Không chỉ là chuyện vũ khí...
05/10/2014 09:44 GMT+7
TT - Việc Washington dỡ bỏ từng phần lệnh bán vũ khí sát thương cho Hà Nội đã thu hút rất nhiều mối quan tâm trực tiếp.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (trái), chào đón đại tướng Martin Dempsey, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ - Ảnh: Lê Thanh. |
Ngoài việc chuyển giao các phương tiện quân sự và công nghệ, sự kiện này còn mang ý nghĩa biểu tượng đáng kể, phản ánh những biến đổi to lớn và ngày càng phức tạp trong nền chính trị toàn cầu.
Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương hiện nay đang rất thiếu thái bình. Sau những hành động trái phép của chính quyền Bắc Kinh, cái được gọi là “niềm tin chiến lược” đã bị thiệt hại nghiêm trọng, nếu không muốn nói là đã mất đi.
Cụ thể, trong một thời gian rất ngắn, hành vi của Trung Quốc đã dẫn đến việc nhiều nước trong khu vực phải mua sắm vũ khí.
Rõ ràng Việt Nam phải bảo vệ chủ quyền đất nước và song song đó cũng phải đấu tranh theo cách đa phương. Nhưng vào thời đại đặc biệt phức tạp này, Việt Nam nên thiết lập đối tác với ai, đặc biệt là những quốc gia có liên quan đến vấn đề biển Đông?
Dù chiến lược của Việt Nam là làm bạn với tất cả nhưng phải có những mối quan hệ dựa vào “niềm tin đáng tin cậy và bền vững”.
Việc Washington dỡ bỏ lệnh cấm báo hiệu một sự hợp tác quân sự sâu rộng hơn giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ lần này giữa các lãnh đạo hai bên vượt xa phạm vi hợp tác quân sự.
Giờ đây, Mỹ và Việt Nam đã cùng chia sẻ nhiều quan tâm đến lĩnh vực thương mại, đầu tư và giáo dục. Cả hai nước cũng rất lưu tâm đến nhu cầu chế ngự “chính sách đơn phương không bị ngăn cản” của Bắc Kinh - một cách nói ngoại giao được Phó thủ tướng Phạm Bình Minh mô tả gần đây.
Về phương diện quốc tế, cảnh quan mối quan hệ nồng ấm giữa Hà Nội và Washington thu hút rất nhiều sự chú ý. Mối quan hệ thân thiết giữa hai chính quyền chắc chắn sẽ giúp Việt Nam và Hoa Kỳ cùng hợp tác với các quốc gia khác - bao gồm Trung Quốc (nếu nước này đồng ý hợp tác) - nhằm xây dựng một khu vực an toàn, an ninh và thịnh vượng.
Những phân tích của tôi về Việt Nam cho thấy đứng giữa khoảng cách của Việt Nam hiện tại và một Việt Nam thịnh vượng hơn trong tương lai là một loạt quyết định chính trị quan trọng về phát triển thể chế. Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng kinh tế. Kinh tế Việt Nam có tiềm năng phát triển tốt hơn.
Người Việt đã nhìn thấy những cải thiện rất quan trọng trong đời sống, nhưng chỉ đạt được ở tốc độ thấp do sự bất bình đẳng giữa các nhóm thu nhập, và đang tiến triển rất chậm do các hạn chế khác nhau, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các cơ hội kinh tế.
Thật sự, Việt Nam sẽ hưởng lợi rất nhiều khi mối quan hệ với Mỹ đã trở nên tốt hơn. Quan trọng nhất là Việt Nam nên tiến đến mối quan hệ với Mỹ một cách cẩn trọng nhưng với tinh thần cởi mở để tiến đến một xã hội công bằng, văn minh mà người Việt Nam ở mọi thành phần đã nỗ lực tìm kiếm trong nhiều thế kỷ qua.
Mối quan hệ thân thiết hơn với Mỹ cùng các đất nước khác rất đáng được hoan nghênh, có thể giúp Việt Nam đối phó với những thách thức và đưa ra những quyết định khi cần.
GS JONATHAN LONDON
(thành viên Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại ĐH Thành thị Hong Kong)
QUỲNH TRUNG chuyển ngữ
+++++++++++++++++++++++
Mỹ sẽ triển khai tàu tuần tra tự động bảo vệ tàu chiến
05/10/2014 14:34 GMT+7
TTO - Ngày 5-10, hải quân Mỹ tuyên bố sớm triển khai các loại tàu tuần tra tự động không người lái bảo vệ tàu chiến di chuyển trong những vùng biển nhạy cảm.
Một đội tàu tuần tra của hải quân Mỹ - Ảnh: US Navy |
Theo AFP, Văn phòng Nghiên cứu hải quân cho biết công nghệ này từng được Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ứng dụng để triển khai robot tự hành trên sao Hỏa.
Hồi tháng 8, hải quân Mỹ đã thử nghiệm 13 tàu tuần tra tự động trên sông James ở Virginia.
Trong cuộc diễn tập đó, năm tàu tự động bảo vệ một tàu lớn và tám tàu tự động khác có nhiệm vụ giám sát một chiếc tàu khả nghi.
“Cuộc diễn tập mô phỏng việc di chuyển qua một eo biển - chuẩn đô đốc hải quân Matthew Klunder tiết lộ - Đó có thể là eo biển Malacca hoặc Hormuz”.
Ông Klunder nhấn mạnh đây là một bước đột phá công nghệ lớn của hải quân Mỹ. Theo kế hoạch của Washington, các tàu tự động sẽ bắt đầu tuần tra bảo vệ tàu chiến lớn trên các vùng biển thế giới trong vòng một năm nữa.
Với công nghệ mới, chỉ một thủy thủ cũng có thể điều khiển tới 20 chiếc tàu tuần tra tự động. Chuẩn đô đốc Klunder cho biết các tàu tuần tra tự động được trang bị súng máy 50 li.
Các tàu này có thể bắn vào tàu kẻ thù khi có lệnh. Nếu việc liên lạc và điều khiển tàu tuần tra bị trục trặc, các tàu này sẽ tự động chìm xuống dưới nước. Khác với máy bay không người lái, tàu tuần tra tự động của hải quân Mỹ có khả năng hoạt động độc lập, không cần người điều khiển thực hiện mọi thao tác.
Chuẩn đô đốc Klunder nhấn mạnh công nghệ tàu tuần tra tự động không hề tốn kém. “Giá của công nghệ này chỉ tính theo con số hàng nghìn USD chứ không phải là hàng triệu - ông Klunder cho biết - Chúng tôi sẽ triển khai chúng để bảo vệ tính mạng các thủy thủ, bảo vệ các con tàu và hải cảng”.
NGUYỆT PHƯƠNG