Brazil: Lula thăm TQ và tham vọng “cân bằng địa chính trị thế giới”

20 Tháng Tư 20239:10 SA(Xem: 6414)

VĂN HÓA ONLINE – THẾ GIỚI HÔM NAY – THỨ NĂM 20 APRIL 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Brazil: Lula thăm Trung Quốc và tham vọng “cân bằng địa chính trị thế giới”


20/04/2023


image004Tổng thống Brazil Lula da Silva (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước tòa nhà Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 14/04/2023. Via REUTERS - HANDOUT


Tổng thống Brazil Lula Da Silva đã có chuyến công du ba ngày tại Trung Quốc từ ngày 12 đến ngày 14/04/2023. Tại đây, ông kêu gọi từ bỏ dùng đồng đô la trong trao đổi mậu dịch quốc tế, hợp tác hình thành một thế cân bằng mới về địa chính trị thế giới: Hướng đến một trật tự thế giới đa cực hơn. Nhiều nhà quan sát nhận định: Đây là một thông điệp chính trị gởi đến Mỹ và các nước phương Tây.


Tổng thống Brazil Lula da Silva (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước tòa nhà Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 14/04/2023. Via REUTERS - HANDOUT


“Brazil is back!”

image007

« Thời kỳ Brazil vắng mặt trong các quyết định lớn của thế giới đã qua. Brazil đã trở lại đấu trường quốc tế sau một thời gian vắng bóng khó hiểu. » Tổng thống Lula da Silva đã có phát biểu như trên tại lễ nhậm chức của bà Dilma Rousseff – đồng minh chính trị của ông – với tư cách là chủ tịch Ngân hàng Phát triển Mới BRICS (BRICS New Development Bank – NDB).


Sau Achentina, Uruguay (tháng Giêng 2023), rồi Mỹ (trung tuần tháng 2/2023), chuyến thăm Trung Quốc trung tuần tháng Ba và sắp tới là châu Âu, cho thấy một ý đồ rất rõ của tổng thống Lula : Đưa Brazil trở lại vị thế một cường quốc lớn hay chí ít cũng là một cường quốc khu vực, theo như phân tích từ nhà sử học Anais Flechet, chuyên gia về Brazil, trường đại học Paris – Saclay với tuần báo Pháp Marianne. Một vị thế mà Lula đã dầy công gầy dựng trong suốt hai nhiệm kỳ đầu từ năm 2003-2011, khi tự cho mình vai trò đầu tầu của chủ nghĩa đa văn hóa.


Tuy nhiên, Brazil trở lại đấu trường quốc tế trong một bối cảnh đặc biệt: Thế giới vừa thoát ba năm đại dịch Covid-19 và chiến tranh bùng nổ tại châu Âu vì cuộc chiến xâm lược Ukraina do Nga tiến hành, gây bất ổn kinh tế toàn cầu. Xung đột Ukraina làm lộ rõ cách biệt lớn giữa phương Tây và các nước mới trỗi dậy, những nước chủ trương phi liên kết mà Brazil của Lula da Silva muốn thể hiện là một quốc gia đi đầu.  


Trong suốt chuyến công du Trung Quốc ba ngày, nguyên thủ Brazil luôn nhắc đến việc hình thành một « thế cân bằng mới về địa chính trị thế giới ». Đến thăm trụ sở tập đoàn viễn thông Hoa Vi, đối tượng bị Mỹ trừng phạt, Lula thách thức Hoa Kỳ khi khẳng định chuyến thăm này là để chứng tỏ với thế giới rằng « Brazil chẳng chút thiên vị trong quan hệ với Trung Quốc và không ai có thể ngăn cản Brazil cải thiện quan hệ với Bắc Kinh ».


Trao đổi mậu dịch bằng RMB, Lula thách thức Mỹ


Tại Thượng Hải, nguyên thủ Brazil kêu gọi nhóm BRICS – nhóm quốc gia đang trỗi dậy gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – nên hình thành một đồng tiền mới thay thế cho đô la trong trao đổi mậu dịch giữa các nước trong nhóm. Trong khi chờ đợi, Brazil và Trung Quốc ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế - thương mại sử dụng đồng nhân dân tệ và real.


Đối với nhà nghiên cứu về châu Mỹ Latinh, Christophe Ventura, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), những phát biểu này của ông Lula còn là một thông điệp gởi đến Mỹ. Trên đài phát thanh France Inter ông giải thích :


« Đây là một sự kiện, một yếu tố thêm cho thấy có một hình thức đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế cũng như là địa chính trị của các nước phương Nam. Trong một hình thức nào đó, họ mong muốn thoát khỏi những hệ thống do Mỹ độc quyền thống trị, các hệ thống tài chính quốc tế để hình thành một công cụ khác cho chính những nước đó và trong ngắn hạn cho phép họ bỏ qua được đồng đô la. Và điều đó có thể giúp những nước này kiểm soát được các mức phí giao dịch tài chính trong thương mại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tước mất một chút sức mạnh mà Mỹ có được cùng với sức mạnh quân sự : Đó là sức mạnh tài chính của đồng đô la. »


Trong cuộc gặp ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Quốc Hội), tổng thống Lula không quên nhắc đến một thế địa chính trị mới « nhằm thay đổi quản trị toàn cầu khi mở rộng thêm nhiều đại diện hơn tại Liên Hiệp Quốc ».


Trong những năm 2000, Brazil cùng với Nhật Bản, Ấn Độ và Đức hay còn gọi là Nhóm bốn nước (G4) không ngừng vận động đòi mở rộng thêm số thành viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nhưng mong muốn này luôn vấp phải thái độ thụ động của P5, tức năm nước thành viên thường trực hiện tại là Anh, Nga, Pháp, Mỹ và Trung Quốc.


Hòa bình cho Ukraina và thế chông chênh của Lula


Đến thăm Bắc Kinh, vị tổng thống Brazil 77 tuổi này còn muốn khoác lên vai chiếc áo « người kiến tạo hòa bình » cho cuộc xung đột Ukraina khi đưa ra dự án thành lập một « câu lạc bộ hòa bình », quy tụ các nước không theo phe nào trong cuộc chiến tranh đẫm máu này như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi... Quả thật, kể từ đầu cuộc xung đột, Brazil thời tổng thống Bolsonaro đã chọn thế trung lập. Đường hướng này vẫn được Lula tiếp tục duy trì.


Về điểm này, nhà nghiên cứu Christophe Ventura cho rằng Brazil có thể tận dụng vị thế là một trong số các nước hiếm hoi có mối quan hệ khá tốt với nhiều nước trên thế giới từ Mỹ, châu Âu, Pháp, Trung Quốc, Nga cho đến nhiều nước lớn khác tại châu Phi, Trung Đông… để xúc tiến các tiến trình quốc tế. Tuy nhiên, theo ông Ventura, hồ sơ Ukraina là một phương trình không dễ giải. Tính chất trung lập này của Brazil nói chung là rất chông chênh. Trên đài France Inter, ông phân tích:


« Đây là một phương trình vì các nước châu Mỹ Latinh có một truyền thống ngoại giao trung lập, không liên kết. Bởi vì lịch sử của những nước này luôn gắn liền với sự can thiệp của Mỹ và do vậy việc tôn trọng luật quốc tế, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia … đó là những điều mà những nước này yêu cầu để bảo vệ chính họ.


Thế nên, cuộc chiến xâm lược của Nga gây rắc rối cho Brazil. Bởi vì, trên thực tế, Nga đang thực hiện chính xác những gì mà châu Mỹ Latinh chỉ trích Hoa Kỳ, ít nhất là trong vùng ảnh hưởng của chính họ: Nga đã sử dụng vũ khí quân sự để xâm lược một quốc gia.


Điều này đã khiến Brazil khó xử. Thái độ này được thể hiện rõ qua việc lên án nhưng không áp dụng các biện pháp trừng phạt. Không trừng phạt là bởi vì các nước châu Mỹ Latinh không đủ khả năng trên bình diện kinh tế. Sau dịch bệnh gây ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử khu vực, Nga là một nguồn cung ứng quan trọng cho ngành nông nghiệp cho các nước châu Mỹ Latinh trên phương diện các đầu vào như phân bón chẳng hạn, tất cả những thứ gì làm nên nền kinh tế khu vực. Nếu không có nguồn cung ứng từ Nga, nền kinh tế sẽ điêu đứng. »


Tuần báo Pháp L’Express nêu rõ Matxcơva là nhà cung cấp phân bón hàng đầu cho « ông khổng lồ nông nghiệp » Nam Mỹ này. Khoảng 25% các loại hóa chất như nitrate, phosphate, và nhiều thành tố khác để dùng làm phân bón cho nông nghiệp đến từ Nga, cho phép Brazil có thể trở thành một trong số các nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về đậu nành và thịt bò.


Thăm Bắc Kinh, Lula kích thích sự ganh đua Mỹ - Trung?


Chính trong bối cảnh này, Brazil cũng như một số nước trong khu vực đã từ chối cung cấp vũ khí, đạn dược cho Ukraina. Đây chính là những gì đã xảy ra đối với thủ tướng Đức Olaf Scholz khi ông đến thăm Brazil hồi tháng Giêng năm 2023. Brasilia cùng nhiều thủ đô Nam Mỹ lập luận rằng việc không áp dụng biện pháp trừng phạt, cũng như không hỗ trợ vũ khí cho Ukraina có thể giúp những nước này có một vai trò cho các cuộc đàm phán trung gian hòa giải. Do vậy, theo ông Lula các bên có can dự vào cuộc chiến đều không có tính chính đáng để tham gia vào tiến trình này.  


Theo một số nhà quan sát, những tuyên bố hùng hồn của ông Lula tại Trung Quốc, khi chỉ trích Hoa Kỳ có trách nhiệm trong cuộc xung đột, thừa nhận Trung Quốc có một vai trò quan trọng cho hòa bình Ukraina và khi khẳng định quyền tự chọn đối tác quan hệ của Brazil, tổng thống Lula cũng như nhiều nhà lãnh đạo tại Nam Mỹ còn muốn đưa ra một thông điệp khác, theo như nhận xét của nhà nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS, Christophe Ventura.


« Kể từ giờ các cường quốc phương Tây không là bên ấn định lịch trình cũng như quyết định ai thiện ai ác. Brazil cũng như các nước Nam Mỹ giờ cũng là một vế của phương trình, và các nước này sẽ đóng một vai trò trong việc giải quyết các hồ sơ quốc tế theo quan điểm của họ, từ các lợi ích của họ, đôi khi có thể đồng nhất với những nước khác nhưng không đi theo các lợi ích của phương Tây ».


Trong cách nhìn này, nhà sử học Anais Flechet cho rằng đó còn là một đòn chiến lược của ông Lula: Làm gia tăng sự ganh đua giữa Mỹ và Trung Quốc, khi cùng lúc đến gõ cửa hai ông khổng lồ. Nguyên thủ Brazil tìm cách duy trì thế cân bằng thực dụng giữa Washington và Bắc Kinh.


Tổng thống Lula tỏ ra thất vọng về chuyến đi thăm Mỹ khi không gặt hái gì được nhiều ngoài việc tổng thống Biden hứa hẹn hỗ trợ 50 triệu đô la để chống biến đổi khí hậu, một khoản tiền mà nguyên thủ Brazil đánh giá là khá ít ỏi. Nắm bắt được nỗi lo của Washington trước đà tiến mạnh mẽ của Bắc Kinh tại Nam Mỹ, chính quyền Lula muốn chơi lá bài « ăn nhịp » với Trung Quốc, vừa để dọa Mỹ và để kích thích đầu tư.


Thấu hiểu nỗi thất vọng của đối tác chiến lược (như cách gọi trong thông cáo chung), Bắc Kinh đã trịnh trọng trải thảm đỏ đón lãnh đạo cường quốc Nam Mỹ, và xem ông như là một bên đối thoại không thể thiếu của khối được gọi là Nam Bán Cầu. Sự trọng thị này còn được Bắc Kinh thể hiện rõ qua việc cử ông Vương Kỳ Sơn, phó chủ tịch Trung Quốc, một nhân vật thân cận của Tập Cận Bình dẫn đầu một phái đoàn đến dự lễ nhậm chức của Lula da Silva, trong khi trưởng đoàn phía Mỹ là bộ trưởng Nội Vụ Deb Haaland.
24 Tháng Mười Một 2024(Xem: 360)