Hoàng đế Hàm Nghi, người Nghệ sĩ (*)

24 Tháng Chín 20237:32 SA(Xem: 1545)

VĂN HÓA ONLINE – VĂN HÓA – VĂN HỌC – CHỦ NHẬT 24 SEP 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Hoàng đế Hàm Nghi, người Nghệ sĩ (*)

image006

Những họa phẩm của vua Hàm Nghi được chào đón nồng nhiệt


image009Nguồn hình ảnh, Pham Cao Phong. Bức tranh đoạt mức giá cao nhất "Sous-bois au soleil couchant" 38.000 euro


  • Tác giả, Phạm Cao Phong
  • Vai trò, Gửi bài từ Paris cho BBC News Tiếng Việt
  • một giờ trước


Tôi bước vào phòng đấu giá Hôtel Drouot Paris để đo lòng nhiệt thành của giới sưu tầm nghệ thuật Đông Dương với tâm trạng ngổn ngang.


Nhà Lynda Trouvé hôm 22/9/2023 đã đấu giá 255 lô hàng liên quan đến chủ đề này. Đáng chú ý trong đó có 19 bức tranh của vua Hàm Nghi được vẽ vào những năm 1909-1911.


Tôi tạm gọi đây là "giai đoạn Vichy" trong tranh ông, như tên gọi giai đoạn mang tên "Marie-Thérèse Walter" tràn ngập cảm xúc lãng mạn của danh họa Pablo Picasso.


Đơn giản đây là một cách dùng từ của tôi, không có ẩn dụ gì đến tầm vóc nghệ thuật và quan hệ giữa hai người nghệ sĩ.


Tâm trạng xao xuyến và tò mò vì tôi muốn biết về sự quan tâm của cộng đồng hải ngoại và người Việt trong nước thật sự ra sao với những giá trị nghệ thuật kể trên.


Hẳn rằng, vẫn còn cay đắng của Chế Lan Viên với việc đương đại quay lưng với lịch sử:


"Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê


"Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ…


Song đã xuất hiện những tốt lành, những biểu tượng thanh tao. Đó là hiện tượng những người Việt trong và ngoài nước đến những phòng đấu giá như hôm nay với hy vọng đắp bồi lại kỷ niệm mang sắc mầu quê hương, để mình được là mình khi ngắm những bức tranh, bức tượng rất "mình", tìm bến đậu nghệ thuật cho tâm hồn không phai nhạt với những xô bồ ngoại lai.


Những bức họa Vichy của vua Hàm Nghi xuất hiện lần này khá đẹp, nét vẽ nhã nhặn, tươi tắn, lãng mạn. Tôi thích bức tranh số 93 mang tên "Mặt trời lặn xuống đồng quê ".


Đây là một bức đầu tiên trong hai bức tranh hiếm hoi mô tả sinh hoạt miền quê nước Pháp. Bức còn lại Hàm Nghi vẽ năm 1930, tức là đến 20 năm sau.


image010Nguồn hình ảnh, Lynda Trouvé. Tấm danh thiếp với lời đề tặng viết bằng tay chưa biết là nét chữ của ai phía sau tác phẩm "Mặt trời lặn xuống đồng quê"


Đây cũng là họa phẩm tôi dự đoán sẽ được đua tranh quyết liệt nhất, vì đằng sau bức tranh còn dán chiếc danh thiếp đề tên viên tướng Henri Aubé và một dòng chữ viết bằng tay của người tặng ông bức tranh.


Hẳn là tìm hiểu sâu thêm về nét chữ đó thuộc về ai và những mối lương duyên nào trong tam giác Hàm Nghi, Henri de Gondrecourt, Henri Aubé sẽ thêm phần thú vị. Song, bức số 100 "Sous-bois au soleil couchant" (Mặt trời lặn dưới khóm cây) mới đạt kỷ lục số bán với con số 38.000 euro.


Không khí tranh đua mua tranh diễn ra với tốc độ nhanh dần, đến quyết liệt. Lô số 91 là họa phẩm đầu tiên của vua Hàm Nghi ra chào được gõ búa với giá 6.800 euro. Sau đó không còn giá này nữa. Bức tranh đánh số 92 "Ngôi nhà ven sông" có một vết mầu phai lớn trên bề mặt, là bức duy nhất không phải phong cảnh Vichy cũng chạm giá 17.000 euro. Người mua chắc là đại diện cho một người Việt trong nước được bà Lynda gọi là "quý ông đứng ở cửa" đã là người thắng cuộc. Trong sàn cũng có một phụ nữ đeo đến giá 10.000 rồi cũng không theo nổi. Bức này thẩm định với giá bèo 800-1.200 euro!


Tất cả 19 bức tranh đều được bán hết, dao động giữa giá thẩm định đến giá chung cuộc là từ 21, 20 đến 25 lần. Thậm chí, một người mua rỉ tai với tôi, lần này có nhiều lựa chọn, con số tranh lớn bất ngờ, cũng tác động làm giá xuất có phần "khiêm tốn".


So sánh với bức đầu tiên lên sàn cách đây 13 năm (24/11/2010) là bức "Déclin du jour-Chiều tà", nhà Millon bán ra 8.800 euro, ngang ngửa 11 lần hơn giá thẩm định, thì hiện tại chỉ số đó tăng gấp đôi. Từ buổi đầu lưu luyến 2010 đến năm 2022 mới chỉ có 5 bức tranh của vua Hàm Nghi được mang bán. Song thời gian đó đã đào tạo một đội ngũ có tư duy đấu giá ở nước ngoài, có đội ngũ săn tìm, khả năng thao tác chuyên nghiệp. Vóc dáng chuyển hướng của tầng lớp có tiền không còn dừng ở mức phô trương mà bắt đầu đi vào chiều sâu văn hóa, nôm na là lặn vào chất bắt đầu manh nha.


Đương nhiên điều đó chỉ có thể xẩy ra khi có nhu cầu của thị trường? Kẻ khoe xe, người đeo vàng, người tự sướng, gã dị hợm, đi đâu cũng phải làm như vô tình rút ra một cọc tiền, trong mắt người đời là "hâm có số có má", tương tự như câu chuyện "lợn cưới, áo mới". Để được vậy cũng chẳng dễ, như câu tục ngữ "năm đời mới biết ăn, bảy đời mới biết mặc" vậy.


Âu cũng là điều vui, người ngoài nhìn vào đỡ xấu hổ.


image011Nguồn hình ảnh, Pham Cao Phong. Quang cảnh phòng đấu giá những bức tranh vua Hàm Nghi


Trước buổi đấu giá, một thanh niên trao đổi với tôi về dự định của anh. Đó là bức tranh mầu nước vẽ năm 1885 "trận tấn công thành Sơn tây" khổ 122x76cm Anh nói, đến xem, hy vọng với biểu giá catalog 1.000-1.200 euro thì bớt chi tiêu để sở hữu. Một điều đáng trân trọng.


Anh đã không mua được vì mức giá bức tranh vọt lên tới 2.500 euro. Vì sao anh muốn mua bức tranh đó? Phải chăng bài thơ Quang Dũng viết nhắc thầm tâm sự:


"Đôi mắt người Sơn Tây


"U uẩn chiều lưu lạc


"Buồn viễn xứ khôn khuây


"Tôi gửi niềm nhớ thương


"Em mang giùm tôi nhé


"Ngày trở lại quê hương


"Khúc hoàn ca rớm lệ


Tôi viết thêm mấy dòng, biết đâu người thoáng quen có niềm vui trở lại khi tình cờ đọc bài viết. Trận Pháp hạ thành Sơn Tây ngày 11/12/1883 chấm dứt sự tác yêu tác quái của Lưu Vĩnh Phúc và đám lính Cờ Đen ở miền Bắc Việt Nam. Trong Bảo tàng Invalides còn trưng bầy ấn tín, cờ lệnh của tên tướng phỉ mà Việt Nam đến nay vẫn còn nhầm lẫn về vai trò của hắn.


Những nhà sưu tầm Việt Nam hay gốc Việt tìm đến tranh Hàm Nghi với nhiều nỗi niềm, không đơn giản chỉ là thưởng thức hội họa. Những câu chuyện về Hàm Nghi đã thuyết phục họ.


image012Nguồn hình ảnh, Pham Cao Phong. Những bức tranh được mang ra chào đón người mua


Hàm Nghi đến với nghệ thuật như câu chuyện lành về nhân quả. Ông thoạt đầu chỉ là hình hài bé nhỏ trong trò chơi vương quyền của các Nhiếp chính vương Tôn Thất Thuyết (1839-1913), Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và Trần Tiến Thành (1813-1883). Con người không có trong danh sách chọn làm quân vương ấy mà ngày sinh đến nay vẫn còn viết không chính xác đã may mắn hơn ba vị vua trước ông là Dục Đức, Hiệp Hoà và Kiến Phúc, nạn nhân tức tưởi bị hãm hại Game of Thrones. Kẻ bị giết sau ba ngày bước lên ngai vàng như Dục Đức, người thọ được bốn tháng như Hiệp Hòa, và Kiến Phúc cũng chỉ sống thêm 8 tháng sau ngày làm vua.


Nước Pháp can đảm "nuôi ong tay áo" đã biến kẻ nghịch tử của nền thống trị thực dân thành một nghệ sĩ đích thực. Tôi như đọc thấy ở ông câu đối thời Victor Tardieu ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương:


"人才國家之原氣 Nhân tài quốc gia chi nguyên khí


"大學教化之本元 Đại học giáo hóa chi bản nguyên


Dịch nghĩa:


"Nhân tài là nguyên khí quốc gia


"Đại học là gốc của giáo hóa


Những người cầm quyền ở Algeria như Henri de Vialar, Louis Tirman có thiện cảm với chàng thanh niên 18 tuổi đã đưa Hàm Nghi hội nhạp vào sinh hoạt của tầng lớp quý tộc. Trong một bức thư Hàm Nghi gửi cho cháu gái Henri de Vialar, viết năm 1899:


"Bạn sẽ không thể tưởng tượng được điều gì đã xảy ra với tôi vào thứ ba tuần trước, khi tôi nhận được thiệp mời từ Đô đốc Servan đến chơi quần vợt. Tôi đến đó như mọi khi với giày bệt, quần ngắn và vợt tennis. Đô đốc dẫn tôi về phía một cô gái trẻ xinh đẹp và giới thiệu với các quan khách và nhiều sĩ quan mặc quân phục đại lễ: "Các bạn sẽ thưởng thức quý cô và quý ông trẻ trung này chơi."


Bạn thấy đấy: chúng tôi chơi tennis, trong tiếng nhạc vui vẻ của một buổi tiếp đón long trọng. Chiều nay được tổ chức để vinh danh Hoàng tử Waldemar, người thừa kế ngai vàng Đan Mạch đang đến thăm thủ đô Alger và để vinh danh những người Nga có mặt ở đây."


Henri de Vialar nhận ra người tù trong tay mình có năng khiếu về hội họa nên khuyến nghị ngay từ tháng 11/1889 rằng, Hàm Nghi nên theo học với họa sĩ theo trường phái đông phương Marius. Reynaud đến dạy Hàm Nghi trong hơn 15 năm, hai lần một tuần, chỉ vẽ và vẽ.


Nét khai bút của vua được thể hiện trong bức "Phong cảnh El Biar-Algeria 1891" vẽ ngày 9/11/1891đã được bán ở Paris với giá 30.000 euro ngày 26/11/2021.


image013Nguồn hình ảnh, Pham Cao Phong. Đấu giá qua mạng có số lượng người tham gia lớn hơn rất nhiều người đến mua trực tiếp


Những bức tranh giai đoạn Vichy của vua Hàm Nghi có cùng một nhận dạng. Tất cả đều bị cắt khỏi khung tranh. Trả lời câu hỏi của tôi về xuất xứ của lô hàng đặc biệt này, nhà đấu giá Lynda Trouvé hé lộ, lô tranh được vô tình tìm thấy trong một thùng rác, không phải đến trực tiếp từ hậu duệ của tướng Henri Aubé, có thể liên quan đến thời kỳ chiếm đóng nước Pháp năm 1940 của phát xít Đức.


Giả thiết này có cơ sở, vì tướng Henri Aubé là một người đóng góp nhiều chiến công trong Đại chiến thế giới thứ nhất. Hiện còn một bức ảnh lưu trữ về ông được vinh danh trên sân điện Invalides.


Khi tuyến phòng thủ ở mặt trận phía Đông tan vỡ năm 1940, Paris sắp rơi vào tay Đức, các tác phẩm nghệ thuật trong các viện bảo tàng lớn đều có chủ trương phải di tản, chạy giặc. Tướng Henri Aubé đã mất năm 1935, song ngôi nhà của ông ở Paris hẳn không tránh được đôi mắt nhòm ngó của Đức vào năm 1940. Để phân tán kỷ vật của ông, phải chăng người nhà đã cắt những bức tranh ra khỏi khung để dễ bề di chuyển, để rồi bị thất lạc?


Hitler đặc biệt rất căm phẫn và tức tối về thất trận của nước Đức và những điều khoản được cho là uất đến phi lý mà các cường quốc thắng trận ép nước này phải ký vào "Le traité de Versailles ngày 28/6/1919". Ngay khi chiếm được Paris, Hitler đã tịch thu bản Hiệp định này mang về Văn phòng Thủ tướng, hàng ngày đều dừng chân để ngắm chiến lợi phẩm. Nước Pháp hiện nay cũng không truy tìm ra văn bản kể trên.


Tôi nhắc thêm rằng, sau khi thua ở Sedan ngày 1/9/1870, trước khi các lữ đoàn kỵ binh Phổ tiến vào Paris, Bộ chiến tranh Pháp đã thiêu hủy một số lượng lớn quân kỳ, chiến lợi phẩm đoạt được từ các trận thắng của Hoàng đế Napoléon Bonaparte trưng bầy ở Invalides để đoàn quân chiến thắng nhớ đến tủi hận của ông cha tìm cách cướp phá và trả thù.


Những bức tranh của vua Hàm Nghi có ơn lành thoát kiếp bào dạt hoa trôi, đời sống của khóm lục bình vô danh.


Họa phẩm của ông, thứ văn tự hồn nhiên không tan biến vào hư không đã tìm được về ngôi nhà tâm hồn của người Việt, thật đáng mừng.


Bài thể hiện văn phong và quan điểm của ông Phạm Cao Phong, nhà báo tự do ở Paris, Pháp.


++++++++++++++++++++++++++++


Hàm Nghi - vị Hoàng đế lưu đày tìm tự do qua nghệ thuật


image014Chụp lại video, Hàm Nghi - vị Hoàng đế lưu đày tìm tự do qua nghệ thuật


5 tháng 1 2023


Tháng 12 năm 1888, vua Hàm Nghi, vị hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn bị chính quyền Pháp đưa xuống con tàu mang tên Biên Hoà đi đày ở Bắc Phi.


Tới thủ phủ Alger của Algeria lúc 18 tuổi, vị Hoàng đế An Nam sống một cuộc đời lưu đày cho tới khi ông mất tháng 1/1944, thọ 72 tuổi.


Tìm đến hội họa lúc đầu chỉ như cách giết thời gian, theo năm tháng, Vua Hàm Nghi say mê vẽ tranh và điêu khắc trong những năm tháng lưu đày.


Gần 80 năm sau khi ông qua đời, hậu duệ năm đời của nhà vua, chị Amandine Dabat, hoàn thành một luận án tiến sỹ nghiên cứu về cuộc đời và hội hoạ của Vua Hàm Nghi.


Không chỉ là một vị vua yêu nước, Hàm Nghi còn là một hoạ sỹ và nhà điêu khắc Việt Nam đầu tiên được dạy bởi những danh họa và nghệ sỹ điêu khắc danh tiếng của Pháp đầu thế kỷ thứ 19.


TS Amandine Dabat và ông Nguyễn Ngọc Giao, một người Việt tại Pháp tìm hiểu sâu về cuộc đời Vua Hàm Nghi, chia sẻ với khán giả của BBC về quãng đời của vị cựu hoàng sau khi đặt chân tới Algeria, cũng như vai trò của hội hoạ và điêu khắc trong cuộc đời lưu đày của ông.


*Quý vị có thể xem bản video đầy đủ trên kênh YouTube của BBC News Tiếng Việt.


Phỏng vấn và dựng phim: Minh Thư


Quay phim: Sam Robinson và Phil Darley


++++++++++++++++++++++++++++


Tranh của vua Hàm Nghi được bán đấu giá ở Paris


image015Nguồn hình ảnh, Pham Cao Phong. Bà Lynda Trouvé giới thiệu những bức tranh của vua Hàm Nghi sẽ đấu giá vào ngày 22/9/2023 tại Hôtel Drouot Paris


  • Tác giả, Phạm Cao Phong
  • Vai trò, Gửi tới BBC từ Paris, Pháp
  • 21 tháng 9 2023


Cụm từ "gõ búa", thường được dùng đến mòn nhẵn để nói về hoạt động đấu giá trên thị trường, đã được nhà bán đấu giá Maison de ventes aux enchères Lynda Trouvé thay bằng từ "ngọn lửa" khi nói đến 19 bức tranh của vua Hàm Nghi, mà hãng sẽ mang lên sàn vào ngày 22/9 tại Hôtel Drouot Paris.


Với cụm từ chỉ sức nóng này, nhà Lynda Trouvé nhắc tới cơn sốt mua bán các tranh của các họa sĩ Đông Dương, cũng như các sản phẩm liên quan đến Hoàng gia Nguyễn.


Riêng về tranh của vua Hàm Nghi, ngay lần ra mắt đầu tiên bức "Chiều tà" năm 2010 đã gây cơn sốt săn lùng và tìm hiểu về bước đường nghệ thuật của người được cho là họa sĩ Việt đi tiên phong trên con đường sáng tác theo phong cách châu Âu.


Bà Lynda Trouvé cho tôi biết, lần đấu giá gần đây, hãng của bà cũng đã bán được một bức của vua Hàm Nghi với giá 60.000 euro.


Tuy nhiên từ "ngọn lửa" còn ẩn dụ một câu chuyện khác tôi sẽ nói phía dưới.


image016Nguồn hình ảnh, Lynda Trouvé. Bức tranh "Mặt trời lặn xuống đồng quê "của vua Hàm Nghi


Đây là lần "đấu giá với chủ đề nghệ thuật Đông Dương giai đoạn 1800-1960". Dòng chữ này cũng được ghi bằng hai thứ tiếng Việt-Pháp trên ấn phẩm trình bày mỹ thuật trang trọng của nhà Lynda Trouvé.


Sử dụng tiếng Việt trong sách hẳn là thịnh tình nồng ấm được Lynda Trouvé dành cho các nhà sưu tầm cũng như cơ sở văn hóa hoặc bảo tàng tư nhân Việt Nam xuất hiện ngày càng chững chạc trong các loại hình mua bán liên quan đến cổ vật và nghệ thuật có giá trị cao.


Nói chuyện với tôi về lai lịch các bức tranh, bà giám đốc Lynda Trouvé cho biết số tranh kể trên đã được cứu thoát một cách kỳ diệu.


Chiếc cặp chứa những bức tranh phủ lớp thời gian dầy cả thế kỷ lẽ ra đã có số phận đi vào thùng rác. Các chữ ký trên tranh bằng son đỏ bằng chữ hán "Tử Xuân" (tên húy của vua Hàm Nghi) không cung cấp nhiều thông tin về tác giả. Song, một chiếc carte đi kèm với bức tranh đề tặng Trung tá bộ binh thuộc địa Henri Aubé, cục trưởng Cục Địa lý Đông Dương ở Hà Nội đã gợi sự tò mò thú vị cho người tìm thấy chiếc cặp.


image017Nguồn hình ảnh, Amandine Dabat. Ảnh vua Hàm Nghi trong phần giới thiệu của Tiến sĩ Nghiên cứu lịch sử Nghệ Thuật Amandine Dabat về các bức tranh giai đoạn Vichy


Tên Henri Aubé đã được giành cho con phố trong quận 16 ở Paris. Trên tường ngôi nhà số 7 bis, rue des Bauches còn một tấm biển bằng đá trắng ghi tên ông, người có tiểu sử từng có mặt tại Tonkin (Bắc Kỳ), Bờ biển Ngà, Trung quốc, Madagascar, Syria, Đại chiến thế giới thứ nhất.


Theo Tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ năm đời của Vua Hàm Nghi, có thể viên sĩ quan Henri Aubé trong những đợt đến khám và nghỉ ở Viện quân sự điều trị bệnh nhiệt đới Vichy đã gặp vua Hàm Nghi theo lời giới thiệu của một bạn đồng học trường sĩ quan Saint Cyr là Henri de Gondrecourt. Chị cũng cho biết là vua Hàm Nghi chỉ không có mặt tại Vichy vào năm 1910. Điều này được xác nhận là không có một bức tranh nào của ông vẽ về Vichy ghi nhận vào thời điểm đó.


Henri de Gondrecourt là bạn của vua Hàm Nghi thời gian ông bị lưu đầy ở Algeria. Hai người thường trao đổi thư từ với nhau. Algeria lúc đó được coi là một tỉnh thuộc địa hải ngoại lớn của Pháp.


Theo tìm hiểu của tôi thì, hai người đều tốt nghiệp niên khóa có một tên đặc biệt gọi là "Promotion de l’Annam (1885-1887)." Tên gọi này nhắc tới chiến thắng của Pháp tại Lạng Sơn, bắt triều đình nhà Thanh phải ký Hòa ước Thiên Tân (Traité de Tianjin 1885), chấm dứt chiến tranh Pháp-Thanh, buộc quân Thanh phải rút khỏi Bắc Kỳ, và công nhận nền bảo hộ của Pháp với Việt Nam. Hòa ước này cũng chấm dứt lệ triều cống của triều đình Huế ở địa vị phiên quốc đối với nhà Thanh.


Henri Aubé có chức vị cao hơn là chỉ huy sư đoàn lính thủy đánh bộ, còn Henri de Gondrecourt chỉ huy lữ đoàn bộ binh. Thời gian de Gondrecourt phục vụ tại Algeria 1893-1895 trùng với giai đoạn vua Hàm Nghi bị lưu đầy ở đây, nên dẫn đến việc ba người quen biết và hình thành một mối liên hệ bằng hữu.


Trong những bức tranh được nhà Lynda Trouvé kiểm định và hỏi ý kiến, tất cả từ lô số 91 đến số 106, trừ bức tranh đánh số 92 đều là những bức tranh vua Hàm Nghi vẽ về phong cảnh Vichy.


Bức tranh đánh số 93 mang tên "Mặt trời lặn xuống đồng quê " miêu tả cảnh hoàng hôn dần đến với những con bò đang gặm cỏ yên bình. Chủ đề này ít thấy trong tranh của ông. Đa số các bức tranh có gam mầu trong sáng và dịu dàng, ít những gam mầu trầm và hiệu ứng cô đơn buồn bã.


Có thể lý giải phần nào từ trạng thái tâm lý của vua Hàm Nghi đang trong giai đoạn hạnh phúc gia đình cao trào với sự ra đời của hai công chúa Như Mây (1905 -1999), Như Lý (1908- 2005) và Hoàng tử Minh Đức (1910-1990).


image018Nguồn hình ảnh, Pham Cao Phong. Bìa sách về cuộc bán đấu giá


Vào thế kỷ 19, Vichy là một khu nghỉ dưỡng thời thượng, được những người nổi tiếng thời đó thường xuyên lui tới, được biết đến với các suối nước khoáng, có tác dụng chữa bệnh ngay từ thời cổ đại.


Thành phố này đã trở thành một trong những khu nghỉ mát nổi tiếng nhất đối với người nước ngoài, và đặc biệt hơn là từ Algeria. Du khách đến đây theo các khuyến nghị y tế được cho là nước khoáng Vichy có tác dụng điều trị và chữa nhiều căn bệnh. Thành phố cùng với 10 spa nước nóng thiên nhiên khác ở Châu Âu (Great Spa Towns of Europe), đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới kể từ ngày 24 tháng 7 năm 2021.


image019Nguồn hình ảnh, Getty Images. Cảnh đồng quê ở vùng Vichy, Pháp


Hàm Nghi thường đến nghỉ tại Vichy ngay từ năm 1893 đến những năm 30 của thế kỷ trước tại Vichy. Ở thành phố hiện còn một căn nhà thiết kế theo phong cách Art Nouveau mang tên " Villa Prince d’Annam " tại số 14 rue des Sources.


Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1904 theo thiết kế của kiến trúc sư Adrien Dacq nằm trên một dẫy phố nhỏ, duyên dáng dẫn thẳng ra bờ sông Allier, một con sông hiền hòa tô điểm cho thành phố miền trung nước Pháp.


Ngôi nhà dành cho vua Hàm Nghi sử dụng trong thời gian đến Vichy khoảng những năm 1903-1911. Sẽ không ngạc nhiên nếu những bức tranh sáng tác vào gian đoạn này của vua Hàm Nghi hiện là một phần trong bộ sưu tập Đông Dương của nhà Lynda Trouvé.


Câu chuyện về ngôi nhà một thời mang hơi ấm của vua Hàm Nghi ở Vichy đã được Đài truyền hình Pháp quay tại đây vào ngày 28 và 29/10/2019.


"Villa Prince d’Annam" hay còn gọi "Biệt thự Hoàng tử Annam" bị bỏ hoang một thời gian khá dài, sau được một cặp vợ chồng nghệ sĩ Pháp mua lại, sửa sang thành một khách sạn nhỏ. Theo người chủ hiện tại, khi ông mua lại căn nhà, trên những bức tường vẫn còn những bức tranh không biết do ai vẽ. Họ đã sửa lại toàn bộ trong 18 tháng và quét sơn đè chồng lên trên.


Ngoài những bức tranh của vua Hàm Nghi, cuộc bán đấu giá còn mang đến những tác phẩm được thẩm định với giá cao của các họa sĩ Việt và Pháp về Đông Dương.


Hẳn là, những bức tranh vừa thoát cung oan nghiệp của vua Hàm Nghi ra mắt sắp tới sẽ còn khơi gợi những khát khao tìm hiểu thêm về cuộc đời có số phận kỳ lạ của nhà vua.


* Bài thể hiện văn phong và quan điểm của ông Phạm Cao Phong, nhà báo tự do ở Paris, Pháp.


image020Nguồn hình ảnh, Pham Cao Phong. Bà Lynda Trouvé với bức tượng "Người phụ nữ Annam" được giải thưởng Grand Prix tại Rome năm 1925, giải nhất về điêu khắc Đông Dương năm 1932 của nhà tạc tượng Évariste Jongchère (1892-1956)


+++++++++++++++++++++++++++++

Hàm Nghi, người nghệ sĩ tạo hình ở Alger và những mối tình trắc ẩn

  • Phạm Cao Phong
  • Gửi tới BBC Tiếng Việt từ Paris


8 tháng 12 2019


Sau bốn năm háo hức, cuối cùng tôi cũng nhận được món quà ý nghĩa cho Noel. Đó là tác phẩm của Amadine Dabat, người cháu đời thứ năm Hoàng Đế Hàm Nghi viết về những trang đời còn chưa được biết đến của cựu hoàng.


Quyển sách dày 550 trang, vuông vắn, bìa mầu vàng hoàng gia, trang nhã như một hộp kẹo sôcôla đến đúng dịp cuối năm của những ngày lễ hội.


image021Nguồn hình ảnh, Cao Phong Pham. Amandine Dabat, người cháu đời thứ năm Hoàng Đế Hàm Nghi


Tựa sách trả lại cho Hàm Nghi địa vị thực dưới đầu đề: 'Hàm Nghi hoàng đế lưu đầy, nghệ sĩ ở Alger'.


Tên quốc gia Việt Nam, dưới triều Nguyễn, từ khi hoàng đế Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802, được đổi thành Đại Nam thời Minh mạng (1820-1841), luôn luôn là một vương quốc có chủ quyền quốc gia. Vì vậy ngôi đầu triều đình được tôn xưng dưới danh tính 'Hoàng Đế'. Từ giai đoạn Hàm Nghi, Giám đốc sự vụ và chính trị Đông Dương Jules Silvestre bắt các cộng sự dịch ra văn bản ngôi thứ này với chữ 'vua'.


Điều này hợp với nhãn quan xấc xược của Trung Hoa không coi Việt Nam là một đế chế có chủ quyền. Từ 'Hoàng Đế' và 'Vua' được dùng lẫn lộn cho đến hết triều đại Nguyễn. Trong cuốn sách của mình, Amandine Dabats cho biết, chị dùng và chọn lại chính danh từ 'Hoàng Đế', nhằm tôn trọng quan điểm chính thức của Việt Nam.


image022Nguồn hình ảnh, fonds Capec. Hoàng Đế Hàm Nghi


Cuốn sách chủ yếu trích từ luận án tiến sĩ mà Amandine bảo vệ thành công tại đại học Sorbonne ngày 3/12/2015, tự thân đã được thẩm định bằng những nhà khoa học uy tín Édith Parlier-Renault, Antoine Gournay (hai giáo sư Université Paris-Sorbonne), Philippe Papin (Directeur EPHE), Nora Taylor (giáo sư Học viện nghệ thuật Chicago -SAIC), Vũ Thị Minh Hương (giám đốc viện lưu trữ quốc gia Việt Nam).


Những con số chọn lọc trong tổng cộng 5034 tài liệu, cùng độ dài 14 năm mà Amandine đầu tư cho chủ đề này nói lên sự nghiêm túc, trân trọng độc giả của chị.


Sở hữu một khối tư liệu đồ sộ và đa dạng, Amandine trích dẫn, phân tích, cắt bỏ những mộng mỵ cả hai phía Pháp -Việt đều vô tình hay cố ý 'vẽ rồng thêm chân'. Những tô vẽ chủ yếu mang tính chính trị, hay vụ lợi ấy với thời gian trở nên kệch cỡm và lẩm cẩm.


image023Nguồn hình ảnh, Amadine Dabat


'Vai' và 'trò' của Charles Gosselin, 'bạn' đồng thời tác giả sách 'L'Empire d'Annam', được phân tích. Amadine truy xét lý lịch sự vụ của Gosselin, để những nhân chứng lạnh lùng tái hiện bộ mặt thật của nhân vật. Các nhà sử học hẳn tìm ở đây nhiều suy ngẫm về sử lý nguồn, điều gì đáng tin, cái gì loại bỏ.


Những bài viết, nhận xét của Hải Âu, Vũ Thanh Sự, Nguyễn Đắc Xuân…đều được Amandine điểm huyệt.


image024Nguồn hình ảnh, Amadine Dabat


Cuốn sách viết ra nhằm mục đích trả lời câu hỏi 'Hàm Nghi là ai và như thế nào? Là một nhà chính trị? Hay là một nghệ sĩ?


Vua Hàm Nghi trong vai trò chính trị, Amandine phác họa ngắn, khái quát, chủ yếu là bản tường trình viết tay thuật lại buổi hỏi cung ngày 11/11/1888 của đại úy Boulangier, sĩ quan chỉ huy việc truy lùng và bắt được vua ngày 29/10/1888.


Biên bản này ghi lại đối thoại giữa vua Hàm Nghi với hai lãnh binh Trưong Quang Ngọc và Nguyen Than Dinh: 'Tụi bay là giặc, bọn phản bội, giống như Đồng Khánh chạy theo Tây. Nhưng Hàm Nghi này không bán nước'.


Cuốn sách chủ yếu khai thác hình tượng một Hàm Nghi nghệ sĩ, một Hàm nghi với một số phận kỳ lạ và những mối tình trăn trở, sóng gió.


image025Nguồn hình ảnh, Cao Phong Pham Amadine Dabat cùng tranh vẽ chân dung Vua Hàm Nghi


Hàm Nghi, một nghệ sĩ

Tôi gặp Amandine lần đầu đúng vào ngày định mệnh của Paris năm 2015. Buổi sáng gặp chị, thì buổi tối quân khủng bố nổ súng vào nhà hát Bataclan , đánh bom ở cửa vào sân vận động Stade de France. Hôm đó chị cho tôi mượn tài liệu bảo vệ luận án tiến sĩ chị viết về vua Hàm Nghi.


Tôi thích thú khi được biết Hàm Nghi đã từng là học trò của nhà điêu khắc thiên tài Auguste Rodin. Amandine đã mang cho tôi xem bức tượng mang tên Eve, người đàn bà đầu tiên trong Kinh Thánh do vua Hàm Nghi tạc. Tôi đã nhận ra những nét tương đồng không lẫn được với tác phẩm cùng tên của Auguste Rodin hiện lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ Thuật Cardiff (Walles).


image026Nguồn hình ảnh, Cao Phong Pham. Bức tượng Eve của vua Hàm Nghi (trái) và bức tượng cùng tên của Rodin tại bảo tàng Cardiff (phải).


Amandine lúc đó đề nghị tôi tiết chế những thông tin và hình ảnh, đợi chị hoàn thành xong cuốn sách.


Bây giờ với gần 60 họa phẩm, điêu khắc, phù điêu, phác họa in trong sách, bạn đọc sẽ tìm thấy những cung bậc thăng trầm trong tâm hồn người nghệ sĩ tha hương.


image027Nguồn hình ảnh, Amadine Dabat. Bức ảnh chụp ở xưởng vẽ năm 1935, thấp thoáng nhiều tác phẩm điêu khắc khác, một bức khá giống 'Người suy tư' của Rodin.


Hàm Nghi đã ba lần trưng bầy các tác phẩm tại Paris : Tại bảo tàng Guimet (1904), phòng tranh Devambez (1909), triển lãm Mantelet Collet (1926). Thế chiến thứ Hai xô đổ những ấp ủ tiếp theo của những nhà tổ chức triển lãm.


Hàm Nghi cũng đã hiến tặng nhà nước Pháp một số họa phẩm, điêu khắc.


image028Nguồn hình ảnh, Ham Nghi/Amadine Dabat. Một bức tranh Vua Hàm Nghi vẽ trưng bày tại Paris


Thiết nghĩ lịch sử Mỹ thuật Việt Nam nên có những hoán đổi, dành cho nghệ sĩ đa tài Hàm Nghi vị thế như người mở đầu tài hoa cho tiến trình khẩn hoang về tranh sơn dầu, phấn mầu, điêu khắc hiện đại.


Những giá trị thẩm mỹ lạ lẫm, tư duy sáng tạo mang tính thực tiễn và ứng dụng này, mới chỉ phát triển ở Việt Nam từ tháng 11/1925 với việc thành lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương. Ngôi trường mở ra cho các nghệ sĩ Việt Nam chân trời mới về kiến thức hội họa, kiến trúc, điêu khắc ngoài những đặc thù truyền thống sẵn có của nghệ thuật sơn mài, đồ gốm, chạm bạc hay kỹ thuật vẽ tranh thủy mạc, tranh lụa.


Vua Hàm Nghi còn là một nghệ nhân mộc khéo léo. Hiện còn giữ được những giường, tủ làm từ gỗ cây chanh và cam, mà ông tự tay chế tác với những dụng cụ của thợ mộc Alger.


image029Nguồn hình ảnh, Amadine Dabat. Mẫu giường tủ do Vua Hàm Nghi chế tác


Những mối tình trắc ẩn

Một nữ sĩ mà tên tuổi có chỗ đứng vững vàng trên văn đàn Pháp đã mê đắm Hàm Nghi, viết cho ông những vần thơ :


Nói về nỗi thất vọng với Người ư, trớ trêu thay !


Chẳng gì có thể lay chuyển một trài tim trơ trơ như thế


Một trái tim dửng dưng, chẳng mảy may thương hại trước một người hấp hối


Một trái tim suy mòn chỉ còn biết náu mình trong đau đớn


Một trái tim chỉ còn tuôn ra khổ đau, nối dài chuỗi khóc than


Và bất hạnh tột cùng là trái tim không có chỗ cho tình yêu.


Cảnh lưu đầy của Người và nỗi xa vắng Người là cặp song sinh


Ngay cả khi trái tim ấy bị một kẻ cai ngục đầy ghen tỵ canh giữ,


Có lẽ nào tự biệt giam mãi trái tim đó ?


Xin đừng xua đi một kẻ thù chịu quỳ gối dưới chân Người !


Ít ra xin cho nó sống, và trút thù hận vào nó.


Dày vò nó đi… Tất cả những gì đến từ Người đều tốt đẹp


Đó là Judith Gautier, văn sĩ nữ đầu tiên bước vào Hàn lâm viện Goncourt, con người đầy rung động, thiết tha với ông, muốn xua đi trong ông những mặc cảm, những suy nghĩ người Pháp chỉ là kẻ thù.


Judith đề nghị Hàm Nghi viết tựa cho tác phẩm 'Livre de Jade', song ông né tránh. Tác phẩm 'Những cánh cửa son' của bà viết về Hàm Nghi cũng bị thất lạc.


Hàm Nghi đã không bước ra khỏi được cái bóng của mình. Lúc đó ông 29 tuổi, còn Judith 55.


Bốn năm sau ông mời Judith đến dự đám cưới của mình ngày 10/11/1904. Ông cưới cô gái mới tròn 20 Marcelle Laloe, con của Chánh án Tòa thượng thẩm Alger. Họ có với nhau ba con.


image030Nguồn hình ảnh, Amadine Dabat. Con trai Minh Duc của Hàm Nghi và Marcelle Laloe


image031Nguồn hình ảnh, Amadine Dabat. Con gái Nhu May của Hàm Nghi và Marcelle Laloe


image032Nguồn hình ảnh, Amadine Dabat. Con gái Nhu Y của Hàm Nghi và Marcelle Laloe


Hai con gái Nhu May, Nhu Y và con trai Minh Duc của ông đều không học tiếng Việt. Hình bóng một Việt Nam xa xôi với chúng có lẽ chỉ là chú chó có tên Tonkin và chiếc chòi gỗ, mái cong, để chơi trốn tìm, phía trước có chiếc ao bé xíu và mấy khóm sen.


Không rõ khi nào gia cảnh của ông rạn nứt, song những những năm cuối của Thế chiến thứ nhất, Hàm Nghi rơi không trọng lượng vào mối tình với Gabrielle Capek (1889-1983), một cô gái gốc Tiệp mồ côi cha mẹ. Cô tha hương đến Alger, làm gia sư cho nhiều gia đình quý tộc, dạy kèm cho Nhu May, con gái lên bẩy tuổi của ông. Hàm Nghi lúc đó 47, Gabrielle 29.


image033Gabrielle Capec


Mối tình cảm động, đau khổ với cả hai cho ra đời chú bé mang họ mẹ, Jean Capec (1922-1982).


Cuộc tình với Gabrielle như một điều phải xảy đến, ra đời từ hệ lụy.


Cung bậc tâm hồn ông, thăng trầm nghệ sĩ của Hàm Nghi gần gũi với Judith. Điều đó để lại vết thương. Ông đã giữ những bức thư của mùa hạ đầu tiên thế kỷ 20 và những bức thư kế tiếp của Judith cho đến những phút cuối cùng của cuộc đời.


Ai bước qua một mối tình thì cũng đều bị bầm dập như nhau, chẳng có kẻ thắng, chỉ có kẻ thua, và tiếng nhạo cười của Định Mệnh.


Sau này chị gái của vợ ông viết :'Tôi hiểu sâu sắc mối liên hệ của Hoàng tử và cô gia sư. Chỉ vì trong tất cả chúng ta, cô ấy là người duy nhất tương đồng với tính cách Hoàng tử. Cô ấy dịu dàng, Hoàng tử yêu mến điều đó. Ngược với chị tôi, là một viên sen đầm'.


Mối tình trắc trở với Gabrielle trái lại là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm điêu khắc của ông.


Hàm Nghi viên mãn trong loại hình này, ông sự vật hóa được hình tượng với những hy vọng, những âu lo. Bức tượng Gabrielle Capec, hay 'Không đề' hiển hiện điều đó.


image035Nguồn hình ảnh, Amadine Dabat/Ham Nghi.Tranh vẽ của Hàm Nghi giai đoạn sau


Ông đã vẽ những bức tranh mới với bút mầu rực rỡ mang hơi thở nhân gian, loại bớt mầu xanh lục trầm buồn vốn chủ đạo thời kỳ trước


Những người Việt Nam hay lên gân, tầm thường, cứng nhắc sẽ cho Amadine là 'náo'. Mặc dù sự láo lếu ra đời và tồn tại của chính sử hiện nay ở Việt Nam nảy nòi chính từ sự bóp méo, một chiều của 'sử đảng' và cho 'đảng xử' các nhân vật, sự kiện. Chúng ta cần những náo động chỉnh hình.


Chị viết: "ngôn ngữ Pháp của Hàm Nghi là một thảm họa, ngài là người tù của ngôn ngữ này và không thể biểu cảm suy nghĩ của mình bằng cách viết. Ngài viết non nớt như một đứa trẻ con. Một bức thư viết nháp đến tám lần…"


Bằng việc tìm sự thật qua sự giao chiếu của các nhân vật, chạm đến cốt lõi của sự việc, rồi đặt mình vào đấy, dũng cảm bỏ đằng sau những sáo ngữ, cung cấp cho bạn đọc khối tài liệu phần lớn chưa được biết đến, Amadine trao lại cho chúng ta chìa khóa sự nhận biết về viễn tổ của chị.


Chắc chắn sẽ có tiếng nói phản đối, nhưng lịch sử chân chính có đòi hỏi cho nhân phẩm của nó.


Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của nhà báo tự do Cao Phong Phạm.


(*) Tựa do VHO đặt
20 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1224)
19 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1161)
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1297)
03 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1992)