Người và Chim

23 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 11663)
“NHẬT BÁO VĂN HÓA-CALIF.,” THỨ NĂM 25 SEP 2014

Người và Chim

Truyện ngắn THANH THƯƠNG HOÀNG

image045

Trải qua một thời gian khá dài sống ở vùng rừng núi thâm u này, tuy rằng năm nào đều có bão tuyết ùa tới trắng xóa rừng núi, nhưng chưa bao giờ tệ hại tàn bạo khủng khiếp như năm nay. Trong căn lều nhỏ làm bằng cây lợp lá vuông vắn vừa đủ cho một người và một con chim trú ngụ, gã thợ săn (bất đắc dĩ) ngồi bó gối nhìn ra ngoài trời qua khe cửa hở. Có lẽ cũng đến 4, 5 giờ chiều, tuyết mờ mịt trắng xóa ngập cả chân lều. Lạnh, lạnh lắm. Gã thợ săn xuýt xoa nhìn về phiá “anh bạn chim” đang vật vờ nằm im trong chiếc lồng, đôi mắt nhắm, thỉnh thoảng đưa mỏ rỉa rỉa lông cánh. Trước đây gã phải mất cả buổi mới làm xong cái lồng này, bốn phía vuông vắn có “chấn song” bằng những cành trúc nhỏ, tuy không lớn nhưng cũng đủ chỗ cho anh bạn chim tung tăng nhấy nhót. Gã phải lót cái áo dạ cũ rách dưới đáy lồng để chim khỏi bị lạnh. Những buổi nắng ấm đẹp trời gã thợ săn mang lồng chim ra bên một cây lớn cạnh lều. Sở dĩ gã không thả chim ra vì sợ nó bay đi mất, vì có ai muốn sống đời chim lồng cá chậu bao giờ. Gã nằm bệt dưới gốc cây mắt lim dim mơ màng, đầu óc phóng về xa, nơi cuối chân trời dĩ vãng. Còn con chim gã treo lên một cành cây ngay cạnh gã. Chim vỗ cánh bay qua lại trong lồng một lúc, có lẽ cho rãn gân cốt và tắm nắng bộ lông rồi bắt đầu yên vị trên cái cành cây đặt ngang lồng và bắt đầu cất tiếng hót.

Gã thợ săn cũng không biết con chim này thuộc giống gì. Bộ lông của nó là cả một sự tổng hợp mầu sắc đen trắng vàng nâu tím xanh đỏ trông như một bức tranh lập thể. Thân mình nó chỉ to bằng nắm tay. Riêng trên đầu nó gã thợ săn cho đây là một nét độc đáo. Giữa đỉnh đẩu mọc lên một chùm lông trắng trông như cái mũ lông chim của các nhà quý tộc thời xưa ở châu Âu thường đội trong những ngày hội hè tiệc tùng chốn cung đình. Nhưng tiếng hót của nó, theo gã thợ săn, là độc nhất vô nhị trên đời này. Mỗi lần nó ăn no nổi hứng cất lên tiếng hót véo von cao vút thanh thoát như tiếng vĩ cầm của những nhà nhạc sĩ danh tiếng thế giới. Như tiếng suối reo trong vắt réo rắt, vang lên nơi cảnh đất trời nguyên sơ tinh khiết. Như tiếng sáo thiên thai (?) vi vu bay bổng cao ngất tầng mây, khiến tâm hồn người nghe thanh thoát hòa trong cảnh huyền diệu cõi tiên giới bao la trong cái không gian vô biên. Người nghe dù chán đời tới đâu cũng thấy lòng mình bỗng chốc thanh cao, bay bổng trên chín tầng mây. Thân thể bừng bừng sức sống yêu đời, yêu người, yêu cây cỏ vạn vật thiên nhiên. Nhất là với cái nghề “tìm và giết“ bất đắc dĩ của gã hiện nay để sống. Gã thấy nhức nhối muốn “giải nghề” rồi cùng chú chim đi giang hồ bốn phương sống một cuộc đời lãng tử, nhập lòng mình vào với trăng sao, với đất trời biển cả. Nhưng…những lúc nằm nghe chim hót với đôi mắt lim dim mơ màng nửa tỉnh nửa thức, dĩ vãng lại trở về với gã lúc nào không biết. Trăm lần như một, gã muốn xoá đi nhưng càng cố xóa “nó” càng xuất hiện như trêu ngươi, như thách đố, nhất là như oán hờn. Con người gã còn chứa đầy, còn nung nấu quá nhiều tham sân si. Dĩ vãng như kẻ thù luôn rình rập bên gã, chờ cơ hội là vùng dậy. Lâu lắm rồi… 

Gã có vợ và một đứa con gái ba tuổi xinh đẹp. Vợ gã nổi tiếng hoa khôi trong vùng. Gia đình vợ chồng trẻ sống tràn trề hạnh phúc. Vợ gã làm thư ký một công ty tư, còn gã lái xe tải đường dài cho một hãng cung cấp thực phẩm các chợ. Đời sống tuy không giầu có nhưng đầy đủ no ấm. Những ngày tháng êm đềm trôi qua, gã lấy làm bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình lắm. Một năm với số tiền dành dụm được, gã dẫn vợ con đi du lịch ít ngày những danh lam thắng cảnh trong nước. Có thể nói gã chẳng mong muốn gì hơn với ước nguyện đứa con gái lớn lên sẽ trở thành bác sĩ, kỹ sư hay thường ra cũng là chuyên viên một hãng xưởng công ty nào đó. Mọi sự đã xẩy ra không được như ước nguyện của gã.

Một buổi chở hàng đường xa mươi ngày mới về, tình cờ gặp mấy tên bạn thân, gã chưa kịp về nhà, chúng kéo ngay vào một quán “ba” nhậu nhẹt đến say khướt, quá nửa khuya mới tha cho về. Tuy say nhưng gã còn đủ tỉnh táo biết đường về tới nhà. May cho gã trên đường không gặp xe cảnh sát đi tuần. Gã có chìa khóa nhà thường xuyên mang bên mình. Nhà gã nhỏ, có một phòng khách và hai phòng ngủ. Phòng lớn dành vợ chồng gã, còn phòng nhỏ sát bên là của đứa con gái. Gã mở cửa bước ngay vào phòng ngủ như mọi khi. Dưới ánh đèn ngủ mờ mờ, gã nhìn thấy hai người đang ôm nhau trên giường. Gã tưởng mình say rượu hoa mắt nhìn lầm. Nhưng không, gã dụi mắt nhìn lần nữa. Vẫn vậy, hai người một nam một nữ trần truồng ôm nhau ngủ mê mệt như chết. Men rượu bốc bừng bừng trong thân thể gã, cộng thêm với lửa giận đốt cháy tim gan, gã đùng đùng nổi cơn ghen, với tay lấy cây súng săn treo trên tường chĩa về phía đôi gian dâm nổ súng. Hai người dẫy dụa quằn quại trên vũng máu. Con gái gã nghe súng nổ vội vàng chạy sang ôm lấy mẹ. Một viện đạn vô tình của gã trúng vào bàn chân nó. Nó thét lên đau đớn và ngã lăn ra. Có vẻ nhẹ thôi, gã định bước lại ôm con thì nghe tiếng xe cảnh sát hú còi từ xa. Gã hoảng hồn, tỉnh hẳn rượu, vội vàng buông con gái, trên tay vẫn cầm sẵn cây súng săn, gã ù té chạy bằng cửa sau, vượt hàng rào lao vào đêm tối. Để trốn tránh truy lùng của pháp luật, gã tìm lên chốn núi xanh rừng thẳm ẩn náu. Với cây súng săn gã bất đắc dĩ trở thành người thợ săn muông thú mưu sinh. Nơi này ít người qua lại, núi non hiểm trở lại nhiều thú dữ nên gã yên tâm định cư. Cuộc sống hoang dã những ngày đầu làm gã vô cùng khốn khổ. Râu tóc gã mọc dài rối bù như người tiền sử. Gã dựng một cái lều cây làm chỗ trú mưa nắng ngày đêm. Chưa có kinh nghiệm săn bắn nên gã chỉ quanh quẩn lùng kiếm mấy con sóc, mấy con chim non chưa đủ sức rời tổ bay xa, hay mấy con gà lợn rừng lớ xớ đi qua, làm thức ăn hàng ngày. Cái bật lửa dùng ít ngày hết săng hết đá, gã phải mất nhiều công phu để gây lửa trong lều. Đôi ba lần gã suýt mất mạng vì mấy con thú dữ, nhờ khẩu súng săn gã đã hạ được chúng làm thực phẩm một thời gian. Nhưng rồi đạn hết, trong lúc lúng túng chưa biết soay sở ra sao thì như một phép lạ.

Buối đó trời hơi ấm áp, gã thơ thẩn nơi bờ suối định cởi bỏ quần áo tắm thì nghe thấy tiếng kêu như rên rỉ của một con vật trong bụi cây gần đó. Gã tò mò bước lại. Trong bụi cây thưa một con chim nhỏ đang thoi thóp thở với bộ lông đẫm máu. Chim thấy người sợ hãi định vùng chạy nhưng nó bất lực nằm lỳ, đôi mắt sợ hãi mở to như sẵn sàng chờ tai họa ập tới. Gã thợ săn mừng lắm, bụng đang đói cồn cào. Con chim này đem xuống suối vặt lông rồi nướng lên ăn thật tuyệt. Gã vừa đưa tay định tóm con chim thì nhìn thấy một con dao găm nhỏ nằm gần đó. Con dao có vết loang lỗ đất bụi bám, chứng tỏ nó nằm tại đây ít ra cũng vài ba ngày và đã có bước chân con người đặt tới. Gã cầm con dao lên. Con chim như lợi dụng cơ hội đập hai cánh muốn vùng bay, nhưng nó không còn đủ sức. Gã thợ săn tóm lấy nó một cách dễ dàng. Nó vùng vẫy yếu ớt trong tay gã. Chợt gã nghe như có tiếng nói từ đâu đây: “Lạy ông, xin ông tha mạng sống cho tôi. Tôi bị thương nằm đây hai ngày rồi. Tôi còn trẻ còn yêu đời lắm. Tôi lạy ông, ông tha chết cho tôi”. Gã thợ săn đưa mắt nhìn quanh. Quái nhỉ, gã nhủ thầm, rõ ràng có tiếng người vừa nói rành mạch từng tiếng, gã nhìn quanh chẳng thấy ai cả. Chẳng lẽ…Gã chăm chăm nhìn con chim. Chẳng lẽ con chim này là con chim người ta nuôi nhà từ nhỏ và đã huấn luyện nó hiểu và nói được tiếng người?. Hay được một vị cao nhân tu hành đắc đạo nơi hang động huyền bí truyền dạy? Nếu đúng vậy sao nó lại lạc lõng và bị nạn nơi này?. Gã chăm chăm nhìn vào mỏ con chim, hai mỏ nó vẫn im lìm không động đậy, tuy nhìn kỹ một chút thấy hai bên cổ họng nó hơi phập phồng và đôi mỏ hơi nhúc nhích khiến gã bất chợt nhớ tới một đoạn văn trong cuốn truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung: hai nhân vật trong truyện thay vì nói với nhau bằng lời phát từ miệng thì họ nói với nhau bằng phương pháp “truyền âm nhập mật”, tức lời nói từ bụng chỉ hai người nghe. Hay là nó “nói” bằng thần giao cách cảm, tức là qua làn sóng điện phát ra giữa hai con người, gã nghe nói tới từ lâu nhưng chưa bao giờ thấy. Chẳng lẽ việc này có thật sao? Nếu đúng vậy con chim này thuộc loại quái điểu quý lắm. Bỗng gã rùng mình, chẳng lẽ nó tu luyện thành tinh như trong những câu chuyện cổ tích gã vẫn thường nghe bà nội kể lúc còn nhỏ? Trong lúc gã thợ săn phân vân suy nghĩ thì tiếng nói lại tiếp tục:“ Thưa ông, sự suy nghĩ của ông gần đúng như vậy. Xin ông thông cảm tha cho tôi. Tôi xin ghi nhớ ơn ông mãi mãi ”. Ô hay, con chim sao biết ý nghĩ của mình để nói những lời lẽ này.“Chim ơi, tao thương mày lắm, muốn tha mày nhưng từ chiều qua tới giờ bụng tao đang đói cồn cào chưa có gì nhét vào. Mày thừa biết nếu không có gì nhét vào bụng, tao sẽ bị đói và đói thì sẽ chết. Ở nơi núi rừng hoang dã quanh năm mù mịt tuyết sương này như mày biết đấy, kiếm được miếng ăn không phải là dễ. Thịt chim như mày đem nướng ngon lắm”. “Tôi tưởng ông có thể tìm trái cây hay những thứ lá có thể ăn được mọc hai bên bờ suối ”. Gã thợ săn đưa mắt nhìn quanh quan sát. Nơi này còn có giống cây nào mọc nổi. Con chim nói: “Ở chỗ con lạch nhỏ hơi ẩn khuất giữa khe đá kia kià, có một cái cây tuy già cỗi lam nham nhưng trái của nó ăn được”. Gã thợ săn lần theo con chim chỉ, có cái cây cổ quái ấy thật, trông nó như một cây đá. Không biết quả nó lành hay độc đây. Gã ngần ngừ ngắm những trái cây sù sì xấu xí to gần bằng nắm tay trông ghê lắm. Con chim nãy giờ nhìn theo nói ngay: “Ăn đi, trái cây này tốt lắm đấy. Ông có phúc lớn mới tìm thấy nó”. Thấy con chim nói năng có vẻ thành thật, gã thợ săn đưa tay ngắt một trái rửa sạch rồi đưa vào miệng cắn: “Ồ ngon tuyệ! Thế mà bấy lâu mình không biết. Cám ơn mày chim ơi”. Con chim chuyên ăn hoa trái nên nó biết rõ. Gã nói: “Tao sẽ cố tìm ra những loại trái cây này phơi khô để giành ăn dần. Mày có cần gì không để tao giúp. À mà tại sao mày lại bị thương nằm ở đây, lâu chưa?”. Gã nghe như tiếng chim cười và tiếng nói tiếp:“Tôi theo chủ vào rừng đi săn. Lâu lắm mới được thả cánh tung tăng nơi núi cao rừng rậm, tôi có cảm tưởng như trở vể quê hương, khoái chí bay miết, khi nhìn lại thì không thấy ông chủ mình đâu nữa. Đang lúng túng tìm phương hướng thì một con quạ đen lao tới. Nó mổ tôi túi bụi rụng cả lông và chảy máu. Tôi cố vùng bay trốn chạy. Vừa lúc đó một con chim Chèo Bẻo từ đâu bay tới. Loài chim này có lẽ có thù truyền kiếp với giống Quạ nên bất cứ ở đâu thấy bóng Quạ là nó nhào tới đánh liền. Và cái khiếp sợ giống chim Chèo Bẻo của Quạ có lẽ thấm sâu trong huyết quản qụa bao đời nên cứ thấy Chèo Bẻo đâu là Qụa vùng chạy, mặc dầu thân xác nó to hơn Chèo Bẻo nhiều. Lợi dụng lúc hai con chim đuổi đánh nhau tôi trốn vào bụi cây này thoát thân. Nhưng…tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Tôi van ông, xin ông mở lòng từ bi tha cho tôi”. “À hà…”. Gã thợ săn cười nhạt. Nhìn con chim bị thương gã bất chợt nghĩ tới con gái gã. Tội nghiệp con bé không biết giờ này nó trôi dạt nơi đâu, vết thương ở chân đã lành chưa. Có lẽ nó được người ta cho vào viện nuôi trẻ mồ côi. Không biết nó có biết còn có người cha trên đời đang đau khổ trốn tránh nơi chốn rừng sâu sống đơn độc với toàn loài thú dữ này không. Gã bỗng thấy thương con chim bị thương. Gã thở dài nhẹ nhàng đưa bàn tay chai sạn khẽ vuốt ve bộ lông đẫm máu của nó rồi nhấc lên. Chân nó bị thương cũng như chân con gái gã. Con chim nằm run rẩy trong bàn tay gã thợ săn. “Chim ơi, tao hiểu hoàn cảnh của mày. Tao không ăn thịt mày nữa nhưng tao bắt mày về sống với tao. Tao đang cô đơn cần có bầu bạn. Mày sẽ trở thành bạn của tao”. “Cám ơn ông. Vậy ông hãy tới tảng đá kia có một bụi cây lá mầu tím nhạt, vặt vài cái lá bỏ vào miệng nhai nhỏ rồi đắp vào vết thương cho tôi. Chỉ một hai lần là vết thương tôi lành ngay”. Gã thợ săn ngoan ngoãn làm theo lời con chim.

 Gã thợ săn ôm con chim về lều. Ngày ngày gã đi bắt những con thú nhỏ như chuột, sóc, thỏ con và cả rắn nữa đem về lều nướng rồi hai thầy trò cùng ăn. Ngày tháng lần hồi trôi qua. Lúc nào buồn rầu nhớ tới cuộc sống “ngày xưa”, gã lại ngồi bên lồng chim nghe chim hót véo von là gã quên tất cả, có chăng chỉ còn vướng mắc chút xíu tới đứa con gái nhỏ mà thôi. Cuộc sống hoang dã rừng rú đã trở thành thân quen rồi. Gã rất bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Gã nghĩ lại những ngày tháng cũ, tại sao ta lại cứ bị ràng buộc với những luật lệ vô hình, với những bầy đặt lễ nghi, phép tắc, tục lệ?. Nó trói tròn ta lại đến nỗi ta không còn là ta, ta không còn được sống cho mình nữa. Nghĩ cho cùng thật bất hạnh cho con người thời đại này. Càng văn minh con người càng bị hành hạ, càng bị siết dần cho hết kiếp sống trong cái giây thòng lọng tròng ngay cổ tới lúc nhắm mắt lìa đời cũng vẫn chưa thoát. Gã nghĩ tới đứa con gái, làm sao tìm được nó và đưa nó lên đây sống đời sống thiên nhiên như gã và con chim nhỉ. Bây giờ gã thò đầu ra khỏi rừng là chúng nó tóm cổ bắt nhốt bỏ tù liền. Đôi khi gã mơ mộng lúc hết bão tuyết rồi gã thay hình đổi dạng đưa chim về thành phố biểu diễn lấy tiền sống. Nay đây mai đó đi biểu diễn khắp nơi sẽ có ngày tìm ra con gái gã thôi, nếu nó còn sống. Lâu lắm mới thấy đôi môi rạn nứt thâm sì của gã khẽ hé nụ cười.

 Mấy hôm nay bão tuyết khác hẳn mọi năm, nổi lên khủng khiếp quá và kéo dài như vô tận. Tuyết ngập gần nửa căn lều của gã. Con chim nhốt trong lồng phủ mấy lớp vải cũ mà vẫn cứ run lên cầm cập. Thực phẩm dự trữ trong lều đã hết từ hai ngày nay. Cả hai thầy trò đói meo, phải ngậm những cục tuyết cho đỡ khát và đánh lừa cái dạ dầy. Con chim không còn cất tiếng hát như mọi khi nữa. Nó nằm sóng soài hai mắt nhắm nghiền. Không biết nó ngủ hay thức Chắc cái đói đang xé ruột gan nó cũng như gã. Đã mấy lần gã mở cửa lều để phiêu lưu ra ngoài mong may ra kiếm được cái gì bỏ vào miệng. Nhưng những cơn bão tuyết ào ào tràn tới mang theo cái lạnh, cá giá buốt làm gã muốn chết, làm gã thối chí chui vào lều đóng cửa lại ngay. Có lẽ con chim biết gã đang làm gì. Nó nói: “Vô ích thôi ông ạ, chúng ta đành ngoan ngoãn chờ cái chết mang đi ”. Nghe chim nói, gã chợt lóe lên một ý nghĩ: tại sao ta không giết con chim này ăn tạm đợi chờ một hai ngày may ra… Gã đưa mắt soi mói ( và cả thèm thuồng) nhìn con chim. Có lẽ con chim hiểu, nó nhắm mắt lại xòe rộng hai cánh ra. Nó nói như thầm thì rên rỉ: “Tôi van ông đừng nghĩ tới việc ăn thịt tôi”. Còn gã thợ săn thì tính toán, nếu giết nó lấy ai làm bầu bạn trong lúc nguy nan khốn cùng này. Ít ra nó cũng là kẻ đồng hành với mình từ lâu. Nhưng mình đói quá biết làm sao đây?. Gã nói với con chim: “Chẳng lẽ hai đứa mình đành chịu chết sao? Thôi tao thả mày ra cho mày bay đi, biết đâu chẳng có cơ hội thoát khỏi nơi này để sống?”. Con chim có vẻ suy nghĩ rồi nói: “ Trời đất thời tiết bão bùng lạnh buốt thế kia tôi có ra ngoài cũng chết thôi. Hơn nữa tôi không đủ can đảm để ông ở lại đây một mình. Dù sao chúng ta cũng gắn bó đời sống với nhau lâu rồi. Thà rằng cùng chết”. Gã thợ săn cảm động về những lời lẽ của con chim lắm. Người và vật hòa hợp như một.

 Cơn đói và lạnh buốt ngày càng gia tăng như bất tận. Ngoài trời tuyết bão tiếp tục rít lên những cơn rợn người. Gã thợ săn nằm bẹp dí góc lều thoi thóp thở. Còn con chim không cựa quậy nữa như chết rồi. Cả bầu không khí chết chóc thê thảm bao chùm căn lều nhỏ.

 Đã 10 ngày trôi qua, người đói, chim đói rũ liệt chỉ còn nằm chờ chết. Ngậm những viên tuyết vào mồm để cầm cự sự sống nhưng nó lạnh quá và giờ trở nên vô tích sự rồi. Giữa lúc chập chờn giũa sự sống và chết, trong đầu óc gã thợ săn dĩ vãng và hiện tại như cứ chồm lên cấu xé đầu óc gã. Gã không thể chịu đựng sự hành hạ tinh thần này nữa rồi còn thể sác cũng không kém. Chỉ còn cái chết là giải quyết được tất cả. Bỗng trong đầu gã lại lóe lên như một tia sáng rọi vào cái dạ dầy tăm tối của gã lần nữa: Ồ tại sao ta không giết chết con chim kia làm thịt ăn, sống cầm cự ít ra cũng được đôi ba ngày. Nhưng, như những lần trước, gã vội gạt bỏ ý nghĩ tồi tệ này ngay. Dù sao con chim cũng là bạn tri kỷ của gã bao ngày tháng qua. Gã nỡ lòng nào thịt nó khác gì như thịt đứa con của gã. Con chim hiểu ý nghĩ trong đầu của gã nhưng lần này... Nó nói: “Ông nghĩ đúng đấy. Ông ăn thịt tôi đi để sống cầm hơi. Chỉ vài ngày nữa bão tuyết sẽ ngưng tàn phá, ông sẽ sống. Còn tôi, tôi biết mình không đủ sức cầm cự tới ngày đó nữa. Nếu tôi và ông cùng chết chẳng ích gì mà tôi đằng nào cũng chết đến nơi rồi. Vậy ông hãy bình tĩnh lấy can đảm giết chết tôi đi ăn thịt. Ít ra cái chết của tôi cũng giúp ích được cho ông. Ông hãy ra tay đi kẻo muộn quá thân sác tôi sẽ thối nát ông không ăn được nữa đâu. Ông ơi, tay ông đã nhúng máu một lần rồi, thêm lần này nữa có sao!”. “Nhưng lần trước tay tao nhúng máu vì hận thù. Còn lần này, tao với mày là bạn, lại có ân tình. Tao không đủ can đảm nhẫn tâm ”. “Nhưng cái chết của tôi hữu ích cho ông”. Gã thợ săn nghe chim nói, ứa nước mắt: “Chim ơi, tao thương mày lắm. Tao không thể giết chết mày ăn thịt đâu. ”. Chim nói như khóc: “Tôi van ông. Tôi lạy ông. Hãy giết tôi đi. Tôi đằng nào cũng chết. Đừng để cái chết của tôi phí phạm vô ích. Tôi van ông, tôi lạy ông. Ông sống còn có ích cho đời hơn tôi. Thời đại này người ta không còn muốn nghe tiếng chim ca hót nữa! Người ta chỉ muốn săn bắt nó ăn thịt”. Gã thợ săn đưa tay gạt nước mắt. Gã còn đứa con gái đang sống bơ vơ lạc lõng giữa chợ đời không cha không mẹ không tình thương. Gã chết làm sao nhắm mắt đây. Chim ơi, tao thương mày lắm, làm sao tao có đủ can đảm giết mày ăn thịt.

 Lại một ngày đêm trôi qua trong bão tuyết phũ phàng tàn nhẫn. Ngoài trời bão tuyết trong lòng con người và con chim nơi căn lều nhỏ giữa chốn rừng hoang cũng đang nổi lên bão tuyết và cái chết đang đe dọa họ từng giây từng phút. Buổi tối hôm đó trời tối đen như mực và bão tuyết vẫn như trời long đất lở. Gã thợ săn ngồi bó gối trong lều hết nhìn con chim rồi nhìn chỗ khác, đôi mắt hắn đỏ ngầu, đôi khi như liếc nhìn trộm con chim, rồi bất thần gã thu hết sức tàn lực kiệt vùng đứng dậy, mở cửa lều cắm đầu chạy thục mạng ra ngoài miệng kêu to thảm thiết:“Trời ơi sao khổ thân tôi thế này! Sao tôi đến nông nỗi này. Sao tôi có ý nghĩ tệ hại khốn nạn thế này”. Khi gã thợ săn vừa mở cửa lều bước ra thì con chim trong lồng như chợt tỉnh cơn mê cũng hét to: “Trời ơi là trời! Ông bạn người yêu quý của tôi ơi, tôi đang tìm cách cắn lưỡi cho chết đây. Ông yên tâm, tôi muốn vậy. Ông hãy quay trở lại mau mau ăn thịt tôi đi để mà sống! Con gái ông đang sống ngóng chờ trông đợi ông từng phút từng ngày đấy ”.

 

THANH THƯƠNG HOÀNG  ( SAN JOSE 9.5. 2014 ) 
24 Tháng Mười Một 2014(Xem: 13134)
Trong giai đoạn sau 1963, một sự kiện nữa cũng không thể bỏ qua: là vai trò của Phật giáo bỗng nổi bật hẳn lên trong đời sống của xã hội Miền Nam.
20 Tháng Mười Một 2014(Xem: 11724)
Nguyễn Hưng Quốc VOA 17.11.2014 Trong một cuộc tán gẫu về văn học quanh một bàn nhậu ở Việt Nam, dịp tôi về thăm nhà vào cuối năm 2000, một người nghe đâu cũng làm thơ hỏi tôi: "Nghe nói hình như anh có viết một cuốn sách về Võ Phiến?"
16 Tháng Mười Một 2014(Xem: 11556)
Sau hơn ba mươi năm nghề thầy thuốc ông ta về hưu ở tuổi 69. Ông ở nhà lo cơm nước cho vợ. Chiều, vợ đi làm về, có sẵn một bữa cơm sốt canh nóng cho hai vợ chồng là tình nghĩa biết chừng nào. Đó là ước mơ và cũng là triết lý sống cuối đời của ông. Với ông, cái khó không phải là kỹ thuật nấu nướng, mà là ‘chất liệu’.
09 Tháng Mười Một 2014(Xem: 12078)
Lời Phi Lộ: Trong hơn 1 tháng nay kênh truyền thông CNN hằng ngày làm sống lại nước Mỹ trong “Những Năm Sáu Mươi”của thế kỷ trước qua cuốn phim“The Sixties”. Những biến động của xã hội Mỹ vào thời khoản này đều được lồng trong khung cảnh của“Chiến Tranh Việt Nam”-VietNam War
06 Tháng Mười Một 2014(Xem: 11850)
Sau bốn mươi năm lưu vong ở hải ngoại, bây giờ cũng chưa phải là muộn để tập thể người Việt tỵ nạn chúng ta ngỏ lời tri ân sâu sắc đến các quốc gia đã và đang bao dung người Việt tỵ nạn trong suốt hơn 4 thập niên qua: Úc, Mỹ, Pháp, Canada, Đức
30 Tháng Mười 2014(Xem: 13850)
02 Tháng Mười 2014(Xem: 14981)
E.E - Emprunt Empreinte - Mượn Dấu Thời Gian Nếu như những ánh sao băng có xẹt ngang bầu trời và để lại chút dấu thời gian....
18 Tháng Chín 2014(Xem: 11025)
Nơi O ở là nơi ta chưa đến O bảo rằng có tuyết trắng mùa đông Và mùa hạ nắng vàng hôn hoa lá
08 Tháng Chín 2014(Xem: 11625)
Nữ đạo diễn trẻ Hoàng Điệp của Việt Nam chia sẻ niềm vui và cả những gian nan sau khi bộ phim đầu tay của chị "Đập cánh giữa không trung" đoạt được giải thưởng Phim hay nhất ở Liên hoan Phim quốc tế Venice.
26 Tháng Tám 2014(Xem: 10861)
DUYÊN QUAN HỌ TRONG CÂU HÁT HỘI LIM
21 Tháng Tám 2014(Xem: 11486)
Ở tuổi 89, tác giả của ca khúc nổi tiếng "Dư âm" sống nghèo túng, bệnh tật và cô đơn trong căn nhà nhỏ giữa lòng Sài Gòn.
13 Tháng Tám 2014(Xem: 10750)
Vì sao văn học Việt Nam vẫn không có những tác phẩm lớn? Đó là câu hỏi đã nhiều lần được đưa ra thảo luận trong những năm gần đây. Chưa nói đến những tác phẩm có tác động mạnh đến thế giới hoặc được thế giới biết đến nhiều, . . .
29 Tháng Bảy 2014(Xem: 11557)
Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết. Tôi hơn em sáu tuổi. Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẩm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc.
23 Tháng Bảy 2014(Xem: 10756)
Kính thưa anh chị em bằng hữu bốn phương. Sáu mươi năm về trước, đêm Genève cắt đôi nước Việt ở sông Bến Hải, ngoại trưởng quốc gia Việt Nam đã từ chối ký kết hiệp định và ngồi khóc cho một Việt Nam phân chia Nam Bắc. Tại miền Bắc tiểu bang California, chúng tôi đã trải qua một đêm chan chưa ân tình.
06 Tháng Bảy 2014(Xem: 11108)
Anh Nguyễn-Xuân Hoàng bệnh từ hơn một năm qua. Tôi quen anh Hoàng không qua văn học mà qua làng báo hải ngoại. Tuy nhiên giáo sư Nguyễn-Xuân Hoàng đã là một cái tên quen thuộc từ những năm tôi học trung học đệ nhị cấp, tức cấp ba ngày nay, ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1970.
29 Tháng Sáu 2014(Xem: 12014)
Suốt mấy tuần qua, tin tức về bão lụt miền Trung bị tin về cái chết của tướng Võ Nguyên Giáp đè nén. Các bản tin về bão lụt miền Trung đi tin các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế đang đối diện với những cơn lũ quét mạnh mẽ sắp tràn xuống những khu vực hạ nguồn sau khi cơn bão rút đi. Mưa tích nước trên thượng nguồn các con sông lớn sẽ tràn bất ngờ gây lũ quét và đây là nguyên nhân gây thương vong và thiệt hại tài sản lớn cho người dân hơn chính cơn bão trực tiếp gây ra.
23 Tháng Ba 2014(Xem: 10907)
Nhân dịp năm Việt-Pháp 2014, tại Paris đang diễn ra cuộc triển lãm ảnh đặc biệt mang tên « Objectif Việt Nam. Ảnh của Trường Viễn Đông Bác cổ ».
06 Tháng Ba 2014(Xem: 11490)
Văn đoàn Độc lập VN được dự kiến là một tổ chức xã hội dân sự độc lập, ái hữu. Một tổ chức xã hội dân sự mới thuộc lĩnh vực văn học với tên gọi ‘Bấm Văn đoàn độc lập Việt Nam’ vừa được tuyên bố vận động thành lập.