Fansipan
DR
Thụy My
Vào ngày 02/11/2013 dự án cáp treo từ Sa Pa đến thung lũng Mường Hoa và lên đỉnh Fansipan, đỉnh núi cao nhất Đông Dương đã được khởi công với số vốn 4.400 tỉ đồng Việt Nam, tương đương khoảng 208 triệu đô la Mỹ.
Buổi lễ có sự tham dự của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, và theo chủ đầu tư là công ty Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan-Sapa thuộc tập đoàn Sun Group, thì đây là hệ thống cáp treo ba dây « dài nhất, cao nhất, phức tạp nhất thế giới » lần đầu tiên có tại Châu Á. Song song với hệ thống cáp treo là « khu nghỉ dưỡng cao cấp » gồm khách sạn 4-5 sao, khu vui chơi, mua sắm, sân gôn v.v…
Tin bất ngờ này đã gây choáng váng cho những người làm du lịch, sợ rằng đây sẽ là thảm họa cho du lịch bền vững tại một trong những môi trường sinh thái độc đáo hiếm hoi còn sót lại ở nơi được mệnh danh là « Nóc nhà Đông Dương ».
RFI Việt ngữ đã trao đổi về sự kiện này với ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty dã ngoại Lửa Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh.
RFI : Thân chào ông Nguyễn Văn Mỹ, chắc ông có biết tin về dự án cáp treo Sa Pa ?
Ông Nguyễn Văn Mỹ : Có thể nói là còn hơn cả bất ngờ. Thứ Sáu tuần rồi tôi tình cờ đi ngang bàn làm việc của một em nhân viên, thấy em ấy đang đọc tin về Fansipan. Tôi không biết đã chính thức hay chưa, nhưng tối đó về nhà kiểm tra lại, tôi không tin được và có thể nói là bị sốc thật sự - phải dùng từ là « choáng váng ». Chưa có sự kiện nào ám ảnh tôi như thế, và tôi hoàn toàn không tài nào hiểu được.
Bởi vì trước đây tôi có nghe đồn phong phanh là Fansipan sẽ có cáp treo, mình cũng tưởng là thiên hạ « ngứa miệng đồn chơi » vì ở Việt Nam thì chỗ nào chẳng làm cáp treo – thích là làm, chẳng có quy hoạch gì cả. Tôi tin rằng lãnh đạo ngành du lịch và kể cả những nhà khoa học sẽ bảo vệ Fansipan.
Nhưng bây giờ thì cái chuyện còn hơn cả « Những người thích đùa » là dự án cáp treo đã được tỉnh Lào Cai phê duyệt. Mà tôi càng bị sốc hơn nữa khi biết đây là một dự án không chỉ có cáp treo mà còn cả một khu liên hợp gồm có sân gôn 18 lỗ, các resort cao cấp và nhiều khu vui chơi giải trí khác. Dự án này được triển khai ngay tại núi Fansipan là ngọn núi cao nhất Đông Dương hiện nay, và nằm ngay tại Vườn quốc gia Hoàng Liên. Không có một chính phủ nào lại triển khai một dự án du lịch tầm cỡ trong Vườn quốc gia như vậy.
Ở đây không bàn tới chuyện « bị ảnh hưởng », mà chắc chắn khi triển khai xong, Vườn quốc gia và cảnh quan của Fansipan sẽ bị phá vỡ, hoàn toàn bị xóa sổ. Anh em chúng tôi khi nghe tin như vậy đã gọi điện cho nhau, vò đầu bứt tai và thảng thốt kêu lên rằng : « Thôi rồi, Fansipan ! »
RFI : Công ty ông đã từng tổ chức du lịch đến đây chưa và ông nhận xét khu này như thế nào ?
Một trong những tiêu chí rèn luyện của nhân viên Lửa Việt khi vào làm trong công ty là tất cả phải leo lên đỉnh Fansipan. Tự thân tôi có đưa một đoàn 63 người, có cả người nước ngoài leo lên đó, phải nói là vất vả. Cảnh quan còn hơn cả tuyệt vời !
Có mấy đặc trưng : Fansipan trời rất lạnh. Ở Sa Pa thì lạnh quanh năm, nhưng lên Fansipan thì còn lạnh hơn nữa. Các mỏm núi trên đó rất hẹp, kể cả trên đỉnh Fansipan cũng không có cũng không có những bãi đất trống mênh mông rộng cả hecta. Thứ hai là rừng chập chùng - có những khu rừng đã bị phá. Đặc biệt trong Vườn quốc gia Hoàng Liên có những vườn chè cổ thụ ước tính đã hàng ngàn năm tuổi.
Có rất nhiều loại kỳ hoa dị thảo, đặc biệt là nhiều loại côn trùng. Hôm trước chúng tôi đi, tôi chưa bao giờ trông thấy con giun nào như ở đó - to bằng cỡ ngón tay cái, dài chừng nửa mét, tôi tưởng là con rắn chứ ! Hoặc con nòng nọc to bằng ngón tay, mình tưởng là con cá thòi lòi như ở miền Tây. Rất nhiều điều ngạc nhiên !
Chương trình đó nằm trong chương trình huấn luyện của Lửa Việt. Sau khi các em hoàn tất chương trình cực kỳ vất vả này, khi làm bài thu hoạch thì các em nói một câu thế này : Mình giỏi hơn mình tưởng rất nhiều. Và các em bảo khi vượt qua được Fansipan thì không có việc gì trên đời này không thể vượt qua.
Như vậy đó là một địa điểm outdoor training cực kỳ lý tưởng, không ở đâu có như thế cả. Khí hậu rất thuận tiện, cảnh quan môi trường còn giữ được, đó là điểm thu hút không chỉ lớp trẻ mà cả những người thích thử thách, rèn luyện. Bởi vì đó là nơi rèn ý chí, bản lĩnh, nghị lực, tinh thần đồng đội và nhiều thứ khác, không cần một trường huấn luyện nào. Nếu bây giờ làm cáp treo thì chả ai đi khi trên đầu mình người ta lố nhố, sức đâu mà mình leo. Rồi có người còn lý giải rằng cáp treo chỉ lên tới 2.800 m thôi, từ đó sẽ « bò » lên 3.100 m.
Xin thưa rằng leo núi chứ không phải ngồi mà tán phét theo kiểu « đi tắt đón đầu » - vì « đi tắt đón đầu » cho nên đất nước mới như thế này đây, chứ đi đàng hoàng thì đâu đến nỗi ! Và leo núi thì phải leo từ dưới đất, làm quen với những thử thách và thay đổi nhiệt độ cũng như áp suất không khí, chứ bây giờ tự nhiên một phát leo lên đỉnh là phi lý.
Một điểm nữa, tôi không tài nào tưởng tượng được - những người đã từng lên Fansipan bảo đảm đều có cách nghĩ như tôi – cáp treo đó công suất mỗi giờ hai nghìn khách. Như vậy mỗi ngày có thể vận tải được hai chục ngàn khách, trong khi một ngàn khách là đã không có chỗ chứa rồi ! Như vậy họ sẽ phải phá rừng dựng cáp, phá rừng để dựng những nhà này nhà kia. Chuyện đó thì tôi nhắc lại, về mặt luật pháp họ vi phạm những quy định về Vườn quốc gia, về bảo vệ thiên nhiên rồi.
Càng suy nghĩ càng bức xúc, càng thấy khó hiểu vì sao một dự án lớn như vậy lại không hỏi ai một tiếng, đùng một phát đặt mọi người vào chuyện đã rồi.
Nhà đầu tư lý giải rằng nhờ công trình này lượng khách sẽ tăng lên. Chủ đầu tư công trình này là công ty cáp treo Fansipan-Sapa mà công ty mẹ đã làm cáp treo Bà Nà, và các quan chức viện dẫn rằng nhờ cáp treo mà Bà Nà tăng được 30% khách mỗi năm. Tôi xin lấy sinh mạng ra mà cá là năm năm tới, hậu quả của Bà Nà hiện nay là nhãn tiền.
RFI : Vì sao, thưa ông ?
Có mấy điểm. Thứ nhất, hiện nay khách Tây không lên Bà Nà, họ đi Bạch Mã, mặc dù Bà Nà hồi xưa là một điểm nghỉ dưỡng lý tưởng cực kỳ của họ. Thứ hai, khách lên Bà Nà đông là vì người ta tò mò. Lên xong người ta thấy ngột ngạt bê tông, vì diện tích của Bà Nà cũng hẹp, cho nên khi về họ thất vọng. Tôi nghĩ người ta không lên Bà Nà lần thứ hai đâu. Như vậy có thể vài năm đầu vì tò mò lượng khách sẽ tăng, nhưng cái giá phải trả về lâu dài thì nhãn tiền.
Tiếp theo, ở Đà Nẵng khí hậu nóng, người ta lên Bà Nà cho mát mát một chút thì còn được. Tôi đã lên Bà Nà hàng chục lần, gần đây là năm ngoái. Khách ai muốn đi thì đưa đi nhưng lên đó làm chi, chẳng có gì đặc sắc cả, vui chơi thì có khi ở thành phố còn gần gũi hơn. Tôi cứ tiếc nuối phong cảnh của Bà Nà cách đây khoảng mười mấy năm khi còn hoang sơ, buổi tối ngủ trên đó nghe gió hú, nhìn về Đà Nẵng đẹp lắm ! Bây giờ xi măng, bê tông bít hết. Như vậy tôi xin nhắc lại, Bà Nà trước mắt chỉ có một số số liệu đánh lừa người ta chứ còn về lâu dài cảnh quan môi trường bị phá vỡ, sau này khách sẽ bỏ đi.
Với Sa Pa thì càng không tưởng bởi vì Sa Pa đã lạnh rồi, không ai lên trên Fansipan cho nó cóng lại cả. Năm 2012 khách lên Sa Pa gần một triệu, trong đó chỉ có 30% là khách nước ngoài thôi. Tỉ lệ nghịch tăng trưởng giữa khách trong và ngoài nước đã là một hồi chuông báo động : càng ngày cảnh quan thiên nhiên, chân quê mộc mạc của Sa Pa càng biến mất.
Cho nên khách Tây càng ít lên. Bây giờ nếu làm dự án này, tôi đảm bảo đó là một cách đuổi khách Tây, họ vốn thích thiên nhiên gần gũi.
Tại sao Hà Giang hiện nay là điểm nóng du lịch ? Mặc dù đường đi hiểm trở - chỉ có xe 16 chỗ mới đi được, dịch vụ thì thiếu thốn – chỉ có nhà nghỉ thôi chứ khách sạn chưa có, nhưng mà khách vẫn rất đông. Bởi vì đi về người ta nói với nhau, nhanh chân lên Hà Giang, vì mai mốt không khéo cảnh quan sẽ bị phá vỡ.
Lên Hà Giang bây giờ giống như lên Sa Pa 30 năm trước, giống như lên Đà Lạt cách đây 60 năm. Không khéo Sa Pa sẽ dẫm vào vết chân Đà Lạt, chỉ còn khách nội địa. Và khách nội địa thì lên rồi về, không ở lâu, họ không chi tiêu tiền như khách nước ngoài. Tại sao chúng ta không làm một cách làm khôn ngoan hơn ?
RFI : Ông đã đi nhiều nước, những nơi có cảnh quan tương tự họ tổ chức du lịch như thế nào ?
Tôi muốn dẫn chứng ngọn núi cao nhất Đông Nam Á là Kinabalu. Tôi cũng đã leo lên Kinabalu rồi, phải nói rằng họ làm quá sức đơn giản và tuyệt vời, mà hoàn toàn chúng ta có thể học được. Kinabalu chỉ cho phép mỗi ngày 120 người leo lên thôi, như vậy muốn leo thì phải đăng ký trước năm, bảy tháng, sắp hàng chờ lượt. Mà việc sắp hàng đó cũng làm tăng giá trị thương hiệu của Kinabalu lên.
Khi mình bắt đầu leo núi, họ kiểm tra sức khỏe lại – mặc dù mình có giấy chứng nhận nhưng họ vẫn kiểm tra. Dọc đường đi họ quy định rất là ngặt nghèo : vật dụng mang theo những gì, quy định hướng dẫn đi theo như thế nào, chỗ nào thì dừng để chụp ảnh, để đi vệ sinh…Có cả trực y tế, trực cứu hộ. Trạm nghỉ của họ đơn giản mà tiện nghi, có giường tầng, nệm ấm, có nước nóng, đồ ăn nóng. Và khi kết thúc thì họ trao cho mỗi người một giấy chứng nhận, huy hiệu cực kỳ trang trọng.
Dân du lịch chuyên nghiệp mang những thứ đó về như một niềm tự hào : mình đã chinh phục ngọn núi cao nhất Đông Nam Á. Mặc dù cảnh quan mỗi nơi có khác nhau nhưng tôi nghĩ rằng không phong phú và đa dạng như Fansipan. Họ chỉ đi có hai ngày một đêm thôi dù núi cao hơn.
Còn bên mình, bây giờ xem lại Fansipan : nhếch nhác, ai muốn đi bao nhiêu thì tùy hỉ. Có ngày không có ai, có ngày vài người, có ngày lên gần cả ngàn người. Nhà vệ sinh đâu có, toàn là « tự xử ». Rồi phải khiêng máy phát điện lên, đem bếp lên. Dọc đường mà có chuyện gì là chết giấc, khiêng xuống dưới mất cả ngày đường là chết queo rồi !
Đoàn tôi đi 63 người có 9 bác sĩ đi theo. Họ vừa đảm nhận khâu y tế, vừa như một thành viên để tham gia một đợt huấn luyện đặc biệt như thế luôn.
Tai nạn từng xảy ra rất nhiều ở Fansipan. Gần đây là một sinh viên tự đi và mất tích, đến bây giờ không tìm thấy được. Hỏi ra, chả ai biết. Vườn quốc gia mà vào không đăng ký, một Vườn quốc gia như vậy mà như đi chợ ai muốn vô, ra cũng chẳng biết được. Độ an toàn của đường đi cần phải làm kỹ hơn nữa, bảng chỉ đường thì có cái chỉ ngược lên trời chẳng ai sửa lại. Bản đồ lộ trình ở trạm dưới chân núi thì bạc phếch, anh em phải lấy bút Bic chú thích lại.
Thì tại sao mình không lo làm lại cho đàng hoàng. Vừa có thể sánh vai với Kinabalu như một điểm nhấn của cả Đông Dương về chương trình vượt qua chính mình, như một dấu ấn rèn luyện, thử thách bản thân ; thứ đến là phát triển du lịch bền vững được. Ở đó không cần sân gôn ! Nếu làm resort 4 – 5 sao nên dạt ra vùng khác của Sa Pa. Và quan trọng là làm sao đường bộ cho ngon lành, đường xe lửa cho an toàn.
Dĩ nhiên chúng ta không bỏ quên khách nội địa, nhưng hiện nay Sa Pa hút khách Tây thì mình nên làm sao giữ được nguồn khách này. Nếu không, với cách suy nghĩ giản đơn, thiển cận - và tôi nghi ngờ đằng sau dự án này có những vấn đề về lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm - thì xin thưa, du lịch Việt Nam cứ mãi mãi lẹt đẹt đứng đầu tốp cuối Đông Nam Á !
Malaysia họ đâu cần những kỷ lục như là cáp treo dài nhất, phức tạp nhất, hiện đại nhất ; nhưng du lịch của họ bền vững hơn, đứng đầu Đông Nam Á. Họ chỉ có ba di sản thế giới thôi, trong khi Việt Nam có mười bảy di sản thế giới. Nhưng lượng khách của Malaysia gần gấp năm lần, lợi nhuận từ du lịch gấp sáu lần của mình.
Là một người làm du lịch cũng lâu năm, có ít nhiều kinh nghiệm thực tiễn, gắn bó với nghề, tới giờ phút này tôi vẫn bàng hoàng. Không thể nào tưởng tượng được.
RFI : Chắc cũng có không ít người có cùng suy nghĩ với ông ?
Chiều nay tôi vừa dạy ở trường đại học Sư phạm, có một lớp chuyên về du lịch. Tôi hỏi các em điều gì quan tâm nhất, thì các em đều trả lời là dự án cáp treo. Hỏi các em nghĩ sao ? Mười phát biểu thì chỉ có hai em nghĩ là có cáp treo, lâu nay không đi được thì bây giờ mình cũng leo lên được, thế thôi. Chứ còn lại các em đều phản đối, mặc dù chưa có dịp đi nhiều.
Với tư cách là công dân, tôi có đề nghị Tổng cục Du lịch nên kiến nghị với Bộ Kế hoạch Đầu tư và Thủ tướng Chính phủ - chứ không là Phó thủ tướng nữa, vì đã lên trên đó dự khai trương rồi – xem xét lại dự án một cách nghiêm túc. Các hiệp hội du lịch cũng cần phải có tiếng nói, có trách nhiệm của mình.
Được đầu tư, phát triển thì ai chẳng mừng bởi vì mình đang nghèo, thiếu. Nhưng đầu tư thế nào, đầu tư chỗ nào, kẻo lợi bất cập hại. Tôi tin rằng với áp lực dư luận, cũng có thể dự án được xem xét lại.
Trước đây khi tôi đến Vườn quốc gia Cát Tiên, các anh ở ban quản lý cũng đang rất bức xúc vì dự án thủy điện 6A sẽ sử dụng một diện tích khá lớn của Vườn quốc gia. Khi đó các anh có đề nghị mỗi người một tiếng nói tác động để dừng dự án này lại. Trước áp lực của dư luận, của các nhà khoa học, dù đã bỏ ra một số tiền khá lớn nhưng dự án thủy điện Đồng Nai 6A buộc phải dừng lại theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo môi trường và phát triển sinh thái bền vững.
Tôi nghĩ rằng 6A (làm thiệt hại) một thì thảm họa của dự án khu liên hợp cáp treo rồi du lịch giải trí…ở Fansipan còn gấp ba, gấp bốn, chứ không dừng lại ở quy mô như thủy điện 6A sông Đồng Nai – chỉ gây tác hại một phần vườn quốc gia Cát Tiên.
RFI : Dạ nhưng 6A Đồng Nai chỉ mới là dự án, còn Sa Pa đã khởi công luôn rồi ?
Khởi công thì vẫn có thể dừng, muộn còn hơn không, thậm chí xây nửa chừng vẫn có thể ngưng lại ! Tôi cho rằng những nhà đầu tư và kể cả những người có trách nhiệm hết sức xem thường dư luận. Một dự án hoành tráng như vậy, tại sao không tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các đơn vị làm du lịch, các nhà quản lý những Vườn quốc gia ?
RFI : Chắc người ta chỉ quan tâm đến khía cạnh rút ngắn thời gian hai ngày đêm chinh phục Fansipan xuống còn 15 phút ?
Hoàn toàn không nên như thế ! Những người ủng hộ vì lâu nay họ không leo núi - có nhiều lý do : không chịu rèn luyện, không có sức khỏe, không muốn chịu thử thách…Họ muốn leo một phát lên núi thì thật ra chẳng có gì sai cả, nhưng nếu không leo được thì thôi, hoặc mình làm khinh khí cầu, hoặc trực thăng. Cho họ thuê trực thăng leo lên đỉnh, tuy mắc tiền một chút cũng được. Chứ còn phải giữ môi trường như thế và để còn có điểm nhấn cho loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch rèn luyện…
Cứ chỗ nào được được là làm cáp treo, thì bây giờ thanh niên còn chỗ nào để thử thách, để xả bớt calori, còn chỗ nào để tự hào với nhau là « tớ vừa lên Fansipan về » như một « idol » về ý chí, về nghị lực vượt qua chính mình. Nếu còn một điểm duy nhất mà dẹp mất thì còn đâu nữa.
Tôi đang băn khoăn là Đà Lạt bây giờ cũng có xe jeep lên tới nơi rồi. Bà Rá, rồi chỗ nào có núi…chưa kể tôi nghe nói trong dự án đó sẽ làm một « khu tâm linh ». Bây giờ chỗ nào cũng tâm linh, cũng ngoại cảm, dân càng ngày càng hoang mang.
RFI : Ở Việt Nam đã có những chỗ nào có cáp treo rồi thưa ông ?
Cáp treo thì hiện nay hầu như ở tất cả các núi, đầu tiên là ở Bà Đen. Đây là một phương tiện du lịch rất tốt, chẳng có gì sai cả nhưng cũng đừng lạm dụng quá. Trà Cú từ khi có cáp treo người ta không đi đường bộ nữa. Chúng tôi đi trở lại đường bộ, bị bỏ lâu quá lại phát sinh nhiều thứ khác, mà đó là con đường lên cũng rất đẹp.
Tôi không phản đối dự án cáp treo, nhưng không phải chỗ nào cũng làm, và riêng Vườn quốc gia thì không nên đụng tới. Không làm chùa gì trên đó hết, cứ để tự nhiên như hiện nay. Chỉ cần làm đường lại, đảm bảo các trạm cứu hộ, trạm y tế cho an toàn và tổ chức sao cho chu đáo. Có thể lấy tiền vé vào cửa mắc lên một chút cũng được nhưng phải chu đáo và an toàn chứ không thể bát nháo như hiện nay.
…Yên Tử có cáp treo, rồi bất cứ chỗ nào có độ cao là làm cáp treo. Người ta bảo văn hóa của người Việt bây giờ cứ một bước là leo lên xe – xe hơi rồi xe Honda, cứ hai bước là leo lên cáp treo. Không chịu đi bộ, không chịu rèn luyện. Như thế sẽ yếu về thể lực, hèn về ý chí và nhụt về tinh thần.
Và khi khởi công chắc chắn con đường sẽ không còn như cũ, việc leo núi sẽ giảm liền. Người ta sẽ đi leo chỗ khác, sắp hàng qua Malaysia leo. Ở đây nếu làm tốt tôi nghĩ mình sẽ không kém cạnh Kinabalu của Malaysia, và mấy ông quản lý Fansipan cũng nên đi qua bên đó một lần cho biết. Kinabalu còn làm du lịch biển rất hay, chúng tôi đi về tâm phục khẩu phục. Họ cũng là người Đông Nam Á và tiềm năng tự nhiên chưa chắc đã hơn mình, mà cách làm lại hơn hẳn.
Tự trong thâm tâm tôi vẫn có niềm tin là dự án này sẽ được xem xét lại, còn hỏi tại sao thì tôi không biết.
RFI : Tóm lại sau khi Đà Lạt không còn nên thơ như trước, Bà Nà không còn cái vẻ hoang sơ của nó, đến lượt Sa Pa có nguy cơ không còn du lịch bền vững nữa ?
Vừa rồi chúng tôi có đón một đoàn khách Hàn Quốc. Họ dùng một từ rất lạ là « du lịch cộng đồng », và đi tới đâu họ cũng chê. Họ bảo muốn tới những chỗ còn tự nhiên chứ không phải giả tạo, chỗ đó không được xâm hại thiên nhiên, không được hành hạ súc vật.
Chỗ tát mương bắt cá, họ bảo hồi xưa người ta đâu có tát bằng cái rổ nhựa, xô nhựa đâu. Họ đòi tát bằng dụng cụ hồi xưa, đi tìm mửa mật không có ! Quần áo mặc họ bảo không giống hồi xưa. Còn khách của mình thì sao cũng được, cho nó vui thôi.
Đi vô những chỗ có câu cá sấu, họ bảo chỗ này hành hạ súc vật nên không vô ! Những chỗ làm cao rắn rồi cao khỉ họ cũng không chịu vô. Mấy chỗ hát đờn ca tài tử, họ bảo cái này là diễn cho người ta coi. Kể cả du lịch mà họ gọi là homestay cũng thế, họ cần trải nghiệm tự nhiên, ở với người dân thật sự chứ không phải ở trong một cái nhà cho thuê.
Những điều này người làm du lịch phải suy nghĩ, có nhiều loại cho khách lựa chọn, có nhiều loại khách để mình chọn lựa, nhưng phải biết chọn cái nào chính.
Tôi xin nhắc lại, điều cần cho Sa Pa là đường xe lửa an toàn hơn – thỉnh thoảng nó vẫn trục trặc. Đường bộ vẫn chưa tốt, sân bay nếu chưa có được thì phải lo đường bộ và xe lửa. Sa Pa theo tôi biết điện đóm vẫn chập chờn - ở Việt Nam, ngay Sài Gòn này điện vẫn chập chờn. Nếu điện như thế và đường vẫn cà rịch cà tàng, tắc nghẽn, hỗn loạn thì đầu tư không thể phát huy hiệu quả được.
RFI : Chúng tôi xin rất cảm ơn ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty dã ngoại Lửa Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.