Đak'Nông (Quảng Đức) có thêm công viên địa chất toàn cầu UNESCO

14 Tháng Bảy 20202:35 CH(Xem: 6415)

VĂN HÓA ONLINE - BỘ ẢNH NHÂN VĂN - THỨ BA 14 JULY 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Đak'Nông (Quảng Đức) có thêm công viên địa chất toàn cầu UNESCO


14/07/2020


Công viên Địa chất  Đắk Nông có diện tích hơn 4.700km, bao trùm trên 6 huyện, thành phố của tỉnh là Krông Nô, Cư Jut, Đăk Mil, Đăk Song, Đăk Glong và Gia Nghĩa. 


TTO - Sau 5 năm hình thành và phát triển, công viên địa chất ĐakNông vừa ghi nhận dấu mốc đáng nhớ khi trở thành công viên thứ ba của Việt Nam gia nhập Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO.


image016

Vườn quốc gia Tà Đùng nhìn từ trên cao thuộc công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông - Ảnh: PHẠM QUANG HƯNG


Lúc 22h ngày 16-7, tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức lễ xướng danh trực tuyến danh hiệu Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu năm 2020 do Mạng lưới CVĐC toàn cầu tổ chức qua phần mềm GotoMeeting. 


Các đại biểu tham dự sẽ theo dõi qua màn hình tivi tại điểm cầu Đắk Nông ở Trung tâm Thông tin CVĐC Đắk Nông. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự kiện này năm nay buộc phải tổ chức trực tuyến.


Thành quả bước đầu sau 5 năm


Việc UNESCO công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu Đắk Nông có ý nghĩa rất lớn với địa phương. 


Điều này không chỉ tạo lợi thế để quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung và CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông nói riêng ra quốc tế, lưu giữ được những giá trị về địa chất, đa dạng sinh học và nền văn hóa đa dạng của 40 dân tộc trên địa bàn tỉnh, mà còn tạo đòn bẩy lớn cho ngành du lịch của tỉnh Đắk Nông phát triển.


Nhìn lại quá trình chuẩn bị để có được danh hiệu CVĐC toàn cầu Đắk Nông, có thể thấy đây là một hướng đi có chủ đích và chiến lược rõ ràng ngay từ đầu. 


Kể từ năm 2014, sau những công bố phát hiện về hệ thống hang động núi lửa khu vực Krông Nô của các nhà khoa học Nhật Bản, chính quyền địa phương đã quyết tâm xây dựng Đắk Nông theo mô hình và định hướng tham gia Mạng lưới CVĐC toàn cầu.


Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đã tài trợ cho tỉnh xây dựng điểm di sản số 32 (nhà triển lãm âm thanh), một trong những điểm di sản đặc sắc, chỉ riêng có tại CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã thu hút rất lớn khách tham quan thời gian qua.


image017

Một hang động (hang C7) thuộc công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông - Ảnh: Takeshi Murase


image018

Hang P8 - Ảnh: Takeshi Murase


image015

Núi lửa Nâm Kar - Ảnh: Trần An


Thách thức bảo vệ danh hiệu


Theo quy định, cứ 4 năm một lần, UNESCO sẽ tái thẩm định và đánh giá sự phát triển của từng CVĐC toàn cầu. Bởi vậy, sau những nỗ lực phát triển để có được danh hiệu, Đắk Nông sẽ phải tiếp tục có chiến lược đầu tư, phát triển để bảo vệ và lan tỏa danh hiệu này.


Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-7, đại diện UBND tỉnh Đắk Nông cho biết trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai nhiều nội dung, trong đó chú trọng công tác quản lý nhà nước với di sản; thực hiện đồng bộ và nghiêm túc các quy định trong quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản; thực hiện Công ước di sản thế giới và các yêu cầu, khuyến nghị của UNESCO.


Đắk Nông cũng sẽ sớm hoàn thành đề án khoanh vùng di sản và phương án bảo tồn, phát huy tổng thể các giá trị di sản của CVĐC Đắk Nông, phát triển các sản phẩm để định hướng du lịch cộng đồng và du lịch bền vững tại địa phương.


CVĐC Đắk Nông có diện tích hơn 4.700km, bao trùm trên 6 huyện, thành phố của tỉnh là Krông Nô, Cư Jut, Đăk Mil, Đăk Song, Đăk Glong và Gia Nghĩa. 


Kể từ khi được thành lập (tháng 12-2015) tới thời điểm này, công viên cơ bản đã hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển du lịch tại các điểm, tuyến du lịch đã được thiết kế trong CVĐC như điểm đỗ xe, chòi dừng chân, hệ thống panô quảng bá trên các tuyến đường, biển chỉ dẫn tới các điểm tham quan, điểm di sản...


Tỉnh Đắk Nông cũng cho biết tỉnh sẽ ưu tiên thích đáng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và thu hút đầu tư các khu du lịch trọng điểm, phát triển những mô hình du lịch cộng đồng.


image019

Suối Đắk R'tih - Ảnh: Võ Anh Tú


image020

Thác Liêng Nung - Ảnh: Võ Anh Tú


Việt Nam có 3 công viên địa chất toàn cầu


Ủy ban chương trình và quan hệ quốc tế Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 209 đã thông qua quyết định của Hội đồng CVĐC toàn cầu, công nhận công viên địa chất Đắk Nông là CVĐC toàn cầu vào ngày 7-7 vừa qua.


Bằng công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông dự kiến được trao tại hội nghị quốc tế về Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO lần thứ 9 diễn ra từ ngày 15 đến 20-9 ở CVĐC toàn cầu Jeju, Hàn Quốc, nay được hoãn đến ngày 9-9-2021 vì dịch COVID-19.


Trước CVĐC toàn cầu Đắk Nông, Việt Nam đã có 2 công viên khác được UNESCO trao danh hiệu CVĐC toàn cầu là cao nguyên đá Đồng Văn (năm 2010) và non nước Cao Bằng (2018). Tới nay, toàn thế giới có 161 CVĐC toàn cầu tại 44 quốc gia. D.KIM THOA

28 Tháng Chín 2020(Xem: 6473)