và có diện tích khoảng 100.000m2.
Công nhân đã xây dựng một bức tường kiên cố quanh toàn bộ hòn đảo. Ngoài ra còn có 2 bến tàu lưu động và một cầu cảng ở phía sườn tây bắc của Gạc Ma, các phần móng có thể để xây một tòa nhà lớn ở phía sườn tây nam, trong khi cũng có thể thấy các máy khử muối, khu trộn bê tông và một kho nhiên liệu.
Bãi Gạc Ma không chỉ là địa điểm xây dựng duy nhất của Trung Quốc ở Trường Sa. Hình ảnh đề ngày 13/9 và được các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc công bố cũng cho thấy hoạt động xây dựng tượng tự ở bãi đá Châu Viên, với các máy khử muối, cần trục, máy khoan cùng với các đống vật liệu xây dựng.
Dữ liệu theo dõi tàu AISLive được tạp chí quân sự HIS Jane’s đăng tải hồi tháng 6/2014 cho thấy tàu nạo vét Ting Jing Hao, tàu chịu trách nhiệm cho gần như toàn bộ hoạt động nạo vét, bồi đắp đất của Trung Quốc ở Trường Sa, đã tới đá Châu Viên 3 lần kể từ tháng 9/2013 và lần gần đây nhất là từ 10/4-22/5/2014.
Ting Jing Hao cũng chịu trách nhiệm cho hoạt động nạo vét ở Gạc Ma và đã tới bãi Ga Ven, nằm ở trung tâm Trường Sa và gần với đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm giữ.
Hình ảnh do chính phủ Philippines công bố hồi tháng 8 vừa qua cũng cho thấy hoạt động bồi đắp đất ồ ạt của Trung Quốc ở bãi Gạc Ma, một trong những bãi thuộc cụm Sinh Tồn thuộc Trường Sa.
Theo tạp chí Jane’s, từ tất cả những hoạt động được nêu trên, Trung Quốc đang xây dựng các đảo quanh các cơ sở bê tông mà họ đã xây dựng trong những năm 1980 và 1990. Chương trình mở rộng hoạt động bồi đắp đất ở Trường Sa này của Trung Quốc đã phớt lờ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông, tuyên bố không có tính ràng buộc được ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002.
Và hoạt động của Bắc Kinh trên Trường Sa suốt 12 tháng qua là thách thức đối với hiện trạng khu vực, bởi họ đã tạo ra những khu đất rộng lớn có khả năng để xây các căn cứ quân sự rất gần với lãnh thổ của các nước khác.
Jane’s nhận định: “Lịch sử xung đột ở Biển Đông cho thấy những căn cứ như vậy có thể được dùng làm điểm xuất kích để tấn công vào các thực thể gần đó, mặc dù cho tới nay Trung Quốc thích khẳng định tuyên bố chủ quyền trong khu vực bằng các tàu bán quân sự và bằng cách phong tỏa hơn.”
Trung Anh
Xây dựng đảo Gạc Ma: Trung Quốc đang mưu tính điều gì?
Dân trí) - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng – Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh khẳng định, hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, là nhằm mục tiêu quân sự, đặt nền móng để nước này thực hiện hóa “Giấc mơ Trung Hoa”.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (Nguyên Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng): "Mục đích chính của Trung Quốc vẫn là nhằm mục đích quân sự"
Trung Quốc đang có những hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo nhằm làm thay đổi hiện trạng khu vực bãi Gạc Ma và một số khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông đánh giá, bình luận như thế nào về những động thái mới này từ phía Trung Quốc?
Bãi đá Gạc Ma thực chất là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là một rạn đá màu nâu, được bao quanh bởi vành đai san hô trắng. Chỉ có vài hòn đá nổi lên trên mặt biển, còn đa phần đảo Gạc Ma chìm dưới nước. Bãi đá Gạc Ma này nằm cách đá Cô Lin hơn 3km về phía đông nam và đánh dấu đầu mút phía Tây Nam của cụm Sinh tồn. Năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực để đánh chiếm trái phép Gạc Ma của Việt Nam.
Việc Trung Quốc tuyên bố có ý định cải tạo bãi đá ngầm này để phục vụ đời sống nhân dân là vô lý vì đây là những đảo mới, đang xây dựng thì không thể có các hoạt động dân sự. Theo các ảnh vệ tinh chụp được, cho thấy việc xây dựng trên các bãi đá này rất quy mô bao gồm các hoạt động hút cát, đắp đá và hiện nay cũng đã hình thành một đảo nổi. Theo tôi, mục đích chính của Trung Quốc vẫn là nhằm mục đích quân sự.
Điều này nằm trong chiến lược lâu dài là tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc. Thứ 2, đặt nền móng cho các bước đi tiếp theo, cực kỳ nguy hiểm là hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa” và yêu sách đường lưỡi bò như nước này vẫn thường rêu rao.
Theo ông, tại sao Trung Quốc lại lựa chọn bãi Gạc Ma để xây dựng đảo nổi và điều này sẽ gây ra những mối đe dọa nào?
Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) quy định các nước không thể đòi chủ quyền các bãi đá ngầm và “bãi đá không duy trì sự định cư của con người hay không có đời sống kinh tế sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”. Điểm này rất đáng lưu ý khi Trung Quốc tiến hành động thái mới tại Biển Đông, họ muốn tạo căn cứ, có người dân sinh sống để tuyên bố chủ quyền.
“Có thể Trung Quốc sẽ còn những hành động phiêu lưu hơn nữa”
Mặt khác, vị trí của Gạc Ma thì ai cũng biết đó là một vị trí rất quan trọng đối với quốc phòng, quân sự. Nếu một căn cứ quân sự được xây dựng tại đây sẽ khống chế toàn bộ mọi hoạt động quân sự trong toàn khu vực đảo Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt nó cũng ẩn chứa mối đại họa, đe dọa hòa bình và an ninh không chỉ ở biển Đông mà toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Phải nhấn mạnh rằng, các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng các đảo ở Biển Đông là liều lĩnh, trắng trợn đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển đông (DOC).
Nhiều người cho rằng Gạc Ma có vị trí chiến lược, góp phần quyết định thành bại “giấc mơ Trung Hoa” trên Biển Đông. Chính vì thế, để thực hiện được tham vọng của mình, Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm mọi cách để thực hiện việc xây dựng trái phép, bất chấp sự phản đối của dư luận thế giới, thưa ông?
Đúng. Chúng ta phải nên nhớ rằng, tham vọng của Trung Quốc đã có từ lâu rồi. Trung Quốc cố tình cải tạo các đảo ngầm để từ đó họ thực hiện các yêu sách đường lưỡi bò của mình, dù yêu sách này không nằm trong bất cứ nguyên tắc, luật lệ nào.
Đây là âm mưu, tính toán lâu dài của Trung Quốc, và chắc chắn nước này sẽ tìm mọi cách để thực hiện hóa điều này. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng để chứng minh chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Vì vậy, hiện nay Việt Nam cần kiên trì, liên tục đấu tranh để bảo về quyền lợi của đất nước.
TS Trần Công Trục (nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ): "Xây dựng đảo Gạc Ma chính là mục tiêu chiến lược của Trung Quốc"/
Thứ nhất cần phải nhấn mạnh rằng các hành động của Trung Quốc trên các bãi đá Gạc Ma mà dư luận quốc tế lên tiếng trong thời gian gần đây không phải là những hành động gây hấn mới của Trung Quốc mà nó đã có từ lâu và nằm trong chuỗi tính toán của nước này. Trước đây, năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng 6 vị trí gồm các bãi cạn, bãi đá của phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa, ngay sau đó nước này liên tục triển khai các hoạt động, chiến dịch biến các đảo chìm thành các đảo nổi, biến khu vực này thành một nhịp cầu mới, xa về phía Nam để chuẩn bị một hoạt động mạnh mẽ hơn là biến yêu sách “đường lưỡi bò” thành hiện thực.
Vị trí này rất hiểm yếu, nó gần bờ biển và thềm lục địa Việt Nam, gần nơi Việt Nam khai thác dầu khí và tiến hành các hoạt động kinh tế của mình. Việc Trung Quốc muốn xây dựng các “đảo nổi” nhân tạo nhằm mục tiêu pháp lý là muốn mở rộng vùng biển để tạo thành chồng lấn, biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp. Đặc biệt, Trung Quốc muốn mở rộng tất cả các thực thể trong quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa ra tới những vị trí xa nhất, thậm chí có những bãi cạn không nằm trong phạm vi quần đảo đó, Trung Quốc vẫn muốn xây dựng để sử dụng vạch đường cơ sở bao bọc toàn bộ theo tiêu chuẩn quốc gia quần đảo. Chính vì thế, nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ khống chế toàn bộ hàng hải đi qua khu vực này.
Giới chuyên gia quân sự quốc tế lo ngại rằng Gạc Ma được xây dựng là nằm trong dự án của Trung Quốc biến đảo Gạc Ma thành một tiền đồn không quân trên biển Đông. Trung Quốc có thể dùng quần đảo này làm căn cứ cho các hoạt động bán quân sự như áp dụng lệnh đánh bắt do họ đơn phương áp đặt hoặc cấm các tàu thuyền nước ngoài vào khu vực. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Mục đích của Trung Quốc là muốn xây dựng đường bay, xác lập các căn cứ quân sự và sử dụng nơi đây như một nhịp cầu khống chế toàn bộ phía Nam, trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc phòng của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Trước đây, Trung Quốc đã từng tiến hành hàng loạt các hành động gây hấn như hạ đặt trái phép gian khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và giờ họ xúc tiến việc xây dựng trên đảo Gạc Ma. Các hành động này có liên quan chặt chẽ với nhau nhưng theo tôi, việc cải tạo, xây dựng trên đảo Gạc Ma của Trung Quốc mới là mục tiêu chính, trọng tâm nằm trong chiến lược “độc chiếm Biển Đông” của nước này. Điều này ẩn chứa những mối đại họa rất nguy hiểm. Vị trí của Gạc Ma thì ai cũng biết đó là một vị trí rất quan trọng đối với quốc phòng, quân sự. Nếu có một căn cứ quân sự được xây dựng trên đảo Gạc Ma nó sẽ khống chế toàn bộ mọi hoạt động quân sự trong toàn khu vực Trường Sa của Việt Nam.
Theo ông, những ý đồ, âm mưu của Trung Quốc liệu có dễ dàng để hiện thực hóa? Việt Nam và dư luận thế giới cần phải làm gì để đối phó với những âm mưu này thưa ông?
Tôi cho rằng, lịch sử đã chứng minh rất nhiều yêu sách, tham vọng vô lý đi ngược lại với ý chí, nguyện vọng và luật pháp quốc tế thì trước sau nó cũng không thể nào thực hiện và chắc chắn là phải gánh chịu thất bại nhục nhã. Chúng ta hiểu rằng, sự quyết tâm, đoàn kết của các quốc gia, đồng tình ủng hộ của chân lý, lẽ phải mới là sức mạnh vô địch, có thể chiến thắng bất cứ âm mưu nào muốn chà đạp lên công lý. Cho dù trước mắt, việc đấu tranh đòi công lý có thể khó khăn nhưng về lâu dài những hành động phi pháp sẽ không thể tồn tại.
Từ trước đến nay, Việt Nam luôn cố gắng giữ vững tình hình ổn định và không để cho tình hình phức tạp thêm. Chúng ta phản đối những hành động phi pháp của Trung Quốc và không chấp nhận những hành động gây hấn của nước này.
Hiện nay dựa trên lẽ phải quốc tế, chúng ta đã có những biện pháp đấu tranh hợp lý, song tôi cho rằng với Trung Quốc chúng ta phải có những đấu tranh liên tục. Đồng thời, chúng ta cần kêu gọi sự ủng hộ của dư luận quốc tế, của các nước trong khu vực có chung lợi ích. Những gì thuộc về chủ quyền Việt Nam đã quá rõ ràng và không thể thay đổi.
Hà Trang
+++++++++++++++++++++++
(06/23/2014 12:11 AM) (Xem: 319)
Phỏng vấn cựu Đại tá Vũ Hữu Lễ, Thuyền trưởng tàu 505 dự trận Gạcma 1988
Nhà báo Lý Kiến Trúc đang phỏng vấn Đại tá Vũ Hữu Lễ trên Vận tải hạm HQ-571 Trường
Sa. Ảnh Văn Hóa Magazine
Vận tải hạm HQ-571 Trường Sa.
Cầu nguyện Mẹ Biển Đông trước khi ra khơi hải hành chuyến “Hải trình 3”. Ảnh Văn Hóa Magazine.
Lời Tòa Soạn:
Trong một buổi “giao lưu văn hóa văn nghệ” trên boong chiến hạm HQ 571, chúng tôi thấy hai người ngồi bên cạnh ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn. Hình ảnh hấp dẫn đến nỗi các phóng viên ‘nhào” tới chụp lia lịa. Hóa ra sau khi nghe lời giới thiệu mới biết hai người đó là bà quả phụ Ngụy Văn Thà và Đại tá Vũ Hữu Lễ, Thuyền trưởng tàu 505, con tàu đã cấp cứu tàu 604 đang bị chiến hạm Trung cộng bắn giết ở khu vực đảo Gạcma. Tàu 604 chỉ huy bởi Thuyền trưởng Vũ Huy Trừ bị bắn chìm, còn tàu 505 của Đại tá Vũ Huy Lễ bị bắn trọng thương nhưng vẫn cố ‘lết” đâm vào bãi đá Côlin và bám trụ tại đó.
Ngồi từ trái: Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn (áo pull sọc trắng đỏ), bà quả phụ Ngụy Văn Thà, cựu Đại tá Vũ Hữu Lễ. Ảnh Văn Hóa Magazine.
LKT: Hôm nay là ngày 19-4, chúng tôi
là đại diện cho tờ VanhoaMagazine tại California có dịp được phỏng vấn 1 sĩ
quan cao cấp của Hải quân Việt Nam. Ngồi trên chiếc tàu Trường Sa 571 đang trên
đường đi ra thăm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, rất may mắn được gặp vị
sĩ quan này. Đó là ông Vũ Huy Lễ, Hải quân Đại tá của Quân chủng
Hải quân Việt Nam. Ông là một nhân vật lịch sử trong trận Gạcma năm 1988, ông
là một nhân chứng cao nhất trong trận chiến Gạcma. Xin kính chào đại tá.
- VŨ HUY LỄ: Vâng, xin chào ông.
- LKT: Thưa ông, xin ông có thể nói cho đọc giả của chúng tôi tại Mỹ sơ lược
vài tiểu sử về quá trình hoạt động của ông trong hải quân hay không ?
- VHL: Vâng, tôi cũng sẵn sàng nếu như các anh có đề nghị, tôi tên là Vũ Huy
Lễ, đã học xong ở trường phổ thông, tức là học cấp 3, cái đấy là học cấp 3,
10/10 ấy, học xong phổ thông thì tôi vào đại học. Khi vào trường đại học được 9
tháng tức là học dự khóa thì diễn ra cái sự kiện năm 64, mùng 5-8 năm 64. Sự
kiện đó thì chắc là ông cũng đã biết, tức là ngày mùng 5-8 năm 1964 ở Vịnh Bắc
Bộ, gọi là sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Ma-đốc, sau đó rồi thì Mỹ cũng thường cho máy
bay đến bắn phá miền Bắc; vào những ngày đó chúng tôi học thì đúng là ngồi học
không yên vì cứ thỉnh thoảng một ngày 2-3 lần máy bay của Mỹ thường đến bắn phá
Hải Phòng và miền Bắc.
- LKT: Xin lỗi, tạm thời ngắt lời đại tá.
- VHL: Vâng!
- LKT: Ông có cho rằng cái sự kiện Maddox năm 64 đó là sự kiện dàn dựng của
Mỹ hay là sự kiện ..., không phải là một sự kiện thật?
- VHL: Thực tế thì thời đó thì tôi cũng là một sinh viên cho nên là am hiểu về
cái việc này thì nó cũng chưa thật là sâu sắc lắm , thế nhưng đây là một cái sự
việc thật mà Mỹ đã cho tàu đến để gây ra cái sự kiện Vịnh Bắc Bộ.
- LKT: Thưa ông ngoài sự kiện đó ra thì ấn tượng nào lớn nhất trong cuộc đời
hải quân của ông đối với bờ biển VN?
- VHL: Tôi thì tính đến nay là 34 năm trong quân đội, phục vụ trong quân chủng
hải quân, trong quá trình phục vụ trong quân chủng hải quân, tôi cũng được làm
thuyền trưởng của nhiều loại tàu của quân chủng hải quân. Nhưng mà những kỷ
niệm sâu sắc nhất trong tôi mà chúng tôi không thể quên được đó là năm 1988 vào
ngày 14-3 năm 1988, khi tàu tôi đang neo đậu và hoạt động bình thường ở trên
đảo Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa. Thì sáng sớm hôm ấy “nước ngoài” cho tàu
chiến đến bắn phá chúng tôi, đánh chúng tôi, trong quá trình đánh phá như vậy
thì bên đảo Gạc Ma, tức là 2 cái đảo của chúng tôi gần nhau, tôi thì ở khoảng
cách 4 hải lý, tàu tôi 505 được lệnh giữ đảo Cô Lin, còn tàu 604
thì được lệnh giữ đảo Gạc Ma, sáng hôm đó đối phương cho 2 tàu chiến đến bắn
phá tàu 604.
- LKT: Vâng thưa ông, xin được ngắt lời ông là bên nào nổ súng trước?
- VHL: Bên đối phương họ có súng lớn thì họ nổ súng trước, lúc đấy chúng tôi
nghe thấy ở bên đảo Gạc Ma có tiếng lục bục tiếng súng nổ, và nhìn nòng súng
của 2 tàu chiến đối phương lửa cứ lóe lên thì tôi hiểu là bên đấy là họ
đang bắn chúng tôi. Cho nên là chỉ 5-6 phút sau là tàu 604 của chúng tôi bị
chìm.
- LKT: Vâng, tàu 604 là tàu chiến hạm hay là tàu bình thường?
- VHL: Tàu 604 là tàu vận tải bình thường mà chúng tôi vẫn hoạt động ra ngoài
Trường Sa để thăm đảo, rồi đưa tiếp tế cho nhân dân, quân và dân trên đảo.
- LKT: Sau đó thì ra sao ?
- VHL: Sau đó thì khi tàu 604 bị chìm thì chúng tôi cũng bắt đầu nhổ neo và cơ
động để mà tránh đạn của đối phương. Khi mà 604 chìm thì đối phương quay nòng
súng sang bắn chúng tôi ngay (tàu 505), bắn cấp tập tất cả 2 pháo của 2 chiến
hạm của đối phương bắn cấp tập vào tàu tôi, và toàn bộ cái mạn bên phải của tàu
bị trúng đạn, đài chỉ huy trúng đạn, rồi phòng thuyền trưởng trúng đạn, phòng
báo vụ VTD cũng trúng đạn, anh em bị thương nhiều, tàu bốc cháy ngùn ngụt, cháy
rất dữ dội, thế rồi tất cả đạn 85 li, 100 li của đối phương bắn dưới vạch mức
nước, thủng nhiều, tàu tôi bị thủng nhiều.
- LKT: Lúc đó ông là hạm trưởng của tàu 604?
- VHL: Không, tôi là hạm trưởng tàu 505, tức là đối phương bắn chìm tàu 604
xong thì quay nòng súng sang bắn tàu 505 của chúng tôi
- LKT: Hạm trưởng của tàu 604 là ai?
- VHL: Tàu 604 là đồng chí Vũ Huy Trừ, lúc đó đã hy sinh.
- LKT: Hy sinh tại chỗ?
- VHL: Vâng, tàu chìm, chìm theo tàu, cho nên là anh em ở trên đấy bị trôi dạt
trên biển rất nhiều, chúng tôi phát hiện là nhìn qua bên đảo Gạc Ma là nhìn rõ
là thấy người lố nhố ở trên biển, rất nhiều, và tàu tôi bị đối phương bắn trúng
như vậy thì toàn bộ hệ thống điện của tàu bị mất cho nên không cơ động được,
lái thì phải sử dụng bằng điện, thế là bây giờ mất điện rồi nên lái không thể
điều khiển được, thế tôi mới lệnh cho anh em là phải xuống hầm lái để chuyển
lái điện sang lái cơ để mình có thể mình cơ động, lúc đó anh em mò mẫm mãi
không xuống được thì lại một quả pháo 85 li nó bắn trúng vào hầm lái mở ra được
một cái lỗ rộng khoảng gần 1 mét vuông, ánh sáng mặt trời chiếu vào hầm lái thì
anh em mới xuống được và chuyển từ lái điện sang lái cơ được, khi chuyển xong
rồi anh em báo cáo lên là đã chuyển sáng lái cơ xong thì sử dụng được, thì lúc
đó lại một quả pháo nữa lại bắn trúng vào trục lái của chúng tôi làm lái kẹt
cứng không tài nào điều khiển được nữa.
- LKT: Thế như vậy thì cách nào mà cứu được anh em bên tàu 604?
- VHL: Vâng để tôi kể tiếp, tức là khi đó máy chính của 2 tàu tôi cũng bị hỏng,
không nổ máy, bình nén khí bị trúng đạn nên xì hơi không điều khiển được máy
chính, thế mà lúc đó thì gió mùa đông bắc thổi, tàu càng bị trôi ra xa đảo, ra
xa đảo hơn cây số, mà ở đấy có độ sâu khoảng độ 1000 m, độ sâu rất sâu như thế,
thế nên tôi nghĩ rằng nếu như mà là tàu chìm ở đây, tức là nước nó đã vào rồi
đấy, dầu trôi ra lênh láng rồi, tàu bị nghiêng rồi, thế là khả năng tàu sẽ bị
chìm, cho nên tôi nghĩ là tàu chìm ở đây thì toàn bộ, toàn thể cán bộ chiến sĩ
ở trên tàu sẽ phải hy sinh hết, mà mình mất tàu, thế rồi mất đảo, không giữ
được đảo, cho nên là bằng mọi giá mình phải sửa chữa máy để đưa tàu lên bãi
cạn, xong rồi dùng súng bộ binh để mà đánh trả nếu như đối phương đưa quân lên
đảo hoặc là đưa quân lên chiếm, đánh tàu chúng tôi, cho nên phải dùng súng bộ
binh để đánh. Được anh em đồng ý anh em lao xuống các vị trí chiến đấu để chỉ
đạo, các đồng chí trong ban chỉ huy tàu xuống các vị trí chỉ đạo cho anh em sửa
chữa máy, rùi bịt vòi chống đấm, động viên bộ đội, động viên anh em để mà quyết
tâm ...
- LKT: Thế đại tá có nghĩ rằng tàu 505, 604 đã lọt vào ổ phục kích của Trung
Cộng hay không?
- VHL: Tôi thì tôi nghĩ rằng không phải là ổ phục kích bởi vì nhiệm vụ của
chúng tôi là đến đảo hoạt động bình thường, làm các hoạt động rất bình thường
vì đảo của chúng tôi cho nên chúng tôi hoạt động hoạt động rất bình thường. Đối
phương tự nhiên đến đánh tàu 604 xong lại đánh tàu của tôi thì cái đó thì chúng
tôi...
- LKT: Tức là 2 tàu vận tải 505-604 hoàn toàn không biết gì về chiến hạm của
Trung Cộng cả?
- VHL: Buổi chiều hôm trước là chúng tôi đã biết trước, khi chúng tôi thấy rằng
có cái hiện tượng có thể là ngày mai hoặc đêm nay là họ chiếm đảo của mình, cho
nên mình bằng mọi cách mình phải nêu cao tinh thần cảnh giác, quan sát thật là
chắc chắn, thế rồi đêm hôm ấy chúng tôi cho người lên cắm cờ trên bãi cạn đó để
giữ chủ quyền của mình, vì đây là đất của Việt Nam cho nên mình phải cắm cái cờ
Việt Nam lên đấy để giữ cái chủ quyền của mình ở trên đảo.
- LKT: Đứng về phương diện quân sự, đại tá cho rằng những khu vực đảo Gạc
Ma, Cô Lin thì khu vực đó quan trọng như thế nào đối với quần đảo Trường Sa?
- VHL: Thực ra thì về mặt quân sự thì nó một điểm mấu chốt để quan sát được mặt
biển, các hoạt động của các tàu đi trên mặt biển, cái thứ 2 về mặt kinh tế thì
ví dụ như là sau này mình xây dựng các cây đèn biển với các thứ thì mình cũng
có thể quan sát được các hoạt động của các tàu nước ngoài đi trong khu vực của mình.
- LKT: Như vậy có thể là một trong các yếu tố mà Trung Cộng họ tàn sát các
tàu 505-604 đó là có phải là do lý do về quân sự không ?
- VHL: Cái đó thì tôi cũng hiểu nó chưa thật là sâu sắc, thế nhưng tôi nghĩ
rằng cái chính của họ là muốn chiếm quần đảo Trường Sa của chúng tôi để họ làm
ví dụ như xây dựng kinh tế hoặc là quân sự, cái đó ý đồ của họ là họ muốn chiếm
các đảo.
- LKT: Ý đồ chiếm Gạc Ma và Cô Lin là những trận chiến đầu tiên để thực hiện
kế hoạch chiếm toàn bộ Trường Sa?
- VHL: Vâng Vâng ...
- LKT: Vậy tại sao họ không đánh chiếm nốt?
- VHL: Bởi vì là ngoài việc sử dụng các loại vũ khí mà họ muốn chiếm ấy mà thì
còn có cái sự thỏa thuận, rồi xây dựng cái mối hòa giải giữa nước mình
với nước bạn, để mà mình cố gắng làm sao để mà không xảy ra xung đột giữa 2
nước thì cái đó là cái cố gắng.
- LKT: Thì thưa đại tá tối hôm qua trong cái buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ
đại tá có nhớ là đại tá ngồi bên cạnh một người phụ nữ đó, đại tá có biết người
đó là ai không ?
- VHL: Tôi cũng chỉ biết đấy là quả phụ của một anh, một người ở chế độ cũ, đến
đây để tham gia văn hóa văn nghệ và đi thăm đảo Trường Sa của chúng ta.
- LKT Theo chúng tôi được biết thì bà quả phụ đó là vợ của cố Hải quân Trung
tá Ngụy Văn Thà, ông ta là hạm trưởng chiếc HQ10, ông đó là hạm trưởng chỉ huy
trận chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974, đại tá nghĩ thế nào về cái
trận chiến Hoàng Sa, nó có liên quan với trận chiến Gạc Ma năm 88 hay không ?
- VHL: Tôi thì tôi nghĩ rằng cái âm ưu độc chiếm biển Đông của đối phương là họ
rất là sâu sắc trong cái đầu óc của họ rồi, họ không nghĩ rằng là đất đó là của
Việt Nam mà chúng tôi thì khẳng định hằng bao nhiêu đời đây là cái đất Hoàng
Sa, Trường Sa là của Việt Nam mình, cho nên là không thể không phải như thế
được, cho nên khi mà nghe được cái lệnh đi bảo vệ quần đảo Trường Sa là chúng
tôi cũng rất là phấn khởi, rất là tin tưởng vào cái sự bảo vệ đó của nhà nước
mình.
- LKT: Đại tá nghĩ như thế nào về sự hy sinh của 74 chiến sĩ hải quân Việt
Nam Cộng Hòa tại trận Hoàng Sa?
- VHL: Tôi nghĩ rằng là anh em Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ Hoàng Sa cũng là bảo vệ
đất nước của mình, bảo vệ đất nước của Việt Nam mình, cho nên là dù có phải hy
sinh đến người cuối cùng nhưng mà mình giữ được cái đảo Hoàng Sa, cái quần đảo
Hoàng Sa hoặc là Trường Sa thì mình cũng vẫn phải tôn vinh họ lên trở thành
những người anh hùng những người giữ đảo giữ đất nước của Việt Nam mình, đấy
thì tôi cũng nghĩ như thế.
- LKT: Vâng, tối hôm qua cũng do sự bố trí của ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh
Sơn, đại tá đã ngồi gần vợ một người anh hùng của Việt Nam Cộng Hòa và đại tá
cũng là một anh hùng hải quân của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thì ông nghĩ thế
nào về sự bố trí do 2 người anh hùng đó của 2 miền gặp nhau trong tối hôm qua?
- VHL: Tôi thì tôi nghĩ rằng đây là cái sự hòa hợp, chúng ta luôn luôn mong
muốn sự hòa hợp thống nhất giữa, không thể nói là miền Nam riêng, miền Bắc
riêng được mà nó là sự hòa hợp giữa người dân tộc Việt Nam mình nói chung để
giữ mảnh đất thiêng liêng của mình, dù là nhỏ bé đến đâu đi chăng nữa, mình
cũng phải quyết tâm giữ cho bằng được, dù là anh ở chế độ nào đi chăng nữa, anh
đã thấm nhuần được cái đất nước của ta, cái mảnh đất đó là của Việt Nam thì
bằng mọi giá phải giữ, cho nên phải hy sinh, cả nước mình vẫn phải tôn vinh họ
là những người giữ đất nước, giữ đất, giữ nước của tổ quốc Việt Nam.
- LKT: Vâng cảm ơn đại tá câu hỏi cuối cùng là: thưa ông với cái lời lẻ của
ông rất là lịch sự đối với những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng mà chúng tôi
nhận thấy là trong một số báo chí và ngôn từ hiện nay ở trong nước vẫn còn dùng
những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa là chữ "Ngụy", ngụy quân ngụy quyền,
cái điều đó có làm ông cảm nhận có sự khác biệt nào không ?
- VHL: Theo tôi thì cách sử dụng các từ đấy thì có thể về phía tôi thì tôi nghĩ
rằng là mình cũng không sử dụng như thế nữa và từ nay trở đi ta nên sử dụng đó
là một người Việt Nam bảo vệ đất nước Việt Nam mình của cái thời trước, theo
tôi nghĩ thì như thế.
- LKT: Xin cảm ơn đại tá , thay mặt cho một cơ quan báo chí ở hải ngoại, ở
nước Mỹ, chúng tôi vô cũng hân hạnh được tiếp xúc với đại tá trong buổi hôm nay
và xin chúc đại tá sức khỏe dồi dào.
- VHL: Vâng, không có chi ạ./