VĂN HÓA ONLINE - BỘ ẢNH NHÂN VĂN - THỨ SÁU 09 OCT 2020
Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về: lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)
Đinh Tiến Mậu - Nhiếp ảnh gia lưu giữ nét hào hoa Sài Gòn một thuở
09/10/2020
TTO - Nhà báo, nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu qua đời trưa 8-10 ở tuổi 85. Ông là chủ hiệu ảnh Viễn Kính nức tiếng Sài Gòn xưa và cũng là phóng viên ảnh thời kỳ đầu của báo Tuổi Trẻ.
Ảnh chụp Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Thái Thanh - ba trong số những bức chân dung đẹp nhất của nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu
Tin nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu qua đời để lại sự tiếc thương trong giới văn nghệ, báo chí Sài Gòn. May mắn là năm 2017, nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên kịp thời hoàn thành cuốn sách khảo cứu - tiểu sử Ký ức một ảnh viện Sài Gòn: Câu chuyện Viễn Kính.
Cuốn sách kể về cuộc đời nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu, số phận hiệu ảnh Viễn Kính cũng như câu chuyện đằng sau hàng trăm bức ảnh tài tử, giai nhân mà ông đã chụp.
Để viết sách, Nguyễn Vĩnh Nguyên dành nhiều tháng trời phỏng vấn, khảo cứu tư liệu cùng nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu. Anh viết trên trang cá nhân hôm 9-10: "Kính tiễn bác Đinh Tiến Mậu, người thợ ảnh bình dị, bặt thiệp và tài năng của Sài Gòn hào hoa một thuở".
Bình dị, bặt thiệp và hào hoa
Đinh Tiến Mậu không chỉ là nhiếp ảnh gia. Ông còn là chứng nhân của lịch sử, là người "sống để kể lại" sau khi bao nhiêu người cùng thời đã đi xa, sống ở xứ sở khác hoặc thành người thiên cổ. Và ông kể lại bằng thái độ nhẹ bẫng đến bất ngờ, chỉ nhận mình là "thợ ảnh".
Nhờ lòng trân quý tài năng, ông còn trở thành bạn của những kỳ nhân, nghệ sĩ Sài Gòn từng đứng trước ống kính của mình. Danh ca Thái Thanh, người qua đời hồi tháng 3 ở tuổi 88, từng coi ông như một người bạn có thể trút bầu tâm sự.
"Đệ nhất danh ca" Thái Thanh từng là người bạn của nhà nhiếp ảnh - Ảnh: ĐINH TIẾN MẬU
Trong cuốn sách Ký ức một ảnh viện Sài Gòn, Đinh Tiến Mậu kể lại kỷ niệm của Sài Gòn một thời quá vãng, khi Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long đang ở thời đỉnh cao. Có những đêm diễn về, Thái Thanh trút bỏ vẻ ngoài của một danh ca chói lọi giữa hào quang, trở thành cô bạn nhiều nỗi niềm, rủ Đinh Tiến Mậu đi ăn đêm và trò chuyện.
Những phút giây bầu bạn như vậy về sau trở thành ký ức người ta nhớ mãi. Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu cũng tiết lộ, vợ ông chẳng hề ghen tuông dù ông làm bạn hoặc chụp ảnh những giai nhân đẹp nhất Sài Gòn thời đó.
Thanh Nga, nữ hoàng sân khấu với vẻ đẹp đài các, sang trọng - Ảnh: ĐINH TIẾN MẬU
Trước ống kính của ông, họ đẹp, nhưng không phải vẻ đẹp ngồn ngộn xác thịt trong con mắt đàn ông mà là vẻ đẹp của chiều sâu nội tâm qua cảm nhận của người nghệ sĩ, chính là ông.
Nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên từng đọc vị ảnh Đinh Tiến Mậu, rằng để có những bức chân dung sâu thẳm ấy, hẳn ông đã dành nhiều giờ ngắm nhìn nhân vật, cảm nhận tính cách của họ và khiến họ cởi mở trước ống kính của mình. Điều quan trọng là ông luôn giữ được giới hạn và ứng xử chừng mực trong nghề, nên rất được giới nghệ sĩ tôn trọng.
Vẫn là chuẩn mực chân dung nghệ sĩ
Những bức chân dung Thanh Nga, Kim Cương, Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, Thái Thanh, ban hợp ca Thăng Long, Bạch Yến, Thanh Lan, Mộng Tuyền, Lệ Thu, Duy Khánh, Thành Được... đều là những bức ảnh đẹp, có sức sống với thời gian.
Các tác phẩm của Đinh Tiến Mậu cũng được nhiều báo, tạp chí và hãng phim ở Sài Gòn xưa ưa chuộng. Nhiều bức được coi là chuẩn mực về chân dung nghệ sĩ như ảnh chụp Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Thanh Lan...
Ảnh chụp Thẩm Thúy Hằng được coi là chuẩn mực về ảnh chân dung nghệ sĩ qua dáng ngồi, cử chỉ, gương mặt, ánh mắt và thần thái - Ảnh: ĐINH TIẾN MẬU
Năm 2019, chương trình Ký ức vui vẻ cũng tái hiện hiệu ảnh Viễn Kính trên sân khấu và trưng bày những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông Đinh Tiến Mậu. Dàn nghệ sĩ gồm Thanh Bạch, Quyền Linh, Hiền Mai, MC Lại Văn Sâm... đều trầm trồ, thể hiện sự ngưỡng mộ với những bức ảnh chuẩn mực về nhiếp ảnh chân dung.
"Ông ngắm nhìn rất lâu, để tìm ra thần thái của từng người. Trên ảnh của ông, không người nào giống người nào hết. Ảnh cứ ra mắt là khán giả mê. Các báo chờ đợi tác phẩm của ông Đinh Tiến Mậu. Viễn Kính để đời là vì vậy" - Thanh Bạch nói về ảnh của Đinh Tiến Mậu.
Từ trái qua: Ban hợp ca Thăng Long, ca sĩ Lệ Thu và ca sĩ Thanh Lan - Ảnh: ĐINH TIẾN MẬU
Xuất hiện trong chương trình đó, Đinh Tiến Mậu vẫn minh mẫn ở tuổi 84. Ông chia sẻ cách chụp: "Nhiếp ảnh gia phải quan sát kỹ gương mặt của nghệ sĩ. Có những nghệ sĩ mặt oval, có người mặt vuông, mặt tròn. Mình phải chọn ánh sáng, góc chụp đẹp nhất, người mặt vuông thì dùng mái tóc che đi, chọn dáng ngồi hợp với vóc dáng của họ".
Ông cũng tiết lộ các bức ảnh nghệ sĩ nữ luôn có phần lông mi rất đậm là do ông vẽ bằng tay trực tiếp lên ảnh. Tiết lộ này gây bất ngờ vì khả năng vẽ của ông cũng rất tốt, khiến những đôi mắt trở nên có hồn và quyến rũ hơn.
Bức ảnh ghép độc đáo của nghệ sĩ Thanh Nga do Đinh Tiến Mậu tự lên ý tưởng và thực hiện - Ánh: ĐINH TIẾN MẬU
Từ trước năm 1975, nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu đã thực hiện kỹ thuật ghép ảnh cho bức ảnh kép của nghệ sĩ Thanh Nga. Đó là ý tưởng của chính ông khi muốn làm một điều đột phá trong nghề và được Thanh Nga hết mình ủng hộ.
Ông giải thích cách để lưu giữ nước ảnh đẹp và nét theo thời gian: "Lúc rửa nước, mình phải chà sạch hóa chất. Nếu còn hóa chất thì màu ảnh sẽ bị vàng và dễ bong". Đó là lý do các tác phẩm của hiệu Viễn Kính đến ngày nay chất lượng vẫn còn tốt để in cỡ lớn.
Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu về thăm báo Tuổi Trẻ nhân kỷ niệm 44 năm thành lập vào năm 2019 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Người miền Bắc lưu giữ hồn cốt Sài Gòn
Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu sinh năm 1935, quê ở làng Lai Xá, Hà Đông trước đây, nay thuộc xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội. Năm 1948, ông cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn khi mới 13 tuổi.
Vào Sài Gòn, ông học nghề chụp ảnh ở tiệm ảnh Văn Vấn và làm việc ở đó trong 10 năm. Năm 1958, ông mở tiệm riêng, mở đến 4 tiệm thì mới làm ăn yên ổn. Hiệu cuối cùng tên là Viễn Kính, ở 277 đường đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu).
"Tôi là người Bắc, người Bắc chính cống" - Đinh Tiến Mậu nói trong một chương trình truyền hình. Ông vẫn giữ giọng nói quê hương, không hề thay đổi dù đã sống 72 năm ở Sài Gòn. MI LY
+++++++++++++++++++++++++++++++
Sài Gòn được mở ra từ lịch sử một tiệm ảnh
09/11/2017
TTO - Ký ức một ảnh viện Sài Gòn - Câu chuyện Viễn Kính là cuốn sách khảo cứu mới nhất của Nguyễn Vĩnh Nguyên về đô thị Sài Gòn.
Bìa sách Ký ức một ảnh viện Sài Gòn - Câu chuyện Viễn Kính - Ảnh: C.N
Nhưng những tiếng động đầu tiên có thể cất lên sau những lao xao chưa hẳn là những gì đáng chờ đợi nhất, khi ký ức hay sự hoài niệm rất có thể là một thứ mốt, chúng ẻo lả ra vẻ hào nhoáng hay chuyên chở những tham vọng đại tự sự lớn lao... Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên.
Một đô thị Sài Gòn đã được mở ra từ một điểm nhìn hẹp là lịch sử một tiệm ảnh.
Cuộc trò chuyện với tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên về những điều bên ngoài trang sách dưới đây là một cách đọc khác.
* Đà Lạt và bây giờ là Sài Gòn. Từ bao giờ, đô thị trong tất cả các chiều kích từ không gian đến văn hóa là mối quan tâm của một nhà văn như anh?
- Ngoài việc cá nhân đã bị lực hấp dẫn của đô thị chi phối một cách tự nhiên, tôi thực sự quan tâm đến các đô thị khi tìm hiểu về những cơ tầng văn hóa bị phủ đậy bên dưới sự hào nhoáng và đổi thay nhanh chóng trong hiện tại.
Tôi may mắn gắn bó với hai không gian trí thức rực rỡ của miền Nam ngày hôm qua, đó là Đà Lạt và Sài Gòn. Lại cũng chính hai nơi ấy, chiều kích "không gian văn hóa" đã có sự co giãn, biến dạng hay can thiệp mạnh mẽ nhất bởi những dư chấn lịch sử.
* Đà Lạt, với anh, là một ám ảnh tuổi trẻ, là những tiếp nhận văn hóa hương xa đầu tiên và lớn lao, có thể hiểu thế, để bắt đầu các tản văn và nghiên cứu về Đà Lạt.
Thế còn Sài Gòn là gì? Và tại sao lại là một điểm quy chiếu rất nhỏ, một tiệm ảnh đã đóng cửa từ lâu?
- Những nghệ sĩ, trí thức miền Nam từng xê dịch giữa hai thành phố Đà Lạt và Sài Gòn. Đà Lạt là cao điểm của văn hóa, đời sống trí thức, nơi ẩn náu bình yên trước sự khốc liệt của thời cuộc chiến tranh. Đà Lạt là giải pháp cân bằng của cuộc sống Sài Gòn. Cho đến nay, với nhiều người, vẫn vậy.
Như bạn thấy, gần đây có nhiều cuộc lùng sục, khám phá trở lại những giá trị Sài Gòn trong quá khứ. Điều này rất đỗi tự nhiên sau một khoảng lặng kéo dài vì nhiều nguyên do.
Tôi muốn tìm một góc tiếp cận khác - hiểu Sài Gòn ngày hôm qua, những đổi thay của đô thị qua tiểu sử của một ảnh viện và một nghệ nhân ảnh bình thường, bình dân.
Suốt quá trình làm việc với nhân vật, tôi nhận ra điều thú vị - từ chính những người Sài Gòn bình dân, chẳng có tham vọng bước vào bức tranh lịch sử lớn của thành phố mới là những người nắm phần dữ liệu lịch sử thành phố trong tay.
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên - Ảnh: LÊ QUANG NHẬT
Một hiệu ảnh nhỏ của một thị dân bình thường đã có thể tựu thành một công trình có sức lấp lánh riêng, vậy thì công trình văn hóa đô thị của một giai đoạn lịch sử không lẽ chỉ là những kết luận sơ sài và định kiến?
Hẳn còn nhiều điều để khám phá bên dưới hiện tại cuồng khấu mà chúng ta đang sống.
Tôi vẫn đang khám phá những cơ tầng ẩn giấu đó, không riêng gì Sài Gòn hay Đà Lạt.
* Trong cuốn sách mới, anh cũng đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với cung cách giản dị, sự bình thường hóa mọi mối quan hệ thượng lưu của nhân vật chính.
Anh có nghĩ đô thị đang đánh mất đi những người như vậy, và có phải chính những người như vậy đã tạo ra một Sài Gòn hào sảng và hồn nhiên?
- Trong một xã hội mà con người được định vị chủ yếu qua vật chất, của cải thì đúng là những mối quan hệ như thế trở nên ngày càng hiếm hoi.
Bạn rất tinh tế khi chỉ ra điểm này: từ tình bạn giữa những người trên đỉnh cao danh vọng với anh thợ ảnh tưởng chừng vô danh một thời đã phóng chiếu một không gian văn hóa Sài Gòn biết coi trọng những giá trị nhân văn, đề cao nhân vị.
Khi nói tới tính cách Sài Gòn, không thể quên điều đó. Điều này cũng làm nên tâm tính Sài Gòn mãi tới hôm nay.
* Anh tin có thể níu lại điều gì đó, để đô thị và con người đô thị không bị biến dạng hay vô hình?
- Chẳng mong níu giữ điều gì cả, mà trước hết, với cá nhân mình, là để tri hành, để hiểu hơn về những nơi chốn và cái thời cuộc mà mình thuộc về. VƯƠNG THUẤN thực hiện