Vũ khí : Trọng tâm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt

16 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 13349)

RFI Thứ hai 02 Tháng Mười Hai 2013

 

image032

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (P) trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Phủ Chủ tịch, Hà Nội, 12/11/2013

REUTERS

Trọng Nghĩa

Quan hệ quốc phòng Nga-Việt đang rất khởi sắc trong thời gian ba năm gần đây, với hàng loạt hợp đồng của Việt Nam đặt mua vũ khí hiện đại của Nga trị giá hàng tỷ đô la. Dấu hiệu rõ rệt nhất về quan hệ gắn bó trở lại giữa Hà Nội và Mátxcơva là chuyến công du Việt Nam ngày 12/11/2013 vừa qua của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Dù không được quảng bá rầm rộ, việc tăng cường hợp tác quốc phòng Nga-Việt là trọng tâm chính của chuyến thăm, và hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận.

Trong bài phân tích đăng trên tạp san trên mạng The Diplomat ngày 26/11 mang tựa đề hóm hỉnh “Chú Gấu Nga đã trở lại Việt Nam (The Bear is Back : Russia Returns to Vietnam), Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Châu Á đã nêu bật thành tố quốc phòng trong quan hệ đang trên đường phát triển thắm thiết trở lại giữa hai đồng minh cũ Việt Nam và Nga.

Được giáo sư Thayer cho phép, RFI xin giới thiệu toàn văn bài phân tích này :

Hôm 12/11/2013, Tổng thống Vladimir Putin đã thực hiện một chuyến thăm chớp nhoáng đến Hà Nội trong một ngày để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam đạt được vào năm ngoái. Đây là chuyến thăm Việt Nam thứ ba của ông Putin, và là lần thứ hai kể từ khi ông nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga.

Putin đã gặp ba lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam : Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng. Khi chuyến viếng thăm kết thúc hai bên thông báo đạt được 17 hiệp định song phương, bao gồm năm thỏa thuận trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng. Các thỏa thuận này phản ánh diện rộng của quan hệ hai nước, đã bắt đầu được phát triển trở lại 10 năm sau ngày Liên Xô sụp đổ.

Lực lượng vũ trang Việt Nam - phòng không không quân, hải quân, thiết giáp và pháo binh – đều lệ thuộc vào phụ tùng thời Xô Viết, và trang thiết bị rất cần được hiện đại hóa.

Từ năm 1993 đến năm 2000, Nga đã bán cho Việt Nam 12 chiến đấu cơ Su-27SK và Su-27UB Flanker, 2 hộ tống hạm tấn công trang bị tên lửa, 4 hệ thống radar và các thiết bị quân sự khác.

Vào tháng Ba năm 2001, Liên bang Nga đã trở thành đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam. Vào thời điểm đó, hai bên đã vạch ra 8 lĩnh vực hợp tác chính : Chính trị - ngoại giao, dầu khí, thủy điện và năng lượng hạt nhân, thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và du lịch, thiết bị quân sự, và công nghệ.

Điều 8 của Hiệp định Đối tác Chiến lược đã xác định rằng : « Hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong việc cung ứng thiết bị quân sự để đáp ứng nhu cầu an ninh của Việt Nam và Nga mà không nhắm vào bất kỳ nước thứ ba nào ».

Từ năm 2001 đến năm 2008, quan hệ song phương đã bị tình trạng kém cỏi của nền kinh tế Nga hạn chế; do đó quan hệ đối tác chiến lược đã có nền tảng rất mỏng. Từ năm 2008, Nga đã khôi phục lại sự ổn định chính trị và kinh tế nhờ ngành dầu khí phát triển. Nga đã tìm cách khai thác các cơ hội kinh doanh tại nước đang phát triển nhanh là Việt Nam và các tuyến thông thương giữa Việt Nam và vùng Viễn Đông Nga.

Vũ khí, đặc biệt trong lãnh vực phòng thủ biển được ưu tiên

Bán vũ khí cho Việt Nam đã sớm trở thành một thành tố quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt.

Từ năm 2008 đến năm 2012, Hải quân Việt Nam đã tiếp nhận 2 tàu khu trục có tên lửa dẫn đường lớp Gepard và 4 tàu tuần tra cao tốc lớp Svetlyak. Hải quân Việt Nam cũng mua 40 tên lửa Yakhont/SS-N-26 và 400 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran/SS-N-25.

Trong năm 2009, Việt Nam đã ký một hợp đồng mua 6 tàu ngầm quy ước tiên tiến lớp Dự án 636 Varshavyanka (Kilo).

Lực lượng phòng không không quân Việt Nam đã nhận 20 máy bay chiến đấu Su-30MK2V trang bị tên lửa hành trình chống hạm Kh-59MK, 100 tên lửa không-đối-không tầm ngắn R-73 (AA- 11 Archer ), 200 tên lửa địa-đối-không 9M311/SA -19 Grison, 2 hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU-1, 4 dàn radar tìm kiếm và phòng không Kolchnya, 3 hệ thống định vị vô tuyến thụ động Vera. Việt Nam cũng đã nhận hai dàn tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion.

Ngày 27/07/2012, Tổng thống Putin và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp nhau tại thành phố nghỉ mát Sochi và thông qua một Tuyên bố chung, nâng quan hệ song phương lên cấp đối tác chiến lược toàn diện. Thương vụ bán vũ khí của Nga và các hợp đồng dịch vụ với Việt Nam hiện trở thành thành tố quan trọng nhất trong quan hệ song phương Việt Nga.

Từ năm 2012, Việt Nam đã đặt mua thêm 12 máy bay Su-30MK2 và 2 hộ tống hạm lớp Gepard 3.9 được thiết kế đặc biệt cho việc chống tàu ngầm. Nga cũng được hợp đồng xây dựng một cơ sở bảo trì và sửa chữa tàu quân sự tại Vịnh Cam Ranh.

Ngay trước ngày ông Putin đến thăm Việt Nam vào tháng 11, Nga đã cho chở chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên về Việt Nam, và thông báo sẽ bàn giao vào tháng Giêng năm 2014 một trung tâm đào tạo thủy thủ tàu ngầm mà Nga đã xây dựng trong Vịnh Cam Ranh.

Hợp tác quốc phòng bao gồm cả việc chế tạo vũ khí Nga tại Việt Nam

Kết thúc chuyến thăm Việt Nam của ông Putin vào tháng 11/2013, một Tuyên bố chung được công bố, trong đó đề cập ngắn gọn đến việc hai bên đã đạt được một thỏa thuận về hợp tác quốc phòng, nhưng không cung cấp bất kỳ chi tiết nào.

Thông tin báo chí và các nguồn tin chính thức khác cho biết là Nga sẽ tham gia mạnh mẽ hơn vào việc giúp vận hành các loại vũ khí và thiết bị quân sự mà họ đã bán cho Việt Nam, và chuyển giao công nghệ quân sự cho phép hợp tác sản xuất. Chẳng hạn như có khả năng là Việt Nam và Nga sẽ hợp tác sản xuất tên lửa hành trình chống hạm Uran (SS-N- 25 Switchblade).

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 09/11/2013, ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Putin , Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã kêu gọi hai nước « nâng hợp tác quân sự lên tầm cao mới », để « tạo ra một bước đột phá mới » trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Ông Sang cũng đề xuất việc « liên doanh sản xuất, hợp tác trong nghiên cứu, trong việc thiết lập các trung tâm dịch vụ và bảo hành cũng như xuất khẩu sang nước thứ ba ».

Trong một tuyên bố đưa ra trước khi đến Hà Nội, Tổng thống Nga Putin đã ghi nhận rằng : « Hợp tác quân sự và kỹ thuật đã phát triển lên một quy mô hoàn toàn mới. Nó không còn giới hạn trong lãnh vực xuất khẩu vật tư, mà các bước đang được thực hiện để khởi động việc sản xuất có giấy phép các loại thiết bị quân sự tiên tiến với sự hỗ trợ của các công ty Nga tại Việt Nam ».

Mátxcơva muốn Hà Nội mở cửa Cam Ranh cho Hải quân Nga

Nga hiện đang thúc ép Việt Nam cho họ đặc quyền sử dụng các cơ sở sửa chữa, bảo trì tàu quân sự, và các cơ sở hậu cần được xây dựng tại Vịnh.

Trang thiết bị mà quân đội Việt Nam đã và sắp mua của Nga đã tạo ra một nhu cầu cấp bách trong việc bảo trì, sửa chữa và đào tạo một cách thích ứng, mà chỉ có các doanh nghiệp quốc phòng Nga mới có thể cung cấp. Ngoài ra, Nga đã đề nghị mở rộng các học viện quân sự của họ cho việc đào tạo nhân viên quân sự Việt Nam.

Liên quan đến việc Việt Nam đặt mua 6 chiếc tàu ngầm loại Kilo của Nga, Đô đốc Úc James Goldrick (đã nghỉ hưu) gần đây đã ghi nhận rằng : « Việt Nam đang cố gắng thực hiện rất nhanh chóng một điều mà trong thời gian gần đây không một lực lượng hải quân nào làm được, trên như một quy mô như vậy và từ một cơ sở hạn chế như vậy ». Ông kết luận : « Các con tàu mới có thể sẽ có một số lượng lớn người Nga trên tàu trong nhiều năm tới đây... Các chuyên gia Nga chắc chắn sẽ được cần đến trên bờ ».

Tóm lại, « Chú Gấu » đang trở lại Việt Nam. Trong những năm tới, các công ty Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc điều hành và bảo trì những hệ thống trang bị quân sự cao cấp, những thiết bị và vũ khí mà Việt Nam đã mua từ Nga. Các công ty quốc phòng Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc cùng sản xuất các loại tên lửa và vũ khí sẽ được trang bị cho các phương tiện không quân và hải quân mới. Và nhân viên quân sự cũng nhu các chuyên gia Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển hạm đội tàu ngầm của mình.

Các cơ sở quân sự của Nga tại Vịnh Cam Ranh cũng có thể được dự trù để tiếp tế và sửa chữa tàu hải quân Nga trên đường đi từ miền Viễn Đông Nga đến Vịnh Aden và ngược lại.

Như Tuyên bố chung ngày 14/11 đã tiết lộ, liên doanh dầu khí Nga-Việt sẽ tiếp tục công việc thăm dò và khai thác trên thềm lục địa của Việt Nam. Nga và Việt Nam do đó sẽ có chung lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông./

Quan hệ Nga-Việt và liên hệ Bắc Kinh

BBC - thứ sáu, 13 tháng 12, 2013

image033

Ông Putin đã nhiều lần thăm Việt Nam kể từ năm 2001

Trang tin chuyên phân tích thời sự thế giới Stratfor vừa có bài đánh giá quan hệ Việt - Nga trong bối cảnh những mối quan hệ phức tạp hơn trong khu vực.

Stratfor đánh giá Nga đang quay lại châu Á vào thời điểm mà Hoa Kỳ cũng đang có chính sách xoay trục về khu vực này.

Nó cũng diễn ra khi các nước châu Âu muốn bớt lệ thuộc Nga hơn về năng lượng và Moscow đang tìm các thị trường thay thế.

Hơn nữa Nga, nước có hơn 70% lãnh thổ nằm ở châu Á, cũng muốn có những quan hệ để có thể gây sức ép với Bắc Kinh do giới lãnh đạo Trung Quốc đang đẩy mạnh quan hệ với các nước Trung Á trong phạm vi gây ảnh hưởng của nước Nga.

Stratfor đánh giá quan hệ của Nga với các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam là quan trọng về chiến lược nhưng không phải là những mối quan hệ "không thể thiếu".

Quan hệ với Hà Nội vừa giúp Nga đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng và kiềm chế bước tiến của Trung Quốc ở trung Á.

Lịch sử quan hệ

Việt Nam, với vị trí bản lề ở Đông Nam Á và nằm trên tuyến đường biển nối liền hải cảng của Việt Nam và Nga, có quan hệ từ hàng chục năm nay với Moscow.

Từ lâu Việt Nam đã là đối tác gần gũi nhất của Nga ở châu Á, nhất là trong các giai đoạn mà cả hai nước phải tìm cách cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc.

image034

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm cho Quốc tế Cộng sản ở Moscow hồi năm 1923

Stratfor nói quan hệ giữa Hà Nội và Moscow bắt đầu từ khi Liên Xô cộng nhận chính phủ Việt Minh hồi năm 1950.

Trước đó, người lập ra nước Việt Nam hiện đại, lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã làm việc cho Quốc tế Cộng sản ở Nga hồi năm 1923 trước khi tới Trung Quốc để chỉ đạo cách mạng.

Nhiều nhà lãnh đạo cao cấp và trí thức Việt Nam hiện nay từng được đào tạo ở Nga.

Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Nga và Việt Nam bắt đầu từ năm 1959 khi Liên Xô tiến hành các khảo sát địa chất ở Bắc Việt Nam.

Tới năm 1981, liên doanh dầu khí giữa Liên Xô và Việt Nam, Vietsovpetro, trở thành công ty dầu đầu tiên ở Việt Nam.

Về mặt quan hệ quốc phòng, Nga cũng có lịch sử trợ giúp Hà Nội và trở thành mạnh thường quân chính của Bắc Việt Nam hồi năm 1965 khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội rạn nứt khiến Trung Quốc rút toàn bộ viện trợ vào năm 1968.

Liên Xô cũng lập căn cứ hải quân ở Cam Ranh hồi năm 1979 sau khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam và ủng hộ Khmer Đỏ ở Campuchia.

Quan tâm trở lại

Sau một thời gian lắng xuống trong giai đoạn sau khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ Nga - Việt được hâm nóng với chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam hồi năm 2001.

Ông Putin tiếp tục trở lại Việt Nam trong năm 2006 và trong chuyến thăm mới nhất hồi tháng 11 năm nay, hai bên đã ký một loạt các hiệp định hợp tác về năng lượng và quốc phòng.

Trong năm 2012, hai nước cũng nâng cấp quan hệ lên mức chiến lược.

Trang tin Stratfor đánh giá ngoài việc thiết lập thị trường để xuất khẩu năng lượng của Nga, việc tăng cường quan hệ với Hà Nội cũng giúp cho Moscow cân bằng lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại phía nam của Nga.

image035

Nga bán cho Việt Nam sáu tàu ngầm hạng kilo và huấn luyện cho hải quân Việt Nam

Nga đã đồng ý bán cho Việt Nam sáu tàu ngầm hạng kilo hồi năm 2009 và trong chuyến thăm mới đây nhất ông Putin gợi ý rằng Nga có thể bắt đầu sản xuất thiết bị quân sự ở Việt Nam.

Quan hệ quốc phòng Nga Việt sẽ giúp Hà Nội tăng khả năng chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng.

Về mặt năng lượng, mức tiêu thụ dầu của Việt Nam đã tăng từ 176.000 thùng mỗi ngày hồi năm 2000 tới 388.000 thùng một ngày trong năm ngoái.

Nhu cầu khí đốt tự nhiên cũng ước tính sẽ lên tới ba tỷ mét khối một năm vào năm 2015 và 15 tỷ mét khối vào năm 2025.

Năng lượng và tranh chấp

Trong và trước chuyến thăm mới nhất của ông Putin, Nga và Việt Nam đã đạt được một loạt các thỏa thuận về dầu khí.

Công ty năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom hiện có 49% cổ phần trong nhà máy lọc dầu Dung Quất và được hợp đồng tăng sản lượng của nhà máy lọc dầu duy nhất này lên 200.000 thùng mỗi ngày vào năm 2015, tăng 50% so với mức hiện nay.

Hãng quốc doanh Gazprom cũng được hợp đồng cung cấp dầu cho nhà máy thông qua đường ống Đông Siberia-Thái Bình Dương của Nga với mức ban đầu 60.000 thùng mỗi ngày và tăng lên 120.000 thùng một ngày vào năm 2018.

image054

Các công ty Nga có thể tham gia khai thác dầu khí ở vùng biển tranh chấp giữa VN và TQ

Trong khi đó công ty dầu nhà nước Rosneft trở thành đối tác chiến lược của dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội vốn có mục tiêu sản xuất 600.000 thùng dầu mỗi ngày cho dù hiện còn có nhiều trì hoãn và nghi vấn về tính khả thi của dự án.

Rosneft cũng còn có một cổ phần nhỏ trong một lô dầu ngoài khơi Việt Nam và bày tỏ quan tâm tới một lô khác trong vùng Biển Đông mà Việt Nam đang tranh chấp với Trung Quốc.

Stratfor nhận định bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển đông là cơ hội cho Moscow vì họ có thể dùng quan hệ với Việt Nam để đàm phán nhằm làm chậm bước tiến của Trung Quốc vào vùng giáp ranh với Nga ở Trung Á./

Nhật sẽ hỗ trợ 20 tỷ đôla cho ASEAN

BBC - thứ bảy, 14 tháng 12, 2013

image010

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại hội nghị hôm 14/12

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói nước này sẽ hỗ trợ 20 tỷ đôla cho Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)dưới hình thức viện trợ và cho vay không hoàn lại, động thái được cho là nỗ lực nhằm đối phó với sự mở rộng của Trung Quốc.

Tuyên bố được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN hôm 13/12, vài tuần sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng phòng không bao gồm cả một số khu vực mà Nhật Bản và Nam Hàn tuyên bố chủ quyền.

Nhật hiện đang tìm cách đẩy mạnh sư ủng hộ từ 10 nước ASEAN. Một vài nước trong khối này cũng đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Tuy nhiên Indonesia cho rằng mối quan hệ Trung-Nhật là yếu tố "quan trọng" đối với khu vực.

Hội nghị tại Tokyo được tổ chức nhằm đánh dấu 40 năm quan hệ Nhật Bản với khối ASEAN.

'Tự do hàng hải'

"Indonesia quan ngại sâu sắc trước việc tranh chấp chuyển thành xung đột công khai"

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono

Ông Abe nói gói hỗ trợ tài chính này sẽ được rải ra trong 5 năm, và hầu hết sẽ được thực hiện dưới dạng cho vay ưu đãi.

Thông qua đó, Nhật sẽ hỗ trợ việc phát triển khu vực sông Mekong, vốn kéo dài từ Trung Quốc và đi qua một số nước Đông Nam Á, cũng như cấp vốn cho một số dự án giao thông.

"Cùng với các nước ASEAN, tôi muốn xây dựng tương lai nơi mà châu Á được điều hành bởi luật pháp chứ không phải sức mạnh, và những người lao động chăm chỉ sẽ được đền đáp xứng đáng", ông Abe nói tại hội nghị.

"Điều này sẽ giúp chúng ta xây dựng một cộng đồng thịnh vượng, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau."

"Tôi hy vọng chúng ta có thể đạt được một tầm nhìn từ trung hạn đến dài hạn để có thể giúp thiết lập cách mà Nhật và Asean có thể cộng tác trong tương lai," ông nói thêm.

Căng thẳng trong khu vực đã lên cao sau khi Trung Quốc hồi tháng trước đơn phương tuyên bố thiết lập vùng phòng không tại Biển Hoa Đông với tên gọi Vùng nhận dạng Phòng không (ADIZ).

Tuyên bố chung của lãnh đạo Nhật và các lãnh đạo trong khối ASEAN đã kêu gọi tôn trọng quyền tự do hàng hải và tự do thương mại trong khu vực, hãng thông tấn Reuters cho biết.

Tuy nhiên tuyên bố này không đề cập trực tiếp đến ADIZ.

"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, đồng thời thúc đẩy an ninh và an toàn hàng hải, tự do đi lại, tự do giao thương," tuyên bố được Reuters trích dẫn.

"Bên cạnh đó, cũng cần phải kiềm chế trong các tình huống và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, theo những quy tắc được luật pháp quốc tế công nhận."

Trước đó, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nói một mối quan hệ tốt giữa Trung Quốc và Nhật Bản là "yếu tố quan trọng cho tương lai" khu vực.

"Indonesia quan ngại sâu sắc trước việc những bất đồng chuyển thành xung đột công khai. Điều này có ảnh hưởng xấu đến tất cả các nước trong khu vực," ông nói.

Philippines, nước hiện đang trap chấp chủ quyền các đảo trên Biển Đông với Trung Quốc, cho biết họ muốn duy trì việc tự do bay trong không phận quốc tế, nhưng không đề cập cụ thể đến Trung Quốc.

image011

Việt Nam nằm trong số các nước ASEAN đang tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc

Vùng phòng không

Bình luận về Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN, Bắc Kinh nói các nước không nên làm tổn thương lợi ích của bên thứ ba khi phát triển quan hệ.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói với các phóng viên hôm 13/12 rằng "các nước có liên quan nên có nỗ lực để duy trì ổn định khu vực".

"Các quốc gia trong khi phát triển các mối quan hệ của họ, không nên nhắm mục tiêu là bên thứ ba hoặc làm tổn thương lợi ích của bên thứ ba", ông Hồng Lỗi nói.

Vùng phòng không trên Biển Hoa Đông của Trung Quốc cũng bao gồm một số quân đảo đang tranh chấp với Nhật và một phần bãi đá mà Nam Hàn tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc yêu cầu các máy bay đi qua ADIZ phải tuân thủ luật lệ của nước này, trong đó có việc định dạng và báo cáo hành trình.

Hiện đang có quan ngại rằng một vùng tương tự cũng sẽ được tuyên bố trên Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết khu vực.

Máy bay quân sự từ Hoa Kỳ, Nhật và Nam Hàn đã thách thức ADIZ bằng việc đi qua khu vực này mà không thông báo trước.

Washington gọi tuyên bố về ADIZ của Trung Quốc là nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi thế cân bằng trong khu vực.

Các quốc gia ASEAN bao gồm Brunei, Campuchia, Indoensia, Lào, Malaysia, Miến Điện, Philippeins, Singapore, Thái Lan và Việt Nam./

 

RFIThứ bảy 14 Tháng Mười Hai 2013

Nhật và ASEAN sẽ hợp tác bảo đảm tự do lưu thông hàng không

image012

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cụng ly với Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah nhân buổi tiệc bế mạc thượng đỉnh Nhật - ASEAN tại Tokyo - REUTERS /Shizuo Kambayashi

Thanh Phương

Trong một thông cáo chung được công bố sau hội nghị thượng đỉnh tại Tokyo hôm nay, 14/12/2013, Nhật Bản và 10 quốc gia hiệp hội ASEAN tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để bảo đảm quyền tự do lưu thông trên không và an ninh hàng không dân dụng, sau việc Trung Quốc thành lập trên biển Hoa Đông một vùng phòng không gây tranh cãi từ nhiều ngày qua.

Cuối tháng 11 vừa qua, Bắc Kinh đã loan báo thành lập « vùng nhận dạng phòng không » trên biển Hoa Đông, nằm chồng lấn lên vùng phòng không của Nhật Bản và bao gồm cả quần đảo Senkaku, hiện do Nhật quản lý, nhưng Trung Quốc cũng khẳng định chủ quyền. Bắc Kinh đã đòi là mọi phi cơ bay ngang qua vùng phòng không này phải thông báo trước kế hoạch bay.

Nhật Bản, cũng như Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã kịch liệt chỉ trích Trung Quốc về việc thành lập vùng phòng không và đã cho các phi cơ bay qua vùng này mà không cần báo trước để chứng tỏ họ bất chấp quy định của chính quyền Bắc Kinh.

Trong hiệp hội ASEAN, bốn quốc gia hiện đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc là Việt Nam, Philippines, MalaysiaBrunei. Nhưng trong số 6 nước còn lại, một số nước được coi là thân cận với Bắc Kinh, như Cam Bốt và Lào, và điều này đã gây khó khăn cho các nhà ngoại giao trong việc soạn thảo bản thông cáo chung được toàn bộ các nước chấp nhận.

Nhưng Nhật Bản cũng đã thành công đưa được vào bản thông cáo chung một câu khẳng định rằng các nước tham gia thượng đỉnh Tokyo ủng hộ chính sách của thủ tướng Shinzo Abe « tích cực đóng góp cho hòa bình ».

Để nhận được sự ủng hộ của khối Đông Nam Á trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, tại hội nghị thượng đỉnh Tokyo, Nhật Bản đã cam kết tổng cộng 20 tỷ đôla, gồm các khoản viện trợ không hoàn lại và khoản vay cho các nước ASEAN.

Cuộc họp thượng đỉnh Tokyo, cũng như các cuộc gặp gỡ song phương với các lãnh đạo ASEAN còn đã là dịp để thủ tướng Shinzo Abe quảng bá cho đầu tư của các công ty Nhật vào thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng mà các nước trong khu vực này đang cần phải hiện đại hóa./

20 Tháng Hai 2014(Xem: 12333)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và người đồng nhiệm Campuchia Hun Sen khánh thành cột mốc biên giới số 314 kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước hồi tháng 6/2012.
29 Tháng Giêng 2014(Xem: 11397)
Trong không khí phấn khởi của phong trào đòi dân chủ và dân sinh tại Phnom Penh vào tháng 12/2013 và tháng 01/2014, với những cuộc biểu tình rầm rộ nhất trong lịch sử Cam Bốt, một khía cạnh đen tối đã xuất hiện
13 Tháng Giêng 2014(Xem: 11227)
Hôm qua, 05/01/2014, hàng ngàn người đã biểu tình ở Rangun để đòi xóa bỏ những đạo luật mang tính trấn áp và chấm dứt các vụ bắt giữ mang tính chính trị ở Miến Điện. Nhưng những người biểu tình cũng đòi chính phủ sửa đổi bản Hiến pháp năm 2008, để lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi có thể lên làm tổng thống Miến Điện.
12 Tháng Giêng 2014(Xem: 14344)
Tám năm sau Hội Tết Liên Hội tại Fairgrounds Santa Clara San Jose đạt con số kỷ lục. Hơn 70 ngàn vé vào cửa và tiền lời gần 80 ngàn. Nhưng sau đó thì thành tích từ từ đi xuống. Năm nay San Jose có 3 hội Tết nhưng chưa biết kết quả ra sao. Hai Hội Tết đúng ngày đầu năm âm lịch. Tết của tổ chức mới làm tại Faigrounds. Tết cuả anh bạn trẻ vẫn làm tại Sài Gòn Town và Tết của ông Lại Đức Hùng lui lại một tuần. Khiêm nhượng hơn, mang vẻ anh hùng thấm mệt. Nhưng IRCC vẫn dự trù sẽ đến với anh em. Đó là chuyện Tết San Jose.
11 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 20128)
Trong tuần qua Luật Sư Nelson Mandela Nguyên Tổng Thống Nam Phi đã ra người thiên cổ. Ông sinh năm 1918 khi Thế Chiến I kết thúc. Ông tốt nghiệp Trường Đại Học Luật Khoa Nam Phi năm 24 tuổi. Mười năm sau, năm 34 tuổi ông đứng ra phụ trách Đoàn Thanh Niên trong Liên Đoàn Quốc Gia Châu Phi để khởi sự đấu tranh cho độc lập tự do, nhân quyền chống chế độ Kỳ Thị Chủng Tộc.
09 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 11777)
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói rằng tuy mối quan hệ của Washington với Bắc Kinh là phức tạp và hai nước có những bất đồng thật sự, xung đột không phải là không thể tránh được.
01 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 12824)
Ngay khi loan báo thành lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ của mình trên Biển Hoa Đông ngày 21/11/2013, Trung Quốc còn nói thêm là sẵn sàng thiết lập vùng phòng không của họ tại các vùng biển khác. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, đối với Trung Quốc, việc lập thêm vùng phòng không tại Biển Đông không phải là một công việc dễ dàng.
28 Tháng Mười Một 2013(Xem: 12828)
Hôm 23/11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông (ADIZ), bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản đều nhận chủ quyền. Động thái này đã làm gia tăng căng thẳng vốn có giữa hai nước, nguy cơ xung đột cũng vì thế mà tăng cao.
17 Tháng Mười Một 2013(Xem: 12662)
Vào ngày 02/11/2013 dự án cáp treo từ Sa Pa đến thung lũng Mường Hoa và lên đỉnh Fansipan, đỉnh núi cao nhất Đông Dương đã được khởi công với số vốn 4.400 tỉ đồng Việt Nam, tương đương khoảng 208 triệu đô la Mỹ.
17 Tháng Mười Một 2013(Xem: 12576)
Là sản phẩm của Chiến tranh lạnh và cũng là biểu tượng của thế giới lưỡng cực bên tự do tư bản bên độc tài Cộng sản, bức tường Berlin được phía Đông Đức xây dựng vào tháng 8 năm 1961 và sụp đổ vào ngày 9/11/1989. Vì sao bức tường chia cắt không tồn tại được trăm năm như lãnh đạo Đông Đức Honecker tuyên bố trước đó vài tháng ?
17 Tháng Mười Một 2013(Xem: 11897)
Căn cứ theo phán quyết năm 1962, trong quyết định vừa được công bố sáng nay (11/11/2013) Tòa Án Quốc Tế đặt trụ sở tại The Hague - Hà Lan, khẳng định chủ quyền của Cam Bốt đối với khu vực chung quanh đền cổ Preah Vihear. Đây là một vùng đất có diễn tích 4,6 km vuông, có tranh chấp chủ quyền giữa Cam Bốt và Thái Lan.